Để đọc toàn bộ chùm bài, vui lòng click vào: Ý nghĩa tâm linh của Những vệ thần của tuổi thơ Archives – Book Hunter
Mỗi lần nghĩ về bộ phim “Sự trỗi dậy của các vệ thần”, tôi vẫn còn nhớ mãi khoảnh khắc Jack Frost đứng tuyên thệ trên mặt băng lấp lánh dưới ánh trăng sáng vằng vặc, trong vòng tay của các vệ thần hân hoan. Jack Frost đã trải qua những thăng trầm cảm xúc và tìm được tự tính đích thực của mình cũng như trạng thái hoàn hảo nhất có thể đạt đến của tự tính ấy: một Vệ thần luôn bảo vệ niềm vui của các em nhỏ. Cậu, tiếp bước các vệ thần khác, tuyên thệ:
“Chúng ta sẽ trông nom những trẻ em trên Trái Đất
Giữ trẻ an toàn khỏi những điều hiểm nguy
Giữ trái tim trẻ hạnh phúc, tinh thần luôn dũng cảm, và đôi má luôn hồng hào
Chúng ta sẽ bảo vệ mọi ước mơ và hi vọng của trẻ bằng tính mạng của chúng ta
Vì trẻ em là tất cả những gì chúng ta có, chúng ta là,
Và tất cả những gì chúng ta sẽ là.”
Cảnh tượng ấy thật đẹp, không phải chỉ ở biểu hiện mà ở tính thiêng sâu kín ẩn chứa trong từng nét vẽ, từng chuyển động. Dưới ánh trăng, đó không chỉ là một nhóm các vệ thần, đó là một cộng đồng tinh thần. Đã rất nhiều lần, tôi chọn cảnh phim này để biểu thị cho bài thơ “Cộng đồng tinh thần” của Rumi:
“Có một cộng đồng tinh thần.
hãy tham gia, và tận hưởng hân hoan
khi bước đi giữa phố đông ồn ã
và được làm tiếng ồn trong đó.
Uống cạn đam mê
mặc người đời cười chê
Nhắm mắt lại
để nhìn bằng con mắt khác
Mở rộng bàn tay,
nếu bạn muốn được ôm”
“Vệ Thần” – “guardian” dễ khiến chúng ta liên tưởng đến các siêu anh hùng nếu chúng ta có não trạng giản đơn của người đương đại (và chỉ biết đến bộ phim siêu anh hùng của Marvel “Vệ binh dải ngân hà”). Sâu xa hơn, với những ai biết đôi chút về tôn giáo, cũng đễ lầm tưởng rằng các Vệ Thần sẽ giống như những thiên thần có cánh trong truyền thống Do Thái giáo, Kito giáo và Hồi giáo – những vị thần đưa ra lời chỉ dẫn cho các tiên tri và loài người. Nhưng những hình dung ấy chỉ là ấn tượng ban đầu của những người chỉ nghe đến tựa đề của bộ phim “Sự trỗi dậy của các vệ thần” hay Toàn tập bộ sách “Những vệ thần của tuổi thơ” gồm 3 sách tranh và 5 tuổi thuyết, họ chắc chắn chưa thực sự xem phim cũng như đọc sách. Bởi nếu thực sự cùng bước vào cõi giới của các vệ thần, ta sẽ thấy rằng họ không chỉ là những siêu anh hùng với siêu năng lực, cũng không phải những thiên thần lúc nào cũng sáng chói một cách thiếu nhân tính, họ là những thực thể (có thể là người hoặc không), những vệ thần được Người Cung Trăng lựa chọn từ khi họ chưa đạt đến trạng thái hoàn hảo nhất của mình. Nicholas St. North, một tên cướp, cần phải trải qua một hành trình để trở thành vị vệ thần ông già Noel thân thiện và sáng tạo; Thỏ Phục Sinh, một đấng sáng thế, cần phải học tin tưởng để là một vệ thần sử dụng sáng tạo và tri thức một cách có ý nghĩa hơn; Nữ hoàng Tiên Răng cần vượt qua thù hận để trở thành vệ thần bảo vệ mọi ký ức tốt đẹp; Thần Mộng Mơ cần rất nhiều lòng vị tha để trở thành vệ thần của những giấc mơ chuyển hóa; Jack Frost cần học cách đối diện với những tổn thương để trưởng thành như một vệ thần luôn bảo vệ người khác khỏi mọi hiểm nguy; và ngay cả Người Cung Trăng – vị vệ thần đầu tiên, người có quyền lựa chọn các vệ thần, cũng cần vượt qua sự cô độc, lẻ loi để kết nối và kiếm tìm những người bạn của mình, để trở thành vệ thần của các vệ thần.
