Chúng ta cảm giác bị thiếu hụt, chúng ta thấy mình không phát triển, chúng ta hoang mang khi nhìn thấy những sinh viên tự tin và chuyên nghiệp của các nước phương Tây và chúng ta vội vàng đổ lỗi cho nền giáo dục. Hệ thống giáo dục còn rất nhiều sai lầm, điều đó không thể phủ nhận, nhưng đó không phải nguyên nhân chính khiến chúng ta tụt hậu, kém cỏi như ngày nay. Đổ lỗi tai ngoại cảnh, tại tình hình chính trị, tại thực trạng xã hội… đó là căn bệnh ngàn đời của Việt Nam ta, để bao biện cho sự lười biếng và thụ động của mình.
Nếu chúng ta cho rằng thay hệ thống giáo dục này bằng một hệ thống giáo dục khác sẽ làm chúng ta được phát triển hơn, thì đó là một niềm tin sai lầm. Khi đã hình thành hệ thống giáo dục thì việc giáo dục không hỗ trợ cho việc con người được là chính mình. Không một hệ thống giáo dục nào cho phép bạn được tồn tại đúng với con người thực của bạn. Bạn nói nền giáo dục của Mỹ là tân tiến vì nó cho bạn cơ hội được sáng tạo. Thưa không! Sự sáng tạo của bạn chỉ được ở trong vòng khuôn khổ là ở dưới các cây cổ thụ. Bạn thấy nó vĩ đại chỉ bởi vì bạn vừa chuyển từ môi trường này sang môi trường khác và bạn thấy nó mới lạ. Không hơn! Bởi thế, việc học trong các trường đại học lớn để rồi bỏ học đã trở thành truyền thống của những người tạo ra đột phá xã hội như Bill Gates hay Mark Zuckerberg.
Hệ thống giáo dục ra đời không phải để hoàn thiện chúng ta, mà là để gọt rũa tâm trí của chúng ta cho phù hợp với mục đích của một nhóm lợi ích nào đó. Ở các quốc gia thần quyền, giáo dục phục vụ cho quyền lực của tôn giáo. Ở các quốc gia quân chủ và chuyên chế, giáo dục phục vụ cho chính trị. Ở các quốc gia tư bản, giáo dục phục vụ cho đồng tiền. Bằng cách này hay cách khác, các hệ thống luôn kiểm soát chúng ta hoặc bằng dọa dẫm hoặc tạo những cảm giác dễ chịu bằng phương tiện vật chất hoặc cơ hội việc làm trong tương lai. Nhưng tất cả những điều đó không làm chúng ta hoàn thiện bản thân mình. Hơn nữa, bản thân tôi nghĩ, con người vốn bất toàn, không ai đủ tư cách để giáo dục ai với toàn bộ những ham muốn, giận dữ, đố kỵ và nhỏ mọn ẩn dấu trong con người. Làm sao những người chưa toàn thiện lại có thể hướng dẫn người khác cách trở nên toàn thiện? Giáo dục không làm gì hơn được ngoài việc chỉ cho chúng ta cách thích ứng với môi trường tự nhiên và xã hội. Còn lại, mọi lời hô hào chỉ là sáo rỗng.
Tôi không có ý định phủ nhận vai trò của hệ thống giáo dục. Vai trò của hệ thống giáo dục là để giữ độ ổn định của xã hội trong một thế cân bằng. Thử tưởng tượng một tình trạng hỗn loạn ai cũng làm theo ý mình xem! Đó sẽ là thảm họa! Hiểu được vai trò đó, chúng ta mới có thể chấp nhận thích ứng với các dạng hệ thống nhưng không hề bị phụ thuộc vào hệ thống.
Bạn có thể chửi rủa tất cả các lỗi lầm của hệ thống. Bạn có thể đưa ra một mô hình và khẳng định rằng nó tân tiến hơn hệ thống cũ. Nhưng bạn càng phản ứng thì tất cả điều đó cho thấy bạn không hề thoát khỏi sức ảnh hưởng của hệ thống cũ. Mọi cuộc cải cách giáo dục sẽ là vô nghĩa khi con người tạo ra những cải cách ấy không có gì mới mẻ. Vẫn lối tư duy cũ, vẫn nhận thức cũ, vẫn ở trong một vị thế cũ, bạn hi vọng rằng bạn có thể đưa ra cái mới? Và cho dù bạn có áp dụng mô hình giáo dục từ các nước tân tiến hơn vào tình trạng của xã hội bạn sống, thì cũng sẽ chỉ là một sự kệch cỡm, rồi bạn sẽ mất nhiều năm đi sửa lỗi hệ thống.
Vậy chẳng lẽ chúng ta ngồi im và chấp nhận thực tế buồn nản trong nền giáo dục này? Đương nhiên là không? Nhưng bạn chờ đợi việc đưa ra một hệ thống mới tốt đẹp hơn rồi mới cắp sách học hành nghiêm túc thì bạn quả là vô vọng. Hệ thống có thay đổi hay không, điều đó phụ thuộc vào mỗi chúng ta chứ không phải từ Bộ trưởng Bộ giáo dục.
