Đối nghịch với khuôn vàng thước ngọc của Chủ nghĩa cổ điển phương Tây, Chủ nghĩa lãng mạn tìm đến những cảm thức phóng cuồng và biểu tượng dị giáo để biểu thị cho tinh thần của mình. Điều này, tôi đã viết trong bài Chủ nghĩa lãng mạn: Từ cảm hứng giải phóng cá nhân đến cái lồng mới của nhân loại – Book Hunter. Nhưng không dừng ở đấy, các tác giả lãng mạn đi xa hơn vào những góc khuất của tâm hồn con người, nơi xưa nay vẫn được biểu trưng bằng Satan, quái vật, quỷ dữ, ác thần, hồn ma… Góc khuất ấy chứa đựng những phản ứng cảm xúc mà ta gán cho chúng những định danh thường gặp như cái ác, hung cuồng, bạo lực, khủng khiếp, ghê rợn, xấu xa… Và thế là, họ lạc bước vào một thế giới u ám của chính mình trong vòng xoáy u ám của nhân loại suốt dòng lịch sử.
Lãng mạn U ám (Dark Romanticism) với tuyên ngôn hạ gục thành trì lý trí
Họ gọi thế giới nghệ thuật này là Dark Romanticism, tôi dịch là Lãng Mạn U Ám. Tôi không muốn sử dụng từ “Đen tối” như một sự tương đương với “Dark” như thói thường vẫn dịch, bởi điều này có thể sẽ làm sai lệch nội hàm của khái niệm thành một thứ gì đó xấu xa, tồi tệ. “Dark” ở đây được hiểu như “góc khuất”, một trạng thái ẩn sâu, một sự đối nghịch với những gì đang hiển lộ, bị gạt ra bên lề tới mức gây sợ hãi. Khi một tác giả bước vào thế giới xa khuất ấy, mọi phản ứng cảm xúc nào của họ thông nhân vật chính đều được biểu hiện trên trang giấy, bất kể đó là giận dữ hay cuồng loạn thích thú với giết chóc, hay run rẩy sợ hãi. Hiệu ứng cảm xúc này mới là điều quan trọng được biểu hiện chứ không phải chủ đề hay cốt truyện. Chủ đề hay cốt truyện chỉ là cái cớ để dẫn dắt độc giả đi vào trạng thái cảm xúc ấy để trải và nghiệm. Đương nhiên, chúng cũng là cái cớ để gợi cho chính bản thân tác giả những sắc thái xúc cảm u ám.
Hãy xem bức tranh The Sleep of Reason Produces Monsters của Francis Goya. Đây là bức tranh nằm trong bộ 80 bức biếm họa với chủ đề Los Caprichos, biểu hiện các sắc thái điên rồ của hiện thực bằng bút pháp lãng mạn. Trong bộ tranh này, The Sleep of Reason Produces Monster có thể được coi như là tuyên ngôn của Goya. Một người đàn ông ngủ gục trên bàn ngổn ngang họa cụ và xung quanh là những sinh vật bóng đêm: dơi, cú và dưới chân là một con mèo ma quái. Con người đại diện cho duy lý, tuyên ngôn triết học quan trọng nhất của Cổ Điển và Khai Sáng, giờ đây đang ngủ gục, ý thức mất đi, và bóng tối bủa vây. Những cơn dơi xòe rộng cánh chiếm cả bầu trời như bầu không khí trong tiểu thuyết “Dracula” của Bram Stoker, những con cú phù thủy của rừng già, và con mèo nanh ác trợn tròn mắt gợi lên đêm của người chết… Bức tranh gợi nhiều chiều hướng, hoặc rằng khi duy lý ngủ say thì những con quỷ của bóng đêm sẽ kéo tới, hoặc rằng duy lý đã ngã gục trước sự xâm lấn của bóng đêm. Dẫu ở chiều hướng nào, chúng đều tượng trưng cho hai thái cực lý tính và vô thức đồng tồn trong hiện diện của con người, mà ở trong đó cái tôi lý tính gục ngã trước sức mạnh vô giới hạn của vô thức. Bức tranh chứa đựng nỗi ám ảnh và bút pháp điển hình của lãng mạn u ám: sự áp đảo của vô thức, những thứ bị chôn vùi trong góc khuất tâm thức của nhân loại, chúng đã trở về.
