Vài năm trở lại đây, chúng ta không thể phủ nhận sức hút của trào lưu ăn món mì ramen khắp Việt Nam. Từ những con ngõ nhỏ trong lòng Sài Gòn, hay những hàng quán lung linh sáng đèn giữa con phố đông đúc tại Hà Nội… Dường như ở đâu người ta cũng tìm thấy một quán ramen “rặt” Nhật Bản.
Nhắc đến mì ramen, nhiều người lờ mờ liên hệ luôn tới mì undon và mì soba bởi cả ba loại mỳ này đều đến từ Nhật Bản. Nhưng khác với udon và soba, ramen được nấu từ một loại nước dùng khác hẳn và nước dùng chính là tính túy của món mì đặc biệt này. Hơn nữa, theo cuốn “Lịch sử chưa kể về Ramen” của George Solt do dịch giả Thảo Minh chuyển ngữ và được Book Hunter phát hành, ramen là món ăn có gốc gác từ đất nước Trung Quốc rộng lớn, còn udon và soba lại mang đậm văn hóa Nhật Bản hơn rất nhiều.
Một chút về lịch sử mì ramen
Vào thời xưa,người dân Nhật Bản không có thói quen ăn thịt lợn. Món ramen được ninh từ xương lợn và ăn kèm những miếng thịt lợn to bản vốn xa lạ với họ. Tuy nhiên, theo những biến động của thời cuộc, điển hình là từ Thế chiến II, người dân Nhật Bản dần chấp nhận món mì nước ramen như một phần của nền ẩm thực đa dạng.
Theo cuốn “Lịch sử chưa kể về Ramen”, món ăn này bắt đầu xuất hiện ở Nhật Bản “dưới dạng một món ăn giá rẻ, ngon miệng và đủ đầy từ Trung Quốc”. Cuốn sách cũng tiết lộ các mốc thời gian khác nhau của món ramen và cho rằng:
Lịch sử của mì ramen khá rối ren và hỗn độn. Mặc dù món ăn này thường được gọi là ramen ở Nhật, nó cũng có tên gọi khác là Chuka soba và Shina soba, là những thuật ngữ lâu đời hơn lần lượt xuất hiện từ những năm 1940 và 1910.
Trong cuốn sách này có nhiều điều bất ngờ về ramen mà chúng ta chưa biết. Từ những biến động chính trị xã hội đầy khắc nghiệt tại Nhật vào cuối thế kỷ 19 đến hết thế kỷ 20 mà nhờ đó, ramen có cơ hội len lỏi vào đời sống người Nhật Bản và trở thành món ăn nổi tiếng toàn cầu.
Tuy phải mất thời gian dài, ramen mới được người Nhật Bản thực sự chào đón, nhưng giờ đây món ăn ấy đã chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong cuộc sống của những người dân sống tại đất nước này. Một bật mí thú vị, món mì ăn liền nổi tiếng toàn cầu mà ở Việt Nam vẫn thân thương gọi là mì tôm vốn là sản phẩm “công nghiệp hóa” mì ramen mà trong cuốn sách đã chỉ rõ.
Mì ramen và những điểm tương đồng với ẩm thực Việt Nam
Món ăn này bắt đầu từ những gánh mì lưu động đi khắp các hang cùng ngõ hẻm của Nhật Bản, tựa như món hủ tíu gõ, phở gánh của Việt Nam. Trong hồi ức của những người Nhật Bản có tuổi, đây là món ăn rẻ tiền, bán nhiều vào buổi tối hoặc đêm, và thường không được coi là một bữa ăn đàng hoàng, tử tế kiểu cơm trắng ăn với cá nướng và canh miso. Tương tự như vậy, Việt Nam khi còn nghèo đói, các gánh phở đêm, hủ tíu đêm cũng thường làm no bụng các con bạc mới rời xới vào tờ mờ sáng, hay cho những người thích cuộc sống về đêm. Hai món ăn này thuở sơ khai cũng không được coi là một bữa ăn hoàn chỉnh.
Dần dà, sau Thế chiến II, với áp lực từ phía Mỹ, người dân Nhật Bản phải tập làm quen với việc ăn bột mì nhiều hơn. Hàng loạt những cuộc tuyên truyền về lợi ích của việc ăn bánh mì có lợi hơn ăn cơm ra sao bùng nổ. Thay vì chọn ăn… bánh mì, người dân thà ăn mì ramen. Cũng là bột mì, nhưng ăn dưới dạng món mì nước dù sao vẫn gần gũi với văn hóa ăn uống phương Đông hơn là từng lát bánh mì phết bơ, mứt, kẹp cá ngừ hộp xa lạ.
