Home Đọc Dịch Aristotle phiêu lưu ký (2): Mạo hiểm

Dịch Aristotle phiêu lưu ký (2): Mạo hiểm

Book Hunter

28/03/2023

Ngày 26/3/2023, tại Lễ Hội Tri Thức Nền Tảng, Book Hunter đã có dịp trò chuyện về Dự án Triết học Aristotle với các độc giả yêu mến Book Hunter nói riêng và tri thức nói chung. Xin mời các bạn xem video trò chuyện về Triết Học Aristotle tại Lễ hội, và đọc một phần nội dung được anh Lê Duy Nam (CEO của Book Hunter đồng thời là trưởng nhóm dịch thuật Aristotle) chuẩn bị cho cuộc trò chuyện. Giữa nội dung chuẩn bị và thực tế, cũng khác nhau đáng kể.

Book Hunter: Xin vui lòng chia sẻ về những khó khăn gặp phải trong quá trình tổ chức dịch Aristotle?

Lê Duy Nam: Khó khăn đầu tiên đến từ văn bản. Có quá nhiều văn bản khác nhau cho cùng một cuốn sách, ví dụ như Siêu hình học, có ấn bản thế kỷ 19, 20 và thậm chí 21, mới dịch lại cách đây vài năm, và đôi khi cách dịch của các văn bản đó khác nhau. Điều này có nguyên nhân tương tự câu chuyện thầy bói xem voi, mỗi dịch giả là một thầy bói, sự hiểu biết đối với tác phẩm của Aristotle khác nhau, thậm chí phong cách hành văn của mỗi người lại cũng khác nhau. Chúng tôi đành phải khảo sát qua một số bản thảo và đưa ra lựa chọn trung thành với một phương án chính. Khó khăn thứ hai đến từ trải nghiệm của bản thân chúng tôi. Chúng tôi không có được một trải nghiệm phong phú như Aristotle. Bố ông là thái y của hoàng gia Macedonia và ông được học về y thuật từ rất sớm. Chúng ta đọc các tác phẩm của Aristotle có thể thấy ông lấy ví dụ lặp đi lặp lại về ý học, y thuật và người làm nghề y mà tôi tạm gọi là “thầy thuốc”. Tại sao chúng ta lại gọi người làm nghề y là bác sĩ? Hóa ra trước đây chỉ có hoàng gia mới có thầy thuốc nên chúng ta có thái y, ngự y…nhưng không có dân thường y. Và khi thời thế thay đổi, nghề thuốc được phổ cập nên chúng ta tạm gọi một cái từ rất chung chung là Bác sĩ trong khi Bác sĩ rõ ràng không dành riêng cho nghề y. Y sĩ thì có thể. Thế nhưng gọi là Bác sĩ cũng không phải là vô cớ, bác có nghĩa là rộng, như trong từ uyên bác. Một người làm nghề y đúng nghĩa là một người biết rất rộng, rất sâu. Aristotle biết về các thực vật, động vật, ông thống kê hàng trăm mẫu thực vật, động vật, quan sát và nghiên cứu kỹ lưỡng, từ đó ông sắp xếp, phân loại, tìm ra các thuật ngữ để giúp chúng ta khái quát hóa được các loại thông tin. Ông tìm ra các điểm chung của các đối tượng như chó, mèo, lợn, gà… và nhóm chúng lại và gọi tên. Và cây cối, các hành tinh, các loại vật chất…và tất nhiên cả con người. Tất cả đều là đối tượng để ông tìm hiểu. Trí tò mò của ông là không có giới hạn. Và ông được tạo điều kiện ngay từ khi sinh ra để được thỏa mãn trí tò mò đó. Chúng tôi không có cơ hội đó. Mãi tới khi COVID xảy đến thì chúng tôi có cơ hội làm việc với các thầy thuốc đông y và được tiếp cận với các loại dược liệu, tìm hiểu về dược tính, biết về các nguyên lý khám bệnh, các loại thể trạng mà đông y đã phân chia. Và rồi chúng tôi được quen biết với các anh chị làm nông nghiệp tự nhiên, chúng tôi được cảm nhận lá trà, hạt cà phê từ khắp mọi miền trên thế giới, được ngửi, được nếm, được học về mọi quá trình mà lá trà, hạt cà phê được tác động và thay đổi cho tới khi thành các sản phẩm thức uống mà mỗi quý vị đang được thưởng thức trực tiếp hôm nay. Mặc dù khoảng cách giữa trải nghiệm của chúng tôi và Aristotle là quá lớn, khó có thể bù lấp nhưng dường như phần nào chúng tôi đã tiệm cận được ông và do đó dám bắt tay vào dịch các tác phẩm của ông. Do đó, dù khó khăn rất nhiều nhưng khi đã quyết tâm làm thì chúng tôi dần dần khắc phục và từng bước vượt qua chúng. 

