Home Sống NGHỆ THUẬT YÊU – ERICH FROMM (8): Thực tiễn của tình yêu

NGHỆ THUẬT YÊU – ERICH FROMM (8): Thực tiễn của tình yêu

Vũ Văn Duy

25/07/2018

   Ở trên, chúng ta đã phân tích vấn đề trên phương diện lý luận của nghệ thuật tình yêu, tiếp theo chúng ta đối mặt với vấn đề khó khăn hơn nữa, đó chính là vấn đề thực tiễn của nghệ thuật tình yêu. Ngoài tiến hành thực tiến ra, lẽ nào có thể tìm hiểu vấn đề liên quan thực tiễn của nghệ thuật tình yêu trên giấy hay sao?
   Ngày nay, đại bộ phận con người – bao gồm nhiều độc giả của cuốn sách này – đều hy vọng có được bí quyết hành động như thế nào từ người khác, hy vọng người khác lên lớp cho họ “bài học tình yêu”, thực tế này càng tăng thêm khó khăn của chúng ta. Tôi lo rằng, những người hy vọng có được bí quyết sau khi đọc tới đây sẽ thất vọng lớn. Tình yêu là sự trải nghiệm cá nhân, mỗi người chỉ có thể đạt được trải nghiệm này thông qua bản thân. Trên thực tế, dường như mỗi người chúng ta, dù là một đứa trẻ, một thanh thiếu niên, hay một người trưởng thành, ít nhất đã từng có trải nghiệm cơ bản ở phương diện này. Bởi vậy thảo luận vấn đề thực tiễn tình yêu chỉ có thể là điều kiện tiên quyết của thảo luận việc tiến hành thực tiễn, cũng chính là bước đầu tiên của hoạt động thực tiễn. Còn bước cuối cùng để đạt được mục đích đều nằm ở bản thân mỗi người, do đó phạm trù thảo luận chỉ dừng ở bước đầu tiên. Dù vậy, tôi tin tưởng cuộc thảo luận này tất sẽ giúp cho việc nắm bắt nghệ thuật tình yêu – ít nhất đối với những người không hy vọng có được “chỉ thị nhất định”.
   Tiến hành bất cứ một môn nghệ thuật nào đó đều cần một thứ cơ bản, nghề mộc, nghệ thuật chữa bệnh hay nghệ thuật yêu cũng vậy. Trước tiên phải là kỷ luật. Nếu như không có kỷ luật sẽ không làm được gì cả. Nếu như tôi hành sự theo “cảm hứng” nhất thời, điều này có thể sẽ là một trò làm chúng ta cảm thấy vui vẻ, nhưng chúng ta mãi mãi không thể nào trở thành đại sư. Kỷ luật nói tới ở đây không phải là yêu cầu kỷ luật của một môn nghệ thuật đặc thù (như mỗi ngày cần phải kiên trì vài giờ đồng hồ), mà là kỷ luật xuyên suốt cuộc đời của một người. Có thể có người sẽ nói, đối với người đương đại có cái gì dễ hơn kỷ luật; người đương đại chẳng phải mỗi ngày đều phải tuân thủ kỷ luật lao động một ngày 8 tiếng hay sao? Nhưng trên thực tế, ngoài công việc ra, con người ít có khả năng thể hiện tính tự kỷ luật. Khi không làm việc thường rất uể oải, không biết làm gì – dùng một câu dễ nghe để biểu đạt đó là “thư giãn tí tỉnh”. Nhưng thứ mong muốn chẳng làm việc gì cả lại là một phản ứng lại với trật tự sống. Chính bởi con người bị bắt buộc phải bỏ sức ra làm việc mỗi ngày 8 tiếng vì mục tiêu của kẻ khác, làm việc dựa theo một công thức quy định tiết tấu lao động, bởi vậy hắn muốn chống lại, mà loại phản kháng này chính là tìm kiếm một hình thức khác chẳng phải làm gì cả. Ngoài ra, trong sự đấu tranh lại quyền uy, hắn đều giữ một thái độ hoài nghi đối với kỷ luật. Bất luận thứ kỷ luật này là quyền uy phi lý tính gây sức ép với bản thân hay là kỷ luật lý tính do tự mình quy định đối với mình. Nếu như không có kỷ luật, cuộc sống sẽ tản mát, hỗn loạn và không tập trung.
   Tập trung là một điều kiện tất yếu để nắm bắt được nghệ thuật, điểm này không cần phải chứng minh nữa. Mỗi một người mong muốn học được một môn nghệ thuật đều hiểu điều này. Nhưng trong xã hội chúng ta, sự tập trung còn hiếm gặp hơn cả tự kỷ luật bản thân, văn hóa của chúng ta đã dẫn tới một phương thức sống phi tập trung, phân tán, chưa có tiền lệ. Mọi người luôn làm đồng thời nhiều việc: đọc sách, nghe nhạc, nói chuyện, hút thuốc, ăn và uống. Con người trở thành kẻ tiêu dùng, ngồi há to miệng nuốt mọi thứ một cách tham lam: tranh ảnh, rượu và tri thức. Tưởng tượng của sự thiếu tập trung này đặc biệt biểu hiện ở việc hiện tại chúng ta rất khó ngồi một mình một chỗ một cách yên tĩnh. Đa phần chúng ta đã không còn có thể ngồi một mình một chỗ một cách yên tĩnh, không nói chuyện, không hút thuốc, không đọc sách và không uống rượu. Bọn họ nhanh chóng trở nên bất an, họ nhất định sẽ động mồm hoặc động chân tay. (Hút thuốc chính là một triệu chứng thiếu sự tập trung, người hút thuốc vừa động tay chân, động mồm, cũng vừa động mắt và mũi.)
   Yếu tố thứ ba là nhẫn nại. Người học nghệ thuật đều hiểu rằng muốn đạt được mục tiêu nhất định phải có sự nhẫn nại. Con người tìm mọi cách để đạt được kết quả nhanh nhất mãi mãi không thể nào học nổi một môn nghệ thuật. Cho dù vậy, đối với người hiện đại, nhẫn nại cùng với tập trung và kỷ luật rất khó đạt được. Cái mà cả hệ thống xã hội của chúng ta cổ vũ lại là mặt trái của sự nhẫn nại, đó chính là muốn nhanh chóng. Tất cả máy móc của chúng ta đều vì muốn đạt được mục tiêu nhanh chóng: ô tô và máy bay nhanh chóng gửi chúng ta tới địa điểm dự định – đồng thời càng nhanh càng tốt. Cần một nửa thời gian để sản xuất ra số lượng sản phẩm như máy móc sản xuất ra tốt gấp đôi máy móc cũ và vận hành chậm chạp. Tất nhiên ở đây nguyên nhân kinh tế đóng vai trò quan trọng, nhưng cũng giống như ở nhiều khía cạnh khác, điểm này cũng bộc lộ giá trị con người nguyên là bị quyết định bởi giá trị kinh tế. Thứ tốt với máy móc tất nhiên cũng sẽ tốt người con người – cái này nghe tưởng hợp logic. Người hiện đại cho rằng nếu như hắn không xử lý sự việc một cách nhanh chóng, sẽ làng phí thời giờ, nhưng hắn lại không biết làm thế nào sử dụng thời gian hắn có được – trừ những cuộc chuyện trò vô bổ giết thời gian.
   Học được một bộ môn nghệ thuật còn một điều kiện khác nữa là có hứng thú lớn với việc nắm được bộ môn nghệ thuật này. Nếu như một bộ môn nghệ thuật không có ý nghĩa lớn nhất, thì sẽ không có người học trò nào học môn nghệ thuật này. Cùng lắm hắn chỉ trở thành một kẻ nghiệp dư, nhưng không thể trở thành đại sư. Điều kiện này quan trọng đối với nghệ thuật tình yêu cũng ngang hàng với các loại hình nghệ thuật khác. Nhưng xem ra, trong nghệ thuật tình yêu, kẻ nghiệp dư luôn luôn chiếm đa số.
