Home Hiểu BIỂU TƯỢNG KỲ LÂN TRONG VĂN HỌC DÂN GIAN CỦA PHƯƠNG TÂY (P.1)

BIỂU TƯỢNG KỲ LÂN TRONG VĂN HỌC DÂN GIAN CỦA PHƯƠNG TÂY (P.1)

Bài viết có chứa một số nội dung phù hợp với lứa tuổi 16+.

—-

Kỳ lân là biểu tượng chính trong “Skandar và kẻ trộm kỳ lân” của cô A. F. Steadman. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên sinh vật huyền thoại này xuất hiện trong văn học. Chúng mình xin giới thiệu đến các bạn một bài viết thú vị về kỳ lân của tác giả Teresa Noelle Roberts đăng trên tạp chí Mythlore (1982, vol. 8 ). Thông qua bài viết, tác giả Teresa Noelle Roberts đã đưa ra một số giả thuyết và các diễn giải hình tượng kỳ lân trong thần thoại – lịch sử – văn học dân gian phương Tây.

Tạp chí Mythlore do Mythopoeic Society – cộng đồng tập hợp rất nhiều nhà văn, chuyên nghiên cứu văn học thần thoại, đặc biệt là các tác phẩm của J. R. R. Tolkien, Charles Williams và C. S. Lewis, xuất bản.

>> Tìm hiểu thêm về cuốn sách SKANDAR VÀ KẺ TRỘM KỲ LÂN: Skandar và Kẻ trộm kỳ lân – A. F. Steadman – Book Hunter Lyceum

—–

Con kỳ lân xinh đẹp, đơn độc và dữ dội vẫn khơi gợi trí tưởng tượng của con người trong nhiều thế kỷ qua. Sinh vật với chiếc sừng hình xoắn độc nhất hiện ra trong các truyền thuyết ở khắp nơi tại châu Âu, và vùng Cận Đông; thậm chí nó xuất hiện cả ở phương đông như Trung Hoa, ở đó nó được gọi là lân. Lân được xem là linh thú của trời, xuất hiện khi có một bậc hiền nhân ra đời. Ở châu Âu thời Trung Cổ, kỳ lân được cho là một loài thú có thật, giống như loài voi, sống ở những nơi xa xôi đến nỗi khó có ai bắt gặp. Dù đối với nhiều người ở thời Trung Cổ, kỳ lân là có thật, thì một hệ thống huyền thoại phức tạp được xây dựng đã đem đến cho quái thú này một tầm ảnh hưởng kỳ vĩ.

Có nhiều khuôn mẫu cho ngoại hình của kỳ lân. Ctesias, một nhà tự nhiên học người Hy Lạp ở thế kỷ 4 TCN, đã mô tả nó giống với con lừa hoang, nhưng có một chiếc sừng, 1/3 dưới cùng của sừng màu trắng, phần giữa màu đen, phần trên cùng của sừng màu đỏ. Tuy nhiên, cho đến thời trung đại, quy ước chung của nghệ thuật lại gán cho kỳ lân là con thú màu trắng bặc, đầu và thân mình của ngựa, bộ râu dê, đuôi của ngựa hoặc sư tử, bốn chân là của loài linh dương, dưới chân là móng guốc chẻ đôi.

Kỳ lân được nhớ đến nhờ bản tính kiêu hãnh, hoang dại; không thể bắt giữ nó, trừ khi có sự giúp sức của một trinh nữ. Khi một trinh nữ xuất hiện, con quái thú sẽ trở nên nhu mì đến nỗi nó quỳ xuống và ngả đầu vào lòng nàng. Ở tư thế đó, nó sẽ ngủ quên và người ta có thể bắt giữ nó. Các nhà khoa học thời Trung Cổ cảm thấy việc bị hấp dẫn trước các trinh nữ là một đặc trưng riêng biệt của kỳ lân, “giống như các đặc trưng … được gán cho mọi sinh vật khác.”

