Home Ngẫm NGHỆ THUẬT YÊU – ERICH FROMM (6): TÌNH YÊU THƯỢNG ĐẾ

NGHỆ THUẬT YÊU – ERICH FROMM (6): TÌNH YÊU THƯỢNG ĐẾ

Vũ Văn Duy

14/07/2018

Ở trên chúng ta đã khẳng định, chúng ta theo đuổi tình yêu bởi chúng ta thấy được khoảng cách giữa con người với con người, bởi vậy chúng ta muốn xóa đi khoảng cách này bằng sự gắn kết giữa người với người. Hình thức của tình yêu tôn giáo, tình yêu đối với Thượng đế nhìn từ góc độ tâm lý học không có gì khác, cũng xuất phát từ việc xóa bỏ khoảng cách này, theo đuổi sự thống nhất. Trên thực tế tình yêu với Thượng đế cũng giống như tình yêu đối với con người, cũng có các hình thức khác nhau, đồng thời sự khác biệt giữa những hình thức này tương đồng với sự khác biệt giữa các hình thức trong tình yêu.
   Trong tất cả những tôn giáo tín thần, bất luận trong nhất thần giáo hay đa thần giáo, Thượng đế thể hiện giá trị tối cao, chí thiện chí mỹ. Do đó, ý nghĩa đặc biệt của Thượng đế luôn luôn quyết định bởi con người nhận thấy thế nào là chí thiện chí mỹ, bởi vậy trong khái niệm phân tích Thượng đế trước tiên nên phân tích cấu trúc tính cách của người tin vào Thượng đế.
   Căn cứ vào những hiểu biết hiện tại của chúng ta, cột mốc phát triển của nhân loại là con người thoát ly khỏi tự nhiên, thoát ly khỏi người mẹ, thoát ly khỏi quan hệ huyết thống. Mở đầu lịch sử nhân loại, dù con người bị đẩy ra khỏi sự hài hòa nguyên thủy với tự nhiên, nhưng con người trước sau vẫn cố gắng bám víu vào mối liên hệ cấp thấp này, và thông qua mối liên hệ này có được một cảm giác an toàn. Con người luôn cảm thấy con người đồng nhất với giới động thực vật, tìm cách thông qua sự đồng nhất với giới tự nhiên tìm kiếm sự thống nhất. Nhiều tôn giáo nguyên thủy minh chứng cho giai đoạn phát triển này. Hiện tượng bái vật giáo; ngày lễ lớn của tôn giáo và lúc đánh trận con người đeo mặt nạ giả làm động vật hoặc coi một loại động vật như thần thánh để lễ bái. Khi kỹ năng của con người phát triển tới giai đoạn lao động thủ công và chế tác sản phẩm nghệ thuật, khi con người không còn dựa dẫm vào món quà của tự nhiên – sống dựa vào sự săn bắt hái lượm của mình, con người liền biến thành quả lao động bằng đôi tay của mình thành một vị thần. Trong gia đoạn này, con người tôn thờ ngẫu tượng được làm từ đất sét, bạc và vàng. Con người tham chiếu sức mạnh và kỹ năng của mình vào những vật thể do chính mình chế tác ra, đồng thời dùng một hình thức dị hóa để tôn thờ sức mạnh và tài sản của mình. Giai đoạn cuối cùng, con người ủy thác vào Thượng đế của họ hình ảnh con người. Xem ra, chỉ khi con người nhận thức mình một cách sâu sắc, đồng thời phát hiện con người là vạn vật chi linh, là thứ “vật thể” cao quý nhất, mới có thể làm như vậy. Trong giai đoạn Thượng đế mang hình hài con người, chúng ta có thể nhìn thấy hai xu thế phát triển. Một xu thế liên quan tới tính âm – dương, đực – cái của Thượng đế, một xu thế khác liên quan tới mức độ trưởng thành mà con người đạt tới, mức độ trưởng thành của con người quyết định bản chất Thượng đế của con người và hình thức tình yêu của con người đối với Thượng đế.
   Trước tiên chúng ta nói tới quá trình phát triển của tôn giáo từ giai đoạn người mẹ là trung tâm cho tới giai đoạn coi người cha là thần thánh. Vật thể khai quật tìm thấy của hai nhà nhân loại học là Bachofen và Morgan vào giữa thế kỷ 19, mặc dù không được số đông giới học thuật thừa nhận, nhưng sự vĩ đại này của họ, phát hiện có tính quyết định này không còn nghi ngờ gì nữa đã chứng minh nó, chí ít trong nhiều nền văn hóa xuất hiện trước xã hội phụ hệ, đã từng tồn tại tôn giáo của xã hội giai đoạn mẫu hệ. Trong xã hội mẫu hệ, người mẹ là sinh mệnh cao nhất, bà là thần, là quyền uy của gia đình và xã hội. Để lý giải bản chất tôn giáo dựa vào người mẹ là thần, chúng ta quay lại phía trước chúng ta bàn tới bản chất tình mẫu tử. Tình mẫu tử không điều kiện, tình mẫu tử bảo vệ mọi thứ, thúc đẩy mọi thứ. Bởi tình mẫu tử là vô điều kiện, nên không thể khống chế, không thể thông qua nỗ lực để đạt được. Sự tồn tại của tình mẫu tử đem lại cho người được yêu cảm giác hạnh phúc, thiếu đi tình mẫu tử sẽ dẫn đến cảm giác mất mát và thất vọng. Người mẹ yêu nồng nhiệt đứa con của mình, bởi nó là con của bà, chứ không phải bởi đứa trẻ giỏi giang và nghe lời, hay nó thỏa mãn nguyện vọng và nhu cầu của bà, vì vậy cơ sở của tình mẫu tử là bình đẳng, tất cả mọi người đều bình đẳng, bởi chúng đều là đứa con của mẹ, bởi họ đều là đứa con của đất mẹ.
