Home Nhớ Nhà Lê – Khuôn mẫu Việt cho một quốc gia toàn trị, con đường dẫn đến tranh giành quyền lực (2)

Nhà Lê – Khuôn mẫu Việt cho một quốc gia toàn trị, con đường dẫn đến tranh giành quyền lực (2)

(Một tiểu luận phê phán nhà Lê)
Mời các bạn đọc bài trước tại đây: Bối cảnh lịch sử và cuộc tranh giành của các công thần
Cuộc chiến của các hoàng tử
Cuộc chiến của Lê Nguyên Long và Lê Tư Tề kết thúc cùng với sự uất ức của Tư Tề có thể coi là mở ra một giai đoạn tạm thời thịnh trị của nhà Lê. Không giống như Lê Lợi, Nguyên Long có thể gọi là có quy trình tuyển chọn người tài hơn (dù rằng chọn lựa người tài qua khoa cử Nho giáo thì chỉ tìm được những viên quan biết tuân thủ) Ông ta không thiên vị phe cánh đã dưa ông ta lên, thậm chí sẵn sàng ra tay tiêu diệt Lê Sát và Lê Ngân ( vẫn đang chuyên quyền trong triều đình) khi mới 14 tuổi. Hành xử của Lê Nguyên Long cho thấy ông ta hẳn phải là một người không bình thường và có dã tâm không nhỏ. Việc bức tử Lê Tư Tề dù Tư Tề đã bị biệt giam, chặt hết phe cánh, cho thấy ông các có cách nghĩ “Nhổ cỏ phải nhổ tận rễ” của những kẻ đa nghi và độc tài, không muốn nghe lời can gián mà chỉ muốn xây dựng một tầng lớp quan lại biết nghe lời.
Người đời sau thường ca ngợi Nguyên Long vì biết trọng dụng Nguyễn Trãi, không giống như Thái Tổ Lê Lợi đa nghi, đã phế vị mưu thần có công lớn này. Tuy nhiên, bước “thanh vân” của Nguyễn Trãi thời Lê Nguyên Long cũng chẳng được xem trọng, quyền lực trong triều thua xa Đinh Liệt, Nguyễn Xí. Mặc dù một thời là mưu sĩ hoạch định chiến lược quân sự cho Lê Lợi, nhưng những việc ông được giao thời bình không phải là kinh bang tế thế mà chỉ là những việc liên quan đến lễ điển, văn thư, có danh mà không có quyền, như: soạn văn thư gửi cho nhà Minh, tổ chức nghi lễ rước thần chủ của Lê Thái Tổ và quốc thái mẫu vào Thái miếu, định lại các quy định về mũ áo và lễ nhạc cho triều đình…v…v…  Những công việc này đương nhiên là quan trọng với văn hóa của một triều đại, nhưng trong ván cờ quyền lực chốn quan trường thì đó là thứ công việc chẳng có quyền lực gì. Sắp xếp cho Nguyễn Trãi làm công việc này, cho thấy Lê Nguyên Long cũng không quá coi trọng Nguyễn Trãi. Thậm chí sau này, khi Lê Sát tiến cử Nguyễn Trãi làm thày dậy cho vua, Lê Nguyên Long cũng nằng nặc từ chối, trong khi đó, ông vua này lại rất nghe lời Nguyễn Thị Lộ, vợ lẽ của Nguyễn Trãi. Có lần Lê Nguyên Long ban bố nghi lễ mới do Lương Đăng đề xuất, Nguyễn Trãi cùng nhiều đại thần đứng ra can gián, nhưng ông ta cũng không để tâm. Sau đó, Nguyễn Trãi xin về ở ẩn ở Côn Sơn vào năm 1438. Đến năm 1439, Nguyễn Trãi lại được Lê Nguyên Long vời ra làm quan, không khỏi khiến chúng ta nghi ngờ rằng động cơ thực sự của Lê Nguyên Long không phải là muốn trọng dụng Nguyễn Trãi mà muốn gần gũi Nguyễn Thị Lộ. Theo như nhận xét của Vũ Quỳnh, sử quan nhà Lê, vai trò Nguyễn Thị Lộ rất quan trọng với Lê Nguyên Long: “ Thị Lộ đã cảm hóa được Lê Thái Tông, thuyết phục vua chăm chỉ đèn sách, lại giúp vua nhiều ý kiến để sửa trị nước…” Không cần biết Nguyễn Thị Lộ tài năng đến đâu, nhưng một vị vua mà để phụ nữ thao túng đến mức như vậy, thì không thể gọi là vua tài giỏi. Một vị vua mà tằng tịu với vợ của khai quốc công thần bất chấp liêm sỉ thì đủ thấy thứ lễ nghi mà ông ta chủ trương đặt ra hoàn toàn không có giá trị gì.
Lê Nguyên Long trong suốt giai đoạn trị vị, không thực hiện được nhiều kỳ công, sử cũ ghi chép về vị vua này chỉ thấy nhắc đến chiến công đánh thắng Chiêm Thành, mà công chính là của Đinh Liệt. Hằng ngày Lê Nguyên Long làm gì? Nghi kị bá quan trong triều. Trước Lê Nguyên Long, không một vị vua nào dám hạt sát một bè cánh các khai quốc công thần như ông ta. Thời gian sau, ông ta cố gắng xây dựng thế lực quan lại của riêng mình xuất thân từ khoa bảng, mà  trong số ấy, không một vị nào để lại tên tuổi lớn trong sử sách.
