Home Chuyên đề tháng Krishnamurti bàn về giáo dục: “Một khi bạn bắt đầu học thì không có kết thúc cho việc học”

Krishnamurti bàn về giáo dục: “Một khi bạn bắt đầu học thì không có kết thúc cho việc học”

Bạn biết đấy, bạn sống ở một trong những thung lũng đẹp nhất mà tôi từng thấy. Có một bầu không khí đặc biệt tại đây. Bạn có chú ý không, đặc biệt là vào các buổi tối và sớm tinh mơ, một sự tĩnh tại thấm sâu vào thung lũng? Tôi tin quanh đây có những ngọn đồi xa xưa mà con người chưa hủy hoại chúng, và bất cứ nơi nào bạn đi qua, ở thành phố hay đâu đó khác, con người đang hủy hoại tự nhiên, chặt phá cây xanh để xây thêm nhà cửa, làm ô nhiễm không khí bằng xe cộ và nền công nghiệp. Con người tiêu diệt động vật, chẳng còn mấy chú hổ sống trong tự nhiên. Con người hủy hoại mọi thứ bởi vì ngày càng có nhiều mạng người được sinh ra và họ cần có thêm không gian. Dần dần, con người lây lan sự hủy diệt trên khắp thế giới. Và khi ai đó tới thung lũng tương tự nơi đây, vốn có rất ít người, tự nhiên chưa bị tàn phá, vẫn còn tĩnh lặng, yên ắng, đẹp đẽ – họ thật sự kinh ngạc. Mỗi khi ai đó đến đây và cảm thấy sự khác lạ ở vùng đất này, nhưng bạn lại thấy nó quen thuộc. Bạn không nhìn ngắm những ngọn đồi nữa, bạn không lắng nghe tiếng chim hót và ngọn gió lùa trong tán lá. Thế rồi bạn dần trở nên vô tâm.

Giáo dục không phải chỉ học từ sách vở, ghi nhớ các sự kiện, mà còn học quan sát, học lắng nghe những gì sách nói, liệu rằng chúng nói đúng hay sai. Tất cả những điều đó đều là một phần của giáo dục. Giáo dục không chỉ là thi đỗ, lấy bằng cấp và kiếm việc làm, kết hôn rồi ổn định, mà còn là có thể lắng nghe tiếng chim, ngắm nhìn bầu trời, ngắm nhìn những vẻ đẹp phi thường của một cái cây, và hình dáng của những ngọn đồi, cảm nhận chúng, thực sự chạm sâu vào chúng. Khi bạn lớn dần, thính giác và thị giác, thật không may, sẽ biến mất, bởi vì bạn âu lo, bạn muốn kiếm thêm nhiều tiền, có xe tốt hơn, có nhiều con hoặc ít con hơn. Bạn trở nên ghen tị, dục vọng, tham lam, đố kị; do đó bạn mất đi cảm nhận về cái đẹp trên trái đất. Bạn biết những gì diễn ra trên thế giới. Bạn phải tìm hiểu những sự kiện đương thời. Nào thì chiến tranh, nổi dậy, nội chiến. Trong đất nước này, có sự chia rẽ, ngăn cách, ngày càng nhiều người hơn sinh ra trong đói nghèo, rên la và hoàn toàn tàn nhẫn. Con người mảy may không quan tâm đến những gì xảy ra với người khác khi mà họ hãy còn tuyệt đối an toàn. Và bạn được giáo dục để thích nghi với tất cả những điều ấy. Bạn có biết thế giới này thật điên rồ – tất cả những cuộc chiến, xung đột, ngược đãi, chia cắt này? Và bạn sẽ lớn lên để thích nghi. Điều này có đúng không, đây có phải là ý nghĩa của giáo dục, rằng bạn sẽ sẵn sàng hay không sẵn sàng thích nghi với cấu trúc điên loạn mà chúng ta gọi là xã hội? Và bạn có biết điều gì xảy ra với mọi tôn giáo trên khắp thế giới không? Ngay ở đó con người cũng không tích hợp, không ai tin vào điều gì nữa. Con người không có đức tin và tôn giáo hoàn toàn là kết quả của một cuộc tuyên truyền lớn.

