Home Chơi Cảm nghĩ khi nghe ca khúc Tìm Nhau của nhạc sĩ Phạm Duy

Cảm nghĩ khi nghe ca khúc Tìm Nhau của nhạc sĩ Phạm Duy

le-nam

Lê Nam

20/11/2022
Book Hunter Phạm Duy

Một trong những ca khúc để lại trong tôi nhiều suy nghĩ và mơ man chính là bài Tìm nhau của Phạm Duy, sáng tác năm 1956. Tìm Nhau, hẳn là sự tìm kiếm đến từ hai phía. Tại sao lại phải đi tìm? Liệu cuộc đời có thể được định nghĩa một cách ngắn gọn là một sự tìm kiếm. Có người tìm kiếm chân lý, có người tìm kiếm lý tưởng, có người tìm kiếm sự bình an, có người tìm kiếm hạnh phúc… Tôi kiếm tìm gì? Nhiều lúc tôi cũng chẳng rõ mình đang kiếm tìm gì, có lẽ là tìm kiếm những kí ức đã mất. Ký ức mơ hồ, chẳng hiện rõ, nhưng thật hơn cả những thứ đang hiện ra trước mắt. Ngày ngày nhìn những hoạt động sôi nổi, những trò giải trí nhạt nhẽo, những khẩu hiệu giả tạo, những cuộc đua vô nghĩa,… thì tôi mơ man kiếm tìm gì đó. Một cảm giác là lạ… Nhưng thật không ngờ giai điệu và ca từ của ca khúc Tìm nhau lại khiến tôi chú ý tới vậy.

Tìm nhau trong hoa nở

Tìm nhau trong cơn gió

Tìm nhau trong đêm khô hay mưa lũ

Tìm nhau khi nắng đổ

Tìm nhau khi trăng tỏ

Mở đầu ca khúc, tác giả liệt kê một loạt các hình tượng trong thiên nhiên: hoa nở, cơn gió, đêm khô, mưa lũ, nắng đổ, trăng tỏ… Chúng ta cứ đi tìm kiếm, tìm kiếm mãi và ngoài kia thiên nhiên vẫn vậy. Những khoảnh khắc thiên nhiên thật đẹp, nhưng có phải lúc nào chúng ta cũng chú ý đâu. Chỉ những người đang kiếm tìm gì đó mơ hồ mới chú ý tới hoa nở, tới con gió mơn man mát mẻ, tới ánh nắng vàng hắt xuống sân, tới ánh trăng trong vắt sáng tỏ… Thiên nhiên động đậy, khiến chúng ta có một sự rung động, và sự rung động đó có phải thứ chúng ta kiếm tìm? Sự kiếm tìm mơ hồ, nhưng nó giống như một trò chơi săn tìm kho báu, chúng ta cứ đi mãi từ manh mối này tới manh mối khác, không biết hồi kết.

Tìm nhau như chim mộng tìm người mơ

Câu này thật lạ! Không biết tôi có hiểu rõ không, nhưng chim mộng là cái được mơ, nhưng nó lại đi tìm người mơ, tức cái sở hữu hành động mơ. Cái được tìm liệu có đang đi tìm cái đi tìm? Người được kiếm tìm liệu có cũng đang đi tìm kiếm người kiếm tìm mình? Có lẽ đây là ý nghĩa của tìm nhau. Người đi tìm người nhưng không rõ ai là người bắt đầu… hoặc là do đã quá lâu, nên chúng ta quên mất điểm khởi đầu, ai là người bắt đầu tìm kiếm người kia. Hay tất cả chúng ta là một như một số trường phái tâm linh vẫn hay rao giảng? Tôi khó tin và cũng không muốn tin vào điều này. Mỗi chúng ta là một cá nhân, chẳng có cái gì được gọi là nhất thể, hợp nhất và không màng tới tính cá nhân của chúng ta.