Đã bao giờ bạn thử thôi cách suy nghĩ: Học để trở nên giàu có cho khoe mẽ với đời, học để lấy điểm cao cho có vị thế xã hội, học để vừa lòng bố mẹ… và thử học cho chính bản thân mình xem. Khi học để mở mang tâm trí của chính mình, chúng ta có cơ hội để hiểu rõ bản chất của mọi sự vật, sự việc xảy đến; chúng ta có cơ hội để có nhiều chọn lựa hơn cho tư tưởng của mình; chúng ta sẽ kho bị lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc và có quyền tự do ý chí cá nhân. Tự học không có nghĩa là cắm mặt vào quyển sách, mà là với tinh thần đó, chúng ta học hỏi trong từng việc nhỏ nhặt. Ăn một loại thức ăn ngon, cảm nhận hương vị và mường tượng về cách các nguyên vật liệu hòa trộn với nhau, đó là tự học. Chơi game và ngẫm nghĩ xem tại sao trò chơi này lại hấp dẫn mình đến vậy, trò chơi này khiến kỹ năng nào của mình phát triển, đó là tự học. Lau dọn nhà cửa một cách có trách nhiệm, sắp xếp thứ tự các hành động sao cho hiệu quả, đo độ tiêu chuẩn hoàn hảo của mình đến đâu, đó là tự học. Đi chơi “chém gió” với bạn bè, quan sát tâm lý người nói chuyện và theo dõi quá trình lên xuống tình cảm cả bản thân, đó cũng là tự học. Thậm chí, khi bạn ngồi một mình và không làm gì cả, để dòng suy nghĩ chạy qua chạy lại trong đầu, lắng nghe những giọng nói nội tại tranh cãi nhau, đó cũng là tự học.
Và bởi thế, với việc tự học, chúng ta không cần mất thời gian để chửi rủa hệ thống giáo dục lỗi thời và nhiều tiêu cực. Khi số lượng những người tự học tăng lên, hệ thống tự khắc phải chuyển mình. Đừng đặt quyền tạo dựng hệ thống giáo dục vào trong tay của một người nào đó khác chưa toàn thiện, trong khi chính bạn mới là tương lai của hệ thống này. Nếu bạn muốn hệ thống giáo dục phục vụ cho việc phát triển bản thân của bạn, vậy thì tôi nhắc lại lần nữa, bạn đã sai lầm. Không ai có thể khiến cho bạn phát triển nếu bạn không thấy việc phát triển ấy là cần thiết. Hệ thống giáo dục sinh ra để ổn định xã hội, thế nên khi con người càng phát triển thì hệ thống càng ổn định hơn và xã hội càng ổn định hơn.
Hãy hoàn thiện mình trước khi hoàn thiện xã hội! Hãy để cho mình hướng tới sự cao đẹp và tiến bộ trước khi hướng xã hội theo điều đó. Và chúng ta không cần những lời hô hào cải cách giáo dục rầm rộ. Chúng ta cần lời hô hào: “Hãy tự cải cách chính bản thân mình”.
Hà Thủy Nguyên
Người nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình. Không làm được việc lớn, thì đừng có biện minh.
Các bạn cần xem lại 2 quan điểm sau:
1. Hệ thống giáo dục ra đời không phải để hoàn thiện chúng ta, mà là để gọt rũa tâm trí của chúng ta cho phù hợp với mục đích của một nhóm lợi ích nào đó.
Mình cho rằng mọi hệ thống giáo dục đều có chức năng hoàn thiện con người, dù nhiều hay ít, dù đủ hay không đủ với đòi hỏi của bạn. Tất nhiên, việc người xây dựng hệ thống có cấy ghép vào đó vài mục đích cá nhân cho mình hoặc cho nhóm lợi ích của mình là điều có thể xảy ra, hay thường xuyên xảy ra,, thì cũng không thể phủ định vai trò hoàn thiện con người của mọi hệ thống giáo dục.
2. Người không hoàn thiện có thể giúp người khác hoàn thiện hay không? Xin thưa rằng là có. Ngay như bản thân mỗi chúng ta, chúng ta chưa hoàn thiện nhưng chúng ta có ý chí hoàn thiện, thì cái ý chí ấy đại diện cho một con người khác và con người khác ấy đang nỗ lực giáo dục để hoàn thiện cái con người chưa hoàn thiện trong ta.
Các bạn cần có cái nhìn biện chứng và chi tiết hơn nữa!
Trần Mai Sơn
21:05 25/04/2013Cách comment của bạn cũng chứng tỏ bạn tìm hiểu khá kỹ tư tưởng/cách suy nghĩ của Book Hunter nhỉ? Còn về 2 ý bạn đưa ra mình trả lời thế này :
1, Bài viết này không phủ nhận vai trò của hệ thống giáo dục. Đã qua rồi thời kỳ dân Việt còn tư duy phủ nhận mọi thứ của hệ thống cũ. Mọi thứ ra đời, tồn tại đều có lý do của nó. Đạo lý này trong bài viết này nói riêng hay nội dung trên Book Hunter nói chung đều thể hiện rõ. Tuy nhiên trong khuôn khổ 1 bài viết không thể/không cần thiết phải phân tích đầy đủ và cụ thể về lý do đó.
2, Người không hoàn thiện có thể giúp người khác hoàn thiện hay không? Cộng với đoạn comment tiếp sau, mình thấy bạn đã hiểu sai ý của riêng đoạn đó và cả bài. Từ được dùng là “giáo dục”, hiển nhiên là khác từ “giúp” mà bạn dùng? Rồi hệ thống hiện tại “giáo dục” nhiều hơn hay “giúp” chúng ta nhiều hơn; những người hay hô hào giáo dục có tâm niệm về việc hoàn thiện mình trước hay chỉ là hô hào để kiếm chút lợi lộc, danh tiếng, ảnh hưởng cho bản thân hẳn bạn cũng biết rõ.
Tôi thấy con người bây giờ đều có khả năng tự cảm nhận được những người khác giúp mình là vì động cơ gì, do đó cứ để mọi người tự đánh giá và chọn cách học phù hợp nhất cho mình. Đó là ý xuyên suốt của bài này.
Còn để tìm hiểu thêm chi tiết suy nghĩ của chúng tôi, bạn cứ chờ theo dõi những bài viết tiếp theo của chúng tôi. Xin cảm ơn vì đã quan tâm!
“Education is what remains after one has forgotten everything one learned in school.”
