Home Đọc SÁCH HỌC THUẬT TRONG NƯỚC THÁNG 4 NĂM 2022: SINH TỒN CỦA ĐÔ THỊ, TRƯỜNG PHÁP TẠI VIỆT NAM 1945-1975 – TỪ SỨ MẠNG KHAI HÓA ĐẾN NGOẠI GIAO VĂN HOÁ…

SÁCH HỌC THUẬT TRONG NƯỚC THÁNG 4 NĂM 2022: SINH TỒN CỦA ĐÔ THỊ, TRƯỜNG PHÁP TẠI VIỆT NAM 1945-1975 – TỪ SỨ MẠNG KHAI HÓA ĐẾN NGOẠI GIAO VĂN HOÁ…

Trần Cúc

02/05/2022
sach-hoc-thuat-trong-nuoc-thang-4-2022

“Sôi động” vẫn là tính từ miêu tả một cách chính xác về thị trường sách học thuật như một bữa tiệc chào mừng ngày Sách Việt Nam trong tháng 4 năm 2022.

Tháng 4 còn có một ngày rất đặc biệt với công dân Việt Nam: ngày giải phóng miền Nam 30/4, một dịp để tìm hiểu thêm về nên giáo dục xưa, văn hóa, luật pháp, lễ nghi ngày trước của Việt Nam.

Cho tới hiện nay khi tình hình dịch bệnh đã ổn định và được bình thường hóa, ta vẫn không thể nào nguôi ngoai với những thiệt hại mà dịch bệnh gây ra và để lại. Với “Sinh tồn của đô thị”, Book Hunter mong muốn mang đến một góc nhìn mới và bao quát hơn về dịch covid-19, cũng như những di chứng để lại cho con người và xã hội.

Ngoài ra, thị trường sách tháng 4 còn mang đến cơ hội để chúng ta tìm hiểu thêm về ngôn ngữ và cả nghệ thuật – một chủ đề xuất hiện khá hiếm hoi trong dòng sách học thuật.

1. SINH TỒN CỦA ĐÔ THỊ – Edward Glaeser & David Cutler

Nguồn: Book Hunter

Từ khi được biết đến nhà kinh tế học đô thị Edward Glaeser qua cuốn sách “Chiến thắng của đô thị”, Book Hunter luôn theo sát các hoạt động học thuật của ông với mong muốn có thể chuyển ngữ và giới thiệu các tác phẩm của ông với bạn đọc Việt Nam – những người cũng đang lạc lối trong đời sống đô thị và công cuộc đô thị hóa. Trong quá trình ấy, chúng tôi bắt gặp cuốn sách “Sinh tồn của đô thị – sống và phát triển rực rỡ trong thời kỳ biệt lập”, một tác phẩm hợp tác giữa Edward Glaeser, chuyên gia kinh tế học đô thị và David Cutler, chuyên gia về chính sách Y tế Hoa Kỳ, và chúng tôi đã lập tức quyết định lập tức dịch sang tiếng Việt mà không chút đắn đo, bởi vì cuốn sách chạm đến vấn đề nóng bỏng nhất trong thập kỷ này, và có lẽ sẽ còn để lại dư chấn trong suốt thế kỷ 21: Dịch bệnh Covid-19 và cách hệ thống y tế cộng đồng tại Mỹ đã thất bại như thế nào, các cơ chế tại Mỹ đã khiến vị thế của quốc gia này bị lung lay ra sao, và đặc biệt, những thất bại đó không phải của riêng nước Mỹ, mà ta có thể hiện diện trực quan của nó ngay tại bất cứ đô thị nào trên thế giới, hay nói một cách khác, đó là thất bại mang tính phổ quát khi mà các đô thị quá sợ hãi trước sự lây lan và thờ ơ với người nghèo, đồng thời cho phép sự chính trị hóa và thương mại hóa các phương thức phòng ngừa dịch bệnh.

