Home Chuyên đề tháng Ý niệm về thời gian trong văn hóa Nhật Bản

Ý niệm về thời gian trong văn hóa Nhật Bản

Book Hunter

16/03/2025

Thời gian và giá trị cuộc sống

Thần thoại Nhật Bản có một câu chuyện rất thú vị, cho thấy quan niệm của người Nhật cổ đại về thời gian của đời sống con người.

Chuyện kể rằng có một vị nam thần trẻ tuổi, tên là Ninigi-no-mikoto, đã tình cờ gặp gỡ và say mê nhan sắc một nữ thần có tên là Konohanasaku-ya-hime (có nghĩa là tiểu thư Hoa Nở). Konohanasaku-ya-hime vốn là một trong hai tiểu thư của vị thần Ōyamatsumi, bên cạnh cô chị là Iwanaga-hime (nghĩa là tiểu thư Đá Bền). Thần Ōyamatsumi vui vẻ gả tiểu thư Hoa Nở cho thần Ninigi, nhưng lại cho tiểu thư Đá Bền đi cùng với cô em về làm vợ vị thần trẻ tuổi. Vì dung mạo của tiểu thư Đá Bền quá xấu nên nàng không được thần Ninigi tiếp nhận, bị gửi trả về nhà. Điều đó khiến cho thần Ōyamatsumi tức giận. Ngài đã gửi đến thần Ninigi lời nhắn đại ý rằng: Ta gửi đến cho nhà ngươi cả hai cô con gái, vì tiểu thư Hoa Nở thì xinh đẹp như hoa, còn tiểu thư Đá Bền thì sống lâu như đá, và cuộc đời lý tưởng như người ta mong muốn sẽ cần đến sự kết hợp của cả hai. Nhưng nhà ngươi chỉ say mê tiểu thư Hoa Nở mà từ chối tiểu thư Đá Bền, nên các hậu duệ của thần linh sau này (tức là con người ở trần gian) sẽ chỉ có cuộc đời ngắn ngủi mong manh như hoa nở.

Câu chuyện rất đơn giản nhưng thể hiện cảm nhận sâu sắc của người Nhật cổ đại về đời sống con người. Trong câu chuyện đó, tiền nhân của con người chúng ta vì say mê cái đẹp đã tự chuốc lấy định mệnh của mình, bỏ qua cơ hội để có một cuộc đời dài lâu bất biến, và buộc phải chấp nhận điều kiện nghiệt ngã là cái đẹp chỉ tồn tại trong cuộc đời ngắn ngủi mong manh.

Nếu hiểu về văn hóa Nhật Bản, người ta sẽ nhận thấy câu chuyện nói trên không đơn giản chỉ là sự lưu dấu những suy nghĩ ngây thơ của con người cổ đại, mà còn thể hiện nhân sinh quan thú vị của một dân tộc có tầm nhìn sâu rộng và truyền thống văn hóa độc đáo. Bởi lẽ, đằng sau câu chuyện kể về định mệnh của con người, chúng ta hiểu được cảm nhận của người Nhật về bản chất cái đẹp và giá trị cuộc sống. Con người luôn bị thu hút bởi cái đẹp, mong muốn được thưởng thức và sở hữu cái đẹp. Nhưng cái đẹp thường là sự tồn tại mong manh, nên sự thưởng thức hay chiếm hữu cũng không thể lâu dài. Hơn nữa, người ta càng khát khao cái đẹp, càng muốn nắm giữ cái đẹp trong tay mình thì cảm giác tiếc nuối càng nhiều khi cái đẹp mong manh dễ mất.

Theo cách nhìn như vậy, thì đời sống con người cũng ngắn ngủi như thời gian tươi đẹp của bông hoa. Dù có sống trăm năm, dài gấp nhiều lần một đời hoa xét theo nghĩa thời gian vật lý, con người vẫn luôn cảm thấy cuộc đời là quá ngắn để thỏa mãn được những khát khao và hiện thực hóa những ước vọng của mình. Điều thú vị trong truyện cổ Nhật Bản là những câu chuyện ấy không chỉ nói lên sự thật về đời sống ngắn ngủi của con người, mà còn thể hiện lối suy nghĩ độc đáo khi con người sống trong hiện thực nghiệt ngã đó.

