Home Đọc Dịch Aristotle phiêu lưu ký (1): Khó

Dịch Aristotle phiêu lưu ký (1): Khó

le-nam

Lê Nam

21/02/2023

Trong những cuộc trò chuyện tri thức trong nội bộ Book Hunter từ 2011 đến 2016, Aristote được nhắc đến không hề ít, bởi vì, dù ông sống cách đây hơn 2 thiên niên kỷ, nhưng rất nhiều phương pháp tư duy của ông vẫn được ứng dụng trong nhiều khía cạnh của học thuật và đời sống, chỉ là chúng ta không nhận ra mà thôi. Lúc ấy, chúng tôi tìm cách đọc ông, nhưng cũng chỉ hiểu láng máng, bởi các bản dịch tiếng Anh phổ thông thì đưa tác phẩm của ông về sự giản lược thái quá, trong khi các bản dịch tiếng Anh sử dụng các khái niệm học thuật thì không dễ gì để đọc nhanh. Chúng tôi tìm bản dịch tiếng Việt, cũng có rải rác nhưng không toàn vẹn, và điều khiến chúng tôi cảm thấy không thỏa mãn nhất khi đọc chính là cách xử lý các khái niệm dường như rất mù mờ. Vậy là chúng tôi quyết định sẽ thử dịch Aristotle, nhưng rồi mưu sinh lôi kéo, và cũng sa đà vào các cuốn sách khác cũng không kém phần thử thách, nên phải đến tận 2018 chúng tôi mới thực sự bắt tay vào thực hiện. Trước khi quyết tâm thực hiện, chúng tôi đã đi hỏi rất nhiều người, khuyến khích rất nhiều bên trong vòng quen biết của tôi, rằng hãy dịch và xuất bản Aristotle đi, nhưng câu trả lời luôn luôn là: Liệu ai sẽ là người mua? Ai sẽ tài trợ? Còn bao nhiêu sách quan trọng, tại sao phải dịch một ông già cổ hủ từ xa lơ xa lắc?… Thế là, để thực sự hiểu Aristotle, và để có thể dụng các bộ công cụ tư duy của ông trong thấu hiểu sự vật, hiện tượng, con người… chúng tôi đã dịch Aristotle trong tình trạng “tay không bắt giặc”, bởi vì, tại Việt Nam không có chuyên gia về Aristotle, không có từ điển Hy Lạp, không có từ điển triết học Hy Lạp cổ đại, không ai sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư, không biết ai sẽ là người mua… Những gì có trong tay chúng tôi đó là năng lực xử lý tiếng Anh, năng lực chất vấn ngữ nghĩa của các từ Hán Việt, năng lực truy tìm từ nguyên qua các tài liệu tiếng Anh, và rất nhiều nhiệt huyết.

Lần đầu tiên khi xuất bản Luân Lý Học năm 2020 tôi đã luôn cho rằng chắc chắn sẽ còn nhiều vấn đề cần cải thiện, xử lý thêm, và mong chờ sự phản hồi từ độc giả để có thể bổ sung thêm vào sự hiểu biết về Aristotle cũng như về năng lực nhận thức của bản thân tôi và Book Hunter. Chúng tôi cũng chưa bao giờ khẳng định rằng bản dịch của chúng tôi là tuyệt đối đúng và hoàn hảo không tì vết (tôi tin chắc chẳng dịch giả nào ở Việt Nam dám vỗ ngực điều này), và với nguồn lực eo hẹp, chúng tôi không thể soát kỹ từng câu từng chữ để rồi kéo dài việc xuất bản vô thời hạn, mà chấp nhận độ hoàn thành 80%. Thông điệp này từ lâu đã được Book Hunter chúng tôi truyền tải. Tuy nhiên tôi cũng rất ngạc nhiên vì chúng tôi chưa nhận được lời chỉ trích nào về các thiếu sót trong Luân Lý Học sau vài năm, dù đâu đó vẫn gặp những ý kiến không đồng tình với cách chúng tôi xử lý khái niệm. Dù vậy, trong quá trình đọc hiểu Siêu hình học, Biện luận, Chủ đềBàn về Linh hồn, tôi đã cập nhật và tự chỉnh sửa bản thảo Luân Lý Học ở lần tái bản năm 2022 để thống nhất các khái niệm. Tôi thấy vui vì có nhiều độc giả cảm thấy cuốn sách hữu ích, còn đối với một số độc giả khác thấy sách không phù hợp, tôi cũng không thể làm gì khác. Và chúng tôi cũng chưa bao giờ có ý định tranh đua đứng vào hàng ngũ các chuyên gia triết học để giảng dạy hay để nhận các giải thưởng, để được vinh danh. Chúng tôi dịch Aristotle, và rất nhiều các tác giả nước ngoài khác vì nhu cầu hiểu biết và nhu cầu ứng dụng trong đời sống hàng ngày của chính mình.