Book Hunter: Vậy động lực gì khiến anh Nam BookHunter quyết định khởi động một dự án vừa mạo hiểm về mặt học thuật lại vừa mạo hiểm về kinh doanh như vậy?

Lê Duy Nam: Động lực thực hiện dự án này được vun vén qua nhiều giai đoạn khác nhau. Động lực đầu tiên tới từ sự tò mò và mong muốn hiểu thế giới, hiểu con người, gia tăng hiểu biết và chúng tôi đã đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu mà tụ tập lại với nhau để thành lập Book Hunter vào năm 2011 với các hoạt động review phim, review sách…Review của Book Hunter thì không giống như review món ăn hay sách trên các nền tảng thương mại điện tử. Review theo cách của chúng tôi tức là một người đóng vai trò chính, trình bày mọi điều quan trọng nhất về một bộ phim, cuốn sách, sau đó những người khác sẽ đặt ra các vấn đề nhằm làm rõ hơn sự hiểu của mỗi người. Cứ như vậy, chuyện A kéo tới chuyện B, chuyện B kéo tới chuyện C và bỗng một ngày chúng tôi thành lập thư viện Book Hunter năm 2013, cách đây đúng 10 năm, có thể coi là version 1 của trung tâm BH hiện nay, và để trang bị sách cho thư viện thì chúng tôi đã tìm đến các đơn vị xuất bản lớn nhất lúc bấy giờ tại Hà Nội như NXB Tri thức, Alphabook và cuốn sách Chính trị luận của Aristotle mà Alphabooks vừa xuất bản đầu năm 2013 đã được chúng tôi lựa chọn cùng với nhiều cuốn sách khác. Và khi được tiếp cận với cách tư duy, khảo sát các đối tượng một cách gãy gọn, xúc tích từ cuốn Chính trị luận thì chúng tôi đã kỳ vọng các cuốn sách của Aristotle có thể được tiếp tục xuất bản. Tuy nhiên chờ mãi mà chưa thấy nên tới 2019 thì chúng tôi quyết định dịch Luân lý học, một cuốn sách vốn nên được đọc trước Chính trị luận bởi lẽ Luân lý học đặt ra các vấn đề cơ bản để mỗi cá nhân chúng ta cần xử lý tốt đã thì mới bước tiếp lên công việc của một cộng đồng. Giống như nho gia vẫn nói tề gia, trị quốc bình thiên hạ vậy. Và khi bắt tay vào dịch Luân lý học thì một bầu trời mới mở ra, một loạt các khái niệm mới được mở ra mà chúng tôi không thể dừng lại ở đó. Vậy là chúng tôi lại bước tiếp, khảo sát các cuốn sách khác của Aristotle và bắt tay vào làm mà không kỳ vọng gì, hy vọng gì ngoài việc khám phá thế giới quan của Aristotle. 

>> Tìm hiểu thêm về Luân Lý Học: Luân lý học – Aristotle – Book Hunter Lyceum

Book Hunter: Tại sao mở đầu với 5 cuốn sách “Luân Lý Học”, “Siêu Hình Học”, “Chủ Đề”, “Biện Luận” và “Bàn về linh hồn”?

