Home Hiểu Lễ Vu Lan, Rằm Tháng Bảy – Cuộc hội tụ của những thế giới người chết Ấn Độ và Trung Quốc

Lễ Vu Lan, Rằm Tháng Bảy – Cuộc hội tụ của những thế giới người chết Ấn Độ và Trung Quốc

Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt,

Toát hơi may lạnh buốt xương khô,

Não người thay buổi chiều thu,

Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng.

Đường bạch dương bóng chiều man mác,

Ngọn đường lê lác đác sương sa,

Lòng nào là chẳng thiết tha,

Cõi dương còn thế nữa là cõi âm.

Trong trường dạ tối tăm trời đất,

Có khôn thiêng phảng phất u minh,

Thương thay thập loại chúng sinh,

Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người.

(Trích “Văn tế thập loại chúng sinh” – Nguyễn Du)

Tháng Bảy âm lịch có hai lần gặp gỡ, một lần là Thất Tịch (7/7), khi sao Ngưu tiến đến gần sao Nữ; một lần là Rằm Tháng Bảy, khi người chết và người sống gặp nhau. Trong bài viết này, tôi sẽ không bàn đến lễ Thất Tịch, mà sẽ tập trung cho sự gặp gỡ của sự sống và cái chết trong tâm thức của người Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ. Sự gặp gỡ này được ghi dấu trong lễ Vu Lan Bồn được tổ chức vào dịp trăng rằm tháng bảy âm lịch hàng năm. Cũng trong Vu Lan Bồn này, ta còn được chứng kiến sự gặp gỡ của các nền văn hóa, trộn lẫn quan niệm về sự sống và cái chết, để tạo ra một lớp văn hóa Phật giáo đại chúng mang đậm màu sắc bản địa.

Trong bài viết về Hệ thống các vị Phật, bồ tát, thần, quỷ được đăng tải trên Book Hunter, tôi đã làm một bản liệt kê nho nhỏ sự xuất hiện của các vị Phật và bồ tát, từ đó để thấy rằng sự xuất hiện của các vị này không đến từ nguyên bản trong Phật giáo mà đã trải qua những lần bản địa hóa. Tương tự như vậy, các bản kinh cũng không hoàn toàn là các ngôn từ được lưu lại từ Lần tập kết kinh điển thứ I do các đệ tử của Thích Ca Mâu Ni cùng nhau biên soạn, mà đã trải qua nhiều thế kỉ bị thất lạc, bị chế tác. Trong đó, điển hình nhất phải kể đến trường hợp một tổ hợp nghi lễ bao gồm Vu Lan Bồn, Địa Tạng Bồ Tát, Mục Kiền Liên, địa ngục, tục thờ cúng người chết.

Vu Lan Bồn là nghi lễ gì?

Vu Lan Bồn là phiên âm Hán Việt của Ullambana. Ullambana có gốc từ động từ “ud-lamb”, có nghĩa là treo ngược lên, xuất hiện đầu tiên trong cuốn Kinh Vu Lan Bồn (Ullambana Sutra). Kinh được cho là được dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Trung bởi Dharmaraksa (khoảng thế kỷ 3), một nhà sư sống và truyền đạo ở khu vực Đôn Hoàng, Trung Quốc. Đôn Hoàng lúc bấy giờ là khu vực giao thoa giữa văn hóa Trung Quốc và Trung Á, đặc biệt ảnh hưởng của Phật giáo vương triều Qúy Sương.  

Nội dung kinh Vu Lan Bồn xoay quanh việc báo hiếu của con cái đối với cha mẹ. Sự báo hiếu này không giống như Nho giáo, vốn nhấn mạnh vào sự thờ cúng hiếu lễ với tổ tiên và cha mẹ, mà mang ý nghĩa giải thoát cha mẹ của mình khỏi sự lầm lạc và khổ đau. Kinh Vu Lan Bồn cũng ghi rõ chọn ngày Rằm tháng Bảy làm ngày diễn ra nghi lễ.

“Đại mục kiền liên,

Thập phương tăng chúng

lấy rằm tháng bảy

làm ngày tự tứ.

