Năm 12 tuổi, tôi lang thang trong những tiệm sách ngổn ngang thượng vàng hạ cám ở phố Đinh Lễ trong trạng thái mông lung và thôi thúc. Chẳng có một bậc thầy để hướng dẫn, chẳng có một chuyên gia để hỏi han, chỉ có sự khuyến khích của bố mẹ tôi rằng tôi có thể mua bất cứ cuốn sách nào tôi muốn. Có lẽ, khi vô định, chẳng động cơ, lại là cách đưa tôi đến với điều cần được biết trong cuộc đời mình: Đạo. Tôi vẫn nhớ cảm giác lần đầu mở ra cuốn sách “Nam Hoa Kinh” của Trang Tử (bản dịch của Nguyễn Tôn Nhan) và đọc đúng chương “Thu Thủy”, lúc ấy, mới chợt ngộ được câu mà cô giáo dạy Văn của tôi thường nói “Những điều ta biết chỉ như giọt nước giữa đại dương” thực sự là như thế nào. Ấy thế là một cô bé 12 tuổi bắt đầu đọc “Nam Hoa Kinh”, lờ mờ biết đến Đạo, rồi từ đó lần mò đến “Đạo Đức Kinh”, “Lã thị Xuân Thu”…
Nếu nói rằng một cô gái trẻ giữa thời đại của Internet ngày ấy có thể hiểu hết thâm sâu rộng lớn của tư tưởng Đạo gia thì e rằng đó là lời nói ngông cuồng. Bằng trực cảm của tuổi niên thiếu, tôi chỉ mơ hồ tâm đắc với một điều gì đó vượt khỏi những tù túng chật hẹp của các khuôn định mà một người trẻ tuổi, đặc biệt là một thiếu nữa bị trói buộc: không phải thứ tự do thác loạn hung cuồng, cũng không phải thứ tự do hoang dã mang tính cạnh tranh sinh tồn, mà là tự do tự tại thanh thản với chính mình. Và thế là tôi đã đọc đi đọc lại chương “Tiêu dao du” suốt cả năm trời mà không có động lực đọc thêm những chương các, như thể bản thân bị nhốt trong ảo cảnh tự do, điều mình không thể nào đạt đến. Tôi nghĩ, có lẽ nhiều người đến với Đạo gia như cách của tôi ngày ấy. Những trang sách hé lộ một khoảng trời tự do bên ngoài song sắt, và ta đắm đuối nó đến mức chìm trong ảo cảnh ấy, quên mất rằng mình vẫn đang bị giam trong ngục tù. Đương nhiên, lỗi không phải của Trang Tử, lỗi là bởi tôi, bởi những vướng mắc tâm lý trong tôi lúc ấy, và cũng bởi tôi đã không đi tiếp để thấu hiểu những điều sau đó. Ảo cảnh tự do ấy đeo bám tôi khá lâu, ghi dấu vết trong biết bao nhiêu sáng tác, nào thì “Điệu nhạc trần gian”, nào thì “Cầm Thư quán”, nào thì thơ, nào thì tản văn… Nhưng, những dòng suy niệm trôi đi trong ảo cảnh khác nào ta ở trong một số kiếp lầm lạc, tự thân chúng sẽ chạm đến điểm kết tất yếu: vỡ vụn. Trong cãi vỡ của ảo cảnh, vừa có sự đau đớn, vô vọng, lại vừa là một sự giải thoát, để tiếp tục buông trôi trong mông lung. Vậy đó, dịch chuyển từ những vướng mắc vào Đạo là một quá trình dần thoát khỏi những xiềng xích của định kiến, mong cầu; ngoài ra chẳng có lối vào nào có thể vạch sẵn.
