Home Chuyên đề tháng ‘VỊ VỆ THẦN CỦA TUỔI THƠ’ – WILLIAM JOYCE, nhà sáng tạo thiên tài của Sự trỗi dậy của các vệ thần, Toy Story, Epic…

‘VỊ VỆ THẦN CỦA TUỔI THƠ’ – WILLIAM JOYCE, nhà sáng tạo thiên tài của Sự trỗi dậy của các vệ thần, Toy Story, Epic…

“Vượt qua mọi rào cản về thời gian và không gian, là cách để nắm bắt trí tưởng tượng”.

—Nicholas St. North – William Joyce.

Những cuốn sách bay diệu kỳ của ông Morris Lessmore
(The Fantastic Flying Books of Mr. Morris Lessmore – William Joyce)

Điều gì có thể được ẩn giấu phía dưới người đàn ông luôn khoác lên mình bộ phục trang bình dị, chỉ gồm chiếc quần jeans, áo sơ mi trắng không cổ, cùng bộ râu và ria mép luôn được cắt tỉa gọn gàng? Người đàn ông đó có thể chỉ là một nhân viên văn phòng thông thường. Hoặc rất có thể, người đàn ông đó đang bước tới trụ sở văn phòng Moonbot Studios của mình, với ba giải Emmys, một giải Oscar được trưng bày trong tủ kính. Ông được gọi trìu mến với cái tên ‘Vị Vệ thần của tuổi thơ’ – và đó chính là tác giả nổi tiếng William Joyce. 

William Joyce đóng vai trò là một nghệ sĩ đa tài – nhà văn, nhà làm phim, một họa sĩ minh họa. Năm 1995 – 1998, ông sáng tạo ra các nhân vật trong bộ phim Toy Story A Bug’s Life của nhà Disney. Tới năm 2005, là bộ phim ấn tượng The Rise of The Guardians (Sự trỗi dậy của các vệ thần) của nhà Dreamworks. Kế đó, là Epic (chuyển thể từ “Người Lá và những chú bọ dũng cảm tốt bụng” của William Joyce) và The Fantastic Flying Books of Mr. Morris Lessmore – bộ phim đã giúp ông đoạt giải Oscar cho hạng mục Phim Hoạt hình ngắn hay nhất (2012). 

“We were all the children once” – Tất cả chúng ta đều từng là con trẻ. Nếu Antoine de Saint-Exupéry viết Hoàng Tử Bé đề tặng những người lớn từng là con trẻ, thì các câu chuyện của William Joyce cũng trung thành với ý tưởng: bảo vệ, và khơi gợi hết thảy những sự vẹn toàn non nớt trinh nguyên nhất của tâm hồn còn sót lại. Chắc chắn quá trình đó chẳng hề dễ dàng gì, như thể cuộc chiến cam go giữa ánh sáng các Vệ thần với bóng tối của ông Ba Bị vậy. Nhưng chúng ta cần có đức tin chân chính, cũng như rồi cuộc chiến sẽ nghiêng về các Vệ Thần để đem lại ánh sáng muôn màu trên khắp địa cầu. 

Nếu để William Joyce tự nói về mình, những miêu tả nào có thể đến từ người đàn ông nhỏ thó nhưng giàu trí tưởng tượng này? Bài viết dưới đây được lược dịch từ bài báo “The World of William Joyce” (Brian Boyles), là những dòng tự sự của ông về cuộc ‘scandal’ thời trung học do ảnh hưởng của Edgar Allan Poe, về những ý tưởng tình cờ nảy ra khi trò chuyện cùng con trẻ, và một cuộc ái tình đặc biệt với người tình trăm năm của mình. Độc giả Việt Nam dù đã quen thuộc với các tác phẩm của ông, nhưng hiếm hoi xuất hiện các bài viết chi tiết về chính con người tác giả này. Bài viết thuộc khuôn khổ dự án giới thiệu bộ sách Sự trỗi dậy của các Vệ thần (The Rise of The Guardians) của Book Hunter, hy vọng mang lại một cái nhìn khách quan, thân thiện, và kỹ lưỡng về vị tác gia tài năng này.

Còn bây giờ, là một William Joyce từ những năm non trẻ nhất của cuộc đời. 

