Home Soát Tường thuật scandal đạo văn và lừa đảo cộng đồng của dự án tiểu thuyết “Thành Kỳ Ý”

Tường thuật scandal đạo văn và lừa đảo cộng đồng của dự án tiểu thuyết “Thành Kỳ Ý”

Book Hunter

21/02/2016

Trong hơn một tháng nay, cộng đồng yêu thích văn chương và lịch sử tại Việt Nam đang dậy sóng bởi những luồng ý kiến trái chiều xung quanh nghi án đạo văn của tiểu thuyết lãng mạn có yếu tố lịch sử Thành Kỳ Ý. Thành Kỳ Ý là tác phẩm gây quỹ cộng đồng (crowdfunding) từ Comicola với số tiền lên đến 212.330.200 đồng.  Nhưng sau khi sách được xuất bản bởi NXB Văn học kết hợp với Nhà sách Đông A, nhiều độc giả cảm thấy phẫn nộ vì chất lượng tác phẩm quá kém và phát hiện ra nhiều dấu vết đạo văn. Thế nhưng cho đến nay, không hiểu vì lý do gì, rất ít báo chí đưa tin về sự việc lừa đảo cộng đồng quy mô lớn này.
I. Thành Kỳ Ý – tiểu thuyết lịch sử hay truyện ngôn tình?
Thành Kỳ Ý là cuốn tiểu thuyết lãng mạn có yếu tố lịch sử được sáng tác bởi Lê Ngọc Linh, nữ tác giả sinh năm 1987, hiện đang định cư tại Úc. Trước đó, Lê Ngọc Linh đã từng xuất bản tiểu thuyết tâm lý tình cảm Ràng Buộc Ẩn do NXB Phương Nam ấn hành. Tiểu thuyết Thành Kỳ Ý được minh hoạ bởi Bùi Hải Bình (San), một hoạ sĩ chuyên vẽ bìa sách ngôn tình sinh năm 1991, đã theo học tại trường đại học Kiến Trúc.
Nội dung tác phẩm Thành Kỳ Ý kể về chuyện tình lãng mạn giữa bốn vị hoàng tử: Bang Cơ, Nghi Dân, Khắc Xương và Tư Thành với cùng một cô gái tên Ngọc Huyên, vốn là con của Ức Trai tiên sinh Nguyễn Trãi. Ngay từ khi gây quỹ, xung quanh cuốn tiểu thuyết do cặp đôi tác giả Linh – họa sĩ San đã gây ra những cuộc tranh luận không ngớt. Bắt đầu từ những hình vẽ lung linh được minh họa bởi họa sĩ chuyên vẽ bìa sách ngôn tình, vua và các hoàng tử triều đại Lê Sơ liền được so sánh với hình ảnh “soái ca” trong truyện tình cảm Trung Quốc vốn rất được giới trẻ mến mộ. Điều này góp phần tạo hứng thú không nhỏ cho một cộng đồng yêu truyện chữ trong nước.
Thành Kỳ Ý ban đầu được giới thiệu là cuốn sách trình bày theo dạng artbook – một thể loại chỉ có tranh ảnh là chính, nhưng sau đó, tác giả chỉnh sửa lại đây là tiểu thuyết lãng mạn có yếu tố lịch sử. Cuối cùng, vào ngày ra mắt sách tại Tp. Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội, tác giả Linh một lần nữa đính chính tác phẩm của mình thuộc thể loại tiểu thuyết lịch sử. Đối với những ý kiến cho rằng Thành Kỳ Ý chỉ là truyện tình cảm có yếu tố lịch sử chứ không phải là tiểu thuyết lịch sử, tác giả Linh khẳng định lại thể loại cho đứa con tinh thần của mình thông qua phương pháp toán học: “khi bạn học toán, A thuộc tập B, B thuộc tập C, thì đương nhiên A thuộc tập C. ở đây cũng như vậy, TKY thuộc tập “tiểu thuyết lãng mạn có yếu tố lịch sử”, “tiểu thuyết lãng mạn có yếu tố lịch sử” thuộc tập “tiểu thuyết lịch sử”, vì vậy, TKY thuộc tập “tiểu thuyết lịch sử” và chính xác nó là tiểu thuyết lịch sử.” Thậm chí, Linh còn tuyên ngôn một cách hùng hồn trên facebook cá nhân như sau:  “Điều tôi nghe nhiều nhất thời gian gần đây chính là câu: THÀNH KỲ Ý dùng lịch sử để PR. Cá nhân tôi thì nghĩ ngược lại, rằng THÀNH KỲ Ý đang PR cho lịch sử Việt Nam, giống như cách mà “Hoàng hậu Ki” PR cho lịch sử Hàn Quốc, giống như cách mà “Bộ bộ kinh tâm” PR cho lịch sử Trung Quốc” (Mời các bạn tham khảo tại đây https://www.facebook.com/LinhSyd/posts/10207382869597569 )
Việc xác định thể loại cho Thành Kỳ Ý quả thật rất rắc rối khi người nói đúng, kẻ nói sai. Đến thời điểm này, tác giả Linh lại tuyên bố một cách khiêm nhường rằng, tác phẩm của cô thuộc về thể loại tiểu thuyết lãng mạn có yếu tố lịch sử.
Chưa dừng lại tại đó, Thành Kỳ Ý liên tục trở thành tâm điểm của những tranh luận trái chiều về cái nhan đề được trích ra từ câu “Sở vị thành kỳ ý giả, vô tự khi dã” trong sách Đại học. Theo tác giả Linh, ý nghĩa của câu này là: “Thành ý ấy, chính là thành thực với lòng mình vậy”, nên cô đã tách ba chữ Thành Kỳ Ý để đặt tên cho truyện. Tuy nhiên, luận điểm này nhanh chóng bị phản bác khi có bài phân tích chữ “Kỳ” trong “Thành Kỳ Ý” vốn là hư từ, khi tách ra khỏi tổng thể câu không thể dùng để đặt tên truyện, mà chỉ cần hai chữ “Thành Ý” là đủ. Việc này khiến độc giả nghi ngờ việc tác giả có đủ kiến thức để viết “tiểu thuyết lịch sử”.
II. Nghi án đạo văn khiến cộng đồng mạng phẫn nộ