Văn hóa ăn uống tại Việt Nam cũng vậy, người ta chuộng các món nước như phở, bún, miến… hơn hẳn các món du nhập từ Tây phương như bánh mì, xúc xích, bơ lạt hay bít tết. Những món nước có giá thành dễ chịu vững chân tồn tại qua hàng chục năm, từ thời còn đói nghèo cho tới khi đất nước đã ấm no hơn. Tới ngay cả bây giờ, các quán phở, bún, miến ngon luôn đắt hàng từ tờ mờ sáng. Văn hóa ăn các món tinh bột được làm thành sợi dài với nước dùng xương và nhân thịt, cá, tôm đã trở thành một nét văn hóa ăn uống đi sâu vào đời sống người Việt.
Combo sách Lịch sử chưa kể về Ramen của George Solt & Trăm năm Phở Việt của Trịnh Quang Dũng – Trịnh Quang Long cung cấp cho người bạn câu chuyện về sự phát triển của hai món ăn đã trở thành biểu tượng ẩm thực chinh phục toàn cầu.
Trào lưu ăn mì ramen tại Việt Nam
Mì ramen bước chân vào Việt Nam lần đầu là ở những quán bán đồ ăn Nhật cho dân Nhật Bản tại Việt Nam. Hầu như thực đơn tiệm ăn nào cũng có bán các món ramen cơ bản như: shio ramen (ramen muối), shoyu ramen (ramen nước tương đậu nành) hay miso ramen (ramen tương đậu nành miso)… hay một số tiệm đa dạng hơn sẽ có cả curry ramen (ramen cà ri) hay tan tan ramen (ramen cay) theo các phong cách riêng.
Người Việt vào quán ăn Nhật bản đa phần chuộng gọi các món đặc trưng như sushi, sashimi chứ ít khi ăn mì ramen. Riêng với người Nhật, họ lại thường gọi mì ramen ăn cho ấm bụng hay mấy món đồ xào để nhậu rồi “kết show” với bát xúp miso nóng rẫy.
Mì ramen từ các tiệm ăn Nhật lan ra thành quán riêng. Người Việt tò mò và ăn thử, thế là… dính.
Khoảng thời gian 2014 – 2018, các quán mì ramen đổ bộ khắp Sài Gòn, Hà Nội và một số nơi khác. Họ bán ramen riêng, cùng lắm là bán thêm món gà chiên kiểu Nhật hay há cảo chiên chứ không bán sushi, sashimi hay nhiều món khác. Tùy từng tiệm, sẽ có những nơi chịu khó làm sợi ramen tươi cho khách trầm trồ, cũng có nơi chỉ đủ điều kiện bán sợi khô. Dù gì thì họ cũng còn phần nước dùng xương để khẳng định độ ngon của “bổn tiệm”.
Mì ramen tại Việt Nam, người viết không biết được bao nhiêu phần giống như ramen bản địa, nhưng về giá cả thì ngang hàng với ramen bên Nhật Bản với trung bình một phần ăn từ 150.000 VND đến 250.000 VND. Với giá cả thuộc dạng cao cho một bữa ăn, không mấy người Việt chịu chi để thưởng thức món ăn vừa xa lạ vừa đắt đỏ. Tưởng chừng như ramen sẽ thất thủ ngay tại đất nước có hàng trăm món ăn ngon rẻ như phở, bún thang, miến gà, bánh đa cua… này nhưng không. Ramen càng ngày càng được người Việt thích thú và tìm đến ăn bất chấp giá cả.
Ngoài việc tương đồng về văn hóa ăn mì nước kể trên, ramen chính là bản gốc đầy tự hào của món mì ăn liền mà người dân xứ ta ăn quanh năm suốt tháng. Không khó để bản gốc thể hiện sự ngon lành, chỉ cần người ăn chấp nhận thử một lần.
Ramen ngon ở phần nước dùng thơm béo ngậy công phu, từ phần sợi mì dai dai và những miếng thịt mềm rục ăn kèm. Nửa cái trứng lòng đào gọn trong bát, chút hành xanh rắc lên trên, ramen thực sự đã chinh phục được khẩu vị quen ăn ngon và quen ăn món nước của người Việt mình.