>> Tìm hiểu thêm về Luân Lý Học: Luân lý học của Aristotle – Book Hunter Lyceum

Những thử thách mà Luân Lý Học đặt ra còn ít hơn nhiều so với Siêu Hình Học. Nhiều học giả phương Tây khi nghiên cứu Aristotle đã chỉ ra rằng Siêu Hình Học không phải do chính Aristotle biên tập; và cả Alexander (515. 20) và Asclepius (4 9) đều ngụ ý rằng người chịu trách nhiệm biên soạn Siêu Hình Học là Eudemus. Dù thế nào đi chăng nữa, bản thân cuốn sách không tạo thành một mạch viết liên tục. Bằng chứng về mối liên hệ giữa một số cuốn sách đã được Jaegei (Studien zur Entstehungsgeschichte der Metaphysik des Aristoteles, và Anstoteles) và được Ross thảo luận trong phần giới thiệu ấn bản của mình.” (Trích lời giới thiệu trong bản dịch tiếng Anh của Hugh Tredennick).

Và khi dịch giả Nguyễn Nguyên Hy bắt tay vào xử lý cuốn Siêu Hình Học thì tôi nhận ra đúng là văn phong có phần tương đồng với Luân Lý Học nhưng cấu trúc thì không được vững chắc và liền mạch như vậy. Tôi đã từng định xuất bản thành từng cuốn nhỏ lẻ để giới thiệu dần dần tới độc giả, nhưng như vậy cũng khiến độc giả cảm thấy không thỏa mãn khi phải đọc lẻ tẻ mà không có được một ấn phẩm hoàn chỉnh, dù sự hoàn chỉnh ở đây chỉ là một sự gượng ép.

“Nếu chúng ta xem xét các cuốn sách theo thứ tự hiện tại của chúng, các sự kiện sau đây là khá rõ ràng: Quyển I (A) đứng ở vị trí thích hợp của nó; nó là phần mở đầu cho nghiên cứu Siêu hình học. Quyển II. (α) không có mối liên hệ nào với những gì đứng trước và sau, nó mang tính chất mở đầu cho việc nghiên cứu triết học nói chung, và tiêu đề tiếng Hy Lạp của nó ngụ ý rằng nó đã được thêm vào khi kho dữ liệu đã được hoàn thành. Một lời chú giải ghi lại rằng cuốn sách thường được cho là của Pasicles, một người cháu của Eudemus; và Jaeger có lẽ đúng khi nói về nó là những ghi chú của Pasicles trên một bài giảng hoặc quá trình giảng dạy của Aristotle. Quyển III. (β) và IV. (Ɣ) nên xuất hiện ngay sau Quyển I. Quyển V. (Δ) làm gián đoạn cuộc thảo luận, và một số thuật ngữ mà nó định nghĩa không có mối liên hệ nào với Siêu hình học. Rõ ràng đây là một chuyên luận riêng biệt và sớm hơn. Quyển VI. (E) nên theo sau ngay Quyển IV, vì được thể hiện rõ ràng theo thứ tự với các chủ đề giống nhau trong Quyển XI. Quyển VII-IX (ΖΗΘ) tạo thành một thể thống nhất và theo một luồng ngay sau Quyển VI. Quyển X (Ι) dường như thuộc luận thuyết chính, nhưng nó nên xuất hiện ở phần cuối sau Quyển XIV. Quyển XI (Κ) từ đầu tới chương vii.9 là bản vắn tắt và sớm hơn của chủ đề vật chất của quyển III, IV và VI; từ chương viii.10 đến cuối, nó bao gồm các phần trích từ Physics (một tác phẩm khác của Aristotle). Quyển XII (Λ) là một chuyên luận độc lập, có thể có niên đại sớm hơn; nhưng đoạn về thiên văn trong chương viii không phù hợp với bối cảnh của nó và phải thuộc giai đoạn cuối tư tưởng của Aristotle (xem Jaeger, Aristoteles 366-379). Cuốn sách này có các biểu thức (iii 1,2; v. 1) chỉ rõ rằng nó bao gồm các ghi chú của riêng Aristotle cho các bài giảng của một khóa học.” (Trích lời giới thiệu trong bản dịch tiếng Anh của Hugh Tredennick).

Như vậy, việc xuất bản một ấn phẩm hoàn chỉnh của Siêu Hình Học trên thực tế là chuyển ngữ văn bản được cho là đầy đủ nhất được lắp ráp một cách gượng ép từ các nghiên cứu của các học giả phương Tây về tác phẩm được cho là của Aristotle này.

