Home Đọc TƯỜNG THUẬT VỤ WAKA XÂM PHẠM TÁC QUYỀN “NƯỚC NHẬT NHÌN TỪ NHỮNG THỨ BÌNH THƯỜNG” CỦA TÁC GIẢ NGUYỄN QUỐC VƯƠNG

TƯỜNG THUẬT VỤ WAKA XÂM PHẠM TÁC QUYỀN “NƯỚC NHẬT NHÌN TỪ NHỮNG THỨ BÌNH THƯỜNG” CỦA TÁC GIẢ NGUYỄN QUỐC VƯƠNG

Uyên Lý

06/12/2021
nguyễn quốc vương nước nhật nhìn từ những thứ bình thường

Trong nửa tháng qua, câu chuyện về cuốn sách “Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường” của tác giả Nguyễn Quốc Vương bị khai thác kinh doanh dưới hình thức ebook suốt 3 năm (2018-2021) mà tác giả không hề hay biết đang gây xôn xao dư luận. Đây cũng là tiêu điểm báo động gấp về vấn nạn vi phạm tác quyền ở Việt Nam. Sự việc bắt đầu từ giữa tháng 11/2021 tới nay, bên vi phạm vẫn chưa có cách giải quyết thỏa đáng cho tác giả.

1. VỀ PHÍA TÁC GIẢ NGUYỄN QUỐC VƯƠNG

Ngày 16/11/2021, lúc 15h00, trên trang facebook cá nhân của tác giả Nguyễn Quốc Vương bất ngờ đăng tải nội dung về việc anh bị “xâm hại tác quyền nghiêm trọng”. Nguyễn Quốc Vương là một facebooker nổi tiếng trong giới trí thức; là tác giả – dịch giả (với hơn 70 đầu sách đứng tên anh đã xuất bản), diễn giả; là KOL với hơn 26.500 lượt theo dõi trên trang cá nhân, người tự nhận mình là “người bán sách rong”. Là người có sức ảnh hưởng trên cộng đồng mạng cũng như trong giới tri thức, bài đăng của anh ngay lập tức nhận được hàng trăm lượt chia sẻ từ người theo dõi.

Nội dung bài đăng ngắn gọn, cụ thể như sau: “Tôi bị xâm hại tác quyền nghiêm trọng. Một công ty đã tự ý xuất bản sách của tôi (sách tôi viết) mà không hề xin phép, kí hợp đồng hay trả tác quyền.

Tôi đã gửi thư hỏi thăm “tình cảm”. Đang chờ hồi đáp của công ty.

Mong cộng đồng mạng sẽ ủng hộ tôi trong việc đòi lại quyền lợi chính đáng này. Họ đã tự ý xuất bản và bán sách tôi viết trong suốt hơn hai năm qua.”

Ngay dưới bài đăng này, có nhiều ý kiến tỏ thái độ bất bình, phẫn nộ và gợi ý tác giả Nguyễn Quốc Vương nêu rõ tên đơn vị đã xâm hại tác quyền của anh để họ tẩy chay cũng như ủng hộ anh mời luật sư hỗ trợ để kiện đơn vị kia ra tòa và đòi bồi thường theo pháp luật. Giữa hàng trăm bình luận ủng hộ “khổ chủ” làm mọi việc “ra ngô ra khoai”, tài khoản Hồ Như Hiển chia sẻ: “Pháp luật không nghiêm làm người ta không sợ. Em gặp rồi và đang trong quá trình xử lý đây ạ! Rồi cũng chẳng đến đâu. Chỉ mình là thiệt. Thời gian, tiền bạc.”

Ngày 17/11, trên trang facebook của mình, tác giả Nguyễn Quốc Vương đăng tải thông tin ban đầu về vụ “xâm hại tác quyền” mà anh đã đề cập vào hôm 16/11 trước đó.

Tới lúc này, khá nhiều người bất ngờ khi biết đơn vị xâm hại tác quyền của anh là Waka, một công ty phát hành xuất bản phẩm điện tử có bản quyền khá nổi tiếng (trên trang web công ty, ở phần giới thiệu, Waka tự nhận mình là “đơn vị đi đầu trong lĩnh vực Bản quyền nội dung số”). Waka đã hợp tác với nhiều đơn vị xuất bản phát hành với việc cung cấp dịch vụ trên các nền tảng website Waka.vn và ứng dụng Waka 4.0 – Ebook & Audiobook. Và một đơn vị liên quan cần chịu trách nhiệm phải kể đến là thương hiệu Bão của Công ty zGroup, cũng nổi tiếng không kém. Chính zGroup là đơn vị đầu tiên hợp tác với tác giả để xuất bản cuốn sách này. zGroup là một công ty sản xuất nội dung giải trí nhanh trên nền tảng Youtube, Facebook và Tiktok.

Cùng với đó, tác giả Nguyễn Quốc Vương công khai một số thông tin trong “Hợp đồng sử dụng tác phẩm” “Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường” mà anh (bên A) đã ký với nhãn sách Bão-Công ty zGroup (bên B) ngày 15/12/2016. Theo đó, hợp đồng có hiệu lực 3 năm, bên B được độc quyền khai thác tác phẩm trong thời gian này. Sau khi hết hạn hợp đồng, nếu bên B muốn tiếp tục khai thác tác phẩm thì bên A phải ưu tiên quyền khai thác cho bên B – Nếu bên B muốn khai thác hình thức ngoài sách giấy dù là đang trong thời hạn hợp đồng hay tái bản/gia hạn sau khi hết hạn hợp đồng thì phải thông báo cho tác giả và có ràng buộc bằng hợp đồng hoặc văn bản cụ thể. Nhưng việc gia hạn hợp đồng hay tái bản sau khi hết thời hạn bản quyền đã không xảy ra. zGroup có khai thác ebook hay hình thức nào khác sách giấy, tác giả đều không được thông báo (1) Nhãn sách Bão – Công ty Z-group xuất bản sách với giấy phép của NXB Hà Nội năm 2017, hết hạn từ 15/12/2019. Phía zGroup chưa từng liên hệ với tác giả về việc xuất bản ebook mãi cho đến nay, khi tác giả bất ngờ phát hiện Waka đang bán ebook là tác phẩm mà anh đã ký hợp đồng với zGroup trước đó. Như vậy, tác giả chưa từng đồng ý cho zGroup xuất bản ebook. Tại sao Waka lại có được nội dung sách của anh Nguyễn Quốc Vương để bán ebook công khai như vậy? zGroup có trách nhiệm gì ở đây? Waka là một đơn vị xuất bản nổi tiếng, là “đơn vị đi đầu trong lĩnh vực Bản quyền nội dung số”, lẽ nào không tự biết rằng họ đang khai thác bản quyền trái phép?

Dưới bài đăng của tác giả là hàng trăm bình luận của đông đảo độc giả và người theo dõi, có nhiều người tình nguyện giới thiệu luật sư hỗ trợ tư vấn cho anh và có một số luật sư chủ động bình luận dưới bài viết rằng họ sẵn sàng tư vấn hỗ trợ anh giải quyết sự việc.

Ngay lúc này, khi nhấp vào địa chỉ liên kết trên Waka mà anh Vương đề cập, có hiển thị cuốn sách “Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường” có giá bán ebook là 22.000đ.

Hình ảnh về một số nội dung trong hợp đồng anh Nguyễn Quốc Vương ký với zGroup được tác giả công khai:

Hợp đồng được ký giữa tác giả Nguyễn Quốc Vương và zGroup (thời hạn 15/12/2016 – 15/12/2019). Ảnh 1.
Hợp đồng được ký giữa tác giả Nguyễn Quốc Vương và zGroup (thời hạn 15/12/2016 – 15/12/2019). (Ảnh 2).
Hợp đồng được ký giữa tác giả Nguyễn Quốc Vương và zGroup (thời hạn 15/12/2016 – 15/12/2019). (Ảnh 3).

Cùng ngày, anh Nguyễn Quốc Vương liên tục cập nhật các phản hồi từ phía zGroup và Waka. Sau khi nhận được phản hồi từ phía Waka đề cập tới việc giữa Waka và zGroup có một hợp đồng thỏa thuận cho việc Waka có quyền sử dụng tác phẩm của anh Nguyễn Quốc Vương bán dưới dạng ebook, tác giả liên tục đề nghị phía Waka và zGroup cung cấp hợp đồng đề cập thỏa thuận mà Waka nhắc tới nhưng đối phương vẫn im lặng.

