Home Hiểu NỮ QUYỀN KHÔNG NHƯ BẠN TƯỞNG (2): CÁC LÀN SÓNG NỮ QUYỀN

NỮ QUYỀN KHÔNG NHƯ BẠN TƯỞNG (2): CÁC LÀN SÓNG NỮ QUYỀN

Đọc phần (1) tại đây

  1. Làn sóng nữ quyền đầu tiên (first-wave feminism)

Tranh vẽ các diễn giả nữ quyền tố cáo đàn ông tại hội nghị nữ quyền đầu tiên vào tháng 7 năm 1848, tại Seneca Falls, New York, nơi phong trào nữ quyền Mỹ được phát động (7)

Giai đoạn đầu tiên của các phong trào đấu tranh nữ quyền được cho là bắt đầu từ giữa thế kỷ XIX (19448) đến nửa đầu thế kỷ XX (1920). Thời gian này, các nhà hoạt động nữ quyền tập trung vào đòi các quyền pháp lý, tiêu biểu là quyền bầu cử cho nữ giới       

Như ở trên đã đề cập, Wollstonecraft và tác phẩm của bà đã trở thành kim chỉ nam cho các nhà hoạt động đòi quyền bầu cử cho nữ giới (suffagette) đầu thế kỷ XIX. Cuộc “nhóm họp” đầu tiên của họ diễn ra vào tháng 7 năm 1848 tại thị trấn nhỏ mang tên Seneca Falls, New York. 5 người tham gia, trong đó nổi bật nhất là Lucretia Mott và Elizabeth Cady Stanton, những “founding mothers” của làn sóng đầu tiên. Hai nhà đấu tranh này quyết định khởi xướng phong trào do họ cảm thấy căm phẫn vì bị loại ra khỏi World Anti-Slavery Convention ở London vào năm 1840 (7).

Stanton soạn thảo Declaration of Sentiments and Resolutions bao gồm 12 yêu sách, trong đó quan trọng nhất là quyền bỏ phiếu của nữ giới. Tuy nhiên lúc này nước Mỹ đang quan tâm đến cuộc Nội chiến Nam Bắc sắp xảy ra, còn ở châu Âu phong trào bị đàn áp. Do vậy, khi phong trào này tái khởi động, người ta chỉ còn quan tâm đến mỗi một vấn đề: quyền bầu cử của nữ giới.

Đáng chú ý, vào thời điểm đó, phong trào phụ nữ mới thành lập đã tích hợp chặt chẽ với phong trào bãi nô: các nhà lãnh đạo đều là những người theo chủ nghĩa bãi nô, và Frederick Doulass đã phát biểu tại Hội nghị Thác Seneca, tranh luận về quyền bầu cử của phụ nữ. Những người phụ nữ da màu như Sojourner Truth, Maria Stewart và Frances E.W Harper là những lực lượng chính trong phong trào, họ không chỉ đấu tranh cho quyền bỏ phiếu của phụ nữ mà còn là quyền bỏ phiếu của mọi người dân. Nhưng bất chấp công việc to lớn của phụ nữ da màu đối với phong trào Phụ nữ, phong trào của Elizabeth Cady Stanton và Susan B. Anthony cuối cùng đã trở thành một phong trào dành riêng cho phụ nữ da trắng.

Làn sóng thứ nhất đã khai sinh ra nhiều hội nhóm đấu tranh cho quyền bầu cử của nữ giới, nổi tiếng nhất có thể kể đến Hội liên hiệp xã hội và chính trị của phụ nữ (Women’s Social and Political Union, WSPU) được thành lập ở Anh, do bà Emmeline Pankhurst và con gái khởi xướng và lãnh đạo.

Bất chấp sự phân biệt chủng tộc của mình, làn sóng thứ nhất đã thành công trong một số mục tiêu họ đặt ra . Họ đã không chỉ dừng lại ở đấu tranh cho quyền bầu cử của phụ nữ da trắng mà tiếp đó là cơ hội bình đẳng cho giáo dục và việc làm, và quyền sở hữu tài sản.

