Home Chơi Một diễn giải về Kỳ lân (1)

Một diễn giải về Kỳ lân (1)

Người dịch: Nguyễn Việt Hải

 

Kỳ lân, một trong những sinh vật lai diệu kỳ nhất, có sức hấp dẫn lớn đối với trí tưởng tượng cũng như rồng, từ thuở sơ khai của nền văn minh tới thời đại của chúng ta bây giờ. Không già cỗi như rồng, các đặc điểm của nó cũng không xấu xí hay đáng sợ. Người ta truy tìm nguồn gốc của nó (dù không quá thuyết phục) trong các loài động vật khác nhau, và, theo một cách mơ hồ, nó có liên kết với thiên đường, nó len lỏi vào truyền thuyết, cổ tích, truyện ngụ ngôn, thậm chí trong biểu tượng của Đấng Cứu Thế. Tuy nhiên, chưa một học giả nào chấp thuận những diễn giải về chức năng của nó trong bất cứ bối cảnh nào kể trên. Những đặc tính quan trọng nhất của nó bao gồm chiếc sừng đơn, thường có dạng xoắn ốc, tốc độ hành động, tập tính đơn độc và các màu sắc trên thân và sừng của nó giống như Rồng, nó có tính cách mâu thuẫn: nó có thể dịu dàng và mang lại phước lành, cũng có thể trở thành những kẻ thù hung hãn. Ở đây chúng ta không quan tâm tới những biểu hiện của nó trong nhiều khía cạnh quá khứ, mà tới những đặc điểm đáng chú ý nhất có thể dẫn ta đến một diễn giải mang tính thử nghiệm và khả thi.

Hình kỳ lân trên huy hiệu của nữ hoàng Scotland Mary Stuart

Chúng ta bắt đầu với hình tượng kỳ lân trên huy hiệu Hoàng gia Anh, ở đó nó mang thân ngựa, chân và móng hươu, râu dê, một chiếc sừng dài có rãnh nhô ra từ trán và đuôi sư tử. Thậm chí trong thế kỷ này, người ta vẫn cho rằng chiếc sừng là biểu tượng của sự thống nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con, nhưng chưa ai dám mạo hiểm đặt một mẫu số chung mang tính biểu tượng giữa chiếc sừng và tính thần thánh. Nó giống như một con ngựa hiếu chiến nhảy chồm lên trước con sư tử, nó cong cổ, vẫy đuôi trong không trung, chuẩn bị dồn hết sức mạnh cơ thể vào cú húc sừng. Toàn bộ dáng vẻ đó gần giống với loài ngựa khi đối diện kẻ thù, mặc dù loài ngựa thường loại bỏ đối thủ bằng móng guốc sau. Kỳ lân, theo như tôi biết, chưa bao giờ giơ chân sau lên khi gặp kẻ thù. Theo quan điểm của chủ nghĩa tự nhiên, kỳ lân trên huy hiệu và những tiền thân gần nhất của nó vào thời Trung Cổ và Phục Hưng có hình dáng giống với loài ngựa nhiều hơn những tổ tiên của nó trong thời kỳ cổ đại. Trên huy hiệu, vị trí đối đầu sử tử của nó rõ ràng không mang ý nghĩa quan trọng ngoài biểu tượng quốc gia. Chúng ta không quan tâm trực tiếp đến những minh họa về kỳ lân trong văn học và nghệ thuật thời Trung cổ và Phục Hưng ngoại trừ tia sáng có thể dẫn ta đến với nguồn gốc của nó. Người xưa nhận định rằng sinh vật này chỉ có thể bị bắt hoặc giết nhờ sự trợ giúp của một trinh nữ như mồi nhử, cùng với các báo cáo của những nhà du hành ở phương Đông có thể được tìm thấy trong công trình của Odell Shepard. Một hoặc hai ví dụ chúng ta phải đề cập đến: trên một chiếc mề đay được làm bởi Pisanello, chúng tôi tìm thấy kỳ lân trong hình dạng một con dê trắng muốt có chiếc sừng hằn rãnh rõ rệt. Con vật ngoan ngoãn, một chân hướng ra trước, hiển nhiên đã được người trinh nữ ngồi kế bên xoa dịu. Phía trên là trăng khuyết. Bộ lông cừu đực hay dê có mối liên kết nhất định với sợi tơ của nữ thần Aphrodite (the spinning Aphrodite) hoạt động theo chu kỳ của mặt trăng, sau khi đánh giá một vài lý thuyết, Shepard kết luận rằng mối liên kết giữa kỳ lân và mặt trăng ‘không chỉ là lý thuyết mà là thực tế’.

