Để đọc toàn bộ chùm bài, vui lòng click vào: Ý nghĩa tâm linh của Những vệ thần của tuổi thơ Archives – Book Hunter
Năm 2012, tôi có một mùa Giáng Sinh u tối trong hố sâu tuyệt vọng. Lúc ấy, cả thế giới đang đồn nhau về ngày tận thế, một số khác thì bản về sự sụp đổ hệ thống để khởi đầu một thứ gì đó mới mẻ hơn (nhưng chưa chắc đã tốt hơn). Tôi lạc lối trong lựa chọn của chính mình – lạc lối thường gặp của một người trẻ đang mắc kẹt giữa hai thế giới: một bên là cõi đời hiện hữu thường nhật với bao nỗi sợ hãi, một bên là làm điều gì đó có ý nghĩa hơn – những thứ có thể tạo ra khác biệt, những thứ đòi hỏi chúng ta phải vượt qua nỗi sợ để bước khỏi vòng an toàn. Khi không thể lựa chọn, có một chốn tôi thường trú ẩn: những cuốn sách, những bộ phim, những bản nhạc…, và thế là, nơi cõi giới của bộ phim hoạt hình “Sự trỗi dậy của các vệ thần”, bộ phim đẹp đẽ nhất mùa Giáng Sinh năm tận thế, tôi tìm thấy lựa chọn của mình, và đến thời điểm này, lựa chọn ấy đã cho tôi một cuộc đời đúng đắn.
Nếu chúng ta đọc mọi tóm tắt “Sự trỗi dậy của các vệ thần”, ta sẽ không tìm thấy điểm đặc biệt của bộ phim. Nỗi ám ảnh về cốt truyện khiến ta bỏ qua những điều tuyệt diệu nhất: những biểu tượng liên văn hóa, sự chuyển dịch hệ ý niệm tốt xấu, những chỉ dẫn ngây thơ giản dị mở rộng các chiều kích của tinh thần, và cõi giới các vệ thần kỳ vĩ chưa từng có trong thế giới hoạt hình, mà có lẽ, nếu không có những mục đích cao cả hơn, chỉ thuần túy kiếm tìm lợi nhuận, đội ngũ làm phim của William Joyce không thể tạo tác nên. Nhưng sự kỳ vĩ của phim hoạt hình là không đủ, nó chỉ như một khải lộ ngắn ngủi trong trường thiên sử thi huyền diệu về các vệ thần mà William Joyce đã tạo ra, nói một cách khác, phim hoạt hình “Sự trỗi dậy của các vệ thần” là một mẩu của toàn bộ sử thi trẻ thơ đồ sộ “Những vệ thần của tuổi thơ” – thiên sử thi đa vũ trụ, xuyên không thời gian, liên văn hóa, được kể bằng một giọng văn vừa âu yếm vừa nghiêm cẩn mà có lẽ từ sau “Biên niên sử Narnia” của C.S Lewis, ta không còn gặp giọng văn ấy nữa.
> Đọc thêm:
“Sự Trỗi Dậy Của Các Vệ Thần” – Hay Sự Chiến Thắng Của Niềm Vui? – Book Hunter
Biên niên sử Narnia – Bài học về sự trưởng thành – Book Hunter
William Joyce và đại tự sự Sáng Thế trong tâm thức trẻ thơ
Tại Việt Nam, trẻ em trong nhiều thế hệ đa phần chỉ biết đến Fujiko Fujio – tác giả của “Doraemon” và coi ông như một kỳ tài sáng tạo thế giới tưởng tượng của trẻ em, kế đến là J.K Rowling – tác giả của bộ tiểu thuyết về “Harry Potter”. Sự yêu thích này có nền tảng từ sự pha trộn những điều kỳ diệu ngay bên trong đời sống bình thường, mà tại đó mỗi đứa trẻ được khuyến khích để vươn lên từ chính hoàn cảnh của mình. Nói một cách khác, những bộ truyện này lấy hiện thực làm nền tảng, và các yếu tố kỳ diệu chỉ là vật trang sức cho nền cảnh ấy, bởi suy cho cùng, con người thấy yên tâm trong đời thường nhưng lại ước ao về điều gì đó phi thường hơn. Sự thành công doanh thu khiến lựa chọn lấy đời thường làm nền tảng được các tác giả thiếu nhi đương đại ưa chuộng hơn so với cõi giới phi thường, và cũng chính bởi thế, mà trí tưởng tượng chỉ như tầm bay của một con chim sẻ nhỏ bé trong khuôn viên giới hạn, ngay cả khi chúng có độ phổ toàn cầu.
