Home Chuyên đề tháng Kỹ thuật tuyên truyền và ảnh hưởng tới xã hội

Kỹ thuật tuyên truyền và ảnh hưởng tới xã hội

Là một dạng thức của truyền thông (communication), tuyên truyền (propaganda) được tận dụng rộng khắp trong mọi thiết chế xã hội và xuyên suốt lịch sử nhân loại. Chính cấu tạo từ “propaganda” đã hàm chứa ý nghĩa chính của khái niệm này: tiền tố “pro-” trong gốc Latin có nghĩa là “tiến về phía trước” và “paganda” có gốc Latin là “pagare” với nghĩa “tiếp nối vào”, để tạo thành hàm nghĩa là “nhân rộng”. Khi một thông điệp được lan rộng một cách chủ động thì đó chính là hành vi tuyên truyền. 

Trong mọi thiết chế xã hội, tuyên truyền luôn tồn tại, ngay cả khi ở thời sơ cổ man dã. Những sử thi truyền khẩu, những khúc thơ được xướng lên theo làn điệu hay những nghi lễ cộng đồng… trong các cộng đồng người chưa lưu trữ bằng chữ viết là hình thái đầu tiên của tuyên truyền. Chúng được sáng tạo ra để thu hút các cá nhân trong cộng đồng tập trung vào thông điệp được đan cài trong đó, có thể là các nguyên tắc truyền thống hoặc tôn vinh một anh hùng hay một dòng tộc, hoặc kêu gọi tham gia vào một hoạt động nào đó. 

Trong “Thi ca luận” “Biện luận”, Aristotle đã ghi chép rất kỹ lưỡng các hình thái thuyết phục và thu hút người nghe trong xã hội Hy Lạp cổ đại. Những bài diễn thuyết được tổ chức công khai giữa chợ, những vở kịch với đủ loại thủ pháp nhằm truyền tải dụ ngôn cụ thể để khuấy động cảm xúc người nghe nhằm điều hướng theo. Aristotle cũng tách biệt giữa những tác phẩm và diễn ngôn tự thân không bị chi phối bởi các động cơ và những thông điệp được tô điểm bằng các hiệu ứng nhằm lan rộng hơn. Chúng ta có thể thấy ở thời Hy Lạp cổ đại, chiến thuật thu phục lòng người phổ biến nhất vẫn là khơi dậy những cảm xúc của đám đông. Trong nỗ lực chỉnh đốn cách truyền thông điệp của các diễn thuyết và kịch nghệ một cách tuyệt vọng, hẳn nhiên Aristotle bị mắc kẹt giữa mâu thuẫn ham muốn biểu hiện và ham muốn mê hoặc của người nghe, nhưng những đóng góp của ông đã tạo ra một ranh giới rõ rệt giữa các thông điệp được biểu đạt trung thực và lý trí với những khuấy đảo cảm xúc để điều hướng và dẫn dắt hành động của đám đông. Môi trường tự do ngôn luận và biểu đạt tại Hy Lạp dẫn tới những cuộc chiến dư luận mà đám đông dân thường bị tác động dẫn tới tình trạng hỗn loạn của xã hội. Đây là hiện tượng nhiều thế lực khác nhau cùng lúc tuyên truyền và các thông điệp mâu thuẫn với nhau. 

Tại Á Đông nói riêng và toàn bộ thế giới quân chủ nói chung, tuyên truyền là quyền lực trọng yếu của nhà cầm quyền để duy trì quyền lực. Các nguyên tắc lễ giáo được đặt ra với mục tiêu duy trì trật tự xã hội và cấu trúc quyền lực, được thiết kế đan cài trong các giáo lý tôn giáo hoặc hệ tư tưởng mà các tầng lớp trí giả nắm nhiệm vụ truyền đạt. Các trí giả có thể là linh mục, nhà sư, tư tế, thầy tu, nho sĩ, giáo sĩ…  Không giống như bầu không khí sôi nổi của cuộc chiến dư luận tại Hy Lạp cổ đại, các hệ thống này chọn cách độc quyền diễn ngôn, tức là công cụ tuyên truyền nằm trong tay thế lực tuyên truyền. Chỉ khi nào quyền lực của nhà cầm quyền suy giảm, thường là đứng trước nguy cơ suy tàn, lúc bấy giờ các diễn ngôn khác sẽ xuất hiện và được lan rộng bằng các thế lực đối chọi (có thể là đối trọng trong nước hoặc nước lân bang). Binh pháp Tôn Tử cách đây hơn 2500 năm, trước cả Aristotle, đã đặc biệt nhấn mạnh việc tung tin trong nước địch khiến vua tôi, dân chúng ly tán, là phương thức phản gián tối ưu nhất trong chiến tranh. 