Với hậu cung, Lê Nguyên Long cũng có nhiều chuyện nhập nhằng y hệt như trong xử lý việc triều chính. Ban đầu, Lê Nguyên Long phong con trai mình mới 2 tuổi là Lê Nghi Dân làm thái tử. Sau đó, Lê Nguyên Long lại sủng ái Nguyễn phi là Nguyễn Thị Anh, Nguyễn Phi phi sinh ra Lê Bang Cơ. Nguyên Long sát hại Lê Sát, phế bỏ Dương phi và Lê Ngọc Dao (con gái Lê Sát) , truất ngôi thái tử của Nghi Dân. Sau đó, ông phong Bang Cơ mới 1 tuổi làm thái tử vào tầm cuối năm 1441, trước khi qua đời vào năm 1442 không lâu.  Lúc tin người này, lúc hại người kia, không phân biệt nổi đúng sai, chỉ biết triệt hạ phe cánh của quần thần ờivà hậu cung mà không biết dùng pháp và đức để yên lòng ngư, tất không phải một vị vua biết cách trị vì, mà hậu quả của việc này khiến cho một cuộc xung đột, tranh quyền đoạt lợi tiếp tục khiến nhà Lê u ám.
Lê Bang Cơ thực ra không phải là con đẻ của Lê Nguyên Long. Theo gia phả của họ Đinh (gia tộc nhà Đinh Liệt), khi mới vào cung, Nguyễn thị đã có thai với ông Lê Nguyên Sơn, cũng là người thuộc họ nhà Lê nhưng ở chi dưới. Bởi vì, từ lúc Nguyễn thị Anh gặp Nguyên Long cho tới khi bà này sinh Bang Cơ chỉ có 6 tháng. Tin đồn liên quan đến thân phận thật của Lê Bang Cơ ngày càng lan truyền rộng trong cung cấm. Ngay cả khi Bang Cơ lên ngôi, tin này vẫn không thể dập tắt. Nhiều người cho rằng Nghi Dân vì tham quyền lực mà lật đổ em trai mình, nhưng nên nhớ khi Bang Cơ lên ngôi thì Nghi Dân lúc đó mới khoảng 4-5 tuổi, chưa thể có sự thù hằn tranh chấp quyền lực ở độ tuổi bé như vậy. Vậy điều gì có thể kích động Nghi Dân dám liều mạng lật đổ ngôi vua, lại còn có sự ủng hộ của không ít triều thần tham gia, nếu không phải chính vì thân phận bất minh của Bang Cơ.
Trong “Đại Việt sử ký toàn thư” có ghi: “Mùa thu, tháng 3 năm Tân Dậu (1441)…Bắt giam hạng đàn bà ngỗ nghịch, đó là làm theo kế của Nguyễn Thị Lộ”. Năm 1441, Lê Nguyên Long phế truất Dương phi, vì thế, có khả năng Nguyễn Thị Lộ đã tham gia vào âm mưu thao túng hậu cung này, “hạng đàn bà ngỗ nghịch” có thể chính là Dương phi. Nguyễn Thị Lộ với vai trò một “lễ nghi học sĩ” chắc không khỏi thấy “ngứa mắt” với sự lộng hành của Dương phi. Sau đó, Bang Cơ, đứa con không rõ nguồn gốc của Nguyễn thị, không hiểu tại sao lại được Nguyên Long tin cẩn mà giao phó chức thái tử khi mới 1 tuổi.
Sự lên ngôi của Lê Nguyên Long và Lê Bang Cơ đều là do “phế trưởng lập thứ”, không có được chính danh, và cũng không chứng tỏ được tài “kinh bang tế thế” khiến triều thần khâm phục. Thế nhưng, dường như “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” lại ủng hộ cho những ông vua này giữ được ngôi, không khiến ai đó tin vào chuyện quỷ thần nghi ngại. Khi “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” không giúp tạo ra các bậc minh quân giúp dân, giúp nước, thì ắt sẽ tạo ra các bậc vua quỷ. Hồi năm 1976, Holywood có làm một bộ phim “kinh dị” (nhưng không kinh dị mấy) có tên là “The Omen” , khiến ta rùng mình về việc đứa con của quỷ đầu thai vào gia đình của các chính trị gia. Ngay từ khi còn bé, chưa có ý thức, đứa bé con quỷ này đã có những dạng năng lượng tiêu diệt bất cứ thế lực nào cản đường nó hoặc biết bí mật của nó. Khi lớn lên, đứa bé này tập hợp dưới trướng nó những kẻ biết tuân phục, xây dựng đế chế dựa trên sự chuyên chính và quân phiệt. Đứa trẻ trong phim “The Omen” cũng không phải là con đẻ của gia đình chính trị gia, nhưng số phận đã đưa đẩy nó thành kẻ thừa kết duy nhất và hợp pháp. Sự lên ngôi của hai ông vua họ Lê này luôn khiến tôi nghĩ đến bộ phim “The Omen”, không biết là do tôi cả nghĩ, hay phần nào cũng có liên quan?