Năm 2009, khi được biết rằng “Biên niên sử Narnia” được dịch sang tiếng Việt và được NXB Kim Đồng xuất bản, tôi đã rất vui, tôi nghĩ rằng đó sẽ là một cú huých lớn làm thay đổi thói quen đọc của trẻ nhỏ và trong nhận thức về văn học thiếu nhi của người Việt Nam trưởng thành, nhưng tôi đã lầm. Mặc cho tầm vóc của cuốn sách lớn đến đâu, kinh điển tới cỡ nào, nó vẫn không có được sự quan tâm của giới học thuật và cũng chỉ đạt được mức doanh thu khiêm tốn. Tôi không chắc rằng có bao nhiêu đứa trẻ và bao nhiêu người trưởng thành thực sự đọc hết 7 cuốn “Biên niên sử Narnia”, và tôi càng vô vọng khi nghĩ tới việc ai đó có thể hiểu toàn bộ thiên sử thi này và cúi đầu cảm tạ C.S Lewis bởi những chỉ dẫn tâm linh ẩn chứa trong bộ tiểu thuyết tâm huyết của ông. C.S Lewis không viết tiểu thuyết, ông viết một cuốn Kinh Thánh cho trẻ thơ mà tại đó vũ trụ và con người trải qua những biến dịch từ Sáng Thế đến Khải Huyền, để mỗi người đọc thực sự cảm ngộ và chiêm nghiệm. Tiếp bước con đường của C.S Lewis, William Joyce – nhà sáng tạo truyện và hoạt hình thiếu nhi có ảnh hưởng nhất thế kỷ 21, đã tạo một bộ Kinh Thánh cho trẻ thơ mới: “Những vệ thần của tuổi thơ”, mà bộ phim “Sự trỗi dậy của các vệ thần” là một phần trong đó.
“Những vệ thần của tuổi thơ” bao gồm 3 cuốn sách tranh, 5 cuốn tiểu thuyết, 1 bộ phim hoạt hình có tầm vóc kỳ vĩ nhất trong số các tác phẩm của William Joyce, và hơn cả những nhà sáng tạo đương thời với ông: một đại tự sự đi từ Kỷ Nguyên Vàng đến suy tàn, Sáng Thế và trỗi dậy khỏi bóng tối. Với biên độ văn hóa rộng mở hơn cũng như tư tưởng đa nguyên, William Joyce đã tạo ra một cõi giới siêu nhiên mà tại đó các thế giới hợp nhất và có liên đới tới nhau, cùng nhau trải qua cuộc đương đầu với bóng tối để bảo vệ quá khứ Kỷ Nguyên Vàng và kiến tạo thế giới mới đẹp đẽ hơn. Không giống như C.S Lewis vốn chịu ảnh hưởng của Kito giáo, William Joyce là một tác giả có tinh thần tâm linh mạnh mẽ nhưng lại không thuộc bất cứ tôn giáo nào, hay nói một cách khác, ông thuộc về sáng tạo. Sự khác biệt này, cũng như tham vọng chạm tới cõi sâu tâm thức của nhiều nền văn hóa, William Joyce đã tạo ra một Sáng Thế mang tính chất hợp nguyên của nhiều hệ thống thần thoại trên toàn thế giới.
Nếu Sáng Thế của C.S Lewis có sắc màu giống với Sáng Thế Ký của Kinh Thánh, về vị Thượng Đế không hình tướng đã kiến tạo một thế giới hài hòa như bản giao hưởng phi thường trong khoảng không vũ trụ bao la, thì William Joyce tạo ra Sáng Thế từ sự chuyển dịch, không có điểm bắt đầu, chỉ có hành động tạo tác liên miên bất tuyệt. Nói một cách khác, Joyce không coi sự Sáng Thế là khởi nguyên của vạn vật, mà kỳ thực vạn vật trong vũ trụ luôn biến chuyển qua lại giữa tình trạng hoàn hảo (Kỷ Nguyên Vàng) sang sự hủy diệt lụi tàn (Bóng Tối), mà sự biến chuyển ấy biểu hiện trong tâm thức của mỗi nhân vật. Sáng Thế, với Joyce, chính là khi những hạt giống của sự hoàn hảo bắt đầu hé lộ, bởi vậy, Sáng Thế trong thiên sử thi “Những vệ thần của tuổi thơ” đến từ rất nhiều chiều kích khác nhau.