— Albert Einstein
E nghĩ là bài này nên là phần I và có phần 2 để làm rõ hơn ý “Tự học” và học như thế nào 😀 hay giáo dục có thể hỗ trợ hướng dẫn sao cho việc mọi người tự học ra sao 😀
Trần Mai Sơn
00:58 26/04/2013Sẽ có chứ em, nhưng anh thích những người quan tâm đến cách mình sống hơn là người khác và xã hội đang sống thế nào 😀
Hay đó, cảm giác như đang len vào ngõ ngách trong tâm trí mình
Em thấy bài này có một số điểm bất hợp lý dưới đây:
1. Thứ nhất, giáo dục có thể coi là bộ máy gọt dũa các phần tử, từ đó tạo hình và vận hành xã hội; là công cụ từ kiến trúc thượng tầng áp xuống cơ sở hạ tầng (top-down)
Giải pháp trong bài đề cao cá nhân tự học (personal learning), tự xác định chuẩn giá trị, đây là giải pháp thay đổi từ cơ sở hạ tầng hướng lên kiến trúc thượng tầng (bottom up).
Nghĩa là giải pháp trong bài không tạo thay đổi trực tiếp lên nền giáo dục, mà bỏ qua nền giáo dục, nêu cao việc tự học để nâng cao tri thức cho con người trong xã hội. Vậy, bài này chỉ có thể bàn đến giải pháp truyền thụ tri thức, không thể khẳng định hay phủ định gì về cải cách nền giáo dục.
2. Thứ hai, giáo dục thuộc kiến trúc thượng tầng, và do đó có thể có bước nhảy vọt tương đối. Nghĩa là, trong trường hợp lý tưởng, có thể lấy một mô hình mới thay thế mô hình cũ để hệ thống vẫn vận hành tốt. Tất nhiên trường hợp này khó, nhưng không phải là không thể làm.
Lập luận trong bài phủ định việc cải cách giáo dục bằng cách chỉ ra sự khó khăn, và tập trung vào chỉ trích lỗi của một số trường hợp làm sai khi cải cách, dùng lỗi bộ phận để phủ định toàn bộ, dùng dự đoán xu hướng để khẳng định chắc chắn kết quả. Đó là ngụy biện, trong đoạn trích sau:
“Bạn có thể đưa ra một mô hình và khẳng định rằng nó tân tiến hơn hệ thống cũ. Nhưng bạn càng phản ứng thì tất cả điều đó cho thấy bạn không hề thoát khỏi sức ảnh hưởng của hệ thống cũ. Mọi cuộc cải cách giáo dục sẽ là vô nghĩa khi con người tạo ra những cải cách ấy không có gì mới mẻ. Vẫn lối tư duy cũ, vẫn nhận thức cũ, vẫn ở trong một vị thế cũ, bạn hi vọng rằng bạn có thể đưa ra cái mới? Và cho dù bạn có áp dụng mô hình giáo dục từ các nước tân tiến hơn vào tình trạng của xã hội bạn sống, thì cũng sẽ chỉ là một sự kệch cỡm, rồi bạn sẽ mất nhiều năm đi sửa lỗi hệ thống.”
Ý em là, nền giáo dục vẫn có thể sửa.
3. Thứ ba, giáo dục là bộ máy rập khuôn các phần tử vào hàng lối trong hệ thống, nên số đông vẫn luôn luôn cần giáo dục. Vậy, nền giáo dục CẦN sửa.
Tóm lại 3 ý trên thì, nền giáo dục vẫn cần và vẫn có thể cải cách. Bài viết này không nên phủ định điều đó, mà nên hướng đến đúng chủ đề về hướng giải pháp cho tri thức.
Trần Mai Sơn
00:51 26/04/2013Phải nói trước rằng chúng ta ngồi đây chẳng ai có thể đoán được cụ thể làm thế nào thì thay đổi giáo dục được, còn làm thế nào thì không. Đó là một bài toán gồm rất nhiều biến. Bài này nhằm mục đích chỉ ra rằng có một trong các biến đó đang bị coi trọng chưa đúng mức, và có 1 số biến khác đang được đề cao quá đáng chứ không nhằm phủ nhận hoàn toàn vai trò các biến khác, và nói rằng chỉ cần nâng cao biến trong bài này lên là xong, mọi vấn đề giáo dục được giải quyết. Nhưng nói thế này, cũng chỉ là nói trên khía cạnh lý thuyết suông.
Còn nói về thực tế cho đến thời điểm hiện tại đang chỉ ra rằng việc tập trung vào các biến cũ chẳng mang lại kết quả gì khiến chúng ta hài lòng. Và có khi những người phụ trách cải cách không có ý định phải tìm ra và sắp xếp các biến có liên quan, hoặc hay chẳng hề quan tâm hoặc chẳng biết sự tồn tại của các biến khác cũng nên. Nếu đã biết sự tồn tại, khả năng ảnh hưởng của 1 biến mới, trong khi cách cũ đang chẳng làm được gì, vậy thì chẳng phải nên thử đào sâu và thay đổi theo biến mới hay sao? Việc nhìn nhận cá nhân luôn là chủ quan, cứ phải thử thực tế mới biết được.
Với cách nhìn trên 3 vấn đề trên có thể được trả lời như sau :
1, Không ai quan tâm đến hệ thống có tốt hay không, cái mọi người quan tâm đầu tiên là thành tựu học tập của mình, không phải hệ thống. Quan điểm bài này rõ ràng đứng ở góc độ bottom-up, mà ở khía cạnh đó, một người luôn có thể phủ định tầm ảnh hưởng của hệ thống giáo dục, của cải cách giáo dục đối với việc học của mình
2, Đoạn này không hiểu, thế nào là thì coi là bộ phận, thế nào thì coi là tổng thể. Anh tưởng đánh giá theo kiểu theo dõi, đánh giá việc học của 1 học sinh để xem xét một hệ thống giáo dục mới là suy từ bộ phận ra tổng thể chứ. Còn tất cả các cuộc cải cách giáo dục luôn được làm trên quy mô lớn, đánh giá một yếu tố của một phép thử quy mô lớn mà cũng bị xem là từ bộ phận suy ra tổng thể sao?
