Home Đọc “NHÀ GIẢ KIM” HAY LỜI NHẮC CHO NHỮNG CON CỪU CẦN MẪN

“NHÀ GIẢ KIM” HAY LỜI NHẮC CHO NHỮNG CON CỪU CẦN MẪN

Nhà giả kim phát hành năm 1988 với tên gốc là “O Alquimista”, được Paulo Coelho viết bằng tiếng Bồ Đào Nha và do NXB Editora

Thư Sinh

31/07/2019

Nhà giả kim phát hành năm 1988 với tên gốc là “O Alquimista”, được Paulo Coelho viết bằng tiếng Bồ Đào Nha và do NXB Editora Rocco Ltd chịu trách nhiệm xuất bản. Hành trình khám phá bản thân và giải mã giấc mơ của cậu bé Santiago được kể lại bằng sự pha trộn văn phong hiện thực – lãng mạn – huyền ảo đã thu hút sự chú ý của hàng triệu độc giả trên toàn thế giới. Cho đến nay, sức hấp dẫn mà tác phẩm tỏa ra dường như vẫn không hề suy giảm.

Theo Paulo Coelho, Nhà giả kim  chất chứa nhiều biểu tượng. Trong phạm vi bài viết, người viết chỉ đề cập đến 1 trong rất nhiều biểu tượng được đưa vào cuốn sách. Đó là đàn cừu.

Đàn cừu là một biểu tượng đặc biệt trong Nhà giả kim. Nếu để ý kĩ, có thể thấy rõ đại đa số suy nghĩ của Santiago đều gắn với lũ cừu và hướng tới chúng như một “phương án an toàn”.

Để hiểu về đàn cừu của Santiago, trước hết chúng ta cần hiểu về đàn cừu của Chúa. Trong Cựu Ước, cừu giữ một vị trí danh dự. Đàn cừu, hay đàn chiên, chính là loài vật thân thuộc với Chúa nhất, có cơ hội nhiều cơ hội để được gần gũi với Ngài nhất. Cừu cũng là con vật xuất hiện sớm nhất trong các lễ tế, từ dấu máu trên cửa bảo vệ cho lũ trẻ con Do Thái trong giao ước cũ cho đến lễ tế chiên để tưởng nhớ đến Chúa trong suốt quãng thời gian trước giao ước mới. Đến Tân Ước, cừu không còn là cừu nữa, cừu chính là người – những người con ngoan đạo luôn được chỉ đường bằng những dấu chỉ của Thiên Chúa tối cao, hoặc được xóa bỏ mọi tội lỗi sau công cuộc cứu thế của Đấng Jesus Christ. Trong Thiên Chúa giáo nói chung, người ta coi Jesus là vị mục tử nhân lành luôn yêu thương đàn chiên con của mình. Đàn chiên ấy chính là Giáo hội và những người trong Hội Thánh. Xét trên tư tưởng đó, không phải ngẫu nhiên mà trong Nhà giả kim lại nhắc nhiều đến cừu. Tuy nhiên, đàn cừu trong Nhà giả kim lại là một đàn cừu rất khác.

Lũ cừu xuất hiện tổng cộng 15 lần, trong đó có đến 9 lần xuất hiện trong trường hợp Santiago nhụt chí. Ở lần đầu tiên, lũ cừu chỉ đơn giản là lũ cừu, chúng được một cậu bé chăn dắt trên các vùng đồng cỏ ở Andalusia. Thế nhưng nếu truy tìm đến nguồn gốc, chúng không phải đích đến cuối cùng của người chăn cừu Santiago. Lũ cừu chỉ là phương tiện để cậu thực hiện ước muốn đi đây đi đó của mình, cũng như vô số những phương tiện khác đã tồn tại và làm tròn nhiệm vụ trên hành trình của Santiago. Nhưng nếu chỉ là phương tiện, tại sao tần số xuất hiện của chúng lại nhiều đến thế, rải rác từ đầu đến cuối tác phẩm, “phủ sóng” trên cả thực tế lẫn trong suy nghĩ của nhân vật chính?

Nếu xem xét ở bối cảnh câu chuyện, ở lịch sử cuộc đời Santiago, người đọc luôn có cơ hội để khám phá một ý tưởng: Lũ cừu là nhân tố có tác động cực lớn đến suy nghĩ và hành động của Santiago. Chính vì thế nên cậu mới nghĩ đến chúng nhiều như vậy.

