Mở đầu năm Nhâm Dần, thị trường sách Trung Quốc hãy còn chưa tỉnh ngủ khỏi đợt nghỉ Tết dài hơi, chưa dậy lên bao nhiêu sôi nổi, song đâu đó ta vẫn có thể nhặt nhạnh được một vài đầu sách truyện, đọc để trải nghiệm một cuộc sống khác, mở rộng thế giới cảm xúc và tinh thần.
1. Tàu ngầm lúc đêm muộn (夜晚的潜水艇) – tác giả: Trần Xuân Thành (陈春成)
Chim đậu trên cây và cá vẫn lặn xuống vực sâu, mọi việc bình yên vô sự cho đến khi màn đêm thực sự ập đến…
“Tàu ngầm lúc đêm muộn” là tập truyện ngắn đầu tiên của nhà văn Trần Xuân Thành. Với chín câu chuyện, cây bút đưa người đọc lang thang giữa núi non sông nước và vũ trụ vô định. Với trí tưởng tượng bay bổng cùng với nét vẽ nhẹ nhàng thanh thoát, một số bí mật được mở ra giữa thực và ảo: cậu thiếu niên đi lang thang dưới đáy biển, di tích cổ còn lại trong núi, trạm cắt mây, nghề đúc kiếm và nấu rượu, cây kèn Saxophone dưới Bức màn sắt, phòng hòa nhạc bên trong Cá voi xanh …
Đi sâu vào câu chuyện và cùng cảm nhận sự quay cuồng của tinh vân trong đó. Như thảm thực vật trải dài, thêm ánh sáng lung linh của ngôn từ, để khám phá các hố sâu của ký ức.
Thế giới tiểu thuyết của Trần Xuân Thành là một hang động để ẩn náu, một cung điện lơ lửng trên giấy, một chiếc tàu ngầm đi về quá khứ, hiện ra một loại cơ duyên và những hướng đi mới của tiểu thuyết Trung Quốc.
2. Sữa mẹ hay sữa công thức (母乳与牛奶) – Tác giả: Lô Thục Anh(卢淑樱)
Sự phát triển của việc nuôi con bằng sữa công thức ở Trung Quốc hiện nay là kết quả của sự thay đổi cách nuôi dưỡng trẻ sơ sinh. Sự thay đổi này đã giúp phụ nữ giải phóng một phần thiên chức làm mẹ nhưng ngược lại có sự va chạm với tư duy truyền thống; vì vậy đã định hình lại vai trò của những người mẹ trong trật tự về giới của xã hội Trung Quốc ngày nay. Là một phần của lịch sử mới về phụ nữ, cuốn sách này không chỉ bổ sung vào lịch sử của những người mẹ mà còn khám phá những thay đổi xã hội ở Trung Quốc đương đại dưới góc nhìn của những người phụ nữ khi làm mẹ. Cuốn sách này áp dụng một mô hình nhấn mạnh cả thảo luận và trải nghiệm, phân tích vai trò của bà mẹ và việc cho con bú, cũng như mô tả kinh nghiệm cho con bú của người mẹ. Ngoài tài liệu văn bản, nó cũng đề cập đến các tài liệu hình ảnh như phim, ảnh, phim hoạt hình, v.v., nhằm tích hợp lịch sử toàn diện hơn về bà mẹ và trẻ sơ sinh Trung Quốc hiện đại.
3. Căn phòng bên bờ biển (海边的房间)- Tác giả: Hoàng Lệ Quần (黄丽群)
Hoàng Lệ Quần là nhân vật tiêu biểu của thế hệ tiểu thuyết gia mới Đài Loan. Tập truyện ngắn “Căn phòng bên bờ biển” đã giành được Giải thưởng Văn học Thời đại, Giải thưởng Văn học Báo Liên hiệp, Giải thưởng Văn học Lâm Vinh Tam và các giải thưởng Trung Quốc khác cho tiểu thuyết cùng tên được chuyển thể…
Mười hai câu chuyện hay khiến người đọc đi từ trạng thái hồi hộp lo lắng đến thở phào nhẹ nhõm…
Đứa con gái bị bỏ rơi và người cha nuôi trong căn hộ cũ, ông thầy bói ở nông thôn và cậu con trai ốm yếu, một Otaku mộng du, một người phụ nữ trung niên sống một mình và một con mèo ba hoa … Sự vui nhộn của ngôn ngữ và những cái kết bất ngờ đến kinh ngạc, thêm vào đó sự quan sát tỉ mỉ của người viết đã tạo nên sự kịch tính cũng như sự độc đáo cho câu chuyện.