>> Tìm đọc Những Vệ Thần Của Tuổi Thơ: Các Vệ Thần Tuổi Thơ Của William Joyce – Book Hunter Lyceum
“Không có vị thánh nào mà không từng tội lỗi”, câu này đúng với các vệ thần, điều ấy khiến họ gần với hình ảnh của các vị Messiah – Đấng Cứu Thế, trong niềm tin của Do Thái giáo, Kito giáo và Hồi giáo. Cũng như các Messiah, các Vệ Thần là Người Được Chọn, nhưng thay vì được Thiên Chúa chọn, các Vệ Thần được Người Cung Trăng chọn. Người Cung Trăng là một biểu tượng đẹp, đại diện cho ý tưởng “Ánh sáng trong bóng tối”, một thực thể còn sót lại của Kỷ Nguyên Vàng, người đã trầm lắng vô ngôn soi rọi những ký ức và tinh thần đẹp đẽ của Kỷ Nguyên Vàng vào sâu trong tâm thức của những thực thể huyền bí khác và khơi gợi nơi họ ý muốn trở thành vệ thần đương đầu với bóng tối hắc ám của Pitch – Vua Ác Mộng. Đấng Messiah cũng vậy, họ được soi sáng bởi Thiên Chúa và lan tỏa điều thiện, giúp con người đẩy lùi tội lỗi đến từ những suy nghĩ hắc ám.
Nhưng không chỉ thế, hành trình các vệ thần tìm được tự tính của chính mình, vượt qua những tổn thương và cái tôi ích kỷ, để đạt tới trạng thái hoàn hảo nhất – Vệ Thần, cho chúng ta thấy một mô hình khác: bậc chứng ngộ. Các vệ thần với những xuất phát điểm khác nhau, họ có những năng lực và tính cách khác nhau, và họ phải trải qua những thử thách khác nhhau, nhưng lộ trình vệ thần của họ trải qua hai cấp bậc rõ rệt. Cấp bậc thứ nhất – trở thành vệ thần: Đây là cấp bậc đòi hỏi họ phải giải quyết các thương tổn tinh thần trong quá khứ hoặc cái tôi ích kỷ, bởi vì chỉ cần một ý niệm khổ đau hay sợ hãi nho nhỏ cũng đủ khiến Pitch – Vua Ác Mộng trỗi dậy. Cấp bậc thứ hai – là vệ thần và hơn thế nữa: Đó là khi họ cần học cách hài hòa và đồng điệu với nhau và với các thực thể tâm linh khác trong khắp vũ trụ, khi họ biết cảm thông với những linh hồn đau khổ và sẵn lòng nâng đỡ cả những linh hồn tội ác như Pitch. Những ai đã từng tìm hiểu về Phật giáo hẳn sẽ nhận ra, đó chính là hai cấp bậc chứng đắc: A-la-hán và Bồ tát.
Đưa ý niệm vệ thần với nội hàm tâm linh sâu sắc vào một câu truyện trẻ thơ với cấu trúc sử thi đồ sộ, William Joyce thực sự đã tạo ra những cuốn Kinh Vệ Thần chứ không còn là những cuốn tiểu thuyết vệ thần nữa. Hành trình của mỗi vệ thần là một kinh nghiệm tu tập, mà tại đó mỗi con người, dù là một người bình thường hay một người tu hành đều tìm thấy chỉ dẫn cho mình. Với tầm vóc ấy, William Joyce thực sự đã đạt đến đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tạo của chính mình mà có lẽ rất lâu sau này ông có thể vượt qua.
Hà Thủy Nguyên