Câu chuyện bắt đầu khi Kỷ Nguyên Vàng, vốn được cai trị bởi Sa Hoàng Mặt Trăng, sụp đổ bởi cuộc tấn công của Pitch – Vua Ác Mộng và binh đoàn bóng tối của hắn. Những hạt giống còn sót lại của Kỷ Nguyên Vàng, giữ trong mình ký ức về thời kỳ đẹp đẽ hoàn hảo ấy, đã lưu lạc khắp vũ trụ, và đậu xuống một mảnh đất mới tức Trái Đất, để rồi từ đó đâm chồi nảy nở. Nhưng Trái Đất không tự nhiên hình thành, Trái Đất được tạo tác bởi một đấng sáng thế – Thỏ Phục Sinh, người chủ đích thực của hành tinh. Trong cuốn “Thỏ Phục Sinh và Trứng Chiến Binh trong lòng đất” – tập 2 của bộ tiểu thuyết, William Joyce đã mô tả cách Thỏ Phục Sinh tạo tác nên Trái Đất như thể Thiên Chúa trong Kinh Thánh, nhưng ngộ nghĩnh hơn và sinh động hơn, ít can dự vào số phận của loài người hơn.
“Trên một bức tường, North và Katherine thấy một bức tranh về một hành tinh xanh lam và xanh lá quen thuộc, chỉ có điều nó có hình quả trứng chứ không phải hình tròn. “Đó có phải là Trái Đất không?” Katherine hỏi.
Thỏ Phục Sinh nhìn ngắm hình ảnh một cách tôn kính. “Đúng vậy, nhiều tỷ năm trước,” ngài trả lời. “Vào thời điểm đó, nó có hình quả trứng. Thật không may, hình bầu dục có quỹ đạo không ổn định. Nếu không được kiểm soát, hành tinh này sẽ xoáy ngày càng gần mặt trời hơn và cuối cùng sẽ bị nấu chín như một quả trứng luộc.”
Katherine nhìn chằm chằm vào bức ảnh. “Nhưng… Làm thế nào mà nó trở nên tròn?”
“Ồ, ta đã sửa nó – đắp nó ở đây, gọt ở kia,” Pooka nói với vẻ hiển nhiên không cảm xúc. “Thật sự rất buồn. Hình bầu dục là một hình dạng thú vị như vậy kia mà. Và hình tròn ư? Thật tầm thường, phổ biến, tẻ nhạt.” Sau đó, ngài thở dài sâu sắc như thể cứu rỗi hành tinh là một việc vặt quá ư phiền nhiễu. “Ta đã sử dụng phần đất dư thừa để tạo thêm một vài lục địa. Châu Úc là tác phẩm đẹp nhất của ta, ta nghĩ vậy, ngài nói. “Ta giỏi đào bới ra phết.”
Katherine chớp mắt. “Ngài đã tạo ra Châu Úc cơ à?”
“Ngay sau khi ta hoàn thành dãy Himalaya,” ngài trả lời. Râu của ngài ta lại co giật. “Nhưng nói chuyện địa lý thế đủ rồi; Ta có rất nhiều, rất nhiều trứng để cho mọi người xem.
Ngài xoay một chân sau và nghiêng người về phía Katherine. “Qủa trứng là hình dạng hoàn hảo nhất trong vũ trụ, cô có đồng ý không?”