Vậy thì đọc sách về Đạo để làm chi? Thuở ban đầu là để gợi mở, để đánh thức điều gì đó sâu kín bên trong. Nhưng về sau, với tôi, những cuốn sách Đạo gia trở thành một thú tiêu khiển. Khi nói điều này, có lẽ nhiều người tu đạo nghiêm túc sẽ thấy tôi đang báng bổ điều họ tôn thờ, nhưng cũng chỉ có thể mặc kệ họ thôi, có lẽ họ đang vướng mắc ở đâu đó, ví dụ như họ tưởng “tiêu khiển” là điều gì đó thấp kém, hoặc họ tưởng tu Đạo có lẽ là một thứ gì đó phải lên gân, phải có được vị trí trang trọng như các viện sĩ hàn lâm. Còn với tôi, Đạo đơn giản lắm, khi quá mệt mỏi trong cuộc mưu sinh, tôi tìm được bóng mát dưới tán cây ấy, để nghỉ ngơi, và đi tiếp. Nhưng rồi, việc ấy cũng trở thành một sự trói buộc, tôi không thể đi đâu quá xa khỏi bóng mát của Đạo, bởi vì Đạo vẫn chưa ở trong tôi và tôi chưa thực ở trong Đạo. Và tôi tin chắc rằng có nhiều người mê đắm đọc các sách Đạo gia và hơi hướng Đạo gia, hoặc bất cứ cuốn sách tu tập nào đều đang ở trong tình trạng ấy. Điều đó không tồi tệ, đó là điều tất yếu phải trải qua, giống như Đạo sĩ khi chưa thể để Tự Nhiên thở qua mình thì vẫn phải quán chiếu hơi thở của chính mình vậy.
Mời các bạn xem video phân biệt Đạo gia & Đạo giáo
https://www.youtube.com/watch?v=VYvdooEwvXE
Càng hiện đại, con người càng xa rời Đạo, thật nghịch lý, dẫu cho các diễn ngôn của các lý tưởng của chủ nghĩa hiện đại đều hướng tới giải phóng cá nhân. Chủ nghĩa hiện đại coi tự do là một khái niệm mang tính chính trị chứ không phải là một khái niệm mang tính tinh thần. Tự do kiểu hiện đại gắn liền với những quyền tự do, và đòi hỏi sự chấp nhận đa dạng các hình thức biểu hiện từ hệ thống quyền lực chính thống và xã hội. Tự do của Đạo gia không quan tâm tới những vấn đề này, bởi tự do hay tiêu diêu là kết quả tất yếu khi con người hành xử thuận theo lẽ tự nhiên, không cưỡng cầu, “vô vi nhi vô bất vi”. Sự khác biệt cốt yếu này khiến người hiện đại, cũng như nhiều tác giả thuộc phái “hữu vi” thời xưa, coi Đạo gia như một tư tưởng yếm thế, lánh đời, đi ngược lại các lợi ích chung của xã hội. Đây là đánh giá hoàn toàn sai lầm.
Thêm nữa, con người hiện đại dẫu sống ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, đều bị định hình bởi phương Tây, và đây là vấn đề. Người phương Tây trong suốt dòng lịch sử của mình liên tục bị định hình về mặt tư duy bởi chính các định chế học thuật. Không còn là bầu không khí tư tưởng tự do của Hy Lạp cổ đại, thế giới phương Tây bị gò dần vào những khuôn định giáo lý của các học giả tu sĩ trong Nhà Thờ, và sau này là các quy tắc của khoa học thực chứng, và tiếp đến là động lực cạnh tranh của các lý thuyết kinh tế chính trị. Khuôn mẫu con người hiện đại vốn dĩ không có chút tương hợp nào với Đạo, và nói theo ngôn của Đạo giáo, đó là “Con người đã rời xa Đạo”. Từ cái nhìn của chủ nghĩa hiện đại, tư tưởng Đạo gia trở thành một bộ sưu tầm cổ vật từ một nền văn minh quá vãng được “khai quật” bởi các học giả mong muốn chứng minh vị thế của mình trong nền học thuật phương Tây vốn ngồn ngộn những báu vật tinh xảo. Và một khi coi Đạo gia như những cổ vật, tức là họ đứng ở vị trí của người quan sát để phân tích và xem xét, và đánh giá giá trị, cố minh chứng giá trị giữa cuộc triển lãm tư tưởng. Tôi bắt gặp lối tiếp cận này không chỉ ở nhiều học giả phương Tây, mà ngay cả ở các học giả Việt Nam, vốn là một quốc gia Á Đông, chịu ảnh hưởng không ít của Nho – Phật – Đạo.
