Sáng nay, nếu có thể, tôi muốn nói về thời gian và cái chết. Và bởi vì nó là một chủ đề khá là phức tạp nên tôi nghĩ là sẽ cần thiết để chúng ta hiểu về ý nghĩa của sự học. Cuộc đời là một phức hợp rộng lớn, với tất cả những xáo trộn, khổ đau, lo âu, yêu thương, ghen tỵ và sự tích lũy; và chúng ta học qua những công việc vất vả. Sự học này là một quá trình tích lũy. Với chúng ta, tất cả sự học là một tiến trình thêm vào, và bất kỳ khi nào có sự thêm vào, sự tập hợp lại, đó có phải là sự học không? Sự tích lũy có phải là sự học không? Hay sự học chỉ xảy ra khi tâm trí này hoàn toàn trong sáng? Tôi nghĩ chúng ta nên tự vấn vấn đề này một chút, bởi vì để có thể hiểu về thời gian và cái chết, một người phải học, anh ta phải trải nghiệm và sự trải nghiệm thì không bao giờ là một quá trình tích lũy cả.
Theo cách tương tự, tình yêu cũng không bao giờ là sự tích lũy. Nó là điều gì đó luôn luôn mới mẻ. Nó không phải thứ được sinh ra từ sự hồi tưởng. Nó hoàn toàn không liên quan gì tới bức tranh trên khung sưởi. Thế nên nếu có thể, một cách ngập ngừng nhưng sẽ là thông minh hơn để hiểu về ý nghĩa của việc học thì sau đó chúng ta có thể bắt đầu đặt ra câu hỏi về Thời gian và Cái chết, và cũng có thể khám phá ý nghĩ của Tình Yêu.
Đối với tôi, việc học ý nói về một trạng thái của tâm trí không bao giờ thu thập, cũng không bao giờ tích lũy. Nếu một người học với một tâm trí đã mang tính thu thập, thì sự học của anh ta chỉ đơn thuần là sự thu nạp thêm nhiều kiến thức hơn thôi, có phải không? Sự tích lũy kiến thức không phải là sự học hỏi. Máy móc điện tử đang làm việc đó, chúng đang thu nạp ngày càng nhiều kiến thức hơn, nhưng chúng không có khả năng học hỏi. Quá trình thu nạp kiến thức là một quá trình cơ học, và sự học hỏi không thể là một thứ mang tính máy móc như thế. Tâm trí cần phải luôn luôn tươi mới, trẻ trung và trong sáng để học. Một tâm trí đang học hỏi thì chắc chắn luôn ở trong trạng thái khiêm nhường – mà không phải sự khiêm nhường được nuôi dưỡng bởi các thầy tu, các vị thánh nhân hay một người uyên bác. Một tâm trí đang học hỏi có phẩm cách riêng của nó, bởi vì nó ở trong một trạng thái khiêm nhường.
Tôi đang sử dụng từ “học” trong một sắc thái nghĩa tương đối khác, nó không phải một quá trình thu nạp kiến thức. Sống với một điều gì đó và thu nhận kiến thức về nó là hai trạng thái khác biệt. Để học về điều gì đó bạn phải sống cùng với nó, và nếu bạn đã có kiến thức về nó thì bạn không thể sống cùng nó, bởi vì sau đó bạn chỉ sống với kiến thức của bạn mà thôi. Để tìm ra câu trả lời cho chính mình về vấn đề cực kỳ phức tạp như Thời gian và Cái Chết, một người phải học, và bởi thế nên sống cùng với nó; và chúng ta sẽ hoàn toàn bị cản trở nếu chúng ta tiếp cận vấn đề này bằng cách tích lũy những thứ mà chúng ta đã biết bằng kiến thức. Tôi sẽ đi vào vấn đề này từng chút một, và có thể chúng ta sẽ có thể hiểu nhau đang nói gì.