>> Tìm hiểu thêm về bộ sách tranh của William Joyce đã được xuất bản tại Việt Nam: Combo sách dành cho thiếu nhi của tác giả William Joyce – Book Hunter Lyceum

LỚN LÊN Ở SHREVEPORT

Cha mẹ tôi, sau cuộc Đại suy thoái và Chiến tranh Thế giới Thứ II đã rất nghèo túng, đến mức họ cho rằng, con cái họ sẽ không bao giờ có thể nghèo như họ được. “Hãy làm và chỉ làm những công việc mà con thực sự yêu thích” – bố mẹ nói. Và tôi thấy điều này thật tuyệt vời. 

Mặc dầu nói vậy, cha mẹ vẫn thấy khá bối rối khi cả tôi, chị gái, cùng các anh chị em họ đều có khuynh hướng nghệ thuật ngay từ khi còn nhỏ. Thật khó để nghĩ về nghệ thuật trong tình trạng như vậy, nhưng cha mẹ, cô dì chú bác trái lại đều vô cùng ủng hộ. Anh họ Johnny tôi đã tới học tại trường Juilliard ở New York, học về opera, piano, diễn xuất. Trường Juilliard lúc đó giống như ngọn đèn hải đăng với đứa trẻ ham mê nghệ thuật. Còn anh Johnny, sau đó đã quay trở lại cùng một vài người bạn mình từ Greenwich Village, và tập tành tham gia các vở kịch. Tôi nhớ mình đã cùng anh tập duyệt các vở kịch của Pinter. Sáng sáng xem Thỏ Bunny, ban chiều là các vở kịch của Pinter. 

Trong ký ức của tôi, lớn lên ở Shreveport luôn đi kèm với các vở opera, vở ba lê, một vài bảo tàng nghệ thuật, cùng một cộng đồng sân khấu phát triển. Có khá nhiều người yêu mến và ủng hộ nghệ thuật. Hơn cả, họ thực sự coi nghệ thuật là quan trọng, và đã biến nó trở thành một phần của thành phố.  Shreveport đã may mắn về mặt này, và đến giờ vẫn vậy. 

VỤ BÊ BỐI “CON QUẠ” (THE RAVEN)

Tôi đến học tại trường Trung học C. E. Byrd, và gặp một giáo viên tuyệt vời, cô Maredia Bowdon. Tuyệt nhất, là cô hiểu được tâm hồn nổi loạn của các thiếu niên mới lớn. Cô Maredia là một giáo viên dạy viết báo, và điều hành tờ báo của trường. Tờ báo có tên “Đời sống thượng lưu” (The High Life). Nhiều năm sau, tôi cùng vợ Elizabeth đã tham gia một cuộc họp lớp. Elizabeth có dịp xem qua tờ báo đó, “Giống như là đọc The New Yorker vậy” – cô nói. Hồi đó, tôi tập trung làm các bài phê bình phim, minh họa và nhiếp ảnh, còn các bạn tôi thì viết các bài xã luận sôi nổi cùng các mẩu truyện cười. Cho đến giờ, tôi mới nhận thấy đó là những điều hiếm có khiến chúng tôi say mê. 

Năm nhất trung học, tôi thấy chán nản. Chúng tôi được học về Poe, và chính điều này đã khơi mào một vài ý tưởng, chẳng hạn như: “Này, hãy thử in một vài sticker có chữ “Con Qụa” (The Raven), rồi dán lên khắp mọi chốn để xem có gì hay ho”. Tôi lập tức in khoảng mười nghìn sticker đen tròn, cùng dòng chữ kiểu Gothic “The Raven”, kèm hình chú quạ nhỏ mũm mĩm. Chúng tôi dán vào khắp các tủ khóa, dán vào cửa nhà mọi người vào ban đêm. Chúng tôi còn dán lên các xe giáo viên trong bãi đậu, kèm một ghi chú: Con Qụa đã tấn công. Ngày hôm sau, mọi người bàn tán: “Một Con Qụa đã tấn công nhà tôi, có nghĩa là như nào?”. Sự việc này đã diễn ra trong tận bốn tháng. 

Logo “Con Quạ” Joyce thiết kế vào năm nhất trung học

Tôi thậm chí còn trở nên trơ trẽn, lẻn vào văn phòng Hiệu trưởng và dán một sticker lên ghế, một cái bên trong bàn làm việc của ông. Một ngày trước kỳ nghỉ lễ Giáng Sinh, Hiệu trưởng treo thưởng năm trăm đô la cho bất kỳ ai cung cấp thông tin về kẻ bày trò này – kẻ theo ông, đã làm xấu trường học với danh nghĩa “The Raven”. Có những cụm từ nhất định dù chỉ nghe một lần, nhưng chúng sẽ ghim mãi trong trí nhớ của bạn, đặc biệt nếu cụm từ đó liên quan tới việc giam cầm, tù tội. 