Tuy nhiên, chỉ đến tác phẩm nghiên cứu của Harold D. Lasswell sau Thế chiến I, giới học giả và quân sự mới thực sự có được cái nhìn toàn diện và chi tiết cách hệ thống tuyên truyền được tổ chức, trao quyền lực và tầm ảnh hưởng. So với những chuyên gia quân sự thời xa xưa, Lasswell có nhiều lợi thế về tư liệu và tầm bao quát hơn do bối cảnh của thế giới hiện đại. Các phương tiện truyền thông nở rộ lúc bấy giờ như báo chí, văn chương, tranh cổ động, phim ảnh… là những tư liệu nghiên cứu quý giá mà ở những thời đại trước không có cơ hội tiếp cận. Thêm vào đó, quy mô của cuộc chiến khiến các quốc gia dồn rất nhiều ngân sách cho tuyên truyền và trao quyền không giới hạn cho bộ máy tuyên truyền, khiến các “nghệ sĩ tuyên truyền” được thỏa sức phô diễn năng lực. 

Tìm hiểu thêm: Kỹ thuật tuyên truyền trong thế chiến – Harold D. Lasswell – Book Hunter Lyceum

Tầm quan trọng của Harold D. Lasswell, nhà khoa học chính trị quan trọng nhất trong nghiên cứu truyền thông 

Cuốn sách  “Kỹ thuật tuyên truyền trong thế chiến” (Tên gốc: “Propaganda Technique in the World War”)  của Harold D. Lasswell (1902-1978) xuất bản lần đầu vào năm 1927, là một tác phẩm quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu về truyền thông và tuyên truyền. Như đã nói ở trên, đây là một trong những công trình đầu tiên nghiên cứu một cách có hệ thống về tuyên truyền trong bối cảnh chiến tranh, đặc biệt là trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Lasswell đã phân tích cách thức các chính phủ và tổ chức sử dụng tuyên truyền để ảnh hưởng đến nhận thức và hành vi của công chúng, qua đó kiểm soát và duy trì sự ủng hộ cho các nỗ lực chiến tranh. Ông áp dụng hướng tiếp cận tâm lý chính trị và xã hội học để giải thích hiệu ứng của tuyên truyền, từ đó cho thấy thông điệp tuyên truyền có thể tác động đến tâm lý và hành vi con người bao gồm cảm xúc, niềm tin và giá trị của đối tượng tiếp nhận.

Cuốn sách này đặt nền móng cho nhiều lý thuyết truyền thông sau này, bao gồm hiểu quy trình hình thành thông điệp tuyên truyền và hiệu ứng nó tạo ra. Lasswell đúc kết mô hình tuyên truyền cơ bản đầu tiên được gọi là 5W bao gồm (Who – Ai, Says What – Nói gì, In Which Channel – Kênh truyền nào, To Whom – Tới ai, With What Effect? – Với hiệu ứng thế nào). Khi nhận xét về Lasswell, Armand & Michèle Mattelart – hai tác giả của cuốn sách “Lịch sử các lý thuyết truyền thông” nhận định: “Công thức này đã khiến Lasswell trở nên nổi tiếng và là một công thức có vẻ như không còn có gì mơ hồ nữa, và qua đó, vào năm 1948, Lasswell đã trang bị một bộ khung khái niệm cho môn xã hội học chức năng luận về các phương tiện truyền thông đại chúng, một bộ môn mà cho đến lúc đó, chỉ có một loạt các cuộc khảo sát mang tính chất chuyên khảo” với “phân tích sự kiểm soát”, “phân tích nội dung”, “phân tích các phương tiện truyền thông và thiết bị”, “phân tích khán thính giả”, “phân tích hiệu quả”.”(trang 50)

>> Đọc thêm: “Lịch sử các lý thuyết truyền thông”: thao túng hay khách quan – Book Hunter

Chúng ta có thể tìm thấy dấu vết phương pháp nghiên cứu của Lasswell ngay tại lời tựa của cuốn sách. Cùng với lời cảm ơn dành cho những đơn vị và cá nhân giúp đỡ, ông cho thấy mình đã sử dụng phương pháp nghiên cứu liên văn bản kết hợp với phỏng vấn xã hội học, và đương nhiên là sự quan sát của một người đương thời trong cuộc. Từ đó tới nay, các chính phủ và tổ chức đã sử dụng những hiểu biết từ nghiên cứu của Lasswell để phát triển các chiến lược tuyên truyền hiệu quả hơn và các nhà phê bình xã hội & truyền thông cũng sự dụng các kết quả nghiên cứu của ông để phân dịch rõ khi nào thì một chiến dịch tuyên truyền được khởi xướng nhằm hướng tới mục tiêu gì. 

