Home Ngẫm Khúc kinh cầu của Nhà Thờ Đổ

Khúc kinh cầu của Nhà Thờ Đổ

Book Hunter

24/08/2023

Bài viết dự thi KỂ CHUYỆN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU nhân dịp xuất bản cuốn sách “Khí Hậu – Câu Chuyện Mới” của Charles Eisenstein do Book Hunter tổ chức.

 

3h sáng ngày cuối hè ở một huyện ven biển tỉnh Nam Định.

Chiếc xe ôm chở tôi lao đi vun vút trên những cung đường vắng vẻ tối om. Thị giác nhường phần cho khứu giác, tôi cảm nhận được mùi vị từ gió biển thổi vào. Cái vị mặn mòi xen lẫn mùi tanh nồng.

Nhiều người nói thích đi biển, thích cái mùi vị này vì tưởng tượng ngay ra những bữa hải sản no say đánh chén quên lối về. Với tôi, chẳng hiểu sao mỗi lần chỉ cần thoảng qua mùi vị này là ngay lập tức hiện ra trong đầu cảnh những khu chợ cá ẩm ướt, những con cá quẫy đạp bắn tung tóe xung quanh, những tiếng chặt của dao xuống thớt, những bộ quần áo lấm lém xộc xệch của những người ngư dân, những tiếng chào mời rồi mặc cả trả giá xen lẫn cãi vã giữa người mua người bán con cá con cua…

Cảnh nghèo mùi khổ vị cay.

*

4h sáng.

Trăng neo trên tháp mái nhà thờ Thánh Tâm. Ánh bạc rung rung theo từng nhịp chuông kéo. Âm thanh vang vọng to dần, mời gọi các giáo dân trong giáo xứ. Một vài chiếc xe đạp nhẹ nhàng đi vào sân nhà thờ. Những người phụ nữ dựng xe, rút trong túi ra chiếc áo dài trắng vừa đúng lúc cơn gió thổi qua, bay bay phất phơ khó níu, mất một thoáng chốc mới khoác được lên mình.

Dần dần rồi hàng chục, rồi cả trăm người rất đông nườm nượp đến, kín bên trong nhà thờ, người ta phải kê thêm nhiều dãy ghế nhựa ngoài sân mới đủ chỗ.

Ở miền biển này, họ dậy rất sớm, thay đồ trắng tinh tươm đi lễ nhà thờ, rồi về lại thay đồ thường ra khơi đi biển. Lần đầu tiên trong đời, tôi dự một buổi lễ nhà thờ sớm như vậy. Những lời kinh cầu ngân vang từ lúc đêm đen đến khi rạng sáng.

“Ơi con người… Chúa thương con người…”

**

5h sáng.

Tím. Xanh lam. Hồng. Đỏ. Cam. Vàng.

Từng sắc từng vệt từng mảng hừng đông hiện ra dần dần pha loãng màu đen tuyền của vòm trời.

“Tôi ngồi ở đây như thế này hơn 20 năm rồi, sáng nào cũng vậy…”

Ông cụ già, tôi đoán chắc phải hơn 80 tuổi, ngồi trên đống gạch vụn sát bờ biển. Có lẽ đây là “khán giả” trung thành nhất luôn chờ đón xem cảnh bình minh mỗi ngày ở bãi biển Hải Lý.

“Tôi tên là Nguyễn Văn Lạng, sinh năm 1933. Tính ra là nhà thờ này kém tôi một tuổi. Nhà thờ xây năm 1934. Tôi bắt đầu đi lễ nhà thờ từ năm 15, 16 tuổi.”

Đống gạch vụn mà ông đang ngồi lên vốn là nền móng của một ngôi nhà thờ đã đổ nát. Tàn tích giờ chỉ còn ngọn tháp chuông đã đổ sập một nửa, phần còn lại vẫn trụ được nhờ vào cấu kết cấu cửa vòm cuốn bên dưới nâng đỡ.

Tên đầy đủ chính thức là Nhà thờ Thánh Tâm – Giáo xứ Xương Điền ở huyện Hải Hậu tỉnh Nam Định. Nhưng dân du lịch, thích phượt hay đi chụp ảnh cưới thì vẫn hay gọi địa chỉ quen thuộc này là “Nhà Thờ Đổ”.

