Giới thiệu
Những rò rỉ trong hoạt động giám sát của Hoa Kỳ, bao gồm cả việc theo dõi nhiều nhà lãnh đạo quốc tế, đã làm dấy lên nhiều tranh cãi về hoạt động quản trị Internet. Một vài quốc gia hy vọng có thể nhân cơ hội này làm giảm đi ảnh hưởng của Washington lên cơ sở hạ tầng Internet, trong đó chủ yếu là các tiến trình được quản lý bởi tổ chức phi lợi nhuận ICANN (ICANN là viết tắt của Internet Corporation for Assigned Names and Numbers, tức Công ty quản lý tên và số hiệu cấp phát Internet) có trụ sở tại Hoa Kỳ. ICANN là tập đoàn đề ra các quy tắc cũng như giao thức quan trọng được sử dụng trong mạng Internet. Tuy nhiên, nhiều chủ đề nóng hổi hơn liên quan tới chính sách công được đưa ra trong cuộc thảo luận về quản trị Internet, như tự do ngôn luận, trao đổi buôn bán, bảo mật, an ninh mạng và chủ quyền.
Vậy quản trị Internet là gì?
Thuật ngữ “quản trị Internet” đã biến đổi rất nhiều qua năm tháng, và vô số các nhóm nhân vật trên thế giới đã cố gắng phát triển các khái niệm thực tiễn của nó. Khi quản trị Internet lần đầu tiên gắn liền với việc cho phép thương mại hoạt động rộng rãi hơn trên Internet vào giữa những năm 1990, thuật ngữ này đề cập tới một bộ quy tắc hạn chế liên quan tới việc đồng bộ hóa và quản lý các tên miền (ví dụ samplesite.com) với địa chỉ IP tương ứng (ví dụ 7.42.21.42).
Tuy nhiên, khi Internet trở thành phương tiện kết nối cho mọi loại hình thông tin trao đổi thì định nghĩa này cũng được mở rộng một cách đáng kể. Vào năm 2005, Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu về Xã hội Thông tin WSIS do Liên Hợp Quốc tài trợ đã định nghĩa quản trị Internet “do chính phủ, khu vực tư nhân và xã hội dân sự ứng dụng và phát triển trong từng vai trò riêng của họ. Các phát triển và ứng dụng đó bao gồm những nguyên lý, chuẩn tắc, luật lệ, quy trình dẫn tới quyết định và các chương trình định hình sự tiến hóa và sử dụng Internet”.
Khi các vấn đề chính sách công gây tranh cãi xuất hiện, các khái niệm về quản trị Internet đã kết hợp hoạt động quản lý các nguồn lực kỹ thuật cần thiết cho sự ổn định của nó và hoạt động mở rộng tiếp tục, với cuộc thảo luận về các hành vi xuất phát từ việc sử dụng nội dung Internet.
Internet được Quản trị như thế nào ?
Nhiều chuyên gia về chính sách thông tin nhấn mạnh rằng “quản trị Internet” không phải là sản phẩm của một hệ thống tổ chức phân bậc, mà nó xuất phát từ sự phối hợp từ dưới lên và phân tán, của hàng chục nghìn cá thể trên khắp hành tinh. Thường được biết đến với biệt hiệu “các cổ đông Internet”, các cá thể này bao gồm các điều phối viên máy chủ và mạng, các trang đăng ký tên miền (ví dụ GoDaddy) và các trang cung cấp chứng chỉ số (ví dụ Verisign) và toàn bộ người dùng. Các tổ chức xã hội dân sự và chính phủ cùng tham gia với các “cổ đông này”, đóng góp vào sự phát triển của các chính sách kỹ thuật.
Vậy vai trò của các chính phủ là gì ?
Chính phủ quản lý chính sách Internet trong phạm vi của mình, ví dụ như ra các điều luật về cấm đánh bạc trực tuyến, bảo vệ sở hữu trí tuệ, ngăn chặn truy cập vào một số nội dung. Một số chính phủ chuyên chế thì ra tay ngăn chặn càng lúc càng nhiều các nội dung có tư tưởng trái chiều trên truyền thông truyền thống. Theo báo cáo năm 2013 từ tổ chức dân sự Freedom House, Trung Quốc, Cuba và Iran là ba cái tên khét tiếng nhất trong hoạt động ngăn chặn thông tin trên Internet. Nghiên cứu và các tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ tại Washington DC cho biết, hơn một nửa số quốc gia trên thế giới đã bị hạn chế tự do thông tin Internet, bao gồm cả Hoa Kỳ.