Măt khác, một phiên bản khác, giống như trên chiếc mề đay, cho thấy một con kỳ lân dạng ngựa đang nghiêng đầu và hướng về phía mặt trời bên trên; trên lưng nó tọa một rương kho báu với chiếc vương miện trên đỉnh. Vật thể sau dường như biểu thị mối liên kết giữa vương quyền và mặt trời. Chúng tôi không bận tâm tới việc mặt trăng không xuất hiện. Người thời Phục Hưng có vẻ đã nhận ra, theo một cách mơ hồ nào đó, kỳ lân có liên quan tới cả mặt trăng và mặt trời nhưng không thể hình thành một mối liên kết nào giữa 3 vật thể đó. Dẫn nước là một đặc trưng khác trong hoạt động của kỳ lân, điều này có thể giúp giải thích ý nghĩa của chiếc sừng.

Một trong số ít nhất các loài kỳ lân là Tahish của miền Nam Ả-rập, trên những dãy núi tại Yemen. Nó có một cách kỳ lạ để trốn trên những dãy đồi suốt cả ngày, nhưng đêm đến, nó lang thang bên ngoài và là một quái thú đáng sợ nếu bị bắt gặp trên đường. Bộ da dày của nó không thể bị xuyên qua bởi dao hay đạn, tuy nhiên, thực tế vẫn còn một phương pháp đối phó với nó hiệu quả: từ trán của nó mọc ra một thứ không phải sừng, mà là một sợi lông dài chừng một thước, nếu tóm được và giật đứt sẽ khiến con quái thú mất thăng bằng trong thời gian dài. Phần lớn các đặc điểm của nó giống với ngựa, ngoại trừ đôi mắt sáng rực, đuôi sư tử và cặp ngà sắc nhọn chìa ra từ hai bên khóe miệng. Nó rất tôn trọng trinh nữ và những người có đạo đức tốt. Sợi lông trên trán nó, một đặc tính màu nhiệm, ban cho vật chủ sự bất khả xâm phạm và toàn tri trong chiến trận, những đặc tính mà chúng ta tìm được cũng liên quan đến Đấng Cứu Thế.

Một minh họa cổ về kỳ lân.
Nguồn: wikipedia

Nhìn chung, kỳ lân được cho là một sinh vật lai với hầu hết các đặc điểm giống ngựa, và bị các thợ săn săn đuổi nhiều. Ngược lại, nó có thể là một chiến binh dũng mãnh khi đối đầu với các loài vật khác, thậm chí với cả đồng loại; nó cũng có thể là những sinh vật bốn chân dịu dàng nhất. Chiếc sừng của nó có những sức mạnh đặc biệt kỳ diệu, đáng kể nhất là khả năng thanh lọc nước; nó cũng có thể phòng và chữa nhiều bệnh khác nhau, hoặc được dùng để làm trắng răng. Sinh vật này rất chọn lọc thức ăn, nó rất đề phòng, hay lảng tránh, và hiếm khi bị dính bẫy hay bị hạ gục dưới vũ khí của thợ săn. Một phương thức hiệu quả để bắt sinh vật này là lừa nó đâm xuyên một khúc cây bằng chiếc sừng của nó, mưu kế này khiến nó bị mắc kẹt bởi chính vũ khí của mình. Không tác giả nào cho chúng ta một mô tả chi tiết về việc này, cũng không ai thắc mắc làm thế nào một sinh vật với nhiều đặc điểm vay mượn từ nhiều loài vật khác nhau đến thế lại có thể chạy hoặc chiến đấu một cách hiệu quả; không một ai nỗ lực giải thích tại sao chiếc sừng lại có rãnh. Giống như các loài vật khác, có phải thần thoại hay không, kỳ lân cũng là chủ đề trong một vài diễn giải ngụ ngôn, quan trọng nhất là trong tôn giáo: nó đại diện cho sự thống nhất giữa Chúa Con và Chúa Cha.

