Bao năm qua, đó là câu hỏi bỏ lửng trong tâm trí tôi – tâm trí của một người có tuổi thơ đắm chìm trong truyền thông về chiến tranh. Thuở nhỏ, tôi cảm thấy những cuộc chiến thời hiện đại trên đất nước mình thật hào hùng, huy hoàng, tôi đã tin vào tất cả những mỹ từ mà người ta khoác cho chúng. Tôi cho rằng đó là cuộc chiến “quật cường”, “đầy ý nghĩa nhân văn của dân tộc” mình. Nhưng càng lớn lên, tôi lại càng bị hút mạnh về phía những gì phê phán chiến tranh, những gì lật đổ mọi niềm tin thơ ấu ấy của tôi về chiến tranh Việt Nam. Và dần dà, cho đến nay, qua nhiều nguồn tài liệu ở nhiều dạng khác nhau, câu trả lời cho câu hỏi “chiến tranh có hào hùng không” trong tôi cũng dần định hình rõ nét.
Tôi cho rằng câu trả lời này luôn luôn mang tính cá nhân thuần túy. Dân gian có câu, “đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu”, có lẽ những tác phẩm thu hút một người phản ánh chân thực nhất những khuynh hướng của tâm trí người đó. Còn đối với tôi, nói đến chiến tranh, có ba tác phẩm để lại trong tôi ấn tượng mạnh mẽ nhất, đó là “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, “Streets without joy” của Bernard B. Fall, và “Thiên địa phong trần” của Hà Thủy Nguyên.
“Nỗi buồn chiến tranh” vẽ nên bức tranh chiến tranh qua con mắt của người lính chiến và do đó đưa ra những phản ánh mang tính cá nhân. Ngay từ lần đầu tiên tiếp xúc tác phẩm này đã làm tôi chấn động. Chấn động vì sự trần trụi đến tột cùng của chiến tranh được phơi bày qua ngòi bút của Bảo Ninh. Đối với thân thể con người, chiến tranh không là gì ngoài sự hủy diệt – người hủy diệt người – một cách tàn bạo, thẳng thừng, bất chấp, như thể đó chỉ là những súc thịt biết cầm súng, “Trên đầu trực thăng rà rạp các ngọn cây và gần như thúc họng đại liên vào gáy từng người một mà bắn. Máu tung xối, chảy tóe, ồng ộc, nhoe nhoét. Trên cái trảng hình thoi ở giữa truông, cái trảng mà nghe nói đến ngày nay cỏ cây vẫn chưa lại hồn để mọc lên nổi, hồi đó la liệt xác người bị đốn, thân hể dập vỡ, tanh bành, phùn phụt phì hơi nóng.” Trong hoàn cảnh như thế, khi mà cái chết và thây người nhan nhản, khi đánh-và-giết-để-sinh-tồn-và-chiến-thắng trở thành phản xạ vượt trội, thì sự hủy diệt không chỉ đến với thân xác mà đến với cả tinh thần, nhân cách, mà ám ảnh nhất có lẽ là những lời tự sự của nhân vật Can ở đầu truyện, “ …cứ bắn mãi giết mãi thế này thì chết hoại tình người. Dạo này đêm nào tôi cũng mộng thấy mình chết và bơi ra khỏi xác biến thành con ma cà rồng đi hút máu người… Tôi vẫn tự nhủ là tránh giết người bằng dao và lê, nhưng mà quen tay mất rồi. Thế mà hồi nhỏ tôi đã suýt thi đỗ vào trường dòng đấy”. Ấy là những người lính còn giữ lại được chút lương tri, nhưng cũng có những người lính dường như không còn là người theo nghĩa thông thường được nữa, “Bước qua ngưỡng cửa, mắt nghếch lên, gã vấp phải cái xác, bị xô chúi tới, ngã sấp. Cả đống bia giáng sầm xuống, loảng choảng chai vỡ tan… Đám lính tăng cười rộ… Sượng sùng, gã sục ‘đồ cổ’ nhỏm dậy, tức tối vò hai nắm đấm gườm gườm nhìn những kẻ đang cười nhạo mình. Rồi nhổ toẹt, hầm hầm cái mặt, hắn sấn lại đá tới tấp vào vật vừa ngáng chân hắn…. Nhân tính! Một trò lạ đấy nhỉ.” Và song song với đó còn diễn ra một sự hủy diệt khác – sự hủy diệt đời sống của mỗi con người bị dang dở vì chiến tranh, những hoài bão, hi vọng, những mối quan hệ tình cảm… Trong “Nỗi buồn chiến tranh” sự hủy diệt ấy đến với mối tình sâu đậm và trong sáng đầu đời của nhân vật chính, đến với tâm hồn phóng khoáng thanh khiết của người con gái anh yêu, để rồi họ vĩnh viễn phải sống trong nhớ nhung và dằn vặt về nhau.