3, Như đã nói, bài này đứng ở khía cạnh bottom-up chỉ ra rằng các biện pháp hiện tại chẳng có impact gì tới cá nhân/bộ phận. Nếu không có impact, hệ thống có cần sửa hay không bộ phận chẳng cần quan tâm. Bài viết hoàn toàn có thể phủ nhận hệ thống và tìm ra biện pháp tự tồn tại của cá nhân.
Tóm lại, anh có thể thấy tất cả tranh luận này chỉ là tranh luận trên khía cạnh lý thuyết mà thôi, chẳng có giá trị thực tế cho lắm. Như trong tranh luận đã nói, về lý thuyết phủ nhận vai trò của hệ thống chẳng có gì sai. Nhưng trong thực tế, hay trong bài này cũng vậy, cũng chưa thấy sự phủ nhận hệ thống.
Chỉ đơn giản là : Trong khi chờ đợi người ta tìm ra một cách sửa lỗi hệ thống giáo dục, hãy tự cứu bản thân mình trước. Hay xa hơn là chẳng cần quan tâm đến hệ thống đang làm gì, tránh ảnh hưởng của hệ thống càng nhiều càng tốt
“Chỉ đơn giản là : Trong khi chờ đợi người ta tìm ra một cách sửa lỗi hệ thống giáo dục, hãy tự cứu bản thân mình trước. Hay xa hơn là chẳng cần quan tâm đến hệ thống đang làm gì, tránh ảnh hưởng của hệ thống càng nhiều càng tốt.”
– Tôi có vài đứa cháu trong nhà là minh chứng cho đoạn viết này.
Không đủ sức hiểu hết các biện chứng của bài và của ý phản biện, nhưng thực tế trong nhà tôi xảy ra đúng như thế. Tụi nhỏ tự học. May quá, về thông tin thì ngày nay đã có internet, không chỉ thuần báo chí và sách giáo khoa như trước.
Mình hoàn toàn ủng hộ những phản biện của bạn với bài viết này, rất sắc bén và thể hiện tư duy sâu về logic.
Ở đây, xin còn một ý kiến cá nhân rằng người viết không nên chỉ nhìn nhận giáo dục hay thậm Chí là “hệ thống giáo dục” chỉ là SCHOOLING (nhà trường). Giáo dục là 1 khái niệm rất rộng mà 1 hệ thống giáo dục, đào tạo cụ thể khi được đem ra phân tích, đánh giá thì có thể thấy được tính lịch sử, tính chính trị v.v.. Của nó trong 1 bối cảnh kinh tế chính trị nhất định trong 1 xã hội ở 1 thời đoạn nhất định. Vì thế chúng ta dễ thấy mục đích dào tạo của 1 hệ thống nhà trường và các chính sách, Nội dung Liên quan là để hướng tới cho ra sản phẩm ntn. Nhưng những điều đó không thể đại diện cho mục đích và bản chất của giáo dục nói chung được. Vì thế, người muốn nói rằng tôi không bị ảnh hưởng gì từ cái hệ thống NHÀ TRƯỜNG kia thì phải ý thức đc SỨC MẠNH THẬT SỰ CỦA GIÁO DỤC sẽ nằm ở đâu. Tác giả ở đây đưa ra việc tự học, tự quan sát để trau dồi kĩ năng và tăng cường sức đề kháng trí tuệ chỉ là hệ quả của việc ý thức được giá trị của giáo dục và ảnh hưởng của GD tới cuộc sống của mỗi cá nhân là lớn hơn rất nhiều những gì diễn ra trong nhà trường. Chứ đây không phải là biện pháp gì đưa ra để cải tổ hệ thống cả.
Như admin đã reply ở dưới khi nói rằng quan điểm người viết xuất phát theo góc độ BOTTOM-UP vậy thì làm sao có thể nói lên được sự bao Quát của cả hệ thống vốn bản chất là sự thể hiện TOP-DOWN ảnh hưởng của kiến trúc thượng tầng lên cơ sở Hạ tầng? Ở đây chỉ có thể kết luận rằng ý thức đc tự học và nâng cao kĩ năng tự học trong mối cá nhân người học là rất quan trọng và có ích với cá nhân họ nhưng không thẻ thay thé được vai trò của người lãnh đạo hệ thống đào tạo vĩ mô. Bởi mỗi cá nhân xuất phát tựf sở thích, năng lực, hoàn cảnh riêng và xác định mục tiêu học tập khác nhau, vậy thì làm sao chỉ có 1 chièu cho sự cải cách hệ thống toàn diện khi nó đơn giản chỉ là mỗi cá nhân tự lo cho mình? Rõ ràng vẫn không thể thiếu tính Liên kết, thỏa Thuận, thống nhất để đưa vào hệ thống 1 cái khung mà cái quan trọng nhất là cái khung đó không được Gò ép theo duy nhát 1 mẫu số chung cho mục đích và tính chất của quá trình học tập và đào tạo đc.
Bên cạnh đó, đi vào bàn thêm về giải pháp TỰ HỌC của người viết thì rõ ràng đây là quan điẻm xuất phát từ 1 người học trưởng thành (ADULT LEARNER) với những trải nghiệm, những quan sát suốt quá trình dài để nhận ra và tự ý thức. Nhưng nên hiểu rằng giáo dục và nhà trường bắt đầu từ rất sớm trong cuộc đời mỗi người. Tại sao Bill Gates hay Mark không từ bỏ nhà trường từ khi còn nhỏ hơn kiểu lớp 9, lớp 10 mà phải đến khi họ đã là sinh viên đại học, khi họ đã là cá nhân với những kĩ năng tự học, tự nghiên cứu, tự phát triển và kiến tạo giá trị mới cho chính mình rồi. Và trong suốt quá trình học tập,giáo dục và tự giáo dục trc đó thì họ không hệ chịu ảnh hưởng (tích cực/ tiêu cực) từ hệ thống GD (sách vở, thầy cô, gia đình, bạn bè) ư? Trước hết ý thức tự học không tự nhiên hình thành trong 1 đứa trẻ hay người học, nó Cần được dẫn dắt, khích lệ, định hướng , phân tích và ủng hộ tử gia đình, từ môi trường nữa. Và Gia đình hay môi trường xung quanh lại không phải là tác động TOP Down lên cá nhân đó sao? 🙂 Có cả yếu tố Botttom-Up khi tự thân trong cá nhân ng học đó biết đánh giá và lựa chọn. Tuy vậy không thể nói tôi nhìn từ dưới lên và thấy “tự tôi lo đc cho tôi, chẳng bị ảnh hưởng của ai” nên chứng giải pháp TOP-DOwn chẳng hiệu quả gì.