Ngày ấy các người

hãy vì tất cả

cha mẹ bảy đời,

cha mẹ hiện tại,

những kẻ đang ở

trong vòng khổ nạn,

mà sắm trai soạn

đủ hết mùi vị,

các thứ trái củ,

bồn chậu múc rưới,

hương dầu đèn nến,

giường có đồ nằm,

đem đồ ngon nhất

đặt vào trong bồn,

hiến cúng Thập phương

đại đức tăng chúng.” (1)

Trong Kinh Vu Lan Bồn, vị đệ tử được cho là đại diện cho chữ hiếu, giúp cha mẹ giải thoát khỏi cảnh địa ngục ngạ quỷ chính là tôn giả Mục Kiền Liên (Moggallāna) . Tuy nhiên, câu chuyện này lại không được ghi lại trong Tam Tạng của Phật giáo Nam Tông. Ghi chép liên hệ giữa Mục Kiền Liên với chữ hiếu chỉ xuất hiện trong Kinh Trung Bộ của Phật giáo Nam Tông. Theo Kinh Trung Bộ, ở tiền kiếp, Mục Kiền Liên vì sợ vợ nên đã đem cha mẹ mình bỏ trong rừng chết đói, thế nên ở kiếp của mình, ông đã phải trả ác nghiệp bất hiếu ấy bằng cái chết đẫm máu của mình. (2)

Vậy thì câu chuyện Mục Kiền Liên cứu mẹ dưới địa ngục được sáng tạo từ đâu? Tam Tạng của Phật giáo Nam Tông ghi lại một câu chuyện tương tự như vậy, nhưng nhân vật vào địa ngục cứu mẹ không phải là Mục  Kiền Liên mà là Xá Lợi Phất (Sariputa), người bạn đồng tu thân thiết của Mục Kiền Liên.

Trong Kinh Tạng (Sutta Pitaka) của Phật giáo Nam Tông có lưu giữ một bộ có tên là “Petavatthu” có nghĩa là “Những câu chuyện ma”. Cuốn sách này ghi chép lại cuộc trò chuyện giữa Đức Phật và các đệ tử của ông về những nghiệp quả mà hành vi xấu có thể gây ra, đọa đày số phận con người trong luân hồi. Cũng trong cuốn sách này, những câu chuyện du hành của Mục Kiền Liên đến thế giới Ngạ Qủy và chi tiết Xá Lợi Phất cứu mẹ bằng cách cúng dường cho các nhà sư để gia tăng công đức giúp người mẹ ngạ quỷ của mình cải thiện nghiệp cũng được ghi lại. (3)

Như vậy, Phật giáo, trong quá trình truyền sang Trung Quốc, đã xảy ra một quá trình nhầm lẫn giữa câu chuyện của Mục Kiền Liên và Xá Lợi Phất. Sự nhầm lẫn này dẫn đến sự nhập nhằng giữa hai thái độ tu hành. Trong khi Mục Kiền Liên chọn cách giải quyết những nghiệp quả bất hiếu mà mình phải gánh thì Xá Lợi Phất chọn cách cứu độ và bố thí cho những số phận lầm lạc, trong đó có mẹ của mình. Sự khác biệt giữa Phật giáo Bắc tông và Phật giáo Nam tông đến từ sự lưu truyền Phật giáo, tuy nhiên, theo chủ ý cá nhân, tôi có sự tin tưởng nhất định với Phật giáo Nam tông hơn, bởi vì Phật giáo Nam tông có sự ghi chép kinh điển kỹ lưỡng hơn so với Phật giáo Bắc tông.

Sự nhầm lẫn vào xáo trộn càng được hoàn thiện hơn trong Kinh Địa Tạng và câu chuyện về Địa Tạng vương bồ tát (Kṣitigarbha). Cuốn Kinh Địa Tạng (Kṣitigarbha Bodhisattva Pūrvapraṇidhāna Sūtra) được cho là dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán vào thế kỷ thứ 6, thời Đường và cũng không rõ xuất xứ.. Cuốn kinh Địa Tạng cho biết, tiền thân của Địa Tạng vương là một thánh nữ Bà La Môn giáo có tên Mục Quang. Cô gái này muốn cứu mẹ khỏi cảnh địa ngục, đã cầu xin Đức Phật giúp đỡ, và sau đó phát nguyện trở thành vị Bồ tát của Địa ngục, mong muốn cứu độ hết chúng sinh khổ sở dưới địa ngục (4). Cốt truyện này rất tương đồng với tích Mục Kiền Liên cứu mẹ, mà thực ra là Xá Lợi Phất cố gắng cứu độ mẹ khỏi địa ngục. Trong một thời gian dài, và có lẽ đến tận ngày nay, nhiều người tổ chức lễ Xá tội vong nhân cũng đều có xu hướng đồng nhất câu chuyện Mục Kiền Liên cứu mẹ và Mục Quang cứu mẹ (cùng chung nhau chữ Mục chăng?).

