Home Hiểu Nữ quyền không như bạn tưởng (4): Những huyền thoại

Nữ quyền không như bạn tưởng (4): Những huyền thoại

PHẦN II: MỘT SỐ HUYỀN THOẠI ĐƯỢC THÊU DỆT NÊN TỪ PHONG TRÀO NỮ QUYỀN

  1. Phụ nữ có thật sự bị áp bức và không được nắm giữ những trọng trách về chính trị, xã hội?

Ta có thể bắt đầu xem xét vấn đề này với một nữ nhân khá nổi tiếng từ những cuốn sách lịch sử đến điện ảnh và truyền hình – Cleopatra VII, Pharaoh cuối cùng của Ai Cập. Nhưng chỉ tính riêng số nữ hoàng cùng mang tên Cleopatra, đã có tới 7 người tất cả. (Cleopatra là một cái tên cực kỳ phổ biến ở Ai Cập cổ đại và Cleopatra mà mọi người hay nhắc đến là Cleopatra VII Philopator, vợ của Julius Ceasars). Trước đó rất lâu, Hatshepsut không chỉ là hoàng hậu của một pharaoh, mà chính bà còn là pharaoh trị vì Ai Cập cổ đại khoảng thế kỷ XV TCN. Bà là con của pharaoh Thutmose I. Ngoài ra, trong số những nữ hoàng quyền lực của thời kỳ cổ đại có thể kể đến Nữ hoàng Nefertiti (Ai Cập – thế kỷ XIV TCN), Tomyris (Massagetae – khoảng năm 530 TCN), Arsinoe II (Thrace và Ai Cập – 316 TCN), Zenobia (Palmyra – thế kỷ III)… (9). Không chỉ trong địa hạt chính trị, lịch sử cũng ghi nhận rất nhiều trường hợp người đàn bà thành công trong các lĩnh vực quân sự, khoa học hay xã hội khác. Lei-Tzu (嫘祖), tương truyền là vợ của Hoàng Đế (Trung Quốc) sáng tạo ra dệt tơ tằm từ thế kỷ XXVII TCN. Các nữ chiến binh Amazon đã chiến đấu rất kiên cường và giúp đỡ quân Trojan trong cuộc chiến với Hy Lạp. Như vậy, mặc dù có những sự phân biệt đối xử chống lại đàn bà trong thời cổ đại, có thể thấy rằng họ không hề bị cấm đoán trong việc vươn lên nắm giữ những vị trí cao trong bộ máy cai trị cũng như đời sống xã hội.

Còn ngày nay, thủ tướng Đức Angela Merkel, cựu Ngoại trưởng và ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ Hillary Clinton, đương kim tổng thống Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) Thái Anh Văn là những minh chứng rõ ràng nhất cho việc đàn bà không hề bị giới hạn trong con đường chính trị. Trong văn học và nghệ thuật, những Ethel Lilian Voynich (với tác phẩm Ruồi trâu), Mary Shelley (Frankenstein), Emily Bronte (Đồi gió hú) cũng đạt được những thành tựu sáng giá và không hề thua kém những nam đồng nghiệp. Trong khoa học, Marie Curie thậm chí còn vượt cả những nhà khoa học nam giới khi chính thức là người đầu tiên trong lịch sử giành được hai giải Nobel. Ada Lovelace, con gái của Lord Byron, được giới IT xem là lập trình viên đầu tiên trong lịch sử ngành công nghệ thông tin: bà đã viết những thuật toán đầu tiên cho máy tính điện tử từ nửa đầu thế kỷ XIX. Rosalind Franklin đã có đóng góp vô cùng quan trọng vào nghiên cứu cấu trúc phân tử DNA, chỉ đáng tiếc là bà chưa bao giờ được trao giải Nobel bởi đã mất năm 1958 trước khi giải này được trao (năm 1962). Có thể nói, không ai ngăn cản đàn bà nghiên cứu, sáng tác và gây dựng tên tuổi của mình.

 

  1. Đàn bà chưa bao giờ được hưởng một nền giáo dục tương xứng với đàn ông?

Theo New Advent Catholic Encyclopedia, Juliana Morell (1594-1653), một nữ tu dòng Anh em, Thuyết Giáo sinh tại Barcelona, là người đàn bà đầu tiên được nhận bằng Tiến sĩ Luật. Bà được học tiếng Latin, Hy Lạp và Do Thái từ khi lên 4 tuổi.  Theo nhiều ghi chép, Morell còn nghiên cứu vật lý học và siêu hình học. Bằng tiến sĩ của bà được trao vào năm 1608 khi bà mới chỉ 14 tuổi.