Công trình của Lasswell cho thấy cách thức tuyên truyền có thể được sử dụng để duy trì sự ủng hộ của công chúng, và tất yếu ảnh hưởng đến cách các quốc gia tiến hành chiến tranh và quản lý dân chúng trong các thời kỳ xung đột. Hơn ai hết, Lasswell ý thức rõ ràng về động cơ và vai trò của cuốn sách trong bối cảnh những niềm tin vụn vỡ của dư luận sau thế chiến, đặc biệt là trong môi trường học thuật. Ông viết: “Có nhiều lý giải cho câu hỏi tại sao vai trò của hoạt động tuyên truyền trong quan hệ chính trị quốc tế, đặc biệt trong thời chiến, nhận được sự soi xét kỹ lưỡng hơn bao giờ hết. Người dân ở khắp nơi đang muốn tìm hiểu sâu hơn về cách thức thế giới này vận hành. Một số người, mà vài năm trước khi Thế chiến nổ ra từng chấp nhận các xu thế thay đổi của tình trạng thù địch và hữu nghị [giữa các quốc gia] như những biểu hiện cho sự bất biến của vũ trụ, chẳng hạn như mặt trời mọc hoặc hạt mưa rơi, giờ lại nghi ngờ tính siêu nhiên hay vô cảm của những sự kiện này. Một khái niệm mới xuất hiện, thứ gióng lên một hồi chuông báo động trong tâm trí của nhiều người – khái niệm “Tuyên truyền”. Hơn bao giờ hết, chúng ta đang sống giữa những con người bối rối, bất an hoặc bực bội trước một thứ mánh khóe vô danh dường như đã lừa bịp và làm mất thể diện của họ. Mọi thứ liên quan đến tuyên truyền trở thành chủ đề bị công kích dữ dội, nhưng cũng nhờ đó nó trở thành chủ đề được quan tâm, thảo luận và cuối cùng là được nghiên cứu.” (Trang 12,13) … “Cuốn sách này là một tài liệu phân tích sơ bộ và có tính thời sự cao về những vấn đề của tuyên truyền trong tương quan giữa thái độ ủng hộ và thù địch trên vũ đài chính trị quốc tế trong thời chiến. Sự thù ghét có thể được tận dụng như nào để đánh bại kẻ thù? Có thể khéo léo thao túng dư luận nhằm hạ khí thế kẻ thù ra sao? Làm cách nào để xây đắp mối quan hệ nồng ấm với các đồng minh hay các nước trung lập” (Trang 22-23 – “Kỹ thuật tuyên truyền trong thế chiến” của H.D Lasswell, Thảo Minh dịch, Book Hunter &NXB Đà Nẵng, 2023)

Tuyên truyền – quyền lực mềm tiết kiệm sức người sức của trong chiến tranh

Như đã đề cập ở trên, Tôn Tử đã coi việc tác động dư luận như một cách tối ưu trong tấn công vào hàng ngũ địch. Điều này được nhắc đến trong chương “Dụng gián”. Tôn Tử đã đúc kết hệ thống mô hình sử dụng gián điệp cài vào hàng ngũ địch bao gồm 5 loại là Nhân gián (tức biến người nước địch thành người của mình), Nội gián (tức dùng quan lại của địch thành người của mình), Phản gián (biến gián điệp của địch thành người chịu sự chi phối của mình), Tử gián (tức người tung tin thất thiệt vào hàng ngũ địch), Sinh gián (tức người sống sót trở về để báo tình hình). Đây là mô hình phức tạp kết hợp giữa ngoại giao, dân vận, tung tin đồn… để tác động dư luận tới hàng ngũ địch. Đây chính là một phần của hoạt động tuyên truyền. Bởi vậy, tại thế giới Á Đông xa xưa, cuộc chiến dư luận có địa vị rất cao, và vị trí của mưu thần, thuyết khách… đặc biệt được trọng vọng trong thời loạn lạc. Những tích như Trương Lương dùng tiếng sáo làm lung lay ý chí chiến đấu của quân Sở hay Gia Cát Lượng khẩu chiến ở Đông Ngô… đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh của thứ quyền lực mềm này.. Nguyễn Trãi trong “Bình Ngô đại cáo” cũng khẳng định: “Chẳng đánh mà người chịu khuất, ta đây mưu phạt công tâm” (Bản dịch của Ngô Tất Tố), cho thấy việc sử dụng dư luận trong chiến trận từ lâu đã trở thành hoạt động được ưu tiên, đặc biệt đối với một quốc gia nhỏ với binh lực yếu kém như nước ta. 

