Home Đọc Tại sao xã hội vẫn cần người hùng? – Từ anh hùng cổ đại đến chủ nghĩa anh hùng suy đồi

Tại sao xã hội vẫn cần người hùng? – Từ anh hùng cổ đại đến chủ nghĩa anh hùng suy đồi

Tôi muốn kể với các bạn một câu chuyện mà tôi được biết để bắt đầu cho bài viết bàn luận về người hùng và chủ nghĩa anh hùng mà tôi đã ấp ủ từ lâu. 

Năm 2020, giữa lúc cả thế giới đều sống trong biệt lập và run rẩy trước đại dịch COVID-19, chúng tôi nhận được một lời giới thiệu từ ông Chuck Searcy, một cựu chiến binh Mỹ đang rà phá bom mìn khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam. Ông Chuck giới thiệu về những cựu tù binh Mỹ bị giam cầm tại Hà Nội trong chiến tranh Việt Nam khi trở về Mỹ đã cất lên tiếng nói phản chiến để góp phần chấm dứt cuộc chiến phi nghĩa này. Và người kể lại câu chuyện ấy trong cuốn sách của mình, ông Tom Wilber đã liên lạc với chúng tôi. Tôi chịu trách nhiệm về bản dịch của cuốn sách, bởi ở thời điểm đó, câu chuyện này khá nhạy cảm và không dễ xin giấy phép tại Việt Nam. Câu chuyện tôi muốn kể với các bạn nằm trong chính cuốn sách này, với tựa đề tiếng Việt là “Tù binh bất đồng chính kiến – Từ Nhà tù Hỏa Lò đến nước Mỹ hôm nay” (Dissenting POWs: From Vietnam’s Hoa Lo Prison to America Today).

Những tù binh chiến tranh người Mỹ là những lính bộ binh bị bắt ở miền Nam Việt Nam và đưa về Hà Nội cùng các phi công bị bắn rơi tại miền Bắc Việt Nam. Họ trở thành công cụ đàm phán dẫn đến hồi kết chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam, điều tất yếu ta thấy trong mọi cuộc chiến. Tổng thống Nixon tuyên bố rằng chỉ khi nào các tù binh được trao trả thì quân đội Mỹ mới rút khỏi Việt Nam, và từ phía Việt Nam cũng không nhượng bộ rằng sẽ chẳng tù binh nào được trao trả cho đến khi Mỹ rút khỏi cuộc chiến. Trong số các tù binh Mỹ ấy có ông Walter Wilber, cha của ông Tom Wilber, tác giả của “Tù binh bất đồng chính kiến”. Ông Walter trong những ngày bị giam cầm tại miền Bắc Việt Nam đã chứng kiến những người Việt Nam khác hẳn với tuyên truyền trên phương tiện truyền thông của nước Mỹ. Hóa ra những người Việt đã bắt giữ ông không phải những người mọi rợ, họ không tra tấn tù binh, cũng không đối xử tàn tệ với tù binh. Trong những năm tháng thiếu đói ấy, những người Việt đã dành những suất ăn thậm chí còn tốt hơn của chính họ cho những tù binh Mỹ vốn không quen biết. Đương nhiên, những Việt Nam không phải thiên thần, trong chiến tranh, những kỳ thị và nghi ngại, thậm chí là thù hận vẫn đâu đó thấp thoáng trong lời ăn tiếng nói, nhưng sau tất cả, vẫn không như những gì được truyền thông Mỹ mô tả trong các bộ phim như Rambo hay các câu chuyện ly kì khác từ chính những cựu tù binh khác. 

Ông Walter Wilber và đồng đội của mình, giữa vòng xoáy tuyên truyền bôi nhọ đối thủ tại nước Mỹ để khích động lòng căm hờn và tinh thần tận diệt kẻ địch, đã lên tiếng nói lên sự thật: rằng những người Việt Nam ở miền Bắc không phải kẻ mọi rợ, không phải khủng bố, rằng họ chỉ đang cố gắng chống trả cuộc xâm lược phi nghĩa của nước Mỹ, và điều quan trọng hơn cả, đó là cuộc chiến này phải chấm dứt ngay lập tức. Những diễn ngôn ấy đi ngược lại thông điệp tuyên truyền cũng như đại chiến lược của chính phủ Mỹ lúc bấy giờ, vậy là họ phải trải qua một chiến khác không bom đạn diễn ra ngay tại quê hương của mình. Họ bị bôi nhọ, bị quy chụp là phản quốc, là bị tâm thần, bị đe dọa, bị o ép. Thế nhưng, họ vẫn đấu tranh để nói lên sự thật, hoàn toàn vô vị lợi, hoàn toàn xuất phát từ lương tri. (1)