Từ khi bạn còn trẻ, trong sáng, vô tội, liệu bạn có thể nhìn thấy vẻ đẹp trên trái đất không, có thể yêu mến không? Và bạn có giữ lại điều đó chăng? Nếu bạn không làm thế, khi lớn lên, bạn sẽ thuận theo, bởi vì đó là cách dễ dàng để sinh tồn. Khi bạn lớn lên, đâu đó trong bạn sẽ nổi dậy, nhưng sự nổi dậy đó cũng sẽ không giải quyết vấn đề. Phần nào đó trong bạn sẽ cố chạy trốn xã hội, nhưng chạy trốn chẳng có nghĩa lý gì. Ban phải thay đổi xã hội, nhưng không phải bằng giết chóc. Xã hội là bạn và tôi. Ban và tôi tạo ra xã hội mà trong đó chúng ta sống. Do đó bạn phải thay đổi. Bạn không thể thích nghi với xã hội kì quái này. Thế thì bạn sẽ phải làm gì?

Và bạn, sống trong thung lũng kì diệu này, liệu bạn có bị ném vào thế giới  xung đột, lầm lạc, chiến tranh, thù hận? Bạn sẽ xuôi theo, thích nghi và chấp nhận tất cả những giá trị cũ kỹ ấy chứ? Bạn biết những giá trị này là gì không –  tiền bạc, địa vị, danh tiếng, quyền lực. Đó là tất cả những gì con người muốn và xã hội muốn bạn thích nghi với khuôn mẫu giá trị. Nhưng nếu giờ đây bạn bắt đầu tư duy, quan sát, học hỏi, không phải từ sách vở, mà để bản thân bạn quan sát, lắng nghe mọi điều đang diễn ra quanh mình, bạn sẽ trở thành một con người khác – một người quan tâm, có tình cảm, yêu thương con người. Có lẽ nếu bạn sống theo cách đó, bạn dường như đã tìm thấy một cuộc đời tôn giáo đích thực.

Thế nên hãy nhìn vào tự nhiên, vào cây me ấy, những cây xoài đang nở hoa, và lắng nghe tiếng chim hót lúc tinh mơ cũng như chiều muộn. Nhìn ngắm bầu trời tinh khôi, những vì sao, trác tuyệt biết bao mặt trời lặn sau những ngọn đồi. Chiêm ngưỡng tất cả, những sắc màu, tia sáng trên lá cây, vẻ đẹp của mặt đất, trái đất giàu có này. Thế rồi, vừa chứng kiến điều đó vừa chứng kiến thế giới với toàn bộ sự tàn bạo, bạo lực, xấu xa, bạn sẽ làm gì?

Bạn có biết ý nghĩa của sự chú tâm? Khi bạn chú tâm, bạn nhìn mọi thứ rõ ràng hơn. Bạn nghe tiếng chim hót một cách tinh tường hơn. Bạn phân biệt được những âm thanh khác nhau. Khi bạn nhìn vào một cái cây với sự chú tâm lớn, bạn sẽ thấy toàn bộ vẻ đẹp của cái cây. Bạn ngắm nhìn lá, cành, bạn thấy gió đang chơi đùa với nó. Khi bạn chú tâm, bạn sẽ thấy rõ một cách phi thường. Bạn đã bao giờ làm vậy chưa? Chú ý khác với tập trung. Khi bạn tập trung, bạn không thấy gì cả. Khi bạn chú tâm, bạn thấy nhiều thứ. Bây giờ, hãy chú tâm. Nhìn ngắm cái cây kia và nhìn bóng râm, làn gió nhẹ trong vòm lá. Hãy nhìn hình dáng của cây. Nhìn sự đối xứng của cây này với cây khác. Hãy nhìn ánh sáng xuyên qua tán lá, ánh sáng trên cành và thân cây. Hãy nhìn toàn bộ cái cây. Hãy nhìn ngắm theo cách đó, bởi vì tôi sẽ nói về điều gì đó mà bạn phải chú tâm. Chú tâm rất quan trọng, trong lớp học, cũng như ngoài đời, khi bạn ăn, khi bạn tản bộ. Chú tâm là một điều phi thường.