Lê Duy Nam: Lý do dịch Luân lý học thì xuất phát từ sự tồn tại của Chính trị luận. Chúng tôi muốn bổ sung phần còn thiếu cho Chính trị luận mà Alphabook đã xuất bản. Còn về lý do tại sao lại chọn dịch Siêu hình học, Biện luận, Chủ đề và Bàn về linh hồn thì có lẽ nó xuất phát từ hệ thống tác phẩm của Aristotle. 

Mặc dù các tác phẩm của Aristotle viết thì hầu như đã thất lạc. Khi khảo sát về Aristotle thông qua các tác giả khác, ví dụ như các triết gia đương thời hoặc hậu thế nhắc về Aristotle thì đâu đó sẽ có các mẩu thông tin về tác phẩm của ông. Trong số đó thì uy tín nhất có lẽ là Andronicus, người đứng đầu cuối cùng của Lyceum, ngôi trường mà Aristotle thành lập vào năm 335 TCN dựa trên một khu thờ phụng thần Apollo tại Athens. Năm 86 khi nhà độc tài quân sự Sulla của La Mã xâm lược Athens thì ông ta đã mang các tác phẩm của Aristotle, lúc này đang ở trong tay một đại gia và cũng là một người thích sưu tầm sách tên là Apellicon, về Rome. Tám năm sau thì Sulla chết và bằng một cách nào đó các cuốn sách của Lyceum lại quay trở lại Lyceum và Andronicus đã tập hợp và biên soạn các kết quả nghiên cứu và thảo luận của Aristotle cộng sự và khoảng năm 60 TCN. Chúng ta có thể hiểu là với một khối lượng bản thảo đồ sộ thì sự thất lạc và mất mát là chuyện khó tránh khỏi. Các sử gia sau này cho rằng các tác phẩm của Aristotle bao gồm khoảng 150-200 cuốn, chứa khoảng vài trăm nghìn tới vài triệu chữ. Số lượng cụ thể thì khó có thể thống nhất với nhau bởi vì có cuốn thì được cho là học trò của ông biên soạn, có cuốn thì lấy tên Aristotle chỉ để lợi dụng danh tiếng của ông. Vậy thì công việc của một người biên soạn hẳn nhiên là phải gạn đục khơi trong, tìm kiếm cái quý giá trong rất nhiều thứ không quá quan trọng hoặc giả tạo. 