Đọc từng trang “Sinh tồn của đô thị”, chúng tôi thấy như thể thực tại của những năm tháng dịch bệnh Covid-19 đang hiện lên sống động, với tất cả những nỗi lo lắng, những cảnh ngộ đương đầu với dịch bệnh tại khu cách ly, những toan tính mưu sinh khi mọi thứ đình trệ, những người nghèo bơ vơ không việc làm bị coi là mầm bệnh, những khốn khó thúc đẩy tội phạm cũng như bạo loạn, những tham vọng và cả những sai lầm của một chính sách y tế cộng đồng lầm lạc theo mô hình của Mỹ. Hai tác giả đã khảo sát các chính sách và xu hướng y tế của Mỹ trong lịch sử cũng như một lịch sử bệnh dịch của nhân loại, kết hợp với nhãn quan của các nhà hoạch định chính sách đô thị để lý giải những cơ chế dẫn đến sự lầm lạc ấy.

Qua cuốn sách, ta có thể thấy rằng, dịch bệnh Covid-19 thực sự là một cuộc khải huyền, mà tại đó, các ác ma của mật độ đông đúc tại đô thị (lối nói của hai tác giả) được giải phóng, để hiển lộ tất cả những mặt tối của xã hội vốn được che khuất bằng sự hào nhoáng của nền kinh tế phát triển. Và trong cuộc khải huyền này, một thái cực là khủng hoảng và bạo loạn, phía bên kia là hé lộ cho một tương lai mới nơi đời sống của con người tại các đô thị được chăm lo hơn, yếu tố sức khỏe được đề cao tạo nền móng cho kinh tế bền vững hơn, và người nghèo không còn bị bỏ rơi bởi cuộc đua tăng trưởng của các chính trị gia.

Ảnh: Book Hunter

2. TRƯỜNG PHÁP TẠI VIỆT NAM 1945-1975: TỪ SỨ MẠNG KHAI HÓA ĐẾN NGOẠI GIAO VĂN HOÁ – Nguyễn Thụy Phương

Nguồn: Omega Plus Books

Cuốn sách này, bắt nguồn từ luận án tiến sĩ của tác giả, đã hoàn thành vai trò của mình là làm sống lại thiên truyện về nền giáo dục Pháp tại Việt Nam trong ba thập niên bản lề của lịch sử đất nước này trong thế kỷ 20 (1945-1975).

Mục đích của cuốn sách này là miêu tả và phân tích hệ thống giáo dục Pháp tại miền Bắc và miền Nam Việt Nam sau 1945 ở những bình diện chính sách, tổ chức và cách thức vận hành. Ba chương trong sách sẽ chỉ ra, dưới sức nặng của những toan tính chính trị quốc tế cũng như áp lực từ phía các gia đình Việt đến trường Pháp, nước Pháp đã cải tổ một cách tài tình như thế nào để biến hệ thống giáo dục thuộc địa kiên cố, vốn được coi là mũi giáo của sứ mạng khai hóa, thành một công cụ phục vụ cho ngoại giao văn hóa. Đây là một thứ ngoại giao mới mà các chính thể Nhà nước muốn sử dụng, cho mục đích đối ngoại, nhằm truyền bá những sản phẩm mang tính biểu tượng của một nền văn hóa như nghệ thuật, văn chương, hay truyền bá tri thức thông qua giáo dục. 

Cuốn sách giới thiệu cô đọng những đặc điểm căn bản của giáo dục Đông Dương thuộc địa, giúp độc giả khám phá tiến trình ít nhiều bị cưỡng ép để biến “sứ mạng khai hóa” thành một thứ “Phái bộ văn hóa” thích ứng linh động hơn với điều kiện chính trị và chiến cuộc từ 1945 đến 1954. Đồng thời phân tích sự phát triển của hệ thống trường Pháp tại miền Nam từ 1954 đến 1975 trong bộ “áo choàng ngoại giao” mới dưới thời chính quyền Việt Nam Cộng hòa có sự hậu thuẫn của Mỹ. 

