Trong xã hội Việt Nam hiện nay dường như đã có sự chia phe của hai kiểu mẫu phụ nữ: kiểu mẫu “người mẹ” và kiểu mẫu “người tình”. Hai phe này thậm chí còn luôn chê trách, dè bỉu lối sống của nhau. Cách phân chia như vậy hình thành từ rất lâu đời, không phải chỉ ở Việt Nam mà còn ở trên thế giới, rồi sau đó, được nhà phân tâm học Carl Jung “chỉ mặt đặt tên” trong các nghiên cứu về nguyên mẫu của mình. Tôi muốn khẳng định với các bạn một điều rằng: tất cả những thứ lý luận trên đều là nhảm nhí! Việc phân chia này là không tự nhiên và đến từ sự phân công lao động trong xã hội phụ hệ.
Trong các xã hội phụ hệ, người phụ nữ đóng vai trò chủ chốt là hầu hạ người chồng và sinh đẻ, chăm sóc con cái. Những người phụ nữ “có học” đều là những người được đào tạo một cách bài bản để thực hiện các chức năng này. Việc học chữ hay các bộ môn nghệ thuật cũng chỉ nhằm mục đích nâng cao chất lượng hầu hạ chồng con. Chỉ có những người phụ nữ không có điều kiện khá giả hoặc chẳng may sa chân lỡ bước, bị rơi vào lầu xanh, như câu chuyện về cô nàng Thúy Kiều “thông minh vốn sẵn tính trời”, mới mất đi cơ hội được hầu hạ người chồng mà phải mua vui cho đám đàn ông chán vợ. Những cô gái điếm ấy chính là điển hình cho hình mẫu “người tình” ở Á Đông. Ở phương Tây, hình ảnh “người tình” không chỉ giới hạn ở các cô gái điếm mà còn ở các bà góa phụ có quan hệ lằng nhằng tình ái với giới thượng lưu và trung lưu. Nhưng tóm lại, dù thuộc nguyên mẫu “người mẹ” hay “người tình”, người phụ nữ cũng không thoát khỏi vai trò hầu hạ người đàn ông và người kế thừa nòi giống của đàn ông.
Việc sinh con đẻ cái là khả năng thiên bẩm của phụ nữ! Tôi không phủ nhận điều này. Nhưng hàng ngàn năm nay, khả năng thiên bẩm ấy đã bị các lý thuyết của nam giới bẻ cong thành một thứ nghĩa vụ bắt buộc đối với phụ nữ. Trong quá trình vùng vẫy thoát khỏi nghĩa vụ đó, nhiều người phụ nữ chúng ta cố bắt chước đàn ông, cố chứng minh rằng chúng ta có thể đảm nhiệm mọi công việc của đàn ông. Và thế là chúng ta đòi quyền, để rồi giờ đây chúng ta phải gánh cả công việc của đàn ông và phụ nữ, tức là bị bóc lột gấp đôi, rồi tự hài lòng rằng chúng ta là người phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”?
Vậy nên, tôi cho rằng để trở thành một người phụ nữ đúng nghĩa, đúng với các đặc tính trời ban của mình, mà không phải bị quy định bởi các định kiến xã hội, chúng ta cần phải xem xét lại rất nhiều vấn đề:
Sinh đẻ là quyền hay nghĩa vụ?
Tự nhiên quy định, người phụ nữ có khả năng sinh đẻ sau khi giao hợp với đàn ông, điều này không đồng nghĩa với việc sinh đẻ là nghĩa vụ của người phụ nữ. Xưa nay, chúng ta quan niệm rằng đã là phụ nữ thì phải biết đẻ con và chăm sóc con cái. Điều này không hoàn toàn đúng. Khả năng sinh đẻ là quyền lực của người phụ nữ, và nếu không có quyền lưc này, người phụ nữ hoàn toàn có thể có quyền lực khác.