Tôi sẽ hỏi các bạn đôi điều. Tại sao các bạn đi học? Bạn có hiểu câu hỏi của tôi không? Bố mẹ bạn gửi bạn tới trường. Bạn tham gia lớp học, bạn học toán, học địa lý, học lịch sử. Tại sao? Bạn có bao giờ hỏi tại sao bạn lại muốn đi học, đâu là trọng điểm của việc đi học? Đâu là trọng điểm của thi cử và bằng cấp? Có phải kết hôn, kiếm việc làm và ổn định cuộc sống như hàng triệu triệu người khác? Đó có phải là những gì bạn sẽ làm, là ý nghĩa của giáo dục? Bạn có hiểu những gì tôi đang nói không? Đây thực sự là một câu hỏi quan trọng. Toàn bộ thế giới đang đặt câu hỏi về nền tảng giáo dục. Chúng ta nhìn thấy rằng giáo dục được sử dụng vì mục đích gì. Nhân loại trên khắp thế giới – liệu Nga hay Trung Quốc hay Hoa Kỳ hay Châu Âu và cả đất nước này – được giáo dục để tuân thủ, để thích nghi với xã hội và nền văn hóa, thích nghi với dòng chảy của hoạt động kinh tế và xã hội, bị cuốn vào dòng chảy lớn suốt hàng ngàn năm. Đó có phải là giáo dục, hay giáo dục là gì đó hoàn toàn khác? Có thể giáo dục thấy rằng tâm trí con người không bị cuốn vào dòng chảy lớn để rồi bị hủy hoại, thấy rằng tâm trí không bao giờ bị hút vào đó, vì thế, với một tâm  trí như vậy, bạn có thể là một con người hoàn toàn khác với một phẩm chất cuộc sống khác? Bạn sẽ học theo cách đó chứ? Hay bạn sẽ để bố mẹ, xã hội ép buộc bạn trôi nổi theo dòng chảy của xã hội? Giáo dục đích thức có nghĩa là một tâm trí con người, tâm trí của bạn, không chỉ để làm toán, học địa lý hay lịch sử, mà còn có thể không bao giờ bị cuốn theo dòng chảy xã hội dù trong mọi hoàn cảnh. Bởi vì dòng chảy chúng ta gọi là sống còn, quá hủ bại, vô đạo đức, bạo lực, tham lam. Dòng chảy đó là văn hóa của chúng ta. Cho nên, câu hỏi là làm thế nào để mang đến sự đúng đắn của giáo dục để tâm trí có thể  chống cự với mọi cám dỗ, những ảnh hưởng, sự thô lỗ của nền văn minh và văn hóa này. Chúng ta đã đi đến bước ngoặt của lịch sử nơi mà chúng ta tạo ra một văn hóa mới, với dạng tồn tại hoàn toàn khác, không dựa trên chủ nghĩa tiêu dùng và công nghiệp hóa, mà là nền văn hóa dựa trên phẩm chất tôn giáo. Giờ đây làm sao để con người mang đến, thông qua giáo dục, một tâm trí không dục vọng, mà luôn chủ động và hiệu quả một cách phi thường; và nó nhận thức được điều gì là chân thật trong cuộc sống hàng ngày, và suy cho cùng chính là tôn giáo.