Trong một buổi nói chuyện khác, chúng ta đã bàn về ham muốn. Chúng ta đã đào sâu vấn đề này tương đối đầy đủ, nhưng tôi nghĩ chúng ta còn thiếu điều này: đó là ham muốn thì kết nối sâu sắc với ý chí. Đương nhiên, ý chí được hiểu ở đây không chỉ là những khát khao mà là cả sự lựa chọn. Nơi nào có sự lựa chọn, ở đó có ý chí và vì thế, vấn đề về thời gian bắt đầu nổi lên.
Nào bây giờ, tôi xin đề nghị là bạn hãy lắng nghe toàn bộ vấn đề này cho tới cuối cùng. Đừng gắn với những phần nhỏ của cả bài nói chuyện mà bạn cảm thấy đồng tình hay phản đối, mà hãy nhìn vào một cách tổng thể toàn bộ nội dung của nó. Đó là vấn đề nhận thức, nhìn nhận trực diện một việc gì; và khi bạn có thể nhìn một việc gì rất trực diện thì bạn có thể chẳng đồng ý hoặc cũng không phản đối: nó là thế.
Nên, như tôi đã nói, chúng ta phát triển ý chí thông qua sự mâu thuẫn giữa bên trong và bên ngoài. Và ý chí, một cách hiển nhiên, là một dạng thức của sự kháng cự, đó là ý chí để đạt được, để trở thành, khẩn thiết chối bỏ hay quyết tâm để duy trì điều gì đó hay không. Ý chí là tấm vải được dệt thành từ nhiều những sợi mong muốn và khát khao, và chúng ta sống với điều đó. Và khi chúng ta đặt vấn đề về thời gian, chúng ta đòi hỏi một cái nhìn thấu suốt khác biệt với khái niệm ý chí này để có thể hiểu. Tôi không biết việc đặt vấn đề như vậy đã rõ ràng hay chưa, nhưng tôi sẽ tiếp tục vấn đề như vậy và có thể bạn sẽ hiểu. Đây là một buổi nói chuyện thông thường, không được chuẩn bị, nó có thể ít nhiều là sự tự vấn; và để bàn luận vấn đề này rộng rãi là một chuyện còn để mà đi vào vấn đề này toàn diện mang tính bản ngã thì lại là một chuyện khác. Những gì chúng ta đang cố gắng làm là để truyền tải & trao đổi với nhau về hành trình của thời gian. Sự tự vấn cũng bao hàm ý nghĩa thời gian, và việc đặt từ ngữ cùng nhau cũng hàm ý thời gian, và tất cả những sự giao tiếp đều dựa trên thời gian. Và có thể tồn tại một sự thấu hiểu về cái gì là thời gian, và cái gì không phải, mà không thông qua ngôn từ, không thông qua giao tiếp bằng lời hay giao tiếp của trí tuệ, mà có thể bằng cách bước sang bên cạnh toàn bộ quá trình. Nhưng không may mắn, đầu tiên chúng ta vẫn phải truy vấn về thời gian bằng ngôn từ, bằng trí tuệ. Và sự truy vấn này là cảm nhận việc học về thời gian – nó không phải là việc ghi nhớ về những gì bạn đã đọc, hoặc đơn thuần là nghe những gì tôi đang nói, mà là nhận thức về thời gian, nhìn vào vấn đề một cách trực diện cho chính mình. Và tôi nghĩ rằng điều này có thể mang lại giá trị to lớn.
Thời gian vừa mang tính tuyến tính và tâm lý, bên ngoài và bên trong. Và mâu thuẫn nổi lên khi thời gian được đưa vào trong cuộc sống của chúng ta theo kiểu “Tôi sẽ là”, “Tôi không là”, “Tôi phải tới”, “Tôi phải hoàn thành”. Và nếu tâm trí có thể loại bỏ toàn bộ quá trình này, sau đó chúng ta có thể nhận thấy là tâm trí này không còn đo đếm được, không có giới hạn, nhưng lại có thể sống trong thế giới này trọn vẹn, hoàn toàn với tất cả mọi giác quan của nó.