Mặc dù để sinh con phải có sự phối hợp giữa đàn ông và phụ nữ, thế nhưng, chỉ người phụ nữ hoàn toàn có quyền kiểm soát đứa con từ khi còn trong bào thai cho đến khi ra đời. Người phụ nữ cũng có quyền lựa chọn việc duy trì nòi giống với người đàn ông nào họ thích. Và cũng chỉ có phụ nữ biết được chắc chắn nòi giống của mình còn đàn ông thì không. Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao con cái phải theo họ bố mà không theo họ mẹ? Câu hỏi này nghe có vẻ ngớ ngẩn. Nhưng đó là câu hỏi mở đầu cho việc bạn nên đặt lại vai trò của người phụ nữ trong xã hội thực sự là như thế nào.
Cho đến nay, dù xã hội hiện đại đã đề cao rất nhiều quyền của phụ nữ và bảo vệ phụ nữ khỏi thói bạo hành. Nhưng các vấn đề bất bình đẳng với phụ nữ sẽ không thể được giải quyết nếu xã hội không thay đổi quan niệm về vai trò sinh đẻ của phụ nữ. Để giải phóng thực sự cho phụ nữ, cần phải cởi trói cho họ khỏi “nghĩa vụ” sinh con đẻ cái. Tức là, nếu một người phụ nữ lựa chọn hoặc bị rơi vào tình cảnh không thể sinh đẻ được, cũng không hề làm giảm đi giá trị đích thực của họ.
Hơn nữa, năng lực sinh đẻ của phụ nữ không nên chỉ được giới hạn trong việc sinh con đẻ cái. Trong các quan điểm cổ xưa về sức mạnh phụ nữ, hình ảnh người phụ nữ gắn với sự sinh trưởng, giàu có và trù phú. Trong Tarot, lá bài The Empress không chỉ ám chỉ một người phụ nữ có thai, mà còn thể hiện cho sự chăm sóc, bảo vệ những gì đang phát triển. Điều này nói lên vấn đề gì? Rằng dù đàn ông có những khả năng vượt trội trong sáng tạo và khám phá, nhưng sự mềm mại và chu đáo từ bản tính của người phụ nữ (vì không mạnh mẽ về cơ bắp nên phụ nữ phải tự rèn luyện khả năng chăm sóc bản thân một cách chu đáo) sẽ giúp nuôi dưỡng vạn vật tăng trưởng và mở rộng. Vấn đề chỉ còn ở chỗ họ sẽ nuôi dưỡng và phát triển cái gì và như thế nào. Điều này phụ thuộc vào sự hiểu biết mà họ có.
Phụ nữ có cần hiểu biết?
Phụ nữ quý tộc xưa, dù bị hạn chế trong vai trò “tam tòng”, nhưng họ vẫn phải có học thức cao. Tại sao vậy? Ở đây, tôi sẽ không bàn đến việc hiểu biết thì giúp ích gì được cho người chồng. Tôi thật sự chỉ quan tâm đế thế hệ sau, đó là những đứa con. Lối sống của họ, trí tuệ của họ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đứa con mà họ nuôi dưỡng. Nếu một phụ nữ kém hiểu biết, lối sống bừa bãi sẽ tạo ra một môi trường sống tồi tệ xung quanh người con. Đứa con sẽ không biết giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, không biết tôn trọng bản thân cũng như tôn trọng những người mà nó gặp gỡ hay quen biết, đứa con ấy sẽ chạy theo các giá trị thấp kém về vật chất và suy đồi. Đương nhiên, vẫn có những đứa trẻ đặc biệt không bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh sống của nó, nhưng bạn có nghĩ đến nỗi khổ sở của chúng khi ở trong một môi trường không giúp chúng phát triển mà kìm hãm những giá trị tốt đẹp bên trong chúng? Vậy nên, để tạo ra những thế hệ trẻ lành mạnh, sáng sủa và có trí tuệ, nhất thiết cần có những người mẹ hiểu biết.
Nếu một người phụ nữ lựa chọn hoặc bị rơi vào tình cảnh không có con, người phụ nữ ấy lại càng cần có sự hiểu biết. Sự hiểu biết cho họ khả năng sống độc lập, không cần phải lệ thuộc vào bất cứ ai khi còn trẻ cũng như khi về già. Hơn nữa, càng hiểu biết, người phụ nữ ấy sẽ có khả năng tìm được những giá trị tiềm ẩn bên trong mình, họ sẽ biết cách tận hưởng bản thân mình mọi lúc mọi nơi. Nói một cách khác, họ sẽ không bao giờ thấy cô đơn, không cần một đứa con để dựa vào lúc về già, không cần phải đảm nhiệm một nghĩa vụ bắt buộc mà định kiến xã hội áp đặt lên họ.