Năm 1442, Lê Nguyên Long qua đời đột ngột ở Lệ Chi Viên, Côn Sơn, trong một lần tới thăm vợ chồng Nguyễn Trãi. Theo như sử cũ ghi lại thì Lê Nguyên Long ngang nhiên qua đêm cùng Nguyễn Thị Lộ, mặc cho ông già Nguyễn Trãi trùng trùng tâm sự. Rồi đột ngột, Lê Nguyên Long qua đời. Đến giờ, vẫn không ai biết Lê Nguyên Long qua đời vì sao.
Theo như ta đã biết, Nguyễn Thị Lộ có liên quan đến âm mưu xúi bẩy phế truất mẹ con Lê Nghi Dân và đưa Lê Bang Cơ lên ngôi Thái tử. Cùng lúc ấy, trong cung đồn đại ngày một nhiều về việc Bang Cơ không phải con đẻ của Nguyên Long. Cũng năm 1442 ấy, hoàng tử Lê Tư Thành ra đời. Với bản tính đa nghi của Lê Nguyên Long, thì Bang Cơ khó mà ngồi yên ở ngôi vị thái tử. Vậy là Lê Nguyên Long phải bị “đột tử” một cách nào đó mà có vẻ “vô can” với mẹ con Bang Cơ, và Lệ Chi Viên là nơi hợp lý nhất. Có thể rằng mẹ của Bang Cơ đã sắp xếp người để ám sát rồi đổ tội cho Nguyễn Thị Lộ, hoặc chính Nguyễn Thị Lộ đã mưu tính ra tay giết Nguyên Long rồi đổ cho Nguyễn Trãi mà không ngờ được rằng mình cũng bị liên đới. Chỉ tội cho ông già Nguyễn Trãi, một đời lao đao, đau đáu vì nghĩ sách lược hưng thịnh quốc gia, cuối cùng chết lãng xẹt vì mấy trò mưu quyền âm hiểm của đám đàn bà và tiểu nhân. Hai câu thơ mà ông viết trùng trùng tâm sự giờ đây ứng vào số phận của chính mình:
“Kim cổ vô cùng giang mạc mạc
Anh hùng hữu hận diệp tiêu tiêu”
Nghĩa là:
“Thời gian vô cùng như dòng sông trôi mờ mịt
Anh hùng mang hận như gió luồn qua lá thôi vi vu”
Trong đó, chữ “mạc mạc” mang tính tượng hình, thể hiện như sóng nhấp nhô, “tiêu tiêu” mang tính tượng thanh thể hiện cho tiếng gió lay lá thổi. Hai câu thơ không chỉ có tính nghệ thuật tượng trưng mà còn chất chứa tâm sự như một tiếng thở dài của một người anh hùng thất thế trước định mệnh không thể cưỡng được. Tiếc rằng, thứ khiến Nguyễn Trãi bị tận diệt không phải là kẻ địch mạnh mà là do một người con gái mà ông đã sai lầm lựa chọn.
Có truyền thuyết cho rằng Nguyễn Thị Lộ là tinh của con rắn hóa thành. Khi Nguyễn Phi Khanh, cha của Nguyễn Trãi còn đang là một nhà Nho dạy học kiếm sống, một hôm ông cho học sinh phát quang cỏ trong vườn để làm chỗ dậy học, thì thấy có người đàn bà dẫn con đén báo mông xin thư thả để mấy hôm rồi hẵng dọn nhà. Đến sáng hôm sau, khi Phi Khanh ra vườn đã thấy lũ học trò đánh chết một con rắn con, mới hiểu nghĩa của giấc mơ thì đã muộn. Lúc Phi Khanh ngồi đọc sách, thấy rắn mẹ bò trên xà nhà, nhỏ máu xuống trang giấy, vào chữ “tộc”, thấm qua 3 lớp giấy. Con rắn mẹ sau đó đã hóa thành Nguyễn Thị Lộ. “Lịch triều hiến chương loại chí” cũng viết: “Con rắn thành tinh ngầm mang thù oán, mới đầu thai thành Thị Lộ. Nàng sinh ra dưới sườn có vảy…. Dù cho nhiều người cho rằng đây là truyền thuyết để đổ oan cho Thị Lộ, nhưng nếu xem xét kỹ về ảnh hưởng của Thị Lộ tới Lê Nguyên Long và âm mưu đưa Lê Bang Cơ lên ngôi thì ta có thể thấy là bản chất lăng loàn và thích thâu tóm quyền lực của Lộ chính là nguyên nhân dẫn tới cái chết của gia tộc Nguyễn Trãi. Như thế thì cũng chẳng khác gì rắn độc, hại người mà cũng tự hại mình.