Với phần lớn chúng ta, thời gian có trật tự như hôm nay, ngày mai và hôm qua là cần thiết. Thời gian được đưa vào việc học một kỹ nghệ nào đó để kiếm sống. Nó ở đó, và bạn không thể trốn tránh, và đó là thực tại. Bạn mất thời gian để tới đây, bạn mất thời gian để học một ngôn ngữ, và thời gian để trưởng thành từ lúc tuổi trẻ cho tới lúc già đi. Nó tốn thời gian, bao gồm cả khoảng cách và không gian, để đi từ đây lên mặt trăng. Đó là toàn bộ sự thật, sẽ thật ngớ ngẩn và điên rồ khi chối bỏ điều đó.
Nào bây giờ thử hỏi, thực tế là có tồn tại thời gian nào khác không? Hoặc tâm trí này có phát minh ra loại hình thời gian tâm lý nào không như một phương tiện để đạt được, hay để trở thành điều gì đó? Tôi đố kỵ, hám của, hung ác, nhưng theo thời gian, tôi sẽ dần được giải phóng khỏi những sự ghen tỵ đó, trở nên không bạo lực. Đó là một thực tại, đó là một dữ kiện phải không, giống như khoảng cách từ London tới Paris là một dữ kiện? Có còn dữ kiện nào xác định và thực tế như là không gian và khoảng cách? Hay nói khác đi, thời gian tâm lý có thực sự tồn tại không? Mặc dù chúng ta tạo ra nó, mặc dù chúng ta sống cùng nó, mặc dù nó là dữ kiện thực tế đối với chúng ta, thì có tồn tại cái gì như vậy không? Chúng ta chấp nhận thời gian tuyến tính và chúng ta cũng chấp nhận thời gian tâm lý; và cả 2 khái niệm đó, chúng ta nói là những dữ kiện thực tế. Một khái niệm – thời gian tuyến tính là một thực tế; nhưng tôi cũng đang hỏi là khái niệm kia có là thực tế không? Thời gian có nhất thiết phải theo trật tự để nhìn thấy điều gì đó cho rõ ràng, ngay tức khắc? Để nhìn thấy sự tích trữ, ghen tỵ, tất cả những thứ đó, sự khổ đau được bao gồm trong lòng đố kỵ, để nhìn thấy sự thật của nó, thời gian có thực sự cần thiết chăng? Hay tâm trí sáng tạo ra thời gian tâm lý để tận hưởng trái ngọt của lòng đố kỵ và tránh né nỗi đau của nó? Nếu vậy, thời gian có thể là nơi cư ngụ của một tâm trí lười biếng. Tâm trí lười biếng đó nói rằng “Tôi không thể hiểu chuyện ngay lập tức, tôi cần thời gian, hãy để tôi nhìn nhận vấn đề đó lâu hơn chút nữa, sau đó tôi sẽ làm gì đó” hay là “Tôi biết mình bạo lực; và dần dần, khi nó không còn thỏa mãn tôi nữa, khi nó không còn có ích lợi với tôi nữa, khi tôi không còn thích thú điều đó nữa, tôi sẽ từ bỏ nó”. Thế là, lý tưởng này được sinh ra: ý tưởng về việc “Cái gì nên” được đặt cách xa so với cái thực tế “nó là”. Vậy là đã có khoảng cách giữa “thực tế” và “cái nên là”. Và tôi đang hỏi: cái lỷ tưởng “cái nên là” có phải là một dữ kiện thực tế? Hay nó là sự phát minh tiện lợi của tâm trí để tiếp tục với sự thỏa mãn và những nỗi đau, sự lười biếng của sự trì hoãn?
Nào bây giờ, để hiểu điều gì đó ngay lập tức – sự ngu xuẩn của lòng đố kỵ, của sự cạnh tranh, của đạo đức xã hội, – để hiểu những sai lầm của nó ngay lập tức, có đòi hỏi thời gian? Để chuyển hóa tâm trí này, để tâm trí tự nó tự do khỏi những ràng buộc của mình, có đòi hỏi thời gian? Bạn thấy đó, theo cách hiểu thông thường, một cuộc Cách Mạng về kinh tế, xã hội, chính trị hay những hình mẫu khác đều được coi như là sự phản ứng lại với những gì đã có trước đây. Với tôi, sự phản kháng không phải là cuộc Cách Mạng. Một cuộc Cách Mạng là thức thời, và nó không liên quan gì đến phản ứng.