Đó là lối suy nghĩ của nhân vật trong truyện kể về tiểu thư Ánh Trăng. Câu chuyện kể rằng có ông lão làm nghề đốn tre bỗng gặp trong ống tre một người con gái nhỏ bé và xinh xắn. Vợ chồng ông lão trở thành bố mẹ nuôi, chăm sóc cô bé ấy như con ruột của mình. Cô bé lớn lên trở thành một thiếu nữ cực kỳ xinh đẹp. Rất nhiều người đã đến cầu hôn cô, trong số đó có cả nhà vua của xứ sở mà cô đang sinh sống. Tuy nhiên, cô gái xinh đẹp ấy thật ra vốn là tiểu thư ở cung trăng. Đời sống của nàng trên trái đất chỉ là sự hiện diện tạm thời, vì nàng phải trở về cung trăng vào thời điểm nhất định. Đến gần thời điểm đó, nàng bộc bạch với bố mẹ nuôi về thân phận của mình, và hai bên quyến luyến chia tay. Trước khi lên chiếc kiệu từ thiên giới hạ xuống đón mình, tiểu thư có để lại lá thư gửi nhà vua, kèm theo hộp đựng thuốc trường sinh bất tử. Sau khi đọc lá thư từ biệt, nhà vua buồn bã nghĩ rằng đã không còn cơ hội được gặp nàng, thì ngài đâu còn tâm trạng nào mà dùng thuốc trường sinh bất tử để kéo dài cuộc sống. Vì vậy nhà vua đã cho người mang lá thư cùng hộp thuốc trường sinh lên đốt trên đỉnh ngọn núi cao, nơi được cho là gần cung trăng nhất, để làn khói bay lên phía cung trăng như một tín hiệu của tâm tư nhà vua gửi đến tiểu thư đã vĩnh viễn xa rời.

Trong câu chuyện kể trên, nhà vua từ chối sử dụng thuốc trường sinh vì cho rằng một khi phải sống cuộc đời không được như ý muốn, thì việc kéo dài thời gian sống cũng không còn ý nghĩa. Sự ngắn ngủi là một điều quan trọng khiến thời gian cuộc đời trở nên quý giá. Nhưng điều đó không có nghĩa là giá trị cuộc đời sẽ tăng lên nếu thời gian sống được kéo dài. Theo cách nhìn của văn hóa Nhật Bản, thì giá trị của đời sống chủ yếu là điều mà người ta đạt được so với mục tiêu họ hướng đến trong đời. Do vậy, giá trị này không phải lúc nào cũng tỷ lệ thuận với chiều dài của thời gian vật lý. Chẳng hạn, nếu ai đó phải sống trong đau khổ, không có hy vọng gì ở phía tương lai, thì cuộc sống kéo dài nhiều năm chỉ làm tăng thêm sự đau khổ chứ không phải tăng thêm giá trị cuộc đời.

Hiểu được mối quan hệ giữa ý niệm về thời gian và giá trị đời sống trong văn hóa Nhật Bản, người ta cũng sẽ lý giải được những trường hợp có biểu hiện bề ngoài dường như trái ngược nhau nhưng thật ra không phải là nghịch lý. Ví dụ như người Nhật trong cuộc sống đời thường rất coi trọng việc sử dụng thời gian hiệu quả, nên trong mọi việc họ thường có tác phong nhanh nhẹn, thậm chí là hối hả gấp gáp, để không làm lãng phí thời gian; nhưng trong trường hợp đến dự một lễ trà với đầy đủ nghi thức của trà đạo truyền thống, người ta có thể dành nhiều tiếng đồng hồ chỉ để ngồi cùng nhau trong không gian yên tĩnh, cảm nhận sự bình yên trong tâm hồn và sự hài hòa trong mối quan hệ với thế giới xung quanh. Một người tính từng phút lộ trình đến nhà ga để không bị trễ tàu, một người khác lại dành hơn nửa ngày để thưởng thức trà đạo, nhưng cả hai trường hợp đều không hề lãng phí thời gian. Đó chỉ là việc sử dụng thời gian đúng với giá trị của đời sống, tùy theo những tình huống cụ thể.