Bố tôi khuyên nên tự đầu thú. Sau kỳ nghỉ Giáng Sinh, tôi bị gọi tới văn phòng, ngồi trước thầy Hiệu trưởng và Phó hiệu trưởng, và cuộc đối thoại bắt đầu:

“Được rồi, đây rốt cuộc là cái gì?” – Vị Hiệu trưởng hỏi.

“Tôi chỉ nghĩ đây có vẻ là một ý tưởng thú vị thôi” – Tôi nói.

“Chờ đã, cậu đang nói thật chứ? Cậu có dám chắc mình không phải là một phần tử khủng bố nào đó?”

“Không”, tôi nói, “chỉ đơn giản tôi muốn mọi người có thứ để bàn tán. Và thứ nữa, tôi thích Edgar Allan Poe”. 

Vị Hiệu trưởng ngồi đó, suy nghĩ, và thay vì làm bất cứ điều gì gây tổn hại như kiểu gọi cảnh sát, ông chỉ đáp lại: “Anh bạn, anh sẽ được phép quay trở lại trường học nếu anh dọn sạch sẽ tất cả đống hình dán đó”. Và đó là điều mà tôi đã làm suốt nhiều tuần sau các giờ học. 

Vị Hiệu trưởng có tên là B. L. “Buddy” Shaw. Vào ngày lễ tốt nghiệp, Hiệu trưởng trao bằng cho tôi, và không quên nói “Tạm biệt, Raven”. Nhiều năm sau, ông trở thành Hạ nghị sĩ của bang, và Thượng nghị sĩ của bang Louisiana. Trong thời gian làm việc ở lưỡng viện bang, ông đều tuyên bố “Ngày William Joyce” tại bang này. Hai lần tôi xuất hiện tại thủ phủ bang, và cả hai lần ông đều kể câu chuyện về “The Raven” trên sàn cơ quan lập pháp. Kiểu tiểu bang nào có thể làm được điều này, ngoại trừ Louisiana?

NEW YORK VÀ THỜI KỲ XUẤT BẢN HOÀNG KIM

Năm nhất đại học, tôi từng gửi một vài bản thảo cho các Nhà xuất bản ở New York (Đại học Southern Methodist ở Dallas, nơi Joyce học về điện ảnh và báo chí). Tôi thu về khoảng 150 lá thư từ chối, và thấy khá chán nản. Hồi đó, tôi có hẹn hò với một cô gái, mẹ nàng quen một người đàn ông tên Christopher Cerf ở New York. Cha ông Christopher này tên Bennett Cerf, chính là người đã thành lập Random Houses. Chris đã giúp xuất bản tạp chí National Lampoon, và anh quen tất thảy mọi người trong lĩnh vực xuất bản. Chris xem một vài bản thảo của tôi, và nói rằng: “Nghe này, tôi không bao giờ giúp đỡ ai cả, nhưng hãy tới New York và tôi sẽ giới thiệu anh tới một vài chỗ, bởi mấy thứ anh làm thực sự khá tuyệt”.  Tôi tới New York, có cuộc phỏng vấn đầu tiên với Nhà Harper & Row, và ngay lập tức tôi được tuyển dụng. Sự nghiệp xuất bản của tôi bắt đầu từ đây, vừa nhẹ nhõm mà cũng đầy ngạc nhiên. 

Tôi bắt đầu với vị trí học việc, làm việc với những người thâm niên trong đó (một số họ làm công việc xuất bản từ năm 1940). Điều tương tự xảy ra giống như khi còn nhỏ, họ nhìn vào tôi và bảo: “Tôi nghĩ đứa trẻ này có một cái gì đó”.

PHẢI LÒNG

Cậu bạn thân của tôi đang hẹn hò với một cô nàng tên Elizabeth. Tôi làm quen nàng, và bắt đầu thấy nàng thật hay ho. Trái lại, cậu bạn tôi thể hiện như một kẻ vô lại và đối xử tệ bạc với nàng. Tôi bắt đầu mời nàng đi chơi, và sau khi họ chia tay nhau, chúng tôi chính thức hẹn hò. Và bạn ạ, kể từ đó, Elizabeth đã có mặt trong mọi cuốn sách tôi viết. 