Mặc dù có biển báo nguy hiểm, vết nguệch ngoạc cảnh báo không nên đi vào trong, đề phòng gạch đá từ trên có thể rơi xuống hay tường đổ sập bất cứ lúc nào; nhưng chẳng ngăn nổi những bước chân tò mò và ánh mắt hiếu kỳ của du khách muốn đứng giữa nơi từng là một Thánh đường to đẹp khi xưa.

Họ lũ lượt tìm đến đây, thả dáng tạo nét, chớp lấy ghi lại đủ mọi góc hình. Chẳng hiểu sao họ thích gắn những kỷ niệm hội họp của đám bạn, hay thời khắc hạnh phúc của hôn nhân với cái vẻ hoang tàn, đổ nát của nhà thờ nằm cô đơn chơ vơ bên bãi biển?

Sau khi chụp hàng loạt những bức ảnh, hay sau những cuộc ăn nhậu ngay dưới chân tàn tích nhà thờ, họ lại lũ lượt rời đi. Chẳng mấy ai cần biết, buồn quan tâm hay muốn đi tìm câu trả lời cho thắc mắc đầu tiên, câu hỏi đơn giản nhất: “Vì sao nhà thờ này đổ nát?”

***

5h30 sáng.

Vầng dương tròn đỏ dần nhô cao khỏi đường chân trời, in bóng một vệt dài trên mặt biển.

“Trước tôi làm nghề khơi mãi ngoài xa kia. Giờ già rồi không làm khơi nữa, làm lộng gần bờ thôi, đánh tép, đánh moi, mang lên bờ bán ngay trên bãi này.

Cả nhà tôi các cháu đều làm nghề biển. Tôi có 7 con, 4 trai 3 gái, 25 cháu, 30 chắt…”

Những đợt sóng vỗ bờ, tràn lên đống gạch vụn tàn tích của nhà thờ, gợi nhắc cho ông cụ nhớ về những ký ức xa.

“Trước có đến 5 nhà thờ ở ngoài này. Vì nhà xứ có 5 họ. Ngoài nhà thờ đổ này còn 4 chỗ nữa.

Một nhà thờ cách đây hơn 1 cây, về hướng mặt trời kia.” Vừa nói ông vừa chỉ ra biển phía trước mặt, chếch bên trái, nheo mắt trước ánh nắng mặt trời chiếu ngang tầm mắt.

“Còn phía bên này,” ông quay sang bên phải chỉ ra biển “có nhà thờ Thánh Pedro này, rồi còn một tòa thánh nữa phía xa hơn. Đó là những nhà thờ của họ lẻ. Còn nhà thờ chính của Giáo xứ ở mãi tít ngoài kia, chỗ cái bè xa xa kia kìa.

Ngày nào cũng vậy, tôi ngồi đây từ 5 rưỡi sáng đến 11 giờ trưa mới về…”

Biển với sóng thì ngày nào cũng vậy. Chỉ có những chiếc thuyền bè ra khơi sớm hoặc theo chiều ngược lại, về bờ sau những chuyến đi từ đêm, là mỗi ngày mỗi khác. Nghĩ cũng lạ! Những vật thể di động như mặt trời, hay chiếc thuyền bè đang dập dềnh trên con sóng, lại được ông cụ đem ra làm mốc xác định vị trí của những ngôi nhà thờ vốn được xây cố định năm xưa.

Hàng ngày ông cụ ngồi ngắm biển theo một cách riêng độc nhất. Ánh mắt thu vào hình ảnh biển, sóng, thuyền bè. Nhưng trí nhớ thay thế chúng bằng hình ảnh đất liền, làng mạc, nhà thờ. Đôi tai đón lấy tiếng sóng vỗ, nhưng tiềm thức sẽ xóa ngay đi để thay bằng tiếng đọc kinh, tiếng hát cầu nguyện.

“Bây giờ cả 5 họ đều phải xây nhà thờ mới ở trong làng. Đất sát biển lở là chúng tôi phải chạy. Cứ mấy chục năm là lại phải chạy một lần. 50 năm, 60 năm…

Hồi trước, tất cả làng mạc ở hết ngoài này. Dân cư ở xung quanh các nhà thờ. Đến khi nhà thờ chạy là dân cũng chạy. Dân rút hết vào sâu trong.