Khi nước ta chuyển dần từ chữ Hán sang Quốc ngữ, nền tri thức Việt Nam trải qua một cuộc đứt gãy văn hóa, phương Đông mai một trong khi phương Tây chưa định hình. Các học giả chỉ học được những công thức tư duy học thuật mà chưa thực sự đi đến tận cùng của tư duy học thuật phương Tây. Trong thiếu thốn (từ tài chính, đến môi trường tri thức, tư liệu tra cứu, trải nghiệm thực tiễn), các học giả Việt Nam nỗ lực chuyển ngữ và luận giải Đạo gia, vá víu sự đứt gãy này, khó tránh được nhãn quan hạn hẹp, lúc thì quá chấp vào câu chữ, lúc thì hiểu sai câu chữ, lúc thì nôm na mách qué, lúc lại rơi vào sự cầu kỳ không cần thiết, khi quá duy tâm, khi quá duy vật. Mọi sự u mê trong tâm trí đều có thể dẫn đẫn sự tối tăm trong ngôn từ. Đương nhiên, sự tối tăm ấy vẫn có vẻ ngoài cầu kỳ nên đâu đó vẫn thuyết phục được độc giả. Các sách của Đạo gia về cơ bản không khó đọc, nhưng bởi vì chân tâm bị khuất lấp nên người ta thường diễn giải chúng sai lạc hoặc mù mờ.
Tư tưởng Đạo gia đi vào đời sống tâm linh của người phương Tây
Từ nửa cuối thế kỷ 20, tư tưởng Đạo gia đi vào phương Tây theo một con đường khác: tu tập tâm linh. Những thập kỷ 60,70,80 của thế kỷ ấy, một cuộc chuyển biến tâm thức diễn ra mạnh mẽ nhờ các phong trào tâm linh mới. Không còn sự độc chiếm của Kito giáo và khoa học thực chứng ở thế giới phương Tây, các tôn giáo phương Đông như Hindu, Do Thái, Islam, Phật giáo… hay các pháp tu Yoga, Thiền, Sufi… đổ xô ảnh hưởng lên những con người đang khủng hoảng tinh thần sau khi hứng chịu hai cuộc thế chiến vừa đi qua, và Đạo gia cũng nằm trong số ấy. Thứ tư tưởng vốn là cổ vật được trưng bày trong lâu đài trí tuệ của các học giả bỗng chốc đi vào đời sống và hiện diện, có thể không toàn vẹn và hoàn hảo, nhưng sống động. Đương nhiên, sự sống động này lan tỏa trong văn hóa đại chúng dành cho tầng lớp bình dân, chứ không phải trong tháp ngà hay các viện hàn lâm. Các thuyết giảng về Đạo gia có sắc màu khác hoàn toàn so với lời giảng trong giới học thuật, điểm khác biệt nằm ở chỗ: học giả đọc và luận, còn những người thực hành đọc và sống.