Tốt nhất hãy chỉ nên kết luận là chúng ta không nên cứ ngồi đó mà chỉ trích những người đang loay hoay mù mờ tìm đường thoát cho sự bế tắc của hệ thống đào tạo nước nhà, mà hãy tự thân tự học, tự tìm hiểu để phát triển chính mình và con cái mình sau này.
Ngoài ra việc admin comment ở dưới rằng cải cách này là bài toán nhiều biến mà những biến kia hok cho thấy hiệu quả thì hãy thử tập Trung biến này xem sao. tôi xin đưa ý kiến rằng hãy nhìn rõ là nó nhiều biến thật nhưng người thực hiện đã tìm ra đúng biên chưa, đã có cách giải đúng với biến đó chưa chứ không có nghía đang bế Tắc thì có nghĩa việc cố gắng tìm lời giải cho những biến đó là vô ích. Và đã là bài nhiều biến thì phải tìm cách giải đồng thời các biến (đương nhiên phải có thứ tự ưu tiên hợp lý và khoa học) để đi đến cả bài toán được giải cơ!
Chào bạn !
Tôi xin phép được dùng đại tư “tôi” để viết bài.
Tôi không rõ tác giả Hà Thủy Nguyên sao lại dùng nick nuphero hay đây là 2 người khác nhau
Nếu tác giả và nuphero và một thì tôi xin trình bày quan điểm của mình_ một bài viết mang tính xây dựng_
Trước tiên tôi hoàn toàn tán thành qua điểm về tự học của bạn. Tự học là cách tuyệt vời nhất để con người “làm chủ” các kỹ năng, các kiến thức mới, để con người thấy được sáng rõ cái kỹ năng cái kiến thức mà mình nắm, có thể lấy bất biến ứng vạn biến trong các trường hợp khác nhau.
Về băn khoăn của bạn là “Đã bao giờ bạn thử thôi cách suy nghĩ: Học để trở nên giàu có cho khoe mẽ với đời, học để lấy điểm cao cho có vị thế xã hội, học để vừa lòng bố mẹ… và thử học cho chính bản thân mình xem” thì theo quan điểm cá nhân của tôi, tôi thấy khó để thôi cách nghĩ như vậy.
“Học để giàu có”, đương nhiên, tôi muốn được thế và hàng triệu bạn sinh viên cũng muốn được thế, chúng tôi từ quê lăn lội ra thành phố là mong mỏi học được cái nghề, kiếm được tiền nuôi sống bản thân, phụ giúp gia đình, tạo tiền đề cho các anh các em trong gia đình phát triển theo_học để giảu có ấy là trách nhiệm của chúng tôi.
“Học để lấy điểm cao cho có vị thế xã hội, học để vừa lòng bố mẹ” có lẽ bạn đứng trên quan điểm là một học sinh thành phố gia cảnh khá giả để phát biểu.Nhưng xin bạn đừng quên, nước ta vẫn còn quá nửa dân cư sống ở nông thôn, sinh viên từ nông thôn ra vẫn chiếm phần lớn các trường đại học cao đẳng. 3 chữ “đồ nhà quê” đã ăn sâu vào tiềm thức về địa vị của chúng tôi, nay chúng tôi cố gắng học tập để nâng cao trình độ chứng tỏ khả năng thay để xã hội phải công nhận chúng tôi công nhận bố mẹ chúng tôi_ấy là khát khao của chúng tôi.
Vâng.Khi đã giải quyết được hai nhu cầu hai trách nhiệm trên chúng tôi đã ngang bằng với những sinh viên khá giả đến từ thành phố và vai trò của tự học lại được đề cập đến.
Khi mà sinh viên nghèo chúng tôi giải quyết được 2 vấn đề trên thì việc tự học nó đã thành bản năng rồi_để tiết kiệm mà, khi tiếp xúc với những cái mới cái tiến bộ, cái có ích cần thiết cho công việc của mình, chúng tôi cố gắng làm chủ nó với chi phí thấp nhất_mà việc tự học đã thành bản năng thì nó sẽ không dừng lại và chắc chắn cái ý tưởng học cho mình sẽ gõ cửa bộ não chúng tôi.
Tóm lại,quan điểm học cho mình của bạn tôi cũng đã nghe, nhưng nó nó có vai trò ở một giai đoạn khác với đại đa số học sinh sinh viên Việt Nam, chung tối không thể đi theo ý tưởng mơ hồ không thể “quy ra thóc” mà dừng lại ngay tắp lự cái động lực “đổi đời” của “dân tỉnh lẻ” chúng tôi.
Quan điểm về nền giáo dục của bạn, tôi lại không đồng ý,tại sao phải để nền giáo dục cứng nhắc cướp đi tận 8-9 năm học một cách cứng nhắc thụ động và để thực sự vào đại học_khi mà quyền tự quyết cao hơn_chúng ta mới tự học.
Đất nước ta đang ở thời kì dân số vàng, nguồn lực dồi dào đang lại những cơ hội bằng kim cương, nhưng cái máy đào kim cương là nên giáo dục lại dường như vô tác dụng quá.