Lê Bang Cơ lên ngôi khi mới 2 tuổi, mẹ là Nguyễn thị Anh nắm quyền nhiếp chính. Bà này không có tài cán gì, nhưng biết trọng dụng khai quốc công thần để xử lý việc xã tắc, còn bản thân mình thì tập trung triệt hạ các phe cánh đối lập, trong đó có Trịnh Khả và Trịnh Khắc Phục đều chết bởi tay bà vì sợ hai người này tiết lộ bí mật về cái chết của Nguyên Long. Trước đó, bà còn cho giết chết hai thái giám chuyên ghi chép ngày tháng thụ thai là Đinh Phúc và Đinh Thắng. Bang Cơ lên ngôi được 1 năm thì xảy ra thiên tượng lạ, vua Nhân Tông có chiếu ban ra, mà chắc chắn là do Nguyễn thị hoặc đại thần nào đó viết, chứ 3 tuổi thì đã biết gì đến điềm xấu điềm lành: Mới rồi trời hiện điềm tai biến như sao sa, động đất. Trẫm rất lo sợ, suy nghĩ nguyên nhân tai biến, không biết bởi đâu.
Khi Bang Cơ lên 13 tuổi (sử sách khen ông là “nhân hậu”, nhưng cũng chẳng có bằng chứng gì khẳng định sự “nhân hậu” của ông), ông bị anh trai là Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân giết chết. Nghi Dân bị phế từ năm 2 tuổi, mẹ cũng không còn quyền lực trong cung, nhưng lại có thể dễ dàng vào cung giết chết mẹ con Lê Bang Cơ, cho thấy Nghi Dân có hậu thuẫn từ triều thần. Sử sách ghi lại rằng hậu thuẫn của ông chỉ có chỉ huy vệ binh Lê Đắc Ninh cùng thuộc hạ thân tín, trên dưới 100 người. Nhưng Nguyễn Thị Anh thiết lập quyền hành hơn 10 năm, lại rất giỏi triệt hạ bè phái đối nghịch, đâu có thể bằng 100 quân mà dễ dàng lật đổ. Nếu có thể làm được điều ấy thì quả thực là khá khen cho Nghi Dân giỏi tài xoay sở.
Khi lên ngôi, so với Nguyên Long và Bang Cơ, Nghi Dân còn biết chăm lo cho con dân của mình. Dù lên ngôi không lâu, nhưng Nghi Dân đã tăng lương cho quan lại, xin với nhà Minh bỏ lệ tiến cống ngọc trai, giúp dân Việt bớt phải lao đao khổ ải đối mặt với nguy hiểm. Thậm chí với những người con khác của Lê Nguyên Long là Tư Thành và Khắc Xương cũng được phong vương và xây phủ đệ, có thể nói là đối đãi không tệ. Vậy mà sau này khi Tư Thành lên ngôi vua, không giải oan cho người anh này của mình, không phong miếu hiệu cho ông, đủ thấy Tư Thành (tức vua Lê Thánh Tông) cũng chỉ là kẻ bội bạc, chỉ biết tôn sùng phe cánh đã đưa mình lên ngôi, không hề chí công vô tư.
Tuy nhiên, Nghi Dân cũng giống như các vị vua nhà Lê khác, đối với các thế lực chỉ có một cách là “diệt cỏ tận gốc”. Nghi Dân giết sạch phe cánh phản loạn, lại hạn chế quyền hành của các “khai quốc công thần” nên sinh ra việc đại thần phẫn nộ. Ngày 6 tháng 6 năm 1460, Đinh Liệt, Nguyễn Xí dẫn nhiều đại thần xông vào giết chết Lê Nghi Dân và bầy tôi thân tín, rồi đưa Tư Thành lên ngôi vua. Nguyên nhân Đinh Liệt, Nguyễn Xí – hai vị đại thần ít can dự vào tranh quyền đoạt vị ở triều vua trước – tham gia lật đổ chính quyền của Nghi Dân được “Đại Việt sử ký toàn thư” như sau: “Nay Lạng Sơn Vương Nghi Dân rất là vô đạo, đem bọn vô lại Phạm Đồn, Phan Ban, lợi dụng ban đêm, bắc thang trèo thành vào trong cung cấm giết vua và Quốc mẫu hoàng thái hậu, tội ác không gì lớn bằng. Bọn chúng ta là bề tôi huân cựu, mắt thấy việc đó, đáng lẽ phải chết cho xã tắc, mà lại ở dưới kẻ bội nghịch, đứng trong triều của kẻ cướp ngôi giết vua, là tội nhân của muôn đời, còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế dưới suối vàng nữa?
Nếu nhìn vào hành vi của Nghi Dân so với Nguyên Long và mẹ con và Bang Cơ thì thấy rằng Nghi Dân cũng không lấy gì làm “vô đạo”. Bản chất chuyện đấu đá phe cánh trong chính trị là phải vậy, sao có thể nói là vô đạo. Kẻ làm quan, phải biết lo cho dân chúng, giữ đúng phận vị của mình. Nhận định về sự có đạo và vô đạo của vua, phải nhìn vào hành động cho dân cho nước, chứ không phải vì việc ai cướp ngôi của ai. Hoặc rằng, có khả năng Nghi Dân đưa ra các pháp chế hạn chế quyền lợi của khai quốc công thần, ảnh hưởng đến lợi ích của họ, khiến họ phẫn nộ mà giết ông ta, rồi lấy cớ ông ta “vô đạo” để hợp lý hóa hành động của mình.