Hãy chú ý đến con mèo ngồi dưới chân Goya và nghĩ về con mèo đen của Edgar Allan Poe. Truyện ngắn “Con mèo đen” của Poe được xếp vào truyện kinh dị kinh điển, nhưng yếu tố kinh dị không phải cốt lõi trong tác phẩm của Poe. Tác phẩm của Poe gợi lên cảm giác ghê rợn, sợ hãi, tuyệt vọng, u uất, nhưng không có bóng dáng của những trạng thái giật gân. Mọi cảnh tượng trong “Con Mèo Đen” đều được đặc tả chậm rãi và kỹ lưỡng, biểu thị độ ma quái tự thân của con mèo. Không cần phải là một con ma mèo, chỉ đơn giản là một con mèo. Nhưng cảm giác ma quái, rùng rợn xâm nhập vào ta tất cả chỉ đánh thức phần ẩn giấu bên trong ta, một thứ được gọi là “linh tính”, thứ “linh tính” luôn giúp ta cảnh báo nguy hiểm cận kề hay tiên liệu một thị kiến tương lai. Thứ linh tính này bị lý trí đè nén bởi các tư tưởng Khai Sáng duy lý đã liên tục vùng vẫy, đấu tranh. Những ấn tượng mạnh, với cảm giác rùng rợn, tuyệt vọng giống như một liệu pháp gây shock để lôi tâm trí con người ra khỏi thứ khuôn thước đã thôi miên thông qua hệ thống trường học đề cao khoa học. Nếu ta chỉ đọc truyện ngắn “Con mèo đen” một cách đơn lẻ mà không đối sánh nó với tiểu luận ngắn “Linh tính và lý trí – Con mèo mun” của chính ông, ta sẽ không nhận ra điều này. Ông viết:
“Đường phân ranh giữa linh tính được phú ban cho một con vật, với lý trí kiêu hãnh của con người không còn nghi ngờ gì nữa, là điều hư huyễn nhất và khó chấp nhận nhất; đường ranh giới ấy là nơi còn khó sống hơn cả vùng Đông Bắc hay Oregon. Động vật thấp cấp có hay không có lý trí? Vấn đề này sẽ không bao giờ có thể ngã ngũ, và với vốn tri thức hiện thời của chúng ta, chắc chắn là không bao giờ. Lòng tự ái và sự kiêu hãnh của con người sẽ luôn chối bỏ năng lực suy tư nơi thú vật, vì việc nhìn nhận năng lực ấy dường như sẽ làm suy giảm vị thế tối thượng đầy kiêu hãnh của con người; nhưng chính con người vẫn luôn vướng mắc trong nghịch lý của việc làm giảm giá trị linh tính chỉ còn là một năng lực thấp kém, dù trong một trăm trường hợp, vẫn phải thừa nhận tính ưu việt vô hạn của nó trên cả lý trí mà con người xem là của riêng mình. Linh tính, không phải là một kiểu lý trí thứ cấp, có lẽ là thứ trí tuệ chuẩn xác nhất hơn tất thảy. Có lẽ vị hiền triết chân chính như thể tâm trí linh thiêng tức thì hoạt động nơi sinh vật đã được tạo tác nên.”
Bài tiểu luận ngắn này nằm trong tập tiểu luận “Linh tính và Lý trí – Những tiểu luận phê bình” của Edgar Allan Poe, do Book Hunter & NXB Đà Nẵng xuất bản, 2024.
Tìm hiểu thêm về tập tiểu luận phê bình “Linh tính và lý trí” của Edgar Allan Poe: Linh tính và lý trí – Edgar Allan Poe – Book Hunter Lyceum
Những nhận định này của Poe đã đi xa hơn bức tranh của Francis Goya trong sự tuyên bố thắng thế của linh tính. Poe còn đi sâu hơn vào giấc mơ, ông có một tiểu luận bàn về cấu trúc của tâm trí, linh hồn tương ứng với các loại giấc mơ. Nhưng hơn cả thế, trong thơ, ông đã đưa ra một tuyên ngôn quan trọng:
“Muôn điều ta thấy và cứ ngỡ
Chỉ là cơn mơ giữa giấc mơ.”