   Nhân loại tiến hóa tới một giai đoạn khác – đây cũng là giai đoạn duy nhất mà chúng ta hiểu, không cần dựa vào tư liệu được phục hồi – giai đoạn xã hội phụ hệ. Trong giai đoạn này vị thế cao nhất của người mẹ bị kéo xuống, người cha trở thành sinh mệnh tối cao, và nó không chỉ trong tôn giáo, trong xã hội cũng vậy. Điểm cơ bản của người cha đó là tình phụ tử là có điều kiện, có nguyên tắc và luật pháp, tình yêu của người cha đối với đứa trẻ phụ thuộc vào mức độ phục tùng của đứa trẻ đối với ông ta. Người cha thích nhất đứa con trai giống ông ta nhất, nghe lời nhất và phù hợp là người kế thừa của ông ta nhất. (Sự phát triển của xã hội phụ hệ song hành với sự phát triển của chế độ tư hữu.) Bởi vậy, xã hội phụ hệ phân đẳng cấp; sự bình đẳng trước đây của anh em nhường chỗ cho sự bất bình đẳng và cạnh tranh để được là người thừa kế. Bất luận trong văn hóa Ấn Độ, Ai Cập hoặc Hy Lạp cổ, hay trong Do Thái – Cơ đốc giáo và Islam, chúng ta đều có thể tìm thấy xã hội phụ hệ tín ngưỡng nam thần, trong một số xã hội một vị thần trị vì các vị thần khác, cũng có xã hội mọi người chỉ tín ngưỡng một vị thần duy nhất. Nhưng bởi khát vọng tìm kiếm tình mẫu tử chưa bị xóa sạch triệt để trong tâm hồn con người, cho nên không lấy làm lạ khi hình tượng người mẹ hiền không thể bị gạt ra khỏi Vạn thần miếu La Mã. Trong đạo Do Thái, nhiều đặc điểm mẫu thần xuất hiện trong các phái chủ nghĩa thần bí. Trong Thiên Thượng đế giáo, Thánh mẫu viện và thánh mẫu Maria tượng trưng hình tượng người mẹ. Ngay trong Tân giáo, hình tượng người mẹ cũng không hoàn toàn biến mất, chỉ là bị che đậy đi mà thôi. Martin Luther đề xuất một nguyên tắc quan trọng: Mọi việc con người làm không thể đánh thức tình yêu của Thượng đế; tình yêu của Thượng đế là ơn huệ, thái độ của tôn giáo là tin vào ơn huệ này, biến mình thành người nhỏ bé và cần được giúp đỡ; không có bất cứ hành động thiện nào ảnh hưởng tới Thượng đế hoặc tăng tình yêu của Thượng đế đối với họ. Nguyên tắc của Luther không khác gì với giáo lý của Thiên Thượng đế giáo. Vì vậy, mặc dù giáo lý của Luther với tính chất lấy nam giới làm trung tâm, nhưng vẫn ẩn giấu thành phần mẫu tính.
   Tôi phải đề cập một chút tới sự khác biệt giữa thành phần phụ hệ và thành phần mẫu hệ trong tôn giáo, để chứng minh tính chất tình yêu Thượng đế quyết định bởi tỉ trọng giữa hai nhân tố này trong tôn giáo. Thành phần phụ hệ chính là làm cho chúng ta yêu Thượng đế như yêu một người cha; chúng ta phải tin Thượng đế là chính nghĩa và nghiêm khắc, Thượng đế thưởng phạt phân minh, cuối cùng Thượng đế coi chúng ta là đứa con trai yêu của Người, giống như Thượng đế đã chọn Abraham, thay thế người con trai yêu của Người và người được Thượng đế dành tình yêu lựa chọn. Một mặt, tính mẫu hệ trong tôn giáo là tôi yêu Thượng đế như tình yêu bao la của người mẹ. Tôi tin tưởng tình yêu của bà; bất luận tôi nghèo khổ, thấp hèn, bất luận tôi đã gây ra bao nhiêu tội lỗi, mẹ mãi mãi yêu tôi, mãi mãi sẽ không yêu những đứa trẻ khác hơn tôi. Cho dù xảy ra điều gì – mẹ sẽ chở che tôi, cứu vớt tôi, chúc phúc cho tôi. Tất nhiên, tình yêu tôi dành cho Thượng đế và tình yêu của Thượng đế đối với tôi không thể tách rời. Nếu Thượng đế là một người cha, Người yêu tôi như con, tôi yêu Người như cha. Nếu Thượng đế là một người mẹ, tình yêu giữa tôi và Người cũng vậy.
   Nhưng trong tình yêu Thượng đế, sự khác biệt giữa thành phần phụ hệ và mẫu hệ chỉ quyết định một nhân tố trong bản chất tình yêu Thượng đế. Một nhân tố khác là mức độ trưởng thành của mỗi cá nhân trong lý giải khái niệm về Thượng đế của hắn và tình yêu của hắn dành cho Thượng đế.
   Khi xã hội chuyển dịch từ chế độ mẫu hệ sang phụ hệ, chúng ta có thể nhìn thấy quá trình trưởng thành không ngừng của tình yêu đối với Thượng đế trong sự phát triển tôn giáo của xã hội phụ hệ. Khởi thủy, chúng ta thấy một vị thần chuyên chế, đố kỵ. Thượng đế xem người mà mình tạo ra là tài sản cá nhân của mình, Thượng đế có thể thao túng con người theo ý mình muốn. Đó chính là giai đoạn Thượng đế đuổi con người khỏi vườn địa đàng, không cho con người ăn quả của cây thiện ác, để rồi biến thành thần. Trong giai đoạn này, Thượng đế còn quyết định tiêu diệt nhân loại bằng những cơn hồng thủy, bởi không có ai có thể đem lại niềm vui cho ông ta – chỉ có người con trai yêu của ông ta là Noah sống sót. Trong giai đoạn này, Thượng đế còn muốn Abraham giết chết một người con trai yêu của mình, để chứng minh tình yêu của ông ta đối với Thượng đế. Lúc này bắt đầu một giai đoạn mới. Thượng đế giao ước với Noah, Thượng đế đồng ý sẽ không tiêu diệt nhân loại nữa – Thượng đế chịu trách nhiệm thông qua giao ước. Thượng đế không chỉ bị ràng buộc bởi lời hứa mà ông đã hứa, đồng thời cũng bị nguyên tắc của chính mình, đó là sự ràng buộc nguyên tắc chính nghĩa. Trên cơ sở này, Thượng đế không thể không đồng ý yêu cầu của Abraham: nếu như có ít nhất 10 người chính nghĩa, phải tha thứ cho thành Sodom. Giai đoạn mới này không ngừng phát triển, cho tới khi Thượng đế từ hình tượng thủ lĩnh của một bộ lạc chuyên chế biến thành một người cha nhân từ, một người cha bị ràng buộc bởi chính nguyên tắc mà ông ta đặt ra. Sau đó lại từ hình tượng người cha biến thành biểu tượng cho chính nghĩa, chân lý và tình yêu. Phát triển tới giai đoạn này, Thượng đế không còn là một người, một người đàn ông, hay một người cha nữa. Thượng đế trở thành nguyên tắc của việc thống nhất các loại hiện tượng. Thượng đế không thể có tên gọi cho riêng mình. Bởi chỉ có vật thể, con người hay thứ hữu hạn mới có tên gọi. Thượng đế vừa không là người, cũng không là vật, làm sao có thể có tên riêng?