Dưới các cập nhật của tác giả Nguyễn Quốc Vương về phản hồi của hai đơn vị liên quan, đã bắt đầu có vài ý kiến khác nhau về việc Waka hay zGroup mới là kẻ phải chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm như thế nào?

Tài khoản Kim Ngân bình luận dưới phần cập nhật Waka trả lời anh Nguyễn Quốc Vương: “Như chị đọc, thì bên Waka họ không biết em là tác giả/không quan tâm/không định thể hiện cho em là họ phải thừa nhận sai với em. Và ngay cả biết thì họ cũng chỉ có thể trả lời như vậy. Bởi vì họ nói họ có ràng buộc với bên Zgroup. Vậy nếu nói Waka tỏ thái độ này kia với em thì chị cho là chưa hẳn thế. Việc cần làm là với Zgroup.

Trước đó hợp đồng với Zgroup của em đã hết hạn thì chỉ có Zgroup và em biết, và gian lận ở đây có thể là từ cty Zgroup này trước. Waka có thể đã không lường trước việc Zgroup gian lận thời hạn hợp đồng. Em cần làm việc với Zgroup lúc này.

Zgroup chẳng có lí do gì mà dám kí với Waka khi hợp đồng với em hết hạn trừ khi họ gian lận xâoj xí xập ngầu. Zgroup mới là đối tượng cần xử lí.

(Tuy nhiên bên Waka cũng khó mà nói lời gì khác với em vì họ dựa theo hợp đồng với bên kia. Không lẽ “xin lỗi anh vì chúng tôi đã không có cách nào kiểm tra tác giả cuốn sách trước khi kí với Zgroup kkk:)))”

Nhưng tác giả đã phản bác lại: “waka muốn sách lên thì phải có hợp đồng trong đó có bằng chứng chứng tỏ zgroup được trao quyền , ủy quyền từ em chị ạ. Mà cái này thì không có mà lại nói rất oách. Thách WAKA trưng ra hợp đồng hợp pháp đấy trong khi em có hợp đồng với zgroup trong tay và zgroup đã nhận sai chỉ là loanh quanh đòi nhẹ tội.”

Tài khoản Mai Nguyen bình luận: “Như vậy vi phạm là tại công ty Zgroup. Nếu 2 công ty có hợp đồng ký kết thì Waka cũng là nạn nhân. Nhưng Waka cũng cần xem xét lại việc thẩm định bản quyền trước khi ký hợp đồng.”

Nickname Đặng Hiến phản bác Mai Nguyen: “Lí luận này thực ra không vững đâu. Vd: Tôi kí hợp đồng vận chuyển hàng từ A đến B mà không biết bên trong là ma tuý liệu có phạm tội hay không?”

Nickname Linh Hoang trả lời Mai Nguyen: “Bạn nói waka là nạn nhân là không hiểu gì về pháp luật rồi. Ăn cắp và tiêu thụ đồ ăn cắp đều là hành vi phạm pháp. Thậm chí tội kinh doanh thương mại đồ ăn cắp còn là tình tiết nặng hơn cả tiêu thụ đơn thuần.”

Và khổ chủ lên tiếng phản hồi Mai Nguyen: “Waka làm gì có hợp đồng hợp pháp giữa tôi và Zgroup về nhượng quyền ebook mà dám nói to. Năm nay là 2021, hợp đồng tôi và zgroup về sách in đã kết thúc từ lâu rồi. chỉ một cái nhỏ thôi là đủ sai rồi chưa kể đến các mục quan trọng tôi chưa tiết lộ.”

Tiến sĩ Huy Nguyen (KOL có hơn 261.600 lượt theo dõi) cũng lên tiếng nghi hoặc: “Có thể là tình huống này:

zGroup có bản quyền xuất bản có thời hạn với ông Vương dưới dạng sách in (?). Sau đó zGroup bán quyền khai thác cho Waka và hai bên chia nhau % lợi nhuận. Waka có nền tảng phát hành và thu tiền còn zGroup chỉ cần cái bản mềm cuốn sách góp vào cũng thu tiền. Ông Vương muốn đọc sách của mình viết trên bản ebook thì vui lòng trả tiền cho 2 ông kia.

Vậy bây giờ phải truy cái ông zGroup chứ ko phải ông Cầm Phong ất ơ nào đó.

Qua câu chuyện này, cơ quan tác quyền cần vào cuộc với các sách phát hành ebook. Có thể câu chuyện của Vương không phải là duy nhất. Thậm chí là xảy ra nhiều.”

Ngày 18/11, tác giả Nguyễn Quốc Vương chia sẻ công khai rằng, sau khi “Hợp đồng sử dụng tác phẩm” “Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường” mà anh đã ký với zGroup hết hạn ràng buộc, mới đây, tháng 3/2021, tác phẩm này đã được chuyển nhượng bản quyền xuất bản cho Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam (từ nay viết tắt là NXB PNVN).

Ngày 20/11, tác giả Nguyễn Quốc Vương tỏ rõ thái độ bức xúc khi nhận được tin Waka gửi mail đề nghị NXB PNVN phải gỡ bài thông báo Waka vi phạm bản quyền đã được đăng trên fanpage NXB.

Đọc thêm bài viết có hơn 1 nghìn lượt tương tác này tại đây: https://bit.ly/3EoelOG

Ngày 29/11, tác giả Nguyễn Quốc Vương đã đăng tải “Thư ngỏ gửi các nhà xuất bản, công ty sách ở Việt Nam” lên trang facebook cá nhân. Nội dung cụ thể:

Kính gửi các nhà xuất bản, công ty sách ở Việt Nam đặc biệt là các nhà xuất bản, công ty sách đang là đối tác của Công ty cổ phần Waka (trang web: waka.vn)! 

Đầu thư xin cho tôi gửi lời chào trân trọng tới quý vị.

Tôi là Nguyễn Quốc Vương, một dịch giả-tác giả, diễn giả tự do hiện sống tại Hà Nội.

Trong 7 năm qua, nhờ sự hợp tác và giúp đỡ nhiệt tình, tận tâm, chuyên nghiệp và có trách nhiệm của quý vị, tôi đã xuất bản được 75 cuốn sách (do tôi dịch và viết) về giáo dục, văn hóa, lịch sử.

Tôi cũng đã tiến hành được hàng trăm cuộc nói chuyện, diễn thuyết về giáo dục và văn hóa đọc trên khắp lãnh thổ Việt Nam ở nhiều không gian khác nhau như  trường học, công ty, cơ quan nhà nước, vùng biên giới, nhà tù…Số người tham gia các buổi diễn thuyết, nói chuyện của tôi về văn hóa đọc và giáo dục có thể đã lên tới hàng vạn người.

Nhờ sự hợp tác, giúp đỡ của quý vị, thông qua những hoạt động nói trên, thông điệp về xây dựng một nền văn hóa đọc lớn mạnh tương xứng với tiềm năng của quốc gia đã được truyền tới đông đảo mọi người. Đất nước chúng ta ngày có một nhiều hơn những bạn đọc yêu sách và coi đọc sách là thói quen thường ngày.

Chính những người đã tham gia các hoạt động nói trên sẽ trở thành độc giả tiềm năng hoặc đang là độc giả của các nhà xuất bản, nhà sách, công ty sách.

Tuy nhiên, cũng trong quá trình hoạt động của mình, tôi đã gặp phải một chuyện rất phiền lòng đó là tác phẩm mình bị vi phạm bản quyền.

Năm 2016 tôi có viết một tác phẩm có tên “Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường”. Đây là cuốn tản văn ghi lại những trải nghiệm của tôi trong thời gian du học tại Nhật Bản. Sau khi tác phẩm hoàn thành, tôi có kí “Hợp đồng sử dụng tác phẩm” (số 16-27/BAO-VHVN) với Công ty cổ phần Zgroup-nhãn sách BÃO.

Theo hợp đồng này tôi cho phép bên B (Zgroup) “được độc quyền khai thác dưới hình thức sách in, sách điện tử phát hành trong và ngoài nước tác phẩm”. Tuy nhiên bên B (Zgroup) phải cam kết thực hiện một số nghĩa vụ như:

“Bên B không sang nhượng quyền khai thác tác phẩm, bản quyền tác phẩm cho bên thứ ba dưới bất kỳ hình thức nào nếu không có sự đồng ý của bên A”. (Điều 4 khoản 7)

Khoản 5 điều 5 của hợp đồng cũng ghi rõ tác giả-chủ sở hữu tác phẩm “Được nhận 20% lợi nhuận từ việc kinh doanh Ebook  đối với tác phẩm được quy định ở điều 1 (Sau khi triển khai kinh doanh Ebook cho tác phẩm này, Bên A sẽ nhận được thông báo bằng văn bản cụ thể cùng những số liệu về việc kinh doanh Ebook của đối tác) sau khi trừ hết các chi phí hợp tác giữa bên B và đối tác kinh doanh Ebook”.