   Trong khi nói tới điều kiện thông thường để học được một môn nghệ thuật còn cần phải nhắc tới một điểm, đó là trước nay mọi người không phải ngay từ đầu đã trực tiếp học được một môn nghệ thuật, mà thường học được môn nghệ thuật này một cách gián tiếp. Ngay bắt đầu, con người phải học nhiều thứ khác, mà nhìn tưởng không có gì liên quan tới môn nghệ thuật này, sau đó mới bắt đầu học tới môn nghệ thuật này. Người học nghề mộc đầu tiên phải học bào gỗ, người học dương cầm đầu tiên phải luyện tập âm giai, còn người học nghệ thuật bắn cung thiền tông trước tiên phải học thở. Để mình trở thành đại sư của một môn nghệ thuật, tất phải dành cả cuộc đời cho môn nghệ thuật này. Trong quá trình thực tiễn của môn nghệ thuật này, tự mình phải trở thành công cụ, đồng thời phải giữ một trạng thái nhất định, nhằm đáp ứng nhiệm vụ cần phải hoàn thành. Ở điểm này, trong thực tiễn nghệ thuật tình yêu nghĩa là tất cả những người muốn trở thành đại sư cần phải đem mỗi giai đoạn trong cuộc đời huấn luyện kỷ luật, tập trung và nhẫn lại làm mở đầu cho thực tiễn nghệ thuật tình yêu.
   Vậy làm sao để luyện tập tính kỷ luật đây? Thế hệ ông bà của chúng ta trả lời câu hỏi này tốt hơn. Họ sẽ khuyên chúng ta dậy sớm, không sống xa hoa, nỗ lực làm việc. Nhưng kiểu kỷ luật này cũng có mặt trái, nó cứng nhắc, đặt những đạo đức khác lên trước, và đối nghịch với cuộc sống ở nhiều mặt. Nhưng câu trả lời cho loại kỷ luật này, ngày nay ngày càng nhiều khuynh hướng nhìn mỗi loại kỷ luật với con mắt hoài nghi, với kiểu chả biết làm gì để tìm kiếm sự cân bằng sau 8 giờ làm việc. Sáng dậy đúng giờ, thực hiện một số hoạt động nhất định, như Thiền, đọc sách, nghe nhạc và đi dạo, không làm hoặc làm một số việc để phân tán sức tập trung có giới hạn như đọc tiểu thuyết trinh thám và xem phim, không ăn nhiều – những điều này đều là những yêu cầu cơ bản hiển nhiên. Nhưng quan trọng hơn cả là không nên coi nó là áp lực bên ngoài, mà nên được thực hiện ở ý chí cá nhân, nên cảm thấy đó là một điều vui thú, dần dần quen với thái độ sống này, một khi bỏ nó, liền cảm thấy thiếu thốn gì đó. Người phương Tây chúng ta có cái nhìn đáng tiếc đối với quan niệm về kỷ luật (đối với những thứ đạo đức khác cũng vậy), họ cho rằng kỷ luật nhất định làm người ta cảm thấy khó chịu hoặc không thích ứng, chỉ cần kỷ luật đạt tới hiệu quả như thế mới là “hữu dụng”. Nhưng người phương Đông đã sớm nhận ra, thứ có lợi cho con người nhất định làm cho người thoải mái, dù lúc đầu cần phải khắc phục được trở ngại nhất định.
   Con người sống trong văn hóa chúng ta rất khó tập trung, bởi trong toàn bộ văn hóa của chúng ta dường như đều nhằm “phân tán sự tập trung” và chống lại khả năng bồi dưỡng sự tập trung. Bước quan trọng nhất là học được việc sống một mình, không đọc sách, không nghe tin tức, không hút thuốc và không uống rượu. Có hay không khả năng tập trung thể hiện ở việc có thể sống một mình hay không – và khả năng này lại là một điều kiện để có thể học được yêu. Chính bởi tôi không thể tự lực cánh sinh, nên tôi chỉ có thể liên kết với một người khác, người này có thể chính là kẻ cứu rỗi đời tôi, nhưng mối quan hệ này không có can hệ gì với tình yêu. Có thể sống một mình hay không cố nhiên lại là một trong những điều kiện có khả năng yêu hay không, điểm này làm người ta cảm thấy lạ. Nhưng mỗi người tìm cách làm như vậy đều hiểu rằng, để làm được điều này rất khó. Theo thời gian, hắn sẽ cảm thấy bất an, thậm chí còn cảm thấy sợ hãi. Và hắn sẽ tìm lý do biện hộ cho việc mình bỏ bê sự luyện tập, hắn sẽ nói ngồi một mình chẳng có nghĩa lý gì, là ngu xuẩn, lãng phí thời gian, v.v… Trong quá trình luyện tập của hắn sẽ thấy, khi một mình, các loại ý nghĩ sẽ xuất hiện, làm phiền mình. Đột nhiên hắn sẽ phát hiện hắn đang dự định ngày hôm nay sẽ làm gì, hắn nghĩ tới khó khăn sẽ gặp phải trong công việc hoặc tối nay sẽ đi đâu. Nhưng luyện tập những điều đơn giản này có thể giúp hắn tập trung, như: ngồi thư giãn (không uể oải, cũng không căng thẳng), nhắm mắt lại, nỗ lực làm cho trước mắt mình xuất hiện một khoảng không, và loại bỏ mọi hình ảnh và ý nghĩ làm phiền mình. Sau đó có thể thử quan sát hơi thở của bản thân – không nghĩ về nó, cũng không cố ảnh hưởng nó, mà chỉ cần biết được mình đang thở. Ngoài ra còn cần phải thử đạt được cảm giác “tự thân”; tôi = bản thân tôi + trung tâm sức mạnh của tôi + kẻ sáng tạo thế giới của tôi. Mỗi ngày luyện tập như vậy ít nhất 20 phút mỗi sáng và kiên trì luyện tập mỗi tối trước khi ngủ.
   Ngoài ra, cần phải chuyên tâm làm tất cả mọi việc: chuyên tâm nghe nhạc, đọc sách, nói chuyện hay xem một bức tranh. Nếu như chuyên tâm làm, thì việc làm gì không còn quan trọng nữa, bất luận làm gì, quan trọng hay không đều sẽ tăng thêm một tầng ý nghĩa thực, bởi người làm hoàn toàn là khai phóng. Để học được sự tập trung cần phải hết sức tránh những câu chuyện vô nghĩa, không nói cho có nói. Nếu như hai người thảo luận tình trạng sinh trưởng của một cái cây mà họ quen thuộc, hoặc bình luận về vị bánh mì mà họ vừa ăn, phải xem họ có đúng là nói về một việc vừa xảy ra hay không, hay là trao đổi cách nhìn với một sự vật trừu tượng. Ngoài ra, câu chuyện xung quanh chính trị hay tôn giáo cũng có thể là vô nghĩa, nếu như kẻ giao tiếp chỉ là lặp đi lặp lại, không có trải nghiệm bản thân, chỉ là trao đổi cách nhìn với nhau mà thôi. Ở đây, tôi xin được bổ xung một điểm, đó là, không chỉ tránh câu chuyện vô vị, mà còn tránh đi lại với kẻ không đứng đắn. Điều tôi ám chỉ ở đây không chỉ là tránh những người hung ác có tính phá hoại, nên tránh họ, bởi những người này sẽ làm sa sút ý chí và kìm nén chúng ta, mà còn bao gồm những người không có sức sống nội tâm, những người với tư tưởng và những câu chuyện không có nội dung, những người này không phải đang nói chuyện, mà là đang nói càn, họ không suy nghĩ, chỉ đơn thuần đem ra những ý kiến thế tục sẵn có. Tất nhiên, chúng ta không thể tránh mãi được những người thế này, có khi cũng không nhất thiết phải làm như vậy. Trong khi tiếp xúc với những người này, nếu như bạn không phải là cái như họ nghĩ, mà bộc lộ quan điểm của mình một cách trực tiếp và thiện ý, bạn sẽ thường xuyên thấy họ đột nhiên thay đổi thái độ, về mặt này, phản ứng của bạn làm cho họ ngạc nhiên, mặt khác, bởi họ cũng khát khao muốn thoát khỏi sự bịa đặt và cũ kĩ, bước vào hiện thực.
