Home Nhớ Nhà Lê – Khuôn mẫu Việt cho một quốc gia toàn trị, con đường dẫn đến tranh giành quyền lực (1)

Nhà Lê – Khuôn mẫu Việt cho một quốc gia toàn trị, con đường dẫn đến tranh giành quyền lực (1)

(Một tiểu luận phê phán nhà Lê)
Nhà Lê (1428-1789) là triều đại được đánh giá là hùng mạnh và thịnh vượng nhất Việt Nam thời phong kiến. Đó là những gì chúng ta được học trong chương trình lịch sử ở bậc phổ thông. Giữ vững niềm tin ấy, hẳn không ít người tiếp tục một sự tôn vinh thái quá với một triều đại, có thể nói là sự suy thoái của phong kiến ở Việt Nam. Nhà Lê bao gồm hai triều đại là Lê Sơ và Lê trung hưng kéo dài tất cả 361 năm, trong số đó những năm tháng thái bình thịnh trị chỉ kéo dài được 51 năm, đó là còn chưa kể trong đó vẫn manh nha rất nhiều những âm mưu thanh trừng nội bộ và lật đổ chính quyền. Trong khi ấy, thời Lý (1009-1225) kéo dài 216 năm nhưng có tới 129 năm liên tiếp cường thịnh, còn thời Trần (1226-1400) kéo dài 174 năm cũng có tới 103 năm giữ được cơ nghiệp và lòng dân trước rất nhiều thách thức, được đời sau ca ngợi. Thời Lý, thời Trần, kể cả có suy yếu đến mức nhu nhược, nhưng cũng không nảy sinh ra những vua bạo chúa như Uy Mục và Tương Dực. Bởi thế, thái độ tôn sùng nhà Lê cần phải được xem xét lại một cách đúng đắn. Sự tôn sùng này không chỉ là một thứ hiệu ứng đám đông hậu quả của lối dậy và học sử trong nhà trường, mà hơn cả thế, tạo thành khuôn mẫu tư tưởng cho sự sùng bái toàn trị và những câu chuyện tranh quyền đoạt vị chốn triều đình đang hiển diện trong tâm lý người Việt hiện nay.
Trong bài viết này, tôi không có ý định phủ nhận tất cả các vai trò của nhà Lê, bởi suy cho cùng, một số vị vua nhà Lê cũng có thể được gọi là có cố gắng trong việc bảo vệ và quản trị quốc gia. Tuy nhiên, nếu tóm gọn các đặc trưng của nhà Lê có thể gói gọn trong mấy từ khóa sau: “tranh quyền đoạt vị”, “độc tôn Nho giáo”, “chủ nghĩa bành trướng”. Triều đình nhà Lê trở thành thứ bản sao thứ cấp của nhà Minh ở Trung Quốc, đi ngược lại toàn bộ tinh thần độc lập tự cường của Lê Thái Tổ và khởi nghĩa Lam Sơn.
Bối cảnh lịch sử thời nhà Lê
Năm 1407, khi quân Minh xâm lược Đại Việt, nhà Minh đang ở thời kỳ thịnh trị của Minh Thành Tổ. Minh Thành Tổ là một ông vua kiệt hiệt, đã cướp ngôi của cháu mình là Minh Huệ Đế để lên ngôi vua. Khi lên ngôi, Minh Thành Tổ lập tức cho xóa bỏ lịch sử thời Huệ Đế, đồng thời thành lập Đông xưởng (cơ quan tình báo theo dõi nội bộ). Sau đó, Minh Thành Tổ rất cương quyết trong việc dẹp phiên bang, trong đó có nhà Hồ nước Đại Ngu ở phương Nam. Khi khởi nghĩa Lam Sơn bắt đầu và phát triển, Minh Thành Tổ đã hết thời, và khởi nghĩa Lam Sơn phải đối mặt với “thằng nhãi con Tuyên Đức” (chữ dùng trong bản dịch “Bình Ngô đại cáo”), tức Minh Tuyên Tông.
Minh Tuyên Tông vừa mới lên ngồi năm 1425 thì 1426 đã bị chú mình là Chu Cao Hú làm phản. Minh Tuyên Tông dẫn quân trừng phạt, bắt được Chu Cao Hú rồi tra tấn đến chết, tử 600 người đồng phạm với Chu Cao Hú, và lưu đày 2.200 người. Những con số trên cho thấy Chu Cao Hú không phải là một vị vua có lòng nhân, mà sẵn sàng thẳng tay “nhổ cỏ tận rễ” bất ai chống đối mình. Cuộc chính biến này đã làm nhà Minh suy yếu về thế lực, lòng tin và về tài chính