Tại Québec, Canada, từ năm 1639 đã xuất hiện một trường học dành riêng cho phái nữ, tên là L’école de Ursulines de Québec. Trường này vẫn tồn tại cho đến khi tôi viết bài này (gần 400 năm). Nguồn gốc cái tên Ursulines thậm chí đến từ phong trào khởi xướng bởi Angela Merici từ năm 1535 tại Italia (thánh bảo trợ của phong trào là Thánh Ursula). Merici lập ra các viện tôn giáo với mục đích đào tạo nữ giới và giúp đỡ những người nghèo khó. Đến nay, tổ chức này đã lan rộng ra ngoài phạm vi Italia và đặt chân đến nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Hoa Kỳ, trường đại học Công giáo đầu tiên dành cho nữ giới được thành lập ở Ohio vào năm 1871. Trước đó, cũng tại bang Ohio, trường Oberlin College đã nhận nữ sinh từ năm 1833! Người đàn bà đầu tiên tại Hoa Kỳ nhận bằng tốt nghiệp là Catherine Brewer với tấm bằng cử nhân của đại học Wesleyan College từ năm 1840! Như vậy, xét riêng Hoa Kỳ, đàn bà được đi học và tốt nghiệp đại học từ thế kỷ XIX.

  1. Có chênh lệch về thu nhập giữa đàn ông và đàn bà?

Tràn ngập trên các phương tiện truyền thông đại chúng là những lời tuyên truyền rằng ở bất cứ đâu trên thế giới, đàn bà cũng kiếm được ít hơn đàn ông với cùng một trọng trách mà họ phải đảm nhiệm, kể cả khi hai người hoàn toàn tương đương nhau về năng lực làm việc. Cụ thể, từ thời Barack Obama còn làm tổng thống Hoa Kỳ, báo chí nước này không ngừng “nhai lại” một thống kê cho thấy với mỗi dollar mà một người đàn ông kiếm được, đàn bà chỉ kiếm được 77 cent (1 USD = 100 cent) (10). Nếu điều này có thật, tại sao các công ty không tuyển toàn phụ nữ để họ có thể trả lương thấp hơn, bởi mục đích của các công ty tư nhân luôn luôn là tối ưu hóa lợi nhuận? Trong trường hợp này, việc chỉ tuyển nữ giới có thể cắt giảm tới 25% quỹ lương của một công ty!

Thực tế thì, con số 77 cent /1 USD được tính toán bằng cách lấy thu nhập TRUNG BÌNH của tất cả đàn bà làm việc toàn thời gian chia cho thu nhập trung bình của tất cả đàn ông cũng làm việc toàn thời gian. Đây là một cách tính theo kiểu đánh đồng, hời hợt, bởi ở đây người ta đã không xét đến tất cả các sự khác biệt về nghề nghiệp, vị trí, nền tảng giáo dục hay thậm chí là số giờ làm việc trong một tuần của mỗi người đàn bà so với đàn ông (11).

Ngay cả một tổ chức nữ quyền như American Association of University Women cũng chỉ ra, nếu tính cả những sự lựa chọn công việc khác nhau của hai giới, khoảng cách lương giảm còn 6.6%. Theo một công bố của Đại học George Town về các nhóm ngành mà nam giới và nữ giới tham gia nhiều nhất, dễ thấy rằng đàn ông có xu hướng LỰA CHỌN những ngành lao động được trả lương cao hơn, chẳng hạn kỹ sư hàng hải, công nghệ quốc phòng, hay kỹ thuật hạt nhân. Trong khi đàn bà hầu hết có xu hướng chọn lao động trong những nhóm ngành nghề được trả lương thấp hơn, chỉ bằng một nửa đàn ông, như giáo dục trẻ em, trợ giúp y tế hay tư vấn học đường (12).

Để kết thúc cuộc tranh luận về thu nhập, tôi xin dẫn ra báo cáo 95 trang của Bộ Lao động Hoa Kỳ, mang tên Một phân tích về các lý do đằng sau sự chênh lệnh về lương tháng của Đàn ông và đàn bà (An analysis of the Reasons for the Disparity in Wages between Men and Women) trong đó tôi xin trích nguyên văn:

“During  the  past  three  decades,  women  have  made  notable  gains in  the  workplace  and  in  pay  equity,  including  increased  labor force  participation,  substantial  gains  in  educational  attainment, employment growth in higher paying occupations, and significant gains in real earnings.

However,  despite  these  gains  the  raw  wage  gap  continues  to  be used  in  misleading  ways  to  advance  public  policy  agendas without fully explaining the reasons behind the gap.”

Tạm dịch: “Trong ba thập kỷ qua, phụ nữ đã đạt được những thành tựu đáng chú ý tại nơi làm việc và công bằng trong việc trả lương, bao gồm tham gia nhiều hơn vào lực lượng lao động, tăng đáng kể thành tích giáo dục, tăng tỉ lệ có việc làm trong các ngành nghề có thu nhập cao hơn và tăng đáng kể về thu nhập thực tế.