Trích bài thơ “Mơ ở trong mơ” của Edgar Allan Poe do tôi dịch. Xem bài đầy đủ: Mơ ở trong mơ – Edgar Allan Poe – Hà Thuỷ Nguyên (hathuynguyen.com)
Tuyên ngôn này rất quan trọng đối với Lãng Mạn U Ám nói riêng và toàn bộ trường phái Lãng mạn nói chung, và có lẽ nó mang tính triết học nữa. Poe khẳng định: những gì ta thấy bằng thị giác tiếp nhận từ thế giới có vẻ khách quan không hề thực, mà chỉ là chuỗi hình bóng được chụp lại trong tâm trí, và tới lượt nó cũng tác động tới thế giới. Sự hiện diện của một con người với đầy đủ tri giác, tất cả chỉ là một trạng thái “mơ ở trong mơ”. Thế giới quan của Poe tương đồng với tư tưởng về Thế giới được tạo tác từ ý niệm của Schopenhauer hay quan niệm về hư vô trong Phật giáo và “Nam Hoa Kinh” của Trang Tử. Lý trí cố gắng ghi nhận thế giới bên ngoài là hoàn toàn khách quan và con người cần thấu hiểu nó một cách có trình tự và thực chứng trong thế giới văn chương Lãng Mạn U Ám của Poe hoàn toàn bị sụp đổ bởi các cú shock cảm xúc ghê rợn mà không rõ nguyên cớ. Đó là một hiệu ứng Poe chủ đích gây ra, nhưng không phải để “bán chạy”, mà để gợi lên góc khuất nơi người đọc, đó có thể là cái ác, cái linh dị, cái ma quái, cái đau buồn; và từ đó mở đường cho sự chấp nhận thế giới ta đang chứng kiến và nỗ lực kiểm soát nó vốn hoàn toàn hư ảo, hoàn toàn mênh mông, vô định hình.
Sự định nghĩa gắn Lãng Mạn U Ám với các biểu tượng quỷ dữ hay yêu quái, hồn ma… rất phổ biến trong các từ điển định nghĩa. Nhà phê bình G. R. Thompson viết rằng “Những biểu tượng của Lãng Mạn U Ám phỏng theo cái ác được nhân cách hóa dưới hình dạng Satan, ác quỷ, ma, người sói, ma cà rồng và ma cà rồng” như biểu tượng của bản chất con người. Ông còn cho rằng Lãng Mạn U Ám nhấn mạnh sự sa ngã vào bóng tối của sợ hãi và tội ác của con người là do “không có khả năng hiểu đầy đủ những lời nhắc nhở đầy ám ảnh về một thế giới siêu nhiên khác dường như chưa từng hiện diện, sự bấn loạn triền miên trước những hiện tượng siêu hình mông lung và không thể giải thích được, xu hướng lựa chọn đạo đức sai lầm hoặc xấu xa mà không có thước đo hoặc quy tắc xác đáng, và cảm giác tội lỗi không tên kết hợp với sự nghi hoặc rằng thế giới bên ngoài là sự phóng chiếu ảo tưởng của tâm trí—đây là những yếu tố chính trong tầm nhìn về con người mà những người theo Lãng Mạn U Ám dường như đối lập với xu hướng chủ đạo của tư tưởng Lãng mạn” (Tư tưởng lãng mạn nhìn chung vốn coi con người như một thực thể đẹp đẽ trong mọi khía cạnh được biểu hiện, đặc biệt là Lãng Mạn Lý Tưởng vốn rất có ảnh hưởng và được thúc đẩy bởi các phong trào Cách mạng dựa trên nguyên mẫu từ Cách mạng Pháp 1789).