Trong câu chuyện này ẩn chứa sự xung đột của các ý niệm về người hùng. Những người hùng dễ thấy đó là những người lính chiến đấu vì tổ quốc, dù họ ở phe nào chăng nữa. Trên truyền thông, họ là những người hùng, họ được ca tụng, và họ nỗ lực để chứng minh phẩm chất anh hùng của mình trên chiến trường. Họ gắn bản thân với chủ nghĩa yêu nước với niềm tin rằng sự hi sinh của mình giúp bảo vệ quốc gia, bảo vệ đồng bảo của mình, trong đó có những người thân của mình. Đây là hình ảnh người hùng truyền thống và phổ biến từ Đông sang Tây, thường ăn sâu trong tâm thức của người dân truyền từ đời này sang đời khác. Những lãnh đạo của quốc gia, những người ra quyết định trong cuộc chiến tranh, có tính quyết định trong cuộc chiến cũng đeo đuổi một thứ chủ nghĩa anh hùng gắn liền với ý niệm về sự xuất chúng. Họ là những người gánh vác sứ mệnh dẫn dắt cho một quốc gia, và họ muốn chứng minh bản thân mình trong suốt thời gian đương nhiệm, để lại những dấu son trong lịch sử. Mô hình người hùng này cũng rất phổ biến, phổ biến tới mức lầm lẫn giữa bạo chúa và người hùng. Và mô hình thứ ba, là những trường hợp hiếm hoi, thậm chí rất hiếm trong lịch sử: những người hùng bảo vệ cái đúng, như câu thơ trong “Lục Vân Tiên” của cụ Đồ Chiểu: “Anh hùng tiếng đã gọi rằng/ Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha”. Sự tương phản của ba mô hình người hùng này gợi lên câu hỏi lớn rằng người hùng đích thực rốt cuộc là gì? Có phải chúng ta đã quá lạm dụng khái niệm “người hùng” hay chăng?

> Đọc thêm: Tom Wilber – Tôi đã có lòng trắc ẩn đối với những người Mỹ bám vào huyền thoại anh hùng – Book Hunter 

Ngày xửa ngày xưa có một người hùng…

Một ý niệm nói lên tình trạng chân xác của nhân loại đã xuất hiện trong mọi thần thoại: “người trần đoản mệnh”. Qủa vậy, con người là sinh vật yếu đuối về thể trạng, gần như không thể sống tách biệt khỏi cộng đồng. Một cách bản năng, chiến lược sinh tồn thường thấy của con người từ thuở lọt lòng không phải là tấn công kẻ địch, mà là triệu hồi mọi sự bảo vệ có thể có. Trẻ sơ sinh bằng ánh mắt, tiếng khóc, sự tiếp xúc da thịt… đã kích thích các hormone gắn bó (oxytocin, dopamine, vasopressin) ở người lớn, nói một cách khác, chúng đã tạo ra sự đồng bộ sinh học hành vi (biobehavioral synchrony) để có được sự bảo vệ cần thiết. (2) Những hành vi gắn bó này đã được điều chỉnh dần khi những đứa trẻ lớn lên thành người dân của một cộng đồng. Họ luôn tìm kiếm các đối tượng để kích thích các hormone này, ai đó có thể cảm thấy phấn khích vì được tán thưởng tài năng, được truyền động lực sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để chăm lo và bảo vệ người khác (được cho là yếu thế hơn), dễ dàng bị ràng buộc tình cảm với các cá nhân trong cộng đồng tới mức xả thân vì quyền lợi chung của cộng đồng ấy. Và họ gọi những người ấy là “người hùng”.

Ta có thể tìm được mục đích này trong khái niệm “người hùng” của Hy Lạp cổ đại. Từ ἥρως, được viết là “hero” trong tiếng Anh, có nghĩa gốc là “người bảo vệ” hay “người che chở”. Thần thoại Hy Lạp nói riêng và thần thoại thế giới nói chung đều xây dựng hình ảnh người hùng theo ý nghĩa này. Họ là những người gánh vác trên vai sứ mệnh bảo vệ những người dân thường, dẫu là bắt buộc hay tự lựa chọn. Nhưng nghịch lý rằng, trong các thần thoại, không phải người hùng nào cũng có những hành động mang tính bảo vệ như vậy. Trong thần thoại, có những người hùng chiến đấu với kẻ ác để bảo vệ người dân như Perseus, có những người hùng yêu thích chiến công như Achilles, có những người hùng đơn giản là chơi đàn tuyệt hay như Orpheus, có những người hùng bị số phận đưa đẩy vào các tình huống khó khăn và buộc phải vượt qua như Hercules, có người chiến đấu vì gia tộc của mình như Hector… Vấn đề rằng, họ vẫn được gọi chung bằng khái niệm ἥρως – hero – người hùng. Ta phải xem xét nội hàm đích thực của từ “người hùng” ở thời Hy Lạp cổ đại, liệu có phải để gọi ai đó dũng cảm vượt trội, những người có thể chiến đấu, có thể bảo vệ và săn sóc người yếu thế hơn, những người có phẩm tính cao quý phi thường… hay không? Bởi ở họ vẫn có những phần tầm thường như mọi người trần đoản mệnh khác: có lúc tham lam, có lúc yếu đuối, có lúc bất lực, có lúc điên rồ… Nếu xem xét xuất phát điểm của những người hùng này, ta sẽ thấy rằng họ đều có nguồn gốc thần thánh xa xôi, và gần hơn chính là các dòng dõi quý tộc trong xã hội. Một khi xuất thân trong dòng dõi quý tộc ở các thành bang xa xưa, luôn phải đối mặt với sự tấn công từ thành bang khác hoặc các nhóm dân barbarian (man di), bất cứ ai đều cũng phải gánh vác trên vai sứ mệnh của “người hùng”, tức người bảo vệ cộng đồng. “Người hùng” giống như một thứ đạo hành xử, tương đương với đạo quân tử trong Nho giáo, thậm chí, tựa như một đẳng cấp người, hoặc một sự tôn xưng của thế hệ sau dành cho những người được cộng đồng dân cư yêu mến vì công lao hay tài năng (dẫu cho đâu đó có sai lầm trong cuộc đời). 