Sau tất cả, tâm trí là kết quả của nhiều ngàn ngày hôm qua, và bản thân nó là kết quả của thời gian, nên nó luôn nghĩ theo kiểu hôm qua, hôm nay và ngày mai. Và để nhận ra có tồn tại sự không thời gian không, để thực sự nhận ra, để học về nó thì nhất thiết tự nó phải có một cuộc cách mạng toàn diện. Tôi có đang truyền tải được điều gì không, hay là không truyền tải được chút gì?
Nhìn này: bạn là người Anh, người Ý, người Pháp, người Hindu hay bất kỳ giống người nào; và cùng với tính dân tộc đó – là điều kiện, sự xa cách, thái độ phân chia đối với cuộc sống. Và ràng buộc này được đặt cùng nhau thông qua thời gian, giáo dục, thông qua sư phạm; trong suốt 2000 năm nhà thờ đã tẩy não bạn thành một người Kito hữu. Và ràng buộc về tôn giáo, về dân tộc, về sự chia rẽ hiển nhiên phải được phá vỡ hoàn toàn, bởi những thứ đó là rào cản, là giới hạn của tâm trí. Và nếu những thứ đó bị phá bỏ hết, thì liệu thời gian có còn là vấn đề?
Hãy nhìn việc này theo một cách khác. Thời gian tồn tại ở đâu? Không chỉ thời gian theo cái đồng hồ đeo tay, mà thời gian nội tại, nó tồn tại ở đâu? Nào, đây không phải câu hỏi tu từ, hay một câu hỏi tranh luận, hoặc một câu hỏi chỉ để kích hoạt tâm trí bạn – tất cả những điều đó đều quá ngớ ngẩn. Tôi đang hỏi điều này bởi vì không gian, thời gian và khoảng cách phải tồn tại trong trạng thái không có thời gian gì hết. Trạng thái này phải tồn tại trước, và mọi thứ còn lại tham gia vào. Với sự không thời gian, sẽ không có không gian và khoảng cách. Vui lòng đừng chấp nhận hay chối bỏ nó: chúng ta phải cảm thấy theo cách của mình đối với vấn đề này. Tôi chưa hề diễn tả với bạn về cảm nhận của nó, thế nên bạn không thể nói nó là thế này hay không thế này, hay những gì tôi nói không có ý nghĩa gì với bạn.
Bạn hiểu, bạn tồn tại trong không gian. Không có không gian, bạn sẽ không thể tồn tại. Không có không gian giữa hai từ, những từ đó sẽ không có ý nghĩa. Không có không gian giữa hai nốt nhạc, sẽ không có âm nhạc. Không gian là cái không biết, và trong đó cái biết tồn tại. Không có cái không biết, cái biết sẽ chẳng là gì. Tôi không biết tôi có đang truyền tải cho bạn hiểu hay không. Làm ơn, nó không phải chỉ là những vấn đề cảm tính để chúng ta cười cợt hay đồng tình. Tôi sẽ tiếp tục đi vào những khía cạnh còn lại. Nếu bất kỳ điều gì một ai đó nói chết đi, ở đó sẽ không có cuộc sống.
Hầu hết chúng ta muốn một cuộc sống tiếp diễn, đó là không và thời gian. Thế nên, với chúng ta cái chết là sự kinh sợ, cần phải né tránh, và cuộc sống là điều gì đó cần được kéo dài bằng thuốc men, bác sỹ và nhiều thứ khác. Hoặc khi đối diện với cái chết như một sự không thể tránh khỏi, chúng ta nói “Tôi sẽ tin vào một điều kiểu là tôi sẽ tiếp tục và anh cũng sẽ tiếp tục tồn tại – luôn luôn trong không gian.”
