Home Hiểu “Wonder Woman 1984” đã phản ánh sự hỗn loạn của chính trị Mỹ và sự cực đoan của phong trào nữ quyền như thế nào?

“Wonder Woman 1984” đã phản ánh sự hỗn loạn của chính trị Mỹ và sự cực đoan của phong trào nữ quyền như thế nào?

Book Hunter

13/01/2021
wonder woman

“Wonder Woman 1984”, ra rạp và chiếu trên HBO Max, được giới thiệu theo đúng chất của thập niên 1980 trên mọi phương diện: túi đeo chéo (fanny pack), nhảy break dance, lớp thể dục nhịp điệu, dụng cụ làm ấm chân, máy chơi game, đi bộ tốc độ và J. C. Penney. Bộ phim còn có hai nhân vật phản diện đau khổ. Đầu tiên là một nhà tài phiệt dầu mỏ nổi tiếng, Max Lord (Pedro Pascal), một mô tuýp kiểu Donald Trump lúc còn trẻ thời Reagan trong bộ đồ sọc ghim màu xanh baby. Lord khẳng định: “Tôi không phải là kẻ lừa đảo. Tôi là một nhân vật truyền hình. Và là một doanh nhân được trọng vọng”. Người thứ hai là Cheetah (Kristen Wiig), trông giống như Judi Dench trong “Cats”, ngoại trừ vẻ lóng ngóng hơn, giận dữ hơn và kẻ mắt đen hơn. Ngoài ra, Wonder Woman có trang phục mới: kim loại vàng từ đầu đến chân, với đôi cánh thiên thần. Cô ấy trông giống như một vật trang trí trên mũ của một chiếc xe Buick ở thập niên 1930.

Phim siêu anh hùng, chủ yếu là những chiếc xà lan phình to và không mục đích, có xu hướng mắc cạn trên các vũng nông của thời gian. Trong một bộ phim được thực hiện vào năm 1978, Superman đã quay ngược kim đồng hồ bằng cách bay ngược lại trái đất để cứu Lois Lane, nhưng Clark Kent chưa bao giờ thực sự thoát khỏi khoảnh khắc ngưng đọng của thời điểm sáng tạo ra anh ta, nhằm chống lại Chủ nghĩa phát xít (CNPX), vào năm 1938. Tony Stark của Marvel, bản ngã khác của nhà chế tạo vũ khí Iron Man, được tạo ra vào năm 1963, gây chú ý nhất trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam. Captain America, xuất hiện vào năm 1940, bị đóng băng ở Bắc Cực trong suốt Thế chiến II và tỉnh dậy, trong một bộ phim phát hành vào nhiệm kỳ thứ hai của Obama, lo lắng về quyền riêng tư dữ liệu. Black Panther, được tạo ra năm 1966, đã thành công trên màn ảnh năm 2018 một phần vì sự thiếu tiến bộ trong công bằng chủng tộc: ở một số khía cạnh nhất định, thời gian dường như đứng yên. Và rồi, với tất cả những thứ chủ nghĩa dân tộc và CNPX lan tràn trong những bộ phim này, cuộc sống dạo gần đây cứ như đang bắt chước nghệ thuật vậy. “Endgame Again: Proud Boys vs. Antifa” sẽ không sớm ra rạp gần nơi của bạn, nhưng nó có thể đã đến từ một nơi nào đó. Đó, một phần, là bản cáo trạng được đưa ra bởi loạt phim gốc của Amazon năm 2019 “The Boys”, về một nước Mỹ thay thế bị bao vây bởi các siêu anh hùng nổi tiếng thuộc sở hữu của các tập đoàn, bao gồm Stormfront, được tạo ra bởi các bác sĩ Đức Quốc xã vào những năm 1930 và là người truyền cảm hứng cho những người theo chủ nghĩa da trắng ưu việt thế kỷ 21. Có thể nói rằng, rất nhiều siêu anh hùng được tạo ra từ nhiều thập kỷ trước đã không bao giờ đến được Hollywood, hoặc thậm chí là Amazon Prime Video, bởi vì họ quá quái dị ngay cả với thời kỳ của riêng họ – như Miss Fury, từ năm 1941. Wonder Woman, được tạo ra cùng năm, chỉ có được bước nhảy vọt đến năm 2017, trong một bộ phim của đạo diễn Patty Jenkins, người cũng đạo diễn bộ phim mới này. “Wonder Woman 1984” có sự góp mặt của nữ diễn viên Israel tuyệt đẹp Gal Gadot trong vai công chúa Amazon quyến rũ và đau buồn và trong bản ngã thay thế của cô, Diana Prince, ăn mặc một cách khó hiểu giống Katharine Hepburn.

