Lớn lên ở thành phố New York vào những năm 1970, Edward Glaeser chứng kiến những đô thị lớn đang suy tàn. Tội phạm tăng vọt. Rác chất đống trên vỉa hè khi các công nhân vệ sinh đình công vì bất mãn. Thành phố đang đứng trên bờ vực phá sản.
Vào giữa những năm 1980, không khó để thấy New York phục hồi trở lại. Nhưng nơi đây vẫn có thể là một nơi đáng sợ; một vụ án mạng giết ba người xảy ra đối diện với trường học của ông ấy ở mé trên phía Tây của Manhattan. Tuy nhiên, Glaeser bị quyến rũ bởi cuộc sống đường phố nhộn nhịp của New York và dành hàng giờ để dạo quanh các khu phố.
“Nó vừa tuyệt vời vừa đáng sợ, và thật khó để không bị ám ảnh bởi nó,” Glaeser nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn tại văn phòng của ông tại Đại học Harvard.
Ngày nay, cảm giác kinh ngạc đó vẫn thấm sâu vào công việc của Glaeser với tư cách là một nhà kinh tế học đô thị. Ông triển khai bộ công cụ lý thuyết của nhà kinh tế học để khám phá những câu hỏi lấy cảm hứng từ tuổi trẻ của ông ở New York. Tại sao một số thành phố thất bại trong khi những thành phố khác lại phát triển? Điều gì khiến chi phí nhà ở cao ngất trời ở San Francisco? Sự phát triển của các thành phố ở nước giàu và nước nghèo khác nhau như thế nào?
Ở tuổi 52, Glaeser nói: “Về cơ bản, tôi luôn nghĩ mình là một đứa trẻ tò mò. Thay vì “thúc đẩy nền văn học lâu đời về phía trước”, ông ấy tìm cách để hiểu “điều mà tôi thực sự không hiểu khi mới bắt đầu sự nghiệp”.
Nghe cuộc trao đổi với Edward Glaeser với các vấn đề thực tiễn tại Việt Nam
Khi còn là nghiên cứu sinh tại Đại học Chicago, Glaeser đã ghi dấu ấn với tư cách là nhà lý thuyết về lợi ích của sự kết tụ – ông cho rằng các thành phố đông đúc và đa dạng là nơi tập trung sự đổi mới, năng lượng và sáng tạo, chính những điều này thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong những năm sau đó, công việc của ông trải rộng trên nhiều chủ đề ngoạn mục, từ kiểm soát tiền thuê nhà và bong bóng bất động sản đến quyền sở hữu, bất tuân dân sự và lượng khí thải carbon.
Lawrence Summers, giáo sư Harvard, từng là giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, cho biết: “Trong vài thập kỷ gần đây, Ed là nhà tư tưởng hàng đầu về kinh tế địa điểm (economics of place)”. “Và kinh tế của các khu vực đô thị ngày càng được coi là trung tâm của các mối quan tâm kinh tế rộng lớn.”
Glaeser và Summers đang hợp tác trong một nghiên cứu về sự phân chia ngày càng sâu sắc giữa các vùng ven biển giàu có, có giáo dục tốt của Mỹ và các hòn đảo chịu sự trì trệ về kinh tế ở nơi mà họ gọi là “trung tâm phía đông”, các bang nội địa phía đông sông Mississippi. Ở đó, tại các thành phố như Flint, Michigan, tỷ lệ nam giới ở độ tuổi lao động thất nghiệp đang tăng lên, cùng với đó sự gia tăng tỷ lệ nghiện opioid, khuyết tật và tử vong.
Vậy chính sách có thể giúp ích như thế nào? Thông thường, các nhà kinh tế học hoài nghi về giá trị của các chính sách dựa trên địa điểm chẳng hạn như đặc khu kinh tế với việc đưa ra các khoản giảm thuế cho nhà đầu tư, nói rằng điều này tốt hơn cho người dân thay vì các địa điểm. Họ cho rằng mọi người sẽ chuyển đến nơi có việc làm. Nhưng sự dịch chuyển lao động đã giảm trong những thập kỷ gần đây, một phần vì chi phí nhà ở cao, một phần vì nhu cầu về công việc tương đối phổ thông tại nhà máy đã giảm đi.