1. Phát hiện nghi vấn đạo văn cùng những bằng chứng
Khi thể loại của tác phẩm Thành Kỳ Ý vẫn còn chưa được xác định, trên trang Ngôn Tình – Ném Đá Confessions (viết tắt: NTNDCFS) đã đăng tải loạt 23 hình ảnh bằng chứng cho thấy rất nhiều đoạn văn trong Thành Kỳ Ý được “sao y bản chính” từ các nguồn bao gồm: Tứ Thư Bình Giải của soạn giả Lý Minh Tuấn và nhiều bài báo điện tử khác. Sự việc này gây chấn động giới trẻ đam mê văn học và lịch sử, cùng với đó thổi bùng lên cơn bão tranh luận dậy sóng cộng đồng mạng, chủ yếu diễn ra tại fanpage THÀNH KỲ Ý, page cộng đồng Ngôn Tình – Ném Đá Confessions và group Cộng đồng Comicola. .
Dựa trên bảng so sánh của page NTNDCFS, trong Thành Kỳ Ý có nhiều đoạn văn sao chép hoặc xáo trộn các phần bình giải của Tứ Thư Bình Giải, đặc biệt có 2 đoạn trùng hợp từ nội dung đến từng dấu chấm phẩy của 2 bài báo ở 2 tờ báo điện tử khác nhau. Cụ thể, Thành Kỳ Ý đã “sao y bản chính” ngôn từ tổng cộng 13 điểm trong Tứ Thư Bình Giải và 8 điểm từ các đoạn văn trên các bài báo mạng. Admin Ryuu của trang NTNDCFS cho biết: bảng so sánh gồm 23 trang được đưa lên mạng xã hội chỉ là lần kiểm tra đầu tiên, vẫn còn nhiều điểm nghi vấn mà dàn admin trang cộng đồng này chưa có điều kiện kiểm tra kĩ hơn.

Một số hình ảnh so sánh hai văn bản.