https://bookhunter.vn/wonder-woman-hoa-binh-khong-den-tu-ngoi-yen/

Jenkins, khi giải thích lý do tại sao cô đặt bộ phim mới trong bối cảnh năm 1984, đã nói rằng những năm tám mươi đại diện cho “nhân loại ở thời kỳ cực đoan nhất và cũng là tốt nhất”. (Jenkins cũng đồng viết kịch bản.) Wonder Woman, được nữ thần Aphrodite ban tặng cho cuộc sống vĩnh hằng, không bao giờ già đi, nên Jenkins có rất nhiều lựa chọn cho nhân vật phản diện của mình. Nhưng Max Lord rõ ràng là một tạo tác của thập kỷ: anh ấy ra mắt DC Comics vào 1987 (cùng năm Michael Douglas đóng vai Gordon Gekko trong “Wall Street”), thời kỳ hoàng kim của những kẻ cướp công ty, thâu tóm doanh nghiệp bằng khoản vay và bãi bỏ quy định. “Bạn có thể có tất cả”, Max Lord của Pascal khóc khi chứng kiến ​​sự tham lam hủy hoại thế giới, sau khi y nắm giữ các quyền lực của Tổng thống Hoa Kỳ. “Bạn chỉ cần muốn là được!”

Warner Bros. gọi kẻ thù khác của Wonder Woman trong phim mới là một phe đối địch “hoàn toàn mới” đối với cô ấy, nhưng Cheetah lại là một trong những địch thủ lâu đời nhất của cô, ra mắt những năm 1940. Tóc được cột như những năm 1980 và được thủ vai bởi Wiig tài ba, Cheetah đã có thể hài hước theo cách của Dolly Parton trong phim “9 to 5” năm 1981 hay Melanie Griffith trong “Working Girl” năm 1988. Nhưng Cheetah này thì không như vậy. Cô ấy thậm chí không quanh co. Cô ấy chỉ đố kỵ. Trước khi biến thành Cheetah, cô ấy là một nhà nghiên cứu đá quý cô đơn, buồn tẻ – Tiến sĩ Barbara Minerva, đồng nghiệp của Diana Prince, hiện đang làm việc tại Smithsonian với tư cách là một nhà khảo cổ học. Cô ấy bị ăn mòn bởi lòng đố kỵ. “Cô luôn có mọi thứ, trong khi những người như tôi lại không có gì”, cô nói với Diana. “Tôi muốn trở thành số 1. . . một kẻ săn mồi đỉnh cao”, cô nói. Điều này cũng đúng với Cheetah gốc, người ghét “Amazon kiêu ngạo” và muốn trở thành “một kẻ săn lùng phụ bạc và không ngừng nghỉ”. Liệu cốt truyện của cô mèo này, kết thúc bằng cuộc chiến không thể tránh khỏi, có thực sự đứng vững trước thử thách của thời gian?

