Đây là phần trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ của nhà văn Hà Thủy Nguyên về chủ đề tại sao Việt Nam không thể kiến tạo được các thế giới hư cấu trong văn chương. Do báo Tuổi Trẻ bị giới hạn số từ, vậy nên Book Hunter xin đăng tại toàn bộ phần trả lời của nhà văn Hà Thủy Nguyên đã bị cắt bỏ.
Câu hỏi: Thông thường, để viết một câu chuyện hay làm bộ phim hư cấu, các nhà văn, biên kịch thường chọn bối cảnh ở Trái Đất vì ai cũng biết hình dạng, thời tiết, môi trường của Trái Đất thế nào. Thế nhưng, có một số nhà văn lựa chọn việc xây dựng một thế giới mới hoàn toàn với tiền tệ, thời tiết, địa hình cũng khác biệt. Ở phương Tây thì có khá nhiều tác phẩm thế này như em có kể ra ở tin nhắn gửi chị. Chị cho phép em hỏi chị có cho rằng các nhà văn, nhà phát triển game, tác giả truyện tranh… ở Việt Nam cũng có thể sáng tạo những tác phẩm logic, dày dạn như thế không ạ?
Trả lời:
Sở dĩ các cốt truyện khoa học viễn tưởng hoặc fantasy của phương Tây có thể được cấu trúc một cách chặt chẽ với những thế giới hư cấu sinh động là bởi có một truyền thống hư cấu các thế giới từ thời các thần thoại, sử thi, và sau đó là các tiểu thuyết… Tại Việt Nam, chúng ta không có một lịch sử của hư cấu dày dặn như vậy. Những hư cấu của người Việt mà chúng ta biết đến nay thường vụn vặn, thiếu liên kết, và thiếu những diễn biến phức tạp. Cũng từ đó mà dẫn đến các tác phẩm của Việt Nam thường là thơ, truyện ngắn, bút ký. Trước thế kỷ 18, Việt Nam không hề có tiểu thuyết, và chỉ đến đầu thế kỷ 20 mới có tiểu thuyết hiện đại. Cho đến nay, nền tiểu thuyết Việt Nam vẫn còn ở mức độ sơ khai. Hãy thử so sánh với nền tiểu thuyết lâu đời của phương Tây. Không phải những cuốn tiểu thuyết hư cấu về thế giới khác ban đầu đã hoàn hảo, nhưng các thế hệ nhà văn sau lại học tập các yếu tố từ các nhà văn trước. Cứ thế, cứ thế, những thế giới hư cấu nổi tiếng của phương Tây hiện nay đều là một quá trình cải tiến từ các thế giới trước đó. Do đó, các tác phẩm hư cấu về thế giới mới ở Việt nam hiện nay, theo tôi, chỉ là một bản sao chép nhiều lỗi của các thế giới hư cấu phương Tây chứ chưa thể sánh được về độ logic và dày dạn.
Câu hỏi: Nếu một nhà văn, nhà làm phim sáng tạo được một tác phẩm thế giới hư cấu như vậy thì ở những lĩnh vực văn hóa khác (truyện tranh, game, phim ảnh…) sẽ có lợi như thế nào ạ?
Trả lời:
Nếu có những tác phẩm thế giới hư cấu xuất sắc, đương nhiên sẽ có ảnh hưởng lớn tới các ngành văn hóa đại chúng khác như truyện tranh, game, phim ảnh. Bởi vì cả 3 ngành ấy đều thiếu nhất chính là… kịch bản. Họ chỉ có những thiết kế rời rạc, những chuỗi hành động thiếu sức sống. Con người thường có xu hướng thích thú với thế giới hư cấu hơn thế giới thực và ngày càng muốn nó thực hơn, hoặc thực theo các cách khác nhau, và nếu muốn vậy, thì cần trí óc tưởng tượng không phải chỉ riêng nhà văn, mà của những nhà kiến tạo thế giới.
Câu hỏi: Chị cho rằng các tác giả Việt Nam hiện nay gặp những khó khăn gì nếu xây dựng một thế giới hư cấu hoàn toàn ạ và giải pháp cho họ là như thế nào ạ?
Trả lời:
Các tác giả Việt Nam khó có thể kiến tạo một thế giới hư cấu hấp dẫn, bởi vì 2 nguyên nhân. Nguyên nhân khách quan, như tôi đã nói ở trên, là do Việt Nam thiếu nền tảng của những thế giới hư cấu từ thần thoại, truyền thuyết và sáng tác văn học của thế hệ trước. Nhưng nguyên nhân quan trọng hơn và căn bản hơn, đó là những người kiến tạo thế giới hư cấu ở Việt Nam đa phần đều cảm tính, thiếu kiến thức đa dạng, và vẫn bị ám ảnh bởi những thế giới hư cấu có sẵn ở phương Tây nên họ chỉ gần như sao chép chứ chưa thể tạo ra thế giới mới. Giải pháp duy nhất chỉ có thể là học hỏi nhiều hơn, suy nghĩ nhiều hơn, và kiểm tra xem mỗi ý tưởng đến với mình có thật là của mình không hay là do mình bị ảnh hưởng từ tác phẩm hoặc sản phẩm nào đó khác.
Câu hỏi: Để viết một tác phẩm hư cấu thông thường thì một tác giả có thể đảm nhiệm nhưng để tạo ra một tác phẩm hư cấu thế giới thì có khi cần phải có một đội ngũ để cùng làm việc về ý tưởng, nhân vật. Chị thấy thế nào về khả năng sáng tác nhóm, làm việc chung với một e-kip lớn của các tác giả Việt Nam ạ.
Trả lời:
Tôi không cho rằng nhất thiết phải có một đội ngũ để làm việc về ý tưởng và nhân vật. Một cá nhân có thể tự sáng tạo được, với điều kiện cá nhân ấy có đủ tài năng và sự hiểu biết. Một ê-kíp với những cá nhân thiếu tri thức và tài năng thì chẳng thể nào ra được tác phẩm hay mà chỉ là sự chắp vá. Đương nhiên, nếu có thể tổ chức một ê-kíp tốt thì có thể ra các sản phẩm đa dạng hơn về hình thức biểu hiện, còn hay hơn thì tôi không dám chắc. Làm việc ê-kíp có thể cần thiết với làm phim, truyện tranh, game… nhưng với tiểu thuyết thì tôi không cho đó là cách thức làm việc hiệu quả. Hoặc nó chỉ hiệu quả, xin nhấn mạnh một lần nữa, khi có các cá nhân có đủ tài năng và tri thức.
Mai Thụy thực hiện