Lãng Mạn U Ám đặc biệt nở rộ tại Mỹ vào nửa cuối thế kỷ 19, dù rằng chúng được khởi xướng ở Châu Âu. Để lý giải sự nở rộ của Lãng Mạn U Ám tại Mỹ có lẽ cần một nghiên cứu dài, nhưng tôi lạm đoán rằng sự nở rộ đến từ thị hiếu của độc giả, mà thị hiếu đến từ sự đồng cảm. Khác với Châu Âu được phồn hoa đô hội rọi sáng, những người dân Mỹ lang bạt sống trong các thị trấn hoặc nông trại bị cô lập giữa vùng hoang vu, nơi ánh sáng của Nhà Thờ hay chính quyền chẳng thể che chở. Sợ hãi có lẽ là cảm xúc thường gặp ở đại đa số người dân Mỹ, đặc biệt là các trí thức và tầng lớp trung lưu vốn lệ thuộc vào vòng an toàn giả lập của nền văn minh. Họ liên tục ở giữa sự giằng co: một đằng là nền văn minh và sự hoang dã (ta có thể đọc sự giằng co này trong tác phẩm “Moby Dick” hay “The Typee” của nhà văn Lãng Mạn U Ám nổi tiếng Herman Melville tại Việt Nam vẫn được định vị chung chung là “văn học kinh điển”), một đằng là lý trí và một đằng là linh tính, một đằng là khuôn thước đạo đức và một đằng là cái ác không thể giấu diếm… Không giống như các tác phẩm Lãng Mạn U Ám ở châu Âu như “Faust” của Goethe, “Dracula” của Bram Stoker, “Frankenstein” của Mary Shelley, “Bức họa Dorian Gray” của Oscar Wilde… luôn cần sự ký thác cái ác trong một nhân vật dị giáo hay linh dị, Lãng Mạn U Ám của Mỹ tới từ những điều ẩn giấu trong các hiện tượng đời thường mà hàng ngày họ phải đối mặt.
Sự lan tỏa của giác rùng rợn gây sợ hãi có ảnh hưởng mạnh mẽ tới mức, tất yếu, báo chí và sau này là các phương tiện truyền thông nghe nhìn tận dụng chính các tác phẩm Lãng Mạn U Ám cũng như thi pháp của trường phái văn chương này để tạo ra các sản phẩm giải trí đắt khách. Sự tận dụng hiệu quả tới mức chúng hòa lẫn vào các câu truyện ma, truyện kinh dị, những vụ án giết người man rợ, và dần dần những tác phẩm văn chương như “Dracula” hay “Frankenstein” và có lẽ cả truyện ngắn của Poe bị chính các học giả nghiên cứu đặt ngoài xếp hạng văn chương hàn lâm. Hoặc có lẽ, như Poe nhiều lần khẳng định trong các tiểu luận của ông phê bình nền báo chí văn nghệ của Mỹ, rằng đó chỉ là vấn đề lợi ích nhóm.
Lãng Mạn U Ám đã đi vào văn chương Việt Nam rất tự nhiên dù chẳng nhà phê bình nào khơi gợi hay cổ xúy
Cách đây gần 20 năm, khi tôi đọc những bài thơ kỳ dị của phong trào Thơ Mới tại Việt Nam, có thể kể ra đây một vài ví dụ điển hình như:
“Ôi! Sọ người! Sọ người! – Gương phép tắc.
– Ngọc Kiều ơi! ghé lại ngắm dung nhan.
Ngọc Kiều ơi ta chợp lấy tim nàng,
Tim nàng bằng đá, tim nàng bằng sắt.
Ngọc Kiều ơi! Hơi độc sắp tràn lan!
Người ngất ngư – Chết trong muôn thế kỷ!
Chạy điên rồ… đứng sựng giữa xương ma.
Người là ai? Người có phải là ta?”
Trích bài thơ “Sọ Người” của Bích Khê
hay
“Ta gởi bài thơ anh linh,
Hỏi người trong mộ có rùng mình?
Nắm xương khô lạnh còn ân ái?
Bộ ngực bi thương vẫn rợn tình?”
Trích bài thơ “Gửi người dưới mộ” của Đinh Hùng
hay
“Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết
Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh,
Đừng nắm lại nguồn thơ ta đang siết
Cả lòng ta trong mớ chữ rung rinh.”