Hãy chuyển sự chú ý của chúng ta sang những tuyên bố của người xưa, một vài trong số đó đơn thuần chỉ nhắc lại những gì chúng ta vừa mới đề cập, chúng ta chỉ tính đến những gì sẽ đóng góp cho một diễn giải quan trọng.

Ctesias, một thầy thuốc Hy Lạp trong cung điện Ba Tư, ghi chép rằng thân kỳ lân có màu trắng, đầu nó đỏ thẫm, đôi mắt xanh thẳm, phần gốc sừng màu trắng, phần chóp đỏ thẫm, phần giữa màu đen. Ông mô tả sinh vật này giống loài lừa hoang Ấn Độ, có khả năng chạy nhanh hơn loài lừa thông thường, ngựa hay hươu đực. Ông cũng ghi chú về đặc tính chữa lành của chiếc sừng. Aelian cũng cho chúng ta biết về loài lừa hoang Ấn Độ màu trắng ngoại trừ phần đầu ngả tím, đôi mắt xanh thẫm. Về chiếc sừng, ông mô tả màu sắc giống như Ctesias đã mô tả. Người dân Ấn Độ uống từ một chiếc sừng như thế, họ cuốn những chiếc vòng vàng xung quanh nó. Ông nhắc mãi về sức mạnh của chiếc sừng, sự hung bạo trong cú đá và cú đớp của con vật và thứ thịt không thể ăn được của nó. Ở một ghi chú khác, ông nhắc đến loài vật một sừng tại Ấn Độ được gọi là Cartazonus, có kích thước giống ngựa với chiếc bờm hơi đỏ, móng guốc không chẻ và đuôi lợn, chiếc sừng màu đen sắc nhọn với những xoắn ốc tự nhiên. Nó có tiếng kêu chói tai. Nó dịu dàng đối với các loài vật khác nhưng thiếu thân thiện với chính đồng loại của mình. Chưa một ai từng bắt gặp một con trưởng thành còn sống.

Pliny gọi kỳ lân là một loài vật hung dữ với cái đầu hươu, thân ngựa, chân voi và cái đuôi của lợn rừng, nó có một chiếc sừng màu đen cắm sâu bên dưới dài 3 feet. Aristotle nhắc đến loài lừa hoang Ấn Độ có một chiếc sừng ở giữa trán nhưng đã bổ sung một vài đặc điểm. Dù sao, ông đã nhắc tới một loại gia súc nào đó tại Phrygia và nơi khác có chiếc sừng gắn vào da thay vì vào xương đầu, từ đó cho phép con vật di chuyển chiếc sừng lên trên và xuống dưới như tai. Một ghi chép như vậy có thể dễ dàng giải thích cho việc chiếc sừng có thể hạ xuống để chạm nước, như trên chiếc mề đay được dẫn chứng bên trên.

Aristotle cũng chịu trách nhiệm cho tuyên bố của ông về loài lừa hoang Ấn Độ được biết đến là độc sừng và móng guốc đơn. Móng guốc đơn, như Ctesias đã đề cập, được Aristotle thừa nhận, đặc điểm này cũng được đề cập trong ghi chép của Aelian. Chúng ta cũng lưu ý đến kỳ lân của Pliny có chân giống voi, loài có ngón chân không được phân tách rõ ràng, theo Aristole, trong ghi chép khác, ông bổ sung ngón chân của chúng không chia tách và có ít khớp, không có móng. Đặc điểm có vẻ kỳ dị và vô lý này của kỳ lân sẽ rất quan trọng cho diễn giải của chúng ta.