(Trang 152-154, “Thỏ Phục Sinh và Trứng chiến binh trong lòng Trái Đất”, William Joyce, Hải Anh dịch, Book Hunter & NXB Đà Nẵng, 2022)
Thỏ Phục Sinh được khắc họa với hình ảnh của một vị Thượng Đế của thiên nhiên, sáng tạo nên hình hài của Trái Đất như một thực thể hoàn hảo mà tại đó sự sống có thể nảy sinh, làm nền tảng cho mọi hiện tượng và diễn biến xảy ra, tạo nên chuỗi không thời gian liên miên bất tuyệt. Thỏ Phục Sinh không giống như các Thượng Đế trong lịch sử loài người vốn luôn muốn can dự và phán xét, Ngài Thỏ ẩn thân và đam mê sáng tạo, chỉ thực sự ra tay khi sự sống lâm nguy. Sự Sáng Thế của Thỏ Phục Sinh ẩn dụ cho tự nhiên không can dự vào mọi sự hỉ nộ ái ố của con người, nhưng sẽ biến động khi trật tự hoàn hảo nuôi dưỡng sự sống ấy bị phá vỡ.
Bổ sung cho sự hoàn hảo của sự sống trên Trái Đất, Kỷ Nguyên Vàng gửi tới điều tuyệt diệu còn sót lại: Mặt Trăng. Khi Kỷ Nguyên Vàng sụp đổ, để bảo vệ Hoàng Tử Mặt Trăng (mà sau này là MiM – Người Cung Trăng), Sa hoàng Mặt Trăng đã gửi hoàng tử bé con cùng Buồm Trăng tới Trái Đất, nơi chưa từng có Mặt Trăng: “Cha mẹ của MiM biết một nơi hoàn hảo để trốn – một hành tinh màu xanh lá cây và xanh dương bé nhỏ chưa được khám phá ở một thiên hà xa xôi. Hành tinh đó gọi là Trái Đất và nó chưa có mặt trăng. Buồm Trăng lướt đi trong im lặng trốn khỏi bóng tối của Pitch.”
Không chỉ Người Cung Trăng, còn có Thần Mộng Mơ và Jack Frost (tiền thân là Ánh Đêm), Mẹ Thiên Nhiên, những thực thể vừa góp phần tạo nên chỉnh thể của Trái Đất, để Trái Đất không chỉ có sinh và diệt, mà còn có ý niệm về những điều tốt đẹp. Kinh Thánh Cựu Ước viết: “Khởi thủy là lời”, còn với William Joyce, khởi thủy là những ý niệm tốt đẹp, được gửi gắm qua bài hát ru từ Kỷ Nguyên Vàng xa xưa:
“À ơi ánh đêm hãy rạng ngời
Ban giấc mơ đẹp tới muôn nơi
Ngủ nhé say sưa đêm huyền bí
Ta tỏa ánh đêm mãi muôn đời.”
Nhãn quan về Sáng Thế của William Joyce cho thấy quan điểm siêu hình của ông. Ông coi khởi điểm của mọi sự vật và sự việc đều đến từ điều thiện, và điều thiện là điều kiện cho sự sống nảy sinh. Quan niệm về cái thiện của Joyce khác với lối phân biệt thiện ác quen thuộc trong dân gian mà các câu chuyện cổ thường nhắc tới, mà gần với các kinh điển tôn giáo cổ xưa và các tác giả như C.S Lewis. Trong khi quan niệm phân biệt thiện ác phổ biến coi ác là một thế lực song hành cùng thiện để tác động lên con người, thì các kinh điển tôn giáo, hay các tác giả văn học có nhận thức tâm linh như C.S Lewis và William Joyce coi ác là sự suy thoái của tính thiện vốn có trong tự tính, mà trong suốt bộ “Những vệ thần của tuổi thơ”, thông qua hành trình của các vệ thần, ông càng nhấn mạnh hơn tư tưởng này.
Hà Thủy Nguyên
(Còn tiếp)
Toàn Tập NHỮNG VỆ THẦN CỦA TUỔI THƠ
bộ sách của William Joyce về sự liên kết của Ông già Noel, Thỏ Phục Sinh, Tiên Răng, Jack Frost, Thần Mộng Mơ để chống lại Pitch – Vua Ác Mộng
>Bộ 5 cuốn tiểu thuyết: Bộ Tiểu Thuyết Những Vệ Thần Của Tuổi Thơ – Book Hunter Lyceum
>Bộ 3 cuốn sách tranh: Những vệ thần của tuổi thơ – combo 3 cuốn – Book Hunter Lyceum