   Ví dụ làm người ta tin nhất của sự phát triển này là câu chuyện Thượng đế xuất hiện trước mặt Moses trong Thánh kinh. Moses nói, nếu như ông ta không nói cho người dân Hebrew biết tên của Thượng đế, bọn hẹ sẽ không tin ông ta do Thượng đế phái tới. (Bởi người sùng bái ngẫu tượng sẽ không tin Thượng đế không có tên, bản chất của ngẫu tượng chính là ngẫu tượng có tên riêng.) Lúc này, Thượng đế thỏa hiệp với Moses, Thượng đế nói với Moses, tên của ta là “Ta là kẻ hiện tồn, ta sẽ trường tồn”. “Ta là kẻ hiện tồn, ta sẽ trường tồn” ý nói Thượng đế không phải hữu hạn, Thượng đế không phải là người, cũng không phải là vật. Cách dịch thích đáng nhất của câu này nên là: Nói với họ, “Tên của ta là Vô Danh”. Bởi vậy, cấm vẽ hình Thượng đế, lạm dụng gọi tên Thượng đế, hoặc cấm dứt khoát kêu tên Thượng đế, đều nhằm mục đích giải phóng con người khỏi quan niệm Thượng đế là cha, Thượng đế là người. Thần học phát triển trên cơ sở này và đi sâu vào tư tưởng này thêm một bước nữa, để ngày nay khi nói tới Thượng đế không thể dùng tính từ khẳng định. Nếu như có người nói Thượng đế là trí tuệ, vĩ đại, thiện lương thì lại có nghĩa Thượng đế là người, bởi vậy nhiều nhất chúng ta chỉ có thể nói Thượng đế không là gì cả, và dùng tính từ phủ định, đó là: Thượng đế không phải là hữu hạn, không phải tình yêu nhiệt thành, không phải vô lý. Tôi càng biết Thượng đế không phải là gì, thì càng biết Thượng đế.
   Nếu như chúng ta tiếp tục tìm hiểu quá trình không ngừng hoàn thiện trong tư tưởng này của chủ nghĩa đơn thần, chúng ta sẽ rút ra kết luận duy nhất: Không được nói tên Thượng đế, không được bàn luận về Thượng đế. Như vậy, Thượng đế sẽ trở thành hình tượng nên là trong thần học đơn thần, cũng là hình tượng căn bản không thể biểu đạt. Như vậy, Thượng đế thể hiện sự thống nhất cơ sở của vạn vật, thể hiện cơ sở sinh tồn của mọi thứ. Thượng đế trở thành chân lý, tình yêu và chính nghĩa.
   Rất hiển nhiên, quá trình Thượng đế và người từ chỗ giống nhau tiến hóa nguyên tắc đơn thần nảy sinh sự khác biệt toàn bộ trong lý giải bản chất đối với tình yêu Thượng đế. Con người có thể ghét hoặc yêu Thượng đế của Abraham, bởi ông ta giống như người cha; có khi ông ta giáng phúc cho bạn, có khi ông ta nổi giận với bạn. Bởi Thượng đế là cha, tôi chính là đứa con. Tôi vẫn chưa giải thoát khỏi nguyện vọng theo đuổi sự toàn tri và toàn quyền. Tôi vẫn chưa đạt tới một sự khách quan nhất định, nhận thức là người trong tính giới hạn của tôi, nhận thức sự vô tri và vô năng của tôi. Tôi giống như đứa trẻ, trước sau nhấn mạnh mạnh việc nên có một người cha có thể giúp đỡ, bảo vệ và trừng phạt tôi – một người cha yêu tôi khi tôi phục tùng, nổi giận với tôi khi tôi không phục tùng, một người cha khi nghe thấy những lời vừa ý trong lòng liền khoan khoái dễ chịu. Rõ ràng, số đông trong quá trình phát triển cá nhân của họ vẫn chưa khắc phục được giai đoạn ấu trĩ này, bởi vậy đa số tin vào Thượng đế chính là tin vào một người cha có thể giúp đỡ mình – một ảo tưởng ấu trĩ. Mặc dù khái niệm này của tôn giáo đã được một số bậc thầy vĩ đại của nhân loại hay số ít người khắc phục được, nhưng khái niệm này vẫn luôn là hình thức chủ yếu trong tín ngưỡng tôn giáo.
   Phê phán của Freud đối với hình thức tín ngưỡng này của tôn giáo là hoàn toàn chính xác. Khuyết điểm nằm ở chỗ Freud chưa nhìn ra mặt khác của tôn giáo đơn thần và điểm chính trong tôn giáo này – điểm chính này dẫn đến phủ định khái niệm Thượng đế. Khi một người có tín ngưỡng tôn giáo chân chính hành sự theo bản chất tư tưởng đơn thần, hắn sẽ không thỉnh cầu Thượng đế cho hắn gì, và hắn cũng không mong lấy được gì từ Thượng đế; hắn yêu Thượng đế không giống một đứa trẻ yêu cha hoặc mẹ mình. Phần nhiều ở thái độ khiêm cung của hắn, hắn biết, đối với Thượng đế hắn chẳng biết gì. “Thượng đế” với hắn trở thành một sự tượng trưng, con người trong giai đoạn tiến hóa đầu đã từng thông qua tượng trưng này biểu đạt thứ mà hắn muốn tìm kiếm, đó chính là tình yêu, chân lý và chính nghĩa. Hắn tin những nguyên tắc mà “Thượng đế” thể hiện. Hắn suy nghĩ một cách thành thực, sống trong tình yêu và chính nghĩa, và hắn cảm thấy chỉ có cuộc sống có thể làm cho hắn phát triển hết mức khả năng của mình mới có nghĩa – cuộc sống như vậy là hiện thực duy nhất có giá trị, là đối tượng duy nhất của “tri thức cuối cùng”. Cuối cùng, hắn không còn bàn luận về Thượng đế nữa, cũng không còn nói tới tên của Thượng đế. Yêu Thượng đế – nếu như chúng ta muốn dùng từ này ở đây lần nữa – có nghĩa toàn bộ khả năng trong nỗ lực vươn tới tình yêu, nỗ lực trong nội tâm chúng ta làm nên Thượng đế.