Các bạn có thể tham khảo thêm tại Fanpage Ngôn tình Ném đá Confession

12642894_1546029979041511_5746510092512800430_n 12670054_1546030165708159_8533952921392478305_n 12687802_1546030152374827_4537358465908273920_n12688251_1546030195708156_925037110452828972_n
 
Đồng thời, đại diện phát ngôn cho trang NTNDCFS – admin Ryuu cho rằng: “Việc đưa ra các nghi vấn đạo văn (mà sau này đã được luật sư Doanh xác nhận trên phương diện pháp luật) ngay khi tác phẩm vừa xuất bản không phải nhằm để “dìm hàng Việt”, không ủng hộ sản phẩm Việt và gây ảnh hưởng xấu đến các tác giả đang nung nấu xuất bản truyện dã sử – lịch sử Việt Nam. Mà đây chính là động thái phản đối các hành vi vi phạm bản quyền và luật sử hữu trí tuệ, đồng thời cũng là lời nhắc nhở đến với các tác giả trong giới sáng tác nghệ thuật: viết văn là một nghề cao quý, sẽ không có hành động đạo văn nào được chấp nhận và làm hoen mờ đi vẻ đẹp của văn học. Bất cứ vụ việc đạo văn nào cũng cần được công bố, lên án trong thời gian sớm nhất và đó cũng là quyền lợi – trách nhiệm của mỗi độc giả yêu mến văn học cùng lịch sử nước nhà.”
Điều khiến dư luận lên án gay gắt ngoài việc không chú thích nguồn các đoạn bình giải đã vay mượn, tác giả Linh còn sử dụng nguyên văn đoạn tả hoa mai hay bữa ăn của vua chúa ngày xưa từ các bài báo. Bên cạnh đó, nhiều lỗi sai về Hán tự, các chú thích sai nghĩa, nhầm nghĩa gây hiểu lầm cho độc giả trải dài suốt cuốn sách cũng khiến cộng đồng bức xúc, vì trong suốt thời gian gây quỹ và khi thông cáo báo chí, tác giả Linh cùng ekip dự án Thành Kỳ Ý vẫn luôn khẳng định đây là tác phẩm “được phục dựng công phu nhất từ trước đến giờ”. Sự vụ này gây ra các luồng tranh cãi trái chiều kéo dài từ ngày 07/2 cho đến nay vẫn chưa chấm dứt.
2. Phản hồi từ tác giả và ekip dự án Thành Kỳ Ý
Thành Kỳ Ý là một trong các dự án tiềm năng tại Comicola – trang web nổi tiếng những năm gần đây về phương pháp hỗ trợ xuất bản kiểu mới tại Việt Nam. Comicola đã sử dụng cách thức vốn được áp dụng cho các ấn phẩm truyện tranh gắn bó với thương hiệu của mình để gây quỹ và PR cho Thành Kỳ Ý – cuốn tiểu thuyết đầu tiên được xuất bản nhờ phương pháp gây quỹ cộng đồng tại Việt Nam.
Thành Kỳ Ý bắt đầu gây quỹ từ tháng 8/2015, với hơn 200 triệu đồng thu được, vượt chỉ tiêu đến 142%, tác giả cùng ekip dự án luôn tự hào là cuốn tiểu thuyết đầu tiên gây quỹ tại Việt Nam mà không cần hé lộ bất cứ đoạn văn nào trong truyện. Thành Kỳ Ý đã chính thức ra mắt công chúng ngày 19/1/2016 vừa qua sau khi được kiểm duyệt, in ấn và phát hành bởi công ty sách Đông A và NXB Văn Học.
Từ lúc nghi án đạo văn của tác giả Linh xuất hiện, cộng đồng yêu văn học và lịch sử Việt Nam đã liên tục đặt câu hỏi và yêu cầu ekip dự án Thành Kỳ Ý giải trình về vấn đề này. Mặc dù tác giả Linh đã lên tiếng xác nhận Thành Kỳ Ý không đạo văn, nhưng cho đến hiện tại, không có một bằng chứng xác minh nào đủ thuyết phục được đưa ra để bảo vệ luận điểm trên. Bên cạnh đó, hàng loạt những lời phàn nàn về thái độ phản hồi của tác giả Linh cùng ekip Thành Kỳ Ý nhanh chóng được lan truyền khi nhiều độc giả đột ngột bị xoá bình luận, bị cấm truy cập vào facebook riêng của tác giả và fanpage chính thức của Thành Kỳ Ý không một lý do.