Giờ đây, hãy để chúng ta tìm ra đâu là ý nghĩa và mục đích thực sự của giáo dục. Tâm trí của bạn, vốn đã bị xã hội áp đặt, thứ văn hóa mà bạn sống trong đó, liệu có thể biến chuyển thông qua giáo dục đến mức bạn sẽ không hòa nhập với dòng chảy xã hội hay không? Liệu có thể giáo dục bạn theo cách khác? “Giáo dục” trong nghĩa thực sự của từ ấy, không phải là thầy truyền đạt cho trò những thông tin về toán học hay lịch sử hay địa lý, mà là chỉ dẫn cách những môn học này thay đổi tâm trí của bạn. Điều này có nghĩa là bạn phải có khả năng phản biện một cách phi thường. Bạn phải học cách không bao giờ chấp nhận bất cứ điều gì mà bản thân bạn không chứng kiến rõ ràng, không lặp lại những gì người khác nói.

Tôi nghĩ bạn nên đặt những câu hỏi với bản thân, không phải đôi lần, mà là hàng ngày. Khám phá. Lắng nghe vạn vật, từ tiếng chim cho tới tiếng bò rống. Học mọi điều về bản thân bạn, bởi vì nếu bạn học về bạn từ chính bạn, thì bạn sẽ không phải loại người bị tái sử dụng. Thế nên bạn sẽ, nếu tôi có thể gợi ý, từ giờ, hãy tìm kiếm cách sống hoàn toàn khác biệt và điều đó sẽ khó, vì tôi e rằng hầu hết chúng ta thích tìm cách dễ để sinh tồn. Chúng ta thích lặp đi lặp lại những gì người khác nói, những gì người khác làm, bởi vì đó là cách dễ nhất để sống – xuôi theo mẫu hình cũ hay mẫu hình mới. Chúng ta phải tìm ra lý do tại sao phải sống mà không bao giờ xuôi theo và sống mà không hề sợ hãi. Đây là cuộc đời của bạn, không ai có thể dạy được bạn, không sách vở, không bậc thầy. Bạn phải tự tìm kiếm nơi mình, không phải trong sách. Có rất nhiều điều có thể học từ bản thân mình. Thật là vô hạn, thật là thú vị khi bạn học về bản thân và về chính chúng ta, từ sự học đó thì trí tuệ sẽ tới. Thế rồi ban có thể sống cuộc đời kì diệu nhất, hạnh phúc nhất, đẹp đẽ nhất. Đúng không nào? Giờ thì các bạn sẽ hỏi tôi đôi điều chứ?

Sinh viên: Thế giới đầy những kẻ nhẫn tâm, thờ ơ, thô lỗ, và làm thế nào ông có thể thay đổi được những người đó

Krishnamurti: Thế giới đầy những người nhẫn tâm, thờ ơ, thô lỗ, và làm thế nào để thay đổi những người đó? Thật vậy sao? Tại sao bạn phải băn khoăn về việc thay đổi người khác? Hãy thay đổi bản thân mình. Nếu không thì khi bạn trưởng thành bạn cũng sẽ trở nên tàn nhẫn. Bạn cũng sẽ trở nên thờ ơ. Bạn cũng sẽ trở nên thô lỗ. Thế hệ cũ đang biến mất dần, điều này đang diễn ra, và bạn thì đang đến, và nếu bạn vẫn tàn nhẫn, thờ ơ, thô lỗ, bạn cũng sẽ tạo nên một xã hội như vậy. Vấn đề là bạn thay đổi, bạn không còn tàn nhẫn, bạn không còn thờ ơ. Khi bạn nói điều này thì đó là vấn đề của thế hệ cũ, bạn đã quan sát họ chưa, bạn đã cảm nhận được họ chưa? Nếu rồi, bạn sẽ phải làm gì đó. Thay đổi bản thân và kiểm chứng điều này qua hành động. Hành động là một trong số những điều phi thường nhất. Nhưng chúng ta muốn thay đổi mọi người trừ chính chúng ta, điều này có nghĩa là, thật sự, bạn không muốn thay đổi, bạn muốn người khác thay đổi, và do đó mà bạn vẫn còn tàn nhẫn, thờ ơ, thô lỗ, hi vọng xung quanh sẽ thay đổi để bạn có thể tiếp tục theo lối cũ của mình. Bạn có hiểu những gì tôi đang nói không?