Từ năm 1420, khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi đã sát nhập thêm nghĩa quân Hoàng Nghiêu (cũng ở Thanh Hóa), từ đó nhanh chóng lan rộng ra cả nước, nhưng cũng chưa đủ sức để chống đối lại quân đô hộ của nhà Minh. Sau chính biến Chu Cao Hú, chính quyền của Tuyên Đức suy yếu, lại phải đối mặt thường xuyên với nhiều bộ lạc của Mông Cô. Chính Tuyên Đức đã chủ trương rút lui khỏi Đại Việt vào năm 1427, ngay sau chính biến lớn tại triều đình nhà Minh gây ra tổn thất nghiêm trọng, mà các quân đội địa phương lên tới 70.000 quân ở ráp ranh với Đại Việt do Liễu Thăng, Mộc Thạch thống lĩnh mà không đủ khả năng để tiêu diệt khởi nghĩa Lam Sơn. Điều này cho thấy, quân đội nhà Minh tuy đông nhưng suy yếu, những tướng lĩnh không đủ tài để chỉ huy quân đội. Như thế, có thể kết luận rằng nhà Minh lúc này đã bước vào thời kỳ suy mạt.
Hơn nữa, với tư tưởng Khổng giáo cực đoan, các vua thời Minh mạt đã chặt đứt mọi cơ hội để vươn ra thế giới. Trịnh Hòa (1371-1433) đã thực hiện những cuộc đi biển lớn quy mô quốc tế dưới thời Minh Thành Tổ. Ông đã tổ chức những hạm đội lên tới 28.000 người cho các cuộc đi tới Ai Cập, Ba Tư, Ấn Dộ, Đông Nam Á, Châu Úc. Thậm chí, học giả Gavin Menzies đã đưa ra giả thuyết rằng Trịnh Hòa đã tìm ra Châu Mỹ trước cả Magellange và Columbus. Nhưng đến thời Minh Tuyên Tông thì những cuộc đi này bị bãi bỏ. Cơ hội giao lưu của Trung Quốc với thế giới, để thiết lập những tuyến giao thương toàn cầu cũng bị cắt đứt.
Mặc dù nhà Minh đã thất bại trong việc đô hộ Đại Việt, nhưng thứ chính trị toàn trị về tư tưởng, cổ súy độc tôn Nho giáo, lấy triều Minh là chuẩn mực của mô hình nhà nước thì đã ăn sâu vào đầu của các vị vua nhà Lê sau Lê Thái Tổ. Điểm này, tôi sẽ phân tích thêm trong phần viết sau trong mối quan hệ bang giang giữa nhà Lê và triều đình nhà Minh.
Tranh giành giữa các công thần
Khởi nghĩa Lam Sơn được đánh dấu bằng Hội thề Lũng Nhai năm 1413 cho đến cuộc chiến ở thành Đông Quan năm 1427 kéo dài 14 năm, vậy mà Lê Thái Tổ phải sắc phong cho rất nhiều công thần. Ngoài 4 tướng đã tử trận là Lê Lai, Đinh Lễ, Lê Thạch, Lý Triện thì vẫn có đến 121 người nữa. Những người này đều được ban quốc tính và phong hầu, chia đất. Trong khi ấy, Đại Việt vào thời Lê Thái Tổ chỉ kéo dài từ đồng bằng Bắc Bộ đến Bắc Trung Bộ. Các khu vực Nam Trung Bộ đều thuộc Chăm-pa, cho đến khi Lê Thánh Tông thôn tính và chiếm đất. Một dải đất nhỏ hẹp như vậy  mà phải chia lợi ích cho 121 công thần, quả thực là vấn đề nan giải. Đó là còn chưa kể các tù trưởng của các dân tộc thiểu số ít người sống rải rác ở miền núi phía Bắc và miền Trung.
Lên ngôi không lâu, Lê Lợi phải đối mặt với hai cuộc nổi loạn lớn do các tù trưởng tổ chức là của Nông Khắc Thái, Bế Khắc Thiệu và của Đèo Cát Hãn. Trong đó, theo như “Đại Việt thông sư” ghi lại thì, quan Thái bảo Phạm Văn Xảo đã thông đồng với Đèo Cát Hãn ở châu Mường Lễ để tạo phản. Phạm Văn Xảo bị xử tử. Tuy nhiên, “Đại Việt sử ký toàn thư” lại phủ nhận việc này.
Một danh tướng nữa thời nhà Lê là Trần Nguyên Hãn cũng bị Lê Lợi xử tử. Trần Nguyên Hãn có công lớn trong cuộc chiến chống quân Minh, nhưng năm 1929, Trần Nguyên Hãn xin rút khỏi triều đình, nhưng theo thỏa thuận vẫn phải 2 năm vào chầu một lần. Trần Nguyên Hãn vốn là hậu duệ của nhà Trần, con của Trần Nguyên Đán, kinh luân đầy mình, lại giỏi cầm binh. Với những điều kiện đó, nếu ở trong triều tiếp tục giúp sức cho Lê Lợi đánh dẹp các tù trưởng thì có lẽ đã không xảy ra chuyện gì Nhưng ông lại phát ngôn những câu có ý chê bai Lê Lợi khi nói chuyện với người thân cận: “Nhà vua có tướng như Việt vương Câu Tiễn cho nên, ta không thể yên hưởng vui sướng được”. Sau đó, Trần Nguyên Hãn lại không biết khiêm tốn, cho xây phủ đệ lớn, có quân đội riêng, đóng thuyền lớn, không thể không tránh khỏi nghi ngờ. Tôi rất ủng hộ lối suy nghĩ của cụ Trần Quốc Vượng khi bàn tới trường hợp Trần Nguyên Hãn:
“…Phạm Lãi… đi biệt, đổi tên họ, dẫn theo người đẹp Tây Thi… bỏ hoàn toàn ham muốn quyền lực.
Nên vua dù có biết (mà biết thực, nên mới cho ghi vào sử), cũng nghĩ ông này bây giờ… không dòm ngó gì tới ngôi báu.
Đàng này…
…Nguyên Hãn lại “dại dột” làm nhiều nhà cửa, xây bằng gạch hoa (a, có vẻ như xây biệt đô, biệt cung), thuần phục và tậu voi tậu trâu từng đàn đi lại rầm rập, lại “đóng thuyền, chở binh khí” nữa, ra cái dáng “sứ quân”, “nghênh ngang một cõi”.
Thế thì chưa biết “động cơ chủ quan” như thế nào, chứ như thế thì bịt sao nổi miệng thế xầm xì phao tin đồn (cơ chế của tin đồn là mối quan tâm tới một sự kiện nhưng thiếu thông tin về sự kiện đó). Người ta vu cho ông làm phản. Và ông bị giết hại (hay bị “bức tử”, “tự sát”, hay là “chết đuối”…thì cũng vậy thôi) là phải.”
Hơn nữa, lúc bấy giờ triều đình nhà Lê đã chia phe chia cánh. Lê Lợi có hai  người con trai là Lê Tư Tề và Lê Nguyên Long. Lê Tư Tề lớn lên và cùng cha đánh giặc trong suốt thời khởi nghĩa, công lao không nhỏ, được các đại thần như Phạm Văn Xảo, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Chích ủng hộ. Trong khi ấy, Lê Nguyên Long ít tuổi hơn, lại được Lê Sát, Lê Khôi đứng sau phò trợ, nên được phong làm Thái tử. Vấn đề ở chỗ, tại sao Lê Lợi lại truyền ngôi cho một đứa con 10 tuổi mà không phải cho một đứa con có nhiều quân công? Nguyên nhân ở đây có thể chính là do bản tính đa nghi của ông, và ông hiểu rõ, việc phò trợ hoàng tử thực chất là cách thức để các nhóm công thần ấy thao túng triều đình của ông.
Lê Lợi cũng giống như nhiều vị vua khác, e ngại nhất là vấn đề kéo bè kết đảng trong triều đình. Đặc biệt là triều đình đó được tập hợp bởi rất nhiều những người có xuất thân khác nhau, tư tưởng khác nhau, và ganh tị nhau về quyền lực. Đây là vấn đề mà ông nhìn thấy ở nhà Minh sau cuộc khởi nghĩa Chu Nguyên Chương. Có cùng xuất thân và hoàn cảnh, Lê Lợi và Chu Nguyên Chương có cùng vấn đề phải đối mặt, đó là tiêu diệt bè cánh trong triều. Điểm khác biệt đó là Lê Lợi đi lên bằng khả năng tổ chức tự có, kết nối các nhóm người khác nhau để đi đến thỏa thuận và giành được độc lập, còn Chu Nguyên Chương thì dựa vào Minh giáo và tầng lớp nho sĩ do Lưu Bá Ôn dẫn dắt để cướp được chính quyền. Chu Nguyên Chương vì muốn thanh trừng nội bộ để xóa dấu vết của Minh giáo, trong khi mối lo của Lê Lợi về việc kéo bè kết đảng là có thật. Nếu như Phạm Văn Xảo, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Chích – những người có đủ tài năng và thế lực để thao túng triều đình không ủng hộ Lê Tư Tề thì có lẽ Lê Tư Tề đã không bị rơi vào tình cảnh “phế trưởng lập thứ”. Lê Tư Tề vô tình trở thành nạn nhân của cuộc tranh giành quyền kiểm soát triều đình của các công thần. So với phe kia,  Phạm Văn Xảo, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Chích đều không phải là những người một thời gian khổ, cùng cắt máu ăn thề ở Hội thề Lũng Nhai, nhưng lại có địa vị và uy tín lớn, đương nhiên sẽ khiến Lê Lợi  nghi ngại hơn, thay vì lựa chọn tin “người ngoài”, ông đã lựa chọn tin các “đồng hương” họ Lê của mình.