Wonder Woman được tạo ra bởi luật sư và nhà tâm lý học được đào tạo tại Harvard -William Moulton Marston; vợ ông, luật sư kiêm biên tập viên Elizabeth Holloway; và nhà tâm lý học và nhà văn của Family Circle – Olive Byrne. Đó là câu chuyện tôi đã ghi lại trong cuốn sách năm 2014 của mình “Quá khứ bí mật của Wonder Woman”. Cả ba sống với nhau như một gia đình và nuôi dạy bốn người con. Năm 1940, All-American Comics, không biết gì về cuộc sống gia đình của Marston, đã thuê ông làm thành viên trong ban cố vấn biên tập. Để phản hồi các nhà phê bình, những người đã phủ đầu rằng truyện tranh nguy hiểm đối với trẻ em, do sự tôn vinh bạo lực, Marston đã đề xuất một nữ siêu anh hùng yêu thương và dịu dàng. Cô đã ra mắt vào tháng mà quân Nhật tấn công Trân Châu Cảng. Với những chiếc vòng tay chống đạn và sợi dây thừng sự thật của mình, Wonder Woman đến Mỹ từ Paradise Island, quê hương của những người Amazons, để đấu tranh cho dân chủ và quyền của phụ nữ.

Marston đã tạo ra Cheetah trong một cuộc tranh cãi với các biên tập viên của mình. Ông đã mãi mãi trói Wonder Woman trong xiềng xích; ông nói rằng điều này là bởi vì sự trốn thoát không thể tránh khỏi của cô ấy được dùng như một phép ẩn dụ cho sự giải phóng của phụ nữ. Nhưng ông cũng bảo vệ các xiềng xích trên lý do tâm lý: “Phụ nữ thích phục tùng, bị ràng buộc”, ông viết cho biên tập viên M. C. Gaines. Gaines ít nhiều chấp nhận lời giải thích này, nhưng nữ biên tập viên duy nhất của All-American, Dorothy Roubicek, thấy nó khá rắc rối. (Cũng có thể Roubicek đã viết một bài thường xuyên trong mọi số báo có tên là “Wonder Women of History”: tiểu sử của những người phụ nữ, bao gồm cả Sojourner Truth, Susan B. Anthony và Helen Keller). Roubicek nhận thấy rằng những thứ kỳ lạ nhất dường như xảy ra trên Paradise Island và bà đề nghị Wonder Woman hủy bỏ tất cả các chuyến đi của cô ấy đến đó. “Bằng cách đưa cô ấy rời khỏi Paradise Island (trừ một số trường hợp hiếm hoi),” Roubicek khuyên, “góc độ phụ nữ bị xiềng xích được xóa bỏ”. Marston phớt lờ điều đó. Khi Roubicek cung cấp cho Marston một danh sách các thiết bị, những gợi ý về những các thử thách khác mà Wonder Woman có thể đối mặt thay vì xiềng xích và dây thừng, Marston đã viết cho Gaines, “Xin cảm ơn cô Roubicek về danh sách của những hăm dọa.”

Để phản công Roubicek, Marston đã giới thiệu Cheetah vào năm 1943. Bản ngã thay thế của cô, một cô gái tóc vàng tên Priscilla Rich, liên quan đến Wonder Woman với không phải mười, không phải một trăm, mà hơn một nghìn mắt xích. (“Cô Rich đã thu thập chúng từ các nhà tù và ngục tối trên khắp thế giới,” Marston viết. “Sở thích của Priscilla là thu thập các xiềng xích”). Rich cũng trói Wonder Woman vào một cái brank: tức là một chiếc mặt nạ da trùm kín đầu, được gắn vào cổ áo bằng sắt. Tiếp theo, Rich mở một tiệm làm đẹp, nơi cô giam cầm các cô gái làm nô lệ mặc quần áo da ngựa vằn (vì “ngựa vằn là con mồi yêu thích của báo cheetah”). Một trung sĩ quân đội đã gửi thư đến DC Comics, mong muốn được xem thêm: “Tôi là một trong những người đàn ông kỳ quặc, có lẽ không may có được khoái cảm khiêu dâm tột độ chỉ từ ý nghĩ về một cô gái xinh đẹp, bị xích hoặc bị trói, đeo mặt nạ, hoặc mang giày cao gót hoặc bốt buộc dây”. Anh ấy đặc biệt vui mừng khi thấy mặt nạ brank trong “Wonder Woman and the Cheetah”. Roubicek rõ ràng nhận thấy bức thư đáng lo ngại. Gaines đã viết thư cho Marston. Marston hồi đáp, “Tôi có một bức thư tốt của Trung sĩ, trong đó anh ấy bày tỏ sự nhiệt tình của mình đối với xiềng xích dành cho phụ nữ – vậy thì sao?” Cuối cùng, Wonder Woman đã trói Cheetah bằng sợi dây thừng ma thuật của mình. Priscilla Rich thốt lên với lòng biết ơn, “Những mối quan hệ này sẽ thật tuyệt vời!”