Trinh Nữ bắt Kỳ Lân – Tấm thảm thứ năm trong bộ thảm “Săn Kỳ Lân” (Unicorn Tapestries)

Tuy thế, kỳ lân không giống mọi sinh vật khác. Chiếc sừng tưởng tượng độc nhất của nó là trung tâm cho nhiều huyền thoại: chiếc sừng đại diện cho “quyền trượng” từ chỗ nhà vua đến tận vị trí thiên đỉnh của mặt trời; nó có thể vô hiệu hóa chất độc và chữa lành bệnh động kinh cũng như chứng co giật. Bản thân kỳ lân trở thành biểu tượng cho đời sống tu tập, vì bản tính cô độc của nó. Kỳ lân cũng đại diện cho mặt trăng khi nó chống lại kẻ thù, còn sư tử được ví với mặt trời. (Huyền thoại này có thể giải thích cho Quốc huy Vương quốc Anh – The British Arms). Robert Graves đã lần theo huyền thoại về mặt trăng này đến những truyền thuyết về Đại Nữ Thần cổ xưa, bà vừa là nữ thần mặt trăng vừa là nữ thần trí tuệ. Trong bối cảnh này, trinh nữ bắt giữ kỳ lân đại diện cho Đại Nữ Thần “bắt giữ” kẻ theo đuổi sự thật.

Graves có thể đã tìm ra những nguồn gốc của thần thoại về Trinh Nữ Bắt Kỳ Lân, nhưng cho đến tận Thời Trung Cổ, ý nghĩa của câu chuyện này đã thay đổi rất nhiều. Nó không còn liên quan đến một nữ thần ngoại đạo và kẻ thờ phụng bà. Giờ đây, câu chuyện mang sức nặng của cả thế tục lẫn tính biểu tượng của tôn giáo.

Bắt đầu cuộc săn – Tấm thảm thứ nhất trong bộ thảm “Săn Kỳ Lân”

Nếu người ta ao ước bắt được một con kỳ lân, thì người ta tin rằng những thợ săn phải mang theo một thiếu nữ vào rừng và để cô lại đó một mình, tốt nhất là trói cô ta vào cây. Một vài nguồn thông tin cho rằng thợ săn sẽ có nhiều cơ hội hơn nếu cô gái ấy khỏa thân, hoặc cô ấy thật xinh đẹp, nhưng tất cả các nguồn đều thống nhất ở một điểm – cô gái phải là trinh nữ. Nếu cô ấy là trinh nữ, và trong vùng có một con kỳ lân, nó sẽ đến chỗ cô gái và ngủ quên trong lòng co. Nếu cô gái không phải là trinh nữ, con kỳ lân sẽ không đoái hoài đến cô, hoặc theo một số lời giải thích có từ thời Trung cổ, thì nó sẽ dùng sừng đâm xuyên qua cô.

Các bộ sưu tập truyện ngụ ngôn thời Trung Cổ về loài vật đưa ra những lý do khả quan giải thích vì sao kỳ lân bị hấp dẫn trước những trinh nữ. Một cách giải thích đậm tính nhục dục – phụ nữ khỏa thân xinh đẹp kích thích kỳ lân. Các tác giả ủng hộ giả thuyết này thường nhắc đến chuyện kỳ lân bú những bầu ngực của cô gái và tìm cách có những mơn trớn đầy dục tính khác trước khi ngủ quên với chiếc sừng đặt trong một tư thế đầy tính biểu tượng. Một giả thuyết khác được phát triển bởi nhà văn ở thế kỷ 12 là Alanus de Insulis. Lời giải thích dựa trên giả thuyết đậm chất y học phổ biến vào thời đó về thể dịch đối lập. “Thể dịch” khô, nóng như lửa, hoặc nhu cầu tự nhiên, của kỳ lân bị hút về phía không khí ẩm ướt, mát lạnh do thể dịch lạnh, thuần khiết của trinh nữ tạo ra. Thay đổi về nhiệt độ này khiến nó thoải mái và quyết định chợp mắt một chút.

Lời giải thích phổ biến nhất về Trinh Nữ Bắt Kỳ Lân lại vốn tồn tại trong chính trinh nữ ấy. Con kỳ lân, như giả thuyết, bị hấp dẫn vì “mùi hương trong trắng.” Vì lý do nào đó – một số nguồn khác hẳn dù cho rằng đó là do tính thuần khiết hoặc dâm đãng của kỳ lân – con kỳ lân bị thu hút về phía mùi hương trong trắng. Lòng tin và tình yêu đối với thiếu nữ trong trắng đã chiến thắng bản tính xa cách của kỳ lân, và nó chìm vào giấc ngủ mê mị.