 

Và khi phong trào phát triển, các vấn đề liên quan đến sinh sản dần trở thành trọng tâm của cuộc đấu tranh. Năm 1916, Margaret Sanger đã mở phòng khám ngừa thai đầu tiên ở Mỹ, bất chấp luật pháp tiểu bang New York cấm phân phối các biện pháp tránh thai (7).

Kết quả: mục tiêu đòi quyền bỏ phiếu cho nữ giới đã thành công ở nhiều quốc gia: New Zealand (1893), Finland (1906), Anh, Canada và Nga (1917), Mỹ với Tu chính án XIX (1920)… Tuy nhiên sau đó, mặc dù các nhóm đấu tranh đơn lẻ vẫn hoạt động, làn sóng đầu tiên đã nhanh chóng lụi tàn do họ không thể tìm được một động lực, một “cú hích” chung về văn hóa để thúc đẩy phong trào đấu tranh.

 

  1. Làn sóng nữ quyền thứ hai (second-wave feminism)

Người đầu tiên đưa thuật ngữ second-wave feminism vào sử dụng là một nhà báo tên là Martha Lear của tờ The New York Times. Kể từ khi Thế chiến I nổ ra, tiếp sau đó là cuộc Đại suy thoái và Thế chiến II, các phong trào nữ quyền trải qua một giai đoạn tạm lắng xuống. Lý do là bởi thời điểm đó chiến tranh khiến nữ giới có thêm công việc ở các công xưởng. Đấu tranh nữ quyền chỉ bắt đầu bước vào làn sóng thứ hai khi đàn bà mất đi những cơ hội việc làm này bởi sự trở lại từ chiến tranh của đàn ông. Vậy là làn sóng thứ hai được khai sinh. Tuy nhiên, khác biệt mấu chốt là nếu như làn sóng đầu tiên gắn liền với chủ trương Abolitionism (Bãi bỏ chế độ nô lệ), thì làn sóng tiếp theo này lại đi kèm với những phong trào đòi quyền bình đẳng phổ quát cho đàn bà, không chỉ giới hạn ở quyền chính trị như làn sóng thứ nhất. Cụ thể, mục tiêu đấu tranh chính yếu của phong trào nữ quyền giờ đây chuyển sang các quyền bình đẳng xã hội: quyền được trả lương ngang nhau, quyền được hưởng nền giáo dục tương đương với nam giới, quyền sở hữu tài sản, quyền phá thai… Đó là sự khác biệt căn bản giữa hai làn sóng đầu tiên của phong trào nữ quyền.

Cuốn sách The Feminine Mystique (Nữ tính thần bí) viết bởi Betty Friedan là một hiện tượng được nhiều người cho rằng đã khởi xướng nên làn sóng nữ quyền thứ hai. The Feminine Mystique đả phá “một vấn đề không gọi tên” – sự phân biệt giới tính ngay trong não trạng của người Mỹ sau Thế chiến II. Theo đó, đàn bà được dạy rằng bổn phận của họ là ở nhà và làm nội trợ, nếu những việc này không làm họ thỏa mãn, họ là những kẻ hư hỏng. Friedan lập luận rằng phụ nữ chưa bao giờ được cho cơ hội để thể hiện khả năng sáng tạo và trí tuệ của họ.

Betty Friedan (hàng trên cùng, thứ tư từ trái sang) với các nhà nữ quyền tại nhà của cô vào ngày 7 tháng 6 năm 1973. Bettmann Archive/Getty Images

Mặc dù không đưa ra vấn đề gì quá mới mẻ, cuốn sách đã thực sự đã gây được ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng nhân dân, Nó đã bán được 3 triệu bản trong vòng 3 năm và đến tay hàng triệu người đàn bà, không chỉ là những nội trợ thuộc tầng lớp dưới mà qua vòng bạn bè, cả những người đàn bà da trắng có học thức và gia đình cũng cảm thấy tức giận khi đọc cuốn sách. Một động cơ về văn hóa được tạo ra: giờ đây, nữ quyền không còn chỉ là về bình đẳng chính trị, mà còn là bình đẳng xã hội.