“Wonder Woman and the Cheetah” của William Moulton Marston từ năm 1943, tạo ra một bức tranh biếm họa bằng truyện tranh về một người phụ nữ tâm thần và bạo lực, một trụ cột của văn hóa đại chúng Mỹ trong những năm bốn mươi. Nguồn: DC Comics

Nội dung này nằm ngay trong sách giáo khoa tâm lý học: Sách giáo khoa tâm lý học của Tiến sĩ Marston. Trong cuốn “Emotions of Normal People” (1929), Marston đã ám chỉ đến sự mặc cảm, một hiện tượng tâm lý được định nghĩa bởi Alfred Adler vào khoảng thời gian Marston đang hoàn thành luận án về tâm lý học thực nghiệm. Trong một chương có tên “Dominance”, Marston báo cáo kết quả nghiên cứu mà ông đã thực hiện, với sự hỗ trợ của Holloway và Byrne, bao gồm các cuộc phỏng vấn với 250 trẻ em có “hành vi phạm pháp” (được giám sát bởi một chuyên gia về “nữ tội phạm tâm thần”) ở New York, hơn 3.400 tù nhân ở Texas và một nhóm nhỏ hơn sinh viên chưa tốt nghiệp tại Đại học Tufts, nơi Marston giảng dạy từ năm 1925 đến 1926 và nơi ông chủ yếu nghiên cứu về sự ràng buộc giữa các cô gái nữ sinh. Lập luận rằng sự thống trị dựa trên “bản năng săn mồi”, Marston giải thích mối quan hệ giữa sự thống trị và sự khuất phục bằng cách so sánh con người với mèo đuổi chuột.

“Không có gì nguy hiểm trên toàn thế giới bằng lòng căm thù hằn học của một kẻ thù cá nhân và không có kẻ thù nào ham muốn gây ra nỗi đau như một người đàn ông hay đàn bà cảm thấy mình kém cỏi!” ông đã viết trong “Wonder Woman and the Cheetah.” Vào thời điểm Cheetah bắt đầu hành động, Wonder Woman đã phải đối mặt với rất nhiều nhân vật phản diện, tất cả đều bước ra từ cuộc sống và kinh nghiệm của những người sáng tạo ra họ. Không giống như Holloway và Byrne, những người đã học cao học nhưng chưa bao giờ lấy được bằng tiến sĩ, một số kẻ ác có bằng Tiến sĩ, bao gồm Dr. Psycho, được dựa trên cố vấn của Marston – nhà tâm lý học thực nghiệm người Đức Hugo Münsterberg. Tiến sĩ Barbara Minerva, nhà nghiên cứu đá quý, là bản cập nhật cho mạch truyện gốc của Priscilla Rich – một nhà đá quý, thay vì một tiểu thư, nhưng vẫn là một phụ nữ tâm thần đố kỵ, phục tùng cần được thống trị.

https://bookhunter.vn/nhung-cuon-sach-gay-anh-huong-nhat-ve-chu-nghia-nu-quyen/

Có rất nhiều trở ngại trong việc đưa Wonder Woman lên màn ảnh, một phần vì có quá ít phim kinh phí lớn của Hollywood có nữ chính (chưa tính đến các đạo diễn nữ) và một phần vì Wonder Woman là biểu tượng nữ quyền dễ nhận biết nhất trên thế giới. Phụ nữ và con gái của họ choáng váng ra về với lòng biết ơn sau khi xem “Wonder Woman” năm 2017; phim có ý nghĩa rất lớn đối với các bé gái, đặc biệt, khi thấy một nhân vật nữ phản kháng, giải cứu những người dễ bị tổn thương và đánh bại những kẻ phản diện. Sẽ có ý nghĩa hơn nếu cô ấy không đơn độc và là một phần của cuộc chiến lớn hơn – cuộc chiến vì công lý.