Thời gian và cảm thức thẩm mỹ trong văn hóa Nhật Bản

Chính vì ý thức về thời gian gắn với cảm nhận về giá trị đời sống nên đối với người Nhật, đồ vật tồn tại qua thời gian lâu dài không đơn thuần chỉ là những thứ đã cũ đi, đã hao mòn ít nhiều ở khía cạnh nào đó. Trái lại, trong một số trường hợp nhất định, họ cảm thấy điều đó tạo nên ở sự vật một vẻ đẹp thâm trầm mang dấu ấn thời gian – vẻ đẹp không thể có ở những gì mới được tạo tác, dù đó là sản phẩm có giá trị thẩm mỹ rất cao.

Học giả Donald Keene, khi nêu lên những nét đặc trưng của cảm thức thẩm mỹ Nhật Bản, đã viết rằng: “Có thể cảm nhận về tính mong manh qua chén trà có vết nứt được trám lại kỹ lưỡng bằng vàng. Thực ra những vật như thế này được được trân trọng từ xưa không phải vì cái chén có giá trị của một cổ vật thực thụ, mà vì đồ vật nếu không có sự già dặn do sử dụng trong thời gian dài thì không đạt được giá trị thẩm mỹ đích thực (…) Những sản phẩm không rỉ sét lúc nào cũng sáng choang mà không hề cũ đi chắc chắn là không được người Nhật xưa đánh giá cao. Sự yêu thích của họ dành cho đồ vật cũ còn hàm ý trân trọng ‘dấu ấn thời gian’ trong những đồ vật ấy[1].”

Theo cách lý giải của Donald Keene trong đoạn trích dẫn trên, thì vẻ đẹp của đồ vật đã tồn tại qua thời gian lâu dài thuộc về một kiểu “giá trị mềm” trong cảm nhận của người Nhật Bản. Vẻ đẹp ấy không thể được nắm bắt, đo lường bằng các loại thang đo khách quan và phổ quát, áp dụng cho các đặc tính của vật như màu sắc, chất liệu,v.v… Mà đó là vẻ đẹp của đồ vật “có sự già dặn” vì đã trở thành một phần của đời sống con người qua nhiều năm tháng. Với quan niệm về tính quý giá của sự sống và tính hữu linh của vạn vật, người Nhật dễ có cảm nhận rằng những vật dụng gắn bó lâu dài với con người cũng chia sẻ đời sống tinh thần với chủ nhân, qua quá trình cảm nhiễm tự nhiên khi các thực thể cùng tồn tại gần gũi bên nhau trong cuộc sống. Vẻ đẹp của đồ vật mang “dấu ấn thời gian” như vậy là một thứ giá trị vô hình, không tuân theo chuẩn mực tường minh nào cả. Đó là vẻ đẹp chỉ tồn tại trong sự tương tác hai chiều: khi đồ vật toát ra vẻ u trầm cũ kỹ với những vết hằn do năm tháng, điều đó được tiếp nhận bởi tinh thần văn hóa đề cao sự trải nghiệm và chia sẻ thời gian quý báu của cuộc đời, từ đó khơi lên niềm cảm kích với món đồ đã đạt đến chiều sâu nhất định của thời gian trong quá trình tồn tại của riêng nó. Vì là sự tương tác hai chiều và không có chuẩn mực tường minh, nên có thể một chén trà cũ kỹ sứt mẻ, được xem như là vật dụng kém giá trị trong cách nhìn nhận của nhiều người, lại có vẻ đẹp riêng hết sức đặc biệt đối với riêng một người nào đó – một trà sư hiểu biết về lai lịch của chiếc chén chẳng hạn. Trong tiểu thuyết Ngàn cánh hạc của Kawabata Yasunari, nhân vật là con trai của một trà sư đã nhìn những chiếc chén uống trà – đều là di sản của các trà sư đã qua đời – theo cách nhìn như vậy: “Hình dáng chén trà ba, bốn trăm năm trước, xa xưa, thật khỏe mạnh, không gợi chút mộng tưởng bệnh hoạn. Thậm chí còn tràn đầy sức sống, đầy nhục cảm (…) Tuổi thọ của cha tôi ngắn cỡ một phần mấy tuổi thọ chén trà được truyền từ nhiều đời này…[2]”