Phương thức xử lý khủng hoảng truyền thông không khôn ngoan này của tác giả Linh cùng ekip Thành Kỳ Ý làm dấy lên làn sóng phẫn nộ của cộng đồng các bạn trẻ yêu văn học và lịch sử. Dẫn đến việc ngày 13/02 vừa qua, anh Nguyễn Khánh Dương – founder của Comicola – đã có buổi giải đáp thắc mắc và hứa hẹn sẽ có câu trả lời thoả đáng cho độc giả về sự vụ của Thành Kỳ Ý. Tuy nhiên, vào ngày 15/02, tác giả Linh đã viết một bức tâm thư tỏ rõ những nỗi khổ cực chị đã trải qua để nghiên cứu các tư liệu lịch sử dùng để viết nên tác phẩm. Tác giả Linh cho rằng bản thân đã viết câu chuyện “bằng thái độ hết sức chân thành”. Chị thực sự đã đọc qua hết các tác phẩm “Tứ thư bình giải; Đại Việt sử ký toàn thư; Đại Việt khâm sử thông giám cương mục; Lịch triều hiến chương loại chí; Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ; Việt Nam phong tục; Việt Nam văn hoá sử cương; ngàn năm mũ áo; thi cử học vị học hàm dưới các triều đại phong kiến Việt Nam; Lão Tử đạo đức kinh; Trang Tử nam hoa kinh…và rất nhiều nguồn tài liệu tản mác trên mạng không xuất bản thành sách”. Đồng thời thông qua bức tâm thư, tác giả Linh cho rằng fanpage cộng đồng NTNDCFS đã quá khích khi lên án tác phẩm của cô thông qua việc nêu ra vấn đề: “tranh vẽ giống Trung Quốc, sau khi lên án tác phẩm đặt tên tiếng Hán, lại tiếp tục công kích “Thành Kỳ Ý” bằng nghi án đạo văn”.
Bên cạnh đó, Linh cũng thừa nhận bản thân “vì suy nghĩ đơn giản, vì thiếu kinh nghiệm và vì không có những hiểu biết sâu sắc về ngành xuất bản”, do vậy đã vấp phải nhiều thiếu sót trong việc trích dẫn không ghi nguồn và hứa hẹn sẽ bổ sung trong lần tái bản tới. Linh cũng mong muốn độc giả có thể đón nhận “những “thành ý” của một người ngoại đạo dám lăn lộn trong đề tài lịch sử” như mình. Tuy nhiên, hiện tại bức tâm thư này đã không còn hiện diện trên facebook tác giả, cũng như trên fanpage chính thức của Thành Kỳ Ý.
Đáp lại bức tâm thư này của Lê Ngọc Linh, admin Casanova của trang cộng đồng NTNDCFS cho rằng:
“Nhân nói đến chuyện đọc sách có tâm, tôi thiết nghĩ người ta có câu “Sinh nghề tử nghiệp”. Đã chọn nghiệp cầm bút, hà cớ gì phải đếm sách đã đọc? Người đọc sách mà đọc cốt lấy số, đọc nhanh nhanh cho xong như một thứ trọng trách phải gánh vác, đọc như vậy khác nào kẻ đói ăn ngồi nhai ngấu nghiến chén cơm trắng. Chỉ thỏa được cái đói nhất thời chứ chẳng tận hưởng được vị thanh ngọt của hạt ngọc thực, hưởng không hết vị thì việc ăn cơm cũng chỉ giống một thứ phản xạ có điều kiện “đói – ăn” lặp đi lặp lại thôi.
Tác giả nào cũng có lần đầu tiên ra sách, nhiều người thậm chí còn chẳng rõ hợp đồng xuất bản là thế nào? Quảng cáo, họp báo ra mắt và quay trailer sách ra sao? Nếu so với với họ, tôi nghĩ sự thiếu hiểu biết lẫn kinh nghiệm của một người ra đến cuốn sách thứ hai như Linh quả thật đáng đặt vấn đề nghi ngại. Đặc biệt khi thiếu sót lớn nhất ở đây là “việc thiếu trích dẫn nguồn tư liệu kiến thức tham khảo trong “Thành Kỳ Ý”. Đọc xong bài viết của Linh, tôi tò mò muốn biết “trách nhiệm” cụ thể mà bạn nhận là gì? Một lời xin lỗi cho độc giả, cho các tác giả bị “bỏ sót” dẫn nguồn, cho Thao Quốc Trưởng Công Chúa bị gán nhầm thành Đà Quốc Trưởng Công Chúa hay chỉ là “trách nhiệm” bị bỏ lửng?