Patty Jenkins có vẻ lưu tâm đến lịch sử. Bà đặt phim Wonder Woman đầu tiên của mình trong Thế chiến I. Và bà đã đặt bộ phim mới này vào bối cảnh năm Orwell 1984. Nhưng dường như bà không quan tâm chút nào đến lịch sử của phụ nữ: nó không có vị trí trong cả hai phim “Wonder Woman” của bà, mặc dù cả hai phim đều diễn ra trong các bước ngoặt của lịch sử phụ nữ và mặc dù lịch sử của Wonder Woman, truyện tranh và nhân vật, không thể tránh khỏi gắn bó chặt chẽ với cuộc đấu tranh lâu dài, đau khổ và dang dở cho quyền bình đẳng chính trị của phụ nữ.

Paradise Island, một hòn đảo của phụ nữ, được lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết không tưởng “Herland” (1915) của nhà nữ quyền Charlotte Perkins Gilman. Những người phụ nữ ở đó là người Amazons do, vào những năm 1910, các phóng viên thường dùng cái tên này để mô tả những người ủng hộ quyền bầu cử. Bản thân những người ủng hộ quyền bầu cử cũng vậy, ở cả Anh và Mỹ, bao gồm Elizabeth Holloway, khi còn là sinh viên Đại học Mount Holyoke, một tâm điểm của quyền bầu cử, đều trở thành một độc giả cuồng nhiệt của nhà thơ Hy Lạp Sappho, đến từ đảo Lesbos. Wonder Woman chiến đấu với đàn ông bằng những kỹ năng học được từ những người ủng hộ quyền bầu cử. Năm 1903, Emmeline Pankhurst thành lập Liên minh Chính trị và Xã hội của Phụ nữ (WSPU), ủng hộ phản kháng vũ trang đối vớisự đàn áp chính thức của các quyết định chính trị, kêu gọi phụ nữ tự vệ trước cảnh sát thông qua huấn luyện tự vệ, đặc biệt là nhu thuật (jujitsu). Năm 1909, những người ủng hộ quyền bầu cử ở Anh, bị bắt vì hành vi gây mất trật tự, bắt đầu tuyệt thực, dẫn đến 4 năm sau ra đời Đạo luật Mèo và Chuột, theo đó những phụ nữ cận tử sẽ được thả, chỉ bị giam lại sau khi đã có đủ sức để tiếp tục chống chọi với chuỗi ngày trong ngục. Giống như Holloway, Marston bị ảnh hưởng bởi cả những người ủng hộ quyền bầu cử ở Anh và Mỹ; trong suốt năm nhất tại đại học Harvard, Emmeline Pankhurst đã đến phát biểu. Năm 1914, Margaret Sanger, dì của Olive Byrne, bắt đầu xuất bản một trong những tạp chí nữ quyền đầu tiên ở Mỹ – The Woman Rebel, trong đó Sanger tạo ra cụm từ “kiểm soát sinh sản”. Có một số bằng chứng cho thấy mẹ của Olive Byrne – Ethel Byrne đã đến London để đào tạo chính trị với WSPU. Năm 1917, sau khi Margaret Sanger và Ethel Byrne mở phòng khám kiểm soát sinh sản đầu tiên ở Mỹ – cùng nhau, hai người phụ nữ đã đặt nền móng cho thứ sau này là Kế hoạch hóa gia đình – Byrne bị kết tội dạy phụ nữ cách sử dụng màng ngăn và đảm nhận cuộc tuyệt thực bị cáo trạng của một phụ nữ ở Mỹ. Ba năm sau, Mỹ cuối cùng đã phê chuẩn Tu chính án 19, đảm bảo quyền bầu cử cho phụ nữ.

