Home Xem “NA TRA – MA ĐỒNG GIÁNG THẾ” VÀ SỰ VÔ NGHĨA CỦA ĐỊNH MỆNH
Xem

“NA TRA – MA ĐỒNG GIÁNG THẾ” VÀ SỰ VÔ NGHĨA CỦA ĐỊNH MỆNH

Ra rạp từ tháng 7 năm 2019, bộ phim “Na Tra – Ma đồng giáng thế” đã nhận được vô số lời khen từ khán giả. Sau “Đại ngư hải đường”, “Na Tra” một lần nữa đã đem đến cho người xem một trải nghiệm đầy bất ngờ về thế giới thần thoại Trung Hoa, với những Nguyên thủy thiên tôn, Thái ất chân nhân, Na Tra, Ngao Bính,…

Câu chuyện của “Na Tra – Ma đồng giáng thế” xoay quanh Na Tra, cậu bé hoài thai từ Ma Hoàn – một phần của Linh Châu thời hỗn nguyên. Ngay từ khi ra đời, Na Tra đã bị tiên đoán là mang số phận ác ma hủy diệt thiên hạ. Chính vì thế, cậu bé lúc nào cũng bị dân chúng xa lánh. Nguyên Thủy thiên tôn nói, vì là đầu thai của ác ma, nên đến năm 3 tuổi, Na Tra sẽ bị thiên lôi đánh chết.

Vậy là từ khi sinh ra, Na Tra đã bị gắn lên người một định mệnh: ác ma chuyển thế. Định mệnh ấy đeo bám dai dẳng đứa nhỏ, khiến cậu không có bạn bè, càng không có cơ hội được ra ngoài giao du. Ân thị và Lý Tĩnh yêu thương Na Tra, cố gắng để 3 năm cuộc đời của con trai sẽ được vui vẻ, hạnh phúc. Dưới sự trợ giúp của Thái ất chân nhân, Na Tra được đào tạo để trở thành một người hùng trừ gian diệt bạo. Chỉ là, cậu bé Na Tra hồn nhiên quá, vui vẻ quá, lại…nhiệt tình quá, nên sự nghiệp trừ gian diệt bạo cũng đi liền với phá làng phá xóm, trêu trẻ doạ người.

Chính vì vậy, người ta càng tin Na Tra là ma đồng hơn, càng xua đuổi Na Tra hơn. Xem phim, nhìn bé Na Tra, bạn sẽ phải tự hỏi, liệu rằng đây có thật là “ma đồng” không? Ai trong chúng ta không từng nghịch ngợm, cáu bẳn, khó chịu khi còn bé? Ai trong chúng ta không từng mong muốn có một người bạn để chơi cùng? Ai trong chúng ta không từng cố gắng làm việc tốt, nhưng lại tạo ra cả những sai sót không đáng có? Nếu vì tất cả những điều đó mà đánh giá một đứa trẻ là “ma đồng”, vậy chẳng phải tất cả chúng ta đều từng là ma sao?

Thật ra, Na Tra không tự nhiên mà bị coi là ma đồng. Cậu là ma đồng vì các vị thần tiên chân tu khẳng định như vậy. Chính lời của các vị chân tu thấu đạo ấy đã gán cho Na Tra một định mệnh, rồi sau đó, để kiểm soát Na Tra, họ nhốt cậu trong vùng kết giới quanh ngôi nhà. Kết giới không giữ được, họ đưa Na Tra đến một thế giới thần tiên đẹp đẽ, biến thế giới thần tiên ấy thành một lồng giam để Na Tra vĩnh viễn không thể thoát ra. Nhưng dù là kết giới hay một thực tại đẹp đẽ đầy sắc màu thì tất cả cũng chỉ là giả tạm, Na Tra muốn đi, và đúng như cậu nói: “Chân trên người ta, ta muốn đi đâu thì đi.” Na Tra tự đi ra ngoài thật.

Trong “Na Tra” còn có một lồng giam khác: nhà tù giam giữ những con thủy quái, được gọi với cái tên mỹ miều là “Long cung”, và nhà tù ấy trói buộc Ngao Bính bằng trách nhiệm với gia tộc.

Ở đây, tôi không muốn bàn sâu về những lồng giam, mà chỉ muốn đi vào chi tiết: cả Na Tra và Ngao Bính đều sống trong sự trêu đùa của định mệnh. Một người ngay từ khi ra đời đã mang thiên mệnh ác ma, một người lại gánh vác trên vai sứ mệnh khôi phục long tộc, trừ khử ác ma. Thứ định mệnh này bám riết lấy cả hai, hủy hoại cuộc sống của cả hai, và khiến họ lao vào cuộc tương tàn mà cả hai đều chỉ là con rối bị giật dây.

Con người, yêu ma, thần tiên, tất cả đều một mực tin tưởng vào định mệnh. Thế nhưng định mệnh của một người đâu phải do ai đó ngoài cuộc có thể định đoạt được. Một ác ma Na Tra cuối cùng lại là người cứu cả ải Trần Đường; một “đấng cứu thế” Ngao Bính lại bị lợi dụng đến mức suýt thì trở thành tội đồ của cả thần, nhân, ma.

Na Tra bất tuân ư? Không phải. Cậu chẳng bất tuân ai cả. Ngay từ đầu, cậu đã cố gắng sống một cuộc đời của riêng cậu. Là người hay là ma, là thần hay là quỷ, cậu đều tự quyết định. Không ai có thể cấm Na Tra làm theo ý mình, càng không ai có thể tùy ý biến cậu thành ma được. Người khác có thể áp một định mệnh lên Na Tra, nhưng cuối cùng, chọn thành người như thế nào là do Na Tra tự quyết. Vào thời khắc tự quyết định ấy, định mệnh vô nghĩa, thần tiên vô nghĩa, đến cái chết cũng trở nên vô nghĩa.