Như vậy, những quy định của ngày lễ Vu Lan Bồn là phỏng theo lời chỉ dạy trong cuốn Kinh Vu Lan Bồn vốn thực sự chỉ lưu truyền ở Trung Quốc từ thế kỷ thứ 3, gần 800 năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn. Những nhập nhằng ngay từ văn bản càng cho thấy nghi lễ này được đặt ra bởi các tu sĩ đời sau và có thể du nhập sự ảnh hưởng từ các tục thờ cúng ma quỷ bản địa ở khu vực Ấn Độ, Trung Á và tây bắc Trung Quốc, câu chuyện và lý lẽ trong Vu Lan Bồn chỉ đắp thêm một lớp ý nghĩa khác cho tục thờ cúng này, chuyển đổi từ cúng tế để cầu xin may mắn cho bản thân sang bố thí cho chư tăng và chúng sinh các giới.

Ngày lễ người chết

Cho dù có khoác thêm lớp vỏ báo hiếu, thì về bản chất, ngày Rằm Tháng Bảy vẫn là một ngày lễ cúng tế người chết. Cái tên “xá tội vong nhân” có phần thích hợp với ngày này. Người Trung Quốc gọi lễ tiết Rằm Tháng Bảy là Trung Nguyên (nằm trong hệ thống Tam Nguyên Nhật bao gồm Thượng Nguyên – thờ trời, Trung Nguyên – thờ đất, Hạ Nguyên – thờ tổ tiên và các vị thành hoàng). Xuất xứ của Tam Nguyên Nhật không rõ ràng, nhưng đến nay tiết Trung Nguyên với ý nghĩa thờ đất tương đồng với địa ngục trong Phật giáo và Hindu giáo. Có khả năng, lớp ý nghĩa ban đầu của tiết Trung Nguyên đã bị mai một, thay vào đó là ngày xá tội vong nhân và lễ Vu Lan.

Ngày xá tội vong nhân theo quan điểm chung, đó là ngày Diêm vương mở cửa địa ngục để đưa người chết trở về dương thế. Mà trong những mô tả của Phật giáo và của văn hóa Trung Quốc, địa ngục là nơi giam giữ những người chết mắc tội. Còn những người chết tốt bụng hoặc được tha tội thì đã đầu thai hoặc được thăng làm thần ở cõi trời hay cai quản một vùng đất nào đó. Như vậy, ngày xá tội vong nhân đích thực là ngày phóng thích những linh hồn tội lỗi lên trần gian, đúng như tên gọi của nó.

Nhiều người tin rằng lễ xá tội vong nhân là hình thức mê tín dị đoan của tục thờ cúng tổ tiên ăn sâu vào tâm thức thờ cúng của người Trung Quốc, khiến cho nghi lễ đầy ý nghĩa nhân văn của Phật giáo bị nhuốm màu sắc “cô hồn”, nhưng nếu tìm hiểu về địa ngục của Ấn Độ và Trung Quốc cổ đại, ta sẽ thấy rằng ý nghĩa của ngày xá tội vong nhân đến từ chính Ấn Độ.

Nghi lễ của Ấn Độ giáo tương ứng với ngày xá tội vong nhân có tên gọi là Pitru Paksha (có nghĩa là “đêm của tổ tiên”). Theo Ấn Độ giáo, linh hồn ba đời tổ tiên cư trú ở cõi giữa trời và đất, được cai quản bởi thần Yama – mà chúng ta vẫn gọi là Diêm Vương. Pitru Paskha mở đầu bằng sự kiện mặt trời đi vào cung hoàng đạo Xử Nữ (tức cuối tháng 8, thường tương ứng với tháng 7 âm lịch) và kết thúc khi mặt trời bắt đầu đi vào cung hoàng đạo Bọ Cạp (tức cuối tháng 10). Trong ngày này, thần chết Yama đưa linh hồn người chết về ở cùng con cháu trong nhà cho đến khi ngày lễ kết thúc và trong những ngày này, con cháu cúng tế tổ tiên để cố gắng hài lòng tổ tiên, mong tổ tiên ban cho may mắn và giàu có (5). Sự quy định lễ Vu Lan Bồn của Phật giáo là một trong những nỗ lực để cải thiện nghi lễ Pitru Paksha của Hindu giáo, chuyển đổi mô hình cúng tế vì lợi ích bản thân thành một phép thực hành Phật giáo. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là trên giáo lý, thực tế thì các tín đồ Phật giáo thực hiện nghi lễ Vu Lan Bồn một cách lẫn lộn với lễ xá tội vong nhân đã được Hán hóa trong quá trình truyền sang Trung Quốc.