Trong cuốn sách cũng kèm rất nhiều lời chứng được thu thập ở Pháp và Việt Nam giúp chúng ta như thâm nhập thực sự vào thế giới học đường, phát hiện ra các mật mã, ngôn ngữ, những ước vọng và lo âu của nó. Lời chứng cũng kể lại những mối quan hệ giữa các học sinh, giữa học sinh và giáo viên. Nó tái dựng những mạng lưới, hệ giá trị, biến chuyển tư tưởng, những thú vui giải trí, thậm chí cả những bộ phim mà học sinh thời đó chuộng xem. Ngoài những cuộc phỏng vấn trực tiếp và bảng hỏi, tác giả cũng tra cứu các tập san và ấn phẩm định kỳ cùng với các nguồn lưu trữ thuộc địa và ngoại giao. Vì vậy, những phân tích sử học, mang những điểm nhìn phong phú, khi thì văn hóa, khi thì thống kê, thực sự gây ấn tượng với độc giả.

Ảnh: Omega+

3. CUỘC PHIÊU LƯU CỦA NGÔN NGỮ ANH – TIỂU SỬ ANH NGỮ TỪ NĂM 500 ĐẾN NĂM 2000 – Melvyn Bragg

Trích: Omega Plus Books

Giải đáp các câu hỏi xoay quanh lịch sử phát triển của ngôn ngữ này cũng như lý giải việc nó đã chinh phục cả thế giới ra sao.

Từ khởi đầu là một phương ngữ được khoảng 150.000 người sử dụng, ngôn ngữ Anh đã xoay xở trở thành một ngôn ngữ quốc tế có đến 1,5 tỉ người dùng ngày nay. Hành trình ấy đã diễn ra như thế nào? Những yếu tố tham gia vào đó là gì?

Cùng cuốn sách chu du qua thời gian và không gian, đến với cuộc phiêu lưu tráng lệ, từ nền móng ban đầu, qua quá trình được bồi đắp bởi ngôn từ và tư tưởng mới của những kẻ xâm lược, mà từng chút một, những người nói tiếng Anh đã tiếp thu và tạo ra một ngôn ngữ của riêng họ và cho đến hiện tại, trong cuộc sống hàng ngày, tiếng Anh vẫn tiếp tục được tái phát minh các biến thể mới ở bất cứ nơi nào nó có mặt và chưa hề tỏ dấu hiệu giảm tốc.

Ảnh: Omega+

4. GIẢI MÃ VĂN HÓA VIỆT – PGS.TS. Dương Văn Sáu

Nguồn: Maihabooks

Với mong muốn mang tới cho bạn đọc thêm một góc nhìn lý thú về văn hóa, MaiHaBooks hân hạnh ra mắt ấn phẩm Giải mã văn hóa Việt của PGS.TS. Dương Văn Sáu – giảng viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Cuốn sách luận bàn về đời sống vật chất và tinh thần của người Việt thông qua việc “giải mã văn hóa”, “giải ảo hiện thực” các hình tượng văn hóa truyền thống Việt Nam.

Thực chất của quá trình “giải mã văn hóa”, “giải ảo hiện thực” là việc tác giả cố gắng nhất có thể để trả lời những câu hỏi: Ai? Cái gì? Ở đâu? Tại sao? Như thế nào?… đối với sự hiện diện các hình tượng của văn hóa dân tộc trong những không gian và thời gian xác định.

Cuốn sách sẽ hữu ích cho những người yêu thích văn hóa dân gian truyền thống muốn tìm hiểu cội nguồn của văn hóa dân tộc; bổ sung các cách tiếp cận đa chiều về một số sự vật – hiện tượng diễn ra trong cuộc sống để từ đó tìm ra sự liên kết văn hóa tiềm ẩn bên trong các sự vật hiện tượng vốn diễn ra bình thường trong cuộc sống đương đại.

