Việt Nam là một vùng đất giao thương, đồng thời cũng là nơi giao hòa của nhiều nền văn hóa, nhiều tín ngưỡng tâm linh. Tại đây, tín ngưỡng dân gian được đắp thêm nhiều lớp chính trị trong suốt quá trình mở đất; tín ngưỡng nhất thần đan xen với tín ngưỡng đa thần và tín ngưỡng bái vật giáo cùng với những màu sắc huyền bí với bùa chú, phép thuật, tiên tri, giao kết thần thánh…v…v… Là một khu vực với nhiều biến động dân cư (người Lạc Việt, người Mân Việt, người Naga, người Thục, người Hán…) đã tạo thành một hệ thống tín ngưỡng vừa đan xen nhau, vừa mâu thuẫn nhau lại vừa bổ trợ cho nhau. Tuy nhiên, quá trình phức tạp này gần như không được ghi chép lại chi tiết suốt một chiều dài lịch sử 1000 năm. Thời phong kiến chỉ có 2 cuốn mang tính chất chép lại truyện kể dân gian là “Lĩnh Nam chích quái” và “Việt điện u linh”, phải đến đầu thế kỷ 20, tín ngưỡng tâm linh Việt Nam mới được xem như một đối tượng cần phải nghiên cứu nghiêm túc.
#1. Văn hóa, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt – Leopold Cadiere
“Văn hóa, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt” của giáo sĩ Leopold Cadiere là cuốn sách đồ sộ nhất nghiên cứu về tín ngưỡng tâm linh Việt Nam. Là một giáo sĩ hợp tác với Viện Viễn Đông Bác Cổ, Leopold Cadiere đã dành rất nhiều công sức tập hợp tư liệu và nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc của Việt Nam, và đặc biệt là tôn giáo. Trong cuốn sách này, ông bóc từng lớp tư tưởng, văn hóa, chính trị để tìm ra tâm thức cổ sơ trong các nhóm dân cư tại Việt Nam. Ông cũng ghi chép rất kỹ lưỡng về các vị thần, vong hồn có sức ảnh hưởng ở các địa phương. Ngoài ra, thông qua các nghiên cứu về tập tục, kiến trúc, ông lý giải cho ta thấy tín ngưỡng tâm linh ấy đã tác động đến tâm thức của người dân ra sao. Đi xa hơn thế, ông đã đúc rút được vũ trụ quan và nhân sinh quan của người Việt, đó là những nhận định đáng quý rất đáng để tham khảo.
#2. Sự thờ phụng thần thánh ở Việt Nam – Nguyễn Văn Huyên
Nguyễn Văn Huyên là nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa có mối quan tâm đặc biệt đến đời sống dân gian của Việt Nam, trong đó “Sự thờ phụng thần thánh ở Việt Nam” là ví dụ điển hình nhất. Những ghi chép của Nguyễn Văn Huyên cho ta thấy những góc khuất trong quá trình tiếp biến văn hóa tâm linh ở đất ta (ví dụ như tư liệu của ông cho biết về cuộc xung đột giữa tín ngưỡng thờ Liễu Hạnh và pháp tu Nội Đạo Tràng dẫn đến việc Liễu Hạnh dù thua trận nhưng lại được thờ nhiều hơn ở miền Bắc). Tuy nhiên, không hiểu tại sao cuốn sách này của ông không được phổ biến rộng rãi.
#3. Thần, người và đất Việt – Tạ Chí Đại Trường
“Thần, người và đất Việt” của Tạ Chí Đại Trường sẽ gây shock với những người đọc bởi các luận giải mạnh dạn của ông về nguồn gốc các vị thần cổ xưa ở miền Bắc Việt Nam như thần Cao Lỗ, Phù Đổng Thiên Vương, Sơn Tinh…v…v… Cuốn sách này còn ghi chép và lý giải các dòng du nhập và biến chuyển trong tín ngưỡng dân gian ở Nam bộ một cách khá kỹ lưỡng. Sách không đi vào các chi tiết mà quan trọng ở cách lý giải, cho ta một góc nhìn tham khảo để hiểu hơn về các lớp văn hóa.
#4. Việt điện u linh & Lĩnh Nam chích quái
“Việt điện u linh” (1329) được cho là tác phẩm của Lý Kế Xuyên, một quan trông coi việc tế tự dưới triều Trần Hiến Tông. Sách viết về 27 vị thần được thờ trong các đền miếu thời Lý – Trần. Cũng ở thời Trần Hiển Tông, tác phẩm “Lĩnh Nam chích quái” được cho là của Trần Thế Pháp cũng được ra đời. “Lĩnh Nam chích quái” gồm 22 truyện ghi chép các thần tích từ họ Hồng Bàng cho đến các vị thần, các vị tăng đạo, các truyện kỳ dị, các sự tích liên quan đến phong tục, tập quán. Đây là hai tư liệu được nhiều nhà nghiên cứu tín ngưỡng tâm linh Việt Nam sử dụng để làm trích dẫn nguồn.
Cáo Hà Thành