Home Tạo Xem phim “Milk” và nghĩ về cách thức xây dựng một phong trào xã hội

Xem phim “Milk” và nghĩ về cách thức xây dựng một phong trào xã hội

Tô Lông

19/06/2016

Lần đầu tôi xem phim “Milk” là cách đây 6 năm. Bộ phim thật sự gây ấn tượng cho tôi bởi cách Harvey Milk (1930 – 1978), một người đồng tính vốn phải che giấu bản thân trong cuộc đời nhạt nhẽo, đã đứng dậy và tạo một phong trào lừng lẫy đòi quyền được đối xử bình đẳng cho những người LGBT. Diễn xuất duyên dáng của Sean Penn, không khí hào sảng của những con người tự do đòi được là chính mình, các bài tuyên ngôn đầy hưng phấn, đã mang đến cho tôi cảm giác rằng tôi cũng cần phải làm gì đó với cuộc đời còn ẩn trốn trong nhạt nhẽo của mình. Bẵng đi một thời gian dài, sau sự việc những người đồng tính ở Orlando bị bắn chết, tôi tìm lại bộ phim và xem, lần này tôi xem với con mắt của một người đang hoạt động xã hội. Không còn là cảm hứng, những gì tôi học được bộ phim chính là cách để xây dựng một phong trào xã hội.