Nhìn vào thực đơn ramen la liệt, chúng ta không khỏi hoang mang khi chẳng biết gọi loại ramen nào. Riêng với khẩu vị cá nhân người viết, món mì ramen muối đơn giản kiểu Tokyo với vài lát thịt và chút rong biển ở trên luôn là lựa chọn hàng đầu. Những loại ramen kiểu Hokkaido có bỏ thêm ngô ngọt, thêm bơ, tỏi và giá đỗ hay kiểu Hakata ăn cùng cải muối chua, gừng ngâm và rắc vừng là kiểu mà người viết ít ăn nhất vì hương vị có phần phức tạp thái quá.
Việt Nam có nhiều quán bán ramen nhưng lại chưa tinh. Các quán của người Nhật Bản trực tiếp đứng bếp thường ngon theo kiểu riêng, nhưng không có nghĩa cứ là chủ người Nhật thì nấu ramen sẽ ngon. Đây là món ăn khó làm, đòi hỏi tay nghề khéo léo và nhiều năm kinh nghiệm để giữ nồi nước dùng có vị ổn định. Vì vậy, quan trọng là tay nghề người đầu bếp chứ không phải quốc tịch của họ quyết định sự ngon.
Tiếp theo, việc hàng loạt quán ramen được chủ người Việt mở ra nhưng rất ít quán có được sự thấu hiểu về văn hóa và bản sắc của một món ăn có lịch sử sâu dày khiến cho món ăn kém thu hút, và rồi họ lại trầy trật với những phương thức quảng cáo nhằm thu hút một vài tệp khách nào đó dễ tính.
Nhà hàng ramen sang trọng hơn một chút cũng nhiều, họ chỉn chu và sạch sẽ hơn các tiệm nhỏ, nhưng để tìm ra một quán ramen có hương vị sâu sắc và ấn tượng thì ít hàng làm được. Ăn ramen, là ăn một món mì nóng rẫy có phần nước dùng béo thơm ấm áp và cảm nhận không khí đô thị đang ngày một nhộn nhịp và nhanh hơn.
Mỗi lần ăn ramen là một lần trải nghiệm khác nhau. Nếu như hồi còn tuổi teen là ăn để… check – in, ăn trải nghiệm, tò mò và vỡ òa vì thích thú thì khi lớn hơn một chút, mỗi lần đi ăn ramen là một lần tìm kiếm thứ hương vị mộc mạc mà quánh đặc vị ngọt umami từ xương hầm của từng quán.
Nhìn chung, tại Việt Nam, phân khúc khách hàng chịu ăn ramen thường xuyên cũng chỉ có lớp trẻ. Dường như lớp người lớn hơn trung thành với thói quen ăn phở, bún, miến giản dị, dân dã nơi vỉa hè và dù giàu nghèo họ cũng chỉ coi ramen như món “ăn chơi một lần cho biết”.
Và với trào lưu mở hàng loạt những quán ramen lớn nhỏ như hiện nay mà không tìm hiểu kỹ càng thói quen ăn uống cũng như cải thiện chất lượng đồ ăn của mình thì nhiều nơi sẽ dễ dàng đối mặt với tình trạng đông đúc lúc đầu và khách mất hút về sau.
Trào lưu ăn mì ramen tại Việt Nam trong 5 năm trở lại đây nở rộ và chứng minh được việc món ăn này đã “làm nên chuyện” trên khắp toàn cầu ra sao. Tuy còn nhiều sạn, nhưng Việt Nam cũng là nơi có nhiều quán mì ramen ngon xuất sắc không thua kém gì ramen của nước bản địa.
Người viết có dịp trò chuyện với vị đầu bếp người Nhật Bản đang kinh doanh một quán mì ramen trên đường Lê Thánh Tông, Sài Gòn và nghe anh chia sẻ rất nhiều điều về ẩm thực Việt Nam cũng như về món mì ramen của riêng anh:
“Việt Nam là nơi có nhiều đồ ăn ngon và người ăn khó tính, vì thế món ramen của tôi cũng phải thật ngon lành!”
Ramen đã từng “làm nên chuyện” tại Nhật Bản và góp phần thay đổi sâu sắc thói quen ăn uống của người dân bản địa. Bát mì ấy chứa đựng không chỉ thói quen ăn uống, nền ẩm thực sâu rộng mà còn là minh chứng rõ nét cho sự thay đổi văn hóa, chính trị thời bấy giờ. Với trào lưu ăn mì ramen tại Việt Nam, dường như ẩn sâu dưới đó là những câu chuyện khác mà ta chưa thấy rõ.
Hà Chuu
Ảnh do tác giả cung cấp