Tuy nhiên, bất chấp những tăng trưởng này, khoảng cách tiền lương thô vẫn tiếp tục bị lạm dụng theo những cách sai lệch để thúc đẩy các chương trình nghị sự về chính sách công trong khi không giải thích đầy đủ lý do đằng sau sự chênh lệch này.”

  1. Đàn bà luôn luôn là nạn nhân của bạo lực gia đình?

Bạo lực gia đình (domestic violence) và hiếp dâm (rape) cũng là một chủ đề thường xuyên xuất hiện trên báo đài phương Tây. Hình ảnh thường xuyên được họ gợi lên là một người đàn ông đánh đập vợ của họ, với một đứa trẻ đứng phía sau cảnh bạo lực này, nước mắt lăn dài…

Tuy nhiên, xét về khía cạnh luật pháp, cố ý gây thương tích cho người khác, dù là nam giới tác động lên nữ giới hay ngược lại, đều có những chế tài xử phạt thích đáng.

Một công bố thường được lặp lại trên các cuốn sách giáo khoa về bạo lực gia đình ở Hoa Kỳ, chẳng hạn Domestic Violence Law đó là 22-35% đàn bà phải nhập viện cấp cứu vì bạo lực gia đình. Tuy nhiên, sự thật là chỉ có 550,000, trên tổng số 40 triệu đàn bà nhập viện cấp cứu hàng năm là do các nguyên nhân liên quan đến bạo lực. Trong số 550,000 người này, chỉ 37% trong đó bị tấn công bởi những người thân thiết (intimates). Tóm lại, con số chính xác là khoảng 1%, chứ không phải 22-35% đàn bà nhập viện vì bị chồng hay người yêu bạo hành! (8)

Trong một diễn biến khác, không phải “hầu hết nạn nhân của bạo hành gia đình đều là đàn bà”. Một nghiên cứu có tên Domestic Violence – The Male Perspective của tổ chức Parity ở UK cho biết:

Nam giới chiếm khoảng 40% tổng số nạn nhân bạo lực gia đình mỗi năm trong khoảng thời gian 2004-05 đến 2008-09, năm cuối cùng có số liệu. Trong năm 2006-2007, nam giới chiếm 43,4% trong số những người bị bạn tình bạo hành trong năm trước, tăng lên 45,5% trong năm 2007-08 nhưng đã giảm xuống còn 37,7% trong năm 2008-09.

Bản tin năm 2008-09 nêu rõ: “Hơn một phần tư đàn bà (28%) và khoảng một phần sáu đàn ông (16%) đã bị bạo hành gia đình kể từ tuổi 16. Những con số này tương đương với khoảng 4,5 triệu nạn nhân nữ và 2.6 triệu nạn nhân nam.”

Alex Neil, bộ trưởng bộ Nhà ở và cộng  đồng ở Scoland cho biết “Cả đàn ông và đàn bà đều có thể là nạn nhân và chúng tôi biết rằng đàn ông chịu áp lực rất lớn để tiếp tục giả vờ rằng mọi thứ đều ổn”     .

  1. Cứ 5 nữ sinh đại học thì có 1 người bị xâm hại tình dục?

Xét theo Campus Sexual Assault Study được công bố bởi National Institute of Justice theo kết quả điều tra từ 2005 đến 2007 và được lặp lại bởi vô số nghị sĩ, thậm chí cả Barack Obama thì có vẻ như các trường đại học ở Hoa Kỳ là một trong những nơi nguy hiểm nhất trên thế giới. Ấy vậy mà James Alan Fox và Richard Moran, hai nhà tội phạm học nổi tiếng đã chỉ ra những điểm mập mờ trong công bố này (13):

Cụ thể, nghiên cứu chỉ được thực hiện tại HAI trong tổng số tất cả những trường đại học tại Hoa Kỳ, và họ áp dụng một định nghĩa quá rộng cho “xâm hại tình dục”, với việc tính cả việc bị trở thành đối tượng của một “cố gắng cưỡng hôn” (attempted forced kiss) hay quan hệ tình dục trong lúc say sau một buổi tiệc.                            

  1. Có đến 100,000 – 300,000 cô gái mỗi năm tại Hoa Kỳ bị đem làm nô lệ tình dục?

Richard Estes và Neil Alan Weiner đã đưa ra những con số này trong một báo cáo năm 2001 của Đại học Pennsylvania. Thật nực cười là những con số này được cả cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter tin tưởng (14) và từ đó nhận xét rằng “tình trạng nô lệ tình dục ở Mỹ hiện tại còn tồi tệ hơn những gì xảy ra ở thế kỷ XIX”. Sự thật là, khi được hỏi về con số cụ thể những trẻ em bị bắt cóc và đem làm nô lệ, Estes đã trả lời rằng “chỉ khoảng vài trăm cháu” (15). Tất nhiên, vài trăm cũng là một con số không nhỏ, nhưng không thể phóng đại tình hình lên cỡ 1000 lần như vậy. Thêm vào đó, một cuộc điều tra dân số ở New York City vào năm 2008 đã chỉ ra rằng, gần một nửa trong số “vài trăm” trẻ em này là con trai!