Có lẽ ở thời điểm ban đầu khi Aristotle đặt ra môn khoa học “tìm hiểu về cái khách quan bên ngoài phạm vi giác quan con người” ông không lường trước được rằng nó đã đụng tới một đề tài mang tính cấm đoán “Chúa – Thượng Đế” và số phận của nó trở nên trắc trở khi Thomas Aquinas tận dụng và đẽo gọt nó để vừa với giáo lý Nhà Thờ Công giáo lúc bấy giờ; các học giả của trường phái Plato, Pythagoras cố diễn giải nó, biến đổi nó để chỉ ra rằng Aristotle không mâu thuẫn với các vị “sư tổ” của họ. Khi nhận ra những điều này tôi đã buồn, đã chán nản, tại sao con người có thể hành xử như vậy? Và làm sao để tách Aristotle khỏi những bản dịch, bản diễn giải đầy định kiến như vậy? Ngay cả với bản tiếng Anh cuốn Siêu Hình Học mà chúng tôi lựa chọn, thực sự, chúng tôi không hề hài lòng, bởi vì dịch giả tiếng Anh luôn tìm cách hạ thấp tư tưởng của Aristotle và diễn giải theo quan niệm của những người theo trường phái Plato. Chúng tôi phải liên tục chất vấn bản thân về việc nên lựa chọn như thế nào để xử lý các đoạn như vậy.

>> Tìm hiểu về Siêu Hình Học: Siêu Hình Học (Metaphysics) – Aristotle – Book Hunter Lyceum

Nhưng vì một khi đã bắt đầu làm một điều gì đó, thì tôi phải hoàn thành. Có lẽ khó có thể nói khi nào thì tôi cảm thấy công việc của mình đã hoàn thành một cách mỹ mãn. Tôi chưa bao giờ hài lòng với kết quả công việc của mình. Nó là một tiến trình đằng đẵng không có hồi kết: Essence là gì, dịch là Tự tính liệu đã ổn thỏa một cách tuyệt đối chưa? Substance là gì? Genus là gì? Contrary là gì? Contradictory là gì? Tất cả những câu hỏi này vẫn cứ lởn vởn trong đầu tôi dù rằng tôi biết suy cho cùng đó cũng chỉ là một cách gọi tên, sẽ chẳng thể nào tương đương 100% với cái sự vật mà nó gọi. Nhưng việc gọi tên gần đúng thì cũng giúp chúng ta đỡ sai hơn. Nói anh ấy là một người phụ nữ thì ít sai hơn so với nói anh ấy là hai quả cam. Cái sai khi nói anh ấy là một người phụ nữ đó là: đúng ở cái phần người, tức là nguyên thể, và đúng ở lượng tính (một) nhưng sai ở biến thể (phụ nữ); ta phải nói anh ấy là một người đàn ông thì mới đúng cả nguyên thể và biến thể. Còn nói anh ấy là hai quả cam thì sai cả lượng tính, nguyên thể, và khi sai nguyên thể thì mặc nhiên sẽ sai biến thể. Cách tư duy phân loại của Aristotle giúp chúng ta thành lập nên nhiều bộ môn khoa học, sắp xếp dữ liệu sao cho hợp lý để có thể nạp thêm, truy xuất một cách thuận lợi. Và cố gắng càng đúng, càng gần với cái hiện thể như nó là thì càng tốt về mặt hiểu biết của mỗi người.

Đứng trước một vấn đề phức tạp thì Aristotle luôn cố gắng giới hạn cái phạm vi mà chúng ta nên nhận thức rõ, và phạm vi của môn Siêu hình học được làm rõ trong Quyển Gamma (IV). Quyển Gamma kéo dài từ trang 122 tới 162, tức là chỉ 41 trang trên tổng số hơn 500 trang của cuốn sách nhưng nó có vai trò xác định quy tắc để chúng ta cùng nhau thống nhất được các tiên đề của Siêu hình học. Tiên đề chính là giới hạn. Chúng ta đều biết các môn khoa học phổ biến như Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý… đều có các tiên đề mà chúng ta quy ước với nhau là đúng, dù bạn có tin hay không. Đường thẳng thì tiếp xúc với đường tròn ở một điểm. Điểm là kích thước nhỏ nhất không thể phân chia được. Đây chính là các tiên đề, nhưng chúng có đúng không? Rõ ràng nó chỉ đúng trong quy ước của hình học, trong hình dung của chúng ta, không chắc đúng trong thực tế. Nhưng điều đó không có nghĩa là hình học vô dụng. Nó có vai trò của nó mà chúng ta phải xác định ở chỗ khác. Còn Siêu hình học có vai trò là làm nền tảng cho tất cả các môn khoa học khác, đó là đi tìm Hiện thể như nó là, không phải đi quy ước số pi là 3.14 hay 3,1415… rồi dừng ở đó. Người tìm hiểu siêu hình học cần hiểu số pi thực sự là gì? Cũng như vậy, màu sắc là gì, biến dịch là gì, một là gì, hai là gì, nhiều là gì, đối ngẫu là gì, trái ngược là gì, mâu thuẫn là gì, vân vân và vân vân. Đó là một hành trình đằng đẵng dường như không có hồi kết trong một, thậm chí nhiều đời người, nhiều thế hệ. Những câu hỏi này Aristotle đã đưa ra ở Quyển Beta – Những khúc mắc của Siêu hình học, mà nếu mỗi bản thân chúng ta tự chiêm nghiệm theo các câu hỏi này cũng sẽ khiến chúng ta có cái nhìn đa chiều hơn so với trước đây.

