Home Đọc Thần, người và đất Việt: nhìn lại lịch sử tín ngưỡng thờ cúng thần linh nước Việt

Thần, người và đất Việt: nhìn lại lịch sử tín ngưỡng thờ cúng thần linh nước Việt

Minh Hùng

30/01/2018

Có lẽ trong lịch sử ngàn năm văn hiến của nước Việt, chưa bao giờ tín ngưỡng thờ cúng thần linh lại ở trong tình trạng xáo trộn nhanh chóng và khó lường như thời đại toàn cầu hóa hiện nay. Chỉ non chục năm, ta thấy nhiều nét văn hóa truyền thống biến tướng hoặc chìm khuất, nhiều tín ngưỡng vốn rất xa lạ từ các nước bạn chợt ùa đến tạo nên đám đông tín đồ, các hệ thống đình, chùa, miếu, quán được trùng tu dựng lại và thờ cúng lẫn lộn… Mỗi mùa lễ hội đến, người người nô nức cúng bái cầu tài, và các hình thức thực hành tín ngưỡng lạ lùng lai căng nở rộ đến không thể kiểm soát. Trước muôn vàn dáng vẻ thần linh quốc nội lẫn ngoại nhập, đám đông vừa mù mờ hoang mang, lại vừa sợ hãi và cuồng tín. Trong tình hình đó, “Thần, người và đất Việt”, cuốn sách khảo cứu của Tạ Chí Đại Trường lại càng trở nên quan trọng.