Ngoài những mô tả trần trụi về thực cảnh chiến tranh, “Nỗi buồn chiến tranh” còn đặt ra nhiều câu hỏi về ý nghĩa của một cuộc chiến đối với mỗi cá nhân, qua lời của những nhân vật trực tiếp chiến đấu như Can, “Cả đời đi đánh nhau, thú thật, tôi chả thấy cái trò này là có gì vinh”, hay nhân vật chính tên Kiên, “Chao ôi! Chiến tranh là cõi không nhà, không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới thảm sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người!”, hoặc qua những câu hỏi của người không tham chiến như Phương – mối tình đầu của Kiên, “Chiến tranh, hòa bình, vào đại học, đi bộ đội khác nhau lắm hay sao? Và thế nào là cuộc đời tốt cuộc đời xấu? Tình nguyện đi bộ đội ở tuổi mười bảy thì cao thượng hơn vào đại học ở tuổi mười bảy hay sao?”
Và cuối cùng, “Nỗi buồn chiến tranh” còn cho thấy một lát cắt trong bức tranh cuộc sống của người lính thời hậu chiến, một cuộc sống mà sau tất cả những mất mát cả về thể xác và tinh thần ấy tưởng như phải “vinh quang, hào hùng” như những gì họ được hứa hẹn thì trên thực tế lại đầy ắp nỗi buồn và đau đớn. Đau đớn đến tột cùng do những di chứng chiến tranh để lại trên thân thể, như những lời thổ lộ phút hấp hối của nhân vật Sinh, một cựu quân nhân, “Ước gì có cách nào tự chết ngay cho chóng cuộc đời. Thân phận những thằng bị thương như mình bị chiến tranh đoạt mất tự do có khác nào thân phận nô lệ…”; và buồn, nỗi buồn và cô đơn của những người lính bỗng thấy mình thành lạc lõng giữa thời bình vì không thể thoát khỏi cái bóng quá lớn của quá khứ. Với tất cả những phác họa ấy của Bảo Ninh, chiến tranh trong “Nỗi buồn chiến tranh” là một nỗi buồn ám ảnh khôn nguôi.
Nếu như Bảo Ninh mang đến cái nhìn cận cảnh đậm màu cảm xúc và triết lý cá nhân thì Bernard B. Fall (1926-1967), nhà báo người Pháp lại mang đến một góc nhìn khác về chiến tranh, một góc nhìn mang tính toàn cảnh và khách quan mà như ông nói, “lạnh lùng” và “bảo đảm sự chính xác của các sự kiện và dữ liệu chứ không phải theo ý muốn cá nhân chủ quan”. Chiến tranh trong “Street without joy” của ông, như trong phần lời tựa đã mô tả, “là một hành động chính trị. Chính trị không thể tách rời khỏi chiến tranh, cũng không thể tách chiến tranh khỏi chính trị. Những cân nhắc về chính trị không dừng lại đột ngột một khi chiến tranh đã bắt đầu, và những cân nhắc về quân sự không bao giờ có thể xa rời tâm trí của chính trị gia, ngay cả trong thời bình.” Và vì thế xuyên suốt cuốn sách, chiến tranh hiện lên như một ván cờ lớn xoay vần không ngừng giữa các thế lực quân sự-chính trị với những chiến lược, chiến thuật, trong đó người lính cũng chỉ là một công cụ không khác gì bao chiến cụ vô tri khác.