Sai lầm lớn nhất của Thái Tổ Lê Lợi chính là đa nghi thái quá và tư duy cục bộ, địa phương. Ông hiểu rõ triều đình đã có hai phe cánh tranh chấp quyền lực, đã nặng tay trừng trị một phe cánh nhưng lại không có đủ dũng khí để trừng trị hoặc hạn chế phe cánh còn lại. Bởi thế, sau khi ông mất, Lê Sát và phe cánh của ông ta lộng quyền, dù vẫn trung thành bảo vệ chủ. Nhưng sự lộng quyền của phe cánh Lê Sát khiến cho cuộc chiến tranh đoạt quyền lực trong triều đình kéo dài triền miên trong suốt những năm đầu nhà Lê. Và rồi, Lê Nguyên Long, người được Lê Sát hết lòng ủng hộ lên ngôi đã móc nối với Trịnh Khả để xử tử Lê Sát.
Đầu triều hai nhà Lý – Trần đều có chuyện tranh chấp ngôi báu của các hoàng tử, như loạn Tam Vương thời nhà Lý hay xung đột Trần Liễu – Trần Cảnh thời nhà Trần. Nhưng những cuộc tranh chấp này nhanh chóng bị dẹp và không có hiện tượng đại thần chuyên quyền thao túng các hoàng tử và triều đình. Nếu so với nhà Lý, nhà Trần, các vua nhà Lê thua hẳn mấy bậc trong vấn đề dàn xếp các thế lực trong triều. Nhà Lý nhanh chóng dẹp được loạn Tam Vương bởi vua Thái Tông Lý Phật Mã giết đúng người cần giết, và tha cho người cần tha. Khi Phật Mã lên ngôi, ba người anh em của ông dẫn quân bao vây Thăng Long muốn tiếm ngôi, chỉ duy có Vũ Đức Vương bị giết để ra oai, còn các vị khác đều được tha bổng và phong lại tước vị như cũ. Còn Thái Tông Trần Cảnh thấy anh mình nổi loạn, cũng tha bổng và cắt cho đất An Sinh, vẫn trọng dụng con cái của ông. Ngược lại, Thái Tổ Lê Lợi hành sự quá vội vàng, khi tội chứng làm phản chưa đủ, ông không có đủ chính danh để tiêu diệt các thế lực, lại tin dùng phe cánh “đồng hương” thái quá, gây ra sự bất tuân phục trong triều đình.
Tính đa nghi của Lê Lợi đã tạo ra một tiền lệ xấu cho con thứ của ông là Lê Nguyên Long. Lê Nguyên Long khi trưởng thành, cũng lại tiếp tục dùng phe cánh Trịnh Khả để tiêu diệt phe cánh Lê Sát đang chuyên quyền. Thậm chí, máu lạnh hơn Lê Lợi, Lê Nguyên Long còn bức tử anh mình là Lê Tư Tề, tận diệt phe cánh Lê Sát, Lê Ngân.
Trong 5 năm quản trị đất nước, Lê Lợi không chỉ tập trung phát triển quân sự để chinh phạt mà còn đưa ra các định chế thi cử. Ông cho mở khoa thi để tuyển chọn nhân tài một cách công bằng trên cả nước giống như ở nhà Lý và nhà Trần. Ngoài ra, ông đưa ra quy định, các nhân sự trong đền (của Đạo giáo) hay chùa (của Phật giáo) đều phải thi cử, đủ tiêu chuẩn mới được phép quy y và giữ chức trách. Quy định với Đạo giáo và Phật giáo này, ở các triều vua sau không thấy nhắc đến.
Ngược lại, Lê Nguyên Long là người quảng dương Nho giáo, muốn xây dựng một bộ máy quan lại mới bằng con đường khoa cử. Việc giết Lê Ngân, Lê Sát chỉ là một bước trong quá trình thay máu triều đình nhà Lê mà thôi. Lê Nguyên Long từ khi chấp chính, tin dùng Đinh Liệt và Nguyễn Xí, hai võ tướng trung thành, không tham gia vào cuộc tranh giành phe cánh cũ. Ngoài ra, ông còn mời Nguyễn Trãi về cung để phục vụ cho quá trình quảng dương Nho học của ông. Có thể nói, Lê Nguyên Long thành công hơn Lê Lợi trong việc diệt sạch các “khai quốc công thần” có khả năng thao túng triều chính.
Như vậy, nhà Lê dựng nghiệp bằng máu chiến tranh của quân Minh và quân dân Đại Việt, giữ nghiệp bằng máu của các khai quốc công thần và hoàng tử Lê Tư Tề, rồi khoác trên mình sự đạo mạo của cái vỏ đạo đức Khổng Nho, báo hiệu cho một thời kỳ đen tối trong lịch sử Việt Nam sau đó.