Trước đó, từ cuối thế kỷ 19, tư tưởng về Đạo đã theo chân những người dân Trung Hoa nhập cư vào nước Mỹ. Thật khó để biết chắc các khía cạnh nào của Đạo được du nhập vào Mỹ lúc bấy giờ: tu thần tiên, tư tưởng Đạo gia, phong thủy bói toán, y đạo, võ đạo, khí công, dưỡng sinh…? Đã có hàng chục ngôi đền Đạo giáo xuất hiện tại San Francisco, trong đó nổi bật nhất là đền Kong Chow và đền Thiên Hậu, cả hai đều được xây dựng vào đầu những năm 1850, với các tượng thờ đặc trưng như Quan Công, Ngọc Hoàng, Long Vương Mẫu, Thần Tài… Tuy nhiên, ở hai ngôi đền đầu tiên này vắng bóng tượng thờ Lão Tử hay các thuyết giảng về Đạo Đức Kinh. Phải 100 năm sau đó, thuyết giảng của Đạo gia mới thực sự sống động. Một loạt các tác giả đại chúng nổi tiếng đã đưa Đạo và Thiền vào các diễn ngôn của mình như Allen Ginsberg và Jack Kerouac của nhóm Beat Generation, Alan Watts, Osho…
Osho đặc biệt dành sự yêu thích đặc biệt cho Đạo gia, dù ông là một nhà huyền môn Ấn Độ. Trong trung tâm của mình, ông có hai thính đường mang tên hai nhà tư tưởng Đạo gia vĩ đại nhất là Lão Tử, Trang Tử; ông cũng luận bàn rất nhiều về tư tưởng của hai vị chân nhân này, thậm chí còn giảng cả về Liệt Tử, một nhân vật rất ít xuất hiện trong các luận bàn của các tác giả phương Tây. Osho có thể có những phê phán nhất định đối với Yoga, Tantra, thậm chí là Thiền, nhưng lại dành sự ngưỡng mộ đặc biệt dành cho Trang Tử. Bên cạnh những luận bàn rải rác trong các buổi giảng khác nhau, Osho có một bài giảng dài về Trang Tử đã được đệ tử tập hợp thành cuốn sách “When the shoes fit”, tôi đã dịch cuốn sách này sang tiếng Việt với tựa đề mà tôi tự cho rằng thoáng hơn so với việc dịch bám văn bản một cách khiên cưỡng: “Vừa Vặn – Thuận theo lẽ tự nhiên”. Osho đã ca ngợi Trang Tử thế này:
“Trang Tử là một trong những bậc khai ngộ hiếm hoi nhất, còn hiếm gặp hơn cả Đức Phật hay Jesus. Bởi vì Đức Phật và Jesus nhấn mạnh nỗ lực còn Trang Tử nhấn mạnh không cưỡng cầu. Nhiều điều có thể được thực hiện nhờ nỗ lực nhưng còn nhiều điều hơn thế có thể được thực hiện thông qua không cưỡng cầu. Nhiều điều có thể đạt được bằng ý chí nhưng nhiều điều hơn thế có thể đạt được nhờ không ý chí.
Và bất cứ điều gì bạn đạt được thông qua ý chí, ý chí vẫn luôn đè nặng lên bạn; nó sẽ luôn là một sự xung đột, một mối giằng xé nội tại, và bạn có thể đánh mất nó bất cứ lúc nào. Nó phải được duy trì liên tục – và duy trì cần tiêu tốn năng lượng, duy trì nó rốt cuộc sẽ hủy hoại bạn.
Chỉ những gì đạt được thông qua không cưỡng cầu mới không bao giờ đè nặng lên bạn, và chỉ những gì không phải gánh nặng mới có thể vĩnh cửu. Chỉ những gì không vận động phản tự nhiên mới có thể ở lại với bạn mãi mãi.
Trang Tử nói rằng cái chân thật, cái thiêng, cái vĩnh cửu, có được nhờ đánh mất hoàn toàn bản thân trong điều đó. Thậm chí sự nỗ lực đạt được lại trở thành rào cản – thế rồi bạn không thể đánh mất bản thân. Thậm chí nỗ lực đánh mất bản thân cũng trở thành rào chắn.”