Ngoài ra, “Street without joy” của Bernard B. Fall tuy không gây chấn động về cảm xúc như “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh song lại mang đến cho tôi hai nhận thức gần như là có tính khai sáng. Thứ nhất, chiến tranh không hề phản ánh triệt để ý chí của người dân mà thuần túy là cuộc chơi của các thế lực chính trị. Từ trước đến nay và ở khắp nơi trên thế giới, nhất là ở các quốc gia có các cuộc chiến tự xưng là “giải phóng dân tộc”, dưới tác động của truyền thông, người dân có xu hướng đồng nhất mục đích của chiến tranh với mục đích của riêng bản thân mình, song sự đồng nhất ấy mang tính thứ phát và vô thức nhiều hơn là có ý thức. Tất cả những ảo tưởng của chúng ta về ý nghĩa của chiến tranh dường như không hề xuất phát từ nội tại con người ta mà chủ yếu là hệ quả của những áp đặt về tư tưởng đến từ bên ngoài, cụ thể là từ các thể chế muốn gây dựng lực lượng. Còn điều thứ hai mà tôi ngộ ra khi đọc “Street without joy”, một lần nữa lại liên quan đến người lính: phán xét người lính theo các chuẩn mực thông thường là điều bất khả và phi lý. Nếu như trong “Nỗi buồn chiến tranh” Bảo Ninh mô tả những hành động phi nhân tính của họ như một hệ quả nghiệt ngã của sự chai sạn về cảm xúc do phải chìm quá sâu trong chém giết thì trong “Street without joy” Bernard Fall giúp chúng ta hiểu rõ hơn những nguyên cớ khách quan và có phần cụ thể, thực tế hơn, chẳng hạn qua đoạn mô tả: “Tuy nhiên, ngay cả khi không xảy ra chiến trận thì cuộc sống trong những công sự ngầm 30 x 30 feet này vẫn là địa ngục; nghĩa là phải ở trong một khối bê tông nóng bức, ngột ngạt, ẩm thấp, ngập ngụa mùi hôi thối từ phân của chính những người sống trong đó, cộng thêm mùi phân bón mà những người nông dân trút xuống các cánh đồng lúa xung quanh; nghĩa là phải ăn những khẩu phần quân đội đơn điệu từ ngày này qua ngày khác, nấu vội trên bếp dầu, nếu có người chịu khó nấu chúng; nghĩa là phải đi tuần tra vào ban ngày, cắt cỏ chung quanh xạ trường và hàng rào kẽm gai, còn ban đêm phải thức để lắng nghe tiếng kêu đáng ngờ của những chiếc lon rỗng treo trên dây thép gai làm chuông báo động. Mà đám chuông này lại thường leng keng khi chuột đụng phải hay gió đêm thổi vào, nhưng rồi đến lần thứ 100 hay 120, sau nhiều tháng bình yên, chúng sẽ reo vang chào mừng “lính cảm tử” Việt Minh đang luồn một khối TNT ở đầu một ngọn tre dài vào bên dưới hàng rào để áp vào tường công sự. Nếu nhiệm vụ này trót lọt thì chỉ riêng tiếng nổ ấy cũng làm thủng mảng nhĩ của những người lính bên trong…”. Đó là một thực tại khác xa so với thực tại của đa số chúng ta, một thực tại vô cùng khắc nghiệt, và những hành động sinh ra trong thực tại như vậy tất nhiên tuyệt đối nằm ngoài sức đánh giá của người được hưởng cuộc sống êm ả đời thường.
