Bản dịch cuộc trò chuyện của Asa Wikforss, tác giả cuốn DỮ KIỆN LẤP LỬNG, với The Institute of Art and Ideas (IAI)
Asa Wikforss: Tôi là giáo sư triết học tại đại học Stockholm. Tôi nghiên cứu triết học tâm trí và ngôn ngữ và nhận thức luận. Tôi đã viết cuốn sách Dữ kiện lấp lửng bằng tiếng Thụy Điển và đã được dịch ra hơn 10 ngôn ngữ.
IAI: Tôi xin được bắt đầu với câu hỏi, dữ kiện lấp lửng là gì?
Asa Wikforss: Rõ ràng chúng không tồn tại. Ý tôi là, dữ kiện là những gì liên quan tới thế giới như nó là. “Hôm nay lễ hội khá nhộn nhịp” là một dữ kiện. Dữ kiện lấp lửng là điều mà một vài người có thể dùng để nói về một cách mô tả khác của thực tế. Chúng không đúng. Do đó, không hề tồn tại dữ kiện lấp lửng.
IAI: Vậy mối quan hệ giữa dữ kiện lấp lửng và tin giả là gì?
Asa Wikforss: Điều đang diễn ra hiện nay đó là có rất nhiều các mô tả khác nhau về thực tại và thật khó khăn để nhận diện mô tả đúng. Tin giả ngập tràn vì tin giả thường muốn lan truyền một loại thông điệp nào đó.
Bản thân nó không phải là một mẩu tin tức, mà có một thông điệp tổng quát hơn mà các tin giả muốn thúc đẩy. Tại Thụy Điển, tin giả hầu hết là về vấn đề dân nhập cư. Có những thông điệp được lan truyền để khiến người ta tin những điều nhất định nào đó đã xảy ra, các sự kiện nào đó đã xảy ra nhằm thúc đẩy một thông điệp tổng quát nào đó, ví dụ như dân nhập cư khiến Thụy Điển đứng trên bờ vực sụp đổ, ví dụ như vậy.
Yeah.
IAI: Khi chúng ta nói về dữ kiện lấp lửng bị chính trị hóa như tin giả, khá dễ để kiểm chứng và phát biểu điều gì là sai. Nhưng khi nhìn rộng hơn, liệu có một sự thật khách quan?
Asa Wikforss: Tùy thuộc điều bạn muốn nói tới. Sự thật là một thuộc tính của điều mà bạn nói hoặc điều bạn tin. Và chắc chắn có khía cạnh khách quan theo nghĩa này, tức là dù tôi có tin hay không thì cái thuộc tính đó không phụ thuộc vào tôi, cũng không phụ thuộc vào quan điểm của bất kỳ ai.
Tại một lúc nào đó mọi người có thể cùng tin rằng trái đất hình phẳng, nhưng điều đó không khiến cho trái đất hình phẳng. Ở nghĩa này thì sự thật là khách quan.
IAI: Chúng ta có thể nhớ tới dụ ngôn về cái hang của Plato, một dụ ngôn thể hiện về việc nhận thức về thế giới của chúng ta lệ thuộc vào góc nhìn chủ quan của chúng ta.