Các tác phẩm của Aristotle cứ như vậy, được truyền tay nhau từ người này tới người kia, có lúc chẳng may bị thiêu hủy, nhưng cũng lại có người khác bao bọc. Khi châu Âu không chấp nhận các cuốn sách đó thì chúng lại được chào đón ở xứ Ả Rập như Syria, Iraq, Iran và khi La Mã phân chia thành Đông – Tây thì các tri thức của Aristotle được sử dụng mạnh mẽ tại Đông La Mã, tức đế chế Byzantine. Và tới cuộc thập tự chinh của Richard Lionheart vào cuối thế kỷ XII khi đánh nhau với Saladin thì các học giả Ả Rập đã mang dần các tác phẩm của Aristotle sang Tây Âu. Chúng ta tạm gọi của Aristotle để cho đơn giản, vì trên thực tế thì đây là một cách nói không chính xác. Và các tác phẩm của Aristotle được nhà thờ dịch từ tiếng Ả Rập sang tiếng Latin và tiếng Hy Lạp vì lúc đó đế chế Byzantine ở ngay cạnh Ả Rập và ở Byzantine thì mặc dù tiếng Latin là chính thức nhưng tiếng Hy Lạp cũng khá phổ biến, rồi sau đó thì các tác phẩm này bằng cả tiếng Ả Rập và tiếng Latin, Hy Lạp ở đế chế Byzantine lan sang Tây Âu và được nhà Thờ tiếp nhận. Ở đây lại thêm một lớp tranh luận với nhau vì cách dịch của các bản Hy Lạp, Latin và Ả Rập không thống nhất. Theo thời gian, tới khi tây Âu trỗi dậy và nước Phổ với vai trò đầu tàu tri thức đã tập hợp toàn tập Aristotle dưới sự lãnh đạo của Immanuel Bekker. Bekker đã làm một việc đó là sắp xếp các tác phẩm theo nhóm chủ đề và đánh số thứ tự sao cho dễ dàng tra cứu ngược trở lại. Ông chia các tác phẩm thành 5 nhóm: Logic (6 tác phẩm), Physics (20-30 tác phẩm, trong đó có nhiều tác phẩm được chứng minh là của người khác mà tự lấy tên Aristotle), Metaphysics, Ethics + Politics (6 tác phẩm) và Rhetoric + Poetic (2-3 tác phẩm). Và năm nhóm này thì Book Hunter lựa chọn dịch mỗi nhóm một tác phẩm để tiến vào từ cả năm hướng. Trong logic chúng tôi chọn dịch Topics, dù thực ra chúng tôi đã tiến hành dịch toàn bộ các tác phẩm thuộc nhóm Logic, chỉ là Topics được hoàn thành xong trước, các tác phẩm còn lại có lẽ trong năm nay sẽ ra nốt. Trong nhóm Physics thì chúng tôi lựa chọn dịch Bàn về Linh hồn, một tác phẩm dung lượng nhỏ nhưng là tiền đề cho thế giới quan của Aristotle đối với thế giới tự nhiên. Sau đó Aristotle sẽ đi sâu vào giấc ngủ, ký ức, cảm giác, bàn về động vật nói chung…Đó là các tác phẩm thuộc nhóm Physics, thế giới tự nhiên. Trong nhóm về tri thức phục vụ đời sống xã hội loài người thì có Luân lý và Chính trị, chúng tôi chọn dịch Luân lý học khi mà Chính trị luận đã được dịch. Và nhóm Metaphysics chỉ có duy nhất cuốn Metaphysics vốn là một cuốn tập hợp các tìm hiểu về các tiên đề, nền tảng cho mọi tri thức khác. Và nhóm cuối cùng là Rhetoric và Poetic thì chúng tôi đã dịch xong Rhetoric và đang dịch Poetic. 

>> Tìm hiểu thêm về Combo Bộ Tứ Thế Giới Quan của Aristotle: Combo Bộ Tứ Thế giới quan của Aristotle: Siêu Hình Học, Linh Hồn, Biện Luận, Chủ Đề – Book Hunter Lyceum

Book Hunter: Có một số ý kiến cho rằng Aristotle đã “lỗi thời”, vì triết học hiện đại xuất hiện những triết gia “đúng hơn”, “cập nhật” hơn. Anh Lê Duy Nam nghĩ sao về quan điểm này? Và đâu là những điểm trọng yếu làm nên tính “nền tảng” của tư tưởng Aristotle?

Lê Duy Nam: Khi nói Aristotle đã lỗi thời thì không rõ họ đang nhắc tới khía cạnh tri thức nào của Aristotle. Vì trong số hàng trăm nghìn cho tới hàng triệu chữ được viết ra và gán cho Aristotle thì đúng là sẽ có những cái lỗi thời, hoặc nhầm lẫn, không đúng so với quan sát thực nghiệm. Tuy nhiên trong số các tác phẩm mà chúng tôi đã dịch thì chưa thấy lỗi thời chút nào mà thậm chí còn rất cần thiết trong xã hội hiện nay. Các quy tắc sử dụng ngôn từ, quy tắc nghiên cứu một sự vật, chủ đề, cách thức triển khai tranh luận, nhận diện các lập luận ngụy biện, cách thức xây dựng một cộng đồng văn minh…Ngay tại phương Tây họ vẫn đang tiếp tục sử dụng và nghiên cứu Aristotle kỹ lưỡng hơn, thì không có lý gì lại nói là Aristotle đã lỗi thời và không đáng tìm hiểu nữa. Điểm trọng yếu làm nên tính “nền tảng” của tư tưởng Aristotle nằm ở một vài điểm mà tôi rút ra sau khi dịch các tác phẩm của ông, thấy được sự nhắc đi nhắc lại nhiều lần và làm căn cứ cho chính lập luận của ông. 