Tìm hiểu thêm về bộ tiểu thuyết “Thiên địa phong trần”: Combo Thiên Địa Phong Trần (Tập 1&2) – Book Hunter Lyceum
Thật tình cờ, tác phẩm gần đây nhất mang lại cho tôi nhiều suy ngẫm về chiến tranh – “Thiên địa phong trần” của Hà Thủy Nguyên – lại là sự hòa trộn của cả hai góc nhìn của hai tác phẩm nêu trên: vừa cá nhân vừa khách quan, vừa bao quát toàn cảnh vừa phản chiếu tâm tư của người trong cuộc. “Thiên địa phong trần” là câu chuyện dã sử do Hà Thủy Nguyên vừa “phục dựng từ những mảnh lịch sử vỡ vụn về bối cảnh thời vua Lê – chúa Trịnh” vừa xây dựng dựa trên những suy tưởng và chiêm nghiệm của riêng chị. Cũng nói về “chiến tranh” nhưng là cuộc chiến ở cấp thượng tầng giữa các thế lực chính trị thời phong kiến, truyện là sự hòa quyện nhịp nhàng của hai dòng chảy: dòng chảy biến-động-chính-trường và dòng chảy tâm tư của những nhân vật góp phần làm nên những cuộc binh biến đó. Dòng chảy xoay vần của thế cuộc thì dồn dập và khó đoán định, phơi bày những mưu mô, thủ đoạn của các thế lực triều đình, còn dòng chảy tâm tư lại không ngừng nêu bật câu hỏi giữa đúng – sai, thiện – ác trong tâm tưởng những cá nhân đứng sau những toan tính ấy. Hai dòng chảy này đan bện chặt chẽ tạo nên một bức tranh nhân sinh quan đa thái cực của những người trong cuộc: nghĩa khí của vị vua trẻ Đoan Nam Vương, “vương vị mà chất chồng lừa dối thì giữ vương vị mà làm gì!”, những trăn trở của vị thái tử trẻ tuổi mà thâm trầm Lê Duy Khiêm (sau này trở thành vua Lê Chiêu Thống), “Nếu mai này… vì thế cuộc… ta buộc phải lựa chọn giữa thiện và ác để hoàn thành đại nghiệp, ta nên làm gì?”, lý tưởng xây dựng đất nước thái bình thịnh trị của hai vị quan Nguyễn Gia Thiều và Nguyễn Khản, hay những mục đích vị kỷ của các nhân vật quyền lực của hai phe Lê-Trịnh như vua Cảnh Hưng phía họ Lê và quốc mẫu phía họ Trịnh. Mỗi người dự phần vào bức tranh ấy với một mục đích riêng, nhưng dù là vì lý do gì thì rốt cuộc họ vẫn góp phần đưa đến cảnh đầu rơi máu chảy, vẫn phải chịu sự giày vò tâm can, như câu trả lời của Nguyễn Gia Thiều cho câu hỏi của thái tử Duy Khiêm, “thái tử nói xem, ta liệu đã thành ác quỷ hay chưa?” Chiến tranh trong “Thiên địa phong trần” vì thế vọng lại như một tiếng thở dài, như một câu hỏi khôn nguôi về nhân tình thế thái.
Đó là những sắc thái của chiến tranh mà tôi cảm nhận được từ những tác phẩm đem đến cho tôi nhiều rung động hoặc chiêm nghiệm. Câu trả lời cho câu hỏi “chiến tranh có hào hùng không” từ những tác phẩm ấy thì đã rõ, nhưng những góc nhìn, những câu chuyện trong đó còn đưa tôi đến một câu hỏi khác: với tất cả những gì đã được phơi bày về chiến tranh như vậy, chúng ta có nên tham chiến? Tôi nghĩ rằng không một tác phẩm, một tài liệu nào có thể giúp chúng ta có ngay cho mình kết luận, bởi vì chiến tranh sẽ là một thực tại khác xa so với mọi thực tại mà những người chưa bao giờ nếm trải nó từng biết đến trong cả đời mình. Tuy nhiên chúng ta có thể, bằng toàn bộ ý thức hiện tại, chọn trước cho mình một tâm thế. Đối với tôi, tôi tâm đắc với tâm niệm của nhân vật Nguyễn Gia Thiều trong “Thiên địa phong trần”, “một vị tướng thực sự giỏi không phải là chiến thắng bao nhiêu trận chiến, mà là một vị tướng có thể tính toán được thương vong tối thiểu”.
Phạm Minh Hiền