Tại Trung Quốc, Diêm vương không phải vị thần cai quản cõi chết có tính bản địa, mà chỉ được du nhập vào cùng với Phật giáo. Vị thần cai quản cõi chết cổ xưa nhất còn được biết đến nay là  vị thần núi Thái Sơn. Ở thời Hán, Thái Sơn được coi là điểm thông giữa trời và đất, sau khi con người chết thì linh hồn đều quay về Thái Sơn. Ở thời Tần Hán, rất nhiều phương sĩ tập trung quanh núi Thái Sơn để tu đạo và luyện thuật trị quỷ chính bởi nguyên nhân này. Các vị vua như Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế, Đường Cao Tông, Tống Chân Tông đều thực hiện các nghi lễ cầu đảo tế trời đất và quỷ thần tại núi Thái Sơn để cầu mong thiên hạ thái bình, đất nước thịnh vượng. Những vị tướng tài giỏi hay quan thanh liêm sau khi chết đều trở thành người giúp thần núi Thái Sơn cai quản cõi u minh, về sau, (có lẽ do thiếu nhân sự) các tướng cướp nổi tiếng cát cứ các phương cũng được phong chức và làm việc cho âm ty (6).Chỉ đến khi Phật giáo du nhập vào Trung Quốc và có ảnh hưởng mạnh mẽ, thần núi Thái Sơn không còn đóng vai trò như vị thần cai quản cõi giới người chết nữa, mà nhiệm vụ này do Diêm Vương giữ (Thập điện Diêm La) và vị trí địa ngục chuyển từ Thái Sơn sang Phong Đô ở Tứ Xuyên – một mô hình địa ngục có sự kết hợp giữa Phật giáo và Đạo giáo. Vị thần cai quản Phong Đô và cõi người chết ban đầu là Viêm Đế Đại Đình thị, được coi là chí tôn của tất cả các quỷ trong thiên hạ. Mô hình Phong Đô đã bắt đầu xuất hiện sự phân tầng theo đạo đức và tội lỗi của các vong hồn giống như địa ngục của Ấn Độ. Hình tượng Diêm Vương và Viêm Đế Đại Đình thị gặp gỡ và giao hòa với nhau ở núi Thái Sơn, để dần dần tạo ra mô hình Phong Đô Đại Đế là người cai quản địa ngục và ở dưới là Thập Điện Diêm Vương. (7)

Nếu các phương sĩ trước sự ảnh hưởng của Đạo giáo chỉ quan tâm đến các thuật trừ quỷ, tu luyện trường sinh bất lão và chữa bệnh cứu người, thì với sự xuất hiện của Đạo giáo vào thế kỷ thứ 2 đã khiến cho một quốc gia vốn coi trọng sự sống như Trung Quốc cũng học theo Ấn Độ, chuyển sang coi trọng cõi chết. Các tư tưởng gia của Trung Quốc, từ Lão Tử, Trang Tử, Khổng Tử, Mạnh Tử… đều là những người coi trọng sự sống, chấp nhận cái chết, và có thái độ không sùng bái quỷ thần. Tuy nhiên, với sự dung hợp Nho – Phật – Đạo diễn ra liên tục trong suốt những năm chiến tranh, loạn lạc và kéo dài tới tận ngày nay, văn hóa Trung Quốc đã trở thành điểm gặp gỡ hỗn loạn của tục thờ cúng người chết lưu truyền từ Ấn Độ, những cuốn kinh sách Phật giáo không rõ nguồn gốc và những nghi lễ cúng tế, trừ quỷ từ những phương sĩ, đạo sĩ bí ẩn. Mớ hỗn tạp này theo đó du nhập vào Việt Nam trong suốt những năm tháng Việt Nam bị đô hộ, rồi sau đó là những đợt di dân từ cả Trung Quốc và Ấn Độ. Trước khi có sự du nhập này, những tộc người tồn tại trên mảnh đất Việt Nam từ Bắc vào Nam, đâu đâu cũng có những đợt tế lễ vong hồn khác nhau và có các quan điểm về địa ngục khác nhau. Viết đến đây, tôi chợt thấy rằng ở Việt Nam thực sự là một quốc gia của người chết, chúng ta có quá nhiều ngày để tế lễ người chết, và có vẻ như tháng nào cũng là tháng cô hồn. (Đọc bài Hệ thống thờ cúng thần của người Việt để hiểu hơn về thế giới cõi âm của người Việt).