Ý niệm về thời gian đời sống trong nhịp điệu mùa của thiên nhiên

Vì ý niệm về thời gian trong văn hóa truyền thống Nhật Bản gắn với giá trị của đời sống con người, nên với sự tồn tại và chia sẻ trải nghiệm lâu dài trong cuộc sống, thời gian có thể được “tích hợp” vào trong đồ vật để góp phần tạo nên giá trị thẩm mỹ riêng của vật dụng đó, như đã trình bày ở phần trên. Mặt khác, trong dòng chảy bất tận của cuộc sống đời thường, người Nhật luôn nhạy cảm với vẻ đẹp của tự nhiên được tạo nên bởi nhịp điệu mùa của chu trình thời tiết. Thông qua việc dõi theo và thưởng thức vẻ đẹp trong chu trình như vậy, người Nhật cảm nhận và chiêm nghiệm về ý nghĩa của đời người trong mối quan hệ với thế giới xung quanh, nâng cao hiểu biết và nỗ lực để duy trì sự cân bằng trong mối quan hệ đó.

Nhiều phương diện trong văn hóa truyền thống Nhật Bản thể hiện rõ điều này. Chẳng hạn như trong việc xã giao, nhịp điệu mùa cũng là một yếu tố quan trọng. Người Nhật có truyền thống thăm hỏi nhau vào những dịp lễ tiết trong năm – khi nhịp điệu mùa được đánh dấu bằng biểu hiện rõ rệt nào đó, chẳng hạn khi cái nóng mùa hè đạt đến đỉnh điểm, hoặc thời điểm giao mùa khiến người ta cảm nhận rõ ràng, sâu sắc về sự chuyển dịch của thời gian. Thời điểm tổ chức các lễ hội trong năm cũng nằm trong ý thức về nhịp điệu mùa, kết hợp với nhiều yếu tố trong điều kiện tự nhiên và nếp sinh hoạt của con người thuộc về những vùng miền nhất định. Ở nơi có tuyết phủ nhiều tháng trong năm thì thời điểm và nội dung tổ chức các lễ hội cũng sẽ gắn với đặc trưng này, khác với nơi chỉ có ít hoặc không có tuyết đọng trên mặt đất.

Ý niệm về thời gian gắn với nhịp điệu mùa thể hiện rõ nhất vào mùa hoa anh đào nở trên nước Nhật. Người Nhật vốn dĩ yêu thích hoa anh đào vì sự mong manh của nó, chứ không phải vì những thông số vật lý nào đó khiến cho hoa anh đào trở nên nổi bật và được đánh giá cao. Mùa xuân ở Nhật là mùa không đếm xuể các loài hoa đua nở. Điều thú vị là hoa anh đào tàn nhanh và rất dễ rụng khi có gió, nên trong tâm thức của người Nhật, loài hoa này trở thành hình ảnh tượng trưng cho cái đẹp mong manh, khiến họ vừa yêu mến vừa luyến tiếc cho sự tồn tại ngắn ngủi của cái đẹp, từ đó gợi lên nhiều cảm xúc về đời sống con người, về sự suy tàn hoại diệt của sinh mệnh trong dòng trôi của thời gian nghiệt ngã.