Cuốn sách cũng giúp bổ sung tri thức, những hiểu biết cho các hướng dẫn viên du lịch về các hình tượng văn hóa vật thể và phi vật thể sẽ gặp trong các chương trình du lịch. Thông qua việc “giải mã văn hóa” các hình tượng văn hóa truyền thống, các hướng dẫn viên sẽ đem đến cho du khách sự “mới mẻ” trong cách tiếp cận những sự vật – hiện tượng truyền thống vốn có. Từ đó tạo ra ấn tượng và sự khác biệt để tạo nên tính hấp dẫn trong các chương trình du lịch văn hóa – lịch sử ở các địa phương. Đó chính là một trong những nội dung quan trọng của Văn hóa Du lịch ở Việt Nam hiện nay.

Ảnh: MaiHaBooks

5. LÊ TRIỀU CHIẾU LỆNH THIỆN CHÍNH – TS. Nguyễn Sĩ Giác

Nguồn: MaiHaBooks

Để tìm hiểu, nghiên cứu về luật pháp, lễ nghi của một triều đại phong kiến, người ta thường nhắc đến những bộ Hội điển. Từ thời Lê Trung Hưng cho đến khi thời Tây Sơn, các luật lệ của nước ta cũng được ghi chép dưới hình thức Hội điển trong pho sách; hiện nay còn di lưu có thể kể đến ba bộ sách: Quốc triều chiếu lệnh thiện chính, Quốc triều thiện chính tập và Quốc triều thiện chính tập tục biên (còn gọi là Quốc triều Hội điển và Tục Hội điển), Chính Hòa chiếu thư.

Lê triều chiếu lệnh thiện chính là ấn phẩm được Trường Luật Sài Gòn phiên dịch từ bản chép tay số A. 257 cuốn Quốc triều chiếu lệnh thiện chính của Trường Viễn Đông Bác Cổ – một tài liệu được coi như đầy đủ và đáng tin hơn cả về các điều lệ dưới triều Lê Trung Hưng. Cuốn sách ghi chép các chiếu lệnh ban hành trong thời gian 1619-1705, phân loại làm 7 quyển theo thẩm quyền của 6 bộ đương thời, trong mỗi quyển trình bày theo thứ tự niên hiệu của các triều vua:

  • Quyển Nhất: Chiếu lệnh thuộc về bộ Lại
  • Quyển Nhì: Chiếu lệnh thuộc về bộ Hộ
  • Quyển Ba: Chiếu lệnh thuộc về bộ Lễ (phần nhất)
  • Quyển Tư: Chiếu lệnh thuộc về bộ Lễ (phần nhì)
  • Quyển Năm: Chiếu lệnh thuộc về bộ Binh
  • Quyển Sáu: Chiếu lệnh thuộc về bộ Hình
  • Quyển Bảy: Chiếu lệnh thuộc về bộ Công

Tuy nhiên, cũng chính vì tài liệu của liệu của Trường Viễn Đông Bác Cổ chỉ là một tài liệu chép tay, không sao tránh được các sự xuyễn mậu; cho nên cuốn sách đã được in kèm cả bản chữ Hán để tiện cho bạn đọc kê cứu, góp ý bổ sung cho những điểm khiếm khuyết.

Có thể nói, Lê triều chiếu lệnh thiện chính là một pho sách mà tài liệu phong phú và phiên tạp như một quyển hội điển. Cuốn sách trình bày các chiếu lệnh, những giải pháp mà nhà cầm quyền đương thời đã áp dụng cho tất cả các hoạt động xã hội, kinh tế và chính trị của quốc gia, phản chiếu tình trạng của dân tộc dưới mọi khía cạnh trong một thời gian non một thế kỷ.

Ảnh: MaiHaBooks

6. LỊCH TRIỀU TẠP KỶ (TẬP 1) – Ngô Cao Lãng

Trích: MaiHaBooks

Lịch sử trung đại Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn thế kỷ XVII – XVIII là mảng đề tài không mới, đã được giới sử học tìm tòi, nghiên cứu trong nhiều thập kỷ. Trong điều kiện lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội Việt Nam, vấn đề này, cho đến nay, vẫn còn nguyên tính thời sự. Việc nhìn nhận lại từng sự kiện trong bối cảnh Nam – Bắc phân tranh, vua Lê – chúa Trịnh cùng nhau nắm quyền ở Đàng Ngoài, cũng như về nguồn tư liệu, các công trình nghiên cứu, các nhận thức khoa học về vấn đề quen thuộc nhưng phức tạp này, xét thấy là rất cần thiết.