Ở điều 6 khoản 2 của hợp đồng cũng ghi “Bên B khi có nhu cầu được phép sang nhượng quyền khai thác tác phẩm (ngắn và dài hạn) cho đối tác thứ ba (nhưng phải được sự đồng ý của Bên A). Đồng thời Bên B phải đảm bảo thực hiện các khoản đã quy định trong điều 4 và 5 của hợp đồng”.

Hợp đồng này có thời hạn là 3 năm (15/12/2016-15/12/2019). Sách giấy được Zgroup phát hành năm 2017 với số lượng in lần đầu 3000 bản, giấy phép của NXB Hà Nội.

Trong thời gian này, tôi không hề nhận được bất cứ một thông báo nào dù là một tin nhắn hay một email nào thông báo Zgroup đã triển khai Ebook. Tất nhiên, tôi cũng không hề nhận được một đồng tiền nhuận bút hay phân chia lợi nhuận nào như hợp đồng nói trên đã quy định.

Vì hợp đồng với Zgroup đã hết hạn nên đến tháng 3 năm 2021 tôi đã kí hợp đồng trao quyền xuất bản tác phẩm này dưới dạng sách giấy, ebook, audiobook cho NXB Phụ Nữ. Thời hạn của hợp đồng là 5 năm (Đến tháng 3 năm 2026).

Cho đến gần đây (16/11/2021), tôi phát hiện ra cuốn “Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường” của mình đang được bán công khai trên trang waka.vn (Công ty cổ phần Waka) với giá 22.000 đồng. Thông tin trên trang web cho biết cuốn sách được đưa lên trang web vào ngày 16/10/2018.

Tôi đã gửi email chất vấn Waka và sau đó là Zgroup. Zgroup đã nhận sai và cam kết khắc phục hậu quả. Tuy nhiên Waka trước sau vẫn khẳng định khi mua bản quyền khai thác ebook cuốn sách này đã dựa vào hợp đồng của Zgroup và phủ nhận mọi trách nhiệm của mình với tác giả.

Cho tới thời điểm này,  khi trả lời trên phương tiện truyền thông đại chúng, ông Đinh Quang Hoàng, CEO của Công ty cổ phần Waka vẫn lặp đi lặp lại luận điểm này thậm chí trong các bài trả lời phỏng vấn đó ông còn đưa ra nhiều thông tin làm tổn thương sâu sắc tới tác giả cũng như quyền lợi hợp pháp của tác giả như “căn cứ theo hợp đồng và các phụ lục đã ký thì thời hạn Waka được zGroup cung cấp quyền là đến 01/07/2023” (ông Đinh Quang Hoàng trả lời phỏng vấn báo Giáo dục Việt Nam, 23/11/20210. Link: https://giaoduc.net.vn/…/giam-doc-cong-ty-waka-noi-gi…).

Thông tin của Zgroup đưa ra trong thông cáo báo chí gửi cho tác giả và những lời giải thích của ông Đinh Quang Hoàng lộ ra rất nhiều mâu thuẫn. Tất nhiên chuyện họ mua bán rồi lừa nhau thế nào là chuyện của họ. Việc đổ lỗi cho nhau đó không thể miễn trừ trách nhiệm của họ khi đã xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tôi.

Trên trang nhà Waka tuyên bố mình  là “Nền tảng xuất bản điện tử số một Việt Nam, luôn đi đầu trong lĩnh vực Bản quyền nội dung số, cung cấp các ứng dụng đọc sách điện tử (ebook), nghe sách nói (audiobooks)” (tham khảo: https://waka.vn/).

Tuy nhiên, khi giải thích về chuyện tại sao sách vẫn Waka bán tới tận ngày 17/11/2021 trong khi hợp đồng của tác giả với Zgroup đã hết hạn từ 15/12/2019, ông Đinh Quang Hoàng, CEO của Waka lại cho rằng trách nhiệm hoàn toàn thuộc về Zgroup khi họ không cung cấp đầy đủ thông tin còn Waka không có trách nhiệm gì với tác giả ((Tham khảo: https://www.youtube.com/watch?v=zBDhAOiNLZA).  

Lời giải thích này hoàn toàn mâu thuẫn với “sự chuyên nghiệp” với “quy trình chặt chẽ” về bản quyền và bảo vệ bản quyền mà công ty cổ phần Waka và ông Đinh Quang Hoàng đã phát biểu trên báo và trang web của công ty trong suốt một thời gian dài trước đó (Nếu quý vị cần tôi sẽ chuyển cho quý vị một bản dài danh sách những bài báo này).

Căn cứ trên nhận thức của bản thân mình về luật pháp, đạo đức kinh doanh và đạo lý thông thường trong cuộc sống cũng như dựa trên những tư vấn của các luật sư bao gồm cả các luật sư đã phát biểu công khai trên các báo như  luật sư Lê Quang Minh (Văn phòng Luật sư Minervas, phát biểu trên báo Ngày nay ngày 19/11/2021), Luật sư Nguyễn Thế Truyền, công ty luật Thiên Thanh (trả lời phỏng vấn của truyền hình VOV, ngày 24/11/2021) tôi cho rằng không chỉ Công ty Zgroup mà cả Công ty cổ phần Waka phải chịu trách nhiệm về việc đã bán ebook “Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường” của tôi khi hợp đồng của tôi và Zgroup đã hết hạn từ lâu (15/12/2019) và không hề có sự cho phép của tôi.

Cũng xin nhắc lại rằng kể từ 16/10/2018 (thời điểm Ebook được đưa lên trang waka.vn) cho đến 16/11/2021, tôi chưa hề nhận được bất cứ một dòng thông báo nào bằng email, văn bản, điện thoại về chuyện sách “Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường” của tôi được bán dưới dạng ebook. Và đương nhiên, tôi cũng chưa hề nhận được một chút quyền lợi vật chất nào từ phía Công ty cổ phần Zgroup và Công ty cổ phần Waka.

Thái độ và cách hành xử của Công ty cổ phần Waka cũng như cá nhân ông Đinh Quang Hoàng sau khi sự việc bị phát giác cũng làm cho tôi tổn thương sâu sắc.

Tôi cho rằng thái độ và lối hành xử đó hoàn toàn không tương xứng với địa vị một công ty luôn nhận mình là “Nền tảng xuất bản điện tử số một Việt Nam, luôn đi đầu trong lĩnh vực Bản quyền nội dung số, cung cấp các ứng dụng đọc sách điện tử (ebook), nghe sách nói (audiobooks)” và của một người đứng đầu công ty kinh doanh chuyên nghiệp.

Cách hành xử và thái độ đó cũng hoàn toàn không phù hợp với đạo lý thông thường và đạo đức kinh doanh trong một xã hội văn minh.

Đặc biệt, nó hoàn toàn không phù hợp với hình ảnh người đứng đầu một công ty kinh doanh sách, có đối tác là các nhà văn, nhà báo, tác giả, dịch giả, các nhà xuất bản và khách hàng là những người có học, có nhu cầu thưởng thức vẻ đẹp của văn chương, chữ nghĩa để làm phong phú thế giới tinh thần của bản thân.

Từ sự việc trên, có thể thấy nếu như chúng ta thừa nhận Waka không làm gì sai, không cần xin lỗi tác giả, không phải chịu bất cứ trách nhiệm gì về chuyện vi phạm bản quyền nói trên thì sẽ dẫn đến tạo ra một tiền lệ nguy hiểm là các công ty, cá nhân hoàn toàn có thể mua bán tác phẩm và thu lợi trong thời gian dài mà không cần quan tâm đến chuyện ai là tác giả, ai là chủ sở hữu tác phẩm và người bán cho mình có phải là chủ thể được nhượng quyền khai thác tác phẩm một cách hợp pháp hay không.

Khi đó, xuất bản sẽ không thể nào phát triển được và văn hóa đọc sẽ gánh chịu tổn thất nặng nề.

Những nhà xuất bản, công ty sách làm ăn chân chính, tôn trọng bản quyền sẽ gặp rất nhiều bất lợi trong kinh doanh.

