Home Ngẫm Ma thuật của ngôn từ

Ma thuật của ngôn từ

“Hôm nay, tôi nhốt mình cả ngày trong căn phòng kín.” Đó là một câu trần thuật không thể xác định được thời gian. Hôm nay là hôm nào? Cả ngày là bắt đầu từ bao giờ và kết thức từ bao giờ? Thậm chí, đến không gian cũng không thể xác định. Căn phòng kín đến mức độ nào? Một căn hộ 5m2 cũng có thể gọi là kín, một tòa biệt thự cũng là một cấu trúc đóng kín, một đô thị cũng có tính khép kín… Và ngay cả thế giới mênh mông ngoài kia cũng là những bức tường vô hình giam hãm chúng ta.

Đừng phân tích câu, cũng đừng đỏi hỏi văn cảnh. Tôi chỉ đơn giản đang ở trong một căn phòng kín, vậy thôi, bạn có thể hiểu với nghĩa nào cũng được và thoải mái hình dung những tưởng tượng cho mình về không – thời gian của câu viết. Ngôn từ chỉ là những mật mã mà bạn có thể bừa phứa gán cho chúng những tưởng tượng và hình dung của mình bất chấp người ta cố gắng định nghĩa chúng một cách hệ thống và tử tế nhất có thể. Thế rồi, chính những ngôn từ bị nhào nặn theo bộ não hỗn loạn của chúng ta đến lượt nó lại quay trở lại ám chúng ta như những bóng ma lởn vởn. Những ngôn từ bị chúng ta nhào nặn ý nghĩa khi cố nuốt chúng, thẩm thấu chúng ấy, bỗng một ngày chiếm đoạt tâm trí của chúng ta. Chúng nén các ham muốn, nỗi sợ hãi, sự bần tiện, lòng ghen tức, sự độc ác… trong ta thành những khái niệm được đánh bóng mỹ miều như “tình yêu”, “lý tưởng”, “sự thấu cảm”, “khai sáng”, “từ thiện” …v…v… Và đến khi gặp cơ hội, ví dụ như một cơn lên đồng tập thể của đám đông hay một kẻ nào đó cần ta ban phát lời khuyên, những khái niệm ấy sẽ tự động bật lên trong não và khiến ta áp đặt tất cả những hình dung, tưởng tượng của mình lên thế giới.

Giả sử, khái niệm “thấu cảm” được một đám đông sử dụng. Thế nhưng, người A hiểu về “thấu cảm” khác người B và có thể rất khác tất cả những người khác. Mỗi người hiểu từ “thấu cảm” theo một nghĩa khác nhau vậy thì bên nào sẽ là kẻ được lợi? Chẳng phải là khái niệm “thấu cảm” ở dạng từ ngữ vô nghĩa là thứ được lợi ư? Càng tranh cãi, càng ca ngợi, khái niệm ấy càng giống một câu thần chú được lặp đi lặp lại (Mọi thần chú cứ phải vô nghĩa mới có độ lan truyền lớn). Thế còn sự “thấu cảm” đích thực, cái ý nghĩa nội tại của khái niệm ấy, một thứ cảm giác mơ hồ trong trái tim chúng ta khi trái tim bỗng nhiên thấu hiểu mọi nỗi đau và niềm hạnh phúc của người khác, bỗng trở nên mờ nhạt. Chúng ta thay thế ý nghĩa nội tại ấy bằng một thói xấu của chúng ta rồi gọt đẽo thói xấu ấy cho vừa khuôn khổ với khái niệm. Tương tự như vậy với những mỹ từ như “tình yêu”, “lý tưởng”, “khai sáng”, “từ thiện”… Ngay cả với những khái niệm tiêu cực như “cái ác”, “sự độc tài”, “sự vị kỷ”, “giết người hàng loạt”, “khủng bố”… chúng đều là những ngôn từ chứa đựng lời nguyền rủa, một tương lai tồi tệ mà điều xấu xa trong chúng ta dàn dựng nên để tiêu diệt những điều hay những kẻ mà ta không ưa hay ghét bỏ.