Trích bài thơ “Rướm Máu” của Hàn Mặc Tử
tôi đã hỏi một nhà phê bình gạo cội nghiên cứu sâu về thi pháp của phong trào Thơ Mới rằng những bài thơ này thuộc trường phái nào? Câu trả lời tôi nhận được đó là, thơ của Đinh Hùng và Bích Khê thuộc Tượng Trưng còn Hàn Mặc Tử thuộc Siêu Thực, và được xếp vào đỉnh cao của phong trào Thơ Mới, với thi pháp thoát khỏi thi pháp của Lãng Mạn. Câu trả lời đương nhiên không thỏa mãn tôi. Thi pháp tượng trưng hay siêu thực từ quan điểm ấy đang bị giản lược thành thủ pháp với những quy ước, tôi xin hẹn một bài viết khác có thể đi sâu vào những chủ nghĩa này, còn ở đây, tôi muốn khẳng định rằng việc phân định một tác phẩm văn chương hay rộng hơn là một tác giả thuộc trường phái nào không thể chỉ dựa trên thủ pháp mà còn cần phải quan sát tiến trình tiến triển trong tổng thể thế giới quan của người sáng tác. Từ thế giới quan có lẽ quá khô cứng và mang tính lý luận, tôi thích cách dùng từ của nhà phê bình Đặng Tiến khi viết về Đinh Hùng hơn: “thi giới”. Vâng, thi giới quan trọng hơn thủ pháp. Những câu thơ lời văn thần sầu quỷ khóc của Đinh Hùng, Bích Khê, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử… luôn gợi cho tôi nghĩ tới Poe (Con quạ ở “Nấm mộ” của Bích Khê có khi nào cũng là “Con quạ” của Poe hay chăng).
Không thể phủ nhận, Phong trào Thơ Mới ở Việt Nam chịu ảnh hưởng hoàn toàn của Lãng Mạn Pháp. Lãng Mạn là một niềm cảm hứng giải phóng lớn lao, nó đã giải phóng Châu Âu và giải phóng bao nhiêu nam thanh nữ tú Việt Nam vào nửa đầu thế kỷ 20 khỏi khuôn thước của Nho giáo, để tự do yêu đương, tự do thoát khỏi những trách nhiệm xã hội, thậm chí tự do khỏi niêm luật của lối thơ “đi thi”. Lãng Mạn không phải là một thủ pháp, mà là một cú huých về mặt tinh thần, một lời hiệu triệu phá lồng, và chẳng cây bút nào mà không hồ hởi đón nhận. Cú huých ấy đã mở ra đủ các thi giới khác nhau. Có những tác giả chung nhau một thi giới, có những tác giả một mình ngự trị một thi giới. Và trong số các tác giả độc chiếm một thi giới riêng mình, những cây bút gợi nên vẻ đơn độc, lạnh lẽo tới mức ma quái, rợn mình lại chiếm phần đa số, có lẽ vì thi giới ấy đáng sợ quá, chẳng mấy ai dám bước vào. Các tác giả này không còn chông chênh giữa hai miền thực ảo mà đã ngả sang cõi mộng hoàn toàn dẫu cho cõi mộng ấy toàn quỷ ma và đẫm máu. Cho tới khi nghiên cứu về Lãng Mạn U Ám qua “Bức họa Dorian Gray” của Oscar Wilde và các sáng tác của Edgar Allan Poe, tôi có thể khẳng định rằng họ đã bước vào Lãng Mạn U Ám. Nếu Đinh Hùng chán những vở bài lớp học để đắm mình trong ám ảnh cái chết hay chán ngấy vẻ đô thị tầm thường chật hẹp để gầm gào đánh thức “man rợ”, thì Hàn Mặc Tử từng bước trải qua sự vỡ tan cái nhã của Á Đông trong những đêm trăng ở trại phong, Bích Khê đối mặt với bệnh di mộng tinh tới chết để cảm nhận sâu sắc về vẻ đẹp của cái chết mâu thuẫn với vẻ xuân trong hình ảnh xuân thì vĩnh viễn nơi nàng thơ… Đương nhiên, các tác giả này chẳng bao giờ tuyên ngôn mình thuộc trường phái nào, sự ấn định họ vào các trường phái nào là việc của nhà phê bình, chẳng chút ảnh hưởng gì tới sự sáng tác của họ, nhưng lại liên đới tới cách tiếp cận thi giới của họ ở độc giả. Khi xếp các tác giả này bên ngoài Lãng Mạn và gán họ vào Tượng Trưng hay Siêu Thực thì đồng thời cũng phủ nhận việc chấp nhận các xúc cảm điên loạn, tuyệt vọng, hoang dại, ma mị… nơi họ là một điều gì đó…không phải cảm xúc. Điều này thật nực cười, cứ như thể toàn bộ những xúc cảm vốn chỉ đơn giản trong những sắc thái nhẹ nhàng, đời thường như vui, buồn, hờn, giận… vậy. Thi giới của một nhà thơ sẽ phong phú hơn khi cảm xúc của nhà thơ ấy phức tạp tới mức cần sử dụng các biểu trưng kỳ dị và bất thường hơn để gợi thay vì để phát biểu theo lối “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” (Thơ Xuân Diệu).