Asa Wikforss: Rõ ràng chúng ta thường không khách quan, phải không nào? Chúng ta có thiên kiến và hạn chế về mọi mặt khi bàn tới nhận thức. Chúng ta chỉ hiểu một phần về sự vật. Và điều này thì Plato đã viết rất nhiều, về việc chúng ta thường không hiểu các ý tưởng một cách phù hợp. Và chúng ta có sai lầm, nhưng điều đó không ảnh hưởng tới cái thuộc tính sự thật. Nhưng nó có nghĩa là rất khó để chúng ta nắm bắt được sự thật. Và khi nhiều người nói rằng không có sự thật, thì điều mà họ thực sự muốn nói đó là không có sự chắc chắn và rất khó để đạt được sự chắc chắn. Và tôi nghĩ rằng đây là bài học chính của lịch sử nhận thức luận, lịch sử chủ nghĩa hoài nghi, bắt đầu từ thời cổ đại khi chúng ta sống trong các sự thật đã được xác định, phải không nào? Chúng ta có niềm tin và chúng ta muốn đạt được sự thật và chúng ta dựa vào bằng chứng hoặc suy luận, hoặc căn cứ hoặc cái gì đó để giữ niềm tin. Nhưng các lập luận và căn cứ thường không bao giờ đầy đủ. Bên ngoài logic và toán thì chúng ta không có cái gọi là bằng chứng thực sự. Cái chúng ta có là bằng chứng mạnh hơn hay yếu hơn mà thôi. Nhưng ngay cả khi ta có bằng chứng thật sự mạnh mẽ, chủ nghĩa hoài nghi vẫn sẽ chỉ ra kẻ hở mà thôi. Do đó ngay cả khi có lập luận mạnh mẽ thì vẫn có thể cảm thấy hoài nghi. Chúng ta phải sống chung với sự hoài nghi này. Đây chính là sự thật mang tính người. Khi bàn về các niềm tin ở thế giới bên ngoài, chúng ta không có sự chắc chắn. Chúng ta cố gắng đạt được sự thật nhưng chúng ta phải luôn luôn sẵn sàng với khả năng là chúng ta sai. Và đó chính là một điểm nhấn mạnh rằng sự thật thì khách quan. Bởi sự thật không lệ thuộc vào tôi, tôi không quyết định cái gì là sự thật, cái gì không. Và tôi phải sẵn sàng cho khả năng là tôi sai và tôi phải lắng nghe sự phản đối và lắng nghe người khác.
IAI: Nhưng dù có khó khăn tới chừng nào thì liệu chúng ta có đạt được một kết luận về sự thật khách quan thông qua một phân tích duy vật giống như phương pháp khoa học hiện nay? Hay có những cách khác để hiểu sự thật là gì?
Asa Wikforss: Như tôi đã nói, việc sự thật là gì chỉ là một mặt của vấn đề, mặt còn lại là cách chúng ta đi tới sự thật. Phương pháp khoa học đã thể hiện là một cách thức tốt để tiếp cận sự thật, đi tới sự thật, dù cho chúng ta hiếm khi đạt được sự chắc chắn theo cách này.
Nhưng khoa học không liên quan tới mọi thứ trong đời sống chúng ta. Tôi biết những thứ về những cảm xúc của người khác không phải vì tôi đã thực hiện thí nghiệm khoa học đối với chúng, mà bởi vì tôi đã quan sát chúng, nhìn thấy chúng và biết chúng.
Vậy thì chúng ta biết sự vật theo đủ mọi loại cách khác nhau, dù tôi cho rằng cách mà chúng ta suy nghĩ hàng ngày không quá khác biệt so với cách thức tư duy theo phương pháp khoa học. Khi tôi nhìn thấy bạn và bạn trông có vẻ buồn bực, tôi sẽ hình thành một giả thuyết có lẽ bạn buồn bực vì tôi không làm cái này hoặc cái kia. Và tôi kiểm chứng giả thuyết đó bằng cách hỏi han bạn. Rõ ràng đây là một cách tương tự như phương pháp khoa học, dù nó không giống hệt cách khoa học tự nhiên thực hiện. Nhưng nó không quá khác biệt, tôi cho là như vậy.
IAI: Vậy tại sao nhiều người lại chấp nhận dữ kiện lấp lửng? Trong lĩnh vực chính trị, chẳng hạn.