Phá vỡ quan điểm kinh tế chính thống, Glaeser và Summers cho rằng chính phủ liên bang nên điều chỉnh các biện pháp hỗ trợ gia tăng việc làm, chẳng hạn như giảm thuế thu nhập cá nhân (payroll tax) hoặc tăng tín dụng thuế cho người có thu nhập thấp, để phù hợp với nhu cầu của các khu vực đang gặp khó khăn về kinh tế như vùng Tây Virginia. Họ cũng ủng hộ việc thúc đẩy đầu tư vào giáo dục.
Là một nhà kinh tế được đào tạo ở Chicago, Glaeser là người có niềm tin mãnh liệt vào sự kỳ diệu của thị trường tự do và phản đối các biện pháp bóp méo các chính sách khuyến khích. Ông nói: “Tôi luôn phản đối việc phân bổ lại không gian, lấy từ vùng giàu và chia cho vùng nghèo. Điều đó không có nghĩa là bạn muốn có những chính sách giống nhau ở mọi nơi.”
Kinh tế đô thị dường như là niềm đam mê tự nhiên của Glaeser. Người cha gốc Đức của ông, Ludwig, là một kiến trúc sư đã dạy ông cách xây dựng ra các môi trường định hình cuộc sống của con người. Mẹ ông, Elizabeth, là một nhà quản lý tài sản, người đã giới thiệu ông với kinh tế học. Glaeser nhớ lại cách bà ấy sử dụng ví dụ về những người thợ sửa giày cạnh tranh để giải thích việc định giá theo chi phí cận biên.
Ông ấy nói “Tôi nhớ mình đã nghĩ rằng thật là một điều tuyệt vời và hấp dẫn khi nghĩ về tác động của sự cạnh tranh”. Khi đó ông ấy 10 tuổi.
Ở trường trung học, Glaeser học rất giỏi môn lịch sử và toán học. Khi còn là sinh viên Đại học Princeton, ông đã cân nhắc học chuyên ngành khoa học chính trị trước khi chọn kinh tế, coi đó là con đường đến Wall Street. Nhưng giấc mơ về sự nghiệp tài chính đã kết thúc khi thị trường chứng khoán sụp đổ năm 1987, ngay khi ông bắt đầu phỏng vấn xin việc. Vì vậy, ông ấy đã chọn học cao học, bởi vì “không hẳn là tôi không có nhiều lựa chọn,” ông ấy nói.
“Sau đó tôi đến Chicago và đó là lúc tôi thực sự yêu thích kinh tế học.”
Glaeser giữ một bức ảnh đóng khung của mình với Gary Becker, nhà kinh tế học người Chicago và là người đoạt giải Nobel. Becker dạy ông rằng các công cụ khái niệm của các môn học có thể được sử dụng để khám phá các chủ đề từng là các khía cạnh của các lĩnh vực như xã hội học hoặc nhân học – các chủ đề như phân biệt sắc tộc, sinh sản và gia đình.
Glaeser nói: “Đó là cảm giác về mặt sáng tạo của kinh tế học mà có thể hoạt động trên một khung vẽ gần như không giới hạn và cố gắng hiểu bất kỳ vấn đề nào mà bạn cho là quan trọng – đó là phần rất thú vị đối với tôi”.
Vào thời điểm đó, các nhà kinh tế học thuộc trường phái Chicago như Robert Lucas và Paul Romer đang phát triển cái gọi là lý thuyết tăng trưởng nội sinh nhằm tập trung vào vai trò của sự đổi mới và trao đổi ý tưởng trong phát triển kinh tế.