Từ đó, tôi thử mở rộng sự khảo sát sang địa hạt văn xuôi. Liệu rằng những truyện ngắn ma mị trong “Vang bóng một thời” hay tiểu thuyết “Chùa Đàn” của Nguyễn Tuân và “Trại Bồ Tùng Linh” của Thế Lữ… cùng rất nhiều truyện ma khác của Việt Nam có thể được xem xét dưới lăng kính của Lãng Mạn U Ám? Nguyễn Tuân và Thế Lữ đều chịu ảnh hưởng cả về mặt thi pháp và cảm hứng từ “Liêu Trai Chí Dị” của Bồ Tùng Linh. Và bất cứ ai đọc “Liêu Trai Chí Dị” đều dễ dàng nhận thấy yếu tố Lãng Mạn U Ám trong từng câu chuyện của những Nho sinh mong muốn thoát khỏi trách nhiệm công danh để đắm chìm trong tình duyên với loài ma nữ hay hồ ly tinh nhưng vẫn phải đối mặt với cảm giác hư vô, rùng rợn, lạnh lẽo, thậm chí tuyệt vọng của cái chết. Nhưng nếu chỉ ảnh hưởng của Liêu Trai, có lẽ các tác phẩm văn xuôi này không tạo được hiệu ứng mạnh mẽ tới vậy. “Liêu Trai Chí Dị” vẫn chứa đựng sắc màu “lãng mạn” nhiều hơn sắc màu “u ám” bởi yếu tố ái tình quan trọng hơn sắc thái cảm xúc phức tạp. Trong khi ấy, văn xuôi quái dị của Nguyễn Tuân hay Thế Lữ chạm sâu vào những sắc thái cảm xúc. Hãy đọc thử một đoạn văn tả tiếng đàn ma quái trong “Chùa Đàn”:
“Tiếng đôi lá con cỗ phách Cô Tơ dồn như tiếng chim kêu thương trên dậm cát nổi bão lốc. Nhiều tiếng tay ba ngừng gục xuống bàn phách, nghe tàn rợn như tiếng con cắt lao mạnh xuống thềm đá sau một phát tên. Tay phách không một tiếng nào là nhụt. Mỗi tiếng phách sắc như một nét dao thuận chiều. Và gõ đến như thế thì thật là đem cái vinh quang đến cho tre cho trúc và tạo cho thảo một một tấm linh hồn. Dưới mười ngón tay hoa múa dẻo quánh, tre trúc bật nảy lên vì thoả thích. Đàn và hát dắt nhau mà lướt bổng. Cậu Lãnh Út mềm tay roi, càng mê tơi đi vì tơ trúc ríu ran. Chưa hồi tỉnh cuộc rượu của ấp, Cậu lại tự bồi thêm trận rượu của đêm nhạc. “Đàn ai đàn…”
Nắn những đương gân ngang nó gò cong mình xuống đàn nó day thịt da tê cóng trên dây sắc buốt như cật nứa, mấy đầu ngón tay Bá Nhỡ đang chịu một nhục hình bá đao tùng xẻo. Nghe phách Cô Tơ, ở những khổ rung thưa rồi mau, Bá Nhỡ say sưa trong cái nhận thức là mình đang chết dần giữa đàn hát và mỗi một tiếng trúc tiếng tơ đánh thêm lên là mình lại càng lả dần về cõi chết. Có người tự tử bằng mùi hoa ngát, có người tự tử bằng hơi nhạc. Người đang luyện phím khảo dây bỗng nở một nụ cười héo sững trên hai môi tái.