   Trong mối quan hệ với người khác, trước tiên sự tập trung là khả năng lắng nghe người khác. Phần đông cho rằng họ đang lắng nghe người khác, đồng thời còn cho ý kiến giúp người khác, nhưng thực tế, họ căn bản không hề nghe. Họ không coi trọng lời nói của người khác, trả lời đối phương một cách hời hợt. Kết quả là những câu chuyện thế này mãi mãi làm cho họ cảm thấy mệt mỏi. Họ cho rằng, nếu như họ tập trung lắng nghe người khác nói, sẽ càng mệt mỏi. Nhưng họ đã nghĩ sai. Mỗi một việc được hoàn thành một cách tập trung sẽ làm con người tỉnh táo (mặc dù sau khi hoàn thành một việc sẽ xuất hiện trạng thái phục hồi sự mệt mỏi tự nhiên). Còn làm việc hời hợt qua loa chỉ làm người ta sinh ra chán nản mệt mỏi – đồng thời những người này cũng rất khó ngủ vào buổi tối.
   Tập trung có nghĩa là hoàn toàn sống với hiện tại, chứ không phải làm việc này nghĩ tới việc khác. Những người yêu nhau trước tiên phải luyện tập khả năng tập trung, đây là điều hiển nhiên. Họ phải học được sự gần gũi với đối phương và cởi mở với đối phương, chứ không phải là trốn tránh nhau như ta thường thấy. Vạn sự khởi đầu nan, câu thành ngữ này cũng đúng với việc luyện tập sự tập trung. Con người thường có cảm giác mãi mãi không đạt được mục đích. Bởi vậy, rõ ràng luyện tập sự tập trung còn cần phải có sự nhẫn nại. Nếu như mọi người không biết rằng để học được một cái gì đó đều cần có một quá trình, đều phải gây áp lực với chính mình, sẽ mãi mãi không học được sự tập trung. Để biết thế nào là nhẫn nại, chỉ cần quan sát đứa trẻ học đi. Đứa trẻ ngã dúi dụi hết lần này tới lần khác, nhưng nó vẫn kiên trì đứng dậy đi tiếp, cho tới khi không ngã nữa. Có sự nhẫn nại và tập trung của đứa trẻ học đi không biết hắn sẽ làm được những điều lớn lao thế nào đây!
   Tập trung còn cần một thứ khác, đó chính là giữ sự tỉnh táo đối với chính mình. Giải thích thế nào đây? Lẽ nào không ngừng suy nghĩ về bản thân, “phân tích” mình, hay là cái khác? Nếu như chúng ta lấy ví dụ về sự tập trung cao độ của một người đối với máy móc, có lẽ sẽ có thể trả lời câu hỏi này dễ dàng hơn. Ví dụ, một người có ô tô sẽ rất cảnh giác với ô tô của mình, họ không bỏ qua bất cứ một âm thanh hay sự thay đổi công năng của mô tơ dù rất nhỏ nào. Cũng vậy, người lái xe rất mẫn cảm với sự thay đổi của bề mặt đường, tốc độ của xe trước sau và sự thay đổi hướng đi. Mặc dù vậy, người lái xe không hề suy nghĩ về những hiện tượng này, hắn chỉ ở trong trạng thái tỉnh táo, phản ứng lại bất cứ những phát sinh trong việc hắn đang tập trung làm (chính là lái xe an toàn).
   Chúng ta có thể lấy thái độ của người mẹ đối với đứa trẻ để làm rõ sự quan tâm tỉnh táo đối với một sinh mệnh. Trước khi đứa trẻ có thể biểu đạt được gì, người mẹ có thể cảm thấy được một số thay đổi trong cơ thể đứa trẻ. Đứa trẻ gọi hoặc khóc, người mẹ liền tỉnh dậy, mặc dù bình thường những âm thanh ồn hơn thế này cũng không làm bà tỉnh. Điều này nói lên việc người mẹ rất tỉnh táo đối với mỗi biểu hiện sự sống của đứa trẻ, người mẹ vừa không sợ hãi, cũng không lo lắng, mà ở trong một trạng thái cân bằng tỉnh táo, có thể tiếp nhận mọi tín hiệu quan trọng từ đứa trẻ. Chúng ta cũng có thể dùng cách tương tự để có được tỉnh táo đối với chính bản thân mình. Ví dụ, khi cảm thấy mệt mỏi hoặc sa sút, chúng ta không nên để mặc nó và có suy nghĩ khi nào cũng có thể nhặt nhạnh sự tiêu cực gia tăng cảm giác này, mà nên hỏi bản thân mình: Rút cục đã xảy ra chuyện gì? Vì sao tôi lại không phấn chấn thế? Cũng vậy, khi chúng ta tức giận hoặc bối rối, khi chúng ta nghĩ ngợi, chúng ta đều nên hỏi mình như vậy. Trong trường hợp như vậy, quan trọng là phải quan sát sự biến đổi nội tâm, chứ không phải dùng cách này cách nọ bao biện cho bản thân. Như vậy chúng ta sẽ thường xuyên nghe thấy tiếng nói của nội tâm, nói với chúng ta, vì sao lại sợ hãi, sa sút hay bối rối.
   Thông thường, mọi người đều có cảnh giác nhất định đối với những biến đổi bên trong cơ thể mình; có thể cảm thấy mỗi thay đổi và thậm chí có thể phát hiện sự đau đớn dường như không cảm giác thấy. Chú ý sự thay đổi của cơ thể rất dễ làm được, số đông đều hiểu về trạng thái sức khỏe của mình. Nhưng đối với những thay đổi tinh thần thì không mẫn cảm được như vậy, bởi nhiều người chưa từng thấy có ai có sự tỉnh táo đối với hoạt động nội tâm của mình. Đối với họ, tiêu chuẩn đánh giá hoạt động nội tâm có hoạt động bình thường hay không là cha mẹ, người thân mình, hoặc đoàn thể xã hội mà họ tham gia, chỉ cần bọn họ không khác biệt với tiêu chuẩn đó, họ sẽ cảm thấy mình “bình thường”, cũng sẽ không có hứng thú quan sát thái độ sống khác với họ. Ví dụ, có nhiều người chưa từng thấy một người có khả năng yêu, hoặc một người độc lập hoàn chỉnh, có dũng khí và có khả năng tập trung làm việc. Để tỉnh táo đối mặt với mình, cần thiết phải có một giả tưởng, cần biết cái gì gọi là phát huy tác dụng của con người một cách lành mạnh, sôi động và đầy tình người. Nhưng nếu chúng ta vừa không có trải nghiệm này ngày nhỏ, cũng như sau này, làm sao chúng ta lại có thể có kết luận như vậy? Đối với vấn đề này, chắc chắn không thể có câu trả lời đơn giản, nhưng vấn đề này đánh trúng điểm yếu trong hệ thống giáo dục của chúng ta.