Tìm trong câu thơ cổ

Tìm qua tranh Tố Nữ

Tìm trên môi đương ca câu thương nhớ

Tìm sâu trong trong muôn thủa

Tìm nhau thư Thiên Cổ tìm Ngàn Thu

Tôi đặc biệt thích đoạn này của Phạm Duy. Ông sử dụng các loại từ chỉ phương hướng khác nhau: trong, qua, trên và sâu để thể hiện sự kiếm tìm liên tục, muôn vàn cách khác nhau. Câu thơ cổ, tranh Tố Nữ, muôn thủa, Thiên Cổ và Ngàn Thu… cảm giác thời gian dài đằng đẵng đã trôi qua. Liệu có điểm bắt đầu của thời gian không? Cứ như thể chúng ta đã tồn tại mãi mãi, chẳng có điểm bắt đầu và nếu như vậy thì làm sao chúng ta có thể tìm kiếm được hết đây? Tìm trên đôi môi đương ca câu thương nhớ. Những cái đáng tìm có lẽ là những cái đáng thương nhớ. Phải đáng thương nhớ thì ta mới đáng tìm, phải không? Có những người bị nỗi đau dằn vặt mà đi tìm kiếm sự trả đũa… có lẽ đó là một cách đắm chìm vào nỗi đau, đi xa khỏi điều gì quan trọng đối với bản thân. Cái đáng tìm kiếm chỉ có những cái đáng thương nhớ mà thôi.

Gặp nhau trong hơi thở của cuộc đời, người ơi

Gặp nhau, hãy nép hơi im trong thương nhớ

Gặp nhau trong Nhân Tình đầy Bác Ái, ơi người

Gặp nhau trong kinh cầu một hồi chuông

Tìm kiếm mãi rồi cũng có lúc gặp nhau. Lúc gặp nhau khiến ta bừng tỉnh, cảm thấy hơi thở của cuộc sống, cảm thấy ta đang sống, cảm thấy thật. Thật đến nỗi nép hơi im, nín thở, thỏa nỗi thương nớ. Gặp nhau được rồi mới thấy Nhân Tình, con người lúc đó mới thật có lòng Bác Ái, có tính người. Và lúc đó tiếng chuông và kinh cầu mới có ý nghĩa.

Tìm nhau trong bom lửa

Tìm nhau trong mưa bão

Tìm nhau trên kinh đô xây trong xương máu

Tìm nhau trong thống khổ

Tìm nghe câu than thở

Tìm nhau như góa phụ tìm mộ bia

Giây phút gặp nhau chẳng kéo dài được lâu. Rồi bạo loạn, chiến tranh, thiên tai… lại xảy đến. Con người đã sống thì khó thoát khỏi số mệnh. Chúng ta chỉ có cách đương đầu mà thôi. Bom lửa sẽ đến, mưa bão sẽ đến, xương máu, thống khổ, than thở,… và hẳn là những gì đáng thương nhớ sẽ bị tước đi để khiến chúng ta phải kiếm tìm. Và lại tìm nhau. Cuộc kiếm tìm cứ đi mãi, đi mãi như chẳng có hồi kết. Thời gian bên nhau không dài, rất ngắn… và phần lớn thời gian là tìm nhau. Nhưng có lẽ đó cũng là một điều thú vị, nếu chúng ta coi đó là mục đích cuộc đời: kiếm tìm.

Tìm đâu môi em đỏ

Tìm đâu mây trong mắt

Tìm cho ra mái tóc ngây thơ đó

Tìm xem trong kinh sử

Tìm tương lai sáng tỏ

Tìm nhau khi nhân loại được trùng tu.