Khi Glaeser nhớ lại, Lucas đã chỉ ra các thành phố là nơi diễn ra hiệu ứng lan tỏa kiến thức – nghĩa là mọi người có thể hưởng lợi từ ý tưởng của người khác mà không phải trả tiền cho họ. Hãy nghĩ đến một thành phố như Detroit vào đầu thế kỷ trước, nơi Henry Ford đã sử dụng kinh nghiệm làm kỹ sư trưởng của ông tại Công ty Chiếu sáng Edison để bắt đầu công việc kinh doanh ô tô của mình.
Khái niệm đó đã truyền cảm hứng cho một bài nghiên cứu mang tính đột phá năm 1992, “Growth in Cities – Tăng trưởng ở các thành phố”. Glaeser và ba đồng tác giả bắt đầu sử dụng các thành phố như phòng thí nghiệm để kiểm tra các lý thuyết tăng trưởng mới. Sau khi sử dụng dữ liệu trong 30 năm về 170 thành phố của Mỹ, họ nhận thấy rằng sự đa dạng và cạnh tranh của địa phương là động lực chính của tăng trưởng đô thị, không phải sự chuyên môn hóa.
Bài nghiên cứu ngay lập tức đưa Glaeser trở thành một ngôi sao và giúp ông nhận được lời mời làm việc từ Harvard.
Glaeser “cho rằng sự đa dạng của đô thị, không phải sự chuyên môn hóa trong một lĩnh vực cụ thể, là động lực chính chính cho tăng trưởng việc làm,” Joseph Gyourko, giáo sư tại Trường Wharton của Đại học Pennsylvania và là cộng tác viên lâu năm, cho biết. “Đây là bài nghiên cứu đầu tiên được trích dẫn thực sự hay của Ed, vì vậy nó đã khởi đầu cho con đường của ông ấy.”
Gyourko và Glaeser bắt đầu làm việc cùng nhau vào đầu những năm 2000, khi Glaeser có kì nghỉ phép một năm tại Penn. Họ tự hỏi tại sao một số thành phố, chẳng hạn như Detroit, lại suy thoái chậm như vậy và tại sao lại có nhiều người ở lại thay vì chuyển đi nơi khác. Họ nãy ra câu trả lời đơn giản: nhà ở thì bền chắc và khi các thành phố suy thoái, chi phí sinh hoạt ở đó sẽ trở nên rẻ hơn.
Sự phát hiện đó đã đặt ra một câu hỏi liên quan: Tại sao giá nhà ở lại đắt hơn nhiều so với chi phí xây dựng tại các thành phố như New York và Boston? Câu trả lời: Việc hạn chế sử dụng đất sẽ giới hạn mật độ người sinh sống, vì thế hạn chế nguồn cung nhà ở và từ đó đẩy giá lên cao. Đó là kinh tế học cơ bản, tuy nhiên cho đến lúc đó, các nhà kinh tế học đô thị vẫn chưa tập trung vào vai trò của sự điều tiết.
Glaeser lập luận rằng quy định quá mức đang hủy hoại bản chất của cuộc sống đô thị – sự đông đúc. Các thành phố phát triển mạnh nhờ sự sáng tạo, sự sáng tạo này xuất hiện khi những người sống gần gũi cạnh nhau cùng trao đổi ý tưởng và khả năng thực hành. Các thành phố thuộc vành đai mặt trời như Houston đã phát triển nhờ môi trường pháp lý dễ dàng giúp chi phí nhà ở không bị đắt đỏ.
Đối với các nhà kinh tế học như Glaeser, các quy định về xây dựng và phân vùng là một loại thuế đánh vào sự phát triển. Một số mức thuế có ý nghĩa kinh tế vì việc xây dựng gây ra chi phí cho người dân dưới dạng tiếng ồn, tắc nghẽn và ô nhiễm. Nhưng quy định quá nghiêm ngặt, thường được thúc đẩy bởi những cư dân muốn giữ khoảng cách với người mới đến và bảo vệ giá trị tài sản của họ, có thể khiến hầu hết mọi người không thể mua được nhà ở.