Thế nên, nếu ai đó đặt vấn đề theo cách này, trong cái vùng không biết, thời gian và không gian tồn tại. Nhưng nếu không có cái cảm giác theo cách đó đối với cái không biết, tâm trí này sẽ trở thành nô lệ đối với thời gian và không gian. Nó tốn thời gian để đi đến đây: nhưng có tốn thời gian để nhận thức điều gì đó, để hiểu chuyện gì đó mà thời gian không phải vấn đề? Để hiểu cái gì đó là sai trái, có tốn thời gian? Để nhìn ra cái sự sai lầm trong tính dân tộc, sự độc hại của nó, có cần thời gian? Nào chờ chút, không đồng ý. Tôi không có ý nói tới những hiểu biết về mặt trí tuệ, ngôn từ mà là cái thực sự thấy, cảm giác thực sự về cái mà bạn sẽ không bao giờ chạm tới – chắc chắn, nó có tốn thời gian không? Thời gian thực sự lệ thuộc vào chỉ khi tâm trí này biếng nhác, không hiệu quả.
Và cái chết: tại sao lại tồn tại thứ như là nỗi sợ chết? Chẳng phải chỉ những người lớn tuổi mà tất cả mọi người đều có nỗi sợ này. Tại sao? Và trở nên e sợ, chúng ta đã vẽ ra tất cả những lý thuyết dễ chịu đẹp đẽ: sự hóa thân, nghiệp quả, sự hồi sinh và tất cả những phần còn lại. Chúng ta cần hiểu nỗi sợ hãi này, nhưng đừng để mình quay trở lại sợ hãi. Chúng ta đang cố gắng hiểu chết có ý nghĩa gì.
Hầu hết chúng ta đều mong muốn sự duy trì của thể xác này – ký ức của những điều chúng ta đã có, những hy vọng, sự thỏa mãn, sự đủ đầy -, hầu hết chúng ta sống với ký ức, với sự liên kết, với bức hình ở trên khung lò sưởi, với những bức ảnh. Và tất cả những điều đó có thể chấm dứt khi cơ thể vật lý này tan rã; và đó là một điều hết sức phiền nhiễu. Tôi đã sống quá dài, trong 50 đến 60 năm; tôi đã vật vã đấu tranh để gieo trồng những phẩm hạnh, để thu thập kiến thức; và còn gì là giá trị của cuộc sống này nếu tôi bị cắt rời khỏi tất cả những điều đó, để tan rã vào khoảnh khắc này? Vậy nên, không-thời gian xuất hiện. Bạn tuân theo? Thời gian, cũng như không gian và khoảng cách. Vậy nên với chúng ta, cái chết là vấn đề của thời gian. Nhưng với thứ mà có sự liên tục, thứ mà biết là không có kết thúc, có thể chẳng bao giờ mới lại, có thể chẳng bao giờ trẻ trung, tươi tắn, ngây thơ. Chỉ có những thứ chết đi thì mới có khả năng tạo ra, có sự tươi mới. Thế nên, có thể chết khi đang sống không, để biết sự thiết yếu, năng lượng của cái chết, với tất cả những giác quan được đánh thức đủ đầy? Cái chết có ý nghĩa gì? Không phải cái chết bởi tuổi tác, bệnh tật và tai nạn mà là cái chết của một tâm trí đang hoạt động đầy đủ, cái tâm trí mà đã nếm trải và thu nhập kiến thức; điều có nghĩa là cái chết của ngày hôm qua. Bạn có hiểu không?
