Home Đọc Sự trở lại của Địa chính trị

Sự trở lại của Địa chính trị

le-nam

Lê Nam

19/07/2018

“Địa chính trị” (tiếng Anh: Geopolitics) không phải là một thuật ngữ mới lạ đối với độc giả hiện nay, đặc biệt là độc giả của thế giới mạng. Nếu ta thử tìm kiếm “Geopolitics” trên google thì sẽ có tới hơn 6 triệu kết quả, và kết quả đối với cụm từ “Địa chính trị” còn nhiều hơn, khoảng 10 triệu kết quả. Mặc dù thuật ngữ “Địa chính trị” được sử dụng một cách tràn lan trên Internet như hiện nay, nhưng ít ai biết chính xác môn học “Địa chính trị” là gì và có một lịch sử phát triển như thế nào. Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu Địa chính trị ngày càng cao của độc giả hiện nay, vào năm 2007 nhà xuất bản đại học Oxford (Oxford University Press) đã ấn hành tác phẩm “A very short introduction to Geopolitics” của giáo sư Địa chính trị Klaus Dodds, hiện đang giảng dạy bộ môn Địa chính trị tại đại học London, Anh Quốc (University of London). Nhà xuất bản Tri Thức đã dịch và ra mắt độc giả Việt Nam tác phẩm này với tiêu đề “Địa chính trị” vào đầu năm 2018. Đây là tác phẩm có tính giáo trình đầu tiên về “Địa chính trị” bằng tiếng Việt, phù hợp với nhiều đối tượng độc giả khác nhau, từ các nhà nghiên cứu chính trị hay sinh viên theo học ngành chính trị, ngoại giao và cả các độc giả đại chúng muốn tìm hiểu về các thuật ngữ Địa chính trị đang được sử dụng rộng rãi trên Internet.
Địa chính trị là gì?
Địa chính trị không phải là một thuật ngữ dễ định nghĩa. Mặc dù các phương tiện truyền thông đại chúng rất ưa thích sử dụng thuật ngữ này nhưng lại rất ít khi định nghĩa nó một cách rõ ràng. Bách khoa toàn thư Cordellier của Pháp vào năm 2005 đã viết: Tần suất sử dụng thuật ngữ Địa chính trị thường tỉ lệ thuận với sự thiếu vắng định nghĩa chính xác của nó. Trong khi đó, giới hàn lâm lại đưa ra rất nhiều định nghĩa khác nhau, thể hiện một cuộc tranh luận học thuật chưa có hồi kết.
Nhà địa lý Saul Cohen vào năm 2003 đã chỉ ra rằng Aristotles, Montesquieu, Kant, Hegel và Humboldt đã có hiểu biết về Địa chính trị, tuy nhiên khái niệm Địa chính trị mãi sau này mới xuất hiện. Rudolf Kjellén định nghĩa Địa chính trị là một học thuyết cho rằng nhà nước là một cơ thể hay hiện tượng về địa lý trong không gian. Học giả Đức Karl Haushofer định nghĩa Địa chính trị là một môn khoa học quốc gia mới về nhà nước, …một luận thuyết về việc không gian quyết định mọi hoạt động chính trị. Haushofer xem ngành Địa lý chính trị là một phần quan trọng của Địa chính trị. Saul Cohen đã định nghĩa Địa chính trị trong cuốn sách xuất bản năm 2003 của ông như sau: Địa chính trị là sự phân tích các tương tác giữa, một bên là bối cảnh và triển vọng địa lý, còn một bên là các hoạt động chính trị. Cả bối cảnh địa lý và hoạt động chính trị đều năng động và tương tác qua lại lẫn nhau. Địa chính trị đi giải quyết hệ quả của sự tương tác này.
Dù là định nghĩa như thế nào thì Địa chính trị đều có hai thành phần bất di bất dịch: sức mạnh (nhà nước, ảnh hưởng) và không gian (chủ quyền, lãnh thổ). Tìm hiểu hai yếu tố này chính là mấu chốt của Địa chính trị.
Số phận thăng trầm của Địa chính trị
Địa chính trị trong hơn 100 năm qua đã trải qua một quá trình phát triển gồm bốn giai đoạn khá rõ ràng: đột sinh (emergence), bị tai tiếng (notoriety), suy tàn (decline) và hồi sinh (revival).
Thuật ngữ “Địa chính trị” lần đầu tiên được nhắc tới là vào năm 1899 bởi nhà khoa học chính trị người Thuỵ Điển tên là Rudolf Kjellén. Các tác phẩm của Kjellén ngay từ đầu đã thu hút được sự chú ý của các học giả Đức muốn hiểu mối quan hệ giữa chính trị và địa lí. Nước Đức từng được Michael Korinman nhận xét vào năm 1990 là “đất nước của các nhà địa lí” và thực sự trong nửa đầu thế kỷ XX, Đức là nơi Địa chính trị phát triển mạnh mẽ nhất. Tác phẩm Địa chính trị xuất sắc của đô đốc hải quân Hoa Kì Alfred Thayer Mahan với tên gọi “The Influence of Sea Power upon History, 1660-1783” (Ảnh hưởng của sức mạnh trên biển đối với lịch sử, 1660-1783 do NXB Tri Thức dịch và xuất bản năm 2012) cũng đã được dịch sang tiếng Đức và được hào hứng đọc vào những năm 1920-1930 và góp phần định hình tư duy Địa chính trị ở Đức trong thời gian này, đặc biệt là trong sự phát triển luận thuyết liên-khu vực (pan-regional theorizing). Học giả Karl Haushofer, một cựu quân nhân Đức trong thế chiến I, đã dành cả đời để phát triển bộ môn này không chỉ ở Đức mà còn ở Nhật và có thể còn nhiều nơi khác, bằng việc thành lập ra các viện nghiên cứu và tạp chí Địa chính trị trong thời gian trước khi Hitler lên nắm quyền vào năm 1933. Ông đã bị xử tử cùng với vợ vào năm 1946 vì bị cho là đã ảnh hưởng đến tư tưởng của Hitler, một vụ án mà giờ đây nhiều học giả Anh – Mỹ đã đặt dấu chấm hỏi, trong đó có Klaus Dodds, tác giả của cuốn “Địa chính trị.”
Trong khi Địa chính trị ở Đức và Bắc Âu được nghiên cứu và trao đổi mạnh mẽ kể từ đầu thế kỷ 20 thì tại Hoa Kỳ, vào tháng 11 năm 1939 tạp chí Life đã công bố một bài lên án Karl Haushofer và khẳng định rằng Địa chính trị, với tư cách một môn thực hành khoa học, không chỉ cung cấp cho chủ nghĩa Quốc xã một cảm thức hợp lý chiến lược (strategic rationality), mà còn đầu tư cho Chủ nghĩa Xã hội Dân tộc (Quốc xã) một thứ tâm thức giả tạo. Địa chính trị bị lên án là một hoạt động lừa đảo không đáng được quan tâm nghiêm túc về học thuật. Năm 1941, tạp chí Reader’s Digest đã viết rằng có ít nhất trên 1000 nhà khoa học sẵn sàng bênh vực tư tưởng Địa chính trị của Hitler. Các năm sau đó nhiều trí thức Đức di cư như Hans Weigert, Andreas Dorpalen, Andrew Georgy, và Robert Strausz-Hupe đã luôn tin rằng Địa chính trị Đức chính là tòng phạm khoa học của Nazi. Không nằm ngoài dự đoán, khi Thế chiến II kết thúc và phần thắng nghiêng về phe Anh-Pháp-Mỹ thì số phận của Địa chính trị cũng bi thảm như Karl Haushofer, bị cho vào dĩ vãng.