Glaeser cũng hoài nghi tương tự về các quy tắc bảo tồn lịch sử, trước sự thất vọng của những người theo dõi Jane Jacobs, nhà phê bình huyền thoại về các dự án đổi mới đô thị, người ca ngợi cuộc sống đường phố sôi động của các vùng dân tộc cổ ở New York. Glaeser là một người hâm mộ Jacobs – ông sở hữu một bản sao có chữ ký của tác phẩm kinh điển năm 1961 của bà, “The Death and Life of Great American Cities – Cái chết và sự sống của các thành phố vĩ đại của Mỹ” – nhưng ông cho rằng những nỗ lực của bà nhằm phản đối sự phát triển ở Greenwich Village đã mâu thuẫn với sự ủng hộ của bà đối với nhà ở cho người thu nhập thấp.
“Tôi tin rằng nhiều tòa nhà cổ nhất của chúng ta là báu vật,” ông nói. “Nhưng đồng thời đừng giả vờ rằng đó là con đường hướng tới khả năng chi trả. Khả năng chi trả được tạo ra bởi nhà ở giá rẻ được sản xuất hàng loạt hoặc không gian thương mại giá rẻ được sản xuất đại trà. Và bạn có thể không thích nó về mặt thẩm mỹ, nhưng đó là con đường cho sự chi trả lợp lý.”
Richard Florida, giáo sư nghiên cứu đô thị tại Đại học Toronto, cho biết: “Chúng ta biết rằng các thành phố có thể thu hút những người trẻ tuổi và sáng tạo một cách không cân xứng”. “Ed đang xác định các yếu tố tạo nên điều đó, ông cho rằng các thành phố không chỉ là nơi sản xuất mà còn là nơi tiêu thụ.”
Glaeser than vãn về các chính sách như khấu trừ lãi suất thế chấp nhằm khuyến khích người dân mua nhà thay vì thuê căn hộ; trợ cấp đường cao tốc để việc lái xe đến vùng ngoại ô dễ dàng hơn; và một hệ thống trường học gây bất lợi cho học sinh nội thành. Ông lập luận, những chính sách như vậy không chỉ phản đô thị mà còn góp phần gây ra biến đổi khí hậu, bởi vì cư dân thành phố sống trong những ngôi nhà nhỏ hơn và sử dụng phương tiện công cộng, tiêu thụ ít điện và xăng hơn so với những người dân ở ngoại ô.
Điều đáng ngạc nhiên là anh và vợ, Nancy, cùng ba đứa con đã quyết định chuyển đến vùng ngoại ô Boston cách đây vài năm. Đối với Glaeser, đó là một quyết định hoàn toàn hợp lý: vùng ngoại ô có nhiều không gian sống hơn, trường học tốt hơn và việc đi lại cũng khá nhanh.
Đã có tiếng tăm trong giới học thuật, Glaeser bắt đầu tiếp cận lượng độc giả rộng rãi hơn khi xuất bản cuốn sách bán chạy nhất của mình vào năm 2011, “Chiến thắng của đô thị”, một nghiên cứu sống động về quá trình đô thị hóa từ Baghdad cổ đại đến Bangalore hiện đại. Tài hùng biện và sự nhiệt tình của ông khiến ông trở thành diễn giả được săn đón tại các diễn đàn học thuật và TED Talks. Lúc nào cũng vậy, ông ấy luôn ăn mặc hoàn hảo trong những bộ vest được may kỹ lưỡng và giảng giải về nhận định của mình về quá trình đô thị hóa bằng những câu nói sắc bén, dứt khoát.
Mặc dù nổi tiếng nhưng ông ấy vẫn rất nghiêm túc trong việc giảng dạy. Rebecca Diamond, người đã tham dự các buổi tư vấn của ông khi còn là nghiên cứu sinh, cho biết ông rất hào phóng với thời gian của mình. Diamond, hiện đang giảng dạy tại Đại học Stanford và vẫn giữ liên lạc với Glaeser, cho biết thêm: “Ông ấy dạy tôi cách nhận định và không để mình quá mắc kẹt trong đám cỏ dại.”