Có lẽ cũng do gắn với nhịp điệu mùa nên năm tài chính ở Nhật Bản bắt đầu vào mùa xuân, đúng thời điểm hoa anh đào mãn khai ở các vùng miền khí hậu không đặc biệt lạnh hay quá ấm. Do thời điểm bắt đầu năm tài chính là ngày 1 tháng 4 nên mùa thưởng thức hoa anh đào ở Nhật cũng là mùa diễn ra nhiều thay đổi trong đời sống con người. Học sinh và sinh viên bắt đầu năm học mới. Những sinh viên, học viên các trường nghề mới vừa tốt nghiệp thì chính thức trở thành người lao động, bắt đầu tham gia vào nền kinh tế của đất nước qua vị trí công việc của mình. Những người cần thay đổi công việc cũng thường lựa chọn mốc thay đổi là thời điểm bắt đầu năm tài chính. Và trong nhiều trường hợp, sự thay đổi công việc còn có thể tạo ra những thay đổi quan trọng khác trong đời sống như việc chuyển nhà, đoàn tụ hoặc chia tay với các thành viên trong gia đình, mua mới hoặc thanh lý ô tô vì sắp xếp lại đời sống cho phù hợp với công việc mới v.v… Cảm xúc khi trải qua nhiều sự thay đổi trong cuộc sống kết hợp với cảm nhận về nhịp điệu mùa biểu hiện qua sự thay đổi của thiên nhiên là nét đặc trưng thường có vào mùa xuân trong tâm thức người Nhật. Tùy theo hoàn cảnh cụ thể của mỗi người, điều đó có thể gợi lên niềm cảm khái sâu xa khi chiêm nghiệm về quy luật của thiên nhiên và những thăng trầm trong đời sống, nhưng cũng có thể làm khởi lên những suy nghĩ tiêu cực trước sự vô thường của thế giới và sự mong manh của thân phận con người.

Ngoài trường hợp nổi bật với hoa anh đào và mùa xuân, cảm thức về thời gian gắn với nhịp điệu mùa còn có những biểu hiện rất phong phú trong đời sống văn hóa Nhật Bản. Tâm thức sùng kính thiên nhiên, khuynh hướng duy mỹ và tinh thần tận hưởng cuộc sống đã tạo nên tập quán nắm bắt và thưởng thức đúng thời điểm đỉnh cao của vẻ đẹp thiên nhiên theo chu trình thời tiết, biểu hiện thành rất nhiều hoạt động thưởng lãm quanh năm ở khắp các vùng miền trên nước Nhật. Chẳng hạn, để thưởng thức cảnh đẹp do lá đổi màu trong mùa thu, rất nhiều người ở các miền khác nhau có thể tập trung tìm đến một địa điểm nổi tiếng, ở thời điểm nào đó được cho là “đỉnh cao” của việc thưởng thức này, tức là khi người ta có thể ngắm cảnh lá đổi màu ở trạng thái đẹp nhất. Lối thưởng thức như vậy thường hình thành nên những đám đông rất lớn ở những nơi cụ thể vào những lúc nhất định. Đám đông đi viếng đền buổi sáng đầu năm mới. Đám đông thưởng thức hoa ở một nơi nổi tiếng vì vẻ đẹp của loại hoa này. Đám đông xem pháo hoa ở nơi thuận tiện và có tầm nhìn đẹp v.v… Một người “ngoại cuộc” không thấm nhuần văn hóa truyền thống Nhật Bản có thể thấy sự tập trung như vậy là bất tiện và thậm chí khó hiểu, khi người ta phải mất nhiều thời gian để làm việc gì đó, hoặc có khi chỉ là để di chuyển, vì quá đông người cùng hướng về mục đích giống nhau. Nhưng người Nhật thì vẫn cảm nhận được niềm vui trong những hoàn cảnh đó – niềm vui gắn với cảm giác nắm bắt đúng thời điểm để thưởng thức vẻ đẹp vốn dĩ luôn thay đổi trong dòng chảy thời gian. Cảm giác “đúng thời điểm đỉnh cao” như vậy, cùng với hiệu ứng do sự tập trung của nhiều người, tạo nên ấn tượng sâu sắc hơn về nhịp điệu mùa trong chu trình thời tiết, về sự kết nối của con người với nguồn cội thiên nhiên, và cũng có thể hình thành những dấu mốc để người ta nhìn nhận về chính mình trong cuộc đời hữu hạn.

Ý niệm về thời gian với văn hóa lưu niệm – bảo tồn

Tập quán thưởng thức “đúng thời điểm đỉnh cao” những vẻ đẹp theo nhịp điệu mùa là sự thể hiện sống động ý niệm về thời gian trong văn hóa Nhật Bản, nhưng bên cạnh đó còn có những biểu hiện ở trạng thái tĩnh, có vai trò kết nối quá khứ và thực tại, và thông qua đó mà duy trì ý thức về dòng chảy liên tục của thời gian.