Theo công cụ tìm kiếm độ phổ biến của các thuật ngữ trong sách học thuật, Ngram (https://books.google.com/ngrams), thì Geopolitics được xuất hiện phổ biến nhất vào chính thời điểm nổ ra chiến tranh thế giới thứ II, và ngay sau khi chiến tranh kết thúc thì nó đã thoái trào một cách nhanh chóng. Leslie Hepple đã xác nhận rằng “Địa chính trị” đã bị vứt bỏ khỏi đời sống chính trị và đại chúng Mỹ trong khoảng thời gian 1945-1970. Nó luôn được thận trọng tránh né và nếu ai dám đả động tới là có thể bị khiển trách và đe doạ trừng phạt.
Sự tái phổ biến trở lại của Địa chính trị chính là nhờ Ngoại trưởng Henry Kissinger. Vào thập niên 70 của thế kỷ XX, khi Hoa Kỳ đang sa lầy trong chiến tranh tại Việt Nam và bị mất lòng tin của người dân thì Kissinger, bằng kiến thức hàn lâm về Địa chính trị, đã nhận thấy Hoa Kỳ cần hợp tác với Trung Quốc nếu muốn chặn đứng sự phát triển của Liên Xô ở châu Á. Ông là một người Đức di cư và đã có một bài luận văn tiến sĩ về đề tài Địa chính trị châu Âu thế kỷ XIX. Mặc dù cách dùng thuật ngữ Địa chính trị của Kissinger trên chính trường không rõ ràng được như trong luận án tiến sĩ của ông, nhưng chỉ cần danh tiếng của ông cũng đủ để tái phổ biến thuật ngữ này trong văn hoá chính trị Hoa Kỳ và giới hàn lâm cũng bắt đầu nghiên cứu Địa chính trị một cách nghiêm túc. Và tới giờ phút này, Địa chính trị đã chính thức hồi sinh một cách hoàn toàn và được nghiên cứu, thảo luận một cách rộng rãi khắp các viện nghiên cứu, trường đại học và trên các diễn đàn, trang tin trên Internet.
Hiểm nguy và cơ hội
Những hiểm nguy mà Địa chính trị có thể mang tới cho loài người dễ dàng được tìm thấy trong lịch sử. Chỉ sau gần nửa thể kỷ tồn tại, Địa chính trị đã bị giới hàn lâm xa lánh nhưng đồng thời vẫn được các chính quyền đế quốc sử dụng để bành trướng lãnh thổ và gia tăng quyền lực. Nước Đức là minh hoạ điển hình nhất cho giai đoạn nửa đầu của thế kỷ XX, Hoa Kỳ cho nửa sau của thế kỷ XX và Trung Quốc chính là minh hoạ cho những năm gần đây và rất có thể là trong tương lai gần. Nếu Địa chính trị không được nghiên cứu nghiêm túc thì càng dễ bị xuyên tạc thành công cụ tuyên truyền. Nhiều học giả Âu – Mỹ gần đây, trong đó có Klaus Dodds đã chỉ ra rằng Hitler đã lợi dụng các kiến thức Địa chính trị của Karl Haushofer để hiện thực hoá lý thuyết “chủng tộc Aryan thượng đẳng” thiếu căn cứ của hắn ta. Toàn bộ học thuyết và tác phẩm của Karl Haushofer không hề có một chút nào về việc một chủng tộc thượng đẳng thì có quyền định đoạt sự sống của các chủng tộc khác yếu hơn mình. Dễ thấy tại sao những cách hiểu sai về Địa chính trị có thể dẫn tới hậu quả khủng khiếp.
Bên cạnh hiểm nguy thì Địa chính trị cũng cho chúng ta cơ hội để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, đặc biệt là trong thời kỳ toàn cầu hoá như hiện nay. Cựu Thủ tướng Anh, Tony Blair, đã phát biểu vào năm 2005 rằng “Giờ đây hầu như ai cũng cho rằng đặc trưng của thế giới hiện tại là sự phụ thuộc lẫn nhau. Nhưng chúng ta vẫn chưa có đủ thời gian để suy nghĩ thấu đáo các hậu quả của nó hoặc đành phải hiểu rằng cuốn cẩm nang quy tắc quốc tế đã bị rách toạc mất rồi.” Đúng như lời của ông Tony Blair, chúng ta đang lúng túng và sẽ còn tiếp tục lúng túng nếu vẫn giữa cách suy nghĩ nhìn Trái đất như một miếng bánh để tranh giành. Bằng tư duy Địa chính trị, chúng ta cần phải hiểu được hoàn cảnh của từng nước, các điểm mạnh và điểm yếu, để từ đó cùng nhau hợp tác, cùng phát triển.
Với tất cả những cơ hội cũng như hiểm nguy mà Địa chính trị có thể mang tới cho thế giới, hơn lúc nào hết, giới hàn lâm cũng như tất cả những ai muốn hiểu cách thế giới đang vận hành ra sao cần phải đầu tư tìm hiểu Địa chính trị một cách nghiêm túc. Chúng ta không được phép lảng tránh nó, bởi càng lảng tránh thì nó lại càng đẩy thế giới vào các cuộc chiến tranh giành tài nguyên và sự ảnh hưởng mà thôi. Đúng như Klaus Dodds đã viết trong cuốn “Địa chính trị” rằng “Một khi chúng ta bước vào thời đại mới của “máu và thép” thì điều quan trọng là ta phải hiểu rõ hơn những mối liên hệ thực và ảo giữa các miền đất và cư dân, và các hệ luỵ kèm theo đó…Suy nghĩ theo Địa chính trị giờ đây vẫn hết sức cần thiết!
Lê Duy Nam