Người Hy Lạp cổ đại có nhiều hình thức khác nhau để lưu truyền câu chuyện về những người hùng, mà thực chất là những nhân vật nổi trội trong dòng chảy quá khứ ở cộng đồng họ. Các khúc tụng ca trong các lễ tế có lẽ là hình thức sơ khai nhất. Ở những khúc tụng ca này, người hùng được siêu nhiên hóa, mang thần tính, thậm chí là mang dáng dấp của vị thần. Chính những vị thần cũng có thể là những người hùng, đã được siêu nhiên hóa, mang quyền năng phi thường vốn là tài năng của họ, với các chiến công hoặc công lao lừng lẫy. Vị thế cao nhất của một người hùng, đó là sự “thần hóa” người hùng, tức là người hùng đã biến thành vị thần, thậm chí vị thần tối cao, vị thần mang dáng dấp của người hùng. Thomas Carlyle đã khơi gợi khía cạnh “thần hóa” người hùng này qua những luận giải về vị thần Odin tối cao trong thần thoại Bắc Âu. Odin là một ví dụ điển hình cho mô hình thần linh, khi người hùng được tôn thờ ở địa vị tối cao: trở thành vị thần trong tâm thức của người dân Scandinavi mà ở đó tài năng và tư tưởng của ông được đồng nhất với sự vĩ đại của Tự Nhiên, mang sức mạnh của Tự Nhiên. (3)

Tìm hiểu thêm: Bàn về Người Hùng, Tín Ngưỡng Người Hùng và Tinh Thần Anh Hùng – Thomas Carlyle – Book Hunter Lyceum

Cùng với sự phát triển của các hình thức diễn xướng, những sử thi và kịch (chủ yếu là bi kịch) đã biến người hùng và các vị thần trở nên gần gũi hơn, gần gũi tới mức họ cũng có những thói hư tật xấu của người thường. Trong “Thi ca luận”, Aristotle đã đúc rút cấu trúc xây dựng nhân vật chính diện của bi kịch và sử thi đều là “mô phỏng những nhân vật cao cả”. (4)  Không chỉ vậy, cả hai hình thức này đều khắc họa những hành động phi thường của các nhân vật, trong đó người hùng là trọng tâm, và ngay cả những nhược điểm của những nhân vật như vậy cũng được biểu thị theo cách đẹp đẽ. (5) Dần dần, với sự phát triển của văn hóa viết tại nền văn minh này, những câu chuyện về các vị thần và người hùng được ghi chép ở dạng huyền sử. Mô hình khắc họa người hùng của Hy Lạp cổ đại không những được tiếp tục duy trì ở La Mã cổ đại và lan rộng ở Châu Âu sau này (dòng tiểu thuyết hiệp sĩ), mà kỳ thực, từ trong tầng sâu tâm thức dân gian ở mọi nền văn hóa đều có phương thức khắc họa tương tự: dù là những người anh hùng Arjuna trong MahaBharata hay Rama trong Ramayana của Ấn Độ, câu chuyện Hậu Nghệ bắn rơi Mặt Trời hay truyền thuyết Na Tra ở Trung Quốc, ta cũng bắt gặp phương thức này trong sử thi về anh hùng Chương Han của người Thái, anh hùng Đam San của người Ê đê, Sơn Tinh và Thánh Gióng trong tín ngưỡng dân gian của miền Bắc…

Các nền văn hóa khác nhau có thể xây dựng những chân dung anh hùng khác nhau, với cách đánh giá công tội khác nhau, mức độ biểu hiện tính cách đậm nhạt khác nhau tùy vào quan điểm thẩm mỹ, nhưng đều nhấn mạnh vào điểm nổi trội nhất của người hùng: tài năng. Không một người hùng cổ điển nào có thể thiếu đi tài năng của mình và chính yếu tố tài năng ấy tạo nên tố chất “vĩ nhân” của người hùng. Định nghĩa người hùng gắn liền với tài năng nằm trong ngữ nghĩa của chữ “anh hùng” (英雄) trong tiếng Trung, trong đó chữ “hùng” vừa có nghĩa là người đàn ông mạnh mẽ vừa có nghĩa chỉ sự kiệt xuất, còn chữ “anh” cũng biểu thị cho tài năng xuất chúng. Mối quan hệ qua lại giữa tài năng và sứ mệnh cống hiến cho cộng đồng dường như là tất yếu bởi vì nếu không có tài năng thì không có gì để cống hiến cho cộng đồng và không có tinh thần cống hiến ấy thì tài năng cũng không thể phát huy hoặc rằng sẽ phát huy theo hướng đen tối và trở thành tội ác. Tuy nhiên, thế nào là “cống hiến” thì tùy vào giá trị một xã hội coi trọng mà một hành động được coi là công lao hay một năng lực được coi là tài năng và một người được coi là anh hùng. Ví dụ, lý tưởng “cướp của người giàu chia cho người nghèo” có thể biến kỹ năng trộm cướp thành một tài năng và kẻ trộm thành một anh hùng như trường hợp huyền thoại Robinhood ở rừng Nottingham nước Anh và trường hợp Thời Thiên trong tiểu thuyết “Thủy Hử” kinh điển của Trung Quốc. 

Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý, đó là yếu tố công lao của người hùng đối với cộng đồng không phải lúc nào cũng được phát biểu hoặc kể lại một cách rõ ràng, chúng ta sẽ thấy rằng đôi khi những người hùng hành động đơn giản vì một cuộc phiêu lưu nào đó đến từ nội tại. Joseph Campbell đã phát hiện ra yếu tố ẩn ngữ trong các biểu tượng phiêu lưu như vậy của người hùng, đó là sự tìm kiếm thứ khuyết thiếu trong cộng đồng (6), tiếc rằng ông không triển khai sâu giải mã yếu tố này mà chỉ đi vào tầng nghĩa hành trình tâm thức trong những cuộc phiêu lưu của người hùng. Ví dụ kinh điển nhất phải kể đến cuộc phiêu lưu đi tìm bộ lông cừu vàng của người anh hùng Jason trong thần thoại Hy Lạp mà Campbell lấy ví dụ cho tiếng gọi nội tại, tiếng gọi định mệnh trong tâm thức. Bộ lông cừu vàng ấy vốn có nguồn gốc từ sự bảo vệ của thần Zeus dành cho hai đứa con “ngoài giá thú” của mình, có thể hiểu rằng nó đại diện cho sự bảo vệ của thần thánh. Đi tìm biểu tượng của sự bảo vệ, theo tôi, điều đó cho thấy cộng đồng mà Jason sống trong đó hoặc cộng đồng lưu truyền câu chuyện ấy lúc bấy giờ dường như tràn ngập sự bất an, dễ dàng bị tấn công và đứng trước những nguy cơ đổ vỡ. Bản thân Jason là nạn nhân của cuộc tranh đấu quyền lực trong hoàng tộc, một tình huống hỗn loạn có thể dẫn tới nhiều bất an. Khi bị kẻ xấu đang cầm quyền tức người anh em cùng cha khác mẹ thách thức phẩm chất người hùng, Jason đã xuất phát đi tìm bộ lông cừu vàng. Jason không hành động đơn độc giống như Perseus hay Hercules trong cuộc phiêu lưu của riêng họ, chàng chọn cách mời những người hùng khác cùng tham gia đoàn thuyền Argonaut. Tôi cho rằng Argonaut là một ẩn ngữ mang tính giải pháp cho tình huống bất an của cộng đồng, giải pháp thực sự không nằm ở bộ lông cừu vàng, mà nằm ở đoàn người hùng – những người tài năng và sẵn sàng cống hiến. Tuy nhiên, những người hùng trên Argonaut đã rời bỏ Jason sau khi bộ lông cừu vàng được tìm thấy, tức sứ mệnh kết thúc. Sự rời bỏ của những người hùng khác của Argonaut và cái kết cay đắng của Jason hàm ý rằng giải pháp mà người hùng nỗ lực tìm kiếm cho cộng đồng đã thất bại. 

Thomas Carlyle trong các bài giảng kinh điển của mình về người hùng được tập hợp trong một tập tiểu luận có tựa đề “Bàn về Người Hùng, Tín Ngưỡng Người Hùng và Tinh Thần Anh Hùng” đã gọi những người hùng theo motif cổ đại này là những vĩ nhân. Ông tuyên bố: “Lịch sử Nhân Loại, lịch sử về những gì con người đã đạt được trên thế giới này, cơ bản là Lịch sử của những Vĩ nhân đã cống hiến nơi đây. Họ là những nhà lãnh đạo của loài người; những người tạo lập mô hình, các khuôn mẫu, và theo nghĩa rộng là những nhà sáng tạo; của bất cứ thứ gì mà đại đa số con người cố gắng thực hiện hoặc đạt được; tất cả những thứ mà chúng ta thấy được thực hiện trên thế giới, chính xác là kết quả vật chất bên ngoài, sự hiện thực hóa và hiện thân thực tiễn, của những Tư tưởng ngự trị trong các Vĩ nhân được gửi đến thế giới: linh hồn của toàn bộ lịch sử thế giới, có thể được nhìn nhận một cách đúng đắn, là lịch sử của những con người này.” (7)

Yếu tố công lao của người hùng không phải lúc nào cũng mang tính vĩ mô vì lợi ích của cộng đồng như trong sử thi và bi kịch. Vai trò của sử thi và bi kịch thường là những đại tự sự mang tính diễn xướng cho một đám đông trong cộng đồng, đôi khi được trình diễn trong các lễ tế, do vậy, thường chạm đến mối quan tâm chung của cộng đồng và những biểu tượng chung của cả cộng đồng. Ngược lại, cổ tích mang tính cá nhân hơn, thường được kể trong quy mô gia đình hoặc giữa cá nhân với cá nhân, theo cách tác giả “Nghìn lẻ một đêm” mượn lời nàng Seherazat kể cổ tích cho vua Harun al-Rashid. Bởi thế, người hùng trong cổ tích cũng thường ít những hành động lớn lao và ít thực hiện các hành động vì cộng đồng, mà đến từ động lực cá nhân nhiều hơn, theo motif giải cứu công chúa, đi tìm người thân bị mất tích, chống lại kẻ gian ác… Tuy nội dung ngắn hơn và đơn giản hơn, nhưng cổ tích thể hiện tính cách nhân vật chân thực và gần gũi hơn so với sử thi và bi kịch, và thường hàm chứa các dụ ngôn đạo đức. Người hùng trong cổ tích luôn là đại diện cho ý niệm “thiện thắng ác” trong dân gian mà ở đó tài năng không quan trọng bằng động lực tự thân. Người Do Thái có một khái niệm để gọi động lực tự thân này: “Tzedek”, có nghĩa là trách nhiệm đạo đức. Nếu người hùng sử thi và bi kịch đâu đó có thể hành động phi đạo đức trong hành trình phiêu lưu của mình để đổi lấy thành công lớn hơn (như trường hợp Jason) thì người hùng trong cổ tích ở mọi nền văn hóa chỉ đơn giản là làm điều phải làm – Tzedek. 