Có lẽ chỉ Linh mới trả lời được câu hỏi này.
P/S: Tôi hi vọng bạn Linh sẽ kiểm tra lại các tựa sách bạn đã kể trong bài viết, vì theo tôi được biết thì không hề có tựa sách nào là: “Đại Việt khâm sử giám cương mục”; “Lão Tử đạo đức kinh” và “Trang Tử nam hoa kinh”. Có thể là Linh có chút nhầm lẫn khi dẫn tên các tựa sách sau:
-Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Được viết bởi Quốc sử quán triều Nguyễn);
– Đạo đức kinh (của Lão Tử);
– Nam hoa kinh (của Trang Tử).
Ngoài ra thì để tôn trọng người viết sách lẫn nguồn tài liệu, tôi nghĩ bạn Linh nên chú ý viết hoa “Ngàn năm áo mũ” (không phải “ngàn năm mũ áo”) và “Thi cử học vị học hàm dưới các triều đại phong kiến Việt Nam”. Làm việc có tâm, khắc tự có tầm.”
Cho đến hiện tại, tác giả Linh vẫn chưa đưa ra bình luận nào thêm về scandal của mình.
Về phía Comicola, theo như anh Nguyễn Khánh Dương – Co Founder của công ty Comicola trong bài báo “Nghi vấn Thành Kỳ Ý đạo văn” trên trang báo điện tử Zing News, thì công ty này hoàn toàn không tham gia và kiểm duyệt nội dung trước khi gây quỹ:
“Chúng tôi chỉ là đơn vị đứng ra gây quỹ và chưa hề đọc trước bản thảo tác phẩm. Tác gả tự làm việc với đơn vị xuất bản nên chúng tôi không chịu trách nhiệm về sự việc này.”
(Trích nguyên văn lời phát biểu của anh Nguyễn Khánh Dương trong bài báo)
Tuy nhiên, chỉ trước đó vài tiếng đồng hồ, trên trang cộng đồng NTNDCFS đã đăng tải bức email của công ty Đông A trả lời một độc giả về việc đạo văn của tác giả Linh và xác nhận rằng:
“Đây là cuốn sách có sự hợp tác xuất bản giữa Comicola và Đông A nên mọi sửa chữa, thay đổi về nội dung, hình thức đều được Đông A trao đổi với tác giả và Comicola trước khi quyết định.”
(Trích nguyên văn câu trả lời của công ty Đông A trong bức email gửi cho một độc giả thắc mắc về sự kiện đạo văn của Thành Kỳ Ý.)
Hành động đùn đẩy trách nhiệm này lại một lần nữa khiến độc giả dậy sóng bức xúc, đồng thời cho thấy cách xử lý khủng hoảng yếu kém và vô trách nhiệm của các bên liên quan. Được biết, nhiều độc giả là backer (người ủng hộ gây quỹ) và người mua sản phẩm Thành Kỳ Ý đã liên tục yêu cầu Comicola bồi thường và hoàn tiền, tuy nhiên về phía Comicola vẫn chưa có bất kì phản hồi nào về yêu cầu này.
Trong quá trình thực hiện cuốn “tiểu thuyết lịch sử được phục dựng công phu nhất”, tác giả Linh đã nhận được sự hỗ trợ, tư vấn sử liệu từ nhóm Đại Việt Cổ Phong, nơi quy tụ những bạn trẻ yêu mến, bỏ nhiều công sức tìm hiểu lịch sử, văn hóa nước nhà cùng các nước đồng văn.
Vào khoảng thời gian chưa xác nhận được thực hư nghi án đạo văn, nhóm Đại Việt Cổ Phong cũng đã có nhiều cuộc tranh luận với các độc giả lên án đạo văn và khẳng định các nguồn sử liệu được cung cấp bởi Đại Việt Cổ Phong không thể nào sai được. Trong thời gian diễn ra các cuộc tranh luận, các thành viên và admin Nguyễn Duy của nhóm đã nhiều lần văng tục và sử dụng ngôn từ thiếu tế nhị, dẫn đến việc trang cộng đồng NTNDCFS phải cảnh cáo, cấm những người dùng tranh luận không lành mạnh. Được biết, ngay khi nghi án đạo văn của Thành Kỳ Ý diễn ra, do đang trong quá trình gây quỹ cho dự án Hoa văn Đại Việt nên nhóm Đại Việt Cổ Phong đã quyết định im lặng và không đưa ra bất cứ bình luận gì thêm về vấn đề nhạy cảm này.