Kính thưa quý vị!

Trước sự việc trên, để thúc đẩy văn hóa đọc phát triển và làm cho ngành xuất bản ở Việt Nam phát triển lành mạnh, tôi đề nghị hai việc.

Một là, quý vị cho rà soát lại tất cả các hợp đồng đã kí với Công ty Cổ phần Waka và các tác phẩm đã trao quyền cho Waka khai thác dưới dạng audibook và ebook để tránh trường hợp bị “vi phạm bản quyền” như đã xảy ra như đối với tác phẩm “Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường” của tôi.

Hai là, quý vị lên tiếng nói ủng hộ việc làm rõ vụ việc Công ty cổ phần Waka và Công ty cổ phần Zgroup đã xâm phạm bản quyền “Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường” của tôi để từ đó sự việc được đưa ra công luận rộng rãi và các cơ quan bảo vệ pháp luật có thêm quyết tâm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của tôi trong tư cách tác giả-chủ sở hữu đã bị thiệt hại vật chất và tinh thần vì có tác phẩm bị vi phạm bản quyền.

Tôi vô cùng biết ơn và trân trọng nếu như đề nghị của tôi được tiếp thu. Kính thưa quý vị!

Chúng ta sẽ mất đi tính chính danh trong việc khuyến đọc và nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa đọc đối với sự phát triển lành mạnh, bền vững của quốc gia nếu như chúng ta làm ngơ hoặc dung dưỡng cho tình trạng vi phạm bản quyền như trong vụ việc tôi đã nêu ra ở trên.

Các nhà xuất bản, các công ty sách sẽ có được sự tôn trọng và tín nhiệm từ dịch giả, tác giả cũng như từ độc giả nếu như luôn có các động thái tích cực bảo vệ bản quyền.

Ngược lại tác giả, dịch giả, và độc giả cũng sẽ đặt ra những câu hỏi nghi ngờ nếu như các nhà xuất bản, công ty sách làm ngơ hoặc dung túng cho các hành vi “vi phạm bản quyền” của đối tác. Một khi tình cảm của độc giả mất đi, những thiệt hại là không thể đo đếm và điều đó cũng gây ra sự tổn hại lớn cho nền xuất bản và văn hóa đọc nói chung.

Cá nhân tôi, trong vai trò là một tác giả, dịch giả và diễn giả về khuyến đọc sẽ luôn ưu tiên giới thiệu những cuốn sách của những Nhà xuất bản, công ty sách biết trân trọng và bảo vệ bản quyền, dám nói không với những hành vi vi phạm bản quyền và đặc biệt là có thái độ bảo vệ lẽ phải, ủng hộ tôi trong hành trình đi tìm công lý trong vụ việc bị Công ty Waka và Zgroup xâm phạm bản quyền này.

Tôi cũng sẽ ưu tiên lựa chọn những nhà xuất bản, công ty sách yêu lẽ phải, sự công bằng và có thái độ chính trực trong vấn đề tôn trọng và bảo vệ bản quyền để hợp tác từ giờ về sau.

Xin chân thành cảm ơn tất cả quý vị.

Hà Nội, ngày 29/11/2021

Nguyễn Quốc Vương

P.s. Tôi xin gửi kèm dưới đây, tất cả những bài báo đã đăng tải về vụ việc để quý vị có thể đọc và hình dung ra toàn bộ sự việc. Tôi cũng sẽ đăng kèm ở đây một số văn bản, giấy tờ liên quan đến vụ việc để quý vị nghiên cứu, phân tích. Nếu quý vị cần thêm thông tin, xin vui lòng liên hệ với tôi qua email: nguyenquocvuong.diengia@gmail.com hoặc tài khoản facebook này.

Tôi cũng xin phép tag một số anh chị em làm trong lĩnh vực xuất bản, báo chí hoặc các tác giả, dịch giả, những người đã quan tâm, theo dõi vụ việc và lên tiếng ủng hộ tôi trong thời gian qua. Nếu anh/chị nào thấy phiền có thể bỏ tag mà không cần phải thông báo cho tôi biết. Xin trân trọng cảm ơn

DANH SÁCH CÁC BÀI BÁO, BÀI VIẾT  ĐƯA TIN, BÌNH LUẬN VỀ VIỆC CUỐN “NƯỚC NHẬT NHÌN TỪ NHỮNG THỨ BÌNH THƯỜNG” CỦA TÁC GIẢ NGUYỄN QUỐC VƯƠNG  BỊ CÔNG TY CỔ PHẦN ZGROUP VÀ CÔNG TY CỔ PHẦN WAKA VI PHẠM BẢN QUYỀN

                     (Danh sách này sẽ được cập nhật liên tục)

Đọc bức thư ngỏ với hàng trăm lượt chia sẻ tại đây: https://bit.ly/3ppiewz

Ngày 01/12, tác giả Nguyễn Quốc Vương đăng tải lên facebook cá nhân nội dung bản scan “Thông cáo chung” của zGroup và Waka mà cả hai bên đã gửi mail cho anh vào tối ngày 30/11. Bản thông cáo chung này tiếp tục khẳng định Waka không vi phạm tác quyền khi khai thác kinh doanh ebook tác phẩm và zGroup sẽ chịu mọi trách nhiệm từ việc chi trả “doanh thu phát sinh” trong quá trình Waka kinh doanh ebook theo thời gian trong hợp đồng giữa zGroup và tác giả vẫn còn hiệu lực (16/10/2018-15/12/2019). (2) zGroup cũng đền bù những thiệt hại hợp lý theo yêu cầu của tác giả cho đến những tổn thất của Waka trong vụ việc này (kể cả những chi phí Waka thực hiện thanh toán theo yêu cầu hợp lý của tác giả).

Thông cáo chung của zGroup và Waka gửi tác giả Nguyễn Quốc Vương (Ảnh 4).
Thông cáo chung của zGroup và Waka gửi tác giả Nguyễn Quốc Vương (Ảnh 5).
Thông cáo chung của zGroup và Waka gửi tác giả Nguyễn Quốc Vương (Ảnh 6).

Theo bản thông cáo chung này, zGroup vẫn tiếp tục “quên” cái sai từ đầu là đã không thông báo với tác giả về việc cuốn sách được khai thác ebook như trong “Hợp đồng sử dụng tác phẩm” đã thống nhất với tác giả. [xem lại (1) Ảnh 2]. Thời gian Waka khai thác ebook từ 16/10/2018-18/11/2021, “doanh thu phát sinh” (cách mà zGroup gọi số chi phí zGroup phải thanh toán cho tác giả 20% trong số đó nếu khai thác ebook theo đã thỏa thuận) là 376.190VND (ba trăm bảy mươi sáu nghìn, một trăm chín mươi đồng). zGroup có nhắc đến đề nghị gặp mặt 3 bên gồm tác giả, zGroup và Waka nhưng tác giả từ chối. Trong khi đó zGroup hay Waka không hề nhắc tới NXB PNVN dù đã biết NXB PNVN được nhượng quyền xuất bản tác phẩm từ tháng 3/2021 và Waka từng gửi mail đề nghị NXB PNVN gỡ thông báo Waka đang vi phạm bản quyền của NXB. zGroup chỉ đề cập, hết bao nhiêu tiền chúng tôi sẽ đền hết mà không một lời xin lỗi tác giả. Thử hỏi, nếu tác giả Nguyễn Quốc Vương không tình cờ phát hiện và theo đòi zGroup cũng như Waka phải có câu trả lời thỏa đáng cho việc sách của mình đang được rao bán ebook mà tác giả không hề hay biết thì việc kinh doanh vi phạm bản quyền thế này sẽ kéo dài bao lâu? Nếu Waka hết hợp đồng với zGroup thì zGroup sẽ tự ý làm việc với bao nhiêu đơn vị khác nữa? Waka “dẫn đầu về khai thác bản quyền nội dung số”, khi ký hợp đồng với zGroup mà không thắc mắc xuất xứ, bản quyền của sản phẩm mà mình sắp đem ra kinh doanh sao; không cần biết thêm về tác giả, không cần một bằng chứng đảm bảo nào chặt chẽ hơn một tờ phụ lục (nếu có) hay sao? Đây là cách làm việc và cách giải quyết “chân thành”, chuyên nghiệp của đơn vị làm văn hóa có tiếng ư?