Harvey Milk, trước khi trở thành một chính trị gia đồng tính, vốn chỉ là một doanh nhân. Sinh nhật năm 40 tuổi, ông gặp Scott, một chàng trai Hippi có lối sống tự do và phóng khoáng. Tình yêu với Scott đã thúc đẩy Milk rời xa khỏi cuộc sống doanh nhân buồn tẻ. Milk ăn mặc và thất nghiệp như một hippi đắm chìm trong mối quan hệ với Scott, cho đến ngày, ông quyết định mở một quán bar cho người đồng tính ở Castro. Đó là bước đầu tiên để ông khẳng định chính mình ngay giữa những ánh mắt đầy thù ghét của chính quyền và những người đạo mạo bấy giờ.
Lúc ấy đang trong thời kỳ cao điểm của phong trào Hippi. Phong trào Hippi khuyến khích con người đập bỏ các khuôn khổ cũ, sống đời tự do và vô chính phủ. Hippi là kết quả của hai phong trào đi trước: một là phong trào văn chương Beat Generation và phong trào tâm linh New Age. Nhưng khác với Beat Generation và New Age vốn chỉ là các cuộc đập phá tư tưởng, Hippi đã đập phá cả lối sống và hình thành những màu sắc riêng. Chúng ta chưa bàn đến việc đập phá lối sống của Hippi là đúng hay sai, bởi phong trào nào cũng có mặt tối của riêng nó. Lối sống Hippi với niềm tin rằng ở trong đó sẽ được là chính mình đã xóa bỏ con người trốn trong bóng tối của Harvey Milk, thay vì đó đã bước ra ánh sáng. Quán bar của Harvey và Scott ở Castro là nơi để những người đồng tính thoải mái được là chính mình, được sống một cuộc đời không gò bó, được có cơ hội để tìm thấy người tình cho mình…, tất cả sự mạnh dạn ấy đến từ một loạt các phong trào thay đổi văn hóa tư tưởng và lối sống trước đó. Như vậy, tiền đề cho một phong trào mạnh đó là phải tiếp nối được những đột phá về tư tưởng và lối sống từ những phong trào đi trước.
Với quán bar của mình, Milk đã kích động trào lưu tẩy chay hãng bia Coors, khiến hãng bia này từ hạng nhất đã tụt xuống thứ hạng thấp. Milk bắt đầu nhận ra được quyền lực của người đồng tính, mà cụ thể hơn là nhóm yếu thế. Với không gian quán bar tự do phóng khoáng, nơi người đồng tính được là chính mình, nhiều người đồng tính khắp nơi bắt đầu chuyển đến, để được ở gần với cộng đồng của mình hơn. Và thế là, Castro trở thành trung tâm của người đồng tính Mỹ lúc bấy giờ.  Một nhóm yếu thế, nếu có thể tập hợp trên cùng địa bàn thì quyền lực sẽ tập trung hơn. Việc này cũng giống như các anh hùng rải rác khắp nơi thì dễ bị chia rẽ, nhưng một khi tụ về Lương Sơn Bạc thì sẽ thành lực lượng mạnh có thể đe dọa đến trật tự. Tạo dựng được một an toàn khu, nơi mà những người có chung số phận, chung chí hướng, là bước quan trọng để bảo vệ những người trong nhóm yếu thế ấy. Tuy nhiên, để tạo thành một an toàn khu không phải việc dễ. Nếu Milk không phải một người đồng tính dám biểu hiện là chính mình với một sự toàn bộ thì không thể thu hút được nhiều người đến vậy.
Một sự cố đã diễn ra: người đồng tính bị giết chết trong khu vực Castro và cảnh sát thì lờ tịt. Sự việc này gây phẫn nộ trong cộng đồng người đồng tính. Milk nhận thức được rằng, nếu không đòi lấy quyền lực cho mình thì chính anh ta có thể cũng sẽ là nạn nhân tiếp theo. Và bởi thế, anh ta đã đứng dậy vì chính mình và vì những người giống mình. Đây là điểm mấu chốt trong phong trào: Milk thành công bởi anh ta là người trong cuộc và đấu tranh vì những người có cùng số phận với mình. Vì là một người đồng tính, anh hiểu rõ hoàn cảnh của mình cũng như bạn bè, hiểu rõ sự kì thị của người xung quanh, và hiểu những lập luận ngớ ngẩn mà Đảng Dân Chủ và thế lực Nhà Thờ lúc đó đã buộc tội người đồng tính là quỷ dữ. Nếu một phong trào không đến từ “người trong cuộc”, mà đến từ những lời kêu gọi sách động bên ngoài, tự phong trào ấy đã mất đi tính chính danh và nguồn cảm hứng của mình. Vì vậy, với những ai muốn tạo các phong trào xã hội, tôi chỉ muốn nói với họ rằng, họ nên bắt đầu từ chính những nhóm người mà trong đó họ là “người trong cuộc”, chỉ khi ấy phong trào mới là chính nghĩa, chứ không phải sự “nhân danh”.
Từ một phong trào xã hội chính nghĩa, số lượng người ủng hộ sẽ rất đông đảo và nhanh chóng lan tỏa, đó là lúc Milk trở thành một chính trị gia. Thay vì chọn xuống đường tổ chức các cuộc biểu tình, Milk đã chọn trở thành đại biểu đại diện cho nhóm yếu thế của mình trong Hội đồng nhân dân. Ban đầu, Milk không có được sự ủng hộ, nhưng nhờ sự can trường và liên tục tìm cách đoàn kết người đồng tính, Milk rồi cũng có được đám đông của mình. Hơn nữa, việc Milk tranh cử cũng mang lại hi vọng cho người  đồng tính, khiến họ cảm thấy rằng họ có một chỗ để tin tưởng, để dựa vào, rằng những người yếu thế sẽ không còn yếu thế nữa. Với một phong trào xã hội chính nghĩa, Milk hoàn toàn ý thức được rằng đó là một vấn đề chính trị. Nghĩa là, không có phong trào xã hội nào mà không mang sứ mệnh chính trị. Nếu bạn chủ động trở thành một phần tác động đến chính trị, phong trào sẽ có chính danh. Nếu bạn né tránh, cố chối bỏ vai trò chính trị, bạn chẳng khác nào đang “treo đầu dê bán thịt chó”. Hãy tưởng tượng nếu Milk chỉ nói giọng nhân nghĩa về bình đẳng, chỉ xuống đường biểu tình và tỏ ra mình không có động cơ chính trị, anh ta sẽ mãi mãi là một kẻ chống đối lại trật tự, và không thể thành công. Ngược lại, Milk nhận thức rằng thay đổi trật tự, thay đổi tư tưởng là một vấn đề chính trị, rồi quyết định trở thành một chính trị gia, nhờ thế người đồng tính đã có được chính danh của mình.
Một điều quan trọng không kém để khẳng định vị thế của người đồng tính, đó là mang lại điều tốt đẹp cho xã hội từ những điều nhỏ nhất. Milk đã chiếm được cảm tình của Hội đồng Nhân dân từ việc dọn dẹp phân chó, chứ không phải diễn vai “bị đối xử bất bình đẳng”. Bằng cách này, Milk đã chứng minh được rằng những người đồng tính hoàn toàn có khả năng đóng góp cho xã hội như người bình thường. Trong khi ấy, chỉ có việc dọn dẹp phân chó thôi, mà Đảng Dân Chủ và Nhà thờ với biết bao nhiêu người ủng hộ, cũng không thể làm được. Có thể nói, một phong trào xã hội được tạo dựng chỉ thật sự hiệu quả khi là một phần của quá trình kiến tạo xã hội tốt đẹp, chứ không phải trở thành sự phẫn nộ cực đoan. Một phong trào chỉ được gọi là “phong trào xã hội” khi nó thúc đẩy xã hội trở nên văn minh hơn, lương thiện hơn, công bằng hơn. Một phong trào được xây đắp bằng những lời chửi bới và thù địch, người ta gọi là đám đông.
Điều khiến tôi xúc động nhất ở bộ phim không phải là cảnh Harvey Milk xuống đường để đòi quyền cho người đồng tính, mà là mối tình của anh với người bạn trai Scott và cảnh anh một mình đi nghe Opera trong nhà hát. Khi chúng ta tham gia một phong trào xã hội, chúng ta bị cuốn theo những cuộc tranh chấp, những đám đông la hét… tới mức quên dần đi cảm xúc của mình. Thiếu cảm xúc, ta mất đi sự đồng cảm, nghĩa là mất đi sự kết nối với chính bản thân mình, nghĩa là đánh mất chính mình. Nhưng Harvey Milk dường như chưa bao giờ đánh mất chính mình. Trước khi qua đời, anh vẫn khóc vì cái kết đau buồn trong vở Opera, vẫn mong muốn một lần được quay trở về với vòng tay của Scott. Và bởi thế, dù Harvey Milk không còn trên đời, nhưng cảm hứng mà anh tạo ra vẫn còn mãi trong lòng bạn bè và tất cả người đồng tính trên toàn thế giới.
Một cách chủ quan, tôi đánh giá rằng đây là bộ phim về người đồng tính hay nhất và chân thực nhất mà tôi từng xem. Phim đã tái hiện toàn bộ đời sống của người đồng tính những năm 1975 – 1978. Người làm phim không cố câu sự đồng cảm bằng những cảnh quằn quại vì bị xã hội dằn vặt; cũng không cần thuyết phục người xem bằng cảnh các chàng trai cơ bắp cuồn cuộn, đẹp trai ngời ngời âu yếm nhau  như “Brokeback Mountain”. Bộ phim thuyết phục người xem bằng sự tự tin khẳng định của Harvey Milk về phong trào đòi quyền của người đồng tính: “Đó không phải chiến thắng của tôi, đó là của các bạn, và bạn, bạn nữa. Nếu một gã đồng tính có thể thắng, nghĩa là còn hi vọng rằng hệ thống có thể hoạt động vì lợi ích của tất cả các nhóm thiểu số khác nếu ta đấu tranh.  Chúng ta mang đến hi vọng cho họ.”
Tô Lông