Tôi không biết là bạn có từng thử chưa, cho vui thôi – là làm chết đi tất cả những thứ bạn đã biết. Sau đó bạn sẽ nói là “Nếu tôi làm chết đi tất cả những ký ức này, với kinh nghiệm, kiến thức, những bức hình của tôi, những biểu tượng, sự gắn kết và cả tham vọng của tôi, thì còn lại gì?” Chẳng gì cả. Nhưng để học về cái chết thì tâm trí phải ở trong trạng thái trống rỗng, chắc chắn thế. Hãy cùng nhìn điều này. Bạn đã từng thử làm chết đi, nhưng không phải những nỗi đau mà những niềm vui chưa? Chúng ta muốn triệt tiêu đi những đau khổ, những ký ức không vui, nhưng thử làm chết đi cả những niềm vui thú, những thứ mang lại cho bạn cảm giác sống động to lớn, bạn từng thử chưa? Nếu bạn từng, bạn sẽ thấy là bạn có thể làm chết đi ngày hôm qua. Để làm chết đi mọi thứ, để mà khi bạn tới văn phòng, tới công việc của bạn, tâm trí bạn là mới mẻ, chắc chắn thế, đó là tình yêu, chẳng phải sao? Không phải những thứ được ghi nhớ.
Vậy nên, tâm trí được đặt cùng nhau qua thời gian, tâm trí là thời gian. Mọi suy nghĩ định hình tâm trí trong thời gian. Nếu không được đặt trong thời gian, suy nghĩ phải hoàn toàn chấm dứt. Đó không phải là sự kết thúc do bị ép buộc, mà nó là sự kết thúc cơ học, nó không phải sự ngắt lại suy nghĩ, mà sự kết thúc đó đến từ việc hiểu ra Sự Thật rằng nó phải kết thúc.
Vậy nên, nếu ai đó muốn học vể cái chết, người đó phải sống với cái chết. Nếu bạn muốn học về một đứa trẻ, bạn phải sống với đứa trẻ đó và không được sợ đứa trẻ. Nhưng mà phần lớn chúng ta đã chết cả ngàn lần trước khi chết thực. Để sống với cái chết phải làm chết đi ngày hôm qua để mà ngày hôm qua không còn dấu ấn ảnh hưởng gì cho hôm nay. Bạn thử đi. Khi có nhận thức ở đó về cái gì là thật, thì lúc đó sự sống sẽ mang một ý nghĩa khá khác biệt; sau đó sẽ không có sự phân chia nào giữa sự sống và cái chết. Nhưng mà chúng ta sợ sống và sợ chết, và chúng ta hiểu rằng chẳng phải sống hay chết. Để sống với điều gì đó, chúng ta phải yêu nó, và để yêu là làm chết đi ngày hôm qua – thì sau đó bạn có thể sống. Sự sống không phải là sự tiếp nối của ký ức, hay quay trở lại với quá khứ và nói là “Trời ơi cái thời tôi còn là một cậu bé mới thật tuyệt vời làm sao.”
Chúng ta không biết về cái chết và chúng ta không biết về cuộc sống. Chúng ta biết về sự xáo trộn, về những lo âu, về tội lỗi, về nỗi sợ hãi, những đối nghịch và mâu thuẫn đáng sợ; nhưng chúng ta không biết sự sống là gì. Và chúng ta cũng chỉ biết về cái chết như một nỗi khiếp đảm; chúng ta tránh xa và không nói về nó, và chúng ta chạy trốn trong vài dạng niềm tin, như những vật thể bay không xác định, như sự hóa thân, hoặc cái gì đó tương tự.
Thế nên, tồn tại sự chết và theo đó sự sống khi mà thời gian, không gian và khoảng cách được hiểu theo góc độ của cái không biết. Bạn thấy không, tâm trí chúng ta luôn hoạt động theo kiểu cái biết, và chúng ta đi từ cái biết này tới cái biết nọ, và chúng ta không biết những điều còn lại; và chỉ khi cái chết cắt đứt cái sự nối tiếp về cái biết với cái biết đó, chúng ta sợ hãi: và chẳng cảm thấy thoải mái chút nào. Những gì chúng ta muốn là sự thoải mái, chứ không phải là sự hiểu biết về và sống với những điều ta không biết.