Năm 1960, Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ đã thông qua việc sử dụng và buôn bán thuốc ngừa thai dạng uống. Thuốc được bán rộng rãi từ năm 1961, là một cuộc cách mạng cho đàn bà bởi từ đây họ không còn phải bận tâm về việc có thể phải nghỉ việc bất cứ lúc nào do mang thai ngoài ý muốn.

Cuộc tuần hành Giải phóng đàn bà tại Quảng trường  Copley Square và ngày 17 tháng 4 năm 1971. Charles B. Carey/The Boston Globe/Getty Images

Nhờ thành công của cuốn sách, năm 1966, tổ chức National Organization for Women (NOW) được thành lập và Friedan trở thành chủ tịch. Hội có vài trò vạch ra các đường hướng hoạt động cho phong trào nữ quyền ở Hoa Kỳ. Phong trào đạt được khá nhiều thành công về lập pháp, tiêu biểu là các đạo luật về trả lương phê chuẩn bởi Tổng thống Hoa Kỳ J.K. Kennedy: Equal Pay Act (1963) và Title VII của Civil Rights Act (1964). Không chỉ vậy, phong trào cũng gây được ảnh hưởng sâu rộng cả trong các lĩnh vực khác của xã hội, mà kết quả còn hiện diện cho đến ngày nay:

Educational Equity Act (1972 và 1974, yêu cầu bình đẳng giáo dục hai giới), Equal Credit Oppotunity Act (1974, Đạo luật bình đẳng tín dụng), Pregnancy Discrimination Act (1978, Đạo luật chống phân biệt đối xử khi mang thai. Một đạo luật năm 1975 yêu cầu Học viện Quân sự Hoa Kỳ kết nạp phụ nữ. Vào tháng 1 năm 2013, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta tuyên bố rằng lệnh cấm lâu dài đối với phụ nữ phục vụ trong vai trò chiến đấu của quân đội Hoa Kỳ đã được dỡ bỏ. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ có kế hoạch tích hợp phụ nữ vào tất cả các vị trí chiến đấu vào năm 2016.

Làn sóng nữ quyền thứ hai ở Anh cũng tập trung tương tự, mặc dù nó dựa mạnh hơn vào chủ nghĩa xã hội của tầng lớp lao động, như đã được chứng minh bằng cuộc đình công của các nữ công nhân tại nhà máy xe hơi Ford để đòi trả lương ngang đàn ông vào năm 1968. Khẩu hiệu “The personal is political phản ánh cách mà làn sóng nữ quyền thứ hai không chỉ cố gắng mở rộng các cơ hội cho phụ nữ, mà còn thông qua sự can thiệp vào các lĩnh vực sinh sản, tình dục và văn hóa, để thay đổi cuộc sống gia đình của họ.

Tuy vậy, làn sóng chưa triệt để giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc: nhiều phụ nữ da đen thực chất không quan tâm đến cơ hội làm việc ngoài gia đình vì hầu hết họ đều phải bươn chải để kiếm sống. Cái họ cần là bác bỏ việc triệt sản bắt buộc cho người da màu và khuyết tật. Đó cũng là lý do một bộ phận người đấu tranh da màu tách ra và thành lập Womanism. Thật vậy, vào năm 1979, Audre Lorde, một nhà văn kiêm nhà thơ người Mỹ gốc Châu Phi, đã phản đối các học giả nữ quyền da trắng đã quá đề cao vị trí đặc quyền của họ và kéo theo đó là quên mất những khác biệt giữa phụ nữ da trắng và phụ nữ da đen cũng như phụ nữ các màu da khác. Bà đặt ra vấn đề: nội dung chính của các học thuyết nữ quyền là lời khẳng định sẽ đòi lại công bằng và quyền bình đẳng cho phụ nữ nghèo da đen, thế nhưng thực tế thì các bà da đen lại phải lau dọn nhà cửa và chăm sóc con cái của các bà da trắng để các bà da trắng rảnh tay đi họp các đại hội nữ quyền!