Asa Wikforss: Có một số điều đúng một cách tổng quát. Đầu tiên, như tôi đã nói, rất khó để xác định một thứ là đúng hay sai. Khi bạn tiếp nhận một điều gì đó từ một nguồn bạn cho là đáng tin cậy và bạn tin tưởng điều đó. Vậy thì có thể bạn đã đặt niềm tin vào sai chỗ. Từ quan điểm của bạn thì bạn có lý do để tin tưởng và chấp nhận nguồn tin của bạn, và điều đó không có gì là lạ. Nhưng khi suy nghĩ kỹ thì có một số thứ liên quan tới tâm lý ở đây. Có một hiện tượng gọi là thiên kiến xác nhận, tức là chúng ta thích xác nhận những niềm tin đã có. Chúng ta có xu hướng làm điều đó. Vậy là khi có những mẩu tin giả xuất hiện và khớp với niềm tin sẵn có của tôi, tôi sẽ có xu hướng chấp nhận chúng. Thậm chí tin giả đó rất có lý. Nó khớp ngay lập tức. Và còn cảm xúc nữa, phải không nào? Khi một phát biểu tới với tôi và khiến tôi cảm thấy tuyệt vời, khiến tôi thấy tự tin vào bản thân và cảm giác của tôi về căn tính nhóm và những thứ tương tự, nó khớp ngay lập tức. Tôi có xu hướng chấp nhận nó ngay. Rõ ràng có đủ các loại thiên kiến tâm lý, cảm xúc và nhận thức tương tác với loại tin giả tiếp cận chúng ta trong một cách rất nguy hiểm.
IAI: Vậy làm cách nào chúng ta có thể trang bị các công cụ để chống lại tuyên truyền, tin giả, dữ kiện lấp lửng, thuyết âm mưu trong một thế giới hậu sự thật như hiện nay?
Asa Wikforss: Hẳn nhiên điều đó rất khó. Ai đó sẽ nói thân ai người ấy tự lo. Nhưng rõ ràng đó không phải là phương án phổ quát. Đầu tiên, nếu bạn chỉ biết rất ít và phải tự lo cho bản thân thì sẽ khó mà ổn được. Tiếp đó là tư duy phản biện, đặc biệt là các triết gia thường có xu hướng tìm siêu năng lực để giải quyết mọi vấn đề, nhưng rõ ràng tư duy phản biện không vận hành theo cách đó. Tư duy phản biện liên quan tới lĩnh vực cụ thể. Vì vậy, nếu tôi cố gắng tự mình suy nghĩ trong một lĩnh vực như sinh học mà tôi không biết nhiều, nó sẽ không suôn sẻ lắm. Tôi cần thực sự có được kiến thức để trở thành một người có tư duy phản biện tốt. Vì vậy, nếu nghĩ rằng giải pháp là mọi người phản biện nhiều hơn, mọi việc sẽ diễn ra tốt đẹp thì đó là một cách quá ngây thơ, tôi nghĩ vậy. Và trên thực tế, người thực sự, người thực sự nghĩ cho mình hoàn toàn là người theo thuyết âm mưu, phải không? Vì vậy, tư duy phản biện không thực sự là con đường để đi. Nhưng tất nhiên, mọi người cần học cách hình thành thái độ phản biện của mình và không tin vào mọi thứ đến với họ. Chỉ có điều một giải pháp đơn giản như vậy không phải là giải pháp mà chúng ta đang tìm. Và những gì chúng ta phải làm, tôi nghĩ kiến thức về lĩnh vực truyền thông, nó rất quan trọng. Các loại kiến thức về nguồn đáng tin cậy hoạt động như thế nào? Điểm khác biệt của một nguồn hoặc một tổ chức đáng tin cậy so với một nguồn không đáng tin cậy là gì?
Có các biện pháp kiểm soát và cân bằng nội bộ đối với các tổ chức hoạt động tốt hơn những tổ chức khác. Vì vậy, chúng ta phải suy nghĩ về các thể chế của mình và cách chúng hoạt động, đồng thời chúng ta phải giữ cho chúng trung thực và đảm bảo rằng chúng hoạt động tốt.
Tóm lại là vừa đảm bảo tư duy phản biện ở các cá nhân phải được phát triển và vừa phải đảm bảo rằng các tổ chức của chúng ta hoạt động theo cách mà chúng phải làm. Sau đó là vai trò của công nghệ, và đó là một vai trò rất lớn.
