Ban đầu, tôi biết đến Rumi qua các bài giảng của nhà huyền môn thế kỷ 20 đầy mê hoặc – Osho (Rumi có một cái tên rất dài, nhưng tôi chỉ muốn gọi ông đơn giản là Rumi). Osho yêu Rumi, không ít lần Osho thốt lên điều ấy. Tình yêu của Rumi cũng chính là trọng tâm trong những lời giảng về con đường chứng ngộ của Osho. Năm 2016, tôi được đọc bản dịch Rumi đầu tiên được xuất bản ở Việt Nam có tên “Lời dạy của Rumi” (NXB Đông Tây, bản dịch của Nguyễn Kim Liên – Trần Thị Ánh Ngọc). Đó là một tập thơ đáng yêu và chừng mực. Rumi xuất hiện trong đó như một nhà thông thái nghiêm cẩn bàn về những tuyệt diệu trên con đường tâm linh với nhiều khía cạnh khác nhau từ trần tục tới thiêng liêng. Nhưng rồi tôi thấy dường như Rumi có một tố chất khác, phóng khoáng hơn nhiều so với những “lời dạy”. Và tôi đã bắt gặp con người khác của Rumi trong bản tiếng Anh của Coleman Barks: “The Essential Rumi” (Bản dịch của Lê Duy Nam & Lê Thúy Ái, tựa đề được dịch là “Rumi tinh tuyệt”)
Nếu “Lời dạy của Rumi” cho tôi cái nhìn về Rumi ở bối cảnh của kỷ nguyên vàng Islam với sự bùng nổ của tư tưởng thì với “Rumi tinh tuyệt”, tôi được đọc Rumi ở những trải nghiệm tâm linh thuần túy, những khoảnh khắc thoáng hiện của tình yêu và chứng ngộ, những cơn say thăng hoa tuyệt đẹp, và sự hóm hỉnh trong các truyện ngụ ngôn mà ông kể. Đó không còn là “lời dạy” nữa, đó là sự tuôn chảy, sự bùng cháy. Và trong sự tuôn chảy, sự bùng cháy ấy, tôi cũng bùng cháy và tuôn chảy theo. Coleman Barks, một người không thực sự biết tiếng Ả Rập lại tạo được hiệu ứng tinh thần đặc biệt ấy, trong khi những học giả tiếng Ả Rập của nền học thuật Anh – Mỹ lại không làm được. Coleman Barks tiếp cận Rumi không trực tiếp qua ngôn từ, mà qua các trải nghiệm tương đồng trong thực hành tâm linh, và ngôn ngữ chỉ là cầu nối. Cách tiếp cận ấy của Coleman Barks gặp phải nhiều sự đả kích từ các học giả, nhưng tôi lại hứng thú, bởi tôi tìm thấy ở bản tiếng Anh của Coleman Barks tính thơ, tính nhạc điệu, tinh thần tự do mà ta hiếm khi bắt gặp trong các bản dịch thơ khác.
Hãy thử đọc những câu thơ tuyệt đẹp này:
“Cơn khát đẩy tôi lao xuống nước
và tôi uống ánh trăng
Tôi – con sư tử ngước nhìn lên
say trăng rồi.
Đừng hỏi về mong muốn.
Hãy nhìn vào chính tôi.”
(Trích “Kabob cháy đen”)
Chẳng phải đẹp như hình ảnh Lý Bạch say rượu nhảy xuống nước để ôm trăng? Chẳng phải mê đắm như hình ảnh con hổ “say mồi đứng uống ánh trăng tan” của Thế Lữ?
Coleman Barks tập hợp thơ Rumi và chia thành 27 chủ đề khác nhau. Tại sao lại là 27, đó dường như là một bí ẩn để giải mã. Coleman Barks úp mở về con số này, và cũng khẳng định rằng sự sắp xếp của ông “là để làm lú lẫn các học giả muốn phân tách thơ Rumi thành các chuyên mục đang được chấp nhận hiện nay”. Nhưng ở đây, tôi sẽ không giải mã con số 27. Chẳng tội gì sa đà vào giải mã một cái bẫy mà tác giả giăng ra để những kẻ thích giải mã rơi vào. Thay vì đó, tôi sẽ cố phân loại những ấn tượng của bản thân khi đọc “Rumi tinh tuyêt” và cố mô tả sự tuôn chảy, sự bùng cháy của tôi khi đọc tuyệt phẩm này. Đây vốn là một hành vi khá nghịch lý, bởi vì khi tôi ngồi viết những dòng này thì sự bùng cháy và sự tuôn chảy ấy đã qua rồi.