Tuyên bố của Osho về Trang Tử không chỉ mở ra tâm thế quan trọng nhất để bước vào Đạo, mà còn tạo ra một thái cực đối nghịch hoàn toàn với tâm thức của người Mỹ. Bóng mát của Đạo như thể là một cõi giới hoàn toàn đối lập với giấc mơ Mỹ. Người Mỹ được dạy để trở thành những con đại bàng săn mồi vươn cao, vươn xa; ấy thế mà Osho lại nhắc đến lời khuyên làm một con rùa nhỏ vầy đuôi trong bùn lầy sung sướng. Tâm thức phương Tây được xây đắp bởi tinh thần cải tạo tự nhiên thế nhưng Osho lại nhấn mạnh lời của Đạo gia: thuận theo lẽ tự nhiên. Việc đưa ra đối cực này có lẽ đến một cách tự nhiên với Osho, bởi trong suốt cả cuộc đời mình, từ khi còn nhỏ, người ta luôn thấy biểu hiện của một con người không chịu ràng buộc bởi các khuôn định và chỉ hành xử theo những gì bên trong thôi thúc.
“Vừa Vặn” là một tác phẩm hay, và rất “vừa vặn” để mở lối vào Đạo hay ứng dụng Vô Vi trong cuộc sống. Osho không luận giải chi tiết từng câu văn hay đi vào các ý niệm siêu hình trong Tề Vật Luận, cũng không bay bổng theo “Tiêu Dao Du”, ông luận về Đạo qua các tích Đạo gia, giống như ông luận về các khía cạnh tâm linh thông qua các mẩu ngụ ngôn Mulla Nasruddin. Đó có thể không phải là cách tiếp cận của Osho, nhưng là cách ông diễn giải sở đắc của mình với những môn đồ đại chúng xuất thân từ nhiều lớp người khác nhau. “Vừa Vặn” tập trung vào ba điểm trọng yếu: Không Cưỡng Cầu – Không Thiên Kiến – An Trú Nơi Đạo; và triển khai toàn bộ các luận điểm dựa trên đó. Ba điểm trọng yếu này, nói thì dễ, thấu hiểu mới là điều thực sự khó, và thực hiện chúng lại khó hơn rất nhiều.
Tư tưởng Đạo gia tiếp tục bùng nổ trong văn hóa đại chúng không chỉ qua các nhóm tu tập tâm linh mà còn xuất hiện một cách thâm sâu trên các phương tiện đại chúng qua những bộ phim võ thuật, siêu anh hùng… Hình ảnh của các vị thần tiên trong các đền thờ Đạo giáo không còn độc chiếm ấn tượng về Đạo giáo nữa, mà giờ đây, tư tưởng Đạo gia với diễn ngôn “Thuận theo lẽ tự nhiên” đã ghim vào tâm trí đại chúng.
> Tìm hiểu thêm về cuốn sách VỪA VẶN – THUẬN THEO LẼ TỰ NHIÊN:
Vừa vặn – Thuận theo lẽ tự nhiên – Một diễn giải tinh thần về Trang Tử – Osho – Book Hunter Lyceum
Nền tảng tư duy mới cho các học giả phương Tây
Học giả không phải là những sinh vật lạ hay những sinh vật được nuôi nhốt tách biệt với tự nhiên, học giả hay các tác giả hàn lâm cũng là người và cũng trưởng thành trong lòng môi trường đại chúng cho dù họ có khoanh vùng an toàn cho bản thân hay không. Các nhóm thơ hậu hiện đại như Beat Generation hay Deep Imagism là những nhà tiên phong đưa Đạo gia vào môi trường học thuật của Mỹ. Môi trường học thuật của Mỹ trong thế kỷ 20 chia tách thành hai đối trọng: một đằng là các trường đại học nặng tính lề luật và khoa giáo, một đằng là những nghệ sĩ và học giả hậu hiện đại nổi loạn mong muốn bẻ gẫy các khuôn định ấy. Vị thế “bên lề” của tư tưởng Đạo gia tại Mỹ lúc bấy giờ, được biểu hiện trong hành vi của các nhà thơ nổi loạn và phóng túng, dễ khiến học thuật chính thống xếp Đạo gia vào nhóm các tư tưởng chống đối xã hội, vô chính phủ và phi chính trị.