Nhưng tìm kiếm điều gì thì không rõ, thật mơ hồ. Phạm Duy gợi ý rằng đó là hãy tìm kiếm môi đỏ, mây trong mắt, mái tóc ngây thơ… những hình ảnh của sự hồn nhiên, của tự tính sơ khai, của con người khi chưa bị tha hóa. Tìm xem trong kinh sử, tìm tương lai sáng tỏ… hãy học bài học quá khứ, hãy chờ tương lai đến, mọi thứ sẽ sáng tỏ. Và nhân loại sẽ lại được trùng tu sau những thời gian dài bị tàn phá. Kỷ Nguyên Vàng, một thời kỳ đẹp đẽ của loài người, chẳng bao giờ kéo dài được lâu. Nó đã từng xuất hiện, khi tri thức được sử dụng đúng chỗ, khi tri thức được tôn trọng, khi con người còn thơ ngây. Thế nhưng chẳng mấy ai còn nhớ, chẳng ai hình dung được Kỷ Nguyên Vàng là như thế nào. Làm sao để nhân loại được trùng tu?

Gặp nhau trong vinh dự của đời người, người ơi

Gặp nhau dưới Đức Tin bao la phơi phới

Gặp nhau trong cơ khổ của thế giới, ơi người

Gặp nhau, đôi tâm hồn được nghỉ ngơi.

Phạm Duy cho rằng khi chúng ta coi trọng vinh dự, phẩm hạnh, khi có Đức Tin, khi chúng ta vượt qua cơ khổ, và chỉ khi đó chúng ta mới tìm được nhau và gặp nhau. Chỉ khi đó đôi tâm hồn mới được nghỉ ngơi.

Lê Duy Nam

Trịnh Công Sơn – ai cũng quen mà ai cũng lạ

Tôi vốn dự định chọn Phạm Duy như nhạc sĩ đầu tiên của Âm nhạc phản chiến trước 1975, nhưng rồi cứ lần lữa trì hoãn, bởi Phạm Duy quá ư phức tạp để tiếp cận, dẫu rằng tôi đã có một kho tài liệu về ông. Và thế là tôi bỏ lơ chùm bài viết đã nhiều năm. Chỉ đến khi đi xem bộ phim gây tranh cãi “Em và Trịnh”, nghĩ về những chuyện nực cười trên báo chí, về những câu tán

Văn Cao – Chông chênh giữa tiêu dao và trách nhiệm

Người ta oán trách Văn Cao vì đã từng làm sát thủ, từng viết những ca khúc đầy ngôn từ bạo lực; người ta cũng từng đấu tố Văn Cao vì tư tưởng lung lạc của ông dưới thời Cách mạng; và cũng có rất nhiều người phải nghiêng mình thán phục tài năng âm nhạc của ông cho dù ông viết các ca khúc cổ động hay các ca khúc trữ tình. Tôi cho rằng Văn Cao là một người bị giằng xé giữa

“Đừng bỏ em một mình” – Tiếng gió hay tiếng hồn

Phạm Duy, người nghệ sĩ đi tìm cái đẹp bất hoại trước thời gian và không gian. Người nghệ sĩ luôn hướng về cái đẹp bất chấp là trong cõi thẳm sâu, chết chóc. Nhạc của ông không chỉ là sự kết nối giữa những người đương thời, giữa hiện tại với quá khứ và vị lai, mà còn giữa những linh hồn ở hai bờ sinh tử. Đừng bỏ em một mình là ca khúc được viết về điều đó. Nỗi buồn và sự

“Đừng bỏ em một mình” – Tâm sự người dưới mộ

Những khoảng trống dựng lên rợn ngợp. Em “một mình” rồi em lại đi về giữa “mông mênh, lênh đênh”. Lời ca nào phải về thiếu nữ bị người yêu rời bỏ, mà mãi đến giữa bài ta mới hay đó lại về một kẻ nữ chết đi nhưng hãy còn lưu luyến người thương, lưu luyến hơi ấm của anh cùng tình yêu anh dành ngày trước. “Đừng bỏ em một mình Đừng bỏ em một mình Đường về nghĩa trang mông mênh Đừng