Cùng ngày, tác giả đăng thông báo trên trang facebook cá nhân về dự kiến cuộc gặp trực tiếp với zGroup và Waka. Đó sẽ là cuộc họp 4 bên dự kiến diễn ra vào ngày 02/12, gồm có 4 bên: tác giả, NXB Phụ nữ, zGroup và Waka. Tuy nhiên, phía zGroup lại nói không thể tham dự được trực tiếp và chỉ tham gia gián tiếp qua googlemeet với lý do “đang giãn cách”. Tác giả vẫn kiên định nếu zGroup và Waka không thể tới cuộc họp gặp mặt 4 bên và vẫn muốn họp online dù vì lý do gì thì tác giả sẽ hủy cuộc họp này.

Trong thông cáo chung, zGroup đề cập có đề nghị gặp mặt 3 bên với tác giả nhưng nay lại từ chối cuộc gặp 4 bên với lý do “đang giãn cách” liệu có thỏa đáng? Nhờ việc tiêm vaccine tăng khả năng miễn dịch cộng đồng, thực tế là giãn cách xã hội trong thành phố đã không còn căng thẳng như hồi tháng 8 nữa. Các công ty vẫn đi làm, người người vẫn gặp nhau hằng ngày chỉ cần giữ khoảng cách tối thiểu cần thiết, triệt để 5K nói chung. Một sự vụ quan trọng như vậy và để tỏ rõ thiện chí với đối phương thì gặp mặt trực tiếp là cách tốt nhất. Tác giả chỉ yêu cầu đại diện công ty thôi mà zGroup cũng từ chối, sự tôn trọng và tự trọng ở đâu?

Cuộc gặp mặt 4 bên như dự kiến vào ngày 02/12 tính đến nay (05/12) vẫn  chưa diễn ra. Tác giả vẫn chờ đợi cuộc gặp trực tiếp.

Ngày 03/12, tác giả Nguyễn Quốc Vương công bố thêm các điều khoản liên quan đến nghĩa vụ của zGroup khi khai thác ebook “Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường” trong “Hợp đồng sử dụng tác phẩm” mà tác giả đã ký với zGroup năm 2016.

Các điều khoản liên quan đến nghĩa vụ của Zgroup khi khai thác ebook “Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường” đã ký với tác giả năm 2016. (Ảnh 7).

Đây là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy zGroup sai ngay từ đầu trong việc để Waka phát hành ebook vi phạm bản quyền. Câu chuyện là một chuỗi sai liên hoàn: Ngay từ đầu, zGroup đã “quên”, không thông báo với tác giả như đã thống nhất trong hợp đồng với tác giả khi để Waka khai thác ebook. Waka lẽ nào “ngây thơ” đến mức đầu tư kinh doanh sản phẩm mà không biết nguồn gốc, thời hạn bản quyền sản phẩm đó ra sao và không cần biết mặt mũi tác giả trông như thế nào? Phản hồi đưa ra dù là từ zGroup hay Waka, đều không nhận những điểm sai này, chỉ đề cập nếu tác giả yêu cầu đền bù thiệt hại hợp lý thì sẽ thanh toán. Ô hay, cứ trả tiền là xong, làm sai không cần xin lỗi sao?

Như vậy, zGroup không chỉ vi phạm các thỏa thuận trong hợp đồng mà còn vi phạm pháp luật về việc kinh doanh sản phẩm không thuộc quyền sở hữu của mình (ký hợp đồng xuất bản ebook với Waka trong thời gian nằm ngoài hạn bản quyền).

2. TỪ PHÍA BÃO – ZGROUP (từ nay gọi tắt là zGroup)

Ngày 17/11: zGroup viết mail phản hồi tác giả rằng Ban giám đốc của họ sẽ trực tiếp phản hồi tác giả trong ngày.

Ngày 18/11: zGroup ra thông cáo báo chí về vụ việc. Trong đó, zGroup đề cập trong thời hạn hợp đồng giữa zGroup với tác giả Nguyễn Quốc Vương còn hiệu lực (15/12/2016-15/12/2019), zGroup được quyền kinh doanh sách giấy và ebook. Và hợp đồng mà zGroup ký với Waka để Waka kinh doanh ebook tác phẩm này trong thời gian 2 năm (30/7/2018-30/7/2020). zGroup xin lỗi tác giả vì đã “thiếu sót trong công tác quản lý” vì “đã không theo dõi và thực hiện việc bảo vệ quyền tác giả” khi Waka khai thác ebook trong thời gian bản quyền giữa zGroup và tác giả đã kết thúc. Và vì đã “không yêu cầu kết quả kinh doanh từ Waka để tổng kết và quyết toán khi kết thúc hợp đồng tác quyền”. zGroup giải thích lý do vì thay đổi nhân sự và định hướng xuất bản nên mới để xảy ra những thiếu sót nêu trên.

Thông cáo báo chí của zGroup (Ảnh 8).
Thông cáo báo chí của zGroup (Ảnh 9).

Theo như trong “Hợp đồng sử dụng tác phẩm” “Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường” đã ký giữa tác giả và zGroup thì: “Những hình thức khai thác khác như: chuyển thể truyện tranh, chuyển thể kịch bản sân khấu, kịch bản điện ảnh và truyền hình, ghi âm và ghi hình thành đĩa, băng từ, dịch thuật ra tiếng nước ngoài,… không nằm trong nội dung của hợp đồng này. Nếu Bên B có kế hoạch khai thác hoặc có đối tác muốn cùng khai thác các tác phẩm này dưới các hình thức khác không phải là sách in thì sẽ được quy định tại một hợp đồng riêng giữa Bên B và Bên A để quy định rõ hơn về điều khoản này.” (xem lại Ảnh 2) Nhưng tác giả không hề nhận được thông báo nào từ zGroup về việc Waka và zGroup ký kết cho hoạt động khai thác kinh doanh ebook tác phẩm. zGroup chỉ xin lỗi vì các “thiếu sót” đã nêu (xem lại Ảnh 8-9) nhưng lại ỉm đi việc zGroup vi phạm ngay từ đầu là không thông báo với tác giả như đã thỏa thuận và thống nhất trong hợp đồng. Một thông cáo báo chí hời hợt, đánh trống lảng những sai lầm gốc gác và lời xin lỗi “làm cho có” như vậy, thật đáng xấu hổ cho một đơn vị làm văn hóa!

3. VỀ PHÍA WAKA

Ngày 17/11, Waka gửi mail phản hồi tác giả, đề cập việc Waka khai thác kinh doanh ebook tác phẩm này dựa trên cơ sở đã ký hợp đồng thỏa thuận với zGroup và tính đến nay, hợp đồng vẫn còn hiệu lực. Cùng ngày, Waka đã dừng bán ebook “Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường” của tác giả Nguyễn Quốc Vương và chuyển sang trạng thái “chờ duyệt bản quyền”.

Ngày 18/11, Waka lên tiếng cụ thể trên trang fanpage facebook. Phía Waka công khai rằng ngay sau khi nhận được phản ánh của tác giả Nguyễn Quốc Vương, “bộ phận bản quyền Waka đã liên hệ với đối tác zGroup để yêu cầu cung cấp thêm thông tin sự việc. 10h55 ngày 17/11/2021, zGroup tái khẳng định có quyền khai thác ấn phẩm theo hợp đồng ký với tác giả. Theo hợp đồng giữa Waka – zGroup, Waka sẽ chờ đợi trong quá trình zGroup trao đổi với tác giả.” 

Đồng thời, Waka gửi mail tới tác giả Nguyễn Quốc Vương về “đề xuất zGroup tổ chức một buổi làm việc 3 bên để nhanh chóng giải quyết sự việc.” 

Ngày 30/11, Waka đăng Thông cáo chung về phát hành ebook cuốn sách “Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường” của tác giả Nguyễn Quốc Vương lên trang web waka.vn.

Từ đó tới nay, Waka chưa có thêm động thái nào.

4. THÔNG TIN, PHẢN ỨNG TỪ CÁC KÊNH KHÁC

Trong ngày 17/11, ngoài những bình luận dưới bài viết của tác giả Nguyễn Quốc Vương, đã có một số người lên tiếng trên trang facebook cá nhân về việc zGroup và Waka cần có thông cáo chính thức, động thái đền bù thiệt hại vì những sai sót đã xảy ra và tẩy chay Waka.