Vị trí “bên lề” của Đạo gia càng được củng cố khi các nhà thơ và các nhà tâm linh hoạt động tại Mỹ thường xuyên thuyết giảng về Trang Tử hơn so với Lão Tử. Khác với “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử, “Nam Hoa Kinh” không bàn sâu về các định nghĩa mang tính siêu hình, mà luận giải thông qua các mẩu chuyện, và được viết bằng văn phong đẹp đẽ, bay bổng, gần gũi với tinh thần thơ ca. Hơn nữa, Trang Tử được đặc biệt yêu thích bởi ông gần gũi với chủ nghĩa hoài nghi và chủ nghĩa hư vô đang thịnh hành trong tư tưởng triết học và văn chương hiện đại. Hoài nghi và Hư vô là thái cực tất yếu của xã hội phương Tây vốn bị quy định bởi sự độc đoán chân lý mà trước đó thuộc về giáo hội, sau đó thuộc về khoa học. Các học giả đương đại tìm thấy ở tư tưởng của Trang Tử một phương pháp mới trong nhận biết thực tại và hiện diện trong thực tại:
“Đối với một người vô vi điển hình, hành vi phù hợp diễn ra một cách thuận tự nhiên như khi mũi ta phản ứng với mùi khó chịu, và với cảm giác vô thức tương tự mà cơ thể phản ứng với giai điệu lôi cuốn của một bài hát. Điều này không để nói rằng các hành động phát sinh từ vô vi là tự động, hoàn toàn vô thức, hay thuần túy thuộc về sinh lý học. Những cá nhân thực hành vô vi điển hình có thể vẫn đưa ra các lựa chọn và thậm chí có những lúc ngưng lại để đánh giá rất nhiều lựa chọn hoặc cân nhắc các tình huống trước mắt. Tuy nhiên, những sự lựa chọn và cân nhắc như vậy tự chúng cũng được người ta thực hiện một cách khoan thai. Trái với các dạng suy nghĩ và hành động theo bản năng hay theo thói quen đơn thuần, vô vi đòi hỏi các tác nhân phải có những mức độ nhận thức khác nhau, và cho phép sự linh hoạt đáng kể trong phản ứng.”
(Trích tiểu luận “Ngờ Vực – Hiểu biết & Chủ nghĩa hoài nghi” – Julianne Chung, trang 161, thuộc sách “Triết học cho con gái”, Book Hunter & NXB Phụ Nữ Việt Nam, 2022)
>> Đọc thêm về “Triết học cho con gái”: “Triết học cho con gái” hay triết học của “cơi đựng trầu” – Book Hunter
Nhưng suy cho cùng, sự thiếu nghiên cứu về Đạo gia nói riêng và Trung Quốc nói chung đã kéo dài rất lâu kể từ khi Trung Quốc thất bại trong vị trí chính trị. Và có lẽ, nếu Trung Quốc không vươn lên vị trí hiện đang có hôm nay trên trường quốc tế, các tư tưởng Trung Quốc vẫn tiếp tục là những cổ vật trưng bày hoặc bị gạt ra bên lề thay vì được nghiên cứu và chuyển ngữ một cách kỹ lưỡng. Trong thế kỷ 21, sự nghiên cứu về các tư tưởng Trung Quốc đã có sự đột phá về phương pháp luận và đề tài.
Đầu tiên, có lẽ là sự thoát khỏi hình bóng Trang Tử với các định danh “yếm thế”, “chống đối xã hội”, “vô chính phủ”. Các trước tác Đạo gia khác như Đạo Đức Kinh, Lã thị Xuân Thu… đều trải qua quá trình nghiên cứu văn bản chi tiết. Khi nghiên cứu và luận giải các tác phẩm của Đạo gia, các học giả phương Tây vấp phải rất nhiều định kiến dẫn đến hiểu lầm tác phẩm, và tất yếu, phần lớn công trình của họ phải giải quyết những hiểu lầm này. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu văn bản giúp họ vượt qua tình trạng kinh văn lộn xộn thường gặp ở các kinh điển Trung Quốc nói riêng và phương Đông nói chung. Và sau cùng là triết học so sánh, giúp các học giả tìm ra điểm tương đồng và khác biệt về các khái niệm của phương Đông và phương Tây.