4. Một con dao, ngàn con chữ (一把刀,千个字) – Tác giả: Vương An Ức (王安忆)
Cuốn tiểu thuyết trường thiên “Một con dao, ngàn lời nói” của Vương An Ức bắt đầu từ câu thơ “Trăng soi rặng trúc thành ngàn chữ, sương dày mai trổ đầy cành hoa”, kể về con đường thành danh không giống ai của một đầu bếp Hoài Dương. Anh ta sinh ra vùng băng tuyết Đông Bắc, kí ức thì lại khởi thủy từ những ngày được dẫn đến Thượng Hải ở nhờ trong một căn gác xép lánh nạn. Cổ nhân dạy, truyền thống mất tìm chốn dân gian, anh ta vỡ lòng bằng sự sâu rộng trong ẩm thực đất tổ Dương Châu, lột xác nhờ sự bảo ban truyền dạy của đầu bếp Hoài Dương ở Thượng Hải, về sau trở thành đầu bếp tư nhân chuyên thiết kế tiệc riêng ở Flushing, New York… Tựa như thế giới tinh thần của anh ta được khai sáng từ “Hồng Lâu Mộng”, “Hoàng Lịch” và “Kinh Dịch”, vị ngon ở những khu vực khác nhau trên lưỡi thực chất còn mở rộng ra một thế giới thể nghiệm kì diệu dung hòa cùng trời đất và thiên nhiên. Dưới sự ăn mòn và càn quét lặp đi lặp lại của thời đại biến chuyển, vận mệnh cùng lựa chọn của cá nhân cũng phơi bày kí ức dân gian qua nhiều góc nhìn và hệ thống phê bình.
Được đăng lần đầu trên tạp chí “Thu hoạch”, “Một con dao, ngàn con chữ” đã giành được sự chú ý và khen ngợi rộng rãi, người đọc và bình luận đều thán phục không thôi trước câu chuyện, nhân vật và ý nghĩa được thể hiện trong tiểu thuyết của Vương An Ức. Tư duy sâu lắng, công lực thâm hậu, tình cảm kín đáo, lời kể uyển chuyển, khả năng sáng tác truyện dài của Vương An Ức đã bước lên một tầm cao mới.
Một con dao, chuyện xưa ai kể? Ngàn con chữ, viết đến khi nào?
Đao công đẹp đẽ, chữ viết thâm trầm, không ngừng khai thác, suy nghĩ, cật vấn nhân tính trong sức kéo dãn của khói lửa nhân gian.
“Một con dao”, giết cá chém xương, vô số món ngon sản sinh dưới lưỡi dao từ Thượng Hải đến New York.
“Ngàn con chữ”, bên hoa dưới trăng, bóng trúc như người, nhìn không rõ, viết không xong.
Cảm ơn các bạn đã theo dõi!
Điểm tin: Mai Hương, Cụt Đuôi
Hẹn gặp lại các bạn vào bài điểm sách tiếng Trung tháng 3 năm 2022. Book Hunter rất mong nhận được ý kiến đóng góp của độc giả về bài viết cũng như rất hoan nghênh các bạn gia nhập nhóm điểm sách tiếng Trung của chúng tôi.
Đọc thêm bản tin sách tiếng Trung tháng trước:
https://bookhunter.vn/sach-tieng-trung-hay-thang-1-nam-2022-bay-bai-luan-ve-nhan-gian-tu-thoai-co-chuyen-hoa-cung-luc-du-va-hoc-nghe-thuat-cua-the-ky-19-bui-bam-lang-xuong/
Đọc thêm bản tin sách tiếng Anh học thuật tháng trước:
https://bookhunter.vn/sach-tieng-anh-hoc-thuat-thang-1-nam-2022-nghien-cuu-ve-luan-ly-hoc-nhan-loai-giai-phau-hoc-con-dau-lich-su-tinh-duc-tap-4-ngam-ve-lanh-dao-trong-giao-duc-ngon-ngu/
Đọc thêm bản tin sách tiếng Hàn tháng trước:
https://bookhunter.vn/sach-tieng-han-hay-thang-1-nam-2022-anh-mat-troi-den-nhung-vet-dom-than-thuong-ca-sau-thanh-pho-yeon-yi-va-cong-tu-beo-dul/