Tôi hi vọng rằng với Bộ Tứ Thế giới quan của Aristotle mà cuốn quan trọng nhất chính là Siêu Hình Học, các bạn độc giả có thể có thêm nhiều gợi ý mới về phương pháp luận, phương pháp tư duy để hỗ trợ cho công việc cũng như đời sống của bản thân. Tôi không mong cầu gì hơn. Và đối với những người yêu mến triết học, trước tiên hãy xác định mục đích của bản thân là gì trước khi tiến sâu vào con đường đơn độc và đằng đẵng này.

Lê Duy Nam

Bộ Tứ Thế giới quan của Aristotle ra mắt Tháng 2 năm 2023

Aristotle có thể dạy chúng ta điều gì về sự tương giao

Có vài thứ bạn sẽ không chứng kiến được trên Facebook: chỉ người có phẩm hạnh mới có thể là người bạn thực sự Dàn diễn viên của ‘Friends’: Aristotle cho biết những người lớn tuổi thường theo đuổi tương giao dựa trên lợi ích, những người trẻ tuổi thường theo đuổi tương giao dựa trên khoái lạc. Ảnh: Reuters "Ai là nhà tư tưởng vĩ đại nhất mọi thời đại?" là loại câu hỏi được đưa ra ở quán rượu và chắc chắn tạo

Luân Lý Học của Aristotle: Từ Lý trí Đúng tới Trung Đạo

Vượt qua những khó khăn do sự khác biệt văn phong, chúng ta sẽ chạm đến lối tư duy và cách biện luận của Aristotle, những điều rất hữu ích cho mỗi chúng ta trong thế giới hiện đại. Dù sống ở thời Hy Lạp cổ đại, cách chúng ta hơn 2300 năm, dù nhiều quan điểm của ông bị giới khoa học hiện đại bác bỏ, nhưng ông vẫn là một bộ óc lỗi lạc với những nền móng tư tưởng và phương pháp
le-nam

Lê Nam

13/02/2023

Con người cá nhân và con người công dân trong tư tưởng giáo dục của Aristotle và John Holt #1: Mối quan hệ giữa con người và nhà nước trong hoàn cảnh xã hội “ganh đua” 

Con người, trước hết là một động vật, có mong muốn sinh tồn. Mong muốn này một phần lớn đến từ tạo hóa chi phối chúng ta nhưng đồng thời cũng đến từ ý nguyện cá nhân của mỗi người. Mỗi cá nhân được ban cho các giác quan và sự nhận thức để sử dụng khoảng thời gian mà chúng ta có từ lúc sinh ra tới lúc lìa đời. Toàn bộ mong muốn thỏa mãn các ý nguyện của bản thân chúng ta
le-nam

Lê Nam

11/06/2023

Dịch Aristotle phiêu lưu ký (2): Mạo hiểm

Ngày 26/3/2023, tại Lễ Hội Tri Thức Nền Tảng, Book Hunter đã có dịp trò chuyện về Dự án Triết học Aristotle với các độc giả yêu mến Book Hunter nói riêng và tri thức nói chung. Xin mời các bạn xem video trò chuyện về Triết Học Aristotle tại Lễ hội, và đọc một phần nội dung được anh Lê Duy Nam (CEO của Book Hunter đồng thời là trưởng nhóm dịch thuật Aristotle) chuẩn bị cho cuộc trò chuyện. Giữa nội dung chuẩn

Book Hunter

28/03/2023

Tái định vị bản thân trong bình thường mới

Có lẽ thế giới sau 2020 sẽ không thể quay trở lại như cũ. Đây là điều hiển nhiên đã được các nhà nghiên cứu và binh luận xã hội nhân định và phân tích. Bình thường mới có thể đến sớm, nhưng cũng có thể mất tới 2-3 năm mới ổn định xong. Vậy bản thân mỗi chúng ta sẽ tìm thấy chỗ đứng mới của mình như thế nào trong bình thường mới? Trong bài viết này tôi không mong muốn thuyết giảng
le-nam

Lê Nam

29/12/2020