   Xuất phát từ quan điểm này, kết luận logic trong tư tưởng đơn thần chính là phủ định toàn bộ “thần học”, phủ định toàn bộ “tri thức liên quan tới Thượng đế”. Nhưng quan điểm cấp tiến này cùng với tôn giáo phi đơn thần, như Phật giáo nguyên thủy, hoặc Đạo giáo, giữa chúng tồn tại một sự khác biệt.
   Mọi hệ tín thần và hệ chủ nghĩa thần bí phi “thần học” đều lấy một loại thực thể tinh thần làm tiền đề, thực thể tinh thần này siêu vượt con người, song song đó, đem tới ý nghĩa và giá trị đối với sức mạnh tinh thần con người cùng với nỗ lực tìm kiếm sự cứu rỗi và mở ra cuộc sống mới. Trong hệ tôn giáo phi tín thần (không tin tưởng vào Thượng đế), không tồn tại thực thể tinh thần nào nằm ngoài con người và siêu vượt con người. Phạm trù tình yêu, lý trí và chính nghĩa tồn tại bởi con người trong quá trình tiến hóa có khả năng phát triển sức mạnh nội tâm hắn. Xuất phát từ quan điểm này, cuộc sống ngoài ý nghĩa con người gửi gắm vào, không còn “ý nghĩa” nào khác nữa.
   Sau khi tôi đã nói về vấn đề tình yêu đối với Thượng đế, tôi muốn thanh minh một chút, bản thân tôi không suy nghĩ dựa trên quan điểm tôn giáo, khái niệm Thượng đế đối với tôi chỉ đơn giản là sản vật của một giai đoạn lịch sử nhất định; thông qua khái niệm này, con người biểu đạt sự thể nghiệm đối với sức mạnh lớn nhất của hắn trong một giai đoạn lịch sử nhất định, và nỗ lực tìm kiếm chân lý và sự thống nhất. Nhưng tôi vẫn tin tưởng kết luận có được của chủ nghĩa đơn thần triệt để và tôn giáo phi tín thần không thể nghiệm thực thể tinh thần, tuy chúng không đồng nhất, nhưng không loại bỏ nhau.
   Ở đây, vấn đề tình yêu Thượng có thêm một lớp nghĩa mới, chúng ta nhất định phải nghiên cứu nó, nhằm nắm bắt tính phức tạp của vấn đề này. Ở đây chúng ta chủ yếu tìm hiểu sự khác biệt căn bản giữa phương Đông (Trung Quốc, Ấn Độ) và phương Tây, cũng chính là sự khác biệt của khái niệm logic. Từ Aristotle trở đi, thế giới phương Tây luôn tuân theo khái niệm logic của triết học Aristotle. Cơ sở của logic này là: luật đồng nhất (A là A), luật mâu thuẫn (A không là phi A) và luật đứng giữa (A không thể vừa là A lại là phi A, cũng không thể vừa không là A lại không không phải là phi A). Aristotle dùng câu nói dưới đây để biểu đạt rất rõ luận điểm của ông, ông nói: “Cùng một tân ngữ, không thể nào vừa thuộc về chủ ngữ này, lại cũng không thuộc về chủ ngữ này… Đây là nguyên tắc cơ bản nhất trong tất cả các nguyên tắc.”
   Công thức này trong logic Aristotle ảnh hưởng sâu đậm trong thói quen tư duy của chúng ta, dẫn đến việc chúng ta cảm thấy công thức này thiên kinh địa nghĩa, còn luận điệu “X vừa là A, vừa không là A” lại là hoang đường.
   Ngược lại với logic Aristotle là lý luận được mọi người gọi logic trái ngược, đó là A và phi A đều là tân ngữ của X, nhưng giả thiết chúng không loại bỏ nhau. Trong tư tưởng của Trung Quốc và Ấn Độ, loại logic này chiếm vai trò chủ đạo, trong triết học Heraclitus cũng vậy – cuối cùng, logic này trở thành logic của Hegel và Marx, được gọi là “phép biện chứng”. Lão tử đã trình bày một cách sâu sắc nguyên trắc phổ biến của logic trái ngược này: “Minh đạo nhược muội” (Sáng về Đạo, dường tăm tối). Còn Trang tử nói: “Thử diệc bỉ dã, bỉ diệc thử dã, thử diệc nhất thị phi, bỉ diệc nhất thị phi.” (Cái này cũng là cái kia vậy, cái kia cũng là cái này vậy. Cái này cũng là một phải trái, cái kia cũng là một phải trái.) Những phép đưa ra logic trái ngược này đều là khẳng định: vừa là lại không phải là. Còn một phép khác đưa ra phủ định, đó là vừa không phải cái này cũng không phải cái kia. Cái đầu có thể tìm thấy trong Đạo gia, triết học Heraclitus và triết học Hegel, cái sau thường xuất hiện trong triết học Ấn Độ.
   Nếu ở đây tôi phân tích tỉ mỉ sự khác biệt giữa logic của Aristotle và logic trái ngược, nhất định sẽ vượt ra khỏi phạm vi của cuốn sách. Mặc dù vậy, tôi vẫn muốn nêu ra vài điểm để đọc giả có một chút hiểu biết sơ bộ về sự khác biệt này. Trong tư tưởng phương Tây, logic trái ngược xuất hiện sớm nhất trong triết học của Heraclitus. Heraclitus cho rằng, xung đột của mâu thuẫn là cơ sở của mọi sự tồn tại. Ông nói: “Các người không hiểu bản thân mâu thuẫn không hề mâu thuẫn: đó là mối quan hệ qua lại, giống như cung đàn và cái đàn.” Ông còn biểu đạt rõ hơn tư tưởng này, ông nói: “Chúng ta không thể nào cùng tắm hai lần trên một dòng sông; là chúng ta lại cũng không phải là chúng ta.” Ông lại nói: “Trên con người chúng ta, sống và chết, mộng và tỉnh, già và trẻ luôn luôn là một thứ.” Trong triết học của Lão tử, cùng một tư tưởng được biểu đạt thông qua hình thức thơ. Một cách nói điển hình về tư duy trái ngược của Đạo gia là: “Trọng vi khinh căn, tĩnh vi táo quân” (Nặng là gốc của nhẹ, tĩnh là chủ của xao động), hoặc là: “Đạo thường vô vi nhi vô bất vi.” (Đạo thường không làm gì, nhưng không gì không làm.) Còn có: “Ngô ngôn thậm dị tri, thậm dị hành. Thiên hạ mạc năng tri, mạc năng hành.” (Lời ta rất dễ biết, rất dễ làm. Thiên hạ chẳng biết, chẳng làm.) Cùng với tư tưởng của Ấn Độ và của Socratic, trong tư tưởng của Đạo gia, suy nghĩ có thể đưa tới thứ cao nhất chính là việc biết sự vô tri của chính mình. “Tri bất tri, thượng hĩ, bất tri tri, bệnh dã.” (Biết là mình không biết là tốt nhất. Không biết mình biết là bệnh vậy.) Thượng đế tối cao không có tên, đó chỉ là một kết luận của loại triết học này. Hiện thực cuối cùng, nhất thể cuối cùng không thể được diễn đạt trong ngôn ngữ và cả trong tư tưởng. Lão tử thừa nhận: “Đạo khả đạo; phi thường đạo. Danh khả danh; phi thường danh.” (Đạo (mà) có thể gọi được, không phải là Đạo thường (hằng cửu). Tên mà có thể gọi được, không (còn) phải là tên thường (hằng cửu).) Ông còn nói: “Thị chi bất kiến, danh viết di, thính chi bất văn, danh viết hi, bác chi bất đắc, danh viết vi. Thử tam giả bất khả trí cật, cố hỗn nhi vi nhất.” (Nhìn không thấy gọi là Di. Nghe không thấy gọi là Hi. Nắm không được gọi là Vi. Ba điều ấy không thể suy cứu đến cùng, cho nên hợp lại làm một.) Lão tử còn một cách nói khác, đó là “tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri.” (Người biết thì không nói, người nói không biết.)
   Triết học Bà La Môn nghiên cứu mối liên hệ giữa tính đa dạng (của hiện tượng) và sự thống nhất (Bà La Môn). Nhưng bất luận tại Ấn Độ hay Trung Quốc, loại triết học này không chủ trương xen lẫn sự hòa hợp (thống nhất) của nhị ngôn luận tồn tại trong cái mâu thuẫn nảy sinh sự hòa hợp. “Khởi thủy tư tưởng của Bà La Môn chính là xoay quanh sự đồng thời tồn tại mâu thuẫn vật đối kháng – cùng với sức mạnh có thể nắm bắt và tính nhất trí của hình thức trong thế giới hiện tượng…” Sức mạnh cuối cùng của vũ trụ và con người vừa là siêu vượt phạm trù của ý thức, vừa là siêu vượt phạm trù cảm quan, bởi vậy sức mạnh này “vừa không phải là cái này, cũng không phải là cái kia”. Zimmer chỉ ra “trong hiện thực nói tới nghị nguyên luận thị – phi một cách chặt chẽ, không tồn tại sự đối lập giữa chân thực và phi chân thực”. Tư tưởng gia Bà La Môn trong quá trình tìm kiếm sự thống nhất ẩn giấu đằng sau sự đa dạng đưa ra kết luận như sau: Một cặp mâu thuẫn khả kiến không phải phản ánh bản chất của sự vật, mà là phản ánh bản chất của tinh thần cảm thấy được. Tư tưởng cảm nhận được phải siêu vượt bản thân mới có thể đạt tới hiện thực chân chính. Mâu thuẫn là một phạm trù trong tinh thần của con người, bản thân nó không phải là một nhân tố của hiện thực. Nguyên tắc này được biểu đạt trong Rig-Veda như sau: “Tôi gồm hai thứ, là sức mạnh của sinh mệnh, lại là vật liệu của sinh mệnh, tôi đồng thời là hai thứ.” Kết luận cuối cùng của tư tưởng này là: Chỉ có trong mâu thuẫn, tư tưởng mới có khả năng cảm giác, mà kết luật cuối cùng này lại làm nảy sinh một tư tưởng đúng hơn nữa của Veda giáo, đó chính là tư tưởng – bao gồm các loại sai biệt nhỏ nhặt của nó – chỉ là “giới hạn tế vi hơn của vô tri, trên thực tế là biểu hiện tế vi nhất trong tất cả biểu hiện có tính lừa gạt của ảo tưởng”.
   Khái niệm của logic trái ngược đối với Thượng đế có ý nghĩa mang tính căn bản. Chỉ cần Thượng đế thể hiện hiện thực cuối cùng, chỉ cần tinh thần của con người chỉ có thể cảm giác hiện thực trong mâu muẫn, sẽ không thể đưa ra định nghĩa có tính khẳng định đối với Thượng đế. Trong kinh Vedantas, vị thần toàn tri toàn quyền là hình thức tối cao của vô tri, ở đây chúng ta có thể nhận ra mối liên hệ với tư tưởng vô danh của Đạo gia, Thượng đế vô danh xuất hiện trước Moses và “hư vô tuyệt đối” của Meister Eckhart. Con người chỉ có thể nhận thức phủ định, chứ không thể nhận thức khẳng định đối với thực thể cuối cùng. “Con người căn bản không thể biết Thượng đế là gì, có lẽ con người có thể biết một chút Thượng đế không phải là gì… Lý trí này sẽ không thỏa mãn với bất cứ sự vật nào, mà càng ngày càng khát vọng tìm kiếm chí thiện chí mỹ tột cùng.” Đối với Eckhart mà nói “Thần minh chính là phủ định của phủ định, phủ nhận của phủ nhận… Bên trong mọi vật đều có sự phủ định, phủ định chính mình là một sự vật khác”. Từ đó có thể thấy, đối với đại sư Eckhart, Thượng đế chỉ là “hư vô tuyệt đối”, cũng giống như hiện thực cuối cùng đối với Kabalah là vô cùng.