Các thành phố ở các nước đang phát triển là niềm đam mê mới nhất của ông. Đúng như hình thức, ông coi chúng là những lãnh thổ tương đối chưa được khám phá, bị bỏ quên bởi cả các nhà kinh tế đô thị, những người tập trung vào các thành phố có nền kinh tế tiên tiến, lẫn các nhà kinh tế phát triển, những người tập trung vào các khu vực nông thôn. Chúng đang phát triển nhanh chóng, cơ sở hạ tầng vật chất và thể chế của ở những thành phố này đang được hoàn thiện, vì thế lời khuyên về chính sách của các nhà kinh tế có thể tạo ra sức ảnh hưởng.
Ông nói: “Khả năng các nhà kinh tế tạo ra sự khác biệt bằng cách tham gia vào là rất lớn”. “Vì vậy tôi nghĩ đó là chân trời mới.”
Điều này cũng đưa ông ấy đến những nơi thú vị. Dự án nghiên cứu mới nhất của ông, với Nava Ashraf và Alexia Delfino của Trường Kinh tế Luân Đôn, đã đưa ông đến các thị trường ở Lusaka, Zambia, để nghiên cứu các rào cản đối với hoạt động kinh doanh ở nữ giới. Họ nhận thấy phụ nữ có nhiều khả năng tham gia vào lĩnh vực này hơn nếu luật pháp đủ mạnh để giúp khắc phục mối quan hệ vốn đã bất bình đẳng với nam giới.
Giống như Jane Jacobs, Glaeser có niềm tin to lớn vào việc quan sát những gì ông thấy xung quanh mình. Glaeser nói: “Bạn sẽ không thực sự hiểu được một thành phố cho đến khi bạn thực sự bước đi trên đường phố”.
Gyourko nói: “Đó là điều khiến Ed trở thành nhà lý thuyết ứng dụng bậc nhất”. “Bạn phải loay hoay với dữ liệu nhưng đôi khi dữ liệu chỉ di chuyển xung quanh.”
Trong khi nghiên cứu Chiến thắng của Đô thị, Glaeser đã khám phá những địa điểm như khu Dharavi của Mumbai, đây là một “trải nghiệm hoàn toàn kỳ diệu”. Trong số những nơi đông dân nhất thế giới, Dharavi tràn đầy năng lượng kinh doanh với những người thợ gốm, thợ may và những thợ thủ công khác, họ làm việc cạnh nhau trong những khu nhà chật chội, thiếu ánh sáng.
Đồng thời, những con đường đất, không khí ô nhiễm và hệ thống cống rãnh lộ thiên là những lời nhắc nhở về mặt trái của dân số dày đặc. Nhưng Glaeser không than vãn về sự nghèo ở những nơi như vậy; ngược lại, ông nói rằng các thành phố thu hút người nghèo chính vì chúng mang lại cơ hội. Đối với các nước đang phát triển, đô thị hóa là con đường tốt nhất dẫn đến thịnh vượng.
Glaeser nói: “Đối với tất cả các vấn đề của họ, những điều tuyệt vời đang xảy ra ở Ấn Độ, châu Phi cận Sahara và châu Mỹ Latinh”. “Và mọi thứ rõ ràng không phải lúc nào cũng theo chiều hướng đúng, nhưng các thành phố đã tạo ra những điều kỳ diệu về sự hợp tác trong hàng nghìn năm, và bất cứ khi nào tôi đến một thành phố của các nước đang phát triển, tôi thấy rõ rằng thời đại của những điều kỳ diệu vẫn chưa kết thúc.”
CHRIS WELLISZ – biên tập viên và nhà văn tự do
Nguyễn Water dịch
Nguồn: City Slicker: Profile of Harvard Economist Edward Glaeser – IMF F&D | DECEMBER 2019