Khi được liên hệ về vấn đề bản quyền của Thành Kỳ Ý, NXB Văn Học cho biết vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin phản hồi nào về vụ việc, đồng thời hứa hẹn sẽ tìm hiểu và xử lý thông tin trong thời gian sớm nhất.
3. Phản ứng của dư luận trước nghi án đạo văn
Kể từ khi nghi án đạo văn của tác phẩm Thành Kỳ Ý được xuất hiện, đã có nhiều luồng ý kiến tranh luận quanh sự kiện này. Có rất nhiều bạn trẻ và giới yêu mến văn học, lịch sử Việt Nam phản đối và kêu gọi tẩy chay tác phẩm, với mong muốn không tạo tiền lệ xấu cho văn đàn tại Việt Nam. Bên cạnh đó, đứng trước nghi án cùng 23 hình ảnh bằng chứng và các bài nhận xét đến từ những người đã đọc Thành Kỳ Ý, cộng đồng mạng mà đại diện là page NTNDCFS đã lên tiếng yêu cầu tác giả cùng ekip dự án Thành Kỳ Ý đưa ra giải trình thoả đáng.
Ngược lại, một bộ phận không nhỏ cho rằng Thành Kỳ Ý dù có đạo văn hay không cũng nên được hoanh nghênh và đón nhận, vì đây là tác phẩm đầu tiên khai thác đề tài lịch sử vốn rất khô khan. Đồng thời, các bạn cũng lên án việc người Việt dìm hàng Việt khiến cho các sản phẩm nội địa không tìm được chỗ đứng, gây khó khăn cho các tác giả muốn sử dụng tư liệu lịch sử về sau. Thế nhưng những bạn này đều không biết rằng trước đó ở Việt Nam có rất nhiều tác phẩm dã sử hay, có giá trị cả về mặt lịch sử và nghệ thuật. (Mời các bạn tham khảo Bộ sưu tầm Những cuốn tiểu thuyết dã sử Việt Nam tầm cỡ ). Cho nên Thành Kỳ Ý không phải là tác phẩm đầu tiên khai tác đề tài lịch sử vốn khô khan. Hơn nữa, quan điểm của Linh rằng chính cô và đồng sự đã “PR cho lịch sử” là một thái độ ngông cuồng coi thường quá khứ dân tộc, đạp đổ và sổ toẹt các nhà văn kỳ cựu đã đóng góp công sức cho dòng văn học dã sử ở Việt Nam. Thế mà hai tờ báo chính thống chuyên PR về các hoạt động văn hóa là Thể thao Văn hóa và Thanh Niên Online không ngần ngại PR cho sự kiện này.
Ngày 18/02 vừa qua, trang cộng đồng Vietnam IPR Infringement do luật sư Nguyễn Văn Doanh điều hành đã lên tiếng tham gia vào vụ việc, khẳng định tác giả Linh đã đạo văn và gửi công văn yêu cầu giải trình, thương lượng giữa ekip dự án Thành Kỳ Ý và soạn giả Lý Minh Tuấn – người viết bình giải cho cuốn sách Tứ thư bình giải.
Được biết, luật sư Doanh đã từng hỗ trợ nữ tác giả truyện tranh người Singapore Evacomics trong vụ tranh chấp về vấn đề tác quyền với tờ báo cho tuổi thiếu niên Mực Tím, thu về kết quả là sự bồi thường $2300 chi phí tác quyền cho họa sĩ. Hành động tham gia vào vụ việc đạo văn của tác giả Linh lần này được đông đảo sự ủng hộ và theo dõi của những độc giả quan tâm đến văn học – lịch sử nước nhà.
4. Nhiều điểm nghi vấn xung quanh việc đạo văn của Thành Kỳ Ý