Theo tổ chức OpenNet Initiative – một đối tác hàn lâm chuyên phân tích các thực tiễn giám sát và lọc thông tin trên Internet -, khoảng hơn một nửa số người sử dụng Internet gặp phải một số kiểu ngăn chặn nội dung trang web. Các cơ chế chặn nội dung mạng bao gồm chặn trang web, loại bỏ nội dung tìm kiếm, thu hồi tên miền và thậm chí ra ra yêu cầu tự điều chỉnh nội dung. Ví dụ, nhiều tổ chức Nhân quyền đã lên án Trung Quốc vì hành vi bắt giữ các blogger có lượng người theo dõi lớn nhằm ngăn chặn sự phổ cập hóa thông tin trên Internet. Tất nhiên, việc chặn nội dung trên mạng có thể dễ dàng diễn ra là do có sự chấp hành của cộng đồng doanh nghiệp. Theo một báo cáo năm 2012 của Sở Nghiên cứu Quốc hội trung lập, muốn duy trì giấy phép kinh doanh và được hoạt động tại Trung Quốc, các doanh nghiệp phải tuân thủ một số yêu cầu từ phía chính quyền địa phương và điều này hiển nhiên khiến họ phải tự chặn nội dung thông tin của mình.
ICANN là gì ?
Như đã nhắc ở trên, ICANN là tổ chức tư nhân phi lợi nhuận có nhiều vai trò, trong đó vai trò quan trọng nhất là việc quản lý hệ thống tên miền (DNS- Domain Name System). Hệ thống Internet muốn hoạt động trơn tru thì cần phải có hệ thống quy tắc đánh địa chỉ 4 bytes (6 bytes trong tương lai), ví dụ như 192.168.1.1 hoặc 7.42.21.42. Tuy nhiên, con người không quen làm việc với các con số, vì vậy cần có một hệ thống tương ứng những cái tên như google.com, facebook.com…với những dãy số địa chỉ trên, nhằm gửi và nhận các thông tin từ bất cứ thiết bị nào trong số hàng tỷ thiết bị kết nối website trên thế giới mạng. Theo các chuyên gia, hệ thống DNS có vai trò sống còn trong hoạt động của một mạng Internet duy nhất, phủ khắp toàn cầu và ngày càng lớn mạnh.
ICANN được điều hành bởi một nhóm các chuyên gia trên toàn thế giới, và thường được bầu chọn từ cộng đồng ICANN. Nhóm này được cố vấn bởi một ủy ban đại diện từ hơn 110 quốc gia. Tuy nhiên, theo phân tích, Hoa Kỳ có ảnh hưởng nhiều tới DNS hơn bất cứ quốc gia nào khác vì lịch sử quan hệ pháp lý chặt chẽ với ICANN. Tiền thân của mạng Internet là mạng ARPANET, được xây dựng bởi Bộ quốc phòng Hoa Kỳ.
Tại sao ICANN là trọng tâm trong cuộc tranh luận về quản trị internet ?
Một số chuyên gia chính sách thông tin đánh giá thấp tầm quan trọng của ICANN trong vô số vấn đề chính sách liên quan đến Internet, nhưng những người khác thừa nhận giá trị về địa chính trị đặc biệt của nó.
Chuyên gia truyền thông Milton Mueller đã đề cập trong cuốn sách Networks and States (2010): “ICANN làm giảm một cách đáng kể quyền lực của các chính phủ và các tổ chức xuyên quốc gia hiện hành lên chính sách truyền thông và thông tin”. Theo Mueller, ICANN khơi dậy nhiều tranh cãi như vậy là do:
- ICANN có tính xuyên quốc gia;
- ICANN là một trong số ít ỏi nhân tố tập quyền trong quản trị Internet;
- ICANN được điều phối chủ yếu bởi các tổ chức tư nhân;
- ICANN được giám sát bởi siêu cường duy nhất của thế giới – Hoa Kỳ.