Những huyền thoại trên đây chỉ là một vài trong số vô vàn những tin tức sai sự thật (fake news) hàng ngày vẫn được xào nấu bởi các phương tiện truyền thông đại chúng vì những mục đích chính trị của họ (bôi nhọ và từ từ gạt bỏ đàn ông ra khỏi đời sống kinh tế – chính trị – xã hội). Tuy nhiên, mặc cho chúng đã nhiều lần bị vạch trần bởi các rất nhiều người vẫn tin vào những luận điệu này, và theo cách ấy, phong trào nữ quyền vẫn được tiếp một nguồn năng lượng để “sống khỏe”.

(Còn tiếp)

El Niño

Đọc các bài trước tại đây

“Wonder Woman 1984” đã phản ánh sự hỗn loạn của chính trị Mỹ và sự cực đoan của phong trào nữ quyền như thế nào?

“Wonder Woman 1984”, ra rạp và chiếu trên HBO Max, được giới thiệu theo đúng chất của thập niên 1980 trên mọi phương diện: túi đeo chéo (fanny pack), nhảy break dance, lớp thể dục nhịp điệu, dụng cụ làm ấm chân, máy chơi game, đi bộ tốc độ và J. C. Penney. Bộ phim còn có hai nhân vật phản diện đau khổ. Đầu tiên là một nhà tài phiệt dầu mỏ nổi tiếng, Max Lord (Pedro Pascal), một mô tuýp kiểu Donald Trump

Book Hunter

13/01/2021

Nữ quyền không như bạn tưởng (5): Bình đẳng giới ở Việt Nam

PHẦN III: TÌNH HÌNH BÌNH ĐẲNG GIỚI Ở VIỆT NAM: XƯA VÀ NAY Tuy phong trào nữ quyền và các làn sóng của nó bắt rễ ở xã hội phương Tây, ta không thể bỏ qua tình hình bình đẳng giới ở Việt Nam kể từ thời quân chủ đến nay. Trước hết, về mặt lịch sử, cần khẳng định rằng đàn bà ở Việt Nam được hưởng nhiều quyền lợi từ khá sớm trong lịch sử, và điều này được thể hiện khá rõ

Những cuốn sách gây ảnh hưởng nhất về chủ nghĩa nữ quyền

  Thuật ngữ “phong trào nữ quyền” mới xuất hiện ở Việt Nam trong vòng vài năm gần đây. Tuy nhiên, trên thế giới, trào lưu này đã đi qua bốn “làn sóng” (wave), bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX tại Hoa Kỳ, mỗi thời kỳ lại mang những khẩu hiệu và chủ trương khác nhau. Nói chung, phong trào nữ quyền xuyên suốt trong lịch sử của nó hướng đến việc đòi quyền bình đẳng về chính trị, xã hội cho phụ nữ,

NỮ QUYỀN KHÔNG NHƯ BẠN TƯỞNG (3): CÁC LÀN SÓNG NỮ QUYỀN (tiếp)

Đọc các bài trong chùm Nữ quyền không như bạn tưởng tại đây Làn sóng nữ quyền thứ ba (third-wave feminism) Còn rất nhiều tranh cãi xung quanh mốc thời gian làn sóng thứ ba khởi đầu, và liệu nó đã kết thúc hay chưa. Một quan điểm cho rằng làn sóng này gắn với vụ việc Anita Hill và Clarence Thomas. Một số người khác đồng nhất thời điểm bắt đầu của làn sóng nữa quyền thứ ba cho sự xuất hiên của các nhóm

NỮ QUYỀN KHÔNG NHƯ BẠN TƯỞNG (2): CÁC LÀN SÓNG NỮ QUYỀN

Đọc phần (1) tại đây Làn sóng nữ quyền đầu tiên (first-wave feminism) Tranh vẽ các diễn giả nữ quyền tố cáo đàn ông tại hội nghị nữ quyền đầu tiên vào tháng 7 năm 1848, tại Seneca Falls, New York, nơi phong trào nữ quyền Mỹ được phát động (7) Giai đoạn đầu tiên của các phong trào đấu tranh nữ quyền được cho là bắt đầu từ giữa thế kỷ XIX (19448) đến nửa đầu thế kỷ XX (1920). Thời gian này, các