Trên tinh thần đó, Nhà xuất bản Khoa học xã hội phối hợp với MaiHaBooks và Viện Sử học tái bản bộ sách Lịch triều tạp kỷ do Ngô Cao Lãng cùng Xiển Trai biên soạn và bổ sung. Đến tận ngày hôm nay, bộ sách vẫn giữ vẹn nguyên giá trị của một bộ tư sử được ghi chép cẩn thận, nghiêm túc và công phu, tiếp nối cho kho Việt sử tục biên nằm trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư. Không chỉ có những giá trị sâu sắc về mặt lịch sử, Lịch triều tạp kỷ còn là một nguồn tư liệu quý giá về khía cạnh văn học, bổ sung thêm những hiểu biết về văn học trung đại Việt Nam thông qua những mô tả chi tiết về nghệ thuật xướng họa thơ ca cung đình đặc sắc cùng sự chuộng Nôm, sành Nôm của các chúa Trịnh để đề cao vai trò của chữ Nôm trong xã hội đương thời.

Một điều đặc biệt trong lần tái bản này, đó là, cùng với bản dịch tác phẩm, chúng tôi kỳ công bổ sung thêm nguyên tác chữ Hán, được lưu trữ tại kho tư liệu của Viện Sử học Việt Nam để các nhà nghiên cứu nói riêng, cùng toàn thể độc giả nói chung tiện bề nghiền ngẫm. Đây là sự khác biệt rất lớn so với các lần xuất bản trước đây.

Ảnh: MaiHaBooks

7. QUAN HỆ BIÊN GIỚI TRÊN ĐẤT LIỀN GIỮA TRUNG QUỐC VỚI CÁC QUỐC GIA LÁNG GIỀNG –  PGS. TS. Đinh Quang Hải

Nguồn: MaiHaBooks

Quan hệ biên giới trên đất liền giữa Trung Quốc với các quốc gia láng giềng

Trung Quốc là một quốc gia lớn trên thế giới, có bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa, với nền văn minh Trung Hoa là một trong những nền văn minh phát triển rực rỡ nhất thế giới cổ trung đại. Trung Quốc là quốc gia có diện tích lục địa lớn thứ tư trên thế giới chỉ sau Liên bang Nga, Canada và Mỹ. Diện tích hiện nay của Trung Quốc rộng khoảng 9.596.961 km2, có đường biên giới trên bộ dài nhất thế giới, với 22.117km, tiếp giáp với 14 quốc gia, gồm: Triều Tiên, Nga, Mông Cổ, Nepal, Buthan, Ấn Độ, Pakistan, Afganistan, Tadjikistan, Kyrgyzstan, Kazakhstan, Việt Nam, Lào, Myanmar.

Đến tháng 9/2019, Trung Quốc đã có quan hệ ngoại giao với 180 nước (kể cả Palestine, quần đảo Cook và Niue). Chính sách ngoại giao của Trung Quốc là “5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình” có từ thời Thủ tướng Chu Ân Lai. Tuy nhiên, trong hơn 70 năm qua (1949-2020), đường lối và chính sách ngoại giao của Trung Quốc không hoàn toàn tuân thủ theo nguyên tắc đó, nhất là trong quan hệ biên giới – lãnh thổ với các quốc gia láng giềng.

Vì vậy, nghiên cứu về Quan hệ biên giới trên đất liền giữa Trung Quốc với các quốc gia láng giềng không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa khoa học, mà còn thông qua đó, góp phần làm rõ hơn về chính sách và hành động của chính quyền Bắc Kinh trong quan hệ biên giới – lãnh thổ với các nước láng giềng. Các nghiên cứu và công bố về vấn đề này sẽ là một đóng góp về mặt sử học trong cuộc đấu tranh vì hòa bình hữu nghị tại các khu vực biên giới trên bộ và trên biển giữa các quốc gia trên thế giới và khu vực nói chung, giữa Trung Quốc và Việt Nam nói riêng.