Sinh viên: Ông yêu cầu chúng tôi thay đổi, chúng tôi sẽ thay đổi thành gì?

Krishnamurti: Bạn không thể biến thành một con khỉ, dù cho bạn có muốn cũng không thể. Lúc này khi bạn nói “Tôi muốn biến thành gì đó” – hãy nghe thật cẩn thận – nếu bạn nói với bản thân “Tôi phải thay đổi, tôi phải biến đổi chính mình thành điều gì đó”, “thành gì đó” là một khuôn mẫu mà bạn đã tạo ra, đúng không? Bạn có thấy không? Hãy xem, bạn bạo lực và tham lam và bạn muốn thay đổi bản thân thành một người không tham lam. Không muốn tham lam là một dạng khác của tham lam, đúng không? Bạn hiểu chứ? Nhưng nếu bạn nói rằng “Tôi tham lam, tôi sẽ tìm ra điều đó có nghĩa là gì, tại sao tôi tham lam, điều gì thúc đẩy nó”, thế rồi, khi bạn hiểu về tham lam, bạn sẽ được giải phóng khỏi lòng tham. Bạn có hiểu tôi đang nói về điều gì không?

Hãy để tôi giải thích. Tôi tham lam và tôi đấu tranh, chiến đấu, nỗ lực khủng khiếp để không tham lam. Tôi đã có một ý niệm rồi, một bức tranh, một hình dung về những gì không phải là tham lam. Do đó, tôi tuân thủ theo ý niệm mà tôi nghĩ rằng không tham lam. Bạn hiểu chứ? Bởi vì nếu tôi quan sát lòng tham của tôi, nếu tôi hiểu tại sao tôi tham lam, bản chất của lòng tham nơi tôi, cấu trúc của lòng tham, thế rồi, khi tôi bắt đầu hiểu tất cả về điều đó, tôi tự do khỏi lòng tham. Do đó, tự do khỏi lòng tham là điều gì đó hoàn toàn khác biệt khỏi cố gắng trở nên không tham lam. Bạn có hiểu sự khác biệt này không? Tự do khỏi lòng tham là điều gì đó hoàn toàn khác biệt với nói rằng “Tôi hẳn là người vĩ đại vì tôi không tham lam”. Bạn hiểu chứ? Tôi đã nghĩ điều này đêm qua, rằng tôi ở trong thung lũng này, đến rồi đi, đi rồi lại về, trong suốt bốn mươi năm qua. Mọi người đến và đi. Những cái cây héo tàn và cây mới lại mọc. Những đứa trẻ mới đến, tốt nghiệp, trở thành kỹ sư,  kết hôn và biến mất trong đám đông. Tôi gặp họ đôi lần, ở sân bay hay ở các buộc gặp mặt, những người rất bình thường. Và nếu bạn không cẩn thận, bạn cũng sẽ kết thúc theo cách đó.

Sinh viên: Ông muốn ám chỉ điều gì là “bình thường”?

Krishnamurti: Giống như những người khác, với sự lo lắng, suy sụp, bạo lực, hung hăng, thờ ơ, tàn nhẫn. Muốn một công việc, muốn giữ việc cho dù có hiệu quả hay không, đều chết trong công việc. Đó là những gì được gọi là bình thường – không có gì mới mẻ, không có gì tươi tắn, không có niềm vui trong đời, không bao giờ tò mò, nhiệt huyết, đam mê, không bao giờ khám phá, mà chỉ tuân thủ. Đó là những gì tôi ám chỉ về “bình thường”. Nó giống như một kẻ trưởng giả. Đó là cách thương nhân sống, một lộ trình, một sự nhàm chán.