Wonder Woman, dù với đôi bốt cao gót đỏ dài (kinky boots), là hậu duệ của những phụ nữ nổi dậy biểu tình trên đường phố, đối đầu với cảnh sát và chống lại sự bắt giữ – các nhà nữ quyền, những người ủng hộ quyền bầu cử và các nhà hoạt động kiểm soát sinh sản. Nhưng Jenkins, hiện khi tích hợp ngay cả phần nhỏ nhất của lịch sử đó vào cốt truyện của các phim của mình, đã xóa nhòa điều này. Bà đã đặt bộ phim Wonder Woman đầu tiên của mình ở những năm 1910, trong Thế chiến I, nhưng kể câu chuyện như thể những phong trào chính trị này chưa bao giờ tồn tại. Bộ phim mới của bà coi thập niên 1980 như thể một thập kỷ không có chủ nghĩa nữ quyền hay phản nữ quyền. Năm 1984, Geraldine Ferraro, với tư cách là người tranh cử của Walter Mondale, trở thành người phụ nữ đầu tiên có vé bầu của một đảng lớn. Trong khi đó, Tu chính án Quyền Bình đẳng vừa thất bại do phản ứng dữ dội của phe bảo thủ và sự trỗi dậy của quyền tôn giáo. Đó là một thời kỳ thù địch với quyền phụ nữ, vào năm 1985, Margaret Atwood đã xuất bản “The Handmaid’s Tale”. Trong “Wonder Woman 1984”, bối cảnh lịch sử chỉ có Ronald Reagan, trong Phòng Bầu dục (Oval Office), mong muốn rằng Mỹ có nhiều vũ khí hạt nhân hơn, Trung Đông rơi vào cuộc chiến tranh giành lãnh thổ và Max Lord, giống như một Trump thời trẻ, tham vọng chiếm cả thế giới.

Tìm hiểu thêm về cuốn sử “Nước Mỹ chuyện chưa kể” để hiểu hơn về thực trạng nước Mỹ mà các nhà làm phim phản ánh:
https://thebookhunter.org/portfolio-item/nuoc-my-chuyen-chua-ke/

Những người phụ nữ trong “Wonder Woman 1984” khao khát điều gì? Wonder Woman mong mỏi bạn trai đã chết của mình – Steve Trevor. Barbara Minerva cũng muốn có bạn trai. Cô ấy còn muốn không cần đeo kính và diện giày cao gót, đồ lông thú, trang điểm và ăn mặc sexy. Cô ấy muốn đàn ông khao khát mình và muốn sức mạnh để thống trị họ. Cốt truyện về cô gái của “Wonder Woman 1984” không xuất phát từ những năm 1980. Nó đến từ những năm 1990, khi nhân vật nữ tâm thần, ghen tức dữ dội là trụ cột của văn hóa đại chúng Mỹ, như trong các phim “Rebecca” (1940) và “Leave Her to Heaven” (1945). Cheetah của Marston là một truyện tranh biếm họa về hình ảnh đó. Dưới đây là đoạn trích từ một trong các kịch bản của ông:

CHEETAH: Arr-rrg-ggh! Tôi ghen tị với Wonder Woman – tôi ghét ả – tôi sẽ giết ả!

DẪN CHUYỆN: “Cheetah theo chân Wonder Woman đến Paradise Island và đánh cắp chiếc đai lưng của nữ thần Aphrodite”.

(Cheetah chiến thắng, đeo đai lưng ma thuật. WW đứng trước mặt cô thách chiến.)

CHEETAH: Ai đeo chiếc đai lưng ma thuật này sẽ bất khả chiến bại! Đưa cho ta – hoặc chết!

WW: Ta sẽ chiến đấu với ngươi, ngay cả khi khi ngươi đeo đai lưng!

DẪN CHUYỆN: “Trận chiến vẫn tiếp diễn”. “Wonder Woman 1984” – một bộ phim được phát hành vào năm 2020, kỷ niệm một trăm năm ngày phê chuẩn Tu chính án 19 – là câu chuyện về một cô gái trầm mặc, phục tùng và bị đánh gục bởi lòng ghen tị với một cô gái xinh đẹp hơn, nổi tiếng hơn. Bài học cho cả hai là từ bỏ mong muốn bất cứ điều gì. Trận chiến, theo tôi đoán, không có hồi kết.