Solinus đưa ra một tuyên bố ngắn gọn, đúc kết từ những ghi chép của những người đi trước: kỳ lân là một con quái vật, một sinh vật độc ác với tiếng thét kinh khủng, thân ngựa, chân voi, đuôi lợn, đầu hươu và một chiếc sừng sắc nhọn ở giữa trán; không thể bắt sống nó. Như Shepard nhấn mạnh, sinh vật này đã bị thanh trừng khỏi ghi chép sau này về nó bởi những đặc điểm ác quỷ, vì chúng mâu thuẫn với kỳ lân trong Kinh Thánh.

Apollonius xứ Tyana xác nhận ông từng nhìn thấy kỳ lân, tuy nhiên ông hoài nghi những báo cáo được nghe về chiếc ly Ấn Độ. Oppian nhắc tới con bò với móng guốc đặc và chiếc sừng nặng nề ở giữa trán. Ghi chép này gần hơn với các phiên bản của Hy Lạp và Lưỡng Hà, khi chúng tôi tìm thấy chúng trong các đồ tạo tác, từ đây chúng ta có thể phỏng đoán rằng ông có chút niềm tin vào những câu truyện về loài lừa Ấn Độ. Ceasar đã đề cập tới quái thú rừng Hercynean, với thân hươu và một chiếc sừng dài, thẳng nhô ra từ trán, những nhánh trên cùng của sừng xòe ra như những bàn tay đang mở. Có thể cho rằng những người dân phía Bắc dãy Alps, khá quen thuộc với những chiếc sừng hươu, đã vẽ nên đặc điểm này từ kinh nghiệm săn bắn của họ, nhưng sừng hươu quá phổ biến trong biểu tượng của thiên đường, nhằm khích lệ niềm tin về một con kỳ lân có sừng hươu từng được một hoặc vài người cụ thể nhìn thấy. Nhiều biểu tượng kiểu này, có nguyên mẫu bắt nguồn từ kinh nghiệm, đã xa rời ngoại hình gốc và được kết hợp với nhiều đặc điểm khác, khó dung hòa được ý nghĩa biểu tượng với thể hiện ban đầu; hai thứ thuộc về hai thái cực nhận thức khác nhau. Sự lúng túng trong việc tìm kiếm cả hai trong cùng một bình diện, thể hiện đặc biệt rõ ràng trên các hiện vật.

