Home Đọc Đọc “Thiền uyển tập anh” để nhớ về thịnh thế của Phật giáo trên cõi Việt

Đọc “Thiền uyển tập anh” để nhớ về thịnh thế của Phật giáo trên cõi Việt

le-nam

Lê Nam

23/11/2017

Hôm nay, tôi đi trên đường và bắt gặp Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc. Một chiếc xe khách to, rú còi ầm ĩ, phóng vun vút tranh làn đường của người dân, trên xe chở nhiều ông sư với cái đầu trọc lốc. Chiếc xe đi theo hướng những anh cảnh sát giao thông đứng dẹp đường, dẫn về phía Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô, nơi Đại hội diễn ra. Tôi bật cười, thầm nghĩ: “Sư bây giờ cũng vội vã, cũng lộng quyền như ai!”. Phật giáo hiện đang được giữ một vị thế quan trọng trong bộ máy chính quyền đương thời, và có thể hiểu tại sao họ dám ngang nhiên như vậy, bất chấp pháp luật, bất chấp tính mạng của người đi đường. Tôi chợt nhớ về hai triều đại Lý – Trần, khi những nhà sư cũng có một vị trí cao trong cai trị quốc gia, nhưng họ vẫn không mất đi phong thái thoát tục và sự sâu sắc trong nhận thức. Không để cái tục tạp nhiễm đến đường tu, thông qua con đường nhập thế, họ đã đưa tính Thiền vào đời sống với sức ảnh hưởng từ Hoàng gia đến người dân. Những ghi chép về các thiền sư thời Lý Trần với tư tưởng cả nhập thế và xuất thế đều được lưu lại trong trước tác về Thiền học có tên “Thiền uyển tập anh”. Cùng với “Khóa hư lục” của Trần Thái Tông, “Thiền uyển tập anh” là tác phẩm quan trọng nhất của Thiền học Việt Nam mà các triết lý trong ấy đến nay chỉ còn là sự xa vời đối với Phật giáo Việt Nam.
“Thiền Uyển tập anh” là tập hợp những câu chuyện về cuộc đời và các bài kệ của các Thiền Sư từ thời Bắc thuộc đến thời Trần, tức là từ thế kỷ thứ 6 đến cuối thế kỷ 12. Thông qua các ghi chép này, chúng ta có thể biết được các tông phái của Thiền học Việt Nam lúc bấy giờ như Thiền phái Vô Ngôn Thông, Thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi, phái Thảo Đường…v…v… Những Thiền luận và những câu kệ được nhắc đến đều thể hiện tư tưởng hướng tới cái Vô điển hình trong Thiền học.
“Thân như tường bích dĩ đồi thì
Cử thế thông thông thục bất bi
Nhược đạt tâm không vô sắc sắc
Sắc không ẩn hiện nhậm suy di”
(Viên Chiếu Thiền sư – Thời Lý)
Bản dịch của Ngô Tất Tố:
“Thân như tường vách đã lung lay
Lật đật người đời những xót thay
Nếu được “tâm không” không sắc sắc
“Sắc”, “không” ẩn hiện mặc vần xoay”
Bài kệ trên của nhà sư Viên Chiếu, một nhà thơ thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông. Các thiền sư thuộc phái Vô Ngôn Thông được ghi chép khá kỹ lưỡng trong “Thiền uyển tập anh”, chiếm 37 thiên trên tổng số 68 thiên. Đây là một trong các lý do mà Nguyễn Lang (tức Thích Nhất Hạnh) cho rằng tác phẩm “Thiền uyển tập anh” là do nhà sư Thông Biện của phái Vô Ngôn Thông biên soạn. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là giả thuyết. Pháp môn của Vô Ngôn Thông đề cao chữ “Vô”, theo đúng chủ trương của dòng thiền “đốn ngộ” mà Huệ Năng Thiền Sư đã lập ra tại Trung Quốc. Lẽ “Vô” này đã có sức ảnh hưởng lớn đến Thiền phái Trúc Lâm của Trần Nhân Tông ngay sau đó.
Cùng với Vô Ngôn Thông, Thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi cũng có ảnh hưởng rất lớn. Vị thiền sư nổi tiếng nhất của dòng thiền này là Vạn Hạnh, vị thiền sư đã đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vị Hoàng đế và mở ra triều Lý. Dòng thiền này mở đầu bởi thiền sư Tì Ni Đa Lưu Chi, một vị Bà la môn Ấn Độ tới bái yết và học theo Tam tổ Tăng Xán của Thiền tông Trung Hoa. Khác với Vô Ngôn Thông, dòng thiền này không sa đà vào lẽ Vô mà đề cao trí huệ tức sự hiểu biết và nhận thức toàn triệt. Đây chính là “Bát nhã” được nhắc tới trong các kinh điển của Phật giáo đại thừa. Bởi vậy, các vị Thiền sư của dòng Tì Ni Đa Lưu Chi thường được ghi chép như các bậc có hiểu biết thông tuệ và thường gắn với các biện luận mang tính công án thiền. Các nhà sư dòng Tì Ni Đa Lưu Chi thường có xu hướng nhập thế, can dự vào chính trị, giúp các vị vua xử lý những vấn đề triều chính. Không chỉ có Vạn Hạnh giúp Lý Công Uẩn mà nhà sư Pháp Thuận của dòng thiền này trước đó cũng giúp Lê Hoàn trong đối đáp với sứ nhà Tống. Thậm chí, thiền sư Pháp Thuận còn làm một bài kệ nói về đạo trị quốc có tên là “Quốc tộ”:
Quốc tộ như đằng lạc
Nam thiên lý thái bình
Vô vi cư đạo các
Xứ xứ tức đao binh.
Dịch nghĩa:
Vận nước như dây mây leo quấn quýt,
Ở cõi trời Nam [mở ra] cảnh thái bình.
Vô vi ở nơi cung điện,
Thì khắp mọi nơi đều tắt hết đao binh.
Đây là bài kệ thiền sư Pháp Thuận dùng để đối đáp với vua Lê Đại Hành khi ông hỏi sư về thuật trị quốc. Bài thơ ý muốn nói chuyện thời vận của các triều đại luôn đan xen và liên tiếp nối nhau, nhưng người trị quốc muốn mang lại thái bình cho thiên hạ thì phải biết tùy cơ, không tham cầu, thuận theo lẽ tự nhiên, nhờ thế mà các thế lực có thể dung hòa tạo nên một khối bền chặt tựa các dây mây cuốn vào nhau. Những bài học về thuật trị quốc dưới góc nhìn của dòng thiền Tì Ni Đa Lưu Chi đã ảnh hưởng tới tư tưởng trị quốc của các vua Lý, nhờ thế mà triều Lý trở thành triều đại đầu tiên kéo dài trong lịch sử Việt Nam.
Thiên cuối cùng của tập “Thiền uyển tập anh” dành để ghi chép về Thiền sư Thảo Đường và chi phái của ông. Đây là một nhà sư Chăm-pa, được đưa về Thăng Long sau khi Chăm-pa bại trận dưới thời Lý Thánh Tông. Tông phái này ảnh hưởng của thiền phái Tuyết Đậu, Trung Quốc, có xu hướng đưa Nho gia gần Phật gia, một xu hướng khá thịnh hành vào thời Trần sau triều đại của Trần Nhân Tông.
Những ai có lòng quan tâm đến Thiền tông Việt Nam, đừng vội bức xúc khi cuốn sách không nhắc tới Thiền phái Trúc Lâm của Trần Nhân Tông. Có lẽ, sự phát triển của Thiền phái Trúc Lâm đã diễn ra sau khi “Thiền uyển tập anh” ra đời. Thế nên, trong khu vườn Thiền với các bậc cao nhân lại thiếu đi Trần Thái Tông, Tuệ Trung thượng sĩ, Trần Nhân Tông và Huyền Quang thiền sư.
Tuy nhiên, “Thiền uyển tập anh” là một văn bản có xuất xứ phức tạp. Như đã nói ở trên, không ai có thể biết chắc tác giả của tác phẩm này, cũng như “không biết một tí gì về tình trạng truyền bản của nó trước năm 1715 cũng như sau đó” (nói theo Lê Mạnh Thát). Theo ông Trần Văn Giáp, người nghiên cứu “Thiền uyển tập anh” đầu tiên thì trong “Văn tịch chí” của Phan Huy Chú cho biết rằng cuốn sách có 6 quyển chứ không phải có một hay hai quyển như các truyền bản hiện nay. Bản được sử dụng phổ biến hiện nay để dịch thuật và nghiên cứu là bản năm 1715 với lời ghi chú của Lê Qúy Đôn trong “Nghệ văn chí”. Trong lời tựa bản in năm đó có viết rõ ràng rằng “chỉnh cú để tiện in lại” và “sửa lại những thiếu mất, thêm vào những chữ rơi sót”. Thế nên, nhiều học giả cho rằng bản in năm 1715 có rất nhiều sai sót. Trong tác phẩm “Nghiên cứu về Thiền Uyển Tập Anh” của Lê Mạnh Thát, nhà nghiên cứu Phật học uy tín hàng đầu ở Việt Nam, đã cố thực hiện một cuộc khảo sát các truyền bản từ thời Trần đến thời Nguyễn nhưng chỉ thấy càng tìm càng phức tạp. Vậy là ông chọn sử dụng truyền bản năm 1715, sau đó tham chiếu một truyền bản khác cũng vào thời Lê và một truyền bản thời Nguyễn. Bản dịch của ông còn được bổ sung thêm rất nhiều sử liệu khác, cùng với các bản in khắc tiếng Hán (rất hữu ích cho những ai nghiên cứu Hán Nôm). Thế nên, tác phẩm “Nghiên cứu về Thiền Uyển Tập Anh” thực sự là một bộ sách đồ sộ và kỹ lưỡng.
Gần đây, một bản dịch mới được xuất bản, dựa trên truyền bản năm 1715 tìm thấy ở chùa Tiêu Sơn, Bắc Ninh. Lúc bấy giờ, trụ trì chùa Tiêu Sơn là hòa thượng Thích Như Trí đã viết lời tựa cho bản khắc này như sau:
“Nước Đại Việt ta được lời Phật thấm nhuần hết cả, được mưa giáp gội sóng nhiều nơi, người cạo tóc xuất gia được ấn chứng ngộ đạo có lẽ cũng đã có rồi. Chứng tích để lại còn cho thấy lòng thiền của họ sáng như mặt trời, gương đạo của họ trong ngời như băng tuyêt.s Có bậc ra giúp nước yên dân, có người vào đời cứ vớt kẻ bị sa ngã, chìm đắm. Có người sớm lĩnh ngộ tâm ấn, chống gậy thiền để làm rõ lẽ cơ vi của tổ Đạt Ma, cũng có kẻ muộn đến cửa huyền mà làm hiển rạng bí chú của Đồ Trừng.”
Lời của hòa thượng Như Trí đã thể hiện hết toàn cảnh của cõi thiền nước Việt được phản ánh trong “Thiền Uyển Tập Anh”, và cũng chính là chuẩn mực đúng đắn mà mỗi người bước chân vào cửa Thiền cần hướng tới.
Lê Duy Nam