KHI LÀM PHỤ HUYNH VÀ CÁC Ý TƯỞNG THẦN THOẠI NGẪU NHIÊN

Rất nhiều ý tưởng xảy đến với tôi là bởi bọn trẻ. Ví như Sự trỗi dậy của các Vệ thần (The Rise of the Guardians), hay Tiếng gọi Ông già Noel (Santa Calls) đều được phát xuất bởi một buổi sáng, con gái tôi, Mary Katherine hỏi rằng: “Ông già Noel và chú Thỏ Phục Sinh có biết nhau không?”. Rất-thực-tế, và hoàn toàn tự nhiên. Con gái tôi lúc đó khoảng năm hay sáu tuổi, còn con trai tôi – Jack, thì ba tuổi. 

Tôi đáp lại “Có”, và liền sau đó chợt nghĩ kĩ lại. Tôi nhận ra, chúng ta không hề có sự thống nhất hay hiểu biết chắc chắn đối với tất cả các thần thoại, các biểu tượng thời thơ ấu. Thật lạ, chúng ta đều biết về họ, nhưng chỉ là những ý tưởng mơ hồ về thân thế, nguồn gốc, thậm chí chả biết chắc họ làm những gì. Mọi ý nghĩ của tôi đã kết tinh lại vào khoảnh khắc đó, và tôi đáp lại Mary: “Tất nhiên họ đều quen biết nhau, còn chiến đấu cùng nhau là khác. Chống lại một kẻ xấu này, chống lại Pitch – Vua Ác Mộng!”. Và mọi thứ đã đi vào guồng. 

Những ý tưởng luôn nảy đến bởi một xúc tác nào đó, thường là các câu chuyện tôi kể cho các con nghe để biến mỗi ngày trở nên thú vị hơn. 

MORRIS LESSMORE, CƠN BÃO KATRINA, VÀ CHIẾC BÌA MARDI GRAS

Bill Morris là một trong những đàn anh lớn tuổi ở Harper & Row. Anh là một huyền thoại, một quý ông bảnh bao, hóm hỉnh, và ưu tú. Lúc đó, Bill không còn sống được bao lâu nữa. Tôi bay tới thăm anh, và trên đường đi, tôi đã viết Morris Lessmore, sáng tác một vở kịch với tên của anh, Bill Morris. Mọi ý tưởng cứ chợt xuất hiện tới. 

Tôi tới căn hộ của Morris, một căn hộ chẳng mấy đồ đạc, 99% là sách, và chẳng còn chỗ để ngồi. Tôi kể anh nghe vở kịch mình vừa viết, lo rằng anh có thể không thích vì vốn không phải người ủy mị, nhưng anh cảm động. Và khoảng 3 ngày sau, anh ra đi. 

Nhưng tôi chưa hoàn thành được câu chuyện do gặp phải cơn bão Katrina. Hai ngày sau, chúng tôi có cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Nghệ thuật vùng Shreveport. Nhiều người từ Hội đồng Nghệ thuật New Orleans đã di tản đến Shreveport. Pam Atchison, giám đốc điều hành của SRAC, và Sandi Kallenberg đã tập hợp mọi người lại, và nói: “Chúng ta cần phải ghi chép lại những gì đang xảy ra, bởi mọi người sẽ cần phải biết, và ghi nhớ sự việc này”. Chỉ trong vòng năm phút, chúng tôi đã có các ý tưởng cơ bản. Trong vòng hai tuần, hai người phụ nữ đó đã chấp thuận cho chúng tôi đưa các nhiếp ảnh gia và các nhà sử học truyền khẩu vào các nơi trú ẩn khác nhau.

Tôi nghĩ đó là một trong những điều quan trọng nhất mà mình đã làm trong đời. Càng già đi, tôi càng hay hồi tưởng lại những khoảnh khắc cảm xúc trong đời mình. Sự tôn kính và lòng dịu dàng của những người làm việc trong các hầm trú ẩn lúc đó, họ đã tử tế và bao bọc thế nào, tử tế theo cách tôn trọng, khiến tôi cảm nhận được sự vĩ đại. Các câu chuyện và hình ảnh chúng tôi ghi lại sau cơn bão đó đã có sức ảnh hưởng rất lớn. Chỉ cần hỏi đơn giản, “Mọi việc ổn chứ?”, là đã giúp được mọi người, đưa họ trở lại từ sự vô vọng. Với tôi, câu chuyện của mọi người đều quan trọng, và tất cả câu chuyện đó đã hòa quyện vào cuốn sách và bộ phim Những cuốn sách bay kì diệu của ông Morris Lessmore (The Fantastic Flying Books of Mr. Morris Lessmore).