Sinh viên: Làm thế nào để thoát khỏi “bình thường?

Krishnamurti: Làm thế nào để thoát khỏi bình thường? Đừng bình thường nữa. Bạn không thể thoát khỏi đó. Cứ không phải là nó thôi.

Sinh viên: Bằng cách nào, thưa ông?

Krishnamurti: Không có “bằng cách nào”. Bạn thấy rằng đó là một trong những câu hỏi mang tính phá hoại nhất: “Hãy nói cho tôi biết bằng cách nào?” Con người luôn nói ở khắp nơi trên thế giới: “Cho tôi biết bằng cách nào”. Nếu bạn thấy một con rắn, một con rắn hổ mang độc, bạn sẽ nói: “Làm ơn, cho tôi biết cách thoát khỏi nó.” Bạn chạy xa khỏi nó. Cùng theo cách đó, nếu bạn thấy những gì bình thường, hãy chạy, tránh xa nó ra, không phải ngày mai, mà là lập tức. Do bạn sẽ không bao giờ hỏi thêm bất cứ câu hỏi nào nữa, tôi sẽ đưa ra một đề nghị. Bạn biết những người nói rất nhiều về thiền định đúng không?

Sinh viên: Đúng vậy, họ nói rất nhiều!

Krishnamurti: Bạn không biết gì về điều đó. Tôi rất mừng. Bởi vì bạn không biết gì về điều đó, bạn có thể học về nó. Nó giống như không biết tiếng Pháp, tiếng Latin hay tiếng Ý. Bởi vì bạn không biết, bạn có thể học, bạn có thể học như thể đó là lần đầu. Những người ấy đã biết thiền định là gì, họ phải lãng quên rồi mới học. Bạn thấy sự khác biệt chứ? Vì bạn không biết gì về thiền định, chúng ta hãy cùng học. Để học về thiền định, bạn phải quan sát cách tâm trí vận hành. Bạn phải chứng kiến, như là bạn đang xem một con thằn lằn trườn qua, ngang qua bức tường. Bạn nhìn bốn chân của nó, làm cách nào mà nó dính được vào tường, và khi bạn chứng kiến, bạn thấy tất cả chuyển động. Cũng theo cách đó, quan sát tâm trí của bạn. Đừng sửa chữa nó. Đừng áp chế nó. Đừng nói “Khó quá!” Cứ quan sát thôi, lúc này, ngay buổi sáng này.

Đầu tiên ngồi hoàn toàn trong tĩnh lặng. Ngồi thật thoải mái, khoanh chân, và hoàn toàn tĩnh lặng, nhắm mắt lại, và xem bạn có giữ cho đôi mắt đứng yên được không. Ban hiểu chứ? Tròng mắt của bạn đã quen với chuyển động, thế nên hãy giúp chúng tĩnh lặng, cho vui thôi. Sau đó, khi bạn đang ngồi tĩnh lẵng, hãy tìm ra suy nghĩ của bạn đang làm gì. Quan sát nó như thể bạn đang nhìn một con thằn lằn. Hãy quan sát các suy nghĩ, cách nó chạy qua, hết suy nghĩ này lại đến suy nghĩ khác.

Có phải bạn đang chứng kiến những suy nghĩ của mình – cách suy nghĩ này tiếp nối suy nghĩ khác, suy nghĩ nói “Đây là suy nghĩ tốt, đây là suy nghĩ xấu”? Khi bạn đi ngủ vào buổi tối, và khi bạn đi bộ, hãy chứng kiến những suy nghĩ của bạn. Hãy chứng kiến suy nghĩ, đừng sửa chữa nó, và rồi bạn sẽ bước vào thiền định. Giờ thì hãy ngồi thật tĩnh lặng. Nhắm mắt lại và đảm bảo rằng nhãn cầu không chuyển động. Sau đó chứng kiến những suy nghĩ để bạn có thể học. Một khi bạn bắt đầu học thì không có kết thúc cho việc học.

