Home Chuyên đề tháng Thần thoại La Mã (1): Thần thoại lập quốc và truy tìm gốc tích thực sự của cặp đôi Mars & Venus

Thần thoại La Mã (1): Thần thoại lập quốc và truy tìm gốc tích thực sự của cặp đôi Mars & Venus

than-thoai-la-ma-1-than-thoai-lap-quoc-va-truy-tim-goc-tich-thuc-su-cua-cap-doi-mars-venus

Thần thoại La Mã bao gồm các truyền thuyết liên quan đến nguồn gốc và hệ thống tín ngưỡng thời La Mã cổ đại (753 BC–476 AD). Những người La Mã xưa kia thường coi những truyền thuyết này là lịch sử, ngay cả khi các câu chuyện có mang đậm các yếu tố siêu nhiên, thường gắn với các ý niệm về chính trị và đạo đức.

Xuất xứ đầu tiên của thần thoại La Mã có lẽ liên đới tới tín ngưỡng Etruscan. Tuy rằng dấu vết của Etruscan không sâu đậm bằng thần thoại Hy Lạp, nhưng lại ảnh hưởng lớn đến sự khúc xạ hình ảnh của các vị thần Hy Lạp vào thế giới La Mã. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của văn hóa Sabines và văn hóa Carthage cũng được ghi dấu trong hệ thống các vị thần.  So với thần thoại Hy Lạp, thần thoại La Mã ít mang tính chất siêu hình và vũ trụ luận hơn, mà phản ánh trực tiếp các đặc tính của xã hội La Mã cổ đại thông qua các nghi lễ tôn giáo.

Mặc dù vậy, thần thoại La Mã vẫn chịu ảnh hưởng chủ đạo từ thần thoại Hy Lạp thông qua sao chép các hình thức diễn xướng, hệ thống các vị thần, các câu chuyện… Tuy nhiên, do các yếu tố khác biệt về dân tộc, người La Mã vẫn cố xác định các vị thần riêng của họ, hoặc định danh các vị thần Hy Lạp theo tên gọi La Mã. Những tên gọi quen thuộc mà chúng ta vẫn gọi bằng tiếng Latin như Jupiter, Bacchus, Venus, Juno… đều là những cái tên La Mã dùng để ám chỉ các vị thần Hy Lạp cổ đại, và đã mang các chức năng phù hợp với thần ở thời kỳ La Mã. Rất khó phân định rạch ròi chức năng thực sự của một vị thần Hy Lạp đã được La Mã hóa.

Những ghi chép căn bản đầu tiên về sự biến chuyển từ thần thoại Hy Lạp sang La Mã chính là tác phẩm “Metamorphoses” (tức “Biến thể”) của Ovid, được viết dưới triều đại của hoàng đế Augustus. Một câu hỏi luôn đặt ra đó là liệu người La Mã có một hệ thống các vị thần riêng hoặc các vị thần đơn lẻ riêng của dân tộc này hay không, đến nay vẫn còn gây ra nhiều tranh luận. Thần thoại La Mã không như thần thoại Hy Lạp, có một hệ thống những câu truyện kể được xâu chuỗi mạch lạc và đạt trình độ văn học cao, mà mang nhiều yếu tố huyền thoại, tức là sự nhào nặn giữa lịch sử và các yếu tố huyền hoặc.

Ngoài tác phẩm của Ovid, ta có thể tham khảo một số tác phẩm cổ đại khác bao gồm:

  • “Aeneid” của Virgil: Là một bài thơ sử thi Latin, được Virgil sáng tác khoảng 29-19TCN, kể về người anh hùng Aeneas của Trojan, đã tới Ý và trở thành tổ tiên của người La Mã. Aeneas vốn là một nhân vật xuất hiện trong “Iliad”.
  • Một vài cuốn sách về lịch sử của Livy
  • Tác phẩm Fasti hay còn được viết là Fausti của Ovid. Tác phẩm được viết khi Ovid bị Augustus đuổi khỏi La Mã. Ông viết tác phẩm này như một chuỗi đối thoại nhằm giải thích nguồn gốc các vị thần và mô tả các nghi lễ La Mã cổ đại.
  • Ghi chép về các vị thần trong các tác phẩm của Varro.