>> Tìm hiểu thêm về Tập thơ RUMI TINH TUYỆT tại link: Tập thơ – Rumi Tinh Tuyệt – Book Hunter Lyceum
Ấn tượng đầu tiên của tôi với “Rumi tinh tuyệt”, đó là: Say, say và say… Rumi chìm đắm trong “thế giới thẫm đỏ”. “Say” là cảm hứng phổ biến trong văn hóa Địa Trung Hải. Người Hi Lạp cổ đại tôn thờ thần rượu nho Dionysus và thực hiện các nghi lễ tôn thờ thần như một cơ hội để được giải phóng, được thoát khỏi những rào chắn lý trí, để được say và hòa nhập với tối thượng. Không rõ sự ảnh hưởng của truyền thống này tới Ả Rập có tồn tại hay không, nhưng rất dễ để đi vào “thế giới thẫm đỏ” của các nhà thơ Ả Rập như Omar Khayyam (trước Rumi) và Hafiz (sau Rumi). Đó là màu “thẫm đỏ” của rượu vang. Cơn say rượu vang không giống cơn say khác, cơn say ấy không cuồng loạn, mà lâng lâng, nhẹ nhàng đẩy các nhà thơ này vào trạng thái tinh thần phiêu lãng. Và đặc biệt là Rumi, cơn say luôn là cái cớ để ông được tuôn chảy “trong vô ngôn”:
“Bài thơ này, tôi chưa từng biết trước
Tôi chưa từng lên kế hoạch đời mình
Khi ngôn từ rung động
Tôi lặng im trong vô ngôn
Ta sở hữu cả thùng rượu to nhưng không có chiếc ly nào
Có hề gì. Mỗi ban mai bừng tỉnh
Ta đều hài lòng tới tận hoàng hôn.”
(Trích “Lời tôi – ai đã nói”)
Lắng nghe Coleman Barks đọc bài thơ “Lời tôi – ai đã nói”:
https://www.youtube.com/watch?v=LHSclx-hIRc
Cơn say với Rumi là phúc lạc mà kẻ thường không hiểu được. “Cơn say” đó cũng có thể là ẩn dụ cho trạng thái ngất ngây trong sự hòa hợp với toàn thể mà những người chưa đạt đế sẽ chỉ nhìn thấy ở đó sự điên rồ. Nói một cách khác, cơn say trong thơ Rumi không đơn thuần là một cơn say, mà là một dấu hiệu của sự chứng ngộ, sự say Thượng Đế, say sự hòa hợp:
“Khi kẻ say lạc bước trên phố,
lũ trẻ trêu đùa hắn.
Hắn ngã xuống vũng bùn.
Hắn loạng choạng từ phố này sang phố khác.
Lũ trẻ chạy theo đùa giỡn,
chúng đâu hiểu hương vị của rượu, hay cơn say
mang lại cảm giác gì. Mọi người trên hành tinh này
đều là trẻ con, ngoại trừ rất ít.
Không ai trưởng thành nếu không vô ham muốn.
Chúa nói,
“Thế giới là một trò chơi, một trò chơi của trẻ nhỏ,
và các người chính là lũ trẻ ấy.”
Chúa đã nói lên sự thật.
Nếu bạn chưa rời trò chơi trẻ nhỏ,
làm sao bạn có thể trưởng thành?”
(Trích “Trò chơi trẻ nhỏ”)
Nhưng ấn tượng mãnh liệt nhất mà Rumi gây ra với tôi đó là tình yêu. Thơ ông quá nhiều tình yêu, nhiều tới mức tôi ngờ rằng đó không còn là thơ nữa, mà là lời yêu đương thốt lên từ tình nhân. Tình yêu trong thơ Rumi có nhiều cấp độ và nhiều góc nhìn. Đôi khi là trạng thái cảm xúc ông dành cho Sham – tri kỷ bí ẩn của ông, đôi khi là tình yêu dành cho Chúa, đôi khi ông đứng bên ngoài quan sát trạng thái yêu đương và nhận ra tình yêu là chân lý duy nhất. Nhưng cho dù ở cấp độ và góc nhìn nào, Rumi cũng đều đi đến một kết luận rằng:
“…khóc thương trong phút giây đoàn tụ
của người yêu và kẻ được yêu.