So với Nguyễn Xí, ĐInh Liệt, Lương Như Hộc, một đại thần có uy tín bấy giờ, có phần sáng suốt hơn. Lương Như Hộc đỗ Thám Hoa thời Lê Thái Tông Nguyên Long, nhưng không tham dự vào tranh quyền đoạt vị. Đến thời mẹ con Lê Bang Cơ nắm giữ ngôi vị, rồi đến Lê Nghi Dân cướp chính quyền, ông vẫn đảm nhiệm tốt chức vụ sứ thần, còn thay mặt Nghi Dân thuyết phục nhà Minh bãi bỏ tệ cũ là cống nạp ngọc trai do các triều trước đặt ra. Nhờ có hai lần sang sứ Trung Quốc, ông học được nghề in mộc bản, đem dậy cho dân, nhờ thế được coi là “ông tổ nghề in”. Trước đó, ở thời Lý – Trần, nghề in cũng rất thịnh, nhưng chỉ được sử dụng cho mục đích truyền bá đạo Phật và các văn bản của triều đình. Chỉ đến khi Lương Như Hộc truyền dạy nghề này cho dân chúng, nghề này mới thật sự có ảnh hưởng lớn ở nước Việt.
Đến thời Lê Thánh Tông Tư Thành, Lương Như Hộc không được trọng dụng. “Đại Việt  sử ký toàn thư” có kể rất nhiều câu chuyện liên quan đến Lương Như Hộc. Lên ngôi được không lâu, Tư Thành ra sắc dụ cho Lương Như Hộc như sau: “Mới rồi, Nguyễn Vĩnh Trinh không học thể thơ quốc ngữ, làm thơ không đúng phép. Ta tưởng là ngươi biết, nên mới hỏi thử ngươi, nhưng ngươi cũng không biết nốt. Vả ta xem Hồng Châu quốc ngữ thi tập của ngươi còn nhiều chỗ thất luật, ta chắc là ngươi chưa biết nên mới nói ra. Vũ Lãm thường không muốn ta nói cho ngươi biết đâu” . Nhưng chữ Nôm đến thế kỷ thứ 10 mới tạm hoàn chỉnh bộ chữ, đến Nguyễn Trãi mới có người viết thơ Nôm một cách có hệ thống. Thơ chữ Nôm của Nguyễn Trãi có nhiều câu không tuân theo thể thất ngôn của Đường thi, mà có phần phóng túng ngoài khuôn khổ, vậy nên không rõ cái thứ gọi là “làm thơ đúng phép” mà Tư Thành nhắc đến là cái thứ thơ gì, phép tắc gì. Rõ ràng sắc dụ trên nhằm mục đích hạ bệ uy tín của Lương Như Hộc. Đến nay, thơ Nôm của Lương Như Hộc không còn được giữ lại, không rõ vì lý do gì, nên cũng chẳng thể biết được tác phẩm này hay dở như thế nào. Nhưng một vị thám hoa được Nguyễn Trãi chấm, cùng khoa thi với Nguyễn Trực và Nguyễn Như Đổ, ắt không phải hạng tầm thường.
Tư Thành khi lên ngồi rất quan tâm đến việc thâu tóm và phát triển quân sự. Việc này sẽ được bàn kỹ hơn ở bài sau, ở đây, tôi muốn kể một câu chuyện đến cách hành xử với quân lính của ông vua được lịch sử và truyền thông ngày nay ca ngợi là vị minh quân bậc nhất này. Bấy giờ, năm 1467, Lê Thánh Tông mới hạ lệnh cho quân ở ngũ phủ chế tạo vũ khí theo hình dạng mới, ít lâu sau lại thay đổi. Một người lính tên là Văn Lư buông lời oán thán: “Tháng giêng năm nay, bệ hạ đã ban ra hình dạng mới về binh khí, bắt quân chế tạo, nay lại thay đổi hình dạng khác, như thế là chính lệnh bất thường”  Lê Thánh Tông trách tội người lính. Lương Như Hộc tra hỏi người lính, người lính bèn đáp rằng: “Nước lấy dân làm gốc rễ, mà lính là để bảo vệ dân; nay hiệu lệnh trước sau bất nhất, quân và dân đều sầu oán, thế mà ông là người bầy tôi thân cận của nhà vua, lại ngậm miệng, không nói gì, nay Lư này nói ra là yêu vua đấy”. Lương Như Hộc chịu phục, không trách cứ gì người lính nữa. Không rõ có phải do sự việc này hay không, mà cùng năm ấy,  Lương Như Hộc bị cắt chức vì tội tiến cử sai người, lịch sử cũng không ghi chép người mà ông tiến cử sai việc gì. Không hiểu vì lý do gì, Tư Thành lại có ác cảm với Lương Như Hộc đến mức năm lần bẩy lượt hạ bệ uy tín của Lương Như Hộc đến vậy.