Máu chảy ra nhiều quá. Toàn thân Bá Nhỡ đỏ ngòm. Áo quần màu trắng của Bá Nhỡ vụt trở nên vóc đại hồng, trông hệt một người phục sức để ăn thượng thọ. Người Bá Nhỡ đã là một cái vại đựng chất lỏng có nhiều chỗ rò rỉ. Máu trong cơ thể Bá Nhỡ cứ đều một dòng tuôn mà thấm lậu ra ngoài, Bá Nhỡ đã thấy khát nước. Và khắp mình mẩy, xót nhức không biết đến đâu là chừng hạn nữa. Mỗi tiếng đàn là một miếng thịt lẩy ra. Tí một, tiếng đàn đưa nhau về nơi vĩnh quyết. Tùng. Tang. Tùng. Tùng! Tụng. Bá Nhỡ vấp một chỗ nhấn, đầu ngón chừng đỗi dây lát trên mõ phím cao quyện huyệt. “Đàn ai… đàn.. một tiếng…”
Vừa có một mũi kim nào châm vào cái đốt cuối xương sống Bá Nhỡ, làm cho cây đàn đột ngột bật hẳn cần dọc lên. Rồi không rõ từ đâu vào, vẫn ở đoạn xương sống, có rất nhiều hạt muối lạo xạo đánh loãng chất tuỷ người đang gò đàn. Ruột nhũn hẳn ra, óc se thắt lại, chỉ còn có cái tâm Bá Nhỡ là điều động với lớp tơ trúc dật dờ.”
Ma mị tới vậy! U ám tới vậy! Cái ám ảnh của hồn ma trong tiếng đàn đưa Bá Nhỡ vào sự chết là một biến chuyển cảm xúc được biểu trưng mạnh mẽ, chậm rãi và cận cảnh như “Con mèo đen” của Poe vậy. Nếu nói rằng Poe có ảnh hưởng tới Nguyễn Tuân hay Thế Lữ ở Việt Nam một cách trực tiếp hay không thì thật khó đoán, nhưng các tác giả văn xuôi hay thơ Việt Nam đều chịu ảnh hưởng của Lãng Mạn Pháp và trực tiếp qua Baudelaire. Nhà thơ kỳ dị và ma mị này vốn được các nhà phê bình Việt Nam xếp vào tượng trưng, nhưng ta có thể soi chiếu chúng từ góc nhìn của Lãng Mạn U Ám.
“Khi em yên nghỉ, em ơi, người đẹp âm u
Dưới một nấm mồ, đá đen, cẩm thạch
Và khi tất cả phòng khuê và lầu các
Chỉ còn là một cái hố sâu ẩm thấp gió mưa.”
Đây là bốn câu mở đầu bài thơ “Hối hận dưới mồ” (Tên tiếng Pháp: “Remords posthume”) của Baudelaire với bản dịch của nhà thơ Vũ Đình Liên. Ta dễ dàng nhận thấy sự tương đồng về cảm hứng với “Gửi người dưới mộ” của Đinh Hùng hay “Sọ Người” của Bích Khê. Tất cả cảm xúc về một mỹ nhân đã chết với thân xác mục nát chỉ còn xương trắng biểu trưng cho điều gì hay ẩn chứa thực tại kỳ bí gì ư? Không gì cả ngoài cảm giác đớn đau, ghê rợn, tiếc thương, sầu thảm, hư vô… Thi giới của Baudelaire tràn ngập những nấm mồ, những con mèo đen, những hồn ma, cái chết, cảm xúc chán chường, hư vô… Liệu Baudelaire có chịu ảnh hưởng từ Poe không? Xin thưa rằng có! Chính sự nghiệp thơ ca của Baudelaire đã nói lên điều ấy.