  • Nhà văn Hà Thủy Nguyên đã lên tiếng về vụ việc qua bài viết “Thị trường sách Việt Nam (9): Đàm phán xuất bản sách, cần thận trọng với tác quyền” trên website cá nhân. Nội dung bài viết phản ánh sự việc tác giả Nguyễn Quốc Vương bị xâm phạm bản quyền, đề cập các vấn đề mà tác giả nói chung cần lưu ý qua các khâu trong quá trình ký hợp đồng xuất bản với các đơn vị phát hành và sau đó là tình trạng “hỗn loạn vi phạm tác quyền” ở Việt Nam.

Đọc bài viết đầy đủ tại đây: https://bit.ly/3lyqiKl

Tiếp theo, một số tác giả cũng chia sẻ thêm “trải nghiệm nhớ đời” tương tự có liên quan tới Waka trong phần bình luận:

  • Tác giả Nguyễn Bích Lan: “Khi chị phát hiện ra cuốn Không Gục Ngã của chị được bán dưới dạng ebook trên Waka chị đã liên hệ ngay với First News, đơn vị đang được quyền khai thác bản quyền cuốn này và First News đã làm việc với Waka yêu cầu gỡ ngay ebook đó. Chị cũng đã từng phát hiện ra Tiki bán ebook Không Gục Ngã mà không hề xin phép chị. Tất nhiên chị yêu cầu gỡ ngay.”
  • Tác giả Hồ Huy Sơn: “Em từng có 2 lần vướng phải lùm xùm với FN và Waka trong câu chuyện ebook.

Lần 1 là vào năm 2017, em thấy sách mình có bán ebook trên Waka, là cuốn em kí với FN, nhưng hồi đó chỉ kí sách giấy. Lúc thấy trên Waka, em lập tức liên hệ với bên đó, nói rõ rằng em là tác giả và không ủy quyền khai thác ebook cho đơn vị nào cả. Sau ít ngày thì phía Waka gỡ sách (bản ebook) của em xuống.

Lần 2 là đầu năm nay, là sách của em và 4 tác giả khác. Trước đó, vì hợp đồng sắp hết hạn nên em có gửi thư cho FN trao đổi về việc thanh lý hợp đồng; đồng thời, hỏi xem phía FN có định kí hợp đồng khai thác ebook hay audio book không. Nhưng phía FN trả lời là không. Sau đó thì em lại thấy sách của em và 4 tác giả khác được rao bán ebook trên Waka. Em liên hệ với FN và FN trả lời là sơ suất của FN khi đã cung cấp các sách ebook có bản quyền cho Waka mà không rà soát, để “lọt” cả sách chưa thương lượng tác quyền với tác giả.

Em không nghĩ là Waka tự ý trong việc này đâu. Có điều, họ có một bất cẩn là khi hợp tác lại không soi xét kỹ lưỡng hợp đồng giữa 3 bên, gồm Waka – đơn vị xuất bản và tác giả.

Nội tình cụ thể như thế nào em cũng không rõ. Nhưng trong câu chuyện của em thì phần lỗi ở FN, và bên đó họ cũng đã nhận là sơ suất rồi anh ạ! Tất nhiên, Waka sai thì vẫn phải xử lý thôi!”

“Tiểu sử vi phạm bản quyền” của Waka lại một phen được cộng đồng mạng nhắc lại qua các trường hợp tương tự khác như nhà văn Vũ Ngọc Tiến, Nguyễn Văn Thọ, Võ Thu Hương… từ năm 2016.

Và nói đến zGroup (cũng chính là Cẩm Phong), trên các diễn đàn bàn về trường hợp của tác giả Nguyễn Quốc Vương với cuốn “Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường”, những bình luận khác nhắc lại rằng zGroup đã từng có “tiểu sử” vi phạm bản quyền (đạo thiết kế, đạo bản dịch trên mạng rồi ra sách, mua bản quyền sách tiếng Trung có yếu tố xâm phạm chủ quyền Việt Nam với chi tiết có đường lưỡi bò dù sau đó đã cắt bỏ chi tiết này…)

  • Phía NXB Phụ nữ Việt Nam:

Ngày 18/11, NXB PNVN đăng thông báo vi phạm bản quyền trên trang fanpage NXB. Nội dung đề cập: “Tác giả Nguyễn Quốc Vương đã kí Hợp đồng chuyển nhượng bản quyền xuất bản cuốn sách “Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường” với NXB Phụ nữ Việt Nam vào tháng 3/2021. Hiện nay cuốn sách đang trong quá trình sản xuất và sẽ phát hành trong thời gian tới. Tuy nhiên, công ty Waka (Waka.vn) và Zgroup đã xuất bản lậu và bán cuốn sách này của chúng tôi dưới dạng ebook mà không sở hữu bản quyền cuốn sách.

Như vậy đây là một vụ xâm hại tác quyền nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tác giả và NXB Phụ nữ Việt Nam. NXB Phụ nữ Việt Nam sẽ kiên quyết với vấn đề vi phạm các xuất bản phẩm của NXB, đồng thời sẽ can thiệp pháp luật trong trường hợp bên sao chép không tỏ ý hợp tác.”

Từ đây, NXB PNVN công khai đồng hành với tác giả trong việc đối diện, chất vấn zGroup và Waka với tư cách là bên đang sở hữu bản quyền tác phẩm “Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường”, sẵn sàng cho một cuộc gặp trực tiếp 4 bên (tác giả, NXB, zGroup, Waka).

Ngày 19/11, biên tập viên Vũ Phương (người phụ trách khai thác cuốn “Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường” của NXB PNVN từ tháng 3/2021) chia sẻ lên trang cá nhân về việc cô “nhận được thư của bộ phận truyền thông foward email từ Waka tới Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, yêu cầu gỡ bài viết thông báo vi phạm bản quyền của Waka với tác phẩm “Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường” được đăng trên Fanpage NXB PNVN”, “để không làm ảnh hưởng đến UY TÍN của họ.”

  • Báo Ngày nay ra ngày 19/11 với bài viết “Mua một lần bán nhiều lần: Đơn vị phát hành ‘nấu cháo’ trên lưng tác giả?”

Với hướng khai thác thông tin từ nhiều bên, báo Ngày nay dẫn lời luật sư Lê Quang Minh (Văn phòng Luật sư Minervas) nhận định: “căn cứ vào hợp đồng giữa tác giả và phía zGroup, ông Nguyễn Quốc Vương không bán (chuyển nhượng quyền sở hữu) mà chỉ chuyển quyền sử dụng thông qua hợp đồng sử dụng quyền tác giả cho zGroup, việc zGroup không tuân thủ các điều khoản của hợp đồng là vi phạm hợp đồng, vi phạm pháp luật trong đó có Luật Sở hữu trí tuệ.

Cụ thể, zGroup đã vi phạm các quy định sau tại điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ:

  1. Phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả.
  2. Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.
  3. Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
  4. Xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

Còn đối với Waka, đơn vị này đã xâm phạm quyền tác giả của ông Nguyễn Quốc Vương theo các quy định tại điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ, có thể bao gồm:

  1. Phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả.
  2. Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.
  3. Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
  4. Phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

“Waka không thể viện hợp đồng đã ký với zGroup. Việc Waka xâm phạm quyền lợi của tác giả Nguyễn Quốc Vương có thể bị xử phạt. Còn hợp đồng Waka ký với Z-Group do hai bên liên quan giải quyết, không liên quan tới tác giả”, luật sư Lê Quang Minh chỉ ra.” – nguồn từ bài viết trên báo Ngày nay.

Xem bài viết đầy đủ tại đây: https://bit.ly/3Iix2Wt

  • Báo Phụ nữ TP. HCM (online) ngày 20/11, với bài viết “Ứng dụng sách nói Waka vi phạm bản quyền?” cập nhật tình hình vụ việc: “Trường hợp của tác giả Nguyễn Quốc Vương, theo chia sẻ của anh thì trong hợp đồng ký kết với Zgroup có đề cập đến sách điện tử, nhưng điều kiện đi kèm là: phải có thông báo, thỏa thuận, chia lợi nhuận bằng văn bản. Nhưng suốt thời gian qua, anh không nhận được bất kỳ thông báo nào về việc bán bản quyền sách ebook của Zgroup.”

Đồng thời, báo Phụ nữ TP. HCM cũng nêu quan điểm: “Như vậy, hành vi của Zgroup rõ ràng không đúng nội dung hợp đồng đã ký kết với tác giả. Trường hợp Waka là bên thứ ba, điều cần thiết ngay trước mắt là đơn vị phải gỡ bản ebook khỏi ứng dụng sách nói Waka.vn. Đồng thời cần có ứng xử đúng với quyền tác giả sau thời gian đã kinh doanh ebook Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường. Việc trao đổi giữa các bên liên quan, thỏa thuận để đem đến kết quả tốt đẹp hoặc kiện ra tòa, còn phải chờ đến động thái của phía đã có hành vi sai phạm đối với bản quyền tác giả.”