Phẩm tính đạo đức – người hùng như một hình mẫu văn hóa

Khi một cộng đồng lựa chọn một người hùng để ca ngợi hay cao hơn là sự tôn sùng, họ không chỉ nghiêng mình khâm phục trước tài năng của người hùng, hay biết ơn những công lao mà người hùng ấy đã cống hiến, từ trong sâu thẳm, họ kính ngưỡng phẩm tính đạo đức vượt trội. Con người có thể sống hiền lành, nhưng một người luôn sáng ngời phẩm tính đạo đức nào đó, thực sự là một người vượt trội. Các tác phẩm bi kịch một cách truyền thống đều khai thác những con người có phẩm tính đạo đức nhưng bị rơi vào nghịch cảnh để thách thức thành trì đạo đức nơi họ, ta có thể gọi họ là người hùng. Qúa trình vật lộn đầy thử thách này chính là dòng chảy của cái bi trong tâm thức của người hùng mà, theo Aristotle, từ đó tính cách của nhân vật được biểu lộ: “Tính cách là cái bộc lộ mục đích đạo đức, cho thấy một người nên lựa chọn hay tránh những điều gì.” (8)

Tìm hiểu thêm: Thi ca luận (Περὶ ποιητικῆς) – Aristotle – Book Hunter Lyceum

Phẩm tính đạo đức của một người hùng luôn được biểu hiện rõ rệt trong hình tượng những người hùng cổ xưa, ngay cả khi họ có những khiếm khuyết thì giữa phẩm tính ấy và thói hư tật xấu của họ vẫn có sự tách biệt rõ rệt. Những người hùng cổ xưa, vốn là những vĩ nhân được cộng đồng tôn sùng, tất yếu là đại diện cho đời sống đạo đức của đại đa số người trong cộng đồng ấy. Phẩm tính đạo đức ở hình tượng người hùng cũng chính là những lựa chọn đạo đức của cộng đồng truyền đời, nói một cách khác, người hùng là một hình mẫu văn hóa. 

Thomas Carlyle (1795 – 1881) là học giả hiếm hoi đi sâu vào hình mẫu văn hóa của người hùng, ông chọn lựa các hình mẫu theo ba chiều hướng: chiều hướng thời gian, chiều hướng không gian, và chiều hướng phận vị. Ở chiều hướng thời gian, Carlyle đi từ hình mẫu người hùng cổ đại đến những người hùng cách mạng của chính trị cận đại. Ở chiều hướng không gian, ông dịch chuyển từ Bắc Âu xa xôi tới xứ sa mạc Ả Rập và đi vào lõi của trung tâm châu Âu. Ở chiều hướng phận vị, ông đi từ mô hình chiến binh cổ xưa, đến ngôn sứ, các nhà thơ, nhà văn và những nhà chính trị sau này. Ở mỗi hình mẫu văn hóa, ông lý giải đồng thời lựa chọn hành động của người hùng trong bối cảnh cộng đồng mà ở đó phẩm tính đạo đức được bộc lộ với phẩm tính cộng đồng ảnh hưởng lên hình tượng người hùng. 

Carlyle nhận thấy dân tộc tính trong các hình tượng người hùng, đặc biệt qua hai hình mẫu thần linh và ngôn sứ. Odin, vị thần người hùng của Bắc Âu, mang dáng vẻ hoang dã của những người viking ở Scandinavia, cùng lòng quả cảm của một chiến binh, mang tầm vóc kỳ vĩ của Tự Nhiên: “ …dù bản thân Odin đã biến mất hoàn toàn, thì cái bóng khổng lồ này của Ngài vẫn tự nó bao trùm lên toàn bộ Lịch sử Dân tộc Ngài…Cách ngài tư duy đã trở thành cách tư duy của họ: như vậy, kể cả trong những hoàn cảnh mới, đây vẫn là lịch sử của mọi nhà tư tưởng vĩ đại. Trong những dấu ẩn lớn lao nhưng lộn xộn, giống như một phòng tối của ống kính lớn khổ nào đó được ném lên từ vực sâu chết chóc của Quá khứ, và bao phủ toàn bộ Thiên đường phương Bắc, Thần thoại Scandinavia theo cách nào đó chẳng phải là Bức chân dung của người đàn ông Odin này sao? Hình ảnh khổng lồ về khuôn mặt tự nhiên của ngài, dù rõ ràng hay không, được mở rộng và trở nên lẫn lộn trong cách phát triển đó!…Tín ngưỡng Người Hùng của người Scandinavia này, toàn bộ cách người Bắc Âu nhìn nhận về Vũ trụ và cách họ thích nghi với nó, chứa một giá trị không thể phá hủy đối với chúng ta. Một cách hoang sơ và ngây dại để nhìn nhận sự thiêng liêng của Tự nhiên, sự thần thánh của Con người; sơ khai nhất, nhưng chân thành, mạnh mẽ, giống một gã khổng lồ; báo hiệu rằng đứa trẻ này sẽ lớn lên thành một người khổng lồ như thế nào!” Hình tượng của Odin phản ánh những vẻ đẹp đẽ, kỳ vĩ, lớn lao mà người dân Scandinavia mơ tưởng, tôn sùng, không phải vẻ thánh thiện nơi những bức tượng Kito giáo, mà ngây thơ và hoang dã, đúng như con người nơi đây: “Tôi cảm thấy rằng những người Bắc Âu cổ xưa này đã chiêm ngưỡng Tự nhiên bằng đôi mắt và tâm hồn rộng mở: nghiêm túc và trung thực nhất; ngây thơ như trẻ con, nhưng cũng rất trưởng thành; với sự giản dị cao thượng, sâu sắc và tươi mới, một cách chân thật, yêu thương, ngưỡng mộ và không sợ hãi. Một dòng dõi cổ xưa đúng nghĩa quả cảm và trung thực.” (9)