   Ở mặt truyền đạt tri thức, chúng ta quên mất sự dạy dỗ quan trọng nhất đối với sự phát triển của con người, coi giáo dục là hiện thân của một người trưởng thành và nhân ái. Ở một giai đoạn nào đó trong văn hóa của chúng ta, hoặc ở Trung Quốc hay Ấn Độ, người có ảnh hưởng lớn nhất là người đức cao vọng trọng. Nhà giáo không chỉ hoặc trước tiên không phải là người truyền đạt tri thức, nhiệm vụ của hắn còn bao gồm bồi dưỡng cho học sinh có những phẩm chất nhất định của con người. Trong xã hội chủ nghĩa tư bản đương đại – điểm này cũng đúng cho chủ nghĩa cộng sản Nga, người đáng khâm phục và được coi là tấm gương quyết không phải bởi hắn có phẩm chất cao thượng. Minh tinh màn bạc, phát thanh viên, ký giả hay những ông lớn trong chính trường và kinh tế là tấm gương cho dân chúng. Ảnh hưởng chủ yếu của những người này thông thường bởi họ có thể vang danh năm châu bốn bể. Nhưng cho dù vậy, tình trạng vẫn chưa tồi tệ đến mức tuyệt vọng. Nếu như chúng ta động não, người như Albert Schweitzer có thể nổi danh ở Mỹ hay nơi khác, nếu như chúng ta có thể có nhiều cách có khả năng thực hiện, có thể làm cho thế hệ thanh niên của chúng ta quen thuộc với những nhân vật ưu tú còn sống hay đã chết, và thông qua những người này để hiểu con người có thể không ngừng hoàn thiện mình, nếu như chúng ta nghĩ tới những tác phẩm văn học bất hủ hay các tác phẩm nghệ thuật, chúng ta tin tưởng có thể truyền đạt cho con người làm thế nào để sống một cách tỉnh táo và tràn đầy sức sống. Nếu như chúng ta không làm được điều này, rất có thể một ngày nào đó chúng ta sẽ đối mặt với sự đổ vỡ của cả nền văn hóa truyền thống của chúng ta. Truyền thống văn hóa của chúng ta trước tiên không dựa trên cơ sở truyền đạt tư tưởng kiến thức, nó truyền đạt thái độ làm người. Nếu như thế hệ sau của chúng ta không trải qua truyền thống này nữa, văn hóa 5000 năm của chúng ta sẽ đổ vỡ, dù con người vẫn tiếp tục không ngừng truyền đạt và phát triển tri thức.
   Ở trên, chúng ta phân tích điều kiện cần có trong lúc hành xử tất cả các môn nghệ thuật, tiếp theo chúng ta sẽ nói về những điều kiện đặc thù không thể thiếu để nắm bắt nghệ thuật tình yêu. Căn cứ vào trình bày của tôi về bản chất tình yêu, điều kiện chủ yếu để đạt được khả năng yêu là khắc phục việc tự yêu mình thái quá. Khuynh hướng tự yêu mình là một loại thái độ của con người, người có thái độ này thể nghiệm được hiện thực chỉ là hoạt động nội tâm, chủ yếu là sự tham lam và nỗi sợ hãi của bản thân họ, đối với họ, bản thân hiện tượng của thế giới bên ngoài là không hiện thực, chỉ điều gì có lợi hoặc uy hiếp tới họ mới có ý nghĩa. Ngược lại với tính tự yêu mình là tính khách quan, tính khách quan chính là thái độ cởi mở đối với người và sự vật, có thể đối đãi với sự vật một cách cầu thị. Ý nghĩa này của tính khách quan chính là chủ nghĩa hiện thực đi từ bên ngoài thâm nhập vào cốt lõi hiện tượng. Ngược lại với tính tự yêu bản thân, cơ sở của tính khách quan không phải không có quan hệ gì với thế giới bên ngoài, mà có mối liên hệ mãnh liệt. Mọi biểu hiện bệnh thần kinh là hình thức cực đoan không có tính khách quan, ở đây là không có khả năng cởi mở với sự vật khách quan. Đối với người có bệnh về tinh thần, nếu như hiện thực là có đi chăng nữa thì cũng chỉ tồn tại trong nội tâm họ: đó là sự sợ hãi và ham muốn của hắn. Thế giới bên ngoài đối với hắn chỉ là tượng trưng cho thế giới nội tâm của họ, chỉ là thứ do họ sáng tạo ra. Khi chúng ta mơ, cũng xảy ra hiện tượng tương tự. Sự kiện cụ thể xuất hiện trong giấc mơ tượng trưng cho hoạt động nội tâm, mặc dù vậy, trong giấc mơ chúng ta vẫn tin tưởng việc xảy ra trong giấc mơ chân thực như hiện thực mà chúng ta cảm thấy trong trạng thái tỉnh táo.
   Nhưng giấc mơ và bệnh thần kinh chỉ là những ví dụ cực đoan của sự thiếu tính khách quan. Mỗi người trong chúng ta đều có một hình ảnh phi khách quan, hình ảnh bị làm méo mó bởi khuynh hướng tự yêu bản thân của chúng ta. Lẽ nào tôi phải đưa ra ví dụ chứng minh sao? Chỉ cần chúng ta quan sát bản thân và người hàng xóm, hoặc xem báo, sẽ dễ dàng tìm thấy những ví dụ kiểu này, chỉ là mức độ tự yêu bản thân khác nhau, mức độ khách quan bị bóp méo do đó cũng phân cao thấp. Ví dụ một người đàn bà gọi điện cho bác sĩ của bà ta, nói với ông, bà rất muốn buổi chiều trong ngày tới chỗ ông khám bệnh. Bác sĩ nói, buổi chiều ông không có thời gian, buổi chiều ngày mai mới có thời gian. Nhưng người đàn bà đó lại nói: “Bác sĩ, nhưng chỗ tôi ở chỉ cách chỗ ngài 5 phút đường!” Người đàn bà này không hiểu rằng, chỗ ở của bà tuy gần nhưng không thể tiết kiệm được thời gian của bác sĩ. Bà hoàn toàn nhìn vấn đề ở góc độ bản thân: Bởi bà tiết kiệm thời gian, nên bác sĩ cũng tiết kiệm thời gian. Đối với bà ta “tôi” là hiện thực duy nhất.
   Một ví dụ không đến nỗi cực đoan – hoặc có lẽ chỉ không rõ ràng mà thôi – thông thường xuất hiện trong mối quan hệ giữa người với người. Không biết có bao nhiêu bậc cha mẹ hứng thú trước tiên với việc con cái họ có nghe lời hay không, có làm cho họ vui hay không, v.v…, chứ không phải việc nó đã trải qua những gì, trải qua như thế nào – tất nhiên những trải nghiệm này không can hệ gì tới họ. Không biết có bao nhiêu người chồng cho rằng vợ của họ thật độc đoán, trên thực tế do mối liên hệ ấu trĩ của họ với người mẹ, hắn xem mỗi yêu cầu của người vợ đều hạn chế “tự do” của hắn. Lại không biết có bao nhiêu người vợ cho rằng chồng của họ bất tài hoặc nhu nhược, nhưng trên thực tế chỉ là bởi vì người chồng không phải là những bạch mã hoàng tử như trong tưởng tượng thuở nhỏ của họ.
   Đối với những dân tộc thiếu tính khách quan, chúng ta càng dễ bắt gặp hơn, đồng thời nó cũng có tính nguy hiểm hơn. Một dân tộc xem một dân tộc khác là hạ đẳng và đối địch, nhưng lại cho rằng dân tộc mình là cao quý và ưu việt. Hành vi của kẻ thù được dùng một thước đo này, còn hành vi vủa mình lại dùng một thước đo khác. Thậm chí thiện ý của kẻ thù cũng bị xem là sự ác ý, chỉ vì che lấp cái nhìn của chúng ta và thế giới mà thôi, nhưng mặt khác lại dùng động cơ cao quý biện minh cho hành vi xấu xa của mình. Nếu như chúng ta chú ý quan sát mối quan hệ giữa dân tộc với dân tộc, giữa người với người, nhất định chúng ta sẽ rút ra được kết luận: tính khách quan là cá biệt, còn mức độ khác nhau của tính tự yêu bản thân là phổ biến.