Link mua sách: https://www.bookhunterlyceum.org/san-pham/than-nguoi-va-dat-viet/

400 trang sách “Thần, người và đất Việt” sẽ giải đáp những câu hỏi cốt tủy về việc thờ cúng thần linh ở nước Việt: truyền thống ấy ra đời như thế nào, được duy trì và biến đổi ra sao trong dòng lịch sử, bị ảnh hưởng thế nào sau mỗi sự kiện chính trị và biến chuyển xã hội? Quyển sách là một hành trình giải mã đời sống tinh thần Việt, bóc tách các lớp văn hóa, tín ngưỡng bao phủ lên đời sống tâm linh Việt, để “nhận chân hình bóng thần người”.
Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường, trong một điều kiện tương đối khó khăn, đã nỗ lực tiếp cận các sách sử còn lưu giữ được của nhiều tập đoàn người, nghiên cứu đời sống văn hóa ở các khu vực hiện nay và cả những di chỉ khảo cổ còn sót lại, qua đó dựng lại toàn bộ lịch sử thờ thần ở nước Việt. 11 chương sách giới thiệu việc thờ cúng qua từng thời kỳ, từng giai đoạn với sự xuất hiện, du nhập, hòa trộn, biến đổi và suy tàn của nhiều hệ thống thần khác nhau. Dòng lịch sử đó bắt đầu từ hệ thống thần linh bản địa Việt cổ, lớp sâu nhất, đó là các nhiên thần: thân cây, thần đá, thần sông nước. Sau truyền thống thờ cúng sức mạnh thiên nhiên, người ta bắt đầu thờ cúng người chết, kế đó mới có sự xuất hiện của các nhân thần – linh hồn thiêng của một người chết được cả cộng đồng người cùng nhất trí thờ phụng. Truyền thống bản địa này được bổ sung và tân trang lại với sự xâm nhập của văn hóa Hán từ phương Bắc xuống, với các dòng tôn giáo và một lượng lớn thần du nhập trà trộn. Ở một vị trí giao thoa giữa văn hóa Ấn và Hán, nơi các dòng tôn giáo không ngừng hội nhập, đời sống tâm linh người Việt có sự phát triển đặc biệt đa dạng và phức tạp dưới thời Bắc thuộc với đủ các màu sắc phù thủy, đạo giáo, Phật giáo trải khắp và bắt rễ vào mọi địa phương… Đến khi đất nước thống nhất và bước vào giai đoạn thịnh trị dưới triều nhà Lý, nhà nước độc lập này đã nâng cấp các thần địa phương để kiến tạo một hệ thống thần linh trung ương, nhằm tập trung quyền lực về chốn đế đô. Tạ Chí Đại Trường cũng chỉ ra những điểm đặc biệt trong giai đoạn này: thứ nhất, thần thời Lý Trần không bị ràng buộc bởi cai khuôn đạo đức thành nhân của Nho giáo (như ta thấy ở đời Lê trở về sau). Thứ hai, cho đến lúc này, hệ thống Hùng Vương mà có lẽ nhiều người vẫn tưởng rằng xuất hiện từ cổ xưa, vẫn chưa hề được thờ cúng trên diện rộng.
Tạ Chí Đại Trường dành riêng một chương sách về hệ thống đặc biệt này. Theo đó, hệ thống Hùng Vương hình thành giai đoạn thế kỷ XIV, và được cổ súy bởi nhu cầu ổn định thống nhất về mặt chính trị xã hội đương thời. Hình ảnh Hùng vương hoặc làm mờ, hoặc kết hợp cùng hệ thống các thần địa phương cũ tạo nên một vũ trụ thần linh người Việt ngày một cố kết chặt chẽ đến mức có thể ghi lại thành hệ thống truyện cổ.
Giai đoạn thế kỷ XV, XVI được Tạ Chí Đại Trường nhìn nhận là thời nở rộ của hệ thống thần địa phương mới. Từ cục diện chính quyền trung ương tan rã, không nắm được quyền lực tuyết đối nữa, các địa phương dần trở lên cục bộ và hệ thống đình làng tỏa ngày một rộng. Từ đó thần thổ địa nhỏ nhoi khuất lấp trong truyền thống cũ được thăng bổng lên làm thành hoàng làng. Và khi số địa phương khá nhiều, nhu cầu thờ cúng lên cao mà đội ngũ các thần có danh phận rõ ràng thì có hạn, người ta đã phải tích cực “nhập khẩu” các thần về từ nhiều nguồn khả dĩ, kể cả khi họ không gắn bó với đời sống nông nghiệp bản địa: từ các thần Chiêm Thành (qua các lớp tù binh Chăm bắt về), thần biển đến hình tượng Quan Thế Âm Bồ Tát và các nữ thần. Cũng trong giai đoạn này, Đạo giáo phù thủy nở rộ.
Ở Đàng Ngoài còn vậy, Đàng Trong tình hình còn phức tạp hơn nữa. Nơi đây, truyền thống thờ cúng thần linh của phe thắng cuộc dần hòa nhập vào truyền thống cư dân bản địa, với vô vàn các cộng đồng nhỏ của người Chăm, người Khmer, người Hoa… những va chạm này khiến chúng trở nên đa dạng và vô cùng khác biệt. Chỉ đến khi thống nhất lại đất nước, nhà Nguyễn mới khép lại giai đoạn mấy trăm năm phân chia loạn lạc cả âm lẫn dương bằng cuộc thể chế hóa việc thờ cúng thần linh. Thế nhưng làn gió mới phương Tây khiến vị trí các thần trong đời sống người dần bị hạ thấp. Cũng trong giai đoạn này, nhiều vị thần bình dân Trung Quốc du nhập vào Việt Nam. Các dòng tiên tri nguồn gốc từ người Hoa, người Khmer, người Việt… lần lượt xuất hiện rất phức tạp, cát cứ nhiều địa phương ở miền Nam.
Nếu áp lực từ Tây phương đã đẩy nhiều vị thần vào thế bị lãng quên, thì sự cáo chung của chính quyền quân chủ đã đẩy tập hợp thần linh nước Việt vào cảnh tan rã, suy tàn. Các nhà cầm quyền sau đó đã phá hủy triệt để các đình làng đèn miếu trên diện rộng để phục vụ mục đích chính trị của họ. Điều này cũng gây nên hệ lụy nhiều mặt về sau.
Trong một điều kiện tương đối khó khăn, Tạ Chí Đại Trường đã có một nỗ lực phi thường để thu thập, giải mã hêt sức công phu và kỹ lưỡng lịch sử văn hóa thờ cúng ở nước Việt. Quyển sách là một góc nhìn cá nhân, thể hiện quan niệm và suy tư độc đáo của tác giả, dẫu không nhất thiết tất cả luận điểm đều vững chắc và chặt chẽ, nhưng cũng cung cấp cho ta một khối lượng thông tin khổng lồ và một cách nhìn nhận, phân tích đánh giá rất đáng tham khảo.
Điểm vô cùng thú vị ở việc đọc “Thần, người và đất Việt” hay những quyển sách khác của Tạ Chí Đại Trường là ở chỗ, ngoài tư duy sắc sảo, ý tưởng độc đáo, ông còn có cách dẫn dắt, cách diễn tả duyên dáng, hài hước, thi vị. Quyển sách có thể phục vụ việc tra cứu thông tin văn hóa, cũng có thể là tài liệu nghiên cứu giúp tìm hiểu thật sâu từng khúc quanh trong lịch sử tâm linh Việt để ứng chiếu với thời đại hiện tại. Nhưng ngoài ra, “Thần, người và đất Việt” cũng có thể trở thành một nguồn giải trí bổ ích, vì chỉ riêng việc đọc thôi đã là một trải nghiệm vô cùng lý thú.
 