Như vậy, chúng ta sẽ có 3 nhóm chủ đề cần phải giải quyết khi tìm hiểu về thần thoại La Mã:

  1. Sự chuyển đổi các vị thần từ Hy Lạp cổ đại sang La Mã cổ đại
  2. Huyền thoại lập quốc của La Mã cổ đại
  3. Các vị thần cổ của văn hóa Etruscan và Sabines đã du nhập vào hệ thống thần La Mã như thế nào.

Ngoài ra chúng ta không thể không xem xét các nhận định của các nhà nghiên cứu hiện đại thông qua quá trình khảo cổ và điền dã quanh khu vực Roma cổ đại.

Từ Trojan đến Rome: Mars & Venus trong thần thoại lập quốc

Để tìm hiểu gốc tích của thần thoại La Mã, chúng ta cần tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ của sắc tộc đã thành lập nên Roma. Thần thoại phổ biến nhất mà chúng ta được biết nên nay đó là, cái tên “Rome” bắt nguồn từ tên của vị anh hùng Romulus. Một huyền thoại cổ hơn đưa chúng ta đến với vị anh hùng đầu tiên của La Mã, được các nhà văn cổ đại coi là ông tổ của Romulus: Aeneas.

Aeneas có nghĩa là “ngợi ca”, chàng là con trai của hoàng thân Anchises và nữ thần Venus (cũng có thể là Aphrodite). Hoàng thân Anchises là anh em họ của vua Priam thành Trojan. Như vậy, Aeneas có xuất xứ từ Trojan. Trong bản trường ca “Aeneid” được viết bởi Virgil (cuối thế kỷ I TCN), Aeneas đã thực hiện cuộc hành trình qua Carthage, rồi đến vùng đất của các nhóm sắc tộc Latins. Tại đây, chàng được vua Latinus gả con gái và giúp vua Latinus chống lại những đợt tấn công từ vùng Ruuli và Entruscan. Trường ca của Virgil bị bỏ dở từ cuộc chiến này. Những đoạn lịch sử sau về anh hùng Aeneas được các nhà nghiên cứu lượm lặt từ các tác phẩm của Ovid và Livy. Theo Livy, Aeneas đã chiến thắng, kế vị Latinus và thành lập thành bang Lavinium, đặt theo tên của vợ ông.

Xuyên suốt các mẩu chuyện liên quan đến  Aeneas, chúng ta đều thấy hình bóng của các vị thần như Venus, Jupiter, Juno… Aeneas với các chiến công và hành trình của mình cũng được các vị thần ban cho sự bất tử. Mô tuýp này tương đồng với các huyền thoại của các anh hùng Hy Lạp, và có chung một cấu trúc hành trình vượt qua khó khăn để đạt tới sự vĩ đại.

Dựa trên các sử thi, ta có thể thấy rằng có 2 lớp văn hóa đặc trưng mà từ đó có thể nảy sinh nên các đặc tính của thần thoại La Mã: văn hóa thành Trojan và văn hóa của các sắc tộc Latins bản địa đã có sẵn dưới sự cai trị của vua Latinus.

Không có nhiều sử liệu ghi chép về Trojan, chúng ta biết về Trojan qua cuộc chiến thành Trojan được đề cập đến trong sử thi “Illiad” của Homer. Sau thất bại trong cuộc chiến (vào thời kỳ đồ Đồng), Trojan bị bỏ rơi, không được đề cập đến trong thần thoại cũng như lịch sử, và dần dần tiếp nhận những cuộc di dân từ Hy Lạp, sau đó trở thành vùng đất của người Hittie và đế chế Ba Tư. Mặc dù trong suốt dòng lịch sử của châu Âu, đi tìm dấu vết của thành Trojan là mong muốn lớn của các nhà khảo cổ, nhưng đến nay vẫn chưa có chứng tích xác thực về thành bang này, mà qua sử thi “Illiad” chỉ định vị được vị trí nằm ở khu vực Tiểu Á, tức Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Toàn bộ quá trình phát triển và nguồn gốc sắc tộc của Trojan cũng không được ghi chép hay kể lại, nên chúng ta không thể biết chắc chắn rằng văn hóa Trojan có tương đồng với văn hóa Hy Lạp cổ đại hay không, và liệu hai kẻ thù không đợi trời chung này có thờ cùng một hệ thống các vị thần hay không. Tất cả những gì chúng ta được biết đến nay là qua lời kể của Homer, người kể chuyện  Hy Lạp, với mục đích ca ngợi các anh hùng Hy Lạp, chứ không phải từ các hậu nhân của Trojan.