Tìm thấy kỳ lân – Tấm thảm thứ hai trong bộ thảm “Săn Kỳ Lân”

Câu chuyện dễ thương này có thể bắt nguồn từ một câu chuyện đi săn, trần tục, thậm chí có hơi hướng thô tục. Vào đầu thế kỷ 17, Fray Luis de Urreta, trong cuốn sách của ông, Historia de ló Grandes y Remotos Reyos de la Etiopia, Monarchia del Emperador Preste Juan, đã kể chuyện các thợ săn ở bắc châu Phi tuyên bố bắt giữ được những con tê giác với sự trợ giúp của một con khỉ cái được huấn luyện. Con khỉ sẽ thu hút con tê giác bằng cách cù và xoa bụng của tê giác. Cuối cùng, con tê giấc sẽ nằm xuống và duỗi mình thoải mái để tận hưởng. Lúc đó, các thợ săn có thể bò đến và đâm vào bụng con vật. Trong The Lore of the Unicorn, Odell Shepard cho rằng câu chuyện kể trên đã lan truyền từ Bắc Phi sang đến Trung Đông, và từ đó sang châu Âu. Trong khi được truyền đi, loài tê giác đã được chuyển sang thành kỳ lân – một con vật khá giống với tê giác châu Âu thời đó; con khỉ được chuyển thành một cô gái.

Những tín đồ Cơ-đốc giáo ban đầu hình như đã nhận thấy huyền thoại này là một phương tiện hoàn hảo cho phúng dụ. Với một câu chuyện tương đối đơn giản, họ đã thêm vào các lớp nghĩa, và biểu tượng mới ra đời từ tín ngưỡng. Thực tế, những tín đồ Cơ-đốc không mất nhiều thời gian để chấp nhận kỳ lân là một biểu tượng của chúa Christ.

Thánh Basil, một giáo phụ, đã viết, “tính bất bại của Chúa được liên kết với tính bất bại của kỳ lân.” Thánh Ambrose nói, “Con kỳ lân có thể là ai ngoài Đứa con của Chúa được sinh ra?” Chúa được sinh ra trên đời dưới danh xưng Jesus Christ, thông qua Đức mẹ Đồng trinh Maria. Thực tế, Ngài, giống như con kỳ lân kia, bị một nữ hầu bắt đi. Bản tính xa cách và kiêu ngạo tột cùng của con kỳ lân đã được thuần hóa bởi một trinh nữ, Thiên Chúa trở thành con của Đức Mẹ Đồng Trinh.

Trong khi phép so sành kỳ lân với Chúa được đông đảo chấp nhận, các nhà thần học lại tìm ra các luận điểm khác trong so sánh này. Tertullian, một giáo phụ, đã kết nối câu chuyện trên kia với Cây Thập Giá, phần bên trên của cây thập giá được so với sừng của kỳ lân. Mũi sừng hướng về phía Thượng Đế, như Cây Thập Giá theo đúng nghĩa đen và hình tượng. Một biểu tượng khác, một biểu tượng rõ ràng bắt nguồn từ những văn học dân gian, đó là khả năng điều khiển nước. Thời cổ đại, và suốt thời Trung Đại, người ta tin rằng loài rắn có thể gây nhiễm độc cho nguồn nước trong đêm. Vào buổi sáng, những sinh vật khác sẽ trông thấy nọc độc bập bềnh trên mặt nước. Do đó, chúng không được uống nước, chúng sẽ đợi kỳ lân. Kỳ lân sẽ quỳ xuống và nhúng chiếc sừng xuống dòng nước nhiễm độc; cách này sẽ giải độc cho nguồn nước. Các giáo sĩ giải thích rằng rắn là Cái Ác, và nguồn nước mà nó bỏ độc chính là thế giới. Kỳ lân, do có chiếc sừng thanh khiết, đại diện cho Chúa Cứu Thế, bảo vệ thế giới khỏi chất độc của Cái Ác.

Kỳ lân tự vệ – Tấm thảm thứ tư trong bộ thảm “Săn Kỳ Lân”

Các lời giải thích thời trung đại về Trinh Nữ Bắt Kỳ Lân, trinh nữ đều được mô tả là nằm chặt sừng kỳ lân khi nó bị các thợ săn bắt giữ. Một tác giả thời trung đại giải thích rằng Chúa Jesus đã “đưa cao… chiếc sừng cứu rỗi… nhờ sự can thiệp của Đức Mẹ…” Nhà trung cổ học Margaret Freeman cho rằng, “Sự khuất phục của con vật ấy trước trinh nữ là ẩn dụ cho Lễ Truyền Tin và Sự Hiện Thân.” Đối với tín đồ Công Giáo thời Trung Đại, những người tận hiến cho Đức Mẹ Đồng Trinh, huyền thoại này có sức hấp dẫn đặc biệt. Khi sự tôn sùng Đức Mẹ Đồng Trinh trở nên phổ biến, huyền thoại này đương nhiên cũng được lan rộng theo.