Tôi luôn mơ về một cuộc đại chấn hưng giáo dục như thời thiên trị minh hoàng bên Nhật chắc bạn cũng đã am tường.Nhà nước ưu tiên mọi nguồn lực cho giáo dục, không còn sách lậu, sách vở được chọn lọc in ấn đều là tinh túy và giá cả thì mọi người đề có thể tiếp cận, tiếng nước ngoài được đào tạo bải bản miễn phí, giáo viên lương cao ngất và cực kỳ chât lượng, các gia đình từ cha mẹ đến con cái đều động viên nhau học tập để nắm bắt những cơ hội vươn cao …
Mơ vẫn chỉ là mơ nhưng cái ví dụ về sự phát triển của Nhật Bản cho thấy vai trò của hệ thống giáo dục không chỉ “là để giữ độ ổn định của xã hội trong một thế cân bằng” mà nó là cái bánh xe đưa xã hội phát triển.Sóng ở nơi ăn xin cũng văn minh thì thích hơn ở nơi mình bạn văn minh còn người khác bảo thủ lắm chứ.
Lan man đã dài, xin chốt lại ý kiến của tôi về bài viết của bạn là cực kỳ ủng hộ việc tự học nhưng cần lắm một cuộc đại chấn hưng giáo dục “rầm rộ”, có kiểm soát, có tính toán cẩn thận để dân Việt ta được “tôn trọng” trong quả địa cầu này.
Hì.. vẫn không thoát khỏi mong ước về địa vị !
Nguyễn Phương Mạnh
14:47 28/04/2013“thành phố” hay “nhà quê” thì có gì khác nhau? Tất cả đều có quyền lựa chọn giữa việc chấp nhận bị chi phối và không chấp nhận bị chi phối.
Hà Thủy Nguyên
13:36 27/04/2013Cảm ơn cmt của các bạn, hì hì, nhưng mình mạn phép chỉ trả lời câu của bạn Lê Đức thôi!
– Trước hết, mình xin phép được giải thích về nick hathuynguyen và nuphero, không phải 1 người mà là 2 người hoàn toàn khác nhau. Nuphero là một admin khác của Book Hunter. Bài viết trong phần Góc nhìn của Book Hunter có thể do mình hoặc nuphero hoặc do một số bạn khác viết, tùy vào lĩnh vực của mỗi người, nhưng tư tưởng đã được thống nhất. Vì vậy, mặc dù là bài mình viết hay ai đó viết thì tư tưởng là của Book Hunter cho nên có thể coi đó cũng là bài viết của mọi người trong Book Hunter.
– Thứ hai, khi nói về vấn đề hệ thống và cá nhân. Mình ủng hộ quan điểm của Nuphero về việc trước khi chờ đợi một hệ thống giáo dục mới được hình thành (còn chưa biết tốt hay xấu) thì nên tự tìm đường cứu mình trước. Hơn nữa, mình không phủ nhận việc học hỏi để kiếm tiền. Không đủ ăn thì cũng chẳng làm được gì cho đời, nhưng chúng ta phải biết nhiều hơn cái thứ khiến chúng ta đủ ăn, nếu không chúng ta sẽ chỉ là công cụ cho kẻ khác giật dây lay lợi dụng. Khi bạn có tri thức trong mình (tri thức về cả cuộc sống bên ngoài và cuộc sống nội tâm), thì dù bạn có ở một trong môi trường tệ hại thế nào, bạn cũng không bị cuốn theo nó, không bị nó tác động, bạn thích ứng được với nó và làm chủ nó.
– Thứ ba, “học để làm giàu hay có địa vị xã hội tốt” chỉ là miếng mồi được quăng ra để dụ dỗ, và thực tế khi bạn học tất cả những thứ ấy, bạn vẫn thất nghiệp như thường, bạn vẫn sẽ phải đối mặt với mọi tiêu cực của đời sống. Mình có nhiều người bạn ở nông thôn lên, họ học hỏi một cách cực kỳ nghiêm túc, không bị cuốn theo trào lưu và bây giờ họ có những vị thế rất vững chắc bằng học thuật của họ. Đương nhiên con đường đó gian nan, cần rất nhiều nỗ lực và vận may. Thậm chí ngay trong Book Hunter cũng có những bạn như vậy. Mình ở thành phố thật, nhưng mình cũng phải kiếm sống hằng ngày, nhưng kiến thức rông giúp mình có những khả năng làm việc mà các đồng nghiệp khác trong lĩnh vực của mình không có được, nhờ vậy cơ hội rộng mở hơn và có vị thế vững hơn.
– Thứ 4, nếu bạn đọc kỹ, bạn sẽ thấy là mình khẳng định, học tập không phải chỉ là cầm sách lên và đọc, nó là từng việc nhỏ. Thậm chí trong việc bạn “kiếm cơm”, bạn vẫn có thể học được qua cách điều hành công việc và quan hệ giữa người và người.
– Thứ 5, bạn nó nền giáo dục Nhật Bản đưa xã hội phát triển. Đúng, nhưng không hoàn toàn. Xã hội bạn nói ở đây chỉ là mặt vật chất. Cách giáo dục của Nhật Bản cùng với các tập đoàn kinh tế tạo nên một áp lực khiến người Nhật điên cuồng làm việc như những cái máy, đời sống tinh thần của họ rệu rã. Đừng nhìn vào việc Thiền của họ được cả thế giới biết đến mà nghĩ rằng tinh thần họ tốt. Họ cần đến Thiền đến vậy chẳng qua họ bị chịu quá nhiều áp lực. Bạn có thể tưởng tượng một xã hội phát triển nào mà lại có số lượng người tự tử thuộc hàng cao nhất thế giới không?