Đọc bài viết đầy đủ tại đây: https://bit.ly/3Ds0llE

  • Báo Giáo dục 24h có phản ánh về vụ việc vào ngày 23/11 với bài viết “Giám đốc công ty Waka nói gì về bản quyền sách của tác giả Nguyễn Quốc Vương?”
Ảnh: Trạng thái trước và sau khi tác giả Nguyễn Quốc Vương chất vấn Công ty cổ phần Waka – báo Giáo dục 24h

Trong bài phỏng vấn, ông Đinh Quang Hoàng, Giám đốc Công ty Cổ phần Waka cho biết: bên Waka không hề biết 15/12/2019 là thời điểm hết hạn bản quyền mà zGroup ký với tác giả và cũng không biết chuyện tác giả yêu cầu zGroup phải thông báo, báo cáo doanh thu và chia lợi nhuận nếu phát hành ebook; khi Waka mua bản quyền cuốn sách từ zGroup để khai thác ebook, zGroup cung cấp phụ lục cho Waka kèm theo file scan hợp đồng uỷ quyền hợp đồng với tác giả (trang 1 của hợp đồng). zGroup cũng đảm bảo việc thông báo cho tác giả về kế hoạch làm ebook và gia hạn bản quyền (nếu có) nên Waka đã triển khai kinh doanh ebook. “Theo phụ lục ban đầu, tựa sách “Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường” được zGroup cung cấp và Waka thực hiện số hoá, đưa lên hệ thống khai thác ngày 16/10/2018, thời hạn ban đầu là 02 (hai) năm và được gia hạn thêm 01 (một) năm nếu zGroup không có bất cứ thông báo nào khác trong vòng 3 tháng trước khi thời hạn kết thúc.

Đến ngày 01/07/2019, Waka và zGroup ký kết phụ lục gia hạn thời hạn hợp tác đến hết ngày 01/07/2023, cho nên căn cứ theo hợp đồng và các phụ lục đã ký thì thời hạn Waka được zGroup cung cấp quyền là đến 01/07/2023.”

Xem bài viết đầy đủ tại đây: https://bit.ly/3lAuaug

  • Báo Ngày nay ngày 23/11 cập nhật vụ việc với bài viết “Vụ Waka bị tố xâm phạm bản quyền: Nguy cơ ảnh hưởng đến giới xuất bản Việt Nam”. Bài viết phản ánh về việc Waka gửi mail đề nghị NXB PNVN gỡ thông báo Waka vi phạm bản quyền trên fanpage NXB. Trong bài viết này đề cập chuyện “những tựa sách bán chạy của NXB Phụ Nữ từng được rất nhiều nơi chuyển thành ebook dù chưa được sự cho phép. Tuy nhiên, khi NXB phát hiện, gửi thông tin báo cáo vi phạm thì các đơn vị đều tỏ ra đồng thuận, xin lỗi và gỡ sách.” Và lo ngại của biên tập viên Vũ Phương, người chịu trách nhiệm ký kết và sản xuất cuốn sách “Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường” tại NXB PNVN: “nếu thị trường sách Việt liên tiếp có những sự vụ xâm hại nghiêm trọng quyền tác giả, việc mua bán bản quyền với đối tác nước ngoài sẽ trở nên rất khó khăn. Vì họ nhận định thị trường Việt Nam không đảm bảo được quyền lợi cho tác phẩm, tác giả của họ.”

Đọc bài viết đầy đủ tại đây: https://bit.ly/3G9OjiA

  • Báo Văn hóa (báo giấy) ra ngày 24/11 cũng phản ánh vụ việc qua bài viết “Xuất bản sách “quên” luôn tác giả”

Bài viết đề cập thông cáo mà zGroup đưa ra có nhắc đến “zGroup cung cấp quyền kinh doanh ebook cho Waka với tác phẩm Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường vào 30/7/2018. Thời hạn trao quyền ebook theo như hợp đồng là 2 năm, tức 30/7/2020.” Nhưng chính zGroup đã “quên” rằng “Hợp đồng sử  dụng tác phẩm” mà zGroup ký với tác giả chỉ có hiệu lực trong thời gian 3 năm (15/12/2016–15/12/2019) và zGroup đã không hề thông báo cho tác giả khi triển khai khai thác ebook như đã thống nhất trong hợp đồng.

  • Báo Mới đăng lại bài viết “Xuất bản sách “quên” luôn tác giả” tại đây: https://bit.ly/2ZTht6a
  • Kênh Truyền hình VOVĐài Tiếng nói Việt Nam ngày 24/11 phát phóng sự: Vi phạm bản quyền tác phẩm “Nước Nhật nhìn từ những điều bình thường” – Nhập nhèm “mua một bán hai” . Phóng sự phỏng vấn tác giả, Giám đốc Công ty Cổ phần Waka và luật sư Nguyễn Thế Truyền (Công ty luật Thiên Thanh), tường thuật lại vụ việc và phản ánh sự nhập nhèm thời gian trong hợp đồng của zGroup với Waka. Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, phía Waka cần xem xét lại cách hành xử, vì không thể nào mua bản quyền chỉ dựa trên 1 tờ tiêu đề hay 1 tờ hợp đồng vì nó không đủ bảo đảm. Và việc nhầm lẫn không đồng nghĩa với việc được miễn trừ trách nhiệm đối với bên chủ sở hữu. “Rõ ràng chủ thể tham gia ký hợp đồng này có dấu hiệu gian dối, vì họ chỉ có quyền đến năm 2019, còn từ năm 2020-2023, họ không có quyền. Và họ đã gian dối ngay từ lúc tham gia ký hợp đồng này,” luật sư Nguyễn Thế Truyền cho biết.

Xem lại đầy đủ bài phóng sự tại đây:  https://bit.ly/31zCQtC

  • Báo Tuổi trẻ Online ngày 25/11 có bài viết “Waka và zGroup bị tố vi phạm bản quyền sách” lên tiếng tường thuật vụ việc, phản ánh sự mâu thuẫn trong phát ngôn chính thức của zGroup và Waka về thời hạn bản quyền trong hợp đồng mà hai bên đã ký kết. Cụ thể:

Về phía zGroup thì công bố: Thứ nhất, hợp đồng cấp quyền kinh doanh của zGroup cho Waka với cuốn “Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường” có thời hạn 2 năm (7/2018 – 7/2020). Thứ hai, zGroup chưa nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào của Waka cho tác phẩm này. Và thứ ba, zGroup cho biết vì họ thiếu nhân sự cho mảng văn học Việt Nam nên mới để xảy ra cơ sự.

Về phía Waka cũng lên tiếng “chỉnh” lại phát ngôn của zGroup. Theo hợp đồng, thời hạn khai thác 3 năm thay vì 2 năm như zGroup thông tin. Điều này đồng nghĩa, hợp đồng cuốn “Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường” giữa hai đơn vị này đến ngày 16/10/2021 mới hết hạn. Waka cũng cho biết họ đang đề xuất một cuộc họp 3 bên để thống nhất quan điểm.

Đọc bài viết đầy đủ tại đây: https://bit.ly/3GdAH67

  • Báo Khoa học và Phát triển ngày 28/11 có bài viết “Bảo vệ bản quyền ebook: bài toán khó” . Bài viết phản ánh vụ việc cuốn “Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường” của tác giả Nguyễn Quốc Vương bị Waka xâm phạm bản quyền và nhắc đến những biện pháp mạnh để xây dựng thị trường ebook văn minh hơn như:

“Chúng ta có nghị định riêng về xử lý hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan, thứ hai là chế tài dân sự, bao gồm bồi thường thiệt hại vật chất và tinh thần, thứ ba là chế tài hình sự, có thể phạt tù nếu vi phạm ở quy mô thương mại”, luật sư Lê Quang Vinh ở Công ty Sở hữu trí tuệ Bross và cộng sự chia sẻ trong một hội thảo về sở hữu trí tuệ và tác phẩm nghệ thuật năm 2019. Tuy nhiên, các biện pháp này chưa phát huy hiệu quả. “Chế tài hành chính áp đặt rất nhẹ, còn về dân sự, bồi thường thiệt hại tinh thần tối đa 50 triệu VNĐ, thiệt hại vật chất không có giới hạn trần, tuy nhiên trong trường hợp không chứng minh được mức độ thiệt hại, chúng ta lại áp dụng giới hạn trần là không quá 500 triệu VNĐ. Thực tế đến nay, chưa có vụ nào bồi thường lên đến 1 tỷ đồng, nên số tiền phạt cũng không đáng kể. Về hình sự, cho đến nay hầu như chưa có vụ nào xử lý hình sự tại Việt Nam”, anh cho biết.