Video về trò chuyện về Tôn Tử và các lý thuyết quân sự Trung Quốc

Lasswell trong tác phẩm nghiên cứu của mình cũng cho thấy vai trò trọng yếu tương tự của tuyên truyền. Ông chỉ ra rằng có ba cột trụ quan trọng để thực hiện chiến tranh: một là nguồn lực quân sự, hai là nguồn lực kinh tế, và ba chính là tuyên truyền; tất yếu rằng khi tấn công quân địch, ba mặt trận này cũng đồng thời được triển khai. Ông đúc kết nhiệm vụ quan trọng nhất của tuyên truyền thời chiến như sau: “Trong thời chiến, tuyên truyền đóng một vai trò đắc lực trong việc cung cấp các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, vải vóc, nhiên liệu, cũng như làm bước đệm cho chế độ quân dịch và quá trình tuyển trạch các vị trí trong bộ máy chiến tranh, phục vụ công tác cứu trợ và mua công trái. Tuy nhiên, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tuyên truyền là hun đúc sự thù ghét của người dân với quốc gia thù địch, duy trì quan hệ hữu nghị với các đồng minh và các nước trung lập, lôi kéo các nước trung lập chống lại kẻ thù, và phá vỡ phòng tuyến của kẻ thù. Nói tóm gọn, tuyên truyền sở hữu tầm quan trọng đặc biệt trên vũ đài chính trị quốc tế khi chiến sự xảy ra.” (Trang 20) Có thể hiểu, tuyên truyền vận động giúp gia tăng sức mạnh kinh tế và quân sự cho nước sở tại đồng thời tuyên truyền công kích giúp duy trì khối đoàn kết thù hận và gây hoang mang trong chính nước đối địch. 

Từ bối cảnh nghiên cứu Châu Âu thế chiến I, Lasswell nhận ra một mẫu số chung trong hành động của các chính quyền khi vào thời chiến, đó là: tất yếu khi xung đột diễn ra, chính quyền sẽ nắm trọn quyền lực truyền thông tại nước mình trong tay. Đó là điều khó tránh, bởi vì chắc chắn rằng nước khác sẽ sử dụng các hình thức tấn công dư luận và có thể gây ra những biến số khó lường. Ông cho biết: “Khi chiến tranh nổ ra, người ta nhận thấy chỉ huy động sức người và các phương tiện khác là không đủ; cần phải huy động cả sức mạnh của dư luận. Quyền lực đối với dư luận cũng như quyền lực đối với mạng sống và tài sản, được giao vào tay các quan chức, bởi mối nguy từ sự cho phép lớn hơn mối nguy từ sự lạm dụng. Do đó, không còn nghi ngờ gì nữa, việc chính phủ quản lý dư luận là kết quả không thể tránh khỏi trong một cuộc chiến tranh hiện đại quy mô lớn. Câu hỏi quan trọng giờ chỉ là chính phủ nên thực hiện tuyên truyền một cách âm thầm hay công khai, và ở mức độ nào. Đối với công chúng trong nước, hành động che giấu không đem lại lợi ích gì, và mọi điều được nói ra sẽ mất uy tín ở mức nhất định khi người ta cố gắng giữ bí mật. Sức lan tỏa của các thông điệp tuyên truyền còn được cộng hưởng rất nhiều nếu nhận được sự hậu thuẫn của chính phủ.” (Trang 26)

Không có công thức chung cho việc tổ chức bộ máy tuyên truyền, bởi với mỗi hoàn cảnh và mỗi quốc gia với cấu trúc chính trị và văn hóa riêng biệt có thể dẫn đến cách tổ chức khác nhau. Tuy nhiên, các hệ thống tuyên truyền đều thống nhất ở một điểm đó là rất khó để phân định ai thực sự là một tham mưu trưởng chỉ huy toàn bộ cỗ máy phức tạp nhiều thành phần và đòi hỏi sự ứng biến liên tục này. Dẫu vậy, bộ máy vẫn cần hoạt động nhịp nhàng với nhau để đạt hiệu quả cao nhất, nếu không đó sẽ là sự lãng phí nguồn lực nguy hại. Cách thức để thống nhất thường thấy chính là thông qua sự đồng thuận các chính sách được xây dựng từ những thông tin được cán bộ tuyên truyền thu thập từ dư luận. Lasswell mô tả mối quan hệ giữa cán bộ tuyên truyền và các nhà hoạch định chính sách như sau:

“Điều quan trọng là cần thừa nhận vai trò của giới tuyên truyền viên không chỉ trong quá trình thực thi chính sách mà cả trong giai đoạn lập chính sách. Nếu thiếu đi các thông tin chuyên môn để tham khảo thì công đoạn lập chính sách sẽ không được thực hiện một cách trọn vẹn và hiệu quả nhất. Một trong những yêu cầu công việc hàng ngày của giới tuyên truyền viên là cần nhìn nhận và đánh giá các sự vụ đáng lưu tâm trong dư luận. Giờ đây, quá trình đánh giá cân nhắc thái độ của dư luận không thể được thực hiện trừ khi được thúc đẩy bởi những nhân vật có uy tín ít nhất ngang bằng với những người có quyền hạn ban bố chính sách. Những cá nhân đứng đầu các cơ quan tuyên truyền không nhất thiết phải chính thức đảm nhiệm các chức vụ cấp bộ trưởng, hoặc có chân trong Nội các, nhưng họ cần thực sự tạo dựng được tầm ảnh hưởng ở cấp bộ ngành hoặc có khả năng tác động lên Nội các.” (trang 39) Để minh chứng cho điều này, Lasswell đã trích lại khẳng định của tướng Erich Ludendorff của quân đội Đức: “Một chính sách tuyên truyền tốt phải đi trước các sự kiện chính trị thực tế. Nó phải âm thầm thực hiện chức năng giữ nhịp cho công tác ban hành chính sách và định hình dư luận.” (Trang 38)

Hướng dư luận quan trọng nhất mà các bộ máy tuyên truyền phải xử lý khi chiến tranh bùng nổ, đó là đàn áp lại tiếng nói phản chiến. Từ sâu thẳm, bất cứ người dân bình thường nào cũng đều mong muốn hòa bình, yên ổn để sinh sống theo cách mình muốn. Khi chiến tranh chuẩn bị ập đến, họ sẽ có xu hướng phản chiến hoặc rời bỏ quốc gia để tới nơi chốn không có chiến tranh – điều này gây bất lợi cho nguồn lực kinh tế và quân sự, nhất là khi “phản chiến” thậm chí vẫn có khả năng là thông điệp của phe đối địch khích động nhằm làm suy yếu niềm tin vào chính phủ sở tại. Do đó, bộ  máy tuyên truyền trước hết sẽ dành toàn lực để bảo vệ tính chính danh trong chiến trận của mình bằng nhiều cách khác nhau: tố cáo tội ác của kẻ thù, giữ vững niềm tin vào sức mạnh quân sự của quốc gia, giữ vững hình ảnh của các lãnh tụ và quan chức cấp cao, lãng mạn hóa hình ảnh của người lính và những người dân sẵn sàng hi sinh vì tổ quốc, lời kêu gọi đoàn kết toàn dân, tình yêu nước, những lợi ích có được từ chiến thắng, những nỗi sợ mất mát khi thua trận, giữ gìn tình bằng hữu với các nước liên minh… Những loại thông điệp này sẽ được truyền tải cùng lúc trên nhiều phương tiện truyền thông chính thống khác nhau dưới nhiều định dạng như sách, báo, phim, truyền hình, tranh ảnh, biểu diễn nghệ thuật, tác phẩm văn chương, bài diễn thuyết… (ngày nay còn là từng nội dung vụn trên mạng xã hội) Đây là lúc mọi chiều hướng thông tin lệch khỏi chủ trương đã định sẵn sẽ bị hạn chế hoặc cấm đoán. Lasswell đã gọi toàn bộ quá trình tuyên truyền này như một sự nuôi dưỡng ảo tưởng chiến thắng, ông viết: 

“Khí thế chiến đấu của một dân tộc phụ thuộc vào niềm tin rằng dân tộc đó có nhiều cơ hội để giành chiến thắng trong cuộc chiến. Kẻ thù có thể nham hiểm, phá hoại, hay là hiện thân của Quỷ dữ, nhưng nếu khả năng chiến thắng của chúng cao hơn, tinh thần chiến đấu của ta sẽ dần lung lay rồi sụp đổ. Sự giận dữ của một dân tộc thoái chí khi đó sẽ hướng đến một đối tượng mới, người dân khi đó sẽ quá tập trung vào việc thù ghét tầng lớp cầm quyền của mình hay của các đồng minh đến nỗi sự phẫn nộ dành cho kẻ thù sẽ dần tan biến, kéo theo là sự suy giảm về sức mạnh quân sự quốc gia.