Qua thân phận của Nguyễn Trãi và Lương Như Hộc, ta có thể thấy, các vị vua từ Nguyên Long đến Tư Thành, không thật sự biết trọng dụng người tài, thậm chí còn có tâm đố kị với người tài, đặc biệt là Tư Thành. Cả hai vị quan này, một lòng muốn giúp dân, tìm cách tránh xa tranh chấp quyền lực chốn triều đình, nhưng đều bị ghẻ lạnh và coi thường. Trong khi ấy, các vị  vua và đại thần chuyên quyền, tham vọng lại được cho là hiền minh, nhân từ… E rằng Ngô Sĩ Liên viết “Đại Việt sử ký toàn thư”, dù có cố ghi chép sự kiện có thưc, nhưng lời bình luận vẫn tỏ ra là một kẻ bồi bút chỉ biết bợ đỡ vua chúa, khiến nhận định lịch sử của nhiều đời sau bị lệch lạc. Đến nay, Lê Thánh Tông và triều đại nhà Lê vẫn được tôn vinh như triều đại hưng thịnh nhất, rực rỡ nhất, chính nghĩa nhất trong lịch sử. Làm sao một triều đại chỉ có tranh chấp quyền lực, ganh ghét hiền tài, độc quyền chuyên chế, triều đình không chủ trương tạo ra giá trị văn hóa nào mới lại co thể được coi là hưng thịnh. Những nhân tố về phát triển thương mại và thủ công nghiệp mà người đời sau thường dẫn ra để minh chứng cho sự hưng thịnh của nhà Lê, đều là kế thừa từ hai triều Lý – Trần mà nên. (Đọc thêm để hiểu về Lý – Trần: “Tại sao hai triều đại Lý – Trần lại đạt được sự thịnh vượng”)
Tản mạn về truyền thuyết “rùa thần” ở hồ Hoàn Kiếm
Tôi viết về nhà Lê trước đại hội Đảng khóa 12  bốn ngày, ba hôm sau, buổi chiều trước khi Đại hội diễn ra, con “linh vật” được coi là “rùa thần” đã chết và nổi lên ở hồ Hoàn Kiếm. Báo chí lập tức loan tin, đồn đại về “điềm dữ” liên quan đến tương lai của nước ta. Không biết từ bao giờ con “rùa thần” này được tôn làm linh vật, nhưng con “rùa thần” này liên quan đến truyền thuyết Lê Lợi trả kiếm.
Truyền thuyết kể rằng, thời khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Thận một lần kéo được thanh kiếm trong lần đánh cá. Khi Lê Lợi đến nhà Lê Thận chơi, thanh kiếm đột nhiên phát sáng, Lê Lợi bèn sử dụng thanh kiếm để tổ chức khởi nghĩa. Sau này, khi chiến tranh đã chấm dứt, Lê Lợi đi thuyền trên hồ Lục Thủy (tức hồ Hoàn Kiếm bây giờ), thần Kim Quy hiện lên đòi trả lại kiếm, vua bèn vứt kiếm xuống, thần đớp kiếm rồi lặn mất. Không rõ “thần Kim Quy” ở đây là thần nào, nhiều người cho rằng chính là thần Kim Quy cho An Dương Vương mượn móng để làm nỏ thần và chỉ dẫn vua xây thành Cổ Loa. Nhưng thần Kim Quy trong truyền thuyết về An Dương Vương thường xuất hiện ở biển, là loại rùa biển, chứ không sinh sống ở vùng nước ngọt.
Ở thời Lý và thời Trần, hoặc trước đó, từ thời Cao Biền, không thấy ghi chép nào về việc hồ Lục Thủy, tức hồ Hoàn Kiếm có nhiều rùa. Thời Lý Nhân Tông có cho đúc một cái chuông nặng 12.000 cân, được gọi là chuông Quy Điền. Nhưng chuông này được được đặt ở hồ Lục Thủy, mà được đặt ở ruộng rùa, gần chùa Diên Hựu (tức chùa Một Cột). Hồ Lục Thủy cách chùa Diên Hựu khá xa, nên chuông Quy Điền không liên quan gì đến truyền thuyết rùa ở hồ Lục Thủy cả.  Hồ Lục Thủy cũng không nổi tiếng về các truyền thuyết liên quan đến rùa. “Việt điện u linh”, một tác phẩm ghi chép về các chuyện kỳ dị, quỷ thần, thời nhà Trần, cũng không nhắc gì đến hồ Lục Thủy, chứ đừng nói là “rùa thần” ở hồ này. Hồ Lục Thủy không được xếp vào vị trí linh thiêng, mà chỉ là chỗ luyện tập thủy binh.
Chỉ sau khi Lê Thái Tổ lên ngôi, gắn với truyền thuyết “hoàn kiếm”, thì khu hồ này mới có địa vị quan trọng. Hơn nữa, việc hồ Hoàn Kiếm tự dưng nổi tiếng về “rùa” sau đó, rất đáng khả nghi. Bỏ qua câu chuyện truyền thuyết không thể kiểm chứng, ta phải xem xét thử xem loại “rùa” này có từ bao giờ. Nếu thời Lý – Trần không thấy bất cứ ghi chép gì về giống loài này, thì khả năng nó chỉ được thả vào trong quãng nhà Minh xâm lược hoặc các vua Lê thả chúng xuống hồ.