Vậy nên, cái đã biết là ngày hôm qua. Đó là tất cả những gì chúng ta biết. Chúng ta không biết ngày mai là gì. Chúng ta phóng chiếu quá khứ, thông qua hiện tại, để chiếu vào tương lai; và theo cách đó mà những nỗi niềm hi vọng và tuyệt vọng được sinh ra. Nhưng để thực sự hiểu cái được gọi là cái chết, là cái gì đó khác thường, không thẻ biết, không thể nghĩ, không thể hình dung, người ta phải học về nó, sống cùng nó, người ta phải tới với nó với sự không sợ hãi và không có kiến thức nào cả. Và tôi nói là điều này có thể, rằng ai đó có thể giết đi nhiều ngày hôm qua. Sau tất cả, nhiều ngày hôm qua ấy là niềm vui và niềm đau. Và khi bạn triệt tiêu đi ngày hôm qua, tâm trí trống rỗng; và nó sợ hãi sự trống rỗng và thế là nó bắt đầu lại, đi từ cái đã biết này tới cái đã biết khác. Nhưng nếu ai đó có thể triệt tiêu đi niềm vui và niềm đau – không phải một niềm vui hay niềm đau đặc biệt nào – thì tâm trí sẽ không còn thời gian và không gian nữa. Và một tâm trí như thế sau ấy sẽ có thời gian và không gian mà không bị mâu thuẫn về thời gian và không gian. Tôi không biết là bạn có hiểu không. Tôi e là ngôn ngữ có giới hạn. Chúng ta có thể thảo luận điều này.
Câu hỏi: Tôi luôn có suy nghĩ là nơi nào có không gian thì nơi đó có thời gian, và Thầy dường như làm cho quan điểm đó có phần khác biệt. Chẳng phải thời gian chính là không gian tồn tại giữa 2 từ sao?
Krishnamurti: Ông này, chúng ta đều biết thời gian tâm lý và thời gian theo cái đồng hồ. Và làm thế nào mà cái tâm trí luôn bị buộc vào những khái niệm thời gian vốn đã bao hàm không gian và khoảng cách – có thể tìm ra được câu trả lời liệu có tồn tại thời gian mà không có không gian và khoảng cách không đây? Ông hiểu không? Tôi muốn tìm ra rằng có sự vô thời gian tồn tại không, mà ở trong trạng thái đó không có đơn vị đo lường nào như thời gian và không gian tồn tại cả. Trước tiên, nếu có thể, phải tìm kiếm xem có cái điều như vậy không? Có thể không. Và nếu không thể thì sau đó tâm trí là nô lệ của không và thời gian, luôn luôn là như thế; sau đó thì chuyện chấm hết. Vậy thì chuyện chủ yếu ở đây là vấn đề của sự điều chỉnh, cố gắng để có ít đau thương nhất và vân vân. Hiểu tất cả những vấn đề này, tâm trí này có thể nào không dùng quyền năng của nó mà tự mình nhận ra rằng có tồn tại sự vô thời gian hay không? Và làm thế nào để nhận ra? Nó chỉ có thể nhận ra bằng cách buông bỏ thời gian tâm lý – như khi nó ngay lập tức thấy cái gì đó. Điều này có ý nghĩa không? Rằng tâm trí giải phóng nó khỏi chính cái trung tâm mà nó xoay quanh đó, làm chết đi cái trung tâm mà cứ tích lũy thu thập niềm vui và tránh né nỗi đau. Và tôi nghĩ là nó có mối quan hệ trực tiếp với đời sống hàng ngày của chúng ta.
Câu hỏi: Thế thời gian tuyến tính có giống với thời gian tâm lý không?
Krishnamurti: Theo nghĩa nào đó, nó giống nhau.
Chẳng phải tâm trí rất rất cần trong một trạng thái của cái gì đó lâu dài hay sao? Với chúng ta, sự lâu dài rất quan trọng, không phải vậy sao? Nhưng lại chẳng có cái gì lâu dài cả bởi chiến tranh, chết chóc, vợ tôi bỏ theo người khác và nhiều thứ tương tự. Nhu cầu bức thiết phải có cái gì đó lâu bền là khát khao được an toàn. Nhưng tâm trí lại không thích sự bất an; thế nên nó vẽ ra hi vọng và ý tưởng về Thượng đế – người sẽ trường tồn. Một vị thần được tạo ra vĩnh cửu trong không và thời gian, thì không thể là Thượng Đế. Thế nên, nếu tâm trí có thể hiểu ra ngay lập tức, Sự Thật, thực tại rằng sẽ chẳng có cái gì lâu dài, vĩnh cửu, thì sau đó thời gian, cái chết và tình yêu trong suy nghĩ của tôi sẽ có ý nghĩa hoàn toàn khác đi.