Dịch: Hà Thủy Nguyên

Nguồn: http://jiddu-krishnamurti.net/en/krishnamurti-on-education/1974-00-00-jiddu-krishnamurti-krishnamurti-on-education-talks-to-students-chapter-1

*Ảnh đại diện: Hình ảnh của Krishnamurti và các học sinh trường Brokeback Park School tại Anh Quốc.

>> Tìm hiểu các sách của Krishnamurti có bán tại Book Hunter:

Tự do vượt trên sự hiểu biết – Krishnamurti – Book Hunter Lyceum

Tự do đầu tiên và cuối cùng – Krishnamurti – Book Hunter Lyceum

Bạn đang nghịch gì với đời mình – Krishnamurti – Book Hunter Lyceum

Cuộc đời phía trước – Krishnamurti – Book Hunter Lyceum

Cuộc Cách mạng giáo dục đến từ mỗi chúng ta

Bạn đang trông chờ một cuộc Cách mạng thay đổi nền giáo dục? Bạn nghĩ rằng cuộc Cách mạng này sẽ đến từ những nhà nghiên cứu giáo dục hay đến từ các phong trào đấu tranh? Cuộc Cách mạng thay đổi nền giáo dục chỉ đến từ chính bạn: Khi bạn nói không với hệ thống giáo dục đang ngày một thối nát… Khi bạn sẵn sàng đương đầu với cuộc sống mà không cần sự thừa nhận của xã hội… Khi bạn dũng

Tự do và bình đẳng trong tiếp cận tri thức – Vấn đề chủ chốt để cải thiện nền học thuật

Tự do trí tuệ và Tự do học thuật là những yếu tố căn bản trong việc xây dựng một chiến lược nhân tài của quốc gia, nhưng nếu tri thức không được tiếp cận một cách tự do và bình đẳng thì những khái niệm vừa được nêu ra chỉ là những ngôn từ sáo rỗng. Trong cả tự do trí tuệ hay tự do học thuật đều bao hàm ba kiểu quyền lợi: quyền tiếp cận, quyền lựa chọn và quyền biểu đạt.

Những cuốn sách giúp bạn hiểu hơn về Homeschooling

Homeschooling hay còn được dịch sang tiếng việt là " giáo dục tại gia " không phải khái niệm xa lạ đối với các bậc phụ huynh hiên nay. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều phụ huynh ngần ngại với hình thức giáo dục này. để giúp các bạn hiểu rõ hơn về homeschooling, Book Hunter xin được giới thiệu những cuấn sách phát biểu quan điểm, hướng dẫn phương pháp nghiên cứu về homeschooling. Những cuốn sách này hiện chưa được dịch sang tiếng Việt.

Tô Lông

06/07/2021

Krishnamurti bàn về giáo dục và ý nghĩa cuộc sống

Mỗi khi chuẩn bị bước vào năm học mới, dù còn trên ghế nhà trường hay đã rời khỏi chốn ấy, chúng ta đều không khỏi băn khoăn về ý nghĩa của giáo dục. Tại sao chúng ta phải cần phải được “giáo dục”, tại sao chúng ta phải tuân thủ một loạt các định chế do nhà trường tạo ra. Tất cả những cải cách giáo dục dường như không thay đổi được gì nhiều tình thế của chúng ta, chúng có thể có

Di sản giáo dục của Krishnamurti

Các bậc thầy tâm linh trong dòng lịch sử của nhân loại mỗi khi nhập thế để rồi rời bỏ thế gian, bên cạnh những lời giảng, thường để lại một di sản mang tính hiện thực hóa ý tưởng của họ. Đó có thể là giáo hội, có thể là tăng đoàn, có thể là một phương pháp tu, hay một trại thiền, một làng tâm linh…nhưng Krishnamurti (1895 - 1986), bậc thầy tâm linh độc lập có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20