   Khả năng suy nghĩ khách quan chính là lý trí, tình cảm xây dựng trên lý trí là sự khiêm cung. Chúng ta chỉ có thoát khỏi ảo tưởng đạt được toàn năng toàn tri thuở nhỏ mới có thể có tính khách quan và vận dụng lý trí của bản thân.
   Cái này được thể hiện trong thực tiễn nghệ thuật tình yêu: có hay không khả năng học được yêu phụ thuộc vào mức độ tự yêu bản thân của người và khả năng không ngừng bồi dưỡng sự khiêm cung, tính khách quan và lý trí của bản thân. Chúng ta cần phải nỗ lực cả đời. Khiêm cung và tính khách quan cùng với tình yêu không chỉ bị hạn chế ở một số phạm vi trong cuộc sống. Nếu như chúng ta không có thái độ khách quan với người lạ, thì chúng ta cũng không thể thật khách quan với người nhà của mình, và ngược lại. Chúng ta muốn học được nghệ thuật tình yêu, chúng ta nên nỗ lực khách quan trong bất cứ trường hợp nào, đồng thời chú ý thấy trong trường hợp nào chúng ta không cố gắng khách quan, và giữ thái độ tỉnh táo với nó. Chúng ta cần phải nỗ lực nhận biết những hình ảnh của người bị tính tự yêu bản thân của chính chúng ta làm méo mó và diện mạo thực tế của người này, cũng chính là khác biệt giữa diện mạo thực tế không can hệ gì tới lợi ích, khó khăn và sợ hãi của chúng ta. Nếu như chúng ta chỉ giữ tính khách quan với người chúng ta yêu, mà không cần tính khách quan với người khác, chúng ta nhanh chóng nhận ra chúng ta không thể giải quyết tốt mối quan hệ với người chúng ta yêu, đồng thời cũng không giải quyết tốt mối quan hệ với người khác.
   Năng lực yêu quyết định bởi mức độ trưởng thành của bản thân chúng ta, cùng với việc chúng ta có hay không khả năng phát triển một khuynh hướng có tính sáng tạo trong mối quan hệ với thế giới, với bản thân mình. Quá trình thoát ly khỏi bản thân này, quá trình sinh ra và trưởng thành cần phải có một loại phẩm chất là điều kiện không thể thiếu: đó chính là tín ngưỡng. Tình yêu lấy tín ngưỡng làm cơ sở.
   Tín ngưỡng là gì? Lẽ nào tín ngưỡng nhất định phải là tin vào Thượng đế hoặc giáo lý của một tôn giáo khác? Tín ngưỡng có đối lập với suy nghĩ lý trí và lý tính hay không? Tín ngưỡng có phải chỉ là tri thức vô căn cứ không thể chứng minh được hay không? Trước tiên, phải phân biệt tín ngưỡng hợp lý và tín ngưỡng phi lý. Theo tôi hiểu, tín ngưỡng phi lý chỉ tín ngưỡng phục tùng thứ quyền uy phi lý (tin vào một người hoặc một lý tưởng). Ngược lại với nó, tín ngưỡng hợp lý bắt nguồn từ một niềm tin kiên định của trải nghiệm tư tưởng và tình cảm bản thân. Tín ngưỡng hợp lý trước tiên không phải là tin vào cái gì, mà là một sự xác nhận, sự xác nhận này phù hợp với sự xây dựng trên niềm tin kiên định thông qua trải nghiệm chân thực của bản thân. Tín ngưỡng là một đặc điểm tính cách trong toàn bộ nhân cách, mà không liên quan tới một số thứ được cho là đúng.
   Tín ngưỡng hợp lý bám chắc vào hoạt động tích cực có tính sách tạo của trí lực và tình cảm. Trong suy nghĩ lý tính, dường như không nhìn ra vị trí của tín ngưỡng, nhưng tín ngưỡng hợp lý lại là một bộ phận quan trọng hợp thành của suy nghĩ. Ví dụ, làm sao một nhà khoa học có được phát hiện mới? Lẽ nào hắn chỉ tiến hành lặp đi lặp lại thí nghiệm, tổng kết hết sự thực này đến sự thực khác, mà không có giả thuyết đối với thứ mà hắn muốn phát hiện? Những ví dụ dựa vào phương pháp trên, để có được phát hiện lớn là rất ít. Trong mỗi sự phấn đấu của con người đều cần suy nghĩ có tính sáng tạo, và quá trình suy nghĩ này đều được bắt đầu bởi cái mà mọi người gọi là “linh cảm của lý tính” – linh cảm của lý tính này chính là tổng kết từ nghiên cứu quá khứ, suy nghĩ phê phán và sự quan sát toàn diện.
   Trong lịch sử khoa học, những ví dụ về sự phấn đấu vì tín ngưỡng linh cảm lý trí và lý tính không ít. Copernicus, Kepler, Galileo và Newton đều tràn đầy niềm tin không hề lay chuyển đối với lý trí. Vì niềm tin này, Bruno đã bị thiêu sống trên giàn thiêu, Spinoza bị khai trừ khỏi đoàn thể tôn giáo. Từ một giả thuyết lý tính dẫn tới hình thành một lý luận, mỗi bước trong quá trình này đều cần có niềm tin: tin tưởng giả thuyết của mình là một mục tiêu hợp lý và đáng theo đuổi, đồng thời tin tưởng vào suy đoán hoặc lý luận, mặc dù chúng chưa được thừa nhận phổ biến. Niềm tin này dựa vào kinh nghiệm bản thân, trên cơ sở niềm tin không dời đối với tư tưởng, quan sát và năng lực phán đoán của mình. Tín ngưỡng phi lý nghĩa là chỉ tin vào quyền uy hoặc ý kiến của số đông, còn tín ngưỡng hợp lý nảy sinh từ niềm tin độc lập, tin tưởng vào sự quan sát và suy nghĩ có tính sáng tạo của mình – mặc dù không đồng nhất với cách nhìn của đại đa số.
   Suy nghĩ và phán đoán không phải là phương diện duy nhất con người trải qua, trải nghiệm tín ngưỡng hợp lý. Trong phạm trù mối quan hệ giữa người với người, tín ngưỡng là đặc điểm không thể thiếu trong tình bạn hay tình yêu chân chính. Tin tưởng một người có nghĩa là hiểu tính tin cậy và ổn định trong thái độ cơ bản của người này, hiểu điểm cốt lõi của người này, hoặc tình yêu của hắn. Ở đây tôi không nói tôi tin tưởng người này không thể thay đổi cách nhìn của hắn, mà chỉ động cơ cơ bản của hắn không thay đổi. Ví dụ, sự tôn trọng sự sống và sự tôn nghiêm của con người của hắn là một bộ phận cấu thành bản thân hắn, điểm này sẽ không thay đổi.
   Trong ý nghĩa tương tự, chúng ta cũng tin tưởng bản thân chúng ta. Chúng ta ý thức được sự tồn tại của chính chúng ta, ý thức điểm cốt lõi trong nhân cách của chúng ta, chú ý rằng điểm cốt lõi là không thể thay đổi, trong cuộc đời chúng ta, dù hoàn cảnh không ngừng thay đổi, quan điểm và tình cảm của chúng ta cũng sẽ thay đổi, nhưng điều cốt lõi trước sau tồn tại. Điểm cốt lõi này tồn tại hiện thực sau chữ “tôi”. Niềm tin đối với ý chí tự thân chúng ta xây dựng trên điểm cốt lõi này. Nếu như chúng ta không tin tưởng mình, chúng ta đối với bản thân chúng ta là cảm giác của ý chí sẽ bị uy hiếp, sẽ phụ thuộc vào người khác, còn quan điểm của người khác sẽ là cơ sở của việc đồng nhất với việc chúng ta trải nghiệm bản thân. Chỉ những người tin tưởng vào bản thân mới có khả năng trung thành với người khác, bởi bản thân hắn có thể làm chứng, hắn sau này sẽ không thay đổi, sau này của hắn cũng như những lời hứa hiện tại được cảm nhận và hành động. Tin tưởng mình là điều kiện tiên quyết để chúng ta có thể đưa ra lời hứa, nếu như định nghĩa về con người giống như Nietzsche nói là bởi vì con người có khả năng hứa, vậy thì tín ngưỡng chính là một điều kiện tồn tại của con người. Ở phương diện tình yêu, hãy coi việc tin tưởng vào tình yêu của mình đồng thời tin tưởng tình yêu này có thể đánh thức tình yêu của người khác và tin tưởng tính tin cậy của tình yêu này là điều kiện cơ bản của tình yêu.