– Cuối cùng, tôi thấy rằng, cái cần đại chấn hưng ko phải là hệ thống giáo dục, mà là ý thức làm người của cả một thế hệ. Hay nói đúng hơn, chúng ta cần có một nền tảng tư tưởng mới, một cách thức tư duy mới. Bắt đầu, từ đó, hệ thống mới sẽ hình thành. Và mong rằng, bạn nghĩ cho bản thân bạn và con cái của bạn bằng cách tự hoàn thiện bản thân mình thay vì chờ đợi người khác gọt đẽo mình theo ý họ.
Trần Mai Sơn
13:50 27/04/2013Chào bạn, xin xác nhận trước là tôi và Hà Thủy Nguyên là 2 người khác nhau, bạn có thể xem tại đây https://bookhunter.vn/danh-sach-hunter/. 2 chúng tôi là founder của Book Hunter, và Hà Thủy Nguyên có việc bận không trả lời được nên tôi trả lời thay.
Tôi thấy comment của bạn theo hướng bày tỏ cảm xúc nhiều hơn là trình bày quan điểm, điều đó cũng tốt, và tôi chỉ xin nói một số điểm sau :
1, Có thể trải nghiệm của bạn khiến bạn bị ám ảnh với việc “nhà quê” hay không, nhưng bạn thử nghĩ xem, giả sử bạn dành ra 20 năm cuộc đời để kiếm được nhà HN, có chỗ đứng nhất định ở xã hội VN này; nhưng sau đó bạn có tự tin để tiếp xúc với người nước ngoài, bạn bè quốc tế hay không? Chắc bạn cũng thấy rất nhiều người VN, kể cả giàu có, đều thể hiện sự tự ti của mình trước người nước ngoài, cho dù họ cũng rất bình thường. Vậy thì phải chăng học cách tìm ra giá trị thật của bản thân, xóa bỏ tự ti mới là cách lâu dài và bền vững hơn chăng?
2, Thêm nữa, thời đại này, một yếu tố quan trọng bậc nhất để có được chỗ đứng tốt là khả năng sáng tạo. Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao học sinh phương Tây học không chăm bằng, rất nhiều môn thua kém học sinh Châu Á nhưng lại rất giỏi trong việc xử lý vấn đề và sáng tạo không? Nếu có thời gian bạn có thể tìm hiểu về “Asian joke” ở trên mạng. Họ giải thích đơn giản rằng, học sinh phương Tây gặp vấn đề gì đó khó quá, mất nhiều thời gian quá, không thấy phù hợp họ sẽ từ bỏ và chọn việc khác phù hợp hơn để làm. Còn học sinh châu Á thì không như thế, thấy khó, thấy chưa hiểu, thấy chưa phù hợp bởi vì chưa đủ chăm, phải chăm hơn nữa, dành nhiều thời gian cho cái đó hơn nữa. Cho nên rút cục lại, học sinh phương Tây luôn là học cho mình, học theo sở thích bản thân, học theo những cái mình thấy phù hợp hơn là học sinh châu Á, vốn học theo lời khuyên của bố mẹ và xã hội; mà nếu chưa giỏi thì học do chưa đủ thông minh hay chưa đủ chăm. Phương Tây đương nhiên tính cá nhân cao hơn, sẽ đề cao việc “follow your heart” hơn là dân châu Á. Mà cuối cùng bạn thử nghĩ xem, làm sao người ta sáng tạo được ở một thứ người ta không thích, không đam mê, không trăn trở vì nó. Có thể sau này, kiếm tiền và có địa vị chỉ là đam mê nhất thời thôi, và điều đó không khiến con người theo đuổi đến cùng một giá trị gì đó và sáng tạo được.
3, Về chấn hưng giáo dục. Xin hỏi bạn định chờ đợi đến bao giờ? Và nhỡ không có một cuộc chấn hưng như vậy ở VN thì bạn định sống ra sao? Điều này cũng không quá khó để xảy ra đúng không? Vậy chi bằng tự cứu bản thân trước có phải là cách tốt hơn không?
Và điều cuối cùng mình xin nói thêm, mình là dân tỉnh lẻ lên HN từ cấp 1. Mình đã trải qua việc bị kỳ thị là dân tỉnh lẻ suốt thời đi học rồi. Thực tế bạn trong lớp mình hầu hết đều là người HN. Nên theo ý kiến cá nhân mình, việc xóa bỏ mặc cảm là hoàn toàn có thể.
Người Hà Nội là ai thế? Sài Gòn thì sao nào? Hải Phòng có gì to? Đà Nẵng hở ? Không biết đứa nào đã nhồi sọ con người ta 2 từ “tỉnh lẻ” thật là dã man vô nhân đạo quá, để cho bao thân phận gồng gánh 2 từ vô nghĩa đó mà cố gắng học hành vì một mục tiêu vô nghĩa khác. Khổ.
Trở lại với GIÁO DỤC VIỆT NAM, Văn không biết gì hết nhưng mà cũng muốn nói vài câu thể hiện quan điểm cá nhân cho vui với mọi người.
“ngừng ngay việc chê bai bộ giáo dục đào tạo mà lo học vì bản thân bạn thôi (để kiếm tiền, kiếm địa vị, kiếm gái hay kiếm cái gì mà bạn nghĩ cái học có thể đem lại)” và chúc các bạn may mắn.
Bài viết xác đáng và đúng với điều mình trăn trở suy nghĩ cũng đã lâu nay.
Sống trên đời chưa tròn 18 năm nhưng càng về gần đây mình càng gặp được nhiều những nguồn tri thức tuyệt vời mới mẻ, và mình cũng không màng đến chuyện cải cách giáo dục hay những vẫn đề vĩ mô đang gây tranh cãi và bức bối ngoài kia quá nhiều.
Hàng ngày mình vẫn phải nghe ông bà cha mẹ kể cả anh chị em, hay lên giọng và chỉ trích nhiều điều xung quanh, nhưng không vì thế mà mình bị cuốn theo luồng tư tưởng ấy. Mình thấy đúng là người mình hay phàn nàn, hay kêu la, nhưng bản thân thì tầm tri thức cũng chỉ đến một mức nào đó.