Bên cạnh sự vụ đạo văn của Thành Kỳ Ý, các bài review gửi về cũng cho thấy sự thất vọng của độc giả trong nội dung tác phẩm và cách hành văn củ tác giả Linh. Với hàng loạt các lỗi sai về văn phong, chính tả, ngữ pháp và logic mạch truyện, Thành Kỳ Ý bị cho là không đáp ứng được với thể loại Tiểu thuyết lịch sử mà tác giả Linh xác định cho cuốn sách này. Nhiều độc giả cho rằng: các chi tiết trong truyện hoàn toàn không có cao trào, lối dẫn dắt thể hiện sự sáng tạo yếu kém của tác giả là một trong những điểm yếu chí mạng cho cuốn sách này. Tác giả Linh đã sai lầm trong hành động đi vào lối mòn khoe chữ và kiến thức, mà bỏ quên việc đào sâu cốt truyện cùng tâm lý nhân vật – vốn là những yếu tố quyết định linh hồn của câu chuyện.
Sau cùng, Thành Kỳ Ý còn lại gì? Một cuốn tiểu thuyết yếu kém trong hành văn và gian dối bằng việc sử dụng chất xám người khác trái phép, dường như độc giả chẳng còn gì nhiều để hy vọng thêm nữa khi mà liên tục nhận được sự phản hồi tiêu cực từ chính tác giả Lê Ngọc Linh.
Các nguồn tin cho biết: ngay từ khi gây quỹ xuất bản, đã có nhiều độc giả đề nghị cung cấp kiến thức và sửa chữa các điểm bất hợp lý trong tranh minh họa Ngọc Huyên của họa sĩ Hải Bình, như yêu cầu vẽ đúng nhân trắc học của người Việt Nam là con mắt lá răm lông mày lá liễu, với hàm răng đen nhánh hạt huyền. Tuy nhiên, cặp đôi tác giả này đã từ chối tiếp thu ý kiến và đáp lại bằng một hình ảnh chỉnh sửa đầy xấu xí cho nhân vật này với những chi tiết được góp ý cùng lời bình luận: “P/S: Bức hình San (Bình Hải) vẽ ra để “chiều lòng” những tâm hồn thủ cựu”. Và điều đáng nói là chỉ sau đó ít lâu, trong bộ ảnh cosplay làm trailer cho Thành Kỳ Ý, tác giả Linh lại yêu cầu người mẫu của mình có hàm răng đen để nhận được lời khen phục dựng sát với lịch sử. Thái độ này của Linh đã khiến nhiều độc giả góp ý trước đó mất thiện cảm đi ít nhiều.
Ngoài ra, trong một trạng thái đăng từ chính facebook riêng của tác giả Lê Ngọc Linh cho biết, cô chính là một trong 4 người đồng sáng lập workshop Time Sun See – cùng với anh Nguyễn Khánh Dương, anh Hoàng Anh Tuấn và họa sĩ Phan Vũ Linh. Sự thừa nhận này được Linh xóa bỏ và chỉnh sửa ngay sau đó, nhưng những độc giả quan tâm đã nhanh chóng lưu giữ được các bức ảnh bằng cách chụp lại màn hình máy tính, điện thoại và ngay lập tức đặt ra nghi vấn vì sao Lê Ngọc Linh lại có thể ung dung trước scandal của chính mình, đồng thời cặp đôi tác giả Linh – San này đều chắc chắn rằng mặc cho hành động đạo văn đã được xác nhận, tập 2 với nhan đề “Hoa” vẫn được tiến hành và xuất bản.
Thái độ cầu thị yếu kém cùng những khuất tuất giữa quan hệ của tác giả Lê Ngọc Linh và hai Co Founder của Comicola đã gây ra ảnh hưởng xấu với danh tiếng của công ty này, nhiều độc giả trung thành và tin tưởng đã quay lưng đi ngay tức khắc khi biết được Comicola đã bảo vệ và cổ súy đạo văn một cách mù quáng chỉ vì có quan hệ mập mờ với tác giả của Thành Kỳ Ý.
Thậm chí, Group Đại Việt Cổ Phong – group tư vấn và truyền thông cho “Thành Kỳ Ý” còn đưa ra ý kiến rằng viết Tiểu thuyết mà có chú thích là không chuyên nghiệp. Có lẽ, tác giả Linh đã thấm nhuần tư tưởng này của Đại Việt Cổ Phong khi viết Thành Kỳ Ý.