Diễn đàn quản trị Internet là gì ?
Diễn đàn Quản trị Internet là một nhóm các chính phủ và tổ chức phi chính phủ thành lập năm 2006 trong Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về Xã hội Thông tin. Nhiều sử gia Internet cho biết Diễn đàn này là đòn đối phó chủ yếu của Liên Hợp Quốc với ICANN; nhiều nhà lãnh đạo quốc tế không thể chấp nhận được việc Hoa Kỳ một mình ôm trọn các “cổ đông Internet”. Diễn đàn họp mỗi năm một lần để thảo luận về các chính sách liên quan tới Internet và tại các cuộc họp này, nhiều chính sách Internet gây tranh cãi liên quan tới lớp nội dung (tham khảo mô hình Internet 4 lớp hoặc 7 lớp) có thể được thảo luận một cách tự do.
Sự thành lập Diễn đàn Quản trị Internet gây chú ý bởi mô hình đa cổ đông (một mô hình cũng được khởi dụng bởi ICANN), nơi nhiều chính phủ, thậm chí các chính phủ chuyên chế, đồng ý tham gia vào các cuộc đối thoại chính sách trên bình diện tương đồng với các tổ chức tư nhân và các nhóm xã hội dân sự.
Sự thành lập Diễn đàn Quản trị Internet có giải quyết được tranh cãi về Quản trị Internet ?
Câu trả lời là không. Một vài quốc gia vẫn không hài lòng với sự quản lý về DNS cũng như mô hình đa cổ đông trong quản trị Internet của ICANN. Trong những năm gần đây, một vài quốc gia đã mở rộng quyền lực của chính phủ mình lên Internet.
Trong Hội nghị thế giới về Viễn thông Quốc tế tại Dubai (tháng 12 năm 2012), Nga, Trung Quốc, Ả Rập, Algeria và Sudan đã đồng thuận một kiến nghị: “Các chính phủ thành viên có quyền tự chủ thiết lập và điều hành các chính sách công, bao gồm cả các chính sách quốc tế, trong vấn đề quản trị Internet”. Bản kiến nghị cũng kêu gọi các thành viên khác đòi lại nhiều quyền chế của ICANN như việc đánh số, đặt tên và đánh địa chỉ trên mạng.
Đại diện của Hoa Kỳ đã khước từ bản kiến nghị này và nhấn mạnh: “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tin rằng các chính sách Internet cần phải được điều hành bởi cơ chế đa cổ đông. Các chính sách này không thể được điều phối bởi các thành viên chính phủ, mà phải do các công dân, các cộng đồng và một xã hội rộng mở hơn”
Đầu năm 2014, chính phủ Hoa Kỳ đã tuyên bố kế hoạch từ bỏ vai trò lịch sử của mình trong Tổ chức Cấp phát Số hiệu Internet IANA, một tổ chức được điều hành bởi ICANN, và trao lại cho cộng đồng Internet khi hợp đồng của IANA với ICANN kết thúc vào tháng 9 năm 2015. Một lần nữa, Bộ thương mại Hoa Kỳ đưa ra điều kiện rằng sẽ không chuyển giao quyền điều phối IANA cho bất cứ tổ chức nào được điều phối bởi cơ quan chính phủ hay đa chính phủ.
Các quan chức Hoa Kỳ nhấn mạnh họ đã luôn luôn có kế hoạch từ bỏ quyền điều phối IANA và trao lại cho cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, nhiều bình luận viên cho rằng đây là bước đi chiến lược của nội các Obama nhằm xoa dịu các chỉ trích quốc tế sau khi Edward Snowden tiết lộ hoạt động giám sát của Hoa Kỳ (tuy các chuyên gia cho biết các hoạt động của ICANN và NSA về cơ bản là không liên quan). Nhưng quan trọng hơn, nhiều chuyên gia tin rằng sự chuyển giao quan trọng này có thể mở ra những thay đổi lớn trong nhiều lĩnh vực khác của Quản trị Internet như bản quyền và an ninh mạng.
Jonathan Master, CFR
Lê Duy Nam, lược dịch
It’s remarkable designed for me to have a website,
which is beneficial designed for my knowledge. thanks admin