   Ở trên, tôi nói tới sự khác biệt giữa logic Aristotle và logic trái ngược làm cơ sở cho việc làm sáng tỏ sự khác biệt trong việc lý giải khái niệm tình yêu Thượng đế của hai loại logic này. Người dẫn đường của logic trái ngược cho rằng, chỉ trong mẫu thuẫn của hiện thực con người mới có thể cảm nhận được hiện thực, con người mãi mãi không thể nào nắm bắt được thực thể cuối cùng trong tư tưởng, nắm bắt vũ trụ. Kết luận là con người không nên coi câu trả lời có được trong hoạt động tư tưởng là mục đích cuối cùng, thế giới của tư tưởng giới hạn trong logic trái ngược. Khả năng duy nhất cuối cùng có thể nắm bắt thế giới không phải ở tư tưởng mà nằm ở thể nghiệm sự thống nhất. Logic trái ngược này dẫn đến kết luận sau: Tình yêu đối với Thượng đế vừa không phải là tìm hiểu Thượng đế trên tư tưởng, cũng không phải chỉ tư tưởng của việc mình yêu Thượng đế, mà là trong thể nghiệm của tình yêu thể nghiệm việc mình thống nhất với Thượng đế.
   Như vậy, đưa ra kết luận con người phải coi trọng đường đời đúng đắn. Toàn bộ đời sống con người, mỗi một hành động dù nhỏ hay lớn đều quyết định bởi sự hiểu biết đối với Thượng đế, nhưng sự hiểu biết này không phải thông qua suy xét đúng đắn, mà có được thông qua hành động đúng đắn. Điểm này được thể hiện rõ hơn trong tôn giáo phương Đông. Bất luận là Bà La Môn giáo, Phật giáo hay Đạo giáo, mục đích cuối cùng của tôn giáo không phải là tín ngưỡng đúng đắn, mà là hành động đúng đắn. Trong Do thái giáo cũng có thể tìm thấy điểm này. Trong Do thái giáo truyền thống, dường như không xuất hiện sự chia rẽ giáo hội do tín ngưỡng dẫn đến. (Ví dụ lớn – sự tranh chấp giữa người Pharisees và người Sadducess – chủ yếu là sự xung đột giữa hai giai cấp xã hội đối lập nhau.) Trong tín ngưỡng Do thái giáo, trọng điểm (đặc biệt là từ sau Công nguyên trở đi) là việc lựa chọn đường đời đúng đắn, cũng chính là “Halacha”. (Ý nghĩa của từ này tương tự “Đạo”.)
   Trong tư tưởng hiện đại, Spinoza, Marx và Freud cùng đưa ra nguyên tắc chung. Trong triết học của Spinoza, trọng điểm đã chuyển dịch từ tín ngưỡng đúng đắn sang con đường đời đúng đắn. Marx cũng đưa ra nguyên tắc này, nó biểu hiện trong lời nói của ông: “Các nhà triết học chỉ dùng những phương thức khác nhau để giải thích thế giới, nhưng vấn đề nằm ở việc thay đổi thế giới.” Logic trái ngược của Freud làm cho ông phát hiện ra quá trình của liệu pháp phân tích tâm lý, cũng chính là quá trình thể nghiệm bản thân sâu sắc hơn.
   Trọng tâm của logic trái ngược không phải ở tư tưởng, mà ở việc thể nghiệm. Thái độ này dẫn tới một loạt những hậu quả của nó. Trước tiên là sự khoan dung, về điểm này chúng ta có thể tìm thấy trong tôn giáo của Ấn Độ và Trung Quốc. Nếu như tư tưởng đúng không phải là chân lý cuối cùng, không phải là con đường dẫn tới cứu rỗi, vậy thì không có lý do gì để phản đối người không có cùng kết luận do tư tưởng không giống nhau đưa ra. Câu chuyện thầy bói xem voi đã thể hiện sự khoan dung này một cách đẹp đẽ: Người sờ thấy vòi voi nói: “Con vật này giống cái tẩu thuốc.” Người khác sờ thấy tai voi nói: “Con vật này giống cái quạt.” Người thứ ba sờ thấy chân voi, ông ta nói con voi thành cái cột.
   Logic trái ngược dẫn tới sự thay đổi thứ hai, có lẽ là coi trọng sự cải tạo con người, mà không phải một mặt phát triển giáo lý, một mặt phát triển khoa học. Xuất phát từ lập trường tôn giáo Ấn Độ, Trung Quốc và chủ nghĩa thần bí, nhiệm vụ của tôn giáo không phải ở việc suy nghĩ đúng đắn, mà là đạt được thể nghiệm, cùng với quá trình thiền tọa tập trung tinh thần đồng nhất thành nhất thể.
   Nhưng chủ lưu của tư tưởng phương Tây hoàn toàn khác. Chính bởi mọi người tin tưởng rằng tư duy đúng đắn sẽ tìm thấy chân lý cuối cùng, bởi vậy trọng điểm nằm ở tư tưởng, tất nhiên cũng không coi hành động đúng đắn là không quan trọng. Trong quá trình phát triển của tôn giáo, ở điểm này làm nảy sinh giáo lý, nảy sinh các loại quan điểm giải thích giáo lý và không nhẫn nại đối với “người không tín giáo và nhân viên giáo phái”. Ngoài ra, nó còn dẫn tới việc coi tín ngưỡng Thượng đế là mục đích chủ yếu trong thái độ tôn giáo. Đương nhiên, ở đây không có nghĩa phương Tây không tồn tại khái niệm con đường sống đúng đắn, nhưng cho dù vậy thì người tín ngưỡng Thượng đế – mặc dù hắn chưa thể nghiệm Thượng đế – cũng cảm thấy mình cao hơn một bậc so với những người tuy thể nghiệm được Thượng đế nhưng lại không “tin tưởng” Thượng đế.
   Nhấn mạnh ở việc tư duy còn tạo ra một hậu quả xem ra cực kỳ quan trọng có tính lịch sử. Quan điểm cho rằng, có thể tìm thấy chân lý qua tư duy không chỉ dẫn tới sự xuất hiện của giáo lý mà còn dẫn tới sự phát triển của khoa học. Trong tuy duy khoa học, chỉ có tư duy chính xác mới được thành lập, điểm này vừa thể hiện việc suy nghĩ thấu đáo, cũng thể hiện việc vận dụng tư duy khoa học vào thực tiễn, cũng được sử dụng trong kỹ thuật.