Đây chính là tôn giáo đích thực. Vàn điều khác
chỉ là đồ bỏ khi đối sánh.”
(Trích “Ta có năm điều muốn nói”)
Hay:
“Cơ thể này là gì? Một bóng hình của một bóng hình
của tình yêu, một tình yêu chứa đựng
toàn bộ vũ trụ.”
(Trích “Chúng ta đang ở đâu?”)
Nhiều người đọc Rumi cho rằng đối tượng mà Rumi nhắc đến mỗi khi ông bàn về tình yêu là Sham, hoặc một vài người bạn đồng giới mà ông có quan hệ về tư tưởng, và cao quý hơn thế, là Thượng Đế. Nhưng tôi không cho rằng những đối tượng ấy là quan trọng khi Rumi yêu. Trạng thái “đang yêu” ở Rumi quan trọng hơn đối tượng mà Rumi hướng tới, bởi vì trong trạng thái yêu, ông được tuôn chảy, được bùng cháy, thậm chí là tan chảy, được “gột sạch bản thể”. Tình yêu là con đường tôn giáo đối với ông, và đang yêu là trải nghiệm tâm linh, cũng giống như đang say vậy.
Một sự hòa hợp tràn ngập tính giai điệu, như thể cả vũ trụ là một bản hòa thanh vĩ đại – tôi say đắm với ý tưởng này của Rumi. Kinh Veda nói: “Cả vũ trụ là một cuộc hiến tế lớn!”, nhưng Rumi có một phép so sánh đẹp đẽ hơn thế: “Nơi vạn vật đều là âm nhạc”. Trong âm nhạc, moi sự kết thúc đều khởi lên điệu mới, tất cả đều được cấu trúc một cách hoàn hảo. Âm nhạc bao hàm những đối nghịch, giống như cuộc sống, và đẹp đẽ bởi sự tương phản ấy.
“Đừng mải âu lo gìn giữ những khúc điệu này!
Nếu nhạc cụ của chúng ta rồi đến ngày cũ nát
Có hề chi.
Chúng ta đã ngã nhào vào
Nơi vạn vật đều là âm nhạc.”
(Trích “Nơi vạn vật đều là âm nhạc”)
Trong bản giao hưởng vũ trụ ấy, nhạc trưởng chính là Thượng Đế, thực tại tối thượng… bạn thích gọi là gì cũng được:
“Vũ điệu của chúng là vũ điệu của chúng ta.
Chúng ta hiếm khi nghe thấy âm nhạc bên trong,
tuy thế nhưng mà chúng ta tất thảy đang nhảy múa theo.
được chỉ dẫn bởi người dạy dỗ chúng ta,
niềm vui thuần túy từ mặt trời,
bậc thầy âm nhạc của chúng ta.”
(Trích “Bậc thầy âm nhạc”)
Say, yêu, và hòa hợp, là ba trọng yếu trong pháp tu của một bậc thầy Sufi như Rumi. Những bậc thầy Sufi nhảy múa và quay vòng trong âm nhạc, để giải phóng họ, và để họ đạt tới sự hòa hợp với Thượng Đế. Ban đầu, Sufism tồn tại độc lập với Islam và xuất hiện cùng thời với Islam, thế nhưng, trong bước tiến hóa của mình, Sufism đã tiếp thu các tư tưởng của Islam và trở thành một hình thức Hồi giáo mật tông. Ở thời đại mà Rumi sống (thế kỷ 13), Sufism chịu sự ảnh hưởng rất lớn của Islam, và có lẽ, một trong các tư tưởng quan trọng nhất mà Rumi tiếp thu từ sự giao thoa này là sự tiết chế các ham muốn thể xác như một thực hành thanh tẩy và hướng tới sự cao quý của tinh thần. Thay vì lựa chọn tự do đi theo ham muốn, Rumi nhắc rất nhiều đến sự “chế ngự ham muốn thể xác”. Kinh Quran luôn nhắc nhở: “Đừng đi theo ham muốn!”, và ta bắt gặp chủ đề này không ít lần trong thơ Rumi.