Vai trò ấy được thực hiện một cách rõ rệt nhất với quy mô lớn nhất ở mạng lưới bảo tàng trên khắp các vùng miền nước Nhật. Ý thức trân trọng di sản của quá khứ trong văn hóa Nhật Bản đã tạo nên trên đất nước này một mạng lưới bảo tàng dày đặc và phong phú, trưng bày các hiện vật về đủ mọi chủ đề. Ngoài những loại hình truyền thống như bảo tàng mỹ thuật, bảo tàng đời sống ở một giai đoạn trong lịch sử, còn có những trường hợp nghe rất mới lạ và độc đáo như bảo tàng bia, bảo tàng truyện tranh hay bảo tàng tàu hỏa.

Cũng nằm trong truyền thống bảo tồn di sản để truyền lại cho các thế hệ sau, Nhật Bản còn có rất nhiều nhà lưu niệm, là nơi cất giữ và trưng bày kỷ vật và hình ảnh thuộc về hoặc có liên quan đến những nhân vật có đóng góp nổi bật về văn hóa.

Với tinh thần làm việc chuyên nghiệp và ý thức quý trọng di sản, người Nhật đã thực hiện công việc bảo tồn rất tỉ mỉ công phu; các viện bảo tàng, nhà lưu niệm trở thành khoảng không gian tuyệt vời kết nối giữa thành tựu quá khứ với đời sống hiện tại. Trong lòng một thành phố rất nhộn nhịp với cơ sở hạ tầng hiện đại kỹ thuật cao, khi bước vào một bảo tàng mỹ thuật truyền thống, người ta cảm thấy như trở về thời đại của những họa sư dùng mực tàu vẽ tranh sơn thủy. Cảm giác đó được tạo nên từ sự kết hợp nhiều yếu tố: số lượng và chất lượng tác phẩm trưng bày, sự bài trí không gian, những tư liệu được sử dụng kèm theo để thuyết minh về tác phẩm mỹ thuật, cách sử dụng ánh sáng tùy thuộc vào không gian và tác phẩm v.v… Tương tự, bước vào nhà lưu niệm dành để tưởng nhớ một nhân vật văn hóa, người tham quan sẽ có cảm giác như là trong tâm tưởng, mình đang chạm tới cuộc đời một con người. Như vậy, không gian bảo tàng và lưu niệm là không gian được thiết kế riêng để quá khứ sống trong lòng hiện tại. Càng có nhiều không gian như vậy lưu giữ nhiều hình ảnh tư liệu giúp con người ở đời sống hiện tại kết nối với quá khứ và hiểu về quá khứ, đời sống tinh thần của mọi người trong cộng đồng ấy càng trở nên phong phú, và truyền thống văn hóa cũng trở nên sâu gốc bền rễ trong ý thức về lịch sử phát triển của cộng đồng.

Ngoài không gian bảo tàng, người Nhật còn đưa hình ảnh, tư liệu của quá khứ vào đời sống hiện tại qua sự hiện diện của rất nhiều tượng và bia đá lưu niệm ở khắp nơi. Trong khi bảo tàng hay nhà lưu niệm là những không gian kín, với những hiện vật nằm sau những bức tường và những cánh cửa chờ ai đó đẩy qua để bước vào, thì tượng và bia đá nằm trong không gian mở, nơi người ta dễ dàng thưởng thức khi bắt gặp tình cờ: trong công viên, trên đường phố, trong khuôn viên của trường đại học v.v… Với hình thức lưu niệm như tượng và bia đá, người ta có thể cảm nhận được sự hiện diện của quá khứ ở trong lòng hiện tại một cách rất tự nhiên, như con người sống cùng với các loài cây cối và động vật.

Điều đáng chú ý là khi dựng tượng những nhân vật có danh tiếng gắn với thành tựu về văn hóa, người Nhật thường khắc vào bệ tượng những thông tin quan trọng về nhân vật được dựng tượng lưu niệm. Thông tin trong trường hợp này không nhất thiết phải theo “công thức” như kiểu thông tin được ghi trên bia mộ thông thường, mà có thể là trích dẫn phát ngôn hoặc những lời ngắn gọn rút ra từ tác phẩm của nhân vật được tưởng niệm, tạo ấn tượng sâu sắc về nhân vật qua dung lượng ngôn từ ngắn nhất có thể. Những nhân vật có tầm ảnh hưởng đặc biệt lớn nhờ thành tựu văn hóa nghệ thuật, thì bên cạnh bức tượng thường có bia đá khắc những lời giới thiệu về nhân vật đó. Trường hợp nhân vật được tưởng niệm là thi nhân, thì còn có những tấm bia đá lưu niệm với nội dung đề bia là những tác phẩm quan trọng, được nhiều người biết đến; bởi lẽ thơ quốc âm Nhật Bản thường rất ngắn, một bài thơ chỉ vài chục ký tự, nên rất phù hợp với hình thức đề bia lưu niệm kiểu này.