Có một liên minh các bộ tộc Latins được cai trị bởi vua Latinus trước khi Aeneas đến vùng đất của họ. Khu vực này được định vị ở miền  Trung nước Ý ngày nay. Có một sự bất đồng trong thần thoại của người Hy Lạp và của người  La Mã về Latinus: người La Mã cho rằng chính vua Latinus là người đã bảo hộ cho Aeneas và gả con gái của mình cho chàng; còn người Hy Lạp cho rằng vua Latinus là con trai của người anh hùng Odyssey, tức là thuộc thế hệ sau của Aeneas (1). Nếu theo thuyết của người Hy Lạp thì sẽ không thể có sự kiện Latinus bảo hộ và gả con gái của Aeneas và lúc ấy có khả năng Latinus chỉ là một đứa trẻ. Cũng theo người Hy Lạp, Latinus có gốc tích từ văn hóa Etruscan, mà theo sử thi của Virgil thì Etruscan là nhóm người đã tấn công thành bang của Latinus.

Văn hóa Etruscan được hình thành trên khu vực  miền Trung nước Ý hiện nay bởi một nhóm sắc tộc Latin ở vùng biển, có chữ viết phái sinh từ gốc Hy Lạp cổ đại. Giai đoạn cuối thời kỳ đồ Đồng, tương đương với thời gian được cho là cuộc chiến thành Trojan diễn ra và Aeneas du hành tới vùng đất của các bộ lạc Latins, văn hóa Etruscan thuộc giai đoạn văn hóa Villanovan. Văn hóa bản địa Villanovan có xu hướng bình đẳng trong chôn cất người chết, họ có truyền thống hỏa thiêu và chôn cất người quá cố trong bình chum (2), thế nhưng đã tiếp thu hình thức chôn cất thể hiện đẳng cấp quý tộc của người Hy Lạp mà bằng chứng là những ngôi mộ được chôn theo nghi thức anh hùng với các đồ tùy táng áo giáp, ngựa chiến và vũ khí bằng đồng… Cũng trong giai đoạn này, người Etruscan đã có sự giao thương với người Hy Lạp cổ đại cũng như nhiều thành bang khác ở khu vực Địa Trung Hải. Trước khi du nhập các vị thần Hy Lạp, người Etruscan có một hệ thống các vị thần của mình. Hệ thống tín ngưỡng Etruscans được ghi lại trong những sách thiêng của họ và tương truyền được truyền dạy bởi vị tiên tri như trẻ thơ  Tages và tiên nữ Vegoia. Người Etruscans đặt niềm tin vào thần mặt trời Usil, thần mặt trăng Tivr, thần công dân Selvans, nữ thần tình yêu Turan, thần chiến tranh Laran, thần chết Leinth và các vị thần cây. Những vị thần này có thể về sau đã được đồng nhất với các vị thần Hy Lạp và góp phần hình thành nên hệ thống thần La Mã (Theo dõi ở phần sau).

Một khoảng trống lớn trong thần thoại và lịch sử đã tồn tại ở các bộ lạc Latins trước khi hai anh em Romulus và Remus ra đời, và các nhà nghiên cứu không tìm được nhiều bằng chứng cho thấy sự liên đới giữa cặp song sinh này với người anh hùng Aeneas huyền thoại, ngoại trừ qua ghi chép của các tác giả La Mã vào thế kỷ III TCN. Theo huyền thoại của người La Mã, cặp song sinh được ra đời tại Alba Longa, một vùng gần với Rome hiện nay và thuộc dòng dõi của vị vua cai trị tại đây. Hậu duệ của Aeneas đã cho xây Alba Longa theo các sườn đồi trong vùng và duy trì sự cai trị tại đây, trở thành một trong số các thế lực của liên minh Latins cho đến khi thành bang Rome thôn tính và thống nhất các bộ lạc.