Trường hợp nghiên cứu tác phẩm “Lã Thị Xuân Thu” với công trình “Thời và Trị trong Lã Thị Xuân Thu” của James D. Sellmann (Lê Minh Tân dịch,Book Hunter & NXB Phụ Nữ Việt Nam, 2023) đồng thời cũng giải phóng Đạo gia khỏi vị thế vô chính phủ và yếm thế. Khác với các nhận định phổ biến về Đạo gia, bằng “Lã Thị Xuân Thu”, James D.Sellman cho thấy cách tư tưởng Vô Vi, cốt yếu của Đạo gia đi vào chính trị.
Tìm hiểu thêm: Combo sách “Thời, Trị & Lã thị Xuân Thu” – Book Hunter Lyceum
“Lã Thị Xuân Thu” do Lã Bất Vi tổ chức các học giả cuối Chiến Quốc từ các phái mà viết thành. Việc tổ chức biên soạn này nhằm thỏa mãn nhiều mục đích: trước hết, ông cần lôi kéo danh sĩ trong thiên hạ về với nhà Tần; sau nữa, ông muốn thông qua tác phẩm này để củng cố địa vị chính thống của mình tại nước Tần; và cuối cùng, muốn thiết lập một nguyên lý quản trị cho một quốc gia vừa bước ra khỏi hoang dã và chuẩn bị làm bá chủ thiên hạ. “Lã Thị Xuân Thu” mặc dù tập hợp danh sĩ của nhiều phái khác nhau nhưng nền tảng tư tưởng của “Lã Thị Xuân Thu” đều xoay quanh Đạo gia, mà trong đó, vị thế trọng yếu của một quốc gia là Thiên Tử, đều gắn liền với các khái niệm “thuận thời” và “vô vi”.
“Thời” là một khái niệm mang tính biến dịch của Tự Nhiên. Tự Nhiên không phải là một thứ gì đó đứng im, bất biến, mà luôn biến dịch. Khi đủ nhìn xa trông rộng để thấy trước biến dịch tất yếu của thời, vậy thì thiên tử có thể vô vi, và bởi dụng đạo vô vi nên không làm mỏi sức dân, không gây loạn. James D. Sellmann đã chỉ ra điểm độc đáo này của tư tưởng trong “Lã Thị Xuân Thu”, một đặc điểm rất khác biệt với quan điểm chính trị của phương Tây, ông viết:
“Cách tiếp cận theo lối hỗn dung của Lã thị Xuân Thu giúp pháp triển triết học chính trị thực hành của Đạo gia vốn mượn nhiều chất liệu từ Lão Tử nhưng lại xác định rõ ràng bối cảnh chính trị; mấu chốt của thuật cai trị nằm ở chỗ các vị tiên đế đã nắm vững việc sử dụng cái họ không có. Vua chúa, không cần phải nỗ lực nhiều lắm, vẫn đầy sáng tạo trong việc khiến người dân thực hiện ước vọng của mình và của ông ta một cách tự nhiên và đồng loạt. Đây là phần nào vẻ đẹp và sự hài hòa trong tư tưởng chính trị của Đạo gia.
Thiên Phân chức phê phán những vị u vương ngày nay khi dụng sức mình mà làm hỏng sự. ‘U vương lại không như vậy. Họ gượng dụng trí để tỏ ra khôn, gượng dụng tài để tỏ ra khéo, gượng dụng vi để tỏ ra được việc. Đây là nói đến vai trò của bề tôi. Sắm vai bề tôi nhưng lại không thể can gián thì dù có là Thuấn cũng không làm được gì.’
Chính u vương mới không thể dụng thân và dụng dân để vận hành đất nước. Thiên này trực tiếp đề cập đến trách nhiệm của nhà vua vốn khác biệt với trách nhiệm của quan lại. Chỉ có nhà vua mới có khả năng thực hành những nguyên tắc trong vô vi của Đạo gia. Quan lại và vị trí lãnh đạo của nhà vua yêu cầu một phản ứng và một lối sống có một không hai được nuôi dưỡng theo quan điểm của Đạo gia.”