Để góp thêm chút sức lực nhỏ bé vào quá trình nghiên cứu và nâng cao hiểu biết về lĩnh vực quan hệ biên giới, lãnh thổ, chủ quyền dân tộc nói riêng, cũng như lĩnh vực sử học và xây dựng chính sách nói chung, nhất là trong mối quan hệ với Trung Quốc, một nước lớn ở khu vực và trên thế giới, MaiHaBooks trân trọng giới thiệu đến quý độc giả cuốn sách Quan hệ biên giới trên đất liền giữa Trung Quốc với các quốc gia láng giềng. Hy vọng cuốn sách sẽ là một trong những chuyên khảo đặc sắc để mỗi độc giả tìm tòi và nghiền ngẫm.

Ảnh: MaiHaBooks

8. TỪ MỸ HỌC ĐẾN CÁC LOẠI HÌNH NGHỆ THUẬT – Denis Diderot

Nguồn: NXB Tri thức

Denis Diderot (1713 – 1784) là kiến trúc sư­ của công trình Bách khoa thư ­ (Encyclopédie) đồ sộ, nhà văn có nhiều đóng góp độc đáo, nhà triết học duy vật, sôi nổi “lòng yêu chân lý và chính nghĩa”, nhà phê bình nghệ thuật sắc sảo. Ông là “nhà thơ lớn, nhà họa sĩ lớn, nhà điêu khắc lớn, nhà nhạc sĩ lớn… tuy ch­a từng bao giờ làm thơ, vẽ tranh, soạn nhạc, nặn t­ượng” (F. Grimm).

Diderot bàn về mỹ học và văn học nghệ thuật ở nhiều công trình khác nhau, cuốn sách là tập hợp bảy công trình quan trọng của ông:

  • Luận về cái đẹp (Traité du beau) 
  • Về những tác gia và các nhà phê bình (Des auteurs et des critiques)
  • Những tùy bút về hội họa (Essais sur la peinture)
  • Châm biếm 1 (Satire I)
  • Tán dương Richardson (Éloge de Richardson)
  • Trò chuyện với Dorval về Đứa con hoang (Entretien sur Le Fils naturel)
  • Ý kiến ngược đời về diễn viên (Paradoxe sur le comédien)
Ảnh: NXB Tri thức

Cảm ơn các bạn đã theo dõi bản tin tri thức do nhóm Book Hunter thực hiện.

Điểm tin: Trần Cúc

Do nhân lực có hạn, nên Book Hunter có thể sẽ tổng hợp thiếu sót các tin tức. Chúng tôi rất mong các bạn có thể cùng chia sẻ tin tức về các hoạt động xuất bản, sự kiện học thuật, hoạt động nghiên cứu… trong và ngoài nước, để Bản tin tri thức đa chiều hơn và đầy đủ hơn.

Đọc thêm bản tin sách học thuật trong nước tháng trước:

https://bookhunter.vn/sach-hoc-thuat-trong-nuoc-thang-3-nam-2022-vi-sao-lai-lam-triet-hoc-tim-hieu-xa-hoi-viet-nam-thoi-ly-tran-nhung-van-de-lich-su-va-van-hoa-champa/

SÁCH TIẾNG ANH HỌC THUẬT THÁNG 2 NĂM 2022: CHỮA LÀNH VỚI ĐẤT SÉT, CÁC NGUYÊN MẪU TRONG TÔN GIÁO VÀ HƠN NỮA, BẢO TỔN DI SẢN LỊCH SỬ VĂN HÓA TRONG KỶ NGUYÊN SỐ…