Rumi có thể bàn rất nhiều về tình yêu và dành cho tình yêu đôi lứa say đắm những vần thơ tuyệt mỹ miêu tả cảnh ái ân, nhưng, điều ấy không có nghĩa rằng ông cổ vũ phóng túng theo các ham muốn xác thịt. Rumi có thể hưng phấn với rượu và thức ăn ngon lành, nhưng ông vẫn chọn thực hành “nhịn đói”. Khác với tư tưởng của Islam hay Kito giáo vốn khước từ và khinh miệt ham muốn, Rumi chọn cách “chế ngự”, để đạt được trạng thái tinh thần cao hơn:
“Cốt lõi dũng khí của đàn ông chân chính là khả năng
từ bỏ những ham muốn nhục dục.”
(Trích “Cơn hứng tình, điều mà tiếng cười của một người phụ nữ có thể tạo ra, và bản chất của tính dương đích thực”)
Ở trong bài thơ về “Nhịn ăn”, Rumi chỉ rõ mục đích ông muốn chế ngự ham muốn thể xác của mình là để có được trạng thái trống rỗng, để đón nhận những năng lượng và cảm hứng mới mẻ:
“Có những vị ngọt tiềm tàng trong sự trống rỗng của dạ dày.
Chúng ta là những chiếc đàn luýt, không hơn, không kém. Nếu hộp âm
được nhồi đầy bằng bất cứ thứ gì, thì chẳng có nhạc.
Nếu bộ não và cái bụng đang cháy sạch
vì việc nhịn ăn, mỗi khoảnh khắc một bài ca mới mẻ sinh ra từ ngọn lửa.”
Người ta cho rằng Rumi là một nhà thơ Sufi, một nhà thơ Islam, một nhà thơ Ả Rập. Họ gắn cho ông rất nhiều định đanh. Nhưng định danh chỉ như bức tường chẳng ngăn nổi cơn hồng thủy tình yêu, như tờ giấy không gói được sự bừng sáng của lửa nhận thức, và hoàn toàn bất lực trước tảng băng đang tan chảy. Rumi không chỉ bàn về các bậc thầy Sufi hay Muhammad, ông mở rộng sự hiểu của ông và chia sẻ trạng thái chứng ngộ với Jesus, với Solomon… Điều ấy cho thấy, ngay từ sinh thời, ông đã tự phá bỏ các đường biên của mình, vậy thì tại sao chúng ta lại cố lắp các đường biên ấy cho ông? Tôi không cho rằng người ta phải đọc kinh Quran để hiểu thơ Rumi. Hiểu kinh Quran có thể khiến việc đọc thơ ông thêm phần thú vị, nhưng không phải cốt lõi để hiểu thơ ông. Cách đơn giản nhất để hiểu thơ ông chính là chọn con đường tình yêu và hòa hợp giống như ông.
Tôi yêu thích Rumi, nhưng yêu quá đôi khi tai hại. Tôi không thể dịch được thơ ông. Tôi đã mời hai người bạn của tôi, hai người yêu thích sự tự do là Lê Duy Nam và Lê Thúy Ái cùng dịch “Rumi tinh tuyệt”. Tôi đóng vai trò như một người hiệu đính, cố gắng tạo cho bản dịch tính thơ và tính nhạc điệu mà Coleman Barks đã tạo ra. Chúng tôi chọn cách dịch thoát ý thay vì bám sát từng câu từng chữ, nhưng vẫn cố gắng đảm bảo gần với bản tiếng Anh của Coleman Barks nhất có thể. Dịch thơ luôn luôn rất khó khăn, không giống như văn xuôi vốn rành mạch, rõ ràng. Dịch thơ Rumi càng khó khăn hơn nữa, bởi rất khó xác định các đối tượng trong thơ của ông để có thể chọn một đại từ nhân xưng phù hợp. Lỗi này là bởi tiếng Việt, phân định quá rõ ràng vai thứ, khiến cho sự đa tầng trong nhân xưng bị hạn chế. Nhưng cũng nhờ tiếng Việt, đôi khi tôi lại thấy mình như thể đang được đọc bản dịch trực tiếp từ tiếng Ả Rập sang tiếng Việt chứ không phải qua bản dịch của Coleman Barks. Có lẽ tiếng Việt giàu tính thơ và giai điệu, tương đồng với vẻ đẹp của tiếng Ả Rập, mà vô tình khiến mặt trăng Ả Rập giống mặt trăng trong thơ Á Đông chăng!
Hà Thủy Nguyên
>> Đọc thêm:
Paulo Coelho bàn về nhảy múa và cầu nguyện theo lối Sufi – Book Hunter