(Trang 160, “Thời và trị trong Lã Thị Xuân Thu”, James D. Sellmann, Lê Minh Tân dịch, Book Hunter & NXB Phụ Nữ Việt Nam, 2023)
Có thể nói, sự nghiên cứu của các học giả phương Tây với các tư tưởng Đạo gia nói riêng và toàn bộ nền tảng văn hóa Trung Quốc đến thế kỷ 21 mới thực sự bắt đầu nghiêm túc với các phương pháp nghiên cứu khoa học đa dạng và nhãn quan đa chiều không định kiến. Tuy nhiên sự nghiên cứu thông minh không đồng nghĩa với sự thông tỏ Đạo, giống như những người tu tập Đạo chưa chắc đã thông tỏ kinh văn.
Quay trở lại với Việt Nam, sự tiếp cận Đạo gia còn sơ khai hơn thế. Tôi đã đọc 4 bản dịch “Nam Hoa Kinh” của Nguyễn Tôn Nhan, Nhượng Tống, Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Hiến Lê (tôi liệt kê theo thứ tự đọc của mình), nhưng chẳng bản dịch nào trong số ấy đối chiếu để truy gốc văn bản, cũng chẳng luận giải nào trong số họ cho thấy họ có các trải nghiệm tu Đạo sâu sắc. Tương tự như vậy với các bản dịch “Đạo Đức Kinh”, kỳ thực, tình trạng dịch “Đạo Đức Kinh” còn mù mờ và tối nghĩa hơn. Sự tiếp cận kinh điển Đạo gia của các học giả Việt nhìn chung là chữ nghĩa không tới mà thực tu cũng chẳng xong. Đây là hậu quả của việc tiếp nhận nền học thuật thực dân què cụt từ nước Pháp, kết hợp với các nền tảng minh triết bị mai một ở thời kỳ đứt gãy văn hóa.
Bản dịch “Lã Thị Xuân Thu” của Ngô Trần Trung Nghĩa có thể nói là đặt nền móng cho cách tiếp cận mới đối với kinh văn cổ của Trung Quốc. Trước đó, một bản dịch khác của Phan Văn Các đã được lưu hành trên thị trường với tình trạng không đầy đủ, chỉ bao gồm phần Thập Nhị Kỷ (tức chỉ ⅓ tác phẩm). Bản dịch của Phan Văn Các cũng giống như những học giả dịch “Đạo Đức Kinh” hay “Nam Hoa Kinh”, thiếu sự đối chiếu văn bản. Ngô Trần Trung Nghĩa đã đưa thao tác đối chiếu văn bản vào dịch thuật cổ văn Trung Quốc và làm sáng rõ nhiều điểm mờ cũng như những hiểu lầm thường gặp.
Dịch thuật hay nghiên cứu, luận giải kinh văn về Đạo, suy cho cùng cũng là một lối vào Đạo. Làm việc với văn bản mà vẫn còn vướng mắc vào tham muốn chứng tỏ cái tôi học giả bằng cách sử dụng ngôn từ bóng bẩy để che khuất sự vô minh của mình, thì không thể chạm tới đạo. Tiếp nhận văn bản với một sự đoan chắc trước những gì bày ra trước mắt mà thiếu đi sự hồ nghi cần thiết thì chẳng khác nào con ếch ngồi trong giếng tưởng bầu trời là toàn bộ miệng giếng vậy.
Bài viết này là đôi điều ghi chép sau một quá trình bắt đầu tìm hiểu và dịch thuật các luận giải của phương Tây đối với Đạo gia và văn hóa Trung Quốc. Khác với những bài khác, tôi không để lại các nguồn tham chiếu khi đưa ra nhận định, bởi vì tôi vẫn đang trong quá trình nghiên cứu thêm, và không muốn trói chặt mình cũng như bạn đọc vào một cảm giác “khả tín” mơ hồ nào đó.
Hà Thủy Nguyên