Ngoài này không còn đất ở nữa. Biển cướp mất hết.”

****

6h sáng.

Những tiếng xì xèo, í ới của phiên chợ cá trên bãi biển đã vãn. Người mua người bán thưa dần. Thay vào đó, những người dân địa phương và du khách bắt đầu đổ xuống biển vầy nước. Gọi là vầy chứ chả phải tắm hay bơi. Biển miền Bắc gần các cửa sông nên nước thường đục, bãi thì nhiều rác, và nhiều người vầy nước cũng hay mặc nguyên cả bộ quần bò áo phông đi xuống biển.

Có tiếng lách cách mở khóa cửa cái chòi canh nằm ngay phía sau Nhà thờ Đổ. Chòi xây bằng gạch đá thô sơ, chả quét sơn vôi gì, trên lợp mái tôn, bên trong cũng thấy có bàn ghế gỗ, giường tre, ấm chén pha nước… Cặp vợ chồng chậm rãi đến mở cửa, dọn dẹp sơ qua bên trong, pha nước rồi mang ra ngoài kê ghế nhàn tản ngồi ngắm trời biển…

“Chúng tôi ở đây hơn 20 năm rồi. Công việc hàng ngày là trông coi các tài sản trên bãi biển này và thu mua hải sản. Nghề này truyền từ đời ông ngoại tôi sang mẹ tôi, và giờ tới tôi.”

Người vợ tên Miến, tuổi khoảng 40, chậm rãi chải mái tóc đen dài, hơi xoăn tự nhiên. Công việc nơi bãi cát bờ biển có lẽ đã tạo cho chị một thói quen vô thức, là cứ thỉnh thoảng lại đưa tay lên gãi tóc, đưa lược lên chải cho sạch những hạt cát bị gió thổi bay lên đậu lại trên đầu.

“Ngày còn nhỏ, tôi cũng đã từng đi lễ ở nhà thờ này. Nhà thờ này của họ lẻ, mỗi năm chỉ có vài lễ, hai, ba cái ít thôi. Hồi trước lúc chưa đổ thì rộng lắm.”

Người chồng tên Đông, gần 50 tuổi, từ ngày lấy vợ cũng theo nghề gia truyền bên nhà vợ luôn. Ngay từ cách đi đứng luôn chậm hơn và theo sau người vợ nhanh nhẹn cũng cho thấy gia cảnhcủa nhà này. Thỉnh thoảng anh cũng chen vào đôi lời khi chị vợ đang kể chuyện. Nhưng phải đợi vợ dứt lời, anh chồng mới tiếp chuyện tôi kỹ hơn.

“Hồi xưa nhà thờ rộng 16m, bề ngang dài tới 45m. Nhà thờ chuyển vị trí đến bãi biển này, chính xác là lần thứ hai. Bắt đầu xây năm 1934 và hoàn thành năm 1943, theo như lời các cụ kể lại, và xem niên hiệu ghi ở trên tháp chuông. Trước còn có một con đê đắp bằng đất nữa vây xung quanh nhà thờ.

Còn vị trí đầu tiên thì xa mãi phía ngoài biển kia, khoảng hai nghìn mét từ bờ. Dân cư, làng mạc hồi đó còn sống ở phía ngoài cả con đê đất ấy. Chúng tôi vẫn được nghe kể như thế.

Còn tôi thì nhớ hồi chiến tranh, lúc tàu Mỹ đang bắn phá khu vực này, thì Nhà Xứ của chúng tôi khi ấy nằm ở khoảng ba cây số tính từ bờ ra biển bây giờ. 

Ở đây mỗi năm một khác nhiều anh ạ. Cái xâm thực của nước biển vào bãi mỗi năm phải tới 20m. Nước biển cứ dâng đến đâu thì dân lại di cư vào trong đến đấy. Thuyền bè rồi ngư cụ của dân là những thứ chạy vất vả nhất.