Tôi tới New Orleans vào năm 2006, một mùa lễ hội Mardi Gras đầu tiên sau cơn bão Katrina. Elizabeth và tôi là thành viên trong đoàn tổ chức Coleen (Krewe of Coleen). Coleen Sally khi đó chỉ cao tầm hơn mét rưỡi, khoảng gần 50 tuổi. Bà ‘chửi thề như một thủy thủ’, uống rất nhiều rượu, và dạy Văn học ở trường Đại học New Orleans. Bà là một huyền thoại trong văn học thiếu nhi, và được nhiều người trong ngành yêu mến. Một vị thần sống và đáng tự hào. Coleen bắt đầu thúc đẩy sự nghiệp của tôi, và do đó, chúng tôi đã trở thành bạn tuyệt vời của nhau. 

Năm 2006 ở New Orleans, lễ hội Mardi Gras đầu tiên sau cơn bão Katrina. Tôi và vợ cùng là thành viên trong đoàn tổ chức có tên là Krewe of Coleen. Coleen Sally khi đó cao tầm 5 feet ( hơn mét rưỡi ), chắc khoảng 47 tuổi.

Một bức trong sách tranh “Người Lá và những chú bọ dũng cảm tốt bụng”. Sách được dịch bởi bạn nhỏ Nguyệt Mỹ 10 tuổi. Cuốn sách chính là ý tưởng gốc của bộ phim “Epic” (dịch sang tiếng Việt là “Trận hùng chiến ở xứ sở lá cây”)

VÀ GIẢI OSCAR 2012 CHO “PHIM HOẠT HÌNH NGẮN HAY NHẤT”…

Danh sách đề cử được công bố vào lúc 8 giờ sáng, nhưng trang web quá tải do có quá nhiều lượng truy cập. Chúng tôi tập trung hết ở Moonbot Studios, và theo dõi danh sách trên trang web. Tôi nhìn chăm chú vào màn hình, lo lắng tới mức không đọc nổi chữ gì. Bỗng dưng, mọi người hét lên một cách vui vẻ, và kia rồi, tôi nhìn thấy tên Morris Lessmore. Tôi nghĩ bạn thậm chí có thể nghe thấy tiếng chúng tôi la hét ở tận Los Angeles. 

Mỗi ngày sau đó, chúng tôi thực hiện liên tiếp các cuộc phỏng vấn. Một trong những cuộc phỏng vấn kỳ lạ nhất là với Tạp chí Vogue. Người phóng viên với vẻ mặt hoàn toàn thẳng thắn: “ Anh sẽ vận trang phục ai tới lễ trao giải Oscars?” Trước khi tôi nghĩ ra bất cứ câu đáp thông minh nào, đồng nghiệp của tôi – Brandon Oldenburg đã nhanh nhảu: “Dickies”. Đó là một câu đùa hóm hỉnh, tuy có phần kém sự thật. Dickies chuyên sản xuất những bộ yếm và quần áo lao động. Vậy mà nữ phóng viên vẫn ghi vào sổ tay mình: Dickes của Fort Worth (Dickies of Fort Worth). 

Ngày hôm sau, chủ tịch Dickies gọi cho tôi: “Chúng tôi rất hân hạnh nếu được may lễ phục cho các anh”, anh ấy nói, “Chỉ có điều, anh phải sử dụng các loại vải của chính Dickies”. Liền đó, họ cử ngay một thợ may đến Shreveport. Chúng tôi được tự chọn màu vải, và tôi đã chọn loại vải màu cam như của màu các nón giao thông, cho túi và lớp lót áo khoác của mình. 