Nguồn: The New Yorker

Anh Lê dịch

Những quyền lực ngầm chi phối chính trị Mỹ (3): Truyền thông đại chúng

Ghi chép ngắn từ “Nước Mỹ chuyện chưa kể” của Oliver Stone & Peter Kuznick Bài 1: https://bookhunter.vn/nhung-quyen-luc-ngam-chi-phoi-chinh-tri-my-1-chu-nghia-nuoc-my-xuat-chung/ Bài 2 https://bookhunter.vn/nhung-quyen-luc-ngam-chi-phoi-chinh-tri-my-2-to-hop-cong-nghiep-quan-su/ Để đảm bảo cho chủ nghĩa nước Mỹ xuất chúng luôn ngự trị trong lòng người dân, và hợp lý hóa tất cả các cuộc chiến mà nước Mỹ thực hiện ở các quốc gia khác, cũng như duy trì vòng tiêu dùng bất tận phục vụ các tập đoàn, truyền thông đại chúng đã nhanh chóng trở thành thứ vũ khí hủy diệt

NỮ QUYỀN KHÔNG NHƯ BẠN TƯỞNG (3): CÁC LÀN SÓNG NỮ QUYỀN (tiếp)

Đọc các bài trong chùm Nữ quyền không như bạn tưởng tại đây Làn sóng nữ quyền thứ ba (third-wave feminism) Còn rất nhiều tranh cãi xung quanh mốc thời gian làn sóng thứ ba khởi đầu, và liệu nó đã kết thúc hay chưa. Một quan điểm cho rằng làn sóng này gắn với vụ việc Anita Hill và Clarence Thomas. Một số người khác đồng nhất thời điểm bắt đầu của làn sóng nữa quyền thứ ba cho sự xuất hiên của các nhóm

Cục Dự trữ Liên bang tạo ra tiền như thế nào?

“Các đòn bẩy được Ngân hàng Dự trữ Liên bang sử dụng để tăng hoặc giảm cung tiền là gì?” một độc giả hỏi. Vài tuần trước, tôi đã xin các độc giả hàng ngày của FEE những câu hỏi của họ về kinh tế học. Khá nhanh chóng, tôi nhận được một câu hỏi mà tôi khá chắc rằng thể nào mình cũng sẽ nhận được. Nó đến từ một người đàn ông tên là Warren đến từ Chicago, hỏi: “Các đòn bẩy được

Cụt Đuôi

14/02/2023

Những quyền lực ngầm chi phối chính trị Mỹ (1): Chủ nghĩa nước Mỹ xuất chúng

Ghi chép ngắn từ “Nước Mỹ chuyện chưa kể” của Oliver Stone & Peter Kuznick Chúng ta thường hình dung về nước Mỹ như một quốc gia lý tưởng mà ở đó chính quyền phải tôn trọng các quyền tự do dân sự. Không ít người quan tâm tới tình hình thế giới đều đặt kỳ vọng rằng tổng thống Mỹ, chính quyền Mỹ sẽ mang lại tự do, dân chủ không phải chỉ cho người dân Mỹ mà còn cho cả thế giới. Niềm

NỮ QUYỀN KHÔNG NHƯ BẠN TƯỞNG (1): LỊCH SỬ RA ĐỜI VÀ PHÁT TRIỂN CỦA PHONG TRÀO NỮ QUYỀN

Manh nha từ nửa đầu thế kỷ XIX tại Hoa Kỳ, cho đến nay, phong trào nữ quyền (féminisme, feminism) đã lan rộng ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Theo Từ điển bách khoa Britannica, “feminism” đại diện cho niềm tin vào sự bình đẳng về xã hội, kinh tế và chính trị của các giới. Có thể nói, hiện nay, phong trào này đã và đang trở nên vô cùng nóng bỏng: không chỉ xuất hiện trên các