Quá trình nuôi dưỡng ảo tưởng chiến thắng phải dựa trên sự liên đới chặt chẽ giữa sức mạnh và chính nghĩa. Cách chúng ta phân minh cái đúng và cái tốt ngày nay vẫn hệt như cách chúng ta đã làm từ thời nguyên sơ đến giờ, đó là phân định thông qua các trận đánh. Nếu ta thắng, Chúa ở bên ta. Còn nếu ta thua, Chúa có lẽ đã ủng hộ phe kia rồi. Nếu vậy, trừ khi bản chất của vũ trụ là xấu xa, còn không thì [sự bại trận này] có thể được diễn giải như một cơn đại nạn tức thời để trừng phạt chúng ta về những tội lỗi trong quá khứ, hay để thanh tẩy chúng ta hòng vươn đến những vinh quang sau này. Dù thế nào đi nữa, đã thất thủ thì phải biện minh, còn chiến thắng tự nó nói lên tất cả.” (Trang 119)

Cho đến tay, toàn bộ các thủ pháp vừa kể trên vẫn đang được sử dụng, ngay cả ở các nước đang trong giai đoạn hòa bình và thịnh vượng. Việc sử dụng các thủ pháp này không chỉ ở các chính phủ mà còn cả ở bộ phận truyền thông marketing của các tập đoàn hay các nhà hoạt động xã hội dân sự cần vận động để thay đổi một hiện trạng xã hội nào đó… Nhưng điều đáng kể hơn cả, đó là bộ máy tuyên truyền của các nhà nước vẫn hoạt động và ngốn nhiều ngân sách bất kể có đang diễn ra chiến tranh hay không. Trong chiến tranh, tùy theo mỗi cách tổ chức, ngân sách tuyên truyền sẽ được quy hoạch trực thuộc một đơn vị chính quyền nào đó, có thể là Bộ quốc phòng, Bộ ngoại giao, Bộ văn hóa… Tuy nhiên, được được nói lại một lần nữa, việc phân bổ ngân sách này rất khó kiểm soát, dễ thất thoát và cũng dễ bị lạm dụng sai mục đích. Để kiểm soát bộ máy tuyên truyền, cơ quan lập pháp đóng vai trò chủ chốt. Lasswell phân tích:

“Rõ ràng rằng quá trình đánh giá mối quan hệ giữa bộ máy lập pháp và bộ máy tuyên truyền đã cho thấy rất nhiều chỗ để nảy sinh sự hiểu lầm, phản bác hay ngờ vực lẫn nhau. Trừ khi các cơ quan lập pháp được thông tin đầy đủ và đưa ra những đánh giá chính xác, bằng không hoạt động tuyên truyền có thể bị cáo buộc thực hiện những mục đích phe phái, vụ lợi cho cá nhân hay cho từng tầng lớp xã hội nhất định. Tuy nhiên, nếu các cơ quan lập pháp lại đưa ra sự suy xét quá mức cần thiết, niềm tin của công chúng vào các nhà tham mưu có thể bị phá vỡ, và đạo đức bị giảm sút. Về mặt con người, cách giải quyết theo đường lối trung dung thỏa đáng là không thể xảy ra, bởi điều này phụ thuộc vào sự hạn chế tự nguyện của cơ quan lập pháp. Hy vọng duy nhất nằm ở những đường dây liên lạc kín đáo và không chính thức giữa những nhà tham mưu tuyên truyền và những nhà lập pháp. Những lời đàm đạo trao đổi riêng tư trên bàn ăn, trong các buổi sinh hoạt thể thao, tại sảnh nhà hàng hay ngoài phố, là chất bôi trơn để có thể vận hành bộ máy khổng lồ và phức tạp của chính phủ” (trang 57)

Video bản lưu cuộc trò chuyện KỸ THUẬT TUYÊN TRUYỀN & ẢNH HƯỞNG XÃ HỘI:

Ai là tuyên truyền viên?