Tại lễ trao giải Oscars, chúng tôi quyết định rằng mình sẽ tận hưởng, bởi rất có thể sẽ chẳng bao giờ có cơ hội này nữa. Tôi nói chuyện vui vẻ với George Clooney ở bữa trưa dành cho những người được đề cử; hỏi han Martin Scorsese, gặp gỡ Spielberg, và hỏi chuyện Meryl Streep. Đó là lúc tôi nhận ra, toàn bộ lễ trao giải Oscars là nơi toàn ngành điện ảnh gặp gỡ và khen ngợi lẫn nhau: “Làm tốt lắm” – những sự tử tế và những niềm hào phóng hiếm được biết đến. 

Lễ Oscar thực sự là một chương trình dài, còn hạng mục của chúng tôi lại gần cuối chương trình. Đến lúc công bố giải hạng mục mình, tai tôi ù tới mức không còn nghe được gì, như thể máy bay vừa cất cánh và tai bạn bị ù đi vậy. Trên màn hình liệt kê danh sách đề cử bằng cách chiếu cảnh quay cắt từ mỗi phim. Thoạt nhiên, tôi nhìn thấy hình ảnh vợ mình trong Morris Lessmore đang bay trong không trung. Vợ tôi bị chứng ALS và không thể cử động. Chúng tôi đã gắng hết sức để đưa cô đến giải Oscars, và giờ thì cô ấy đang ở đó, trong thước phim trên màn hình. 

Tôi đã lấy lại được thính giác của mình. Khi họ mở phong bì, khắp khán phòng yên lặng. Và chỉ với vài chữ đầu tiên “The Fantastic…”, não tôi đã nổ tung. Tôi thấy mình không còn ở cơ thể này, mà cứ như một nguồn khí vui mừng bay lơ lửng, rồi lại trôi xuống tấm thảm để lên bục nhận giải. 

Bài phát biểu của chúng tôi cũng đã được chuẩn bị trước. Khi thốt ra vài dòng đầu, tôi nhìn xuống và thấy George Clooney ngồi đó, bên cạnh là Sandra Bullock. Anh nghiêng người về phía cô, và tôi nghe thấy tiếng anh thì thầm: “Kia là những anh chàng phim ngắn ấy, họ khá thú vị đấy. Nhưng tôi tò mò không biết có gì bên trong trang phục của họ kia?”. Ánh sáng từ mảnh vải Dickies màu cam thật nổi bật trên nền vải sơ mi trắng của chúng tôi. Brandon cũng nghe thấy, và chúng tôi lập tức quên mất bài phát biểu của mình. Chúng tôi chỉ nhớ rằng mình đã lảm nhảm vài điều, về lũ chuột đầm lầy ở Louisiana chăng? Nhưng tất cả mọi người sau đó đều khen rằng đó là một trong những bài phát biểu hay nhất trong đêm. 

Mỗi người đều có những khoảnh khắc đặc biệt trong cuộc đời, cho dù họ có ở trong ngành điện ảnh, hay có phát biểu nhận giải Oscars hay không. Tôi đã yêu thích Oscar từ khi chỉ là một đứa trẻ, và sau đó, khi được nhận giải Oscar của riêng mình, George Clooney lại khiến tôi quên đi mất bài phát biểu của mình.

Trên đường về, có một vài người đứng đợi ở sân bay để chúc mừng chúng tôi. Một tuần sau, họ có cuộc diễu hành băng giâý ở ngay trung tâm thành phố Shreveport, cuộc diễu hành đầu tiên kể từ Thế chiến Thứ hai kết thúc. Chúng tôi có một xe rước Moonbot Mardi Gras của riêng mình, và Dickies đủ đẹp để làm trang phục yếm đen cho cả đoàn. Vợ tôi Elizabeth ngồi trên xe lăn, nhìn xuống chúng tôi từ ban công Trung tâm Điện ảnh Robinson. Thị trưởng trao cho chúng tôi chiếc chìa khóa của thành phố, và cả đám đông đồng ca “For He’s a Jolly Good Fellow”. Khoảnh khắc đó, giống hệt như những cảnh phim, nhưng nó là thực. Khoảnh khắc đó bỗng trở thành chính xác như một bộ phim của Frank Capra lấy bối cảnh ở Louisiana. Và đó quả thực là một khoảnh khắc không thể nào quên. 