Thế nên, nếu bất kỳ ai vẽ ra một định mệnh, một kế hoạch cuộc đời và hướng bạn làm theo, đừng tin lời họ. Định mệnh là cái bẫy chết người, và dù lý tưởng có cao đẹp đến đâu, hãy nhớ rằng đã có kế hoạch thì sẽ có người được lợi. Biến mình thành quân cờ hay tự chơi ván cờ đời mình, đều là do bạn chọn.

Phải rất lâu rồi, tôi mới xem được một bộ phim hoạt hình khiến mình tâm đắc mãi không nguôi như thế. Ý tưởng của phim không mới, nhưng từ phát triển nội dung đến hình thức, cái gì cũng vừa vặn hoàn hảo. Với “Na Tra – Ma đồng giáng thế”, hoạt hình Trung Quốc đã tiếp thu nhuần nhuyễn thành tựu của hoạt hình Nhật và Mỹ. Có một vài cảnh tượng trong Na Tra khiến tôi nhớ đến “Fulmetal Alchemist”, cũng có vài cảnh tượng ngang tầm vũ trụ như “Dragon Ball”, lại có cả vài nhân vật hao hao Pitch Black trong “Rise of the Guardians”, nhưng tuyệt nhiên, Na Tra không phải một sản phẩm chắp vá. Sáng tạo cho phép sự học hỏi, và với cốt truyện chặt chẽ, ý tưởng thống nhất xuyên suốt, tuyến nhân vật được xây dựng và phát triển hợp lý, mang đậm dấu ấn Trung Hoa, câu chuyện diễn ra trong một không gian thần thoại rộng lớn, ít chi tiết thừa, có thể nói, “Na Tra – Ma đồng giáng thế” có phần nhỉnh hơn hoạt hình Mỹ, Nhật hiện nay.

Mượn những nhân vật thần thoại Trung Hoa để kể một câu chuyện hoàn toàn mới, có lẽ, các nhà làm phim Trung đang nghĩ đến chuyện tạo ra một vũ trụ thần thoại hiện đại cho Trung Quốc. Và với đà này, vũ trụ thần thoại Trung Hoa với những siêu anh hùng mới hứa hẹn sẽ đem đến nhiều trải nghiệm sảng khoái cho khán giả, xứng đáng trở thành đối trọng với các siêu anh hùng Mỹ trong tương lai.

Nguyễn Hoàng Dương

Xem

“Angry bird” – Văn hóa chim, văn minh lợn – Thân thiện và hợp tác

Tôi không quá thích thú với trò chơi “Angry Bird”, nhưng tôi thích ý tưởng về một con chim giận dữ. Xã hội có quá nhiều sự ngọt ngào giả dối, quá nhiều những gương mặt an phận, giống như Facebook có nút “Like” mà không hề có “Hate”. Cuối cùng “Angry Bird” cũng đã vượt lên khỏi màn hình smartphone để lên màn ảnh, và bộ phim còn được Chủ tịch Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon công khai PR.  Việc ông Ban Ki

Lịch sử hình thành và phát triển của truyện tranh Nhật Bản (manga)

Truyện tranh đã rất quen thuộc trong đời sống hàng ngày của các bạn 8x, 9x, thậm chí là cả các bạn... 10x. Nhắc đến truyện tranh, người đọc sẽ nghĩ đến những Thủy thủ mặt trăng, One Piece, 7 viên ngọc rồng, Dấu ấn rồng thiêng, Conan, Nhóc Maruko, Shin cậu bé bút chì... Gần đây hơn, khi các phim bom tấn siêu anh hùng phủ sóng trên màn ảnh, thì truyện tranh phương Tây cũng gần gũi hơn với các bạn độc giả
Xem

Điện ảnh & những góc nhìn thực tại (1): Điện ảnh, thị hiếu và lịch sử phản ánh thực tại qua màn ảnh

  “Thực tại” (reality), theo Peter L. Berger và Thomas Luckmann đề cập đến trong cuốn Sự kiến tạo xã hội về thực tại, là một tính chất thuộc về những hiện tượng mà chúng ta thừa nhận là có một sự tồn tại độc lập với ý muốn của chúng ta. Trong thế giới chúng ta đang sống có một cái cây, cái cây đó tồn tại không phải vì ta muốn nó tồn tại, cái cây đó cũng không vì ta ghét bỏ

Lý thuyết Marxist và khoa học viễn tưởng

Chủ nghĩa Marx, khoa học viễn tưởng và thế giới lý tưởng (Utopia) Lý thuyết Marxist có vai trò quan trọng trong phê bình thể loại khoa học viễn tưởng, đặc biệt là trong khoảng 30 năm cuối thế kỉ trước. Kể từ những năm 1960, nhiều nghiên cứu phức tạp nhất về khoa học viễn tưởng đã có định hướng theo chủ nghĩa Marx hoặc bị ảnh hưởng bởi những khái niệm Marxist được áp dụng trong chủ nghĩa chủ nghĩa nữ quyền, phê
Xem

Xem “Arrival”, nghĩ vài điều về thời gian và ngôn ngữ

Mới đầu năm 2017, các nhà làm phim Holywood đã cho ra đời hai bộ phim “siêu ảo” về dòng thời gian và những thông tin lưu chuyển tương ứng, đó là “Assassin’s creed” và “Arrival”. Tôi thích thú với “Assassin’s creed” hơn nhưng tôi sẽ không viết về nó bởi nó dường như vẫn đang dang dở. Tôi sẽ viết về “Arrival” không phải vì tôi thích nó mà vì những gì tôi thấy nực cười ở bộ phim này, và những lý giải