Sách hay trong nước cung cấp kiến thức về tình hình chính trị thế giới và xu hướng của các cường quốc & các khu vực

Những biến động thế giới do dịch bệnh COVID-19, chiến tranh thương mại Mỹ Trung, cuộc chiến Ukraine vs Nga trong giai đoạn 2020 - 2022 đã liên tục đặt cho chúng ta những câu hỏi lớn về biến động trên thế giới: Thế giới dường như không còn đơn cực nữa, một thế giới đa cực nhiều cơ hội và cũng nhiều xung đột đang mở ra. Liệu thế giới đa cực ấy có dẫn tới chiến tranh thế giới thứ III, và nguy

Book Hunter

28/12/2022

Địa chính trị trong chiến tranh Việt Nam

Vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi những đoàn lính của miền Bắc Việt Nam chiếm giữ Sài Gòn, những chiếc máy bay trực thăng cũng đang đưa những người Mỹ cuối cùng trở về nước từ nóc tòa nhà đại sứ quán của họ – một thất bại không thể quên được của Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh tại Đông Nam Á với hơn 58.000 lính Mỹ hi sinh. Trong khoảng thời gian từ 1963 tới 1975, James Burnham thường dành chuyên
le-nam

Lê Nam

22/04/2016

Những tác phẩm kinh điển về Địa chính trị

Địa chính trị (tiếng Anh: Geopolitics) là lĩnh vực nghiên cứu về tác động của các yếu tố địa lý tới hành vi của các quốc gia và quan hệ quốc tế. Cụ thể, địa chính trị xem xét việc các yếu tố như vị trí địa lý, khí hậu, tài nguyên thiên nhiên, dân số, hay địa hình tác động như thế nào tới chính sách đối ngoại của một quốc gia và vị thế của quốc gia đó trong hệ thống quốc tế.1 Nhờ sự
le-nam

Lê Nam

21/05/2018