Hà Thuỷ Nguyên 

Nhà Lê – Khuôn mẫu Việt cho một quốc gia toàn trị, con đường dẫn đến tranh giành quyền lực (2)

(Một tiểu luận phê phán nhà Lê) Mời các bạn đọc bài trước tại đây: Bối cảnh lịch sử và cuộc tranh giành của các công thần Cuộc chiến của các hoàng tử Cuộc chiến của Lê Nguyên Long và Lê Tư Tề kết thúc cùng với sự uất ức của Tư Tề có thể coi là mở ra một giai đoạn tạm thời thịnh trị của nhà Lê. Không giống như Lê Lợi, Nguyên Long có thể gọi là có quy trình tuyển chọn

“Cầm Thư quán”; tiểu thuyết dã sử bối cảnh thời Lê Thánh Tông “tái xuất” sau 10 năm gian nan

Tiểu thuyết "Cầm thư quán" của nhà văn Hà Thủy Nguyên là một cuốn sách hiếm hoi trên thị trường sách Việt Nam hiện nay được viết với phong cách cổ điển, duy mỹ và giàu tính triết học Á Đông. Năm 2008, lần đầu cuốn sách được xuất bản bởi NXB Phụ Nữ và Nhà sách Kiến Thức, tiểu thuyết "Cầm thư quán" đã bị thu hồi ngay trong tháng đầu phát hành với lý do không rõ ràng. Tháng 9 năm 2018, sau

Book Hunter

22/10/2018

Tường thuật scandal đạo văn và lừa đảo cộng đồng của dự án tiểu thuyết “Thành Kỳ Ý”

Trong hơn một tháng nay, cộng đồng yêu thích văn chương và lịch sử tại Việt Nam đang dậy sóng bởi những luồng ý kiến trái chiều xung quanh nghi án đạo văn của tiểu thuyết lãng mạn có yếu tố lịch sử Thành Kỳ Ý. Thành Kỳ Ý là tác phẩm gây quỹ cộng đồng (crowdfunding) từ Comicola với số tiền lên đến 212.330.200 đồng.  Nhưng sau khi sách được xuất bản bởi NXB Văn học kết hợp với Nhà sách Đông A, nhiều

Book Hunter

21/02/2016

Đọc “Bức tranh kinh tế Việt Nam thế kỷ 17, 18” để thấy nền kinh tế chuyển mình trong hỗn loạn

Thi thoảng lại có một vài nhân vật ưu tú chuyên “đọc sách tinh hoa” than thở với tôi rằng, nếu từ thế kỷ XVIII, Việt Nam cũng làm cải cách như Nhật Bản thì có lẽ bây giờ chúng ta đã ở vị trí cường quốc, hoặc chí ít cũng không thể kém Nhật Bản, Israel. Tôi chỉ muốn nói với họ hãy bỏ ngay mấy quyển sách dạy làm giàu kiểu Nhật, kiểu Do Thái xuống để đọc “Bức tranh kinh tế Việt

Minh Hùng

11/02/2018

Tại sao xã hội trong hai triều đại Lý -Trần lại đạt được sự thịnh vượng?

Thời kỳ cầm quyền của nhà Lý (1009-1225) và nhà Trần (1226-1400) là hai triều đại thịnh vượng nhất trong lịch sử Việt Nam từ trước đến nay. Nhiều sách sử cho rằng triều đại nhà Lê mới là triều đại mạnh nhất, nhưng đa số người đọc đã bị nhầm lẫn giữa hai khái niệm: sự thịnh vượng và tập trung quyền lực. Triều đại nhà Lê là quãng thời gian quyền lực của vua đạt đến tối cao, tuy nhiên điều này không