   Một phương diện khác của việc tin tưởng vào người khác chính là tin tưởng khả năng phát triển của người đó. Hình thức cơ bản nhất chính là niềm tin của người mẹ vào đứa trẻ của bà: bà tin tưởng đứa trẻ sẽ sống, lớn lên, sẽ học đi và học nói. Bởi sự phát triển của đứa trẻ có tính quy luật nên dường như không cần mọi người phải có niềm tin với nó. Nhưng trong tương lai, đứa trẻ có khả năng yêu hay không, hạnh phúc hay không, phát triển lý trí hay không và có tài năng đặc biệt gì hay không, có khả năng tiến hành những hoạt động nghệ thuật có tính sáng tạo hay không hoặc tài năng xuất chúng hay không, bởi không biết những khả năng này có thực hiện được hay không, bởi vậy bối cảnh không giống nhau nữa. Nên nói rằng, trong hoàn cảnh có điều kiện phát triển, những khả năng này là hạt giống, sẽ đơm hoa kết quả. Ngược lại, nếu như không có điều kiện phát triển nó sẽ héo khô.
   Một điều kiện phát triển quan trọng là, người đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của đứa trẻ nên tin tưởng đứa trẻ có những khả năng phát triển này. Có hay không niềm tin này cấu thành sự khác biệt giữa “giáo dục” và “ảnh hưởng”. Giáo dục đồng nhất với nhiệm vụ giúp đỡ đứa trẻ hiện thực khả năng phát triển của hắn. Ngược lại với giáo dục là ảnh hưởng, ảnh hưởng thì thiếu niềm tin này, đồng thời tin tưởng chỉ có người lớn rót vào đầu đứa trẻ những thứ họ cho rằng thích hợp và giết chết những thứ họ cho là không thích hợp thì đứa trẻ mới trở thành một người quy củ. Đối với người máy không cần phải có niềm tin, bởi máy móc không phải sinh mệnh có khả năng phát triển.
   Đỉnh cao của sự tin tưởng người khác là tin tưởng vào nhân loại. Trong thế giới phương Tây, niềm tin này được thể hiện ở ngôn ngữ tôn giáo trong tư tưởng của Do Thái – Cơ đốc giáo, trong phạm vi thế giới biểu hiện rõ trong tư tưởng xã hội học và quan điểm chính trị của chủ nghĩa nhân đạo 150 năm trở lại đây. Giống như niềm tin với đứa trẻ, niềm tin đối với nhân loại cũng được xây dựng trên giả thiết này, đó chính là: trong điều kiện nhất định, loài người có khả năng xây dựng một chế độ xã hội dựa trên nguyên tắc bình đẳng, chính nghĩa và tình yêu. Cho tới nay loài người vẫn chưa làm được, bởi vậy cần phải có niềm tin sâu sắc rằng loài người có thể làm được. Nhưng giống như mỗi niềm tin lý tính, tín ngưỡng này quyết không phải là tin tưởng vào một kỳ tích xuất hiện; nhiều hơn, nó dựa trên cơ sở nhìn vào lịch sử nhân loại cho tới nay, cùng với cơ sở dựa trên sự trải nghiệm nội tâm, trải nghiệm đối với lý trí và tình yêu của mỗi người.
   Gốc rễ của tín ngưỡng phi lý nằm ở phục tùng thế lực lớn được xem là toàn tri, toàn quyền, cùng với việc hạ thấp sức mạnh và năng lực của bản thân, còn tín ngưỡng hợp lý lấy trải nghiệm ngược lại làm cơ sở. Chúng ta tin tưởng một tư tưởng, bởi tư tưởng này là sản phẩm của sự quan sát và suy xét của bản thân chúng ta. Chúng ta tin tưởng bản thân, tha nhân và nhân loại có khả năng phát triển không ngừng, chúng ta trải nghiệm sự giác ngộ và trưởng thành của mình càng sâu, mức độ tín ngưỡng của chúng ta càng cao. Cở sở của tín ngưỡng hợp lý là sức sản xuất của bản thân chúng ta. Sống trong tín ngưỡng, chính là sống trong sự sáng tạo. Từ đó có thể đưa ra kết luận: tin vào quyền lực – quyền lực trong nghĩa thống trị – và sử dụng quyền lực đều là mặt trái của tín ngưỡng. “Tín ngưỡng” đối với bất cứ một quyền lực tồn tại nào (chỉ bởi nó tồn tại) đồng nhất với việc không tin tưởng rằng nhân loại có khả năng phát triển. Thứ “tín ngưỡng” này là dự báo tương lai, cơ sở của tương lai này chính là sự kéo dài trạng thái bất động trước mắt. Nhưng sự thực không ngừng chứng minh dự báo này là sai lầm, bởi kết luận này hoàn toàn không nhìn thấy khả năng phát triển của nhân loại. Không có tín ngưỡng đối với quyền lực, chỉ có sự phục tùng đối với quyền lực hoặc – nhìn từ góc độ người sở hữu quyền lực – ham muốn quyền lực. Mặc dù có nhiều người coi quyền lực là thứ hiện thực nhất trong tất cả sự vật, nhưng lịch sử đã chứng minh trong tất cả những thành quả mà nhân loại đạt được, quyền lực là thứ không vững chắc và ngắn ngủi nhất. Căn cứ vào sự thực xung khắc nhau giữa tín ngưỡng và quyền lực, mọi tôn giáo và thể chế chính trị ban đầu được xây dựng trên nền tảng tín ngưỡng hợp lý, một khi chúng dựa vào quyền lực hoặc liên minh với quyền lực, nó sẽ tha hóa và mất đi sức sống nội tại.
   Nảy sinh tín ngưỡng cần phải có dũng khí, cũng chính là việc phải có khả năng chấp nhận mạo hiểm và tâm lý chuẩn bị cho đau khổ và thất vọng. Một người xem sự an toàn và vô tư lự là điều kiện cơ bản của cuộc sống, mãi mãi không thể có tín ngưỡng. Có người tự bó mình trong một không gian hẹp, và coi khoảng cách với thế giới và tài sản bảo đảm sự an toàn, người này đã tự biến mình thành tù nhân. Dũng khí mà tín ngưỡng cần hoàn toàn khác với thứ dũng khí mà kẻ cuồng vọng như Mussolini kêu gọi đó là “phải sống một cách nguy hiểm”. Dũng khí của Mussolini là dũng khí của chủ nghĩa hư vô, nó xuất phát từ thứ nhân sinh quan mang tính phá hoại, là sự chuẩn bị từ bỏ sinh mạng, bởi nó không có khả năng yêu cuộc sống. Dũng khí của tuyệt vọng trái ngược với dũng khí của tình yêu, giống như mặt trái của sự tin tưởng tình yêu là sự tin tưởng quyền lực vậy. Chúng ta có thể bồi dưỡng dũng khí của tín ngưỡng hay không? Mỗi phút mỗi giây con người đều có thể bồi dưỡng tín ngưỡng của mình. Nuôi dưỡng một đứa trẻ cần niềm tin, để có thể ngủ cần niềm tin, bắt đầu làm việc gì đó cũng cần phải có niềm tin. Chỉ là những loại niềm tin thế này đã rất quen thuộc với chúng ta mà thôi. Thiếu niềm tin này, do lo lắng cho đứa trẻ mà sợ hãi bất an, sẽ mất ngủ hoặc mất khả năng làm việc có tính sáng tạo, hoặc nghi ngờ, không thể nào gần gũi người khác, hoặc lo lắng, không thể nào có kế hoạch lâu dài. Giữ vững cái nhìn của mình đối với người nào đó – dù cho có dư luận hoặc có một sự thực bất ngờ dẫn tới phản đối cách nhìn này; giữ vững niềm tin của mình – mặc dù niềm tin này không phổ biến – làm được hai điều này đều cần phải có tín ngưỡng và dũng khí. Coi khó khăn, cú sốc và lo lắng trong cuộc sống là một cuộc thử thách, khắc phục khó khăn làm cho bản thân mạnh mẽ hơn – cái này cũng cần phải có tín ngưỡng và dũng khí.