Trau dồi bản thân là một điều tuyệt vời và nên khuyến khích ở bất cứ con người nào, thuộc bất kì thời kì nào.
Không chỉ chuyện nền giáo dục nói chung mà ở thể chế chính trị, trình độ kinh tế – xã hội nào.
Suy nghĩ của mình về vấn đề Nhật Bản và phương Tây cũng rất giống với các bạn admin của Book Hunter.
Mình sẽ tiếp tục theo dõi và ủng hộ Club nhiều hơn nữa.
Chân thành cám ơn những người sáng lập, đã lâu mình chưa gặp những con người như các bạn! 🙂 Các bạn làm mình có thêm rất nhiều niềm tin vào thế hệ ngày nay.
T.B: Mình nghĩ là mình còn nhỏ tuổi, nên đôi chỗ ăn nói chưa được thoát ý, đang trong quá trình hoàn thiện. 😀
à “người Việt Nam mình” nhé! chứ nói là người mình thì không đủ 😀
Bài viết của các bạn có chất lượng nhưng hơi dài. Bị sa đà vào từ “hệ thống” nhiều quá , có lẽ do cảm tính tác giả muốn thoát ra khỏi hệ thống và hướng đến một hệ thống mới hơn . Trong khi chỉ cần tập trung 2 ý chính.
1. Học là để cho mình
2. Làm sao những người chưa toàn thiện lại có thể hướng dẫn người khác cách trở nên toàn thiện?
Trước tiên xin đồng ý với tác giả về việc tự học để cứu lấy bản thân trước khi than thở về hệ thống giáo dục, hay bất cứ thứ gì khác.
Mình cũng có vài ý kiến sau:
1) Khi còn bé, không ai nhận thức được việc tự học quan trọng như thế nào, nếu chúng chỉ làm theo sở thích, có lẽ hầu hết các cô bé sẽ nhảy dây và nghịch búp bê cả ngày, và các cậu bé chỉ đá bóng và chơi điện tử. Vì thế chúng ta được đẩy tới lớp, trường để được giáo dục, định hướng. Và nếu ở giai đoạn này không giáo dục đúng cách ( như tình hình hiện nay ) thì hậu quả rất to lớn.
Từ đó có thể thấy tấm quan trọng của một hệ thống giáo dục, nó vẫn rất quan trọng.
Tôi nghĩ vẫn cần phải thay đổi hệ thống giáo dục, như cuộc cải cách ở Nhật Bản, mới có thể tạo ra thay đổi. Nếu không cũng chỉ có một vài cá nhân nhận thức được tầm quan trọng của việc tự học như tác giả đã nói.
2) Về việc học của phương Đông và phương Tây
Sinh viên phương Tây có cuộc sống thoải mái, phong phú hơn, và do đó sáng tạo hơn chăng?
Thực tế Nhật Bản, một đất nước có tỉ lệ tự tử cao nhất thế giới, hay như mọi người nói họ sống để làm việc, có vô số bằng sáng chế, các sản phẩm sáng tạo. Có thể chúng ta nhìn từ hệ quy chiếu của mình không thấy họ hạnh phúc vì cái hạnh phúc vui vẻ của họ khác với chúng ta. Với học lao động thực sự là vinh quang, là niềm vui.
Thực ra việc không thích thứ gì đó có thể chỉ là do chúng ta chưa đào sâu vào nó.
Nếu cứ không thích lại bỏ, chuyển sang việc khác thì không làm được gì cả.
Theo mình việc học cho mình ( theo cách phương Tây ) rất tốt nhưng cũng rất cần tinh thần chịu khó phấn đấu của các sinh viên châu Á. Suy cho cùng khi theo đuổi sở thich hay đam mê một lĩnh vực nào đó, bao giờ chẳng có lúc gặp phải vấn đề ta không thích, nhưng vẫn phải tìm hiểu vẫn phải vượt qua. Cả 2 cách học đều có ưu nhược điểm riêng. Không thể kết luận cái nào ưu việt hơn cái nào được, cho dù cá nhân mình vẫn thích sự thoải mái chủ động của phương Tây hơn.
Giao Duc …cung nhu bao nganh nghe khac la 1 bo phan cua xa hoi, khi XH hien dai thi gd cung rat va da hien dai roi Khi XH con ngheo nan lac hau ma cu muon gd co buoc dot pha di truoc thoi dai thi kho qua ?Doi tuong gd la con nguoi ?Khi chung ta song o thoi dai bang ron, khau hieu. tuong dai. ho hao nhieu qua… ma moi mat thuoc ve con nguoi thi nguoi dan tu lo, tu xu, tu tim hieu, tu hoc hoi de tu luon lach theo luat le??? Thi gd cung chi la cong cu co dinh huong cua nhom loi ich nao do chu k phai quoc sach hang dau la nguyen khi Quoc Gia, Chan Hung Dan Toc ???
Ý kiến của bạn rất hay, nó cần cho mỗi người để tự xác định cho mình mục đích việc học và phương pháp học tập, nhất là phương pháp tự học. Nhưng ở phương diện một quốc gia, xây dưng và phát triển một nền giáo dục, đương nhiên phải nghĩ đến hệ thống, làm sao cho hệ thống giáo dục đạt hiệu quả tối ưu. Do vậy, không thể lấy cái này để loại trừ cái kia. Một khi hệ thống giáo dục hoàn hảo gặp tính tích cực, chủ động, sáng tạo…. của người học thì hiệu quả giáo dục ắt sẽ cao. Do vậy, không thể cực đoan. Hệ thống giáo dục VN đang có quá nhiều vấn đề cần cải cách. Tiếc rằng nó đang đổi mới trên một nền tảng quan điểm, triết lý không có gì mới mà dường như còn lúng túng, nên khó mà kỳ vọng thành công !