Tôi là một trong những founder của group “Người tiêu dùng cần biết về GMOs”, tôi kêu gọi phong trào này vì không chấp nhận được thực trạng các tập đoàn, trong đó tiêu biểu nhất là Monsanto, kéo bè kết cánh với các chính phủ để độc quyền về hạt giống biến đổi gen, bưng bít các nguy cơ từ thực phẩm biến đổi gen. Sau một thời gian, được sự giúp đỡ của rất nhiều anh chị, bạn bè, phong trào “Người tiêu dùng cần biết về GMOs” đã có sức lan tỏa rộng, nhiều người dân bắt đầu dè dặt khi sử dụng các hãng sản phẩm có thành phần GMOs. Thế nhưng, tôi không cổ vũ cho việc sử dụng sản phẩm hữu cơ, không phải vì sản phẩm hữu cơ không tốt, mà vì trước dòng sản phẩm này tôi vẫn có những nghi ngại nhất định, kể cả đã có các chứng nhận uy tín.
Ngay sau nỗi sợ GMOs và thực phẩm bẩn, một cơn cuồng tín thực phẩm hữu cơ đã lan tràn trên mạng. Người ta coi thực phẩm hữu cơ như thứ duy nhất sạch sẽ ở trên đời, thứ duy nhất cứu rỗi họ khỏi nỗi sợ. Thực phẩm hữu cơ đã bị thần thánh hóa. Khi một dòng sản phẩm được gọi là “hữu cơ”, tức là nó phải được “dán nhãn hữu cơ” bởi các cơ quan cấp phép. Thế nhưng, không một cơ quan cấp phép nào dù uy tín đến đâu trên thế giới có thể đảm bảo được 100% các mẫu đều sạch và an toàn tuyệt đôi. Những gì họ làm việc chỉ đơn giản là trên giấy tờ chứ không có giám sát chặt chẽ. Gần đây nhất, tôi được biết nhãn hiệu hữu cơ do USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp) cũng không đảm bảo được điều này. USDA trong quá trình cấp giấy phép hữu cơ còn đưa ra một cơ chế rất dễ để tham nhũng và bóp méo thông số, đó là cách thức bỏ phiếu để cho phép các hóa chất được đưa vào sử dụng trong một sản phẩm hữu cơ. Đây là một quá trình hoàn toàn không minh bạch trong cấp phép của USDA.
USDA đòi hỏi các nhà làm nông nghiệp một mức giá rất cao để cấp phép cho một sản phẩm. Điều này gây hại cho các hộ nông dân làm ăn quy mô nhỏ, bởi họ không có tiền và không đủ hiểu biết về các hành lang pháp lý phức tạp để có thể xin được chứng nhận USDA. Cơn cuồng tín “hữu cơ” khiến người dùng lao vào mua các sản phẩm có chứng nhận như là mua hàng hiệu, mà bỏ qua những sản phẩm tốt không kém nhưng vì kinh doanh nhỏ lẻ nên không có điều kiện xin chứng nhận. Chỉ những tập đoàn có quy mô sản xuất lớn mới có đủ tài chính để đáp ứng những sập hồ sơ dầy khự mà USDA yêu cầu. Nên nhớ, USDA cũng chính là nơi cấp phép cho sản phẩm GMOs (một hình thức sản xuất nông nghiệp quy mô lớn của các tập đoàn), đến nay lại tạo ra một hành lang pháp lý để nuôi sống các tập đoàn khác có tên là “nhãn hữu cơ”. Nếu ngày trước người ta thần thánh hóa “GMOs” như một giải pháp cứu đói toàn cầu như thế nào thì giờ đây người ta cũng sùng bái thực phẩm hữu cơ tương tự. Rốt cuộc, được lợi vẫn là các tập đoàn, một tập đoàn có thể vừa sản xuất GMOs, vừa đầu tư hàng loạt vào hữu cơ, bởi chứng nhận nào họ cũng có thể mua được nếu muốn với cơ chế nhập nhằng của USDA. (Đọc thêm tại đây: https://bookhunter.vn/su-dang-sau-nhan-khong-dot-bien-gene-cua-bo-nong-nghiep-usda/)
Không ít người vì thần thánh hóa cái chứng nhận “Organic” đã bài xích các nhãn hiệu “Nature” là nhập nhằng. Xin thưa, với cơ chế như USDA (được coi là chặt chẽ nhất trong làng kiểm định hữu cơ) thì “Organic” cũng là một chứng nhận mơ hồ tương tự. Cộng thêm vào đó là những lối tuyên truyền và những khảo sát khoa học về sự vĩ đại của “hữu cơ” đã đẩy người tiêu dùng vào vòng xoáy truyền thông, sẵn sàng bỏ một cái giá rất đắt để mua những sản phẩm cũng không đáng tin cậy cho lắm.
Vậy thì lấy cái gì để tin ở thời buổi này bây giờ? Từ lâu rồi tôi đã không tin vào nhãn hiệu. Tôi tin vào các giác quan của mình. Cái mũi của các bạn, cái lưỡi của các bạn, cảm giác sờ chạm của các bạn, con mắt của các bạn thừa sức đánh giá sản phẩm nào tốt cho mình hoặc không. Các biện pháp tuyên truyền để cổ vũ luôn gieo rắc nỗi sợ trong chúng ta. Với nỗi sợ ấy chúng ta không dám tin vào khả năng cảm nhận tự có , do đó dễ dàng lao theo cơn tuyên truyền của họ. Điều này khiến chúng ta rơi từ cái bẫy này vào cái bẫy khác. Học cách để sử dụng giác quan đánh giá mức độ an toàn hay nguy hiểm không phải là chuyện dễ, nhưng không phải là không thể thực hiện.