Carlyle cũng nhận ra tinh thần anh hùng thuần khiết và ngây thơ này ở ngôn sứ Mohammed cùng những phẩm tính đạo đức cao cả mà những người dân Ả Rập tôn sùng. Hình mẫu ngôn sứ là giao điểm giữa sự thần hóa người hùng và người hùng phàm trần. Ở hình mẫu này vừa có một hành trình nội tại để chạm đến thực tại sâu kín nhất, bản thể của tồn tại, vừa là sự cống hiến cho cộng đồng hoang dã của những người Ả Rập ở thời mà ông sống. “Từ nơi tối tăm của mình, ông có thể tiếp thu nhiều điều trong Vũ trụ vô tận này, bằng chính đôi mắt và suy nghĩ của mình, và ở đó còn rất nhiều thứ mà ông không biết nữa. Thật thú vị, nếu chúng ta suy nghĩ về việc không có sách vở hồi đó. Ngoại trừ những gì ông có thể tự mình nhìn thấy, hoặc nghe được từ những lời đồn không chắc chắn ở sa mạc Ả Rập ít người biết đến, còn lại ông không thể biết gì hơn thế. Trí tuệ đã có trước ông hoặc ở một khoảng cách xa ông trên thế giới, dù tốt đẹp nhưng không ở đó với ông. Trong số những linh hồn anh em vĩ đại, những ngọn đèn sáng rực xuyên qua rất nhiều vùng đất và thời gian, không ai trực tiếp giao tiếp với linh hồn vĩ đại này. Sâu thẳm trong lòng vùng hoang mạc; ông ở đó một mình và phải lớn lên như vậy,—đơn độc với Tự nhiên và những Tư tưởng của riêng mình.” Mohammed vốn không phải một nhà chính trị, ông cũng không phải là một vị vua trong cộng đồng, ông đơn giản là một nhà buôn sáng suốt, khao khát chân lý giữa một thời đại tối tăm của dân tộc mình, quờ quạng tìm kiếm điều cao cả giữa những thói lừa lọc, man dã, hung bạo trong đời sống hoang mạc. Ông không đảm nhận vai trò của một chiến binh chinh phạt, không hi sinh để bảo vệ người yếu thế, sứ mệnh và công lao của ông là “luôn chân thành” và hành động của ông chính là cất lên tiếng nói từ trái tim: “Một tâm hồn vĩ đại thầm lặng; ông là một trong những số người không thể là gì khác ngoài một người đứng đắn; người mà chính Tự nhiên đã chỉ định ông phải luôn chân thành. Trong khi những người khác tuân theo các rập khuôn, những lời đồn đại, và đủ hài lòng để sống với những thứ đó, thì người đàn ông này không thể che giấu bản thân mình trong các rập khuôn; ông đơn độc với tâm hồn của chính mình và hiện thực của các sự vật. Như tôi đã nói, Bí ẩn vĩ đại của Sự Tồn Tại đã chiếu sáng lên ông, với sự khủng khiếp và vẻ huy hoàng của nó; không lời đồn đại nào có thể che giấu thực tế không thể diễn tả đó, “Đây Ta ở đây!” Chính sự chân thành như vậy, như chúng ta đặt tên cho nó, thực sự có một điều gì đó linh thiêng.” (10) Có lẽ Joseph Campbell đã chịu ảnh hưởng tư tưởng này của Carlyle khi giải mã hành trình nội tại của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, một hành trình đi tìm chân lý được thôi thúc từ trái tim, mà cuộc chiến là những trói buộc bên trong mình. (11) Ở một cấp độ gần với thế tục hơn của ngôn sứ, đó chính là linh mục, những người đại diện cho hệ tư tưởng của ngôn sứ, lãnh đạo cộng đồng trong tinh thần của ngôn sứ. Linh mục cũng là một hình mẫu người hùng, và trong số những linh mục, Carlyle lựa chọn những linh mục cải cách, những người không hề chống đối lại hệ tư tưởng, mà kỳ thực là trung thành và xuất sắc nhất của hệ tư tưởng ấy. Chính xác hơn, hình mẫu mà Carlyle muốn bàn đến không phải là các linh mục, mà là hình mẫu cải cách, những người dám chấn chỉnh lại lề thói của những tín đồ để hướng tới điều tốt hơn, gần với chân giá trị mà ngôn sứ truyền đạt hơn. (12) Tuy nhiên, ta cũng không nên giới hạn hình mẫu ngôn sứ và linh mục trong địa hạt tôn giáo. Ở nghĩa rộng hơn, ngôn sứ như những người chạm đến các quy luật của vũ trụ và thực tại, hé lộ cho cộng đồng còn đang mê muội trong vô minh; và linh mục là hình mẫu mang tính biểu tượng cho những người trung thành với lý tưởng tới mức mong muốn lý tưởng ấy gần với chân lý nhất có thể. 

Cũng tương tự như ngôn sứ, nhà thơ là người hùng, giống như người Hy Lạp cổ đại vẫn gọi Orpheus là người hùng trong thần thoại và sử thi của họ. Carlyle nhận định rằng ngôn sứ và nhà thơ có điểm tương đồng lớn lao nhất đó là chạm đến và truyền đạt điều thiêng, nhưng sự khác biệt quan trọng giữa hai hình mẫu này đó là ngôn sứ nắm bắt điều thiêng ở khía cạnh đạo đức còn nhà thơ thì ở khía cạnh thẩm mỹ. Cái đẹp, nhất là cái đẹp ngôn từ chính là quyền năng của nhà thơ, và công lao của nhà thơ chính là “nói ra một cách du dương ý nghĩa trong thâm tâm”. Các quốc gia có thể có lãnh thổ to lớn rồi dần trở nên bé mọn, dân số đông đúc rồi đến ngày thưa thớt, từng rất giàu mạnh và lụi tàn, nhưng chừng nào dân tộc ấy vẫn có thể cất lên tiếng nói của mình từ sâu thẳm trái tim một cách thuyết phục thì chừng ấy dân tộc vẫn có thể gắn kết với nhau. (13) 