Năm 1847, Baudelaire biết đến các tác phẩm của Poe, một thế giới quá dị kỳ so với Lãng Mạn Pháp vốn êm dịu và mê đắm, một thế giới vốn chỉ là bóng mờ trong tâm trí của ông nhưng chưa bao giờ định hình thành ngôn ngữ. Trong suốt thời gian từ đó đến năm 1865, Baudelaire bận rộn dịch các tác phẩm của Poe và bản dịch của ông được cho là bản dịch Poe sang tiếng Pháp xuất chúng nhất. Không thể phủ nhận dấu vết của Poe trong thơ của Baudelaire, đặc biệt là “Ác Hoa” (Les Fleurs du mal) được sáng tác trong khoảng thời gian này và xuất bản năm 1857.
Baudelaire được chuyền tay bởi các thi sĩ và văn sĩ xứ An Nam không phải vì gợi lên một thế giới quái lạ và mới mẻ mà khơi dậy dòng cảm hứng bị chôn giấu trong tâm thức đè nén của xã hội cổ truyền. Giống như những người Mỹ, những tác giả An Nam được bủa vây bởi biết bao những câu truyện ma quái, rùng rợn ở một xứ sở âm dương lẫn lộn, nơi thôn dã chỉ cách đô thành một nhịp cầu bắc qua mương, và ruộng đồng ngay sát những bìa rừng thâm u. Truyện ma dân gian, sắc thái Liêu Trai và bút pháp của Lãng Mạn U Ám hiện diện qua Baudelaire đã tạo nên những thế giới nghệ thuật linh dị đặc trưng của văn học Việt Nam, một thể tài mà chắc chắn rằng chẳng hề thua kém về thi pháp với văn học phương Tây (điều mà trinh thám hay phiêu lưu hay hiện thực chẳng thể tranh được vị thế sánh ngang với Âu Mỹ). Cảm thức U Ám này không chỉ dừng ở đó, vẫn tiếp tục tạo ra các tác phẩm văn chương đỉnh cao của Việt Nam sau Đổi Mới như truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, “Thoạt kỳ thủy” của Nguyễn Bình Phương, “Trư Cuồng” của Nguyễn Xuân Khánh… vốn hiện nay đang được xếp vào “hiện thực huyền ảo” chỉ bởi vì đã từng có một thời người ta đam mê nhà văn được giải Nobel Gabriel García Márquez, tác giả của “Trăm Năm Cô Đơn”. Đương nhiên, “u ám” vẫn có đó, dẫu rằng trường phái đã khác.
Nếu chủ nghĩa hiện thực là sự biểu lộ của nhà văn trước sự áp đặt của cường quyền, chủ nghĩa lãng mạn là sự phá lồng trước khuôn thước của chủ nghĩa cổ điển thì Lãng mạn U Ám là sự lay đổ thành trì duy lý và cảm xúc thường nhật. Cường quyền có thể dễ lật đổ, khuôn thước có thể bẻ gãy, nhưng sự sụp đổ của duy lý và cảm xúc thường nhật lại mở ra một thế giới hoăm hoắm vô tận. Biểu tượng thường gặp trong các bức tranh minh họa cho Lãng Mạn U Ám chính là một hố thẳm sâu hoắm khôn cùng, bởi càng đào sâu trong tâm thức mình sẽ càng không thể thấy đáy giống như sự hướng thượng của đạo đức chẳng bao giờ có thể vươn tới tuyệt đối. Vào các thời kỳ càng tầm thường và tẻ nhạt với các định chế xã hội giam hãm con người trong cơm áo gạo tiền, có lẽ cảm thức u ám sẽ lại trỗi dậy, giống như các tác phẩm kinh dị và ma quái luôn đứng đầu trên bảng xếp hạng các cuốn sách best seller hay bộ phim bom tấn. Thế nhưng, khi con người phải đối mặt với hiện thực tàn khốc, tức là thế giới ấy đã hiển lộ thường nhật, thì có lẽ con người lại khao khát điều gì đó đẹp đẽ và bình an hơn chăng?
Hà Thủy Nguyên
*Tranh minh họa: The Nightmare của Henry Fuseli hoàn thành vào năm 1781.