Cuối cùng, chuyện Trinh Nữ Bắt Kỳ lân đã giữ vai trò cho nhiều hoạt động săn bẫy hươu thực thụ. Ẩn dụ phức tạp hơn này được biết đến là Lễ Săn Thiêng, và mọi khía cạnh thực sự của Lễ Săn này đều có ý nghĩa tôn giáo. Các thủ lĩnh thợ săn là Thánh Linh hoạt động thông qua Thiên thần Gabriel; ông ta dâng kỳ lân đến cho trinh nữ, người sẽ thuần hóa chúng. Thiên thần Gabriel là thiên thần của Sự Hiện Thân, và lúc này, huyền thoại thể hiện Lễ Truyền Tin và Sự Hiện Thân. Khi các thợ săn khác giết con kỳ lân, điều này thể hiện sự đóng đinh vào giá chữ thập. Trong huyền thoại này, kỳ lân được mô tả là một con thú nhỏ có kích cỡ bằng đứa bé; kích thước ấy thể hiện sự khiêm nhường của Chúa. Chiếc sừng của nó, thể hiện sự kết hợp của Chúa Cha và Chúa Con, sự giải trừ độc tố, và đây là lý do mà kỳ lân bị giết. Cái chết của Chúa, giống như con kỳ lân, đồng nghĩa với việc nhiều người có thể “sống”.

(Còn tiếp…)

—————-

The Unicorn: Creature of Love

Tác giả: Teresa Noelle Roberts

Nguồn: Mythlore, Mùa đông 1982, Vol. 8, No. 4 (30) (Mùa đông 1982), pp. 39 – 41)

Xuất bản: Mythopoeic Society

Chuyển ngữ tiếng Việt: Nguyễn Việt Hải

Cảm thức tâm linh trong Những vệ thần của tuổi thơ của William Joyce (7): Nữ Hoàng Tiên Răng – Sức mạnh của Ký Ức

Để đọc toàn bộ chùm bài, vui lòng click vào: Ý nghĩa tâm linh của Những vệ thần của tuổi thơ Archives – Book Hunter Trong rất nhiều pháp tu hướng tới sự giải thoát, Ký Ức là một gánh nặng, bởi Ký Ức mang theo những duyên nghiệp trói buộc người tu với thế gian. Nhiều người tu đã chọn cách lãng quên Ký Ức, mà bản chất là sự chối bỏ toàn bộ những dấu vết của quá khứ trong tâm trí mình, để

Một diễn giải về Kỳ lân (1)

Người dịch: Nguyễn Việt Hải   Kỳ lân, một trong những sinh vật lai diệu kỳ nhất, có sức hấp dẫn lớn đối với trí tưởng tượng cũng như rồng, từ thuở sơ khai của nền văn minh tới thời đại của chúng ta bây giờ. Không già cỗi như rồng, các đặc điểm của nó cũng không xấu xí hay đáng sợ. Người ta truy tìm nguồn gốc của nó (dù không quá thuyết phục) trong các loài động vật khác nhau, và, theo

BIỂU TƯỢNG KỲ LÂN TRONG VĂN HỌC DÂN GIAN CỦA PHƯƠNG TÂY (P.2)

Bài viết có chứa một số nội dung phù hợp với lứa tuổi 16+. ---- Dù câu chuyện Trinh Nữ Bắt Kỳ Lân/ Lễ Săn Thiêng phổ biến như một ẩn dụ về Chúa, thì ý nghĩa gốc về tính dục của huyền thoại này không hề mất đi. Phiên bản câu chuyện Trinh Nữ Bắt Kỳ Lân được kể trong bộ sưu tập truyện ngụ ngôn xứ Provence giống một cuộc đi săn trần tục hơn. Con kỳ lân tìm cách gạ gẫm trinh

Cảm thức tâm linh trong Những vệ thần của tuổi thơ của William Joyce (8): Nicholas St North – Các vị thánh đều mang tội lỗi, và kẻ tội đồ cũng có tương lai

Để đọc toàn bộ chùm bài, vui lòng click vào: Ý nghĩa tâm linh của Những vệ thần của tuổi thơ Archives – Book Hunter Nicholas St North xuất hiện trong “Những vệ thần của tuổi thơ” với một sắc thái rất khác so với những hình ảnh ta đã biết trong huyền thoại về Ông già Noel. North không phải vị thánh Nicholas huyền nhiệm với các kỳ tích cứu rỗi bằng sức mạnh thần thánh, cũng không phải ông già bụng phệ vui vẻ.