Home Học Tự do và bình đẳng trong tiếp cận tri thức – Vấn đề chủ chốt để cải thiện nền học thuật

Tự do và bình đẳng trong tiếp cận tri thức – Vấn đề chủ chốt để cải thiện nền học thuật

Tự do trí tuệ và Tự do học thuật là những yếu tố căn bản trong việc xây dựng một chiến lược nhân tài của quốc gia, nhưng nếu tri thức không được tiếp cận một cách tự do và bình đẳng thì những khái niệm vừa được nêu ra chỉ là những ngôn từ sáo rỗng. Trong cả tự do trí tuệ hay tự do học thuật đều bao hàm ba kiểu quyền lợi: quyền tiếp cận, quyền lựa chọn và quyền biểu đạt. Trong đó, quyền tiếp cận đóng vai trò nền tảng hơn để xây dựng một hệ thống tri thức và học thuật tự do. 

Các vấn đề của quyền tiếp cận tri thức có đôi nét khá giống với quyền tiếp cận thông tin nhưng có nhiều điểm rất khác. Sự khác nhau này mấu chốt nằm ở sự khác biệt giữa “tri thức” và “thông tin”. Thông tin là một tập hợp dữ liệu liên quan đến một thực tiễn nào đó. Thực tiễn này vì nhiều lý do có thể bị giấu kín hoặc cần được tiết lộ, tùy thuộc và quan điểm của các bên sở hữu thông tin và người dân. Nhưng tri thức thì khác, tri thức là những tập hợp kiến thức được các tác giả sáng tạo hoặc nghiên cứu nên. Vậy nên, người có quyền quyết định về tình trạng công bố tri thức chỉ có thể là chính tác giả. Việc đánh đồng “tri thức” với “thông tin” đã tạo ra một tình trạng tranh cãi nhập nhằng liên quan đến việc tri thức thuộc sở hữu của nhân loại và người dân được tự do tiếp cận hay tri thức thuộc sở hữu của một người hay nhóm người. Trong khi đó, tri thức không phải thông tin và không phải đương đầu với tình trạng gây ảnh hưởng đến các vấn đề an ninh. Ví dụ như một cuốn sách nghiên cứu về lịch sử quân sự của Mỹ sẽ không gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia bằng việc công bố thông tin của một cơ sở quân đội Mỹ bí mật. Điều này có nghĩa là, tri thức không nên bị giới hạn trong việc tiếp cận mà cần được khuyến khích và phổ biến.

Thế nhưng, thực tế là, tiếp cận tri thức vẫn rất khó khăn dù Internet đã góp phần không nhỏ trong việc phổ biến kiến thức. Phần lớn tri thức thế giới đều nằm trong kho tư liệu của các trường đại học, các viện nghiên cứu… mà không có cơ chế mở cho phép một người bình thường được phép tiếp cận. Bạn bắt buộc phải trở thành sinh viên hoặc viện sĩ mới tiếp cận được các kho tư liệu này. Nếu không, bạn sẽ chỉ được tiếp cận sách và tài liệu ở dạng thứ cấp, tức là qua các bản tóm lược của những tác giả có đủ vị thế để tiếp cận, và đương nhiên, bạn không có cơ hội để kiểm chứng bởi vì việc tiếp cận các kho tư liệu không hề dễ dàng. Việc các trường đại học hay các viện nghiên cứu giữ kín tri thức săn tìm được cho nội bộ là một hành vi độc quyền, bởi thông qua đó họ có thể tạo dựng được thế lực trí thức hoạt động cho họ. Điều này cũng tương tự với tình trạng Thư viện của Tòa thánh Vatican, khi mà Vatican không dễ dàng cấp phép cho một người được đặt chân vào thư viện và cũng không cho phép được sao chép kiến thức có trong thư viện ấy. Chỉ rất ít trường đại học và viện nghiên cứu công khai các kho tư liệu và sách nghiên cứu với yêu cầu trả phí. Việc trả phí này không phải là điều bất hợp lý, bởi vì tự do không đồng nghĩa với miễn phí. Tự do tiếp cận tri thức là quyền được có cơ hội tiếp cận, còn các mức phí là để trả một phần cho việc duy trì hệ thống hoặc cho các tác giả, dịch giả (nếu họ còn sống). Đây cũng là điều hợp lý. Nhưng độc quyền tri thức cho một nhóm người trong hệ thống nào đó tạo ra bất bình đẳng và tạo ra tình trạng phe cánh trong giới trí thức và học thuật.

Một câu hỏi đặt ra, đó là, nếu một công trình nghiên cứu hoặc sáng tạo của trường đại học hoặc viện nghiên cứu là một tri thức hữu ích, vậy thì người bình thường có quyền được tiếp cận hay không. Điều này còn tùy thuộc vào việc công trình ấy có được tài trợ bằng tiền thuế của người dân hay không. Nếu công trình nghiên cứu hoặc sáng tạo thuộc trường đại học, viện nghiên cứu hay thậm chí là của các tập đoàn, các nhóm start-up đều dựa trên các nguồn tài trợ có xuất xứ từ chính phủ thì việc công bố chúng là điều hiển nhiên. Bởi vì, những tập thể ấy đã được người dân trả công để thực hiện công trình. Ngược lại, nếu công trình được thực hiện không dựa trên các nguồn quỹ đến từ chính phủ, tức từ thuế của dân thì những công trình ấy thuộc về sở hữu của nhà đầu tư và nhà đầu tư hoàn toàn có quyền quyết định công bố chúng hay không.