  • Xây dựng hình mẫu những người Kỳ vĩ: một xã hội không thể vận hành tốt nếu tất cả mọi người đều chỉ biết nhận mà không biết cho đi. Những người kỳ vĩ là những người sẵn sàng cho đi vì lợi ích của cộng đồng. Và để trở thành những người kỳ vĩ thì phải có tư duy đúng, hiểu rõ bản chất vấn đề và hành động đúng thời điểm, đúng mức độ. Để làm được điều này những người Kỳ vĩ phải trải qua thực hành Trung Đạo. Trung Đạo có thể hiểu đơn giản là vừa phải, không thừa, không thiếu: vừa phải ở hành vi, ở cảm xúc. Ví dụ: gặp nguy hiểm thì hoặc Liều lĩnh (thái quá Thừa) hoặc Nhút nhát (Thiếu). Trong việc chi tiêu thì hoặc Hoang phí (Thừa) hoặc Keo kiệt (Thiếu). Trong khi nếu có Trung Đạo, gặp nguy hiểm thì Dũng cảm vì đã có sự chuẩn bị hiểu biết lẫn những thứ cần thiết khác. Trong chi tiêu thì Hào phóng, dám chi vào chỗ bản thân thấy hợp lý và dựa trên sự suy xét cẩn thận. Aristotle đã viết như sau về Trung Đạo trong Luân lý học: bạn có thể cảm thấy những cảm xúc sợ hãi, tự tin, ham muốn, giận dữ, thương cảm, Vui Thú và Khổ Đau nói chung, quá nhiều hoặc quá ít; tuy nhiên cảm nhận được những cảm xúc này đúng lúc, trong những dịp nào, đối với ai, tại sao, và cũng như điều chúng ta nên làm, là sự Trung Đạo, hay nói cách khác là trạng thái tốt nhất. Nắm được Trung Đạo tức làm làm chủ được bản thân mình, Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ. -> Bắt đầu có thể giúp đỡ người khác, trở thành những người biết cho đi, và làm điều kỳ vĩ. 
  • Xây dựng phương pháp luận để nhận ra hạn chế trong hiểu biết của con người đối với thế giới xung quanh và cách làm bớt đi những hạn chế đó. Aristotle bàn rất nhiều các tác phẩm thuộc nhóm này và cách ông triển khai cũng rất logic. Đầu tiên là phải bàn về các tiên đề, vì mọi lập luận đều phải dựa trên tiên đề. Chúng ta nếu không đồng ý với nhau về các tiên đề thì chẳng cần phải tranh luận tiếp làm gì bởi lẽ lúc đó mỗi người sẽ nói một thứ mà người kia không hiểu, tranh luận như vậy thì vô ích. Thế nhưng công cuộc triển khai cái được gọi là bộ môn Triết học Đầu tiên này có vẻ gặp nhiều khó khăn, dù đạt được nhiều thành quả nhưng dở dang và thất lạc, khiến cho hậu thế như chúng ta gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận. Triết học đầu tiên khi bàn về các Nguyên cứ của các sự vật mà chúng ta tạo ra như cái bàn, cái xe,…thì Aristotle liệt kê 4 nguyên cứ: Vật chất nền, Dạng thức, Biến dịch và Đích cuối. Ví dụ về cái bàn, cái quạt, ngôi nhà…Chúng ta hoàn toàn có thể mở rộng các sự vật này lên thành những cái phức tạp hơn như một tổ chức, công ty, tập đoàn để xác định và đánh giá 4 nguyên cứ của chúng. Tiếp đó Aristotle triển khai tới cách chúng ta xây dựng sự hiểu về các sự vật của mỗi chúng ta và làm thế nào để thảo luận, trao đổi với nhau để cùng gia tăng thêm sự hiểu đó. Mỗi sự vật được con người đưa vào tâm trí và ghi nhớ, xử lý, phân tích càng chi tiết thì càng gần với cái Hiện thể như nó là, Sự vật như nó là, Tồn tại như nó là…Bất kỳ cái gì mà chúng ta có thể cảm nhận thấy. Và khi diễn tả một sự vật đơn lẻ vào trong sự hiểu của chúng ta thì Aristotle đưa ra 10 phạm trù, dùng để diễn tả một sự vật: Bản dạng, Phẩm tính, Lượng tính, Tương quan, Nơi chốn, Thời gian, Thế cục, Chủ động, Thủ động, Sở hữu. Và các mệnh đề bao gồm một chủ thể và một diễn tả cho nó thì sẽ luôn hoặc đúng hoặc sai. Đây là một tiên đề mà có lẽ nếu không thừa nhận thì khó mà triển khai tiếp được. 