Nếu nhà thơ thuộc về thế giới thiêng liêng, thì nhà văn trần tục hơn. Hình mẫu của nhà văn, như Carlyle nhận định, là đại diện mang tính thời đại, nảy sinh từ thị trường in ấn. Nhà thơ không phải đương đầu với cơm áo gạo tiền, nhưng nhà văn thì có. Carlyle đã phải thốt lên cám cảnh cho thân phận của nhà văn: “Nói hẳn ra thì kiểu cách Anh hùng này vẫn còn rất mới; có lẽ chỉ mới tồn tại trên thế giới được khoảng một thế kỷ. Trước khoảng một trăm năm ấy, chưa bao giờ thấy có bất kỳ hiện thân sống biệt lập theo cách dị thường như vậy; cố gắng nói lên nguồn cảm hứng trong mình bằng những cuốn Sách In, đồng thời tìm chỗ đứng và sinh kế bằng những gì thế giới muốn trao cho người đó để làm điều đó. Nhiều thứ đã được mua và bán, và được mặc cả ở khu vực buôn bán; nhưng trí tuệ được truyền linh cảm của một Linh hồn Anh hùng thì cho đến lúc đó chưa bao giờ thực hiện theo cách trần trụi như vậy. Con người đó, với những tác quyền này nọ, trong căn gác xép tồi tàn, trong chiếc áo khoác cũ kỳ; cai trị (vì đây đích xác là những gì người đó làm) từ tận nấm mồ của mình sau khi qua đời. Người đó sẽ cai trị toàn bộ vô vàn quốc gia và những thế hệ, những người mà kiểu gì sẽ hoặc không cho văn sĩ ấy miếng ăn khi họ còn sống,—đây là một cảnh tượng khá kỳ lạ! Rất ít hình thức của Chủ nghĩa Anh hùng có thể bất ngờ hơn thế này.” (14) Có thể nói, sứ mệnh của nhà văn rất gần với tất cả các hình mẫu người hùng đã được nhắc đến ở trên, điều khác biệt chính là vấn đề thời đại: sự tầm thường. Cuộc chiến đấu của nhà văn chính là kháng cự lại sự tầm thường luôn trực chờ đồng hóa họ và con người đương thời, sự tầm thường tới mức không tồn tại điều thiêng và chân lý ở trong cuộc sống, thay vì đó là những tối tư duy giả tạo và chủ nghĩa công thức tồi tàn. Cuộc chiến ấy có lẽ đã kéo dài từ thế kỷ 18, thời của Thomas Carlyle cho đến tận ngày nay, và sẽ thêm phần khốc liệt với sự ra đời của AI và thói đọc nội dung mỳ ăn liền trên Internet, ông gọi thời đại tầm thường dài dằng dặc này là “sự tê liệt về mặt tinh thần, không còn gì ngoài cuộc sống Máy móc”. (15) Khi đọc toàn bộ tác phẩm “Bàn về Người Hùng, Tín Ngưỡng Người Hùng và Tinh Thần Anh Hùng”, tôi nghĩ bản thân Carlyle cũng là một người hùng với phận vị nhà văn, cuốn sách là sự kháng cự lại tầm thường của thời đại, với một trái tim chân thành hướng về chân lý tối thượng. 

Cũng trong dòng chảy thời đại tầm thường ấy, bắt đầu nảy sinh những vị vua – những chính trị gia mới, những con người của đám đông, mà trong tác phẩm Carlyle phân tích qua hình tượng của Cromwell và Napoleon. Cả hai ông đều là những nhà chính trị có được quyền lực và sự ảnh hưởng từ bầu không khí hỗn loạn của xã hội và khích động được sự ủng hộ nhiệt thành của đám đông. Họ đều có ít nhiều sự chân thành trong các diễn ngôn lôi kéo đám đông, nhưng lại nhanh chóng bị đám đông nuốt chửng. Chúng ta có thể thấy bóng dáng của họ ở bất cứ chính trị gia nào được coi là “lý tưởng”, là “chân chính” ngày nay. Họ có rất ít sự chân thành, chẳng thể bằng những nhà cải cách, và rất xa vị vua chân chính nhất đã trở thành thần: Odin. Thay vì là hiện thân của Tự Nhiên, họ là hiện thân của đám đông với rất nhiều toan tính quyền lực thế tục. Tuy nhiên, theo tôi, hình mẫu vị vua – chính trị gia là loại hình mẫu điển hình và phổ biến nhất trong lịch sử, những người ứng với cách hiểu “người bảo vệ” trong “người hùng”. Dù họ có lạc lối khi nắm quyền lực, như những người đeo lên chiếc nhẫn chúa có thể mê hoặc và khích động người đeo nó cho tới khi họ mất hoàn toàn nhân tính, nhưng họ vẫn là người hùng, vì sau tất cả họ vẫn dám đảm đương thứ bẩn thỉu nhưng cần thiết cho xã hội này. Chừng nào người dân vẫn cần một sự an toàn, chừng ấy họ vẫn cần chính trị gia. 