Một đầu sách mới lạ xuất hiện trong chủ đề Học Thuật tháng này - Đất Sét. Tài nguyên thiên nhiên là chủ đề không mấy xa lạ trong các cuộc nghiên cứu, thế nhưng Đất Sét - đặc biệt là việc ăn Đất Sét - chắc chắn là chủ đề hiếm hoi trong thế giới sách Học Thuật nói riêng, cũng như trong các cuộc bàn luận, nghiên cứu nói chung. Rộng hơn, đây là câu chuyện về sức khỏe bên trong, sức khỏe

SÁCH HỌC THUẬT TRONG NƯỚC THÁNG 3 NĂM 2022: VÌ SAO LẠI LÀM TRIẾT HỌC?, TÌM HIỂU XÃ HỘI VIỆT NAM THỜI LÝ – TRẦN, NHỮNG VẤN ĐỀ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA CHAMPA… 

“Triết học”, một thuật ngữ, một môn học thú vị nhưng cũng là sự khiếp đảm của bao thế hệ sinh viên Việt Nam. Với “Vì sao lại làm triết học”, hi vọng bạn đọc có thể nhìn ra một con đường rõ ràng hơn trên con đường dạy, học triết của mình. Lịch sử vẫn là chủ đề thường thấy trong các điểm sách học thuật. Trong điểm sách học thuật tháng 3, ta sẽ được tham khảo các nghiên cứu tài liệu về

Trần Cúc

02/04/2022

SÁCH HỌC THUẬT TRONG NƯỚC THÁNG 1 NĂM 2022: CHÚNG TA SỐNG BẰNG ẨN DỤ, KHẢO CỨU VỀ TIỀN CỔ Ở AN NAM, NGHIÊN CỨU PHÂN TÂM HỌC, LÊ QUÝ DẬT SỬ,…

Để tìm hiểu và đúc kết một vấn đề nào đó còn là một dấu hỏi trên thế giới này hay trong  chính bản thân mỗi người luôn tốn rất nhiều thời gian, có thể là hàng chục năm, có thể là một đời người hoặc là tới cả hàng trăm thế hệ. Một cách thức phổ biến và ngắn nhất để tìm hiểu, nghiên cứu về một vấn đề là tìm về những tri thức, kinh nghiệm của những người đi trước được lưu

Trần Cúc

02/02/2022

SÁCH HỌC THUẬT THẾ GIỚI THÁNG 12 NĂM 2021: LUÂN LÝ HỌC ỨNG DỤNG, NIETZSCHE VÀ MARX ĐỐI VỚI CÁNH TẢ THẾ KỶ 21, KESPEARE SURVEY 74: SHAKESPEARE VÀ GIÁO DỤC, QUAN SÁT TRÁI ĐẤT BẰNG PYTHON: CẨM NANG LẬP TRÌNH ỨNG DỤNG…

Sự xuất hiện của hai chủ đề Khoa học Trái Đất và Nhiếp Ảnh, chính là điểm nhấn trong thế giới sách học thuật tháng cuối năm này. Bạn đọc sẽ được tìm hiểu về một nhiếp-ảnh-gia-bảo-mẫu, hay làm quen với ngôn ngữ Python để bước đầu tiếp xúc Khoa học Trái Đất. Triết học cũng sẽ xuất hiện một cách hàn lâm, nhưng thú vị dưới các tác phẩm của Marx và Nietzsche. Cùng Đạo Đức Học, chủ đề vẫn luôn được chú trọng,

Sách học thuật thế giới tháng 7 năm 2021: Ma thuật đen, Machine Learning, phát triển bền vững và những thái cực trái ngược nhau của các xu hướng xã hội

Nếu bạn lang thang trên các trang điểm sách của những tờ báo lớn trên thế giới, bạn sẽ bắt gặp nhiều cuốn sách thú vị, nhưng chúng chỉ dừng ở mức độ hấp dẫn và mang tính gợi mở. Để tiếp cận một vấn đề chuyên sâu hơn, các bạn có thể tìm đọc các cuốn sách mang tính học thuật. Chúng có thể không hấp dẫn và khó đọc, nhưng lại đầy tính thuyết phục nhờ dữ liệu đầy đủ và lập luận

Book Hunter

02/08/2021