“Nếu bất chợt mình biến thành một kẻ hung ác, giết hết con này đến con khác thì chắc khi cả lũ chết gần hết rồi chúng mới biết”, cậu thầm nghĩ, “Vì chúng mù quáng tin vào mình, chứ không còn tin ở bản năng của chúng nữa. Chỉ bởi mình là kẻ dẫn chúng đến những đồng cỏ xanh và nguồn nước mát” [tr. 21]

“Chúng không nhận ra rằng ngày này chúng đi đường mới. Chúng không biết đồng cỏ khác nhau và bốn mùa thay đổi, vì chúng chỉ lo mỗi chuyện ăn và uống. Nhưng biết đâu con người cũng y như thế” [tr. 26]

Ở hai trích dẫn này, đàn cừu hiện lên như một đại diện cho sự trì độn và ngu muội. Mặc cho chúng có ngoan ngoãn và tuân thủ đến mấy, chỉ cần một ngày nào đó người chăn cừu có hứng thú mới, chúng luôn luôn là đối tượng bị đưa ra thí nghiệm. Và rồi vì quá vâng phục, quá thèm khát chuyện ăn uống nên chỉ cần thỏa mãn chúng hai điều đó, chúng sẽ chẳng còn đủ trí thông mình để làm gì khác. Hai trích dẫn trên dường như ngầm ẩn một diễn ngôn chống đối lại mọi sự xếp đặt của ai – đó – khác, chống lại đạo luật do người tổ chức thành lập dựa trên một vài giao ước cụ thể: Rằng chỉ có đàn cừu, chỉ có loài vật mới ngoan ngoãn nghe lời mà không suy nghĩ, cũng như chỉ có đàn cừu mới cần thỏa mãn mỗi hai vấn đề ăn và uống. Con người, vượt lên trên mọi giáo điều, rõ ràng không hề giống đàn chiên ngoan đạo. Cũng như con người luôn có quyền chính đáng đối với cuộc sống của chính mình, có quyền không phó thác cuộc sống cho một thứ định mệnh siêu hình nào đó. Nói cách khác, ở phần đầu câu chuyện, đàn cừu còn là hiện thân cho những con người ù lì, không chịu thay đổi, không chịu sống đúng nghĩa.

Về sau, biểu tượng đàn cừu lại mang một “sứ mệnh” khác.

“Cháu muốn trở về với lũ cừu càng sớm càng tốt” [tr. 77]

“Thật dễ hiểu vì sao mình cứ thiên về lũ cừu của mình. Vì mình biết rõ chúng rồi; chăn chúng cũng chẳng cực nhọc và chúng dễ thương” [tr. 91]

Phần trên, chúng ta đã làm rõ một luận điểm: đàn cừu là biểu tượng cho một phần tính người. Sang phần sau, đàn cừu vẫn song hành trên chuyến du hành sang Ai Cập cùng Santiago. Trên đường đi, cậu vẫn không quên nghĩ về đàn cừu của mình, và cậu nghĩ về chúng nhiều hơn mỗi khi đối mặt trước cơn hoạn nạn, rằng giá như cậu có thể quay về với lũ cừu, hoặc khi có tiền rồi, cậu lại nghĩ ngay đến việc mua một lũ cừu. Đến thời điểm này, lũ cừu đã trở thành một loại cám dỗ trên con đường vươn chạm tới giấc mơ, dấn thân để hiểu chính mình của Santiago – nhưng cậu không nhận ra điều đó, cũng như cậu sẽ không nhận ra một phần tính cách ngại thử thách vẫn luôn được tiền định tồn tại trong thâm căn cố đế con người cậu. Và chuyến đi của Santiago, thực chất là một cuộc chiến, giữa đàn cừu và những gì không phải cừu, giữa sự nhàn hạ của cuộc sống đã biết và khoái cảm phiêu lưu trên những địa hạt chưa bao giờ được chạm tới. Santiago đã có một cuộc chiến đấu dai dẳng mà cậu không hề biết, bởi cậu vẫn được sự giúp đỡ của ông vua già, chủ cửa hàng pha lê, giả kim thuật sư,…

Nhìn một cách tổng thể, đàn cừu trong Nhà giả kim chưa bao giờ và không bao giờ có khả năng nhận biết được thế giới, cũng như không bao giờ nhận thức được bản thân chúng chỉ là những con cừu. Và ở đây, chúng ta có thể liên tưởng đến một khả năng: Tất cả những ai không có khả năng nhận biết thế giới và nhận biết chính mình, thậm chí còn không có ý định bước chân ra ngoài cuộc sống để nhận biết bản thân, đều chẳng khác gì lũ cừu lang thang vô định trên đồng cỏ, chỉ suốt ngày chờ đợi kẻ chăn chiên đến dắt mũi, lùa đi.