Con “rùa” ở hồ Hoàn Kiếm, thực chất là thuộc giống giải Thượng Hải, một loại rùa mai mềm nước ngọt. Loài rùa này sinh sống ở khu vực Thái Hồ, thuộc lưu vực sông Dương Tử và khu vực Vân Nam. Tình cờ, một con giải thuộc giống này bị bắt ở khu vực sông Đà ở Hòa Bình. Và đặc biệt có nhiều con giải sống ở hồ Hoàn Kiếm. Theo tâm lý thích tôn thờ những con vật to và sống lâu của người Việt (như tục thờ cá voi ở các vùng ven biển), thì đáng lý ra từ thời Lý, Trần phải có đền thờ chúng, nhưng không có đền thờ nào thờ “giải Thượng Hải” cả. Thậm chí, thời nhà Lê cũng không hề có, dù theo truyền thuyết thì có vẻ như Lê Lợi chịu ơn “thần Kim Quy”.
Kéo từ nhà Lê cho đến nhà Nguyễn, giống “giải Thượng Hải” này vẫn không được thờ phụng, thế mà tự nhiên đến năm 1967, khi con vật khổng lồ lâu năm này lăn ra chết thì người ta bỗng dưng lôi cái tiêu bản của nó vào đền Ngọc Sơn để thờ phụng như một vị thần. Để làm một vị thần được thờ phụng thì nó phải có công giúp dân giúp nước, đằng này chỉ vì sống lâu và to bất thường mà được đưa vào đền để thờ thì chẳng khác nào cái đền ấy chỉ biết thờ yêu tinh, thủy quái.
Bắt đầu thời thắng thế của Chủ nghĩa Cộng sản, nhà Lê được sùng bái một cách thái quá. Nguyên nhân có thể là vì có nhiều sự tương đồng. Thứ nhất, cả khởi nghĩa Lam Sơn và Đảng Cộng Sản đều đi lên từ tầng lớp nông dân và xuất phát từ các nhóm hoạt động ở vùng hoang sơ, hẻo lánh. Thứ hai, cả hai mô hình chính trị này đều chủ trương duy trình một hệ tư tưởng độc tôn (ở bài sau về Lê Thánh Tông, tôi sẽ phân tích rõ về điểm này). Thư ba, theo quan điểm của Chủ nghĩa Duy vật lịch sử thì các lực lượng sản xuất luôn phát triển không ngừng, đến một giai đoạn nhất định, sẽ mâu thuẫn với quan hệ sản xuất cũ đã lỗi thời, đòi hỏi thay đổi các quan hệ sản xuất ấy bằng quan hệ sản xuất mới tiến bộ hơn. Như thế, có nghĩa là thời sau bao giờ cũng tiến bộ và văn minh hơn thời trước, do đó, nhà Lê hẳn phải tiến bộ hơn nhà Lý và nhà Trần, bất chấp những giá trị vật chất và tinh thần mà hai triều đại Lý – Trần đã tạo ra. Nhà Lý và nhà Trần không có xuất phát điểm từ nông dân mà đều là tầng lớp địa chủ (như nhà Trần Thừa) hay tiểu tư sản (như Lý Công Uẩn), lại có xu hướng “tinh hoa trị”, nên không phù hợp với xu hướng phát triển của quốc gia. Các sử gia thời nhà Nguyễn cũng đề cao nhà Lê vì họ đều là người theo Nho giáo, mà nhà Lê lại tôn sùng Nho học, cho tầng lớp Nho sĩ những địa vị chưa từng có trong lịch sử nước Việt trước đó.
Tâm lý sùng bái nhà Lê đã thống trị hệ tư tưởng của người Việt quá lâu. Việc tôn sùng “cụ rùa” (mà thực ra là con giải Thượng Hải) cũng nằm trong cái hệ thống tôn sùng ấy. Nếu “cụ rùa” ấy chết mang tính chất “điềm báo” cho vận nước thì đó có thể là vận may. Bởi thứ tâm lý sùng bái mù quáng bấy lâu nay cũng theo đó mà lùi dần vào quên lãng, và biết đâu, những gì tệ hại, hậu quả của đường lối phát triển sai lầm của nhà Lê còn ảnh hưởng đến bây giờ cũng được xử lý, cái không khí đấu đá quyền lực triền miên của một thứ gọi là “nền chính trị chuyên nghiệp” từ khuôn mẫu của các vua đầu triều Lê cũng tan biến. Đó quả thật là một điềm tốt.
Nếu có gì không tốt trong cái chết của con “giải Thượng Hải” sống ở hồ Hoàn Kiếm thì chỉ là vấn đề nòi giống. Nó nằm trong số 4 con còn sót lại trên toàn thế giới. Người ta dự định sẽ đem con giải nuôi ở Đồng Mô về thay thế cho con vừa mới chết, việc này thật là ngớ ngẩn. Nếu muốn bảo tồn loài động vật chỉ có trong sách đỏ này, tốt nhất là tìm cách cho nó phối giống với hai con còn lại ở Trung Quốc. Nhưng nếu làm thế, biết đâu nhiều người dân lại cho rằng chính quyền bán nước, đem lai giống giải Thượng Hải ở hồ Hoàn Kiếm với giải Thượng Hải ở Tô Châu. Xem ra, việc duy trì nòi giống cho con giải vẫn được gọi là “cụ rùa” này mang tính chính trị quá. Aristotle có nói: “Con người là sinh vật mang tính chính trị”, hóa ra ở xứ ta, “con giải cũng là sinh vật mang tính chính trị”.
Hà Thủy Nguyên
(Còn tiếp)