Hà Thủy Nguyên

Chú thích:

  1. Trích Kinh Vu Lan Bồn, Bản dịch của sư Trí Quang. Link: https://thuvienhoasen.org/a22001/kinh-vu-lan
  2. Lịch sử Đức Mục Kiền Liên – Hellmuth Hecker,  Nguyễn Điều dịch. Link: https://daotrangtuphat.com/cuoc-doi-duc-muc-kien-lien-04/ .
  3. Cuộc đời  Đức Xá Lợi Phất – Nyanaponika Thera, Nguyễn Điều dịch. Link: https://daotrangtuphat.com/cuoc-doi-duc-xa-loi-phat-phan-3/
  4. Kinh Địa Tạng bồ tát bổn nguyện, Thích Trí Tịnh dịch, phẩm thứ Nhất.  Link: https://thuvienhoasen.org/p16a1889/pham-thu-nhat-than-thong-tren-cung-troi-dao-loi
  5. Hindu feasts, fasts and ceremonies, Sastri, S. M. Natesa (1988), Trang 15-17.
  6. Đạo giáo sinh tử kỳ thư – Tống Đạo Nguyên, dịch giả Cổ Đồ Thư, xuất bản 2011 (Trang 88,89)
  7. Đạo giáo sinh tử kỳ thư – Tống Đạo Nguyên, dịch giả Cổ Đồ Thư, xuất bản 2011  (Trang 104, 113, 116)

Từ thờ cúng nữ thần đến tín ngưỡng thờ Mẫu

Tín ngưỡng thờ nữ thần không phải là một hiện tượng độc đáo trong đời sống tâm linh của người Việt, trái lại, rất phổ biến trên toàn thế giới. Tượng thờ nữ thần cổ xưa nhất được tìm thấy của người Cro-Magnon tại Hohle Fels có niên đại khoảng 35.000 năm với bộ ngực, bụng và âm hộ phóng đại. (1) Ở thời kỳ đồ đá, nữ thần giữ vai trò tối cao – đấng Sáng Thế, Nuôi Dưỡng và Hủy Diệt và luôn

Thần quỷ ở Hà Nội (1): Phân vùng (Ghi chép ngắn)

Hà Nội là một mảnh đất chứa nhiều bí ẩn, với nhiều tục thờ cúng thần quỷ xa xưa đã được Nho giáo hóa hoặc Phật giáo hóa. Tôi luôn muốn tìm hiểu một cách tổng thể về các thần và quỷ được thờ ở Hà Nội, cũng muốn qua đó hiểu hơn về các sắc dân đã an cư và lập nghiệp tại đây. Đây là những ghi chép của tôi, có thể có những phần suy luận chưa có đủ căn cứ. Đây

Hệ thống các vị Phật, bồ tát và thần, quỷ trong Phật giáo

I – Giáo đoàn của Thích Ca Mâu Ni và các hệ thống kinh điển Những chứng tích về Thích Ca Mâu Ni Đức Phật Cồ Đàm (Siddhattha Gotama) hay Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni) là cái tên đã ăn sâu vào tâm thức của người Việt và chúng ta được nghe kể rất nhiều về cuộc đời của ông qua các truyền thuyết Phật giáo được lưu lại trong văn bản kinh sách, thế nhưng, nếu tiếp cận cuộc đời của ông dưới góc

“Rumi tinh tuyệt” – Say, quay và bay

Ban đầu, tôi biết đến Rumi qua các bài giảng của nhà huyền môn thế kỷ 20 đầy mê hoặc – Osho (Rumi có một cái tên rất dài, nhưng tôi chỉ muốn gọi ông đơn giản là Rumi). Osho yêu Rumi, không ít lần Osho thốt lên điều ấy. Tình yêu của Rumi cũng chính là trọng tâm trong những lời giảng về con đường chứng ngộ của Osho. Năm 2016, tôi được đọc bản dịch Rumi đầu tiên được xuất bản ở Việt

Những sự thật về Halloween

Ngày lễ Halloween có được tổ chức ở nơi bạn sống không? Tại Hoa Kỳ và Canada, Halloween được biết đến rộng rãi và được tổ chức hàng năm vào ngày 31 tháng 10. Dù vậy, phục trang Halloween lại có thể được tìm thấy ở rất nhiều nơi khác trên thế giới. Ở một số nơi, các kỳ nghỉ lễ dù được đặt tên khác nhau nhưng cũng chia sẻ những đề tài tương tự: Sự liên hệ với thế giới linh hồn, bao

Thư Sinh

31/10/2019