Lời kết

Nếu hiểu ngôn ngữ Nhật và có sự quan tâm về văn hóa nghệ thuật, một người khách lãng du ở bất cứ miền nào trên đất Nhật cũng dễ dàng bắt gặp những hình thức lưu niệm kết tinh nhiều giá trị của văn hóa và cảm thức thẩm mỹ của người Nhật Bản. Rồi khi đã quen với điều đó, người ta cũng dễ nhận ra rằng, những hình thức lưu niệm như thế, bằng nhiều cách và ở nhiều mức độ khác nhau, đều thể hiện ý niệm về thời gian qua khuynh hướng tạo sự kết nối quá khứ và hiện tại.

Còn nếu đi sâu vào từng lĩnh vực văn hóa, người ta cũng sẽ nhận thấy ý niệm về thời gian được thể hiện một cách thú vị trong thế giới quan, nhân sinh quan của người Nhật Bản. Đó không phải là cách người Nhật ý thức về thời gian vật lý, mà là một phần trong cách nhìn nhận của văn hóa Nhật Bản về giá trị cuộc sống và thân phận con người, phản ánh sự tinh tế trong cảm thức thẩm mỹ, khuynh hướng trân trọng những vẻ đẹp mong manh dễ mất và thái độ đề cao những thành tựu góp phần làm nên sự phong nhiêu cho đời sống tinh thần.

Lam Anh

*Nguồn ảnh: Lũa Decor

Cảm nhận về cảm thức thời gian trong nghệ thuật Ikebana (Hoa đạo) qua cuốn sách “Trên bàn tay hoa nở” của nghệ nhân Nguyễn Thanh Hiền

Hồn Anime – Năng lượng nảy sinh từ bức tranh toàn cảnh

Một bản vẽ tay có “hồn” là bản vẽ toát ra được sức sống từ sự kết hợp các đường nét. Trong Hồn Anime, tác giả kiêm nhà nhân học văn hóa Ian Condry đã mượn từ “hồn” để nói đến năng lượng xã hội tập thể nảy sinh trong một mạng lưới hợp tác cùng sáng tạo anime. Muốn đưa được cái hồn anime này ra cho người khác thấy, công việc của Condry trong quyển sách là vẽ nên một bức tranh toàn

Không gian thứ ba: từ câu chuyện “Đời sống cà phê tại Nhật Bản”

Đến với  “Đời sống cà phê tại Nhật Bản” Tokyo, một buổi sáng mùa xuân, nhiệt độ ngoài trời là 20C, nắng bắt đầu lên, trời lạnh nhưng không giá buốt mà mát mẻ vô cùng. Sau khi lang thang ngắm nhìn những con phố đang dần tỉnh giấc, tôi bước vào một quán cà phê có phong cách độc đáo. Chủ quán là hai vợ chồng đã cao tuổi, rất nhanh nhẹn, cúi đầu chào đón khách theo phong cách của người Nhật. Tôi
Xem

Dấu ấn Nhật Bản trong Trường phái Ấn tượng phương Tây

Trường phái Ấn tượng được biết đến rộng rãi như là trào lưu đầu tiên của nghệ thuật hiện đại, và nó vẫn là một trong những hình thức nghệ thuật phổ biến, thịnh hành nhất cho đến ngày nay. Phần nhiều những thể loại có tính đột phá thường mang chất nguyên bản đặc biệt, nhưng những người – Ấn tượng, cũng như hầu hết các nghệ sĩ, lại tìm thấy nguồn cảm hứng từ hình thức nghệ thuật khác, mà cụ thể ở

Minh Hùng

05/07/2019