Đọc đầy đủ bài viết tại đây: https://bit.ly/3lCrLiH

  • Kênh Truyền hình Quốc hội, Chuyên mục Tọa đàm – Diễn đàn trực tiếp ngày 30/11 có bàn về tình trạng Sách lậu, sách giả và nguyên nhân cũng như cách giải quyết vấn nạn này với chương trình “Cần làm gì để lành mạnh thị trường sách”.

Xem đầy đủ chương trình tại đây: https://bit.ly/3rzIBTl 

  • Báo Phụ nữ TP. HCM ngày 30/11 phản ánh sự việc qua bài viết: “Waka vi phạm bản quyền ebook”: Sai nhưng không sửa?

Bài viết có đề cập ý kiến của Nhà sách hóa nông thôn Nguyễn Quang Thạch: “Sách của tác giả Nguyễn Quốc Vương rõ ràng là bị Waka sử dụng cho mục đích kinh doanh trong mấy năm qua. Theo tôi, cách giải quyết vấn đề hợp tình hợp lý nhất của Waka lúc này là cần thiện chí xin lỗi tác giả Nguyễn Quốc Vương và truy nhuận bút quyền tác giả. Anh Vương cũng là một diễn giả, anh đi nói chuyện, diễn thuyết về các vấn đề giáo dục, văn hóa đọc mà hoàn toàn không đòi hỏi chi phí. Nhưng với vụ việc này, tôi ủng hộ anh Vương cũng như các tác giả có tác phẩm bị vi phạm bản quyền lên tiếng.

Tri thức cần phải được tôn trọng và chúng ta càng cần phải lên tiếng để xây dựng một xã hội văn minh. Thúc đẩy phổ biến tri thức, kinh doanh tri thức trước hết cần trân trọng nỗ lực người khác, đừng như cách Waka ứng xử với tác giả Nguyễn Quốc Vương. Tôi cực lực phản đối mọi hình thức ăn cắp ý tưởng, sản phẩm nghiên cứu để trục danh, trục lợi dưới bất cứ hình thức nào”

Đọc đầy đủ bài viết tại đây: https://bit.ly/3pr5CFk

Báo Công an nhân dân ngày 02/12 cũng lên tiếng về vụ việc với bài viết “Cần ngăn chặn vi phạm bản quyền sách số” thể hiện thái độ ủng hộ tác giả Nguyễn Quốc Vương và những tác giả khác cùng cảnh ngộ có thêm cơ sở để bảo vệ tác quyền. Bài viết kết luận: “Dù khó nhưng rõ ràng, việc vi phạm bản quyền, dù là sách giấy hay sách số, sách nói đều cần phải xử phạt nghiêm minh. Luật đã có, vấn đề là thực thi luật như thế nào. […] Một xã hội phát triển là một xã hội biết tôn trọng bản quyền, trân quý tri thức. Chỉ khi chúng ta tường minh những giá trị đó, chúng ta mới có thể đi xa trên con đường phát triển văn hóa và xây dựng một cộng đồng văn minh.”

Đọc bài viết đầy đủ tại đây: https://bit.ly/3IiWtXX

  • Báo Văn nghệ Công an ngày 02/12 đăng bài viết “Cần ngăn chặn vi phạm bản quyền sách số”. Bài viết tường thuật vụ việc tác giả Nguyễn Quốc Vương bị xâm hại tác quyền và bày tỏ quan ngại về vấn đề bản quyền trên thị trường sách số. Rất nhiều đầu sách/tác phẩm hot bị khai thác lậu (không có bản quyền) tràn lan dưới mọi hình thức nhưng nhất là ebook trong thời đại số này mà tác giả/bên sở hữu bản quyền không hề hay biết. Xây dựng văn hóa đọc nhưng cũng cần xây dựng văn hóa bản quyền văn minh hơn.

Đọc bài viết đầy đủ tại đây: https://bit.ly/3rFT53s

  • Zingnews, Tạp chí điện tử trực thuộc Hội xuất bản Việt Nam, ngày 02/12 có đăng bài viết “Waka và zGroup nói gì khi bị tố vi phạm bản quyền sách?” Bài viết chỉ đơn thuần tường thuật ý kiến đơn giản của các bên.

Đọc đầy đủ bài viết tại đây: https://bit.ly/3lAsYXW

  • Trên diễn đàn noron.vn cũng có bài đăng thảo luận về vụ việc này và nhận được những lượt chia sẻ, bình luận ủng hộ tác giả Nguyễn Quốc Vương.

Cho đến hiện tại, tác giả Nguyễn Quốc Vương vẫn chờ đợi một cuộc gặp trực tiếp 4 bên (bao gồm tác giả, NXB PNVN, zGroup và Waka). Chúng tôi sẽ cập nhật sự  việc khi có diễn biến mới.

Người qua đường tổng hợp.

Tường thuật scandal đạo văn và lừa đảo cộng đồng của dự án tiểu thuyết “Thành Kỳ Ý”

Trong hơn một tháng nay, cộng đồng yêu thích văn chương và lịch sử tại Việt Nam đang dậy sóng bởi những luồng ý kiến trái chiều xung quanh nghi án đạo văn của tiểu thuyết lãng mạn có yếu tố lịch sử Thành Kỳ Ý. Thành Kỳ Ý là tác phẩm gây quỹ cộng đồng (crowdfunding) từ Comicola với số tiền lên đến 212.330.200 đồng.  Nhưng sau khi sách được xuất bản bởi NXB Văn học kết hợp với Nhà sách Đông A, nhiều

Book Hunter

21/02/2016

Đắt rẻ giá sách và quan niệm kinh tế bao cấp

Năm 2020, dịch bệnh COVID-19 ập đến khiến các đơn vị xuất bản sách lao đao, nhưng ngay lập tức, thị trường sách Việt Nam đã chuyển mình thích nghi với dịch bệnh. Chính trong thời điểm cách ly, nhu cầu đọc sách tăng (cả về số lượng và đòi hỏi chất lượng), và nhờ thế các đơn vị làm sách cũng xuất bản nhiều cuốn sách thuộc dòng “khó đọc” hơn. Trong hai năm 2020 và 2021, kéo dài đến hết quý I -2022,

Trớ trêu Sách dịch #1: Sách Triết Học

Trong thời đại của công nghệ thông tin với nhịp sống vội vã, những tưởng triết học sẽ chìm vào góc khuất, nhưng không, tại Việt Nam, sách Triết Học có địa vị gần như là tối cao so với các dòng sách học thuật khác. Khi sử dụng từ “tối cao”, ý tôi muốn nói rằng mang tính quyết định. Bởi vì triết học cung cấp nền tảng công cụ tư duy và xây dựng nhãn quan cho bất cứ ai mong muốn dấn

Thị trường sách Việt Nam (6): Cộng đồng đọc sách và quyền lực của độc giả

Trong suốt dòng lịch sử của sách, các độc giả luôn đóng vai trò như "người tiêu dùng" cho các sản phẩm và tác phẩm của các tác giả, dịch giả. Họ bị định hướng bởi các nhà phê bình, nhà báo - những người chỉ cho các độc giả biết cuốn sách nào là hay, cuốn sách nào là dở. Do đó, các độc giả chỉ là thần dân trong vương quốc tri thức mà họ chỉ có nghĩa vụ tuân thủ các chỉ

Sự lố bịch trong truyền thông của “Thành Kỳ Ý”

BookHunter:  Trong thời gian vừa qua chúng tôi vừa giới thiệu về một vụ đạo văn và lừa đảo cộng đồng trầm trọng liên quan  tới tiểu thuyết "Thành Kỳ Ý", các độc giả quan tâm có thể đọc thêm ở đây.   Cộng đồng mạng xôn xao về chất lượng của cuốn tiểu thuyết “Thành Kỳ Ý”, về tính thực hư trong việc tác giả của cuốn tiểu thuyết này có đạo văn hay không. Tôi nghĩ một cuốn tiểu thuyết hay và thực
le-nam

Lê Nam

25/02/2016