Theo thần thoại La Mã, Romulus và Remus là con trai của thần chiến tranh Mars, và là cháu trai của vị vua đã bị lật đổ của Alba Longa. Sự gần gũi của cặp song sinh với gốc Trojan có thể thấy qua mối liên đới với Aeneas, tuy nhiên sự liên hệ với thần Mars không thể hiện rõ ràng liệu rằng họ thuộc văn hóa Etruscan hay văn hóa Hy Lạp hay là sự hỗn hợp phức tạp của hai văn hóa này. Thần Mars, theo niềm tin đại chúng, vốn là sự La Mã hóa thần chiến tranh Ares của Hy Lạp, nhưng các vết tích của ngôn ngữ và khảo cổ đã chỉ ra gốc tích Etruscan của vị thần này.

Brogi, Carlo (1850-1925) - n. 8226 - Certosa di Pavia - Medaglione sullo zoccolo della facciata.jpg
Hình điêu khắc Romulus và Remus

Thần Mars có vị trí cao trong thần thoại La Mã, chỉ đứng sau Jupiter, vừa là vị thần bảo hộ nông nghiệp vừa là vị thần quân sự. Vị trí này cao hơn so với thần Ares trong tín ngưỡng của người Hy Lạp, vốn bị khinh ghét và coi thường. Thậm chí, dưới thời hoàng đế Augustus, Mars đã leo lên vị trí thần chủ chốt và đưa vào trung tâm của đàn tế hoàng gia (3). Có nhiều tranh cãi liên quan đến nguồn gốc của tên gọi “Mars”, và một trong các giả thuyết được đưa ra là có gốc tích từ thần  Maris, vị thần chiến binh có hình dạng của đứa trẻ sơ sinh (4). Tuy nhiên, những thần tích của Mars lại hoàn toàn tương đồng với thần tích của Ares trong thần thoại Hy Lạp. Riêng mối tình của Mars và Venus (hay Ares và Aphrodite) còn tương đồng với cặp đôi Laran (thần chiến tranh) và Turan (thần tình yêu và sinh sản) của người Etruscan. Các bức tượng điêu khắc Laran đều miêu tả thần như một thanh niên khỏa thân đội mũ giáp và mang giáo với sức mạnh của lửa và mặt trời. Tương tự như Laran, Mars cũng có vũ khí là một cây giáo và cây giáo của thần Mars là tượng trưng cho quyền lực của các vị vua La Mã – vũ khí này không hề xuất hiện trong các điêu khắc của thần Ares (5).

Bronzetti etrusco-romani, laran (ares-marte) 05.JPG
Thần chiến tranh Laran – thường được đồng nhất với Ares để tạo thành Mars trong thần thoại La Mã