Càng sử dụng những ngôn từ mà chúng ta chưa có trải nghiệm, ta càng có xu hướng mạo hóa chúng. Càng mạo hóa chúng, ta càng đồng nhất ta với cái lốt nhân cách giả dối mà chúng ta đã xây dựng nên để chúng ta có thể sinh tồn trong xã hội. Câu hỏi lớn cần đặt ra ở đây: Tại sao con người và con người phải tương tác với nhau bằng những chiếc mặt nạ? Và tại sao những người càng đeo nhiều mặt nạ họ lại càng thành công trong cuộc sống? Đây là một đặc điểm khó hiểu của loài người và đôi khi vì lẽ ấy tôi không dám chắc những kẻ xung quanh mình còn là con người nữa.

Trong những chuỗi ngày giam mình trong căn phòng kín hơn 20m2 của tôi, tôi đã nghĩ về thực tại ở ngoài kia. Tôi nhốt mình bởi không còn thiên nhiên tuyệt đẹp và trong lành để tận hưởng. Tôi nhốt mình vì không muốn cười nói giả vờ với những kẻ đi ngang qua đời tôi mà tôi không bao giờ muốn ghi dấu của chúng trong tâm trí. Tôi nhốt mình bởi không thể chứng kiến với vở diễn tẻ nhạt của những khái niệm đang phơi bày ngoài kia. Tôi chứng kiến các khái niệm như một chuỗi vòng xoáy cuốn trôi chúng ta vào hư vô. Một ai đó thích nói về khái niệm đến mức biến bản thân mình thành khái niệm và khái niệm cứ lây lan trong tâm trí từng người, từng người… Thế rồi, thế giới bị nén lại thành những khái niệm.

Ngày qua ngày, các khái niệm nhào nặn thế giới bởi vòng xoáy của chúng. Bạn có thể thoát khỏi chúng ư? Trong khi bạn không thể thoát khỏi ngôn từ? Bạn vẫn cứ phải sử dụng ngôn từ theo cách này hay cách khác? Những cuốn từ điển được soạn ra  và những quy tắc ngôn ngữ được hình thành để duỗi thẳng vòng xoáy. Thế nhưng đám đông vẫn bất chấp từ điển. Đám đông hóng hớt những ngôn từ lạ tai hoặc thời thượng và bẻ quặt nghĩa của những từ được quy định theo ý mình. Theo thời gian, sự lố bịch ấy sẽ có trong từ điển. Đến lúc nào đó, chúng sẽ trở thành cách hiểu và cách sử dụng chính thống. Những chuẩn mực mà ta cho rằng nó là đúng đắn trong việc dùng từ, có thể đã từng rất lố bịch. Nếu ai đó hiểu lịch sử của một từ, sự ra đời và biến đổi của nó, người ấy chắc chỉ có thể cười khẩy. Người ta cười khẩy khi nhận ra rằng mình đã bị rơi vào vòng xoáy nhưng vòng xoáy vẫn không thể hủy hoại được tâm trí của họ.

Nhưng thế giới không phải chỉ có những ngôn từ dù ngôn từ đôi khi tuyệt đẹp trong cấu trúc hoàn hảo của thi ca và văn chương. Thế giới thực có trước ngôn từ. Ngôn từ chỉ là một cách mô phỏng thế giới ấy. Nếu chúng ta chỉ tư duy theo ngôn từ, có nghĩa chúng ta chỉ nhận thức thế giới qua một chuỗi mô phỏng. Nếu ta không trải nghiệm thế giới trước khi tư duy về nó qua sự mô phỏng, ta sẽ đem chuỗi mô phỏng ấy ra trở thành tiêu chuẩn để gọt đẽo thế giới theo cách ta thấy. Triết học, tôn giáo, giáo dục, tuyên truyền chính trị, truyền thông quảng cáo… đã phá hoại thế giới theo cách ấy. Nếu người ta ít nói hơn, ít bàn luận hơn, liệu thế giới có tốt đẹp hơn không? Tôi không chắc lắm. Đó là một khả năng chưa thể xảy ra, tức là ta chưa trải nghiệm nó, thế nên chưa nên gọi tên nó. Nếu tôi gọi tên nó, ma thuật hắc ám của ngôn từ sẽ được thực hiện.