Câu hỏi: Sau khi tim ngừng đập, chúng ta còn tồn tại ý thức cá nhân không?
Krishnamurti: Oh, hãy xem chúng ta hào hứng thế nào về câu hỏi này kìa! Cách chúng ta đứng lên và chăm chú dõi theo!
Nào hãy đi vào vấn đề này. Có tồn tại ý thức cá nhân và ý thức tập thể không? Hoặc, là tất cả đều là ý thức tập thể, chúng ta cá nhân hóa nó? Tất cả các bạn là người Anh; đó là một ý thức tập thể. Tất cả bạn là người Công giáo: đó là ý thức tập thể. Chỉ có ý thức cá nhân khi bạn bứt phá được ra khỏi ý thức tập thể, khi bạn không còn bị giam giữ, giới hạn, ràng buộc nữa. Thế nên, chắc chắn chúng ta chỉ là những cá nhân theo ý nghĩa là một bộ phận tách rời với bộ phận khác, theo cái nghĩa là có không gian và khoảng cách tồn tại giữa chúng ta. Chẳng phải tất cả những điều đó là ý thức tập thể sao? – Có vẻ là một ý tưởng hơi kinh dị – nhưng chẳng phải thế hay sao?
Câu hỏi: Giả sử Thầy được bảo là ngày mai Thầy sẽ chết, thì về mặt cá nhân Thầy có bị ảnh hưởng chút nào không?
Krishnamurti: Bất kể là cái gì tôi cũng chẳng hề hấn, tôi thi hành thôi. Nhưng câu hỏi là: liệu có ý thức cá nhân tách rời ý thức tập thể không? Điều tôi đang cố gắng nói là thế này. Tôi được nuôi dưỡng như một người Hindu, Công giáo, Phật tử, hoặc bất kỳ tôn giáo nào, tôi đều tin vào tất cả những điều xã hội ấy tin tưởng và là một phần của cái tổng thể đó. Vậy có tư tưởng nào tách rời khỏi cái tổng thể đó không? Bất kỳ tư tưởng, ý nghĩ nào tách rời khỏi ý thức tổng thể đó chỉ có thể là một phản ứng, không phải thế sao? Tôi có thể phá vỡ khuôn mẫu của tập thể và nói là tôi độc lập, nhưng thực tế đó chỉ là một cái phản ứng trong cái khuôn mẫu đó thôi, không phải sao? Tôi đang nói về sự chối bỏ hoàn toàn khuôn mẫu này. Điều đó có thể không? Nếu nó có thể, thì lúc đó mới có ý thức cá nhân không chỉ là phản ứng lại đối với ý thức tập thể.
Cuối cùng thì, cái chết sẽ bứt phá ra khỏi ý thức tập thể. Cái chết là sự phá vỡ khỏi khuôn mẫu mà trong đó là ý thức tập thể và cái phản ứng mà bạn có thể gọi là ý thức cá nhân, nhưng thực ra vẫn là một phần của tập thể. Có thể hoặc bắt buộc phải triệt tiêu đi tất cả những điều đó, một cái gì đó hoàn toàn khác biệt, một cái gì đó không thể đo đếm trong ý thức tập thể hoặc cá nhân, một cái gì đó không biết, không thể biết. Và tôi nói rằng nếu cái không biết đó không tồn tại, và nếu cái biết không tồn tại trong cái không biết, thì chúng ta dường như chỉ là nô lệ của cái biết thôi, chẳng có cách nào để thoát ra cả. Cái không thể biết chỉ có thể khi người ta triệt tiêu cái biết đi.
Nguồn: https://jkrishnamurti.org/content/time-and-death-0
Dịch: Susan