   Nuôi dưỡng tín ngưỡng và dũng khí của bản thân có thể bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống. Bước đầu tiên phải nhận thức được khi nào và ở đâu sẽ mất đi tín ngưỡng, phải nhìn thấu các loại lý do biện hộ cho việc đánh mất tín ngưỡng và nhận thức được nhút nhát ở đâu và tìm những lý do biện hộ nào; ngoài ra, cần phải nhận thức được mỗi lần tự lừa dối mình chỉ làm suy yếu bản thân, và việc ngày càng yếu đuối lại dẫn tới sự tự lừa dối mới, như vòng lặp ác nghiệt, cho tới khi con người không còn tín ngưỡng nữa mới thôi. Còn phải nhận thức được những người sợ được người khác yêu trên thực tế là một phản ứng sợ yêu một cách không tự giác. Yêu một người phải hiến dâng bản thân, chứ không phải chờ được hồi đáp, nhưng tin tưởng vào tình yêu của mình nhất định sẽ đánh thức được tình yêu của đối phương. Tình yêu là một hành động tín ngưỡng, người ít tín ngưỡng tất sẽ yêu ít. Ở phương diện nuôi dưỡng tín ngưỡng còn có thể nói gì nữa không? Một số người có lẽ có thể làm được điều này. Nếu như tôi là nhà thơ hoặc nhà triết học, có lẽ tôi sẽ thử, nhưng tôi vừa không phải là nhà thơ, cũng không phải là nhà triết học, bởi vậy không thể nói thêm được gì nữa. Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, mỗi người mong muốn học nhất định sẽ có được tín ngưỡng như đứa trẻ học đi.
   Ngoài ra, một thái độ không thể tách rời với thực tiễn nghệ thuật tình yêu là hoạt động tích cực. Ở trên chỉ đề cập sơ sài, bởi vậy cần trình bày chi tiết hơn. Như tôi đã đề cập ở trên, “hoạt động tích cực” không nhất định phải làm điều gì đó, mà chỉ tính tích cực nội tại của con người, vận dụng sức mạnh của bản thân một cách tích cực. Tình yêu là một hoạt động tích cực; nếu như tôi yêu, tôi sẽ có một thái độ tích cực với người tôi yêu, và không chỉ giới hạn ở anh ta (hay cô ta). Bởi nếu như tôi uể oải, và cũng không làm cho mình tiếp tục trạng thái tỉnh táo, cởi mở và tích cực, tôi sẽ không thể có thái độ tích cực đối với người tôi yêu. Ngủ là một hình thức duy nhất của hoạt động không có tính tích cực, nhưng kỳ lạ là số đông vẫn nửa tỉnh nửa mê. Hoàn toàn tỉnh táo là làm cho mình và người khác đều không cảm thấy – điểm này là điều kiện cơ bản của tình yêu. Trong hoạt động tư duy, cảm giác, xem và nghe duy trì trạng thái tỉnh táo, cảnh giác và cởi mở là điều kiện không thể thiếu để học được nghệ thuật tình yêu. Một số người cho rằng, có thể chia cuộc sống của mình làm hai phần, như vậy trong phạm trù tình yêu có thể có tính sáng tạo, còn trong phạm trù khác lại không cần tính sáng tạo, đây chỉ là sự ảo tưởng. Bản chất của năng lực sản xuất quyết định không có sự phân công như vậy. Năng lực tình yêu cần con người phải dốc hết sức, cần sự tỉnh táo của con người và sự thăng hoa của sức sống, và khả năng này chỉ có thể thông qua thái độ có tính sáng tạo và tích cực ở nhiều mặt khác trong cuộc sống mới có thể đạt được. Người không có tính tích cực ở phạm trù khác, cũng không thể có khả năng này trong tình yêu.
   Thảo luận liên quan tới nghệ thuật tình yêu không thể chỉ giới hạn ở phạm trù cá nhân, trong chương này đã tìm hiểu những đặc điểm và thái độ đó. Thảo luận này không tách rời phạm trù xã hội. Nếu như yêu nghĩa là thái độ yêu đối với mỗi người, nếu như yêu là một đặc điểm của tính cách, vậy tình yêu chắc chắn không chỉ xuất hiện trong mối quan hệ giữa mình với gia đình và bạn bè, tất nhiên cũng tìm thấy trong mối quan hệ giữa mình với những người cùng làm, những người có công việc liên quan tới chúng ta. Giữa tình yêu của chúng ta với gia đình mình và tình yêu với người lạ không có sự “phân công”. Ngược lại, tình yêu với người lạ là tiền đề của tình yêu đối với người thân. Nếu như chúng ta chú ý tới quan điểm này, có nghĩa là quan hệ xã hội mà chúng ta đã quen sẽ xuất hiện sự thay đổi lớn. Chúng ta thường xuyên nói tới việc yêu người xung quang trong lý tưởng tôn giáo, nhưng trên thự tế, quan hệ của chúng ta trong trường hợp tốt nhất bị hạn chế bởi nguyên tắc “công chính”. Công chính nghĩa là khi trao đổi hàng hóa và sự phục vụ, cần phải từ bỏ lừa dối và âm mưu quỷ kế. “Bạn cho tôi bao nhiêu, tôi sẽ cho bấy nhiêu”, bất luận là sản phẩm thương mai hay tình yêu, đây là chuẩn mực cao nhất trong đạo đức của chủ nghĩa tư bản. Cũng có thể nói, sự xuất hiện đạo đức mới công chính này là cống hiến đặc biệt trên phương diện luân lý đạo đức của chủ nghĩa tư bản.
   Nguyên nhân tạo nên hiện tượng này nằm ở bản chất của xã hội chủ nghĩa tư bản. Trong xã hội trước chủ nghĩa tư bản, trao đổi hàng hóa, hoặc tiến hành ép buộc trực tiếp, quyết định bởi truyền thống, hoặc quyết định bởi quan hệ bạn bè hay quan hệ người thân yêu. Trong thị trường chủ nghĩa tư bản, trao đổi cấu thành nhân tố quyết định mọi thứ. Bất luận trong thị trường hàng hóa, thị trường lao động, hay trong thị trường phục vụ, mỗi người đều đem thứ mà hắn sở hữu, căn cứ và thị trường để đổi lấy thứ mà hắn cần, và sự trao đổi này không có lừa gạt và cũng không sử dụng vũ lực.