Không giống như những người nhận trách nhiệm tuyên truyền thời cổ, vốn là người chủ động trong việc tác động tới cộng đồng mà họ muốn tác động và bị ràng buộc bởi lễ giáo và đạo đức của tổ chức, thế giới hiện đại với sự bùng nổ phương tiện truyền thông sách báo (thời thế chiến I) và sau đó là một loạt các phương tiện nghe nhìn, đến thời nay là mạng xã hội, khiến bất cứ ai đều có tiềm năng là những tuyên truyền viên, dẫu là các chính khách, các học giả, các thầy tu, các giáo viên, nhà báo, văn nghệ sĩ, diễn giả, KOL… Đặc biệt, ở thời đại mạng xã hội ngày nay, bất cứ người dân thường nào công khai hay ẩn danh, không có uy tín trước đó với người dân, nhưng do bộ máy tuyên truyền tác động, vẫn có thể trở thành một tuyên truyền viên hiệu quả. 

Và khi càng mở rộng, khả năng điều tiết tuyên truyền càng khó khăn hơn, từ đó nảy sinh ra một vấn nạn nghiêm trọng: “Mượn việc công để trả thù riêng”. Lasswell đã viết về tình trạng này trong cuốn sách như sau: “Hoạt động tuyên truyền có thể bị lạm dụng để phục vụ mục đích cá nhân hoặc đảng phái, và rất khó để định ra một ranh giới tách bạch giữa một vị lợi cá nhân nhưng đồng thời cũng làm lợi cho xã hội, với một vị lợi cá nhân nhưng không hề mang lại lợi ích gì cho xã hội.” (Trang 48) Tình trạng này dẫn đến nhiều vấn đề: Một là ngân sách nhà nước (vốn đã eo hẹp trong thời khó khăn, mà cụ thể ở đây là chiến tranh) có thực được sử dụng đúng mục đích hay không; Hai là bộ máy tuyên truyền có bị sử dụng để lấp liếm (bằng cách kiểm duyệt) hay bóp méo (bằng cách tung tin giả) về sự thật cần thiết phải công bố hay không, bởi vì, không có sự lấp liếm hay bóp méo nào mà không để lại hậu quả nghiêm trọng dài lâu; Ba là nguồn lực tuyên truyền có thể bị lợi dụng để phục vụ mục đích thương mại hay xây dựng quyền lực cá nhân hay củng cố địa vị của phe nhóm. Dẫu vậy, do lợi ích của tuyên truyền là quá lớn, nên các chính quyền vẫn dành nguồn lực đặc biệt cho đội ngũ này, đặc biệt là trong thời chiến. 

Để thành công, những tuyên truyền viên luôn tìm cách khai thác các định kiến có sẵn và ăn sâu trong tâm thức cộng đồng (tức thành quả của nhiều thế hệ tuyên truyền trước đó). Sự khai thác này có thể gây ra va chạm, đặc biệt trong tuyên truyền vào hàng ngũ địch hoặc vào các nhóm thiểu số có sự khác biệt về văn hóa. Độ khó sẽ gia tăng khi bộ máy tuyên truyền phải tác động ở một quốc gia công nghiệp có độ phân hóa cư dân cao và trình độ dân trí cao. Ngược lại, tại các nước nông dân nghèo nàn lạc hậu, thiếu sự đa dạng các nhóm dân cư, sẽ dễ dàng chịu ảnh hưởng bởi bộ máy tuyên truyền. Do đó, tuyên truyền và dân trí luôn mâu thuẫn và tỉ lệ nghịch về chiều hướng phát triển với nhau, bởi lẽ, tuyên truyền thường bóp méo sự thật trong khi dân trí cao luôn tìm mọi cách để chất vấn sự thật. Dẫu vậy, sự ủng hộ của các nguồn lực chính phủ và đam mê “sáng tạo” đã thu hút một lượng lớn những người có năng lực tạo nội dung tham gia bộ máy tuyên truyền một cách hồ hỏi và nhiệt huyết. Do xã hội ngày càng tiến bộ, họ cũng ngày càng tiến bộ hơn với cung cách nghiêm cẩn hơn và kỹ năng siêu tuyệt hơn. Lasswell kết luận một cách mỉa mai: “Tuyên truyền là một sự thỏa hiệp đối với tính duy lý của thế giới hiện đại. Một thế giới có học thức, một nơi tràn ngập sách vở còn người dân thì được nhận hệ thống giáo dục đầy đủ, lớn mạnh được nhờ vào tranh luận và tin tức. Tất cả những cá nhân có tài ăn nói trong thời đại này – nhà văn, phóng viên, biên tập viên, nhà thuyết giáo, giảng viên, giáo viên hay chính trị gia – đều bị kéo vào tuyên truyền nhằm cất lên một tiếng nói thống nhất. Mọi thứ đều được tiến hành với một sự lịch thiệp nhưng đầy mưu kế, do giờ là một giai đoạn duy lý của lịch sử đòi hỏi những dữ liệu thô phải được nấu kỹ và tỉa tót bởi những đầu bếp khéo léo và lão luyện nhất.” (Trang 245)