Trước làng mạc ở đây trù phú lắm. Dân cư trồng lúa trồng cói rồi cây trái ăn quả, ruộng vườn tươi tốt. Nước biển nó lấn nhanh quá. Giờ thì chỉ còn là làng chài nghèo. 

Anh về hôm nay là đúng lúc triều kém, con nước nhỏ đấy. Chứ hôm nào triều mạnh, nước nó ngập qua cái nhà này.

Cứ từ giờ trở đi, chắc chắn là lòng biển ở bãi này sẽ sâu xuống hơn, nước cứ dâng lên, chắc chỉ một, hai năm nữa là…”

“Ba năm nay, nước lên quá to, triều mạnh hơn những năm trước nhiều.” Chị vợ xen vào,

“Mùa đông năm ngoái, một đợt sóng bấc vào, rồi gió mùa đông bắc thổi làm đổ sập một mảng tưởng lớn.” Chị Miến nhớ lại, “Đêm đó mưa to. Khoảng 9, 10 đêm, bức tường bắt đầu rạn nứt rung lắc rồi đổ sập xuống, ầm to như một quả bom. Mấy lều xung quanh đây, người ta chạy hết ra xem có chuyện gì mà kêu to khiếp thế.

Đó là phần phía trên thôi. Còn phần móng nhà thờ xây chắc lắm, bão gió to cấp 11, 12 nhiều lần cũng vẫn trụ được. Nhưng sóng mà khoét dưới chân thì không chịu nổi. Nếu mà cứ để như thế này, có sóng to nước lên nó moi chân đế ra thì chắc sẽ sụp đổ hoàn toàn hết phần còn lại.

Mình cũng chỉ đoán vậy thôi chứ còn thiên nhiên thì chả biết thế nào.”    

****

6h30 sáng.

Nắng chói chang. Tôi đi bộ từ dưới bãi biển lên phía trên triền đê. Đứng trên bờ đê có thể nhìn rõ một bên là tàn tích Nhà thờ Đổ dưới bãi biển, quay sang bên kia cách không xa là những ngọn tháp vươn cao của Nhà thờ Thánh Tâm trong ngôi làng.

Ngoảnh ra đã thấy người lái xe ôm đứng đợi sẵn từ lúc nào. Vừa chở tôi đi trên đường đê ra chỗ đón xe khách, ông vừa kể chuyện. Con đê này mới được đắp vào khoảng năm 1997-1998. Chỉ sau vài năm, những cơn sóng biển lại tiếp tục moi cát dưới chân đê gây xói lở. Và thế là dọc đường đê, sát mép nước, lại tiếp tục có thêm một dãy những khối kè mỏ chắn sóng bằng bê tông được đặt để chống xói vào chân đê.

“Lâu rồi, chắc phải tầm những năm 90 đổ về trước, lần đó đê vỡ, sóng to tràn vào làng. Dân tình phải chạy hết vào sâu bên trong. Kia kìa, chỗ mấy con sóng kia, vẫn còn thấy những bể nước xây bằng gạch để chứa nước mưa. Làng từng ở chỗ đó.”

Ông xe ôm dừng lại để tôi có thể quan sát kỹ hơn những dấu tích của ngôi làng xưa, nay đã chìm trong biển nước.

Trong những câu chuyện kể của người dân vùng biển này, tôi đều nhận thấy nỗi hoài niệm về thời xóm làng trù phú nay đã mất, không hẳn là nỗi sợ hãi nhưng chắc chắn có tâm trạng phấp phỏng, buông xuôi chờ đợi tới lúc Mẹ Thiên Nhiên sẽ lại buộc họ tiếp tục di dời chỗ trú thân.

*****

Nhà Thờ Đổ hiện nay vẫn còn tháp chuông và một vài tàn tích, không bị sụp đổ hoàn toàn như lời dự đoán của cặp vợ chồng ở chòi canh bãi biển Hải Lý. Để bảo vệ những gì còn sót lại, người ta đã xây một vòng rào sắt bao xung quanh, ngăn không cho các du khách tò mò đi vào bên trong tránh nguy hiểm. Dân đi phượt hay các cặp đôi chụp ảnh cưới cũng ít dần tìm tới nơi này.