Thứ chủ nghĩa anh hùng trong hình mẫu chính trị gia chính là điều khích động những vị vua, những tổng thống sa đà vào chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa yêu nước, tới mức họ sẵn sàng khích động chiến tranh. Có cuộc chiến chính nghĩa để bảo vệ quốc gia, nhưng ngay cả khi không thể có được một cuộc chiến chính nghĩa để chứng minh bản thân, họ có thể tự lừa mình và lừa người dân nước mình bằng các mối đe dọa xa vời, tất cả chỉ là cái cớ để họ được lao vào chiến tranh, để củng cố quyền lực và địa vị của mình. Bằng tất cả các phương tiện tuyên truyền trong tay, họ lây lan sự hiếu chiến ấy vào đám đông, khiến đám đông tình nguyện trở thành người hùng vì một lý tưởng bảo vệ mơ hồ nào đó. Họ bị ám ảnh và lôi cuốn tới mức bất cứ điều gì đi ngược lại thứ chủ nghĩa anh hùng ấy đều có thể bị coi là phản quốc. Đây là mâu thuẫn cơ bản trong câu chuyện về những người cựu tù binh Mỹ tại Việt Nam đã chiến đấu ngay trong lòng nước Mỹ mà tôi đề cập ở đầu bài viết. Những cựu tù binh ấy phải phản kháng lại thứ chủ nghĩa anh hùng suy đồi này, họ không có gì khác ngoài phẩm tính đạo đức quan trọng của mọi người hùng chân chính: sự chân thành và niềm khao khát sự thật. Họ không phải là những vĩ nhân, họ là những người bình thường như những người hùng trong cổ tích, chỉ đơn giản là thực hiện Tzedek, làm điều phải làm. 

Tinh thần anh hùng có thể khởi sinh từ bất cứ ai, nhưng một người bình thường không thể bỗng chốc trở thành người hùng. Như đã nói ở trên, người hùng cần các phẩm tính nhất định. Người ta cũng không thể có trở thành người hùng, bởi phẩm tính quan trọng nhất của người hùng là sự chân thành, chân thành cống hiến tài năng, chân thành kiếm tìm điều gì đó còn khuyết thiếu trong cộng đồng, chân thành bảo vệ người yếu thế, chân thành biểu đạt bản thân trong mọi hình thái…, nói chung, dù ở phận vị nào, họ đều chân thành làm điều phải làm. Cố trở thành người hùng tức là đã trộn lẫn sự chân thành với toan tính, mà một nửa sự chân thành tức là đã không còn chân thành nữa. 

Hà Thủy Nguyên

*Tranh minh họa: “The Education of Achilles” của James Barry

Khi người hùng lại chính là vấn đề

Về Robert Muller, Greta Thunberg, và việc tìm sức mạnh từ sự đoàn kết Khi nói đến biểu tượng cho cụm từ “đơn thương độc mã” bạn có thể sẽ nghĩ đến nhân vật người hùng trong bộ phim mới đây “Woman at War”. Bộ phim kể về một eco-saboteur (ND: người cố ý phá hoại các công trình với mục đích bảo vệ môi trường) người Iceland bắn cung siêu giỏi, với các cảnh làm nổ tung đường dây điện cao áp, cô ta

Chat với AI (1): Nếu Aristotle là chủ doanh nghiệp, ông sẽ làm gì?

ChatGPT đã trở thành một thực thể số thông minh, gợi cho Book Hunter nhớ tới Jarvis của Iron Man khi chatbot này có thể đưa ra nhiều gợi ý thú vị dựa trên năng lực thu thập, suy đón và diễn đạt đã được lập trình. Bắt đầu từ hôm nay, Book Hunter sẽ thực hiện những chuỗi bài Chat với AI về các chủ đề thú vị khác nhau. Do tiếng Việt của ChatGPT chưa được hoàn thiện, nên chúng tôi sẽ biên

Book Hunter

04/02/2023

LUÂN LÝ HỌC – CUỐN SÁCH RUNG CHUYỂN THẾ GIỚI CỦA TÔI

Lưu ý: Các khái niệm then chốt được nhắc tới trong bài như Phẩm hạnh, Tương giao, Tiết chế,… sẽ được làm rõ hơn trong cuốn sách Luân lý học. Thế giới của những cuốn sách thật là sâu sắc và kì diệu. Thật tuyệt khi những cuốn sách được viết từ nhiều thế kỷ trước vẫn có thể rọi lên một tia sáng trong tâm trí hiện đại của chúng ta. C.S. Lewis đã từng nói, "Một quy tắc tốt sau khi đọc một cuốn

Thomas Carlyle và những khám phá về lịch sử và nhân tính

Thomas Carlyle [caption id="attachment_33674" align="alignleft" width="209"] Mẹ của Thomas Carlyle (sao chép với sự cho phép của ông Alexander Carlyle)[/caption] Có rất ít người có học thức không giả vờ là đã từng đọc “Lịch sử Chủ nghĩa Duy lý ở châu Âu” của ông Lecky. Đây là một tác phẩm có khả năng bao phủ một khía cạnh rất quan trọng của việc phát triển trong thời hiện đại. Nhưng bức tranh về quá trình phát triển thật sự, sự tiến bộ về mặt

Hồng Linh

27/12/2024

Làm thế nào để hạnh phúc: 11 chỉ dẫn để có một cuộc sống tốt đẹp của Aristotle

Mọi người thường hòi "Tôi nên làm gì?" khi đối mặt với một vấn đề luân lý. Aristotle thúc giục chúng ta hỏi "Tôi nên trở thành loại người như thế nào?" Các ý quan trọng trong bài: Trong tác phẩm Luân lý học của mình, Aristotle đề xuất rằng con người là động vật lý trí, có tính xã hội luôn tìm cách “sống tốt”. Ông đề xuất một hệ thống luân lý được thiết kế để giúp chúng ta đạt được hạnh phúc

Book Hunter

21/12/2022