Việc hiệu rõ bộ máy tuyên truyền và nhiệm vụ của những người tuyên truyền, đối với một dân thường trong thời đại bị bủa vây bởi các phương tiện truyền thông là tối quan trọng. Từ nhiều hướng, bất cứ ai đều có thể “bị tuyên truyền” bởi chính những người quanh ta, hoặc bởi những làn sóng dư luận cố tình bị kích động trên kênh mà ta tiếp cận. Chúng ta sẽ bị vướng mắc trong “Cỗ máy thao túng” các nhận định và hành động thay vì có thể tự chủ cân nhắc một cách lý trí dựa trên thực tế của cá nhân. Là một công dân, ta cũng cần thiết phải biết tới cách bộ máy tuyên truyền đang hoạt động để tham gia giám sát hoạt động này, bởi nó ảnh hưởng mật thiết tới đời sống tinh thần của chúng ta, và nó được hoạt động dựa trên ngân sách công được đóng góp bởi từng đồng thuế của chúng ta. 

Hà Thủy Nguyên

Bộ Tứ Ma Trận Truyền Thông được xuất bản năm 2023

Tìm hiểu thêm: Combo “Ma trận Truyền thông” – Book Hunter Lyceum

Truyền thông & sự chi phối cảm xúc

Chỉ cần một chút tự quan sát, chúng ta có thể cảm thấy tác động của truyền thông đến cảm xúc của chính mình và những người xung quanh mình. Thông qua việc lựa chọn nội dung, hình ảnh, âm thanh và cách thức truyền tải, truyền thông có thể kích thích và điều khiển các phản ứng cảm xúc của khán giả. Ví dụ, các bài báo thường sử dụng tiêu đề giật gân và hình ảnh có tính chất kích động để thu

Truyền thông và văn hóa: Trùng trùng mô phỏng

Xét về bản chất, vạn vật trong vũ trụ đều “truyền thông” (communicate) theo những ngôn ngữ của riêng mình, bởi vạn vật luôn tương tác với nhau và trong sự tương tác ẩn chứa những nội hàm gây biến đổi. Cây xanh tương tác với mặt trời, không khí, đất, nước, các sinh vật khác…để cùng nhau sinh trưởng. Nước tương tác với gió, với nhiệt, va đập vào núi non, bờ bãi… để chuyển hóa thành sương hay mưa, hay đổ ra biển

Định kiến xã hội đã giới hạn chúng ta!

BookHunter: Đây là bản tham luận của Nguyễn Hồng Tâm trong buổi Seminar “Thế Giới Mà Xã Hội Tạo ra: Góc Nhìn của Xã Hội Học về Thực Tại và Con Người” do BookHunter thực hiện tại NXB Tri Thức, 53 Nguyễn Du. Bài viết dựa trên ba cuốn sách: Lời mời đến với Xã hội học, Sự kiến tạo Xã hội về Thực tại, và Đám đông cô đơn. Chúng tôi xin đăng lại toàn bộ bài tham luận để bạn đọc có thể

TÂM LÝ CHÍNH TRỊ – Chủ đề nghiên cứu quan trọng của thời đại mới

Mặc dù “tâm lý chính trị” không phải là một thuật ngữ mới mẻ gì, tuy nhiên vẫn không có ít bạn đọc vẫn chưa có một hiểu biết đủ chính xác về lĩnh vực này. Nhiều độc giả dễ dàng hiểu “tâm lý chính trị” là những chiêu trò tâm lý được một người hoặc một phe cánh sử dụng nhằm đạt được thêm quyền lực chính trị. Nếu hiểu “tâm lý chính trị” theo nghĩa này thì các bạn đang bị nhầm lẫn
le-nam

Lê Nam

06/11/2017

Gặp gỡ chuyên gia quảng cáo đã truyền cảm hứng cho tuyên truyền chống dân số ngày nay

Hugh Moore, một chuyên gia quảng cáo và là người sáng lập Công ty Dixie Cup, đã dành phần lớn cuộc đời để dùng tài năng của mình cho một mục tiêu khác thường: giảm số lượng người. Các biển quảng cáo đã bắt đầu xuất hiện khắp Portland với một thông điệp mang tính cá nhân đáng ngạc nhiên: ngừng sinh con. Mặc dù đây bản chất là một ý tưởng tồi, nhưng tôi sẽ thảo luận sau, một câu hỏi thú vị cần

Book Hunter

05/01/2023