Video ghi lại sự kiện:

https://www.youtube.com/watch?v=YF0hw5felow&t=2s

Book Hunter thực hiện

“Chính trị luận” của Aristotle và sự phê phán các mô hình xã hội

I – Góc nhìn chính trị của Aristotle “Chính trị luận” của Aristotle là một tác phẩm kinh điển mang tính chất đột phá trong lịch sử triết học và chính trị học không phải ở mức độ liệt kê quy mô mà ở tầm nhìn. Trước Aristotle, chính trị chỉ đơn thuần được xem như mối quan hệ giữa người cai trị và người bị trị trong một quốc gia. Thậm chí với Plato, người thầy của Aristotle, chính trị vẫn là một thứ

Những cuốn sách khảo cứu về Hy Lạp cổ đại trên amazon

Hy Lạp cổ đại là một trong những thời đại rực rỡ nhất của buổi đầu văn minh còn được lưu giữ trong ký ức nhân loại ngày nay. Thời kỳ này không chỉ để lại cho chúng ta những câu chuyện thần thoại nổi tiếng, mà còn cả một mô hình xã hội với những giá trị phổ quát, và đặc biệt quan trọng, một nền triết học mà sẽ trở thành nền tảng của cả nền văn minh phương Tây sau này. Không

Tái định vị bản thân trong bình thường mới

Có lẽ thế giới sau 2020 sẽ không thể quay trở lại như cũ. Đây là điều hiển nhiên đã được các nhà nghiên cứu và binh luận xã hội nhân định và phân tích. Bình thường mới có thể đến sớm, nhưng cũng có thể mất tới 2-3 năm mới ổn định xong. Vậy bản thân mỗi chúng ta sẽ tìm thấy chỗ đứng mới của mình như thế nào trong bình thường mới? Trong bài viết này tôi không mong muốn thuyết giảng
le-nam

Lê Nam

29/12/2020

Làm thế nào để hạnh phúc: 11 chỉ dẫn để có một cuộc sống tốt đẹp của Aristotle

Mọi người thường hòi "Tôi nên làm gì?" khi đối mặt với một vấn đề luân lý. Aristotle thúc giục chúng ta hỏi "Tôi nên trở thành loại người như thế nào?" Các ý quan trọng trong bài: Trong tác phẩm Luân lý học của mình, Aristotle đề xuất rằng con người là động vật lý trí, có tính xã hội luôn tìm cách “sống tốt”. Ông đề xuất một hệ thống luân lý được thiết kế để giúp chúng ta đạt được hạnh phúc

Book Hunter

21/12/2022

Quy hoạch đô thị ở Hy Lạp cổ đại

Quy hoạch đô thị: chương trình được thực hiện ở phần lớn những đất nước công nghiệp hóa để có thể đạt được các mục tiêu nhất định về kinh tế và xã hội, cụ thể là để định hình và cải thiện môi trường đô thị nơi mà ở đó tỉ lệ dân số thế giới sinh sống ngày càng gia tăng. Encyclopedia Britannica Theo như cách thức quy hoạch Hippodamian và cách thức quy hoạch hiện đại hơn, qui hoạch nơi cư trú

Hà Trang

21/04/2017