Nâng bi TKY
Lấy từ facebook của Admin Đại Việt Cổ Phong

III. Ủng hộ hàng Việt và niềm tin công chính
Không thể phủ nhận rằng Thành Kỳ Ý là tác phẩm được hỗ trợ PR, quảng cáo mạnh mẽ nhất từ trước đến nay dù cuốn sách này đã lựa chọn chủ đề đầy thách thức, kén người đọc. Đối với giới văn đàn Việt Nam, Thành Kỳ Ý đang trở thành niềm hy vọng mở lối cho các tác giả trẻ đến với đề tài lịch sử, thông qua đó giới thiệu, mở rộng tình yêu lịch sử và văn hoá dân tộc đến với cộng đồng.
Tuy nhiên, xét đến cùng “sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện”. Một tác phẩm sử dụng trái phép chất xám của người khác thì không nên được cổ súy. Một tác phẩm hay không nằm ở bao bì đẹp mắt, bởi lẽ: văn chương là nghệ thuật, mà “nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối […]” (Nam Cao).
Thành Kỳ Ý cùng ekip dự án có chấp nhận việc thương lượng và đền bù cho tác giả gốc hay không, chúng ta vẫn chưa biết được. Nhưng xin tin chắc rằng, nếu tác giả Linh thực sự thành ý, tác phẩm của Linh sẽ không gây ra tranh cãi và cáo buộc như hiện giờ. Và đương nhiên, làm việc có tâm, khắc tự có tầm.
Nguyễn Tâm
CTV của Book Hunter

Bản quyền sách – Tôn trọng để mọi nhân tố trong ngành xuất bản đều được hưởng lợi

Hiện nay, vấn đề vi phạm bản quyền sách đang trở nên ngày càng phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian để nghiên cứu và thảo luận sâu rộng. Chính vì vậy, tôi - với vai trò là những cá nhân có liên quan đến ngành xuất bản và thị trường sách, hi vọng có thể chia sẻ những hiểu biết của mình về vấn đề này, nhằm thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường sách. Tôi mong rằng, những điều tôi
le-nam

Lê Nam

22/10/2024

Nhà Lê – Khuôn mẫu Việt cho một quốc gia toàn trị, con đường dẫn đến tranh giành quyền lực (2)

(Một tiểu luận phê phán nhà Lê) Mời các bạn đọc bài trước tại đây: Bối cảnh lịch sử và cuộc tranh giành của các công thần Cuộc chiến của các hoàng tử Cuộc chiến của Lê Nguyên Long và Lê Tư Tề kết thúc cùng với sự uất ức của Tư Tề có thể coi là mở ra một giai đoạn tạm thời thịnh trị của nhà Lê. Không giống như Lê Lợi, Nguyên Long có thể gọi là có quy trình tuyển chọn

“Cầm Thư quán” và những cuộc truy cầu bất tận

“Ở biển Bắc có con cá côn, mình dài không biết mấy ngàn dặm. Cá côn biến thành chimbằng, lưng rộng không biết mấy ngàn dặm, khi tung cánh bay thì cánh nó như đám mây trên trời. Biển (Bắc) động thì chim bằngrời về biển Nam, biển Nam là Ao trời. ... Con ve sầu và con chim cưu cười con chim bằng rằng: ‘Chúng ta bay vù lên cây du, cây phượng, có lúc bay không tới mà rớt xuống đất. Hà tất phải bay

Nhà Lê – Khuôn mẫu Việt cho một quốc gia toàn trị, con đường dẫn đến tranh giành quyền lực (1)

(Một tiểu luận phê phán nhà Lê) Nhà Lê (1428-1789) là triều đại được đánh giá là hùng mạnh và thịnh vượng nhất Việt Nam thời phong kiến. Đó là những gì chúng ta được học trong chương trình lịch sử ở bậc phổ thông. Giữ vững niềm tin ấy, hẳn không ít người tiếp tục một sự tôn vinh thái quá với một triều đại, có thể nói là sự suy thoái của phong kiến ở Việt Nam. Nhà Lê bao gồm hai triều

Gây quỹ cộng đồng kiểu Comicola hay Comicola cùng sự nhập nhằng trong hình thức hoạt động

1. Gây quỹ cộng đồng tại Việt Nam Có rất nhiều thông tin về gây quỹ cộng đồng trên mạng internet. Mình cũng đã giới thiệu sơ qua trong bài viết ngày 23/2 rồi. Bạn nào chưa rõ có thể đọc lại hoặc tìm hiểu thêm tại đây. Bài này sẽ chỉ nhấn mạnh lại một số đặc điểm của gây quỹ cộng đồng sẽ phục vụ cho các phân tích của người viết: - Về cơ bản gây quỹ cộng đồng là một hình

Book Hunter

27/02/2016