Và rất có khả năng chúng ta cần luật pháp để làm cho công nghệ hoạt động tốt hơn. Nhưng đó là một thách thức. Chúng ta không thể hợp pháp hóa nội dung sai lệch. Đó sẽ là một ý tưởng rất tồi. Chúng ta phải làm điều đó theo những cách khác.
IAI: Vậy về chủ đề các thể chế của chúng ta, liệu có phải các thể chế xã hội, có thể là mảng giáo dục, có thể là các công nghệ mới nổi, liệu có phải đó là những nơi dạy chúng ta các tư duy phản biện cần thiết?
Asa Wikforss: Không, tôi nghĩ chúng ta không biết phải làm gì bây giờ. Tôi nghĩ rằng đây là một tình huống thực sự khó khăn. Ý tôi là, hãy nhìn xem, ngôn ngữ giao tiếp là bản chất của con người. Chúng ta sử dụng ngôn ngữ để hợp tác, để chuyển giao kiến thức từ cá nhân này sang cá nhân khác. Nó là trung tâm của chúng ta. Vì vậy, mỗi khi có một cách mới để giao tiếp, công nghệ mới để giao tiếp, xã hội sẽ trải qua những biến đổi căn bản. Máy in xuất hiện dẫn tới phong trào cải cách và Tin lành thay thế Công giáo.
Kết quả là, một số nhà sử học nói, đúng vậy, và chúng ta đã có những tờ báo mới và chúng ta đã từng bước có nền dân chủ tự do cùng với điều đó. Và khi cuộc tấn công xảy ra, Đức quốc xã đã sử dụng điều đó để tuyên truyền. Vì vậy, chúng ta hiện đang ở giai đoạn sơ khai của một công nghệ mới mà chúng ta không biết cách xử lý.
Chúng ta đang lơ lửng và bất định, phải không? Chúng ta có thể sẽ tìm ra cách để giải quyết rắc rối của thời đại, nhưng có thể mất một chút thời gian. Đó là một vấn đề thực sự.
IAI: Tương lai mà bà muốn nhìn thấy về cách mọi người phản biện các dữ kiện mà họ tiếp nhận là gì?
Asa Wikforss: Tôi muốn chúng ta có một xã hội nơi chúng ta có những cơ quan tri thức, đáng tin cậy, nơi mà các học viện hoạt động theo cách không có gian lận trong nghiên cứu của họ và tất cả những thứ tương tự; nơi mà các phương tiện truyền thông, những phương tiện truyền thông lâu đời, thực hiện công việc nghiêm túc trong việc đưa ra một bức tranh có sắc thái về những gì đang diễn ra; và nơi chúng ta có cách loại bỏ những nguồn thông tin sai lệch tồi tệ nhất; cùng với giáo dục, giúp mọi người chuẩn bị để đối phó với chúng; vì tin giả sẽ luôn lởn vởn với chúng ta, và mọi người cần học cách xử lý nhiều nguồn thông tin mà chúng ta hiện có.
Chúng ta không thể quay lại tình trạng chỉ có một vài nguồn đáng tin cậy. Cách đó quá đơn giản, phải không? Chúng ta không thể quay lại đó. Chúng ta sẽ có rất nhiều nguồn tin, một sự đa nguyên. Và bạn cần dạy trẻ em và thanh thiếu niên cách xử lý sự đa nguyên đó để chúng tìm được những nguồn đáng tin cậy và tin tưởng những nguồn đó và có thể chống lại những nguồn khác.
Và đó là một thách thức siêu vĩ mô. Nhưng tôi nghĩ rằng các trường học hiện đang suy nghĩ rất nhiều về điều này, vì vậy tôi hy vọng rằng đó cũng sẽ là điều mà chúng ta có thể làm.
Lược dịch: Lê Duy Nam
Nguồn: Sự kiện thay thế và sự không chắc chắn | Åsa Wikforss – YouTube
>>> Cuốn sách Dữ kiện lấp lửng của Asa Wikforss đã được Book Hunter dịch và xuất bản, tìm hiểu thêm thông tin và đặt mua cuốn sách tại đây.