Một minh họa cổ về kỳ lân.
Nguồn: internet

Loài hươu, dù có phải kỳ lân hay không, cũng đóng vai trò rất quan trọng như một loài vật mang tính biểu tượng. Chúng thậm chí có thể thế chỗ đại bàng như một đối thủ đáng gờm của mãng xà, và trong vai trò mà chúng tôi được biết, nó có thể truy lùng con mồi bằng cách đánh hơi chỗ ẩn náu của chúng hoặc đẩy chúng ra ngoài bằng nước phun từ miệng. Giống như kỳ lân, loài hươu được Cammann xác nhận có thể là một sinh vật liên quan đến mặt trăng có sừng trái ngược với phượng hoàng (sun bird), đại diện cho năng lực giải độc. Loài vật này vừa có thể là một con kỳ lân trong trường hợp chiếc sừng đại diện cho mặt trăng, vừa là biểu tượng của mặt trời. Một trong những tham khảo sớm nhất về loài kỳ lân hươu đến với chúng tôi là từ Megasthnes. Nghệ sĩ Hy Lạp, đặc biệt sau giai đoạn cổ xưa, không có xu hướng thể hiện những quái vật lai tạp như vậy trên tác phẩm của mình như chúng tôi tìm thấy trên những chiếc bình đồng Trung Quốc hoặc trong nghệ thuật điêu khắc đền của Ấn Độ giáo. Medusa, rất phổ biến trong giới nghệ sĩ cổ đại, là một biểu tượng sớm hơn cho cùng một hiện tượng tạo nên kỳ lân. Điều này có thể giải thích cho sự vắng bóng kỳ lân trong nghệ thuật Hy Lạp; chúng tôi nhớ đến các ghi chép về sinh vật lai một sừng xuất hiện tương đối muộn trong văn học Hy Lạp khi hình tượng Medusa đã cố hữu trong nghệ thuật, và do đó được sử dụng như một vật thay thế. Các ghi chép về quái vật lai, như truyền thuyết về Medusa, rõ ràng đến từ phương Đông. Ví dụ điển hình về kỳ lân Hy Lạp ít được chú ý, là tượng bò tót bằng đồng tại Besancon (Plate II), nó có thêm một chiếc sừng ngắn dạng nón nhô ra từ giữa trán bên cạnh hai chiếc sừng thường ở hai bên. Bên dưới chiếc sừng, ở giữa có một vòng xoáy mặt trời mà ý nghĩa của nó, chắc chắn biểu thị mặt trời và mặt trăng được kết hợp trong biểu tượng trên đầu. Những ví dụ sau này có thể kể đến một con kỳ lân dạng đại bàng chồm lên từ một chiếc sừng kết trên trang sức Hy Lạp và một con kỳ lân dạng ngựa trên một chiếc quan tài đá tại Verona. Trong nghệ thuật Lưỡng Hà, von Oppenheim đã tìm thấy một hình chạm nổi tại Tell Halaf, trên một cột hình trôn ốc, mà theo ông, đứng giữa là hai con linh dương, từ đầu của chúng mọc ra một chiếc sừng. Cũng có những loài vật một sừng khác trên những con dấu hình trụ, chúng ta có thể khá chắc chắn về một vài trong số đó, số còn lại không dễ dàng xác định. Hình nón, dù chúng có dấu vết từ hiện tượng tương tự như kỳ lân, cũng không nằm trong cùng phân loại.

Chúng ta cần hướng sự chú ý tới bức minh họa trên cuộn giấy cói Ai Cập trong bảo tàng Anh, cho thấy một con sư tử và một con bò tót một sừng hoặc con lừa đang ngồi chơi cờ. Hơn cả sự châm biếm, sư tử đại diện cho mặt trời đang thi đấu với kỳ lân để giành vị trí cao trên trời, trận đấu mà sư tử sẽ luôn thắng, như trên hình chạm nổi tại Persepolis. Chiếc sừng được ghi chú là màu đen. Bàn cờ, sau này cũng xuất hiện trong các truyền thuyết, đơn giản là một cách thức khác để đại diện cho trận đấu giữa mặt trời và địch thủ. Chúng ta biết được một chút về kỳ lân như một loài vật tại Ấn Độ, ngoại trừ loài lừa hoang được người Hy Lạp ghi chép lại và Karkadann trong nghệ thuật Hồi Giáo Ấn Độ. Điều này, tất nhiên, không có nghĩa nó vắng mặt trong truyền thuyết Ấn Độ; điều này đơn giản chỉ ra nó xuất hiện dưới dạng kirttimukha, chiếc mặt nạ giống như Medusa của Hy Lạp. Chúng ta nên bổ sung rằng thần Vishnu đã tự gọi mình là kỳ lân.