Tại Việt Nam, tình trạng tự do tiếp cận tri thức gặp rất nhiều cản trở. Cản trở lớn nhất đến từ việc tri thức không hề được coi trọng. Các trường đại học, ngân quỹ không được đầu tư chính đáng cho việc xây dựng các thư viện với khối lượng sách đa dạng và cần thiết cho các chuyên ngành. Các thư viện công có số lượng đầu sách ít, đa phần là sách phục vụ tuyên truyền thể chế và sách giải trí, không nhiều sách tri thức. Những kho tri thức chỉ phục vụ cho một số ít các nhà nghiên cứu được cấp phép. Với tình trạng như vậy, không chỉ một người bình thường mà ngay cả sinh viên và các nhà nghiên cứu cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm tư liệu. Đó là còn chưa kể đến sự chênh lệch rõ rệt trong vị thế của các nhà nghiên cứu, trí thức thuộc hệ thống của chính quyền và của các nhà nghiên cứu, trí thức độc lập.

Đôi khi, việc tự do tiếp cận tri thức lại phụ thuộc vào vấn đề kiểm duyệt của một quốc gia. Nếu một dạng tri thức bị kiểm duyệt, đặc biệt là trong các nhà nước độc tài như thời kỳ Cách mạng văn hóa ở Trung Quốc, hay xa xưa hơn là Châu Âu dưới đêm trường Trung Cổ với quyền lực của giáo hội, thì một người sẽ mang tội nặng nếu muốn tiếp cận. Ở Việt Nam hiện nay, tuy không bị phạt tội nặng cho việc tiếp cận tri thức cấm nhưng cũng không dễ dàng gì để đọc một cuốn sách đã bị cấm phát hành. Tình trạng cấm đoán một số dạng tri thức càng khiến cho tình trạng độc quyền tri thức được củng cố và tai hại hơn, còn tạo ra các công trình nghiên cứu hoặc sáng tạo khiếm khuyết. Liên quan đến tình trạng kiểm duyệt tri thức, tôi sẽ có một bài viết khác.

Do đó, nếu muốn thay đổi thực trạng tồi tệ của nền học thuật Việt Nam hiện nay, không thể đầu tư vô tội vạ vào các công trình nghiên cứu mà cần thiết là giải quyết tận gốc: Tạo cơ hội tiếp cận tri thức một cách tự do và bình đẳng. Việc tạo cơ hội này đương nhiên sẽ đe dọa vị thế của một số trí thức được bảo trợ bởi chính quyền, nhưng bù lại là cơ hội để xuất hiện thêm nhiều trí thức có tài năng và có niềm đam mê hơn.

Hà Thủy Nguyên

Vui chơi là cách tốt nhất để phát triển tư duy ở trẻ

Lối sống nhanh, hiện đại và nhiều áp lực hiện nay đang khiến cho tuổi thơ của trẻ em bị ngắn lại, ít được chơi đùa hơn, phải quan tâm đến việc học sớm hơn. Thế nhưng người lớn thường quên mất rằng việc vui chơi đối với trẻ em là rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển nhận thức và tính cách của trẻ. Thông qua vui chơi, chúng được tương tác nhiều hơn với xã hội, học cách giải

18 bản đồ giải thích về căng thẳng trên Biển Đông

1. Bản đồ hành chính: Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bao gồm trên 20 quốc gia, trải rộng từ phía Bắc, bắt đầu từ nước Nga đến phía Nam, tới Australia và New Zealand, phía Tây từ Ấn Độ, đến phía Đông, Papua New Guinea. 2. Dân số châu Á: Châu Á là một khu vực năng động và bùng nổ, với dân số 4,3 tỉ dân – chiếm 60% dân số toàn cầu. Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất

Chia sẻ là độc ác – theo giáo trình mà các tập đoàn soạn cho trẻ em Mỹ

Ảnh bìa: em sẽ không tải bộ phim này trái phép nữa. Giờ đây các đứa trẻ sẽ phải nhớ: Gian lận trong làm bài tập về nhà hoặc chép bài của một bạn khác là xấu, nhưng không xấu bằng việc chia sẻ đoạn nhạc với bạn, hoặc các hành động khác động chạm tới lợi nhuận của các công ty sản xuất nội dung. Trên đây là một trong những thông điệp của giáo trình mới được phát triển bởi hiệp hội phim

Krishnamurti và câu chuyện mới về giáo dục

Bài viết này đơn thuần giống như một ghi chép riêng của người viết về quan điểm giáo dục của J. Krishnamurti trong lúc dịch cuốn “Toàn thể biến dịch của cuộc sống là học tập”. Trước khi dịch tập sách này, người viết chưa từng đọc qua cuốn sách nào của ông. Điều duy nhất mà người viết biết về tác giả là ông không nhận mình là triết gia, chính trị gia hay bậc thầy tâm linh như cách người ta vẫn tôn

Sai lầm mang tính lịch sử của hệ thống giáo dục phổ cập

Trong nhiều năm ròng rã, các bài viết cả chính thống và phi chính thống đả kích nền giáo dục nhiều tới nỗi người dân không còn tin vào nền giáo dục nữa. Năm nào cũng thế, không chuyện đề thi có nhiều vấn đề nực cười do người ra đề thiếu kiến thức, lại đến những vụ việc bạo lực học đường mà chúng ta tưởng như không thể xuất hiện trong thời đại mà truyền thông lúc nào cũng ra rả về quyền