Tới đây, có lẽ chúng ta cũng nên xem xét đến vị nữ thần Venus được cho là mẹ của Aeneas. “Venus” trong tiếng Latin có nghĩa là ham muốn tình dục, tình yêu mang ý nghĩa dục tính, có gốc từ “venerari” có nghĩa là “cố gắng làm hài lòng” và “venia” với ý nghĩa là “ân sủng, ân huệ”. Về sức mạnh thôi miên và quyền năng mang đến ham muốn nhục dục nam – nữ,  cũng như toàn bộ thần tích, Venus của thần thoại La Mã và Aphrodite của thần thoại Hy Lạp tương đồng với nhau. Nếu Aphrodite được sinh ra từ bọt biển thì Venus cũng được mô tả là đại diện cho nước tràn đầy. Cả Aphrodite và Venus vừa là vị thần tình yêu nhưng cũng vừa là vị thần ban phát chiến thắng trong chiến tranh. Thế nhưng, nếu so sánh với nữ thần tình yêu Turan của người Etruscan, chúng ta sẽ thấy Aphrodite – Venus không có nhiều sự tương đồng ngoài mối tình với thần chiến tranh Laran, thậm chí người dân Etruscan cũng đồng nhất Aphrodite với Turan qua thần tích về mối tình của Turan với Atunis (tương ứng với mối tình của Aphrodite và Adonis). Như vậy, nhiều khả năng cho thấy Venus là cách gọi tiếng Latin của Aphrodite và đã được du nhập từ Trojan. Aphrodite là vị nữ thần được du nhập vào thế giới Hy Lạp và có gốc tích từ vùng Cận Đông, gần vùng đất của Trojan, liên đới đến nữ thần sắc dục Astarte của người Phoenicia, nữ thần tình yêu và chiến tranh Ishtar của văn minh Lưỡng Hà, và có lẽ cổ xưa hơn là nữ thần Innana đại diện cho tình yêu, sắc dục và công lý của người Sumer (6). Sử thi Homer cũng ghi nhận Aphrodite nằm trong số những vị thần đứng về phía Trojan trong cuộc chiến thành Trojan, điều này cho thấy vị trí bảo hộ của Aphrodite trong cộng đồng Trojan lúc bấy giờ.

Như vậy ta có thể thấy, sự hình thành nên quyền lực của Rome gắn liền tới hai vị thần đại diện cho hai giá trị đối lập nhau: Chiến tranh và tình yêu; đồng thời là sự kết hợp giữa tín ngưỡng Etruscan và tín ngưỡng tồn tại ở Trojan vào cuối thời kỳ đồ Đồng.

Hà Thủy Nguyên

>> Đọc đầy đủ chùm bài: Thần thoại La Mã Archives – Book Hunter

Chú thích

(1) Theo Theogony của Hesiod, dòng 1011–1016.
(2) Art and Archaeology of Ancient Rome. Midnight Marquee Press (2015), trang 9 – Tác giả David Soren & Archer Martin.
(3) Imperium and Cosmos: Augustus and the Northern Campus Martius (University of Wisconsin Press, 2006), trang 11–12 – Tác giả Paul Rehak and John G. Younger.
(4) Etruscan Life and Afterlife: A Handbook of Etruscan Studies (Wayne State University Press, 1986), trang 226 – Tác giả Larissa Bonfante.
(5) Roman Gods: A Conceptual Approach (Brill, 2009), trang 88 – Tác giả Michael Lipka.
(6) Greek Religion, Cambridge, Massachusetts: Harvard University (1985), trang 152, 153 – Tác giả Walter Burker.

Thần thoại La Mã (2): Quân đội của Romulus cưỡng hiếp phụ nữ dẫn đến sự tiếp thu các vị thần Sabines như Saturn, Diana, Janus…

>> Đọc đầy đủ chùm bài: Thần thoại La Mã Archives - Book Hunter Thành bang Roma mới với nhiều dân Latin bản địa và tị nạn, đa phần đều là đàn ông trẻ tuổi chưa có gia đình. Khi dân số tăng lên dưới sự cai trị của Romulus, sự chênh lệch tỉ lệ đáng kể giữa nam độc thân và nữ độc thân đã trở thành vấn đề lớn của xã hội Roma.  Romulus sau khi thất bại trong kế hoạch kêu gọi

Thần thoại La Mã (3): Ảnh hưởng từ thần thoại Hy Lạp đã đưa các tiểu thần yếu ớt như Neptune, Pluto, Juno… thành thần tối cao

>> Đọc đầy đủ chùm bài: Thần thoại La Mã Archives – Book Hunter Sự ảnh hưởng của thần thoại Hy Lạp tới thần thoại La Mã chuỗi phức tạp khó phân định, dù rằng ta có thể dễ dàng tìm thấy các vị thần ở La Mã tương ứng với thần Hy Lạp. Qua những phần I, II, một  điểm dễ nhận thấy đó là dù là vị thần bản địa hay du nhập thì vẫn đều trải qua sự đồng nhất với các thần