“Động lực chết” của bạn sẽ không còn hủy hoại bạn. Hãy thuần hóa nó.
Có rất nhiều lý thuyết giải thích nguồn gốc của trầm cảm. “Động lực chết” của Freud là một lý thuyết có thể lý giải được. Lý thuyết phổ biến nhất lý giải về trầm cảm bắt nguồn từ khoa học thần kinh.
Lý thuyết này giải thích về chất dẫn truyền thần kinh monoamine trong não bộ (dopamine, serotonin, và norepinephrine) và cách thức chúng hoạt động tác động lên tâm trạng. Các nhà khoa học thần kinh nhận ra rằng đó là một mối quan hệ có tác động qua lại lẫn nhau: Lượng thấp các chất dẫn truyền này sẽ dẫn đến việc cá nhân cảm thấy ít hạnh phúc hoặc bị trầm cảm.
Việc thiếu vắng hoạt động của monoamine ảnh hưởng tiêu cực lên suy nghĩ. Ngược lại, suy nghĩ có thể làm hạ thấp mức monoamines, điều này cũng dẫn đến trầm cảm. Những suy nghĩ bắt nguồn từ động lực chết có thể là một nguyên nhân đóng góp cho chứng bệnh này.
Freud đề xuất rằng con người có một bản năng sống và một bản năng chết. Lý thuyết của ông dựa vào những xung năng – động lực (tính dục và sự hung hăng) chi phối cuộc sống của chúng ta. Xung năng của sự hung hăng là một biểu hiện bên ngoài của động lực chết. Động lực chết kiếm tìm sự phá hủy, đưa cuộc sống tới trạng thái không có tổ chức. Trong một vài trường hợp, xung năng hung hăng này hướng vào bên trong, dẫn đến tự sát.
Ở nhiều nước, trong thời kỳ chiến tranh, tỷ lệ tự sát giảm xuống. Ở một vài đất nước khi tỷ lệ giết người giảm xuống, tỷ lệ tự sát tăng lên, và ngược lại. Việc diễn giải dữ liệu này dựa trên niềm tin vào một động lực bẩm sinh bó buộc sự cân bằng trong những lực phá hủy (Comer, 2011).
Freud tin rằng hầu hết mọi người hướng bản năng chết ra bên ngoài. Tuy nhiên, một vài người, lại hướng nó về phía mình. Trầm cảm thường được mô tả là dạng “giận dữ chuyển hướng vào bên trong.” Nhiều người có ý tưởng về tự sát thường tự khinh rẻ và hung hăng với bản thân. Điều này cũng liên quan tới lý thuyết của Freud; một vài người hướng đến việc hủy hoại chính họ.
Trong một bài đăng nổi tiếng của Tiến sĩ Lisa Firestone, có tên “Giọng nói bên trong dẫn dắt đến tự sát”, đã bàn luận về chủ đề làm thế nào mà tiếng nói chỉ trích bên trong có thể thuyết phục người ta “tốt hơn hết là kết liễu cuộc đời mình thay vì kiếm tìm giải pháp cho những khổ đau họ đang phải chịu đựng”. Tiếng nói bên trong này có thể bắt nguồn từ động lực chết.
Lý thuyết này có thể áp dụng xa hơn cho những hành vi tự hủy hoại tồn tại ở rất nhiều người mắc chứng trầm cảm. Một vài người bị trầm cảm “tự bắn vào chân họ”, và sau đó bỏ bê bản thân. Với một vài người khác, xu hướng này có thể đi theo hướng tích cực; một khi họ đã làm những hành động tổn thương bản thân mình, họ trấn tĩnh để dừng lại. Không may thay, số khác thì rơi vào cảnh vô vọng hoàn toàn. Tự hủy hoại bản thân rồi dẫn đến trầm cảm.
Triết lý Đông Phương chỉ ra rằng những hành động vị kỷ có thể là một hình thái của việc tự hủy hoại. Có bao nhiêu người, bằng những hành động ích kỷ của mình, tách rời bản thân khỏi người khác? Bao nhiêu người thấy mình cô đơn và không có sự trợ giúp khi họ cần? Sự vị kỷ, khi nó dẫn tới tình trạng cô lập, có thể trở thành một phần của động lực chết.
Phật giáo ngụ ý rằng sự vị kỷ sẽ dẫn tới sự mất kết nối và không hạnh phúc. Các chương trình về tôn giáo và tâm linh đề xuất những hành động vô vị lợi sẽ dẫn tới hạnh phúc. Đức Đạt Lai Lạt Ma hỏi “Bạn có nên sử dụng người khác để có được hạnh phúc, hay bạn nên giúp đỡ họ để có được hạnh phúc?” Ngài tiếp “Nếu có thể, hãy giúp đỡ người khác. Nếu không thể, ít nhất đừng hãm hại họ.” Nhiều người theo những chỉ huấn tâm linh này đã trở nên hạnh phúc hơn.
Hiểu và thách thức lại động lực chết có thể giúp người ta kiểm soát bệnh trầm cảm của mình. Với nhiều người, việc hiểu được có một tiếng nói bên trong mong cầu cái chết và sự hủy hoại có thể giúp họ tách rời, và từ đó tránh xa họ khỏi những suy nghĩ đó.
Tránh xa những suy nghĩ này giúp người đó không còn sở hữu chúng và lấy đi sức mạnh của chúng. Bạn không phải là những suy nghĩ của mình. Một khi nhận ra được những suy nghĩ này, chúng có thể bị thách thức, thu hẹp lại và không còn được chú ý tới nữa. Những suy nghĩ lành mạnh hơn có thể thế chỗ chúng.
Thêm vào đó, nếu một người nhận ra rằng sau cùng những hành động vị kỷ góp phần vào sự bất hạnh, họ có thể dừng lại ham muốn hành động vị kỷ và trở nên quan tâm tới những người khác. Sự đáp trả có thể theo đó, và những mối quan hệ chăm sóc, hỗ trợ nhiều hơn có thể nảy sinh. Chúng ta đã vừa thách thức, hoặc định hướng theo hướng tích cực, những xung năng khác của mình. Một khi chúng ta nhận ra sức mạnh vô thức của động lực chết, chúng ta có thể làm tương tự.
William Berry
Dịch: Susan – Hiệu đính: Lê Duy Nam