Những cuốn sách khảo cứu về Hy Lạp cổ đại trên amazon

Hy Lạp cổ đại là một trong những thời đại rực rỡ nhất của buổi đầu văn minh còn được lưu giữ trong ký ức nhân loại ngày nay. Thời kỳ này không chỉ để lại cho chúng ta những câu chuyện thần thoại nổi tiếng, mà còn cả một mô hình xã hội với những giá trị phổ quát, và đặc biệt quan trọng, một nền triết học mà sẽ trở thành nền tảng của cả nền văn minh phương Tây sau này. Không

Chân dung Harun al Rashid – Vị vua Hồi giáo vĩ đại không giống trong “Nghìn Lẻ Một Đêm”

Đó là lúc nền văn minh Islam mở cửa để tiếp nhận những ý tưởng mới từ phương Đông và phương Tây. Những người Hồi giáo mạnh dạn đã tiếp nhận những ý tưởng này và cải biến chúng thành những hệ hình Islam. Từ đây, nghệ thuật, kiến trúc, thiên văn học, hóa học, y học, toán học, âm nhạc, triết học và Luân lý học của người Islam đã ra đời. Qủa nhiên quá trình của Fiqh (luật học Islam) được thực thi

Tô Lông

08/01/2017

Những cuốn sách về dòng chảy của tri thức

Tri thức đã được hình thành, lưu trữ và lưu truyền thế nào trong suốt một chiều dài lịch sử để đến nay chúng ta có một kho khổng lồ được gọi là "tri thức nhân loại"? Đó là một câu hỏi lớn cho những ai quan tâm đến tri thức và mang tri thức đến với cộng đồng của mình. Dưới đây là một số cuốn sách nghiên cứu về chủ đề này được bán trên Amazon và chưa có bản tiếng Việt. Hi

Tantra và truyền thống tantra của Hindu giáo và Phật giáo

Thuật ngữ tantra và truyền thống tantra của Hindu giáo và Phật giáo đã bị hiểu sai trầm trọng ngay cả tại Ấn Độ và phương Tây. Có nhiều cách nhìn nhận khác nhau đối với truyền thống tantra, từ những hiểu biết mang màu sắc huyền thoại như con đường dẫn tới sự giải thoát cho đến những mối liên hệ tương đối rộng gắn tantra với ma thuật và tình dục phóng đãng. Tương tự như vậy, các truyền thống tantra cũng vô

BARDO THÖDOL – KINH VĂN PHẬT GIÁO TÂY TẠNG

Viết bởi Matt Stefon Matt Stefon là nhà biên tập về chủ đề tôn giáo cho trang Bách khoa toàn thư Britannica. Ông tốt nghiệp cử nhân ngành Anh học và Mỹ học tại trường đại học bang Pennsylvania và tốt nghiệp thạc sỹ khoa học xã hội ngành tôn giáo và văn học và thạc sỹ nghiên cứu Thần học về triết học, thần học và đạo đức (có đối chiếu vấn đề đạo đức trong tôn giáo) tại đại học Boston, tại đây