Sẽ thế nào nếu cơ thể vật lý của con người không cần nữa? Con người chỉ như những tập hợp dữ liệu rời rạc và liên lạc với nhau qua các mã lệnh có tên “ngôn từ”? Đó thực sự là một “khải huyền”. Kinh Thánh nói “Khởi thủy là ngôn từ”, nhưng chúng ta biết rằng thế giới thật này sẽ vẫn vận hành dù có ngôn ngữ hay không. Trong khi ấy, ngôn từ lại có thể hủy hoại thế giới khi loài người sử dụng ngôn từ mà không hiểu nó và một khả năng về tương lai đang đến gần ”Ngôn từ là khải huyền”.

Hà Thủy Nguyên

NHẬN THỨC ĐỘNG LỰC CHẾT CỦA MÌNH CÓ THỂ CỨU SỐNG BẠN

“Động lực chết” của bạn sẽ không còn hủy hoại bạn. Hãy thuần hóa nó.          Có rất nhiều lý thuyết giải thích nguồn gốc của trầm cảm. “Động lực chết” của Freud là một lý thuyết có thể lý giải được. Lý thuyết phổ biến nhất lý giải về trầm cảm bắt nguồn từ khoa học thần kinh. Lý thuyết này giải thích về chất dẫn truyền thần kinh monoamine trong não bộ (dopamine, serotonin, và norepinephrine) và cách thức chúng

Tự khúc cái chết

(Tôi viết cho bố ngày bố qua đời) Ngày lại ngày… ta thấy cái chết ở mọi ngóc ngách của cuộc sống… Một bản nhạc hay đi đến phần kết… Một tấn kịch hay đã khép hồi… Một vần thơ đi đến kiệt cùng cảm xúc… Cái đẹp của bông hoa bỗng úa tàn… Cái chết luôn hiện diện. Những kẻ không thể cảm nhận được sự bi thương trong từng khoảnh khắc của sự sống thì không thể hiểu được cái chết.Người ta nói

CHUYẾN PHIÊU LƯU NGẮN NHẤT: DẠO CHƠI QUANH NHÀ

Đi dạo, theo một nghĩa nào đó, là loại hành trình gọn nhẹ nhất ta có thể thực hiện. Đặt nó cạnh chuyến phiêu lưu nguyên một ngày mà bạn thường có, nó sẽ giống như một cây bonsai so với một khu rừng. Nhưng ngay cả khi chỉ là tám phút giải lao đi tản bộ quanh khu nhà, hay một chốc dạo chơi ở công viên gần đó, chuyến đi dạo cũng đã là một cuộc hành trình mà ở đó góp mặt

Minh Hùng

18/08/2019

Tham tuyệt đối, Sân tuyệt đối, Si tuyệt đối

Phật giáo đề xướng diệt Tham, diệt Sân, diệt Si, để tự tính hiển lộ, để có được bát nhã, để giác ngộ. Với con mắt của kẻ vẫn vướng vào bụi trần thì đó cũng là một loại Tham – Sân – Si. Diệt tất thảy những điên rồ cuồng loạn, bẩn thỉu thấp hèn trong con người nhưng những huyễn tưởng sẽ vẫn bay lượn trong thế giới tâm trí. Diệt ngay cả sự diệt ấy cũng là một loại khó khăn, bởi

KHÁM PHÁ KHOA HỌC CHO THẤY NIỀM TIN CÓ THỂ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ SỐNG

“Khoảnh khắc bạn nghi ngờ mình có thể bay, bạn đã mất đi khả năng thực hiện nó” (“Peter Pan” – J.M Barrie) Trong cuốn tiểu thuyết cho thiếu nhi nổi tiếng “Peter Pan”, J.M Barrie đã đề cập đến sức mạnh của niềm tin khi những đứa trẻ sống trong xã hội công nghiệp tin tưởng vào thế giới kỳ diệu. Niềm tin ấy mang lại cho chúng niềm vui, có thể khiến chúng bay bổng trong không gian. Thông điệp của cuốn sách