Từ đó đến nay, không ai còn thấy hình ảnh quen thuộc của ông cụ ngồi dưới chân Nhà thờ Đổ(dịch chuyển và xây lại lần thứ 2) mỗi ngày ngóng đợi bình minh và vẽ lên trong trí nhớ hình bóng Nhà thờ Biến mất(xây lần đầu).

Ngày qua ngày, bờ đê chắn sóng vang vọng tiếng vỗ bờ của nước triều buổi bình minh. Làng chài đều đặn thức giấc trong tiếng kinh cầu ngân nga lúc tờ mờ sáng từ Nhà thờ Thánh Tâm (dịch chuyển và xây lại lần thứ ba năm 1999).

Giáo dân xứ đạo Xương Điền đã và vẫn sẽ còn trải qua những cuộc “Exodus” chạy trốn nước biển dâng từ đời này qua đời khác.

 

Nguyễn Lê

 

> Tìm hiểu thêm về cuốn sách Khí hậu: Câu chuyện mới – Charles Eisenstein

Biến đổi khí hậu – Một câu chuyện chẳng hề xa lạ

Bài viết dự thi KỂ CHUYỆN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU nhân dịp xuất bản cuốn sách "Khí Hậu - Câu Chuyện Mới" của Charles Eisenstein do Book Hunter tổ chức.   Phu nhân của thủ tướng Canada Justin Trudeau đã nói rằng “Biến đổi khí hậu là bài kiểm tra đánh giá trí thông minh, lòng trắc ẩn và ý chí con người. Nhưng chính chúng ta cũng là thử thách đối với khí hậu”. Thật vậy trong những năm gần đây môi trường sống

Book Hunter

24/08/2023

Tại sao những giải pháp có nền tảng từ thiên nhiên cho vấn đề khí hậu lại bị ngó lơ?

Các sáng kiến có nền tảng dựa trên thiên nhiên, chẳng hạn như trồng rừng đước và tái sinh vùng đất ngập nước, đã chứng tỏ hiệu quả trong việc giúp các cộng đồng chống chịu tốt hơn với biến đổi khí hậu. Nhưng nguồn tài trợ quốc tế lại lấy tiền từ những giải pháp này để đầu tư vào những dự án kỹ thuật tốn kém và thiếu hiệu quả hơn. Ở vùng bờ thấp đảo Java của Indonesia, những năm gần đây

Suối thượng nguồn cạn & câu chuyện Sơn Tinh – Thủy Tinh nên được kể thế nào?

Điều thôi thúc tôi viết bài viết này chính là con suối Lũng Vầy ở tỉnh Hà Giang, một con suối đang bị “bức tử” bởi xả thải và các hoạt động khai khoáng ở thượng nguồn. Tôi chưa từng đến đây, cũng chẳng quen biết bất cứ người dân nào tại khu vực này. Bài phóng sự “Bức tử dòng suối huyết mạch ở Hà Giang” được đăng tải trên báo Thanh Niên đúng lúc tôi đang có phiên trò chuyện tại group Read&Chat

Nữ quyền sinh thái: Trong đại dịch covid, cùng ngẫm về Nữ quyền & Thiên nhiên

Bài viết dự thi KỂ CHUYỆN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU nhân dịp xuất bản cuốn sách "Khí Hậu - Câu Chuyện Mới" của Charles Eisenstein do Book Hunter tổ chức.   Gánh trên lưng vai trò chăm sóc và nuôi dưỡng gia đình, người phụ nữ thường là những người bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề khi dịch bệnh, thiên tai, nạn đói xảy ra. Nhưng cũng bởi lẽ đó, phụ nữ đã và đang đóng vai trò tiên phong, hiệu quả trong

Các giải pháp có nền tảng từ thiên nhiên: Chúng có hiệu quả như thế nào đối với khí hậu, đa dạng sinh học và con người?

Tháng này, các chuyên gia đã tập họp lại ở Oxford để thảo luận về việc “các giải pháp có nền tảng từ tự nhiên” (nature-based solution) được sử dụng như thế nào để giải quyết bộ đôi hiểm họa biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học. Trong ba ngày ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Đại học Oxford, Hội thảo giải pháp có nền tảng từ thiên nhiên đã cân nhắc các kỹ thuật như trồng rừng hay tái tạo