Hoạt động xã hội (activism) là gì?

« Vật thể chết có thể tự buông xuôi theo dòng, nhưng chỉ vật thể đang sống mới có thể lội ngược dòng chảy » – G.K Chesterton. Hoạt động xã hội (activism) là gì? Hoạt động xã hội đơn giản là việc hành động và tạo ra những thay đổi xã hội; điều này có thể xảy ra bằng hàng tỉ cách khác nhau dưới vô số hình thức khác nhau. Thông thường, hoạt động xã hội liên quan tới việc “thay đổi thế giới” thường thông
le-nam

Lê Nam

11/10/2017

“Gia nhập club” – áp lực đồng trang lứa sẽ thay đổi xã hội

[caption id="attachment_7315" align="aligncenter" width="618" class=" "] Chính danh tiếng mới là động lực mạnh mẽ nhất của con người trong xã hội.[/caption] Con người, như Aristotle đã nói, bản chất một loại động vật sống theo xã hội. Tuy nhiên, xã hội tự nó được cấu thành nên bởi rất nhiều yếu tố và không dễ gì để có thể biết được muốn làm cho xã hội tốt đẹp hơn thì cần phải tập trung vào thuộc tính nào của nó. Trong cuốn sách mới
le-nam

Lê Nam

16/10/2014

Phong trào đòi quyền cho người Đồng Tính không chỉ dành cho người đồng tính

Book Hunter: Phong trào "Tôi Đồng Ý", vận động đòi quyền hôn nhân bình đẳng cho người đồng tính, trong năm 2013, 2014 đã gây một tiếng vang lớn trong cả nước. Nhưng tại sao phong trào này lại thành công đến vậy, trong khi người đồng tính chỉ là một thiểu số vốn bị xã hội bỏ quên? Có thể rằng, ý nghĩa xã hội của phong trào đòi quyền cho người đồng tính còn mạnh mẽ hơn thế. Vào những năm 60, 70

Phong trào Tree Hugs Hà Nội – Bước chuyển cho Xã hội Dân sự ở Việt Nam

Khi chiến dịch thay thế 6700 cây xanh trên tổng số 30.000 cây xanh tại Thành phố Hà Nội được sự cho phép của chính quyền Hà Nội ngang nhiên diễn ra trên khắp các con phố lớn, một cuộc vận động dân sự đã nhanh chóng diễn ra. Trong vài ngày, phong trào đã nhanh chóng lan rộng, nhiều người dân ở các vị trí xã hội khác nhau, cùng phản ứng và lên tiếng biểu thị sự phẫn nộ trước quyết định vô