Vậy suy cho cùng, lũ cừu trong Nhà giả kim khác gì với đàn chiên trong Kinh Thánh? Tất cả chúng đều phó thác số mệnh mình cho một người chăn chiên. Nhưng nếu đàn chiên trong Kinh Thánh luôn được người chăn giữ rao giảng về một thế giới tự do, luôn được quan tâm và yêu thương thì đàn cừu trong Nhà giả kim lại bị chính người chủ của mình bỏ lại nơi đồng cỏ Andalusia bạt ngàn nắng gió. Đàn chiên và Con người trong Kinh Thánh thỏa mãn và thỏa thuận với một loại tự do trong khuôn khổ; còn Con người trong Nhà giả kim lại lên đường để thoát khỏi sự kìm kẹp của thứ dây xích vô hình. Cả lũ cừu và con người trong Nhà giả kim đã có lúc chỉ là một thứ phương tiện, hoặc đại diện cho sự mông muội, trì trệ, nhưng con người – Santiago không yếu ớt, thụ động, dựa dẫm như những con chiên trong Kinh Thánh. Nhưng cuối cùng, Con người trong Nhà giả kim đã trở thành con người biết nghĩ, dám nghĩ và dám hành động, mặc cho việc có thể hành động đó chống lại ý Chúa.

Và rồi, hãy xem ai đã có được hạnh phúc?

 

Nguyễn Hoàng Dương.

 

TỬ THƯ – CUỐN SÁCH VỀ CÁI CHẾT CỦA AI CẬP

Định nghĩa Tử Thư Ai Cập là tập hợp các thần chú giúp đỡ những linh hồn đã qua đời định hướng cuộc sống sau cái chết. Chính các học giả phương Tây đã đặt cái tựa đề nổi tiếng cho tài liệu này; tựa đề thực sự của nó có lẽ nên được dịch là “Cuốn sách về Giải thoát trong Ánh sáng” hoặc “Thần chú về Giải thoát trong Ánh sáng” và có một cách dịch dễ hơn sang tiếng Anh có thể

Sách học thuật thế giới tháng 8 năm 2021: Hiểu hơn về thế giới Hồi giáo, tư duy lại thế giới để bền vững hơn

Sách học thuật thế giới tháng 8 có phần chững lại, nhưng sâu sắc hơn. Trong tháng 8 này, một điều rất thú vị đó là sự xuất hiện của những cuốn sách về Hồi giáo, nhưng không khai thác Hồi giáo ở khía cạnh cực đoan mà cho chúng ta thấy một toàn cảnh khác với tinh thần kiến tạo. Bên cạnh đó, nhiều sách nghiên cứu đi sâu hơn trong các khía cạnh về cơ chế tâm lý và cách thế giới vận

Book Hunter

31/08/2021

Tổng quan về phương pháp tiếp cận lịch sử Việt Nam cho người không chuyên

Lịch sử Việt Nam luôn là một đề tài gây nhiều tranh cãi, phần vì thiếu thốn sử liệu và thiếu nền tảng nghiên cứu học thuật, phần vì Việt Nam có một quá trình giao thoa phức tạp bởi nhiều lớp văn hoá, văn minh khác nhau. Số đông các bạn trẻ không hài lòng với kiến thức sử được dạy một cách nhàm chán và nghèo nàn trong nhà trường nên mong muốn tự bổ sung kiến thức sử qua sách vở và

Book Hunter

31/10/2018

Cảm nghĩ trong một ngày gió mùa và cho nhiều ngày gió mùa khác

Nhiều người đã quen đọc những bài thơ, nghe những bản nhạc về Hà Nội mà trong đó nhan nhản hai chữ “Hà Nội”, “Hà Thành”, “Thăng Long”…  Nhưng khi đọc một bài thơ không hề nhắc một chữ nào đến Hà Nội mà cái khí vị của mảnh đất vừa thanh lịch lại vừa giản dị, vừa hào hoa lại vừa lãng du ấy vẫn thấm đẫm trong tâm hồn ta, thì đó chính là bài thơ “Gió đầu ô”của nhà thơ lang thang Chu

SÁCH VĂN HỌC TRONG NƯỚC THÁNG 5 NĂM 2022: CHÙA ĐÀN, DỌC ĐƯỜNG, NHỮNG NGÃ TƯ VÀ NHỮNG CỘT ĐÈN,… 

Ghé ngang một chút quanh những trang điểm sách trong nước, ta có thể dễ dàng nhận ra dòng sách văn học vẫn luôn rất được ưa chuộng. Hàng tháng, vẫn luôn đều đặn có những cuốn sách mới được phát hành, có những cuốn được tái bản lại. Tất cả đều là những câu chuyện thú vị mang đến cho người đọc nhiều cung bậc cảm xúc. Một sự thật khác ở các bài điểm sách trong nước đó dù là “trong nước” nhưng số lượng

Trần Cúc

04/06/2022