Phụ nữ có cần phải giống đàn ông?
Nhiều người cho rằng, để chứng minh quyền lực của mình, người phụ nữ cần phải bắt chước đàn ông, phải trở nên giỏi tất cả những gì đàn ông giỏi. Trên thực tế, đây là một hình thức nô lệ kiểu mới, và khiến phụ nữ ngày càng xa rời bản tính của mình.
Nếu bạn nhìn lại toàn bộ thế giới loài người, tất cả các thành tựu của nền văn minh đều do đàn ông tạo ra. Đây có phải là một điều tốt? Tinh hoa của nền văn minh loài người rất đáng nể, nhưng nó một chiều, nó khiên cưỡng, nó khuôn mẫu… giống như những giá trị mà đàn ông tôn thờ. Chúng ta phải học lối tư duy giống đàn ông, chịu ảnh hưởng của những kiểu tư tưởng của đàn ông, sống trong một nền chính trị do đàn ông làm chủ, thiết lập cho mình gu thẩm mỹ của đàn ông, ngay cả đến các hình thức tôn giáo tâm linh cũng được xây dựng theo các nguyên mẫu của đàn ông. Chỉ khi chúng ta bắt chước giống họ nhất, ta sẽ được gọi là “cấp tiến”, là “tiến bộ”. Tất cả điều này là sai lầm. Nền văn minh do đàn ông tạo ra rất rực rỡ, nhưng nó không nên là sự giới hạn và ràng buộc chúng ta.
Phụ nữ có nhiều cách để tạo dấu ấn với thế giới này bằng chính sức mạnh tội tại của họ. Một người phụ nữ tác động thay đổi thế giới không nhất thiết phải rao giảng về dân chủ và nhân quyền, cũng không nhất thiết phải tranh biện hùng hồn để bảo vệ một trường phái tư tưởng, càng không phải khổ tu để tìm thấy Thượng Đế như đàn ông. Chúng ta có cách riêng để tác động thay đổi đến chính trị xã hội bằng những phương thức uyển chuyển và mềm mại hơn.
Tôi đã chứng kiến rất nhiều người phụ nữ đang hàng ngày đóng góp của mình để cải tạo xã hội theo cách của họ, âm thầm và hiệu quả. Tôi biết có người phụ nữ dành cả đời mình để sáng tạo ra các giải pháp cải tạo cách thức ẩm thực cho người Việt, có người học hỏi các cách thức để làm sạch nguồn nước, có người tạo ra môi trường giáo dục trong đó mọi người tự chủ hơn và thương yêu nhau, có người cố gắng từng ngày để giúp chúng ta có thẩm mỹ cao hơn trong văn hóa để chúng ta không bị hạ cấp dần bởi đủ thứ xu hướng nhảm nhí, có người đến từng vùng nông thôn dậy cho các làng nghề cách thức buôn bán với quốc tế và giúp họ bảo vệ quyền lợi… Đó là những người phụ nữ mạnh mẽ hơn ai hết, kiên trì hơn ai hết, bất chấp những ồn ào truyền thông bên ngoài, vẫn dũng cảm bước trên con đường chẳng mấy ai qua lại, để thúc đẩy và thay đổi xã hội.
Kết luận
Mỗi người phụ nữ đều có sức mạnh nội tại riêng của mình, có sự hiểu biết theo cách của mình và có quyền lực trong từng lĩnh vực của mình để tác động thay đổi đến cuộc sống chung quanh. Trở thành một phụ nữ đúng nghĩa không phải là học theo các khuôn mẫu phụ nữ do xã hội áp đặt, mà bản chất là khám phá ra được những tố chất nào tiềm ẩn trong mỗi chúng ta. Qúa trình khám phá này sẽ không bao giờ dừng, tức là phạm vi của mỗi chúng ta sẽ không bao giờ bị bó hẹp, tức là chúng ta sẽ trở thành người phụ nữ mà chúng ta muốn chứ không phải người phụ nữ mà xã hội bắt buộc.
Hà Thủy Nguyên