   Bởi vậy, tư tưởng phương Đông dẫn tới sự khoan dung và nỗ lực cải tạo con người tự thân (nhưng không dẫn tới khoa học kỹ thuật), tương phản với đó, lập trường của phương Tây dẫn tới không khoan dung, giáo lý và khoa học, thiên về Thượng đế giáo và sự phát hiện năng lượng nguyên tử.
   Ở trên, chúng ta đã nói sơ qua tới hai lập trường khác nhau trong vấn đề tình yêu Thượng đế nảy sinh các kết quả khác nhau, bởi vậy giờ chúng ta chỉ cần tổng kết lại một chút.
   Trong tôn giáo phương Tây chiếm lĩnh địa vị thống trị, tình yêu với Thượng đế cơ bản là tin tưởng Thượng đế, tin tưởng sự tồn tại của Thượng đế, tin tưởng sự chính nghĩa của Thượng đế và tình yêu của Thượng đế. Tình yêu đối với Thượng đế cơ bản là một loại thể nghiệm của tư tưởng. Trong tôn giáo phương Đông và chủ nghĩa thần bí phương Tây, tình yêu đối với Thượng đế là một loại thể nghiệm tình cảm mạnh liệt với sự thống nhất và tình yêu, sự thể nghiệm này không thể tách rời với mỗi biểu hiện yêu Thượng đế trong cuộc sống. Meister Eckhart miêu tả trạng thái này theo cách cực đoan nhất: “Tôi sẽ trở thành Thượng đế, Thượng đế sẽ làm cho tôi có tác dụng như sự tồn tại của Người, ngoài ra chúng tôi sẽ trở thành nhất thể, chứ không phải lưỡng thể; trên người Thượng đế bằng xương bằng thịt đúng là không thể nhìn ra bất cứ sự khác biệt nào giữa Thượng đế và con người… một số người đầu óc đơn giản nói, họ nhìn thấy Thượng đế, giống như Thượng đế đứng ở đó, bọn họ đứng ở đây. Thượng đế không vậy, Thượng đế và tôi là nhất thể. Thông qua nhận thức, tôi nạp Thượng đế vào tâm, thông qua tình yêu, tôi đi vào trong Thượng đế.”
   Ở đây, chúng ta có thể thấy được tính nhất quán rất quan trọng tồn tại giữa tình yêu đối với cha mẹ và tình yêu đối với Thượng đế. Khởi thủy, đứa trẻ cảm thấy mẹ là “cơ sở của mọi sự tồn tại” và liên hệ mật thiết với đó. Nó cảm thấy mình nhỏ bé yếu đuối, cần sự bao la của tình mẫu tử. Sau đó, đứa trẻ lại chuyển hướng tình yêu sang người cha, coi người cha là trung tâm mới mà nó thiên vị, cha trở thành tư tưởng và chuẩn mực hành động của hắn. Trong giai đoạn này, động cơ của đứa trẻ là đạt được sự tán thưởng của người cha và tránh làm phật ý cho ông. Trong giai đoạn hoàn toàn trưởng thành, con người được giải phóng khỏi hai hình tượng quyền lực là sự bảo hộ và phát hiệu lệnh của cha và mẹ, hắn được xây dựng trên nguyên tắc của cha và mẹ. Hắn trở thành người cha và người mẹ của chính mình, hắn vừa là người cha vừa là người mẹ. Trong lịch sử nhân loại, chúng ta nhìn thấy hoặc có thể dự báo trước sự phát triển này: tình yêu đối với Thượng đế, khởi thủy hoàn toàn dựa vào sự liên hệ với mẫu thần, sau đó phát triển tới sự phục tùng vô điều kiện một vị thần giống người cha, cuối cùng phát triển tới giai đoạn trưởng thành. Ở giai đoạn này, Thượng đế không còn là thế lực độc lập bên ngoài con người, bản thân con người đã thể hiện nguyên tắc tình yêu và chính nghĩa, đồng nhất với Thượng đế, và con người chỉ có nói tới Thượng đế trong ý nghĩa tượng trưng đầy chất thi vị.
   Từ nhận xét ở trên có thể thấy rằng tình yêu đối với Thượng đế không thể thoát ly khỏi tình yêu đối với cha mẹ. Nếu như một người không thể siêu vượt mối liên hệ loạn luân với mẹ, bộ tộc, dân tộc, nếu như hắn tiếp tục dừng lại ở giai đoạn dựa dẫm vào sự trừng phạt hoặc tán thưởng của người cha, hoặc giai đoạn dựa dẫm vào quyền uy của người khác, thì hắn không thể nào phát triển tình yêu trưởng thành đối với Thượng đế; tín ngưỡng của hắn chỉ có thể là hình thức tín thần giai đoạn nguyên thủy của tôn giáo, Thượng đế mà hắn thể nghiệm thấy nếu không phải là một người mẹ có thể bảo vệ hắn thì là một người cha thưởng phạt phân minh.
   Trong tôn giáo hiện đại, chúng ta có thể nhìn thấy toàn bộ giai đoạn phát triển của tôn giáo – từ giai đoạn sơ khai, nguyên thủy nhất cho tới giao đoạn phát triển cao nhất. “Thượng đế” vừa mang nghĩa thủ lĩnh của bộ lạc vừa mang nghĩa “hư vô tuyệt đối”, đồng thời, mỗi người thông qua cùng một phương thức – giống như Freud đã chỉ ra, hắn bảo lưu tính khả dĩ sự tiếp tục phát triển của các giai đoạn trong tiềm thức của hắn. Vấn đề chỉ nằm ở chỗ hắn có thể phát triển tới đâu. Nhưng có một điều khẳng định là: bản chất tình yêu của hắn đối với Thượng đế phù hợp với bản chất tình yêu của hắn đối với con người – bởi bản chất này bị che lấp đi và ngày càng được những lý luận tình yêu tân tiến hợp lý hóa. Ngoài ra, tình yêu đối với con người mặc dù biểu hiện trực tiếp trong mối liên hệ với gia đình, nhưng cuối cùng vẫn bị quyết định bởi kết cấu xã hội mà hắn sống. Nếu như kết cấu xã hội buộc hắn phải phục tùng thứ quyền uy nào đó – phục tục thị trường hoặc dư luận công khai hoặc quyền uy nặc danh – thì tình yêu đối với Thượng đế và đối với con người là ấu trĩ, ngoài ra mãi mãi thoát ly khỏi gốc rễ của nó tư tưởng trưởng thành có thể tìm thấy trong lịch sử tôn giáo đơn thần.\