Minh Hùng

Tổng quan về phương pháp tiếp cận lịch sử Việt Nam cho người không chuyên

Lịch sử Việt Nam luôn là một đề tài gây nhiều tranh cãi, phần vì thiếu thốn sử liệu và thiếu nền tảng nghiên cứu học thuật, phần vì Việt Nam có một quá trình giao thoa phức tạp bởi nhiều lớp văn hoá, văn minh khác nhau. Số đông các bạn trẻ không hài lòng với kiến thức sử được dạy một cách nhàm chán và nghèo nàn trong nhà trường nên mong muốn tự bổ sung kiến thức sử qua sách vở và

Book Hunter

31/10/2018

Nhà Lê – Khuôn mẫu Việt cho một quốc gia toàn trị, con đường dẫn đến tranh giành quyền lực (1)

(Một tiểu luận phê phán nhà Lê) Nhà Lê (1428-1789) là triều đại được đánh giá là hùng mạnh và thịnh vượng nhất Việt Nam thời phong kiến. Đó là những gì chúng ta được học trong chương trình lịch sử ở bậc phổ thông. Giữ vững niềm tin ấy, hẳn không ít người tiếp tục một sự tôn vinh thái quá với một triều đại, có thể nói là sự suy thoái của phong kiến ở Việt Nam. Nhà Lê bao gồm hai triều

Nhà phê bình Thụy Khuê: “Viết lịch sử là đi tìm sự thực”

Book Hunter: Nhà phê bình văn học Thụy Khuê vừa cho ra mắt Tiểu luận nghiên cứu "Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long". Tiểu luận nghiên cứu này giúp chúng ta thấy những góc nhìn và dữ liệu lịch sử về giai đoạn chuyển giao quan trọng của lịch sử Việt Nam này. Sau đây là bài phỏng vấn nhà phê bình Thụy Khuê xoay quanh tác phẩm mới của bà và các vấn đề của lịch sử. HTN:

Đọc “Bức tranh kinh tế Việt Nam thế kỷ 17, 18” để thấy nền kinh tế chuyển mình trong hỗn loạn

Thi thoảng lại có một vài nhân vật ưu tú chuyên “đọc sách tinh hoa” than thở với tôi rằng, nếu từ thế kỷ XVIII, Việt Nam cũng làm cải cách như Nhật Bản thì có lẽ bây giờ chúng ta đã ở vị trí cường quốc, hoặc chí ít cũng không thể kém Nhật Bản, Israel. Tôi chỉ muốn nói với họ hãy bỏ ngay mấy quyển sách dạy làm giàu kiểu Nhật, kiểu Do Thái xuống để đọc “Bức tranh kinh tế Việt

Minh Hùng

11/02/2018

Tại sao xã hội trong hai triều đại Lý -Trần lại đạt được sự thịnh vượng?

Thời kỳ cầm quyền của nhà Lý (1009-1225) và nhà Trần (1226-1400) là hai triều đại thịnh vượng nhất trong lịch sử Việt Nam từ trước đến nay. Nhiều sách sử cho rằng triều đại nhà Lê mới là triều đại mạnh nhất, nhưng đa số người đọc đã bị nhầm lẫn giữa hai khái niệm: sự thịnh vượng và tập trung quyền lực. Triều đại nhà Lê là quãng thời gian quyền lực của vua đạt đến tối cao, tuy nhiên điều này không