Nguồn: Bryan Boyles

Dịch: Đặng Thơm

VỀ BỘ SÁCH TRANH VÀ TIỂU THUYẾT “NHỮNG VỆ THẦN CỦA TUỔI THƠ”

Bộ sách tranh và tiểu thuyết “NHỮNG VỆ THẦN CỦA TUỔI THƠ” kể về cuộc chiến giữa các vị Vệ Thần và Pitch – Vua Ác Mộng. Các Vệ Thần được lựa chọn bởi Người Cung Trăng, bao gồm Ông già Noel, Thỏ Phục Sinh, Tiên Răng và Thần Mộng Mơ, có quyền năng mang lại niềm vui và đức tin cho trẻ em. Pitch – Vua Ác Mộng đã bị đẩy lùi, nhưng luôn nung nấu mưu đồ phục thù. Và khi Jack Frost được chọn vào đội Vệ Thần, cuộc chiến lại bắt đầu một lần nữa. Bộ sách thuộc Tủ sách Buồm Trăng do Book Hunter xuất bản.

 

Cảm thức tâm linh trong Những vệ thần của tuổi thơ của William Joyce (7): Nữ Hoàng Tiên Răng – Sức mạnh của Ký Ức

Để đọc toàn bộ chùm bài, vui lòng click vào: Ý nghĩa tâm linh của Những vệ thần của tuổi thơ Archives – Book Hunter Trong rất nhiều pháp tu hướng tới sự giải thoát, Ký Ức là một gánh nặng, bởi Ký Ức mang theo những duyên nghiệp trói buộc người tu với thế gian. Nhiều người tu đã chọn cách lãng quên Ký Ức, mà bản chất là sự chối bỏ toàn bộ những dấu vết của quá khứ trong tâm trí mình, để

Cảm thức tâm linh trong Những Vệ Thần của tuổi thơ của William Joyce (3): Kỷ ức về Kỷ Nguyên Vàng và ánh sáng của Người Cung Trăng

Để đọc toàn bộ chùm bài, vui lòng click vào: Ý nghĩa tâm linh của Những vệ thần của tuổi thơ Archives – Book Hunter Mặt Trăng đóng vai trò rất quan trọng trong tâm thức của William Joyce. Công ty sáng tạo của ông được đặt tên là Moonbot Studio, và thế giới đẹp đẽ nhất mà ông tạo ra cũng tràn ngập biểu tượng của mặt trăng. Thậm chí, trong cuốn truyện khác của mình - "Người Lá & những chú bọ dũng cảm
Xem

“NA TRA – MA ĐỒNG GIÁNG THẾ” VÀ SỰ VÔ NGHĨA CỦA ĐỊNH MỆNH

Ra rạp từ tháng 7 năm 2019, bộ phim "Na Tra - Ma đồng giáng thế" đã nhận được vô số lời khen từ khán giả. Sau "Đại ngư hải đường", "Na Tra" một lần nữa đã đem đến cho người xem một trải nghiệm đầy bất ngờ về thế giới thần thoại Trung Hoa, với những Nguyên thủy thiên tôn, Thái ất chân nhân, Na Tra, Ngao Bính,... Câu chuyện của "Na Tra - Ma đồng giáng thế" xoay quanh Na Tra, cậu bé

“Vệ thần của tuổi thơ” của William Joyce: Bộ truyện thiếu nhi dẫn đường tìm đứa trẻ bên trong mỗi chúng ta

Ngay từ lần đầu tôi xem bộ phim hoạt hình “Sự trỗi dậy của các vệ thần”, tôi đã lập tức yêu từng nhân vật trong đó: Jack Frost với lòng trắc ẩn và dũng cảm, thỏ Phục Sinh thẳng thắn và hoạt bát, Tiên Răng đáng yêu và ngây thơ, Ông già Noel hay Nicholas StNorth thông thái, Sandman - Thần Mộng Mơ quyền năng và hóm hỉnh… Khung cảnh đẹp lung linh của ánh trăng chiếu xuyên qua lớp tuyết trắng vừa kỳ

Sách cho trẻ (2): Trái tim thơ trẻ và trí não trưởng thành – Điều quý báu ẩn trong các kiệt tác cho trẻ em

Lẽ tất yếu, những đứa trẻ rồi cũng đến ngày phải trưởng thành, dẫu rằng sâu thẳm trong chúng là những Peter Pan hay Hoàng Tử Bé vốn chỉ mong muốn mãi mãi ở thế giới thần tiên. Nhưng lớn lên và đánh mất những ước ao tốt đẹp thuở nhỏ, để bị cuốn theo những guồng quay sinh tồn của đời người, dường như không phải là những điều các tác giả cho thiếu nhi hướng tới. Các nhà văn thiếu nhi dù cho