“Cầm Thư quán” và những cuộc truy cầu bất tận

“Ở biển Bắc có con cá côn, mình dài không biết mấy ngàn dặm. Cá côn biến thành chimbằng, lưng rộng không biết mấy ngàn dặm, khi tung cánh bay thì cánh nó như đám mây trên trời. Biển (Bắc) động thì chim bằngrời về biển Nam, biển Nam là Ao trời. ... Con ve sầu và con chim cưu cười con chim bằng rằng: ‘Chúng ta bay vù lên cây du, cây phượng, có lúc bay không tới mà rớt xuống đất. Hà tất phải bay

Nhà phê bình Thụy Khuê: “Viết lịch sử là đi tìm sự thực”

Book Hunter: Nhà phê bình văn học Thụy Khuê vừa cho ra mắt Tiểu luận nghiên cứu "Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long". Tiểu luận nghiên cứu này giúp chúng ta thấy những góc nhìn và dữ liệu lịch sử về giai đoạn chuyển giao quan trọng của lịch sử Việt Nam này. Sau đây là bài phỏng vấn nhà phê bình Thụy Khuê xoay quanh tác phẩm mới của bà và các vấn đề của lịch sử. HTN:

Tổng quan về phương pháp tiếp cận lịch sử Việt Nam cho người không chuyên

Lịch sử Việt Nam luôn là một đề tài gây nhiều tranh cãi, phần vì thiếu thốn sử liệu và thiếu nền tảng nghiên cứu học thuật, phần vì Việt Nam có một quá trình giao thoa phức tạp bởi nhiều lớp văn hoá, văn minh khác nhau. Số đông các bạn trẻ không hài lòng với kiến thức sử được dạy một cách nhàm chán và nghèo nàn trong nhà trường nên mong muốn tự bổ sung kiến thức sử qua sách vở và

Book Hunter

31/10/2018

Tường thuật scandal đạo văn và lừa đảo cộng đồng của dự án tiểu thuyết “Thành Kỳ Ý”

Trong hơn một tháng nay, cộng đồng yêu thích văn chương và lịch sử tại Việt Nam đang dậy sóng bởi những luồng ý kiến trái chiều xung quanh nghi án đạo văn của tiểu thuyết lãng mạn có yếu tố lịch sử Thành Kỳ Ý. Thành Kỳ Ý là tác phẩm gây quỹ cộng đồng (crowdfunding) từ Comicola với số tiền lên đến 212.330.200 đồng.  Nhưng sau khi sách được xuất bản bởi NXB Văn học kết hợp với Nhà sách Đông A, nhiều

Book Hunter

21/02/2016

Thần, người và đất Việt: nhìn lại lịch sử tín ngưỡng thờ cúng thần linh nước Việt

Có lẽ trong lịch sử ngàn năm văn hiến của nước Việt, chưa bao giờ tín ngưỡng thờ cúng thần linh lại ở trong tình trạng xáo trộn nhanh chóng và khó lường như thời đại toàn cầu hóa hiện nay. Chỉ non chục năm, ta thấy nhiều nét văn hóa truyền thống biến tướng hoặc chìm khuất, nhiều tín ngưỡng vốn rất xa lạ từ các nước bạn chợt ùa đến tạo nên đám đông tín đồ, các hệ thống đình, chùa, miếu, quán

Minh Hùng

30/01/2018