Kết quả: Nhìn chung, làn sóng thứ hai đã gặt hái được rất nhiều thành công, không chỉ là các đạo luật bằng văn bản mà là sự thay đổi nhận thức của toàn xã hội về đàn bà. Lần đầu tiên, nghiên cứu đàn bà trở thành một ngành khoa học chính thức. Tuy vậy, do vẫn chưa có sự thống nhất về đường hướng hoạt động, cũng như thất bại trong việc giải quyết những mâu thuẫn nội tại về tư tưởng giữa các nhóm đấu tranh, phong trào tan rã vào những năm 1980 với Sex war (cuộc chiến tình dục). Đây cũng là tín hiệu cho sự ra đời của làn sóng nữ quyển thứ ba vào những năm 1990.

(Còn tiếp)

El Niño

Share

 

Nữ quyền không như bạn tưởng (5): Bình đẳng giới ở Việt Nam

PHẦN III: TÌNH HÌNH BÌNH ĐẲNG GIỚI Ở VIỆT NAM: XƯA VÀ NAY Tuy phong trào nữ quyền và các làn sóng của nó bắt rễ ở xã hội phương Tây, ta không thể bỏ qua tình hình bình đẳng giới ở Việt Nam kể từ thời quân chủ đến nay. Trước hết, về mặt lịch sử, cần khẳng định rằng đàn bà ở Việt Nam được hưởng nhiều quyền lợi từ khá sớm trong lịch sử, và điều này được thể hiện khá rõ

NỮ QUYỀN KHÔNG NHƯ BẠN TƯỞNG (3): CÁC LÀN SÓNG NỮ QUYỀN (tiếp)

Đọc các bài trong chùm Nữ quyền không như bạn tưởng tại đây Làn sóng nữ quyền thứ ba (third-wave feminism) Còn rất nhiều tranh cãi xung quanh mốc thời gian làn sóng thứ ba khởi đầu, và liệu nó đã kết thúc hay chưa. Một quan điểm cho rằng làn sóng này gắn với vụ việc Anita Hill và Clarence Thomas. Một số người khác đồng nhất thời điểm bắt đầu của làn sóng nữa quyền thứ ba cho sự xuất hiên của các nhóm

Những cuốn sách gây ảnh hưởng nhất về chủ nghĩa nữ quyền

  Thuật ngữ “phong trào nữ quyền” mới xuất hiện ở Việt Nam trong vòng vài năm gần đây. Tuy nhiên, trên thế giới, trào lưu này đã đi qua bốn “làn sóng” (wave), bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX tại Hoa Kỳ, mỗi thời kỳ lại mang những khẩu hiệu và chủ trương khác nhau. Nói chung, phong trào nữ quyền xuyên suốt trong lịch sử của nó hướng đến việc đòi quyền bình đẳng về chính trị, xã hội cho phụ nữ,

Nữ quyền không như bạn tưởng (4): Những huyền thoại

PHẦN II: MỘT SỐ HUYỀN THOẠI ĐƯỢC THÊU DỆT NÊN TỪ PHONG TRÀO NỮ QUYỀN Phụ nữ có thật sự bị áp bức và không được nắm giữ những trọng trách về chính trị, xã hội? Ta có thể bắt đầu xem xét vấn đề này với một nữ nhân khá nổi tiếng từ những cuốn sách lịch sử đến điện ảnh và truyền hình – Cleopatra VII, Pharaoh cuối cùng của Ai Cập. Nhưng chỉ tính riêng số nữ hoàng cùng mang tên Cleopatra,

NỮ QUYỀN KHÔNG NHƯ BẠN TƯỞNG (1): LỊCH SỬ RA ĐỜI VÀ PHÁT TRIỂN CỦA PHONG TRÀO NỮ QUYỀN

Manh nha từ nửa đầu thế kỷ XIX tại Hoa Kỳ, cho đến nay, phong trào nữ quyền (féminisme, feminism) đã lan rộng ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Theo Từ điển bách khoa Britannica, “feminism” đại diện cho niềm tin vào sự bình đẳng về xã hội, kinh tế và chính trị của các giới. Có thể nói, hiện nay, phong trào này đã và đang trở nên vô cùng nóng bỏng: không chỉ xuất hiện trên các