Tượng kỳ lân ở Bắc Kinh Nguồn: internet

Phiên bản kỳ lân của Trung Quốc xuất hiện trong nghệ thuật, nhưng xuất hiện thường xuyên hơn trong văn học. Chúng ta biết rằng nó có một cái sừng trồi lên từ trán nhưng, trái ngược với phiên bản phương Tây, chóp sừng là thịt, một đặc điểm bị coi là vô dụng đối với một chiến binh. Da nó có màu trắng, đỏ, vàng, xanh và đen, màu vàng chiếm phần lớn ở dưới bụng (ta có thể nhận thấy màu sắc ở đây đã được Ctesias và Aelian đề cập). Nó đứng cao 12 cubit (đơn vị đo lường cổ, 1 cubit = 46 cm). Nó có chân giống ngựa với móng guốc tròn, tốc độ đi, rẽ và quay lại của nó bình thường. Nó có tiếng kêu giống tiếng chuông hoặc tựa như nhạc cụ. Người ta thường tạc nó trên đồng, cõng mảnh trăng khuyết trong mây trên lưng. Nó nổi tiếng vì có thể đi trên nước như đi trên bờ. Nó là một sinh vật rất hiền hòa, biết phân biệt tốt xấu, nó thậm chí sẽ không dẫm lên cỏ và đi lại rất cẩn thận để không làm hại bất cứ sinh vật nào dù lớn hay nhỏ. Về chế độ ăn, nó là loài ăn chay. Nó là một sinh vật đơn độc, không bao giờ giao phối bừa bãi với các loài khác. Một vài hình minh họa thể hiện một sinh vật lai bốn chân kỳ lạ có đôi mắt lồi, râu dê và đôi cánh ngắn. Nó được coi là một trong bốn Tứ Linh của Trung Quốc, cùng với Phượng Hoàng, Rồng và Rùa. Là một đại diện của những loài vật nhiều lông, nó được sinh ra từ Dương (yang).

Giống như Phượng Hoàng, kỳ lân Trung Quốc là một sinh vật nhân từ xuất hiện trong thời kỳ phồn vinh, khi hoàng đế trị vì dân chúng một cách sáng suốt. Nó được coi như điềm lành trước khi khởi hành. Khi thần Bàn Cổ (Pan Ku) kiến tạo vũ trụ, Tứ Linh đã đồng hành cùng người và trở thành tổ tiên của vương quốc loài vật. Kỳ lân xuất hiện trước cái chết của Khổng Tử, và lần cuối cùng trước cái chết của nhà hiền triết. Một ghi chép khác nhấn mạnh mẫu thân của Khổng Tử đã mang thai khi bà bước vào dấu chân của loài vật này. Mặc dù nữ giới được nhắc đến, cái tên kỳ lân dành cho cả nam và nữ, điều này có nghĩa là sinh vật đôi khi được coi là lưỡng tính; nó đến từ một nơi xa, có lẽ từ trên trời xuống, sau một khoảng thời gian dài. Trong thời kỳ chiến tranh, đàn ông tàn nhẫn và xấu xa, họ giết những con vật đang mang thai hoặc tàn sát con non của chúng, kỳ lân lúc này không xuất hiện. Nó có lẽ đã hóa thân vào một nhân vật xuất chúng, người sẽ đóng vai trò như một đấng cứu thế hoặc người giải phóng dân chúng khỏi áp bức.

(Còn tiếp)

***

Bài gốc: An Interpretation of the Unicorn
Tác giả: Elmer G. Suhr
Nguồn: Folklore, Vol. 75, No. 2 (Summer, 1964), pp. 91-109

BIỂU TƯỢNG KỲ LÂN TRONG VĂN HỌC DÂN GIAN CỦA PHƯƠNG TÂY (P.1)

Bài viết có chứa một số nội dung phù hợp với lứa tuổi 16+. ---- Kỳ lân là biểu tượng chính trong "Skandar và kẻ trộm kỳ lân" của cô A. F. Steadman. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên sinh vật huyền thoại này xuất hiện trong văn học. Chúng mình xin giới thiệu đến các bạn một bài viết thú vị về kỳ lân của tác giả Teresa Noelle Roberts đăng trên tạp chí Mythlore (1982, vol. 8 ). Thông qua bài

BIỂU TƯỢNG KỲ LÂN TRONG VĂN HỌC DÂN GIAN CỦA PHƯƠNG TÂY (P.2)

Bài viết có chứa một số nội dung phù hợp với lứa tuổi 16+. ---- Dù câu chuyện Trinh Nữ Bắt Kỳ Lân/ Lễ Săn Thiêng phổ biến như một ẩn dụ về Chúa, thì ý nghĩa gốc về tính dục của huyền thoại này không hề mất đi. Phiên bản câu chuyện Trinh Nữ Bắt Kỳ Lân được kể trong bộ sưu tập truyện ngụ ngôn xứ Provence giống một cuộc đi săn trần tục hơn. Con kỳ lân tìm cách gạ gẫm trinh