Vũ Văn Duy dịch từ bản tiếng Trung

Tên tiếng Anh của văn bản: The Art of Love – Erich Fromm

Nghệ thuật yêu – Erich Fromm (3): Tình yêu giữa cha mẹ và con cái

  Nếu như không phải do số phận nhân từ bảo vệ đứa trẻ, không làm nó cảm thấy sợ hãi khi rời khỏi cơ thể người mẹ, thì trong khoảnh khắc ra đời ấy, đứa trẻ sẽ cảm thấy sợ hãi vô cùng. Nhưng trong một khoảng thời gian sau khi ra đời, nó không khác gì mấy so với trước đây: nó vẫn chưa thể nhận biết sự vật, chưa ý thức được sự tồn tại của mình và thế giới tồn tại

Vũ Văn Duy

15/06/2018

NGHỆ THUẬT YÊU – ERICH FROMM (5): YÊU BẢN THÂN

Mọi người coi khái niệm yêu người khác là việc hiển nhiên, cũng thừa nhận nó, nhưng lại thừa nhận phổ biến rằng yêu người khác là một đức hạnh, ngược lại yêu bản thân lại là xấu. Mọi người cho rằng, không thể yêu người khác giống như yêu bản thân mình, bởi vậy yêu bản thân chính là sự tự tư tự lợi. Trong tư tưởng phương Tây, quan điểm này đã tồn tại lâu đời. Calvin (John Calvin, tác giả của Nguyên

Vũ Văn Duy

07/07/2018

NGHỆ THUẬT YÊU – ERICH FROMM (4): ĐỐI TƯỢNG CỦA TÌNH YÊU

Trước tiên, tình yêu không đơn thuần là mối quan hệ với một người nào đó, mà là một thái độ, một khuynh hướng trong tính cách. Thái độ này quyết định mối quan hệ của người đó với thế giới, chứ không chỉ “đối tượng” duy nhất của tình yêu. Nếu một người chỉ yêu đối tượng của anh ta, còn thờ ơ với người khác, tình yêu của anh ta không phải là tình yêu nữa, mà là một mối quan hệ thể

Vũ Văn Duy

25/06/2018

NGHỆ THUẬT YÊU – ERICH FROMM (7): Tình yêu và sự suy vong của nó trong xã hội phương Tây

Nếu như yêu là khả năng của những người có tính sáng tạo và tính cách trưởng thành, ta có thể đưa ra kết luận: Năng lực tình yêu của mỗi người sống trong một xã hội nhất định quyết định bởi sự ảnh hưởng tới tính cách của người đó của xã hội đó. Khi nói tới tình yêu trong xã hội phương Tây, chúng ta cần phải đưa ra một loạt vấn đề, đó là kết cấu xã hội của văn minh phương

Vũ Văn Duy

18/07/2018

NGHỆ THUẬT YÊU – ERICH FROMM (8): Thực tiễn của tình yêu

   Ở trên, chúng ta đã phân tích vấn đề trên phương diện lý luận của nghệ thuật tình yêu, tiếp theo chúng ta đối mặt với vấn đề khó khăn hơn nữa, đó chính là vấn đề thực tiễn của nghệ thuật tình yêu. Ngoài tiến hành thực tiến ra, lẽ nào có thể tìm hiểu vấn đề liên quan thực tiễn của nghệ thuật tình yêu trên giấy hay sao?    Ngày nay, đại bộ phận con người – bao gồm nhiều độc

Vũ Văn Duy

25/07/2018