   Đạo đức của công chính rất dễ lẫn với giáo lý của Tân giáo. Nguyên tắc “Kỷ sở bất dục, vật thi dư nhân” (Cái gì mình không muốn thì chớ làm với kẻ khác.) được giải thích thành “Phải làm ăn với người khác một cách công chính”. Trên thực tế, lúc đầu mọi người muốn đồng nhất đạo đức này với câu châm ngôn “Hãy yêu hàng xóm của bạn”, v.v… phổ biến trong Thánh kinh. Nhưng giáo lý liên quan tới bác ái của Do Thái – Cơ đốc giáo lại chẳng có điểm tương đồng nào với đạo đức công chính. Giáo lý này là yêu tha nhân, cũng là có trách nhiệm với tha nhân và đồng nhất với tha nhân. Đạo đức công chính trái lại, nó không có nghĩa là phải có trách nhiệm và nhất trí với tha nhân, mà tách rời mình với tha nhân – cũng chính là, mặc dù tôn trọng quyền lực của tha nhân, nhưng không yêu tha nhân. Bởi vậy giáo lý của Tân ước trở thành châm ngôn tôn giáo phổ biến nhất trong thời đại chúng ta không phải là ngẫu nhiên. Từ ý nghĩa đạo đức công chính giả thích những giáo lý này, sẽ làm cho những giáo lý này trở thành giáo lý tôn giáo duy nhất mà mọi người có thể lý giải và chuẩn bị tuân thủ. Nhưng lý giải đối với tình yêu trước tiên phải phân biệt rạch ròi sự khác biệt giữa công chính và tình yêu.
   Ở đây nảy sinh một vấn đề quan trọng. Nếu như tổ chức của toàn bộ xã hội và kinh tế của chúng ta dựa trên cơ sở mỗi người đều quan tâm tới lợi ích bản thân hắn, và bị chi phối bởi chủ nghĩa vị kỷ, mà chủ nghĩa vị kỷ lại chỉ bị hạn chế bởi đạo đức công chính, xin hỏi làm sao chúng ta có thể vừa sống trong phạm vi chế độ xã hội hiện hữu lại vừa có thể nuôi dưỡng tình yêu đây? Lẽ nào nó không phải là sự từ bỏ hứng thú đối với tất cả lợi ích thế tục và sống trong sự nghèo khổ cực đoan sao? Một số giáo sĩ Cơ đốc giáo, Tolstoi, Albert Schweitzer hay Simone Weil đã có câu trả lời thích đáng cho vấn đề này theo cách cấp tiến. Ngoài ra, có người cho rằng, trong xã hội chúng ta, tình yêu và cuộc sống thế tục không thể nào khớp nhau, bởi vậy thảo luận tình yêu chẳng khác nào tham gia vào một cái bẫy lớn mà thôi, họ cho rằng chỉ có kẻ tử vì đạo hoặc kẻ điên mới yêu trong thế giới ngày nay, bởi vậy, thảo luận liên quan tới tình yêu chỉ là lý thuyết sáo rỗng mà thôi. Mặc dù lập trường này cũng đáng quan tâm, nhưng nó lại thường là thủ đoạn biện hộ cho sự khinh đời và thiếu khả năng yêu đối với mình mà thôi. Thực tế, đằng sau lập trường này là quan điểm của đại bộ phận dân chúng, cảm giác của họ là: “Lẽ ra tôi muốn làm một tín đồ Cơ đốc tốt, nhưng nếu như tôi đúng là vậy, tôi sẽ chết đói.” “Chủ nghĩa cấp tiến” này tất sẽ rơi vào đạo đức chủ nghĩa hư vô mà cáo chung. “Kẻ cấp tiến” suy nghĩ như vậy, cũng giống như số đông dân chúng, cũng là những con rô bốt không có khả năng yêu, sự khác biệt duy nhất giữa họ là kẻ sau không phát hiện ra điểm này, còn kẻ trước biết, và còn cho rằng đây là “sự tất yếu của lịch sử”.
   Tôi tin tưởng sâu sắc quan điểm cho rằng tình yêu và cuộc sống “bình thường” như nước với lửa không thể dung hòa chỉ đúng trong nghĩa trừu tượng. Chủ nghĩa tư bản dựa vào nguyên tắc tồn tại và nguyên tắc tình yêu trên thực tế cũng không có cách nào ăn khớp. Nhưng, xuất phát từ những phân tích cụ thể, xã hội hiện đại lại là một hiện tượng vô cùng phức tạp. Ví dụ, một người bán hàng bán ra một sản phẩm vô dụng, nếu như không nói dối, hắn sẽ chẳng bán được gì; nhưng một người thợ thủ công, nhà hóa học hay nhà vật lý vừa có thể là tay cừ trong nghề, nhưng cũng lại là một người trung thực. Bởi vậy, nhiều người có thể dùng phương pháp tương tự để nuôi dưỡng năng lực tình yêu, và không cần phải đồng thời từ bỏ công việc kinh tế của họ. Cho dù chúng ta thừa nhận, nguyên tắc của chủ nghĩa tư bản không thể nhất quán với nguyên tắc của tình yêu, nhưng chúng ta cũng không thể không thừa nhận, bản thân chủ nghĩa tư bản với kết cấu đầy mâu thuẫn và không ngừng thay đổi, từ đó làm cho con người cũng có thể giữ cá tính trong một phạm vi nhất định để không bị đồng hóa và tạo khoảng trống cho hoạt động cá nhân. Xem trạng thái xã hội là nhân tố duy nhất quyết định vận mệnh, bởi vậy đã trốn tránh vấn đề tồn tại của bản thân “lúc này”, đây là lý do nguy hiểm mà tư tưởng “cấp tiến” và số đông sử dụng.
   Tất nhiên tôi không muốn mượn nó để tạo nên ấn tượng như vậy, chúng ta vừa có thể dự đoán, một mặt chế độ xã hội của chúng ta có thể kéo dài vô hạn, đồng thời chúng ta vẫn có thể hy vọng một ngày lý tưởng bác ái sẽ được hiện thực hóa. Người có khả năng yêu trong chế độ hiện tại chỉ là cá biệt, đi vào xã hội phương Tây, tình yêu dĩ nhiên là hiện tượng hiếm gặp. Không chỉ bởi có nhiều hình thức lao động không cho phép mọi người có một thái độ yêu, mà còn bởi xã hội lấy sản xuất và tiêu dùng là chuẩn mực cao nhất, chỉ có những người không cam tâm cá mè một lứa mới có thể có sự kháng cự hữu hiệu. Bởi vậy, với những người xem tình yêu thực sự là vấn đề tồn tại của nhân loại đưa ra đáp án duy nhất và chân thực tất sẽ tìm được kết luận lớn và thay đổi mạnh mẽ đối với kết cấu xã hội hiện tại, chỉ khi đó tình yêu mới trở thành một hiện tượng xã hội, chứ không phải là những hiện tượng cá biệt ít ỏi. Cuốn sách này chỉ ám thị về phương hướng tiến hành thay đổi. Xã hội chúng ta ngày càng bị khống chế bởi tầng lớp quan liêu công nghiệp và chính trị gia chuyên nghiệp. Con người bị thao túng bởi ảnh hưởng truyền thông đại chúng, mục đích của họ là tận lực sản xuất và tận lực tiêu thụ, và coi nó là mục tiêu bản thân. Mọi hoạt động đều thuộc về mục tiêu kinh tế, thủ đoạn trở thành mục tiêu. Người biến thành vật, thành rô bốt tự động: người người đầy đủ dinh dưỡng, ăn mặc tinh tế, nhưng đối với sự phát triển nhân tính của mình và nhiệm vụ mà con người gánh vác lại thiếu sự quan tâm chân chính và sâu sắc. Muốn làm cho con người có khả năng yêu, nhất định phải coi sự phát triển của con người là mục tiêu cao nhất của xã hội. Máy móc kinh tế nên phục vụ con người, chứ không phải ngược lại. Cần phải làm cho con người có khả năng chia sẻ kinh nghiệm lao động, chứ không phải tham gia kiếm lợi (trong xã hội trước mắt, đây vẫn còn là tình trạng tốt nhất). Nên tổ chức xã hội như vậy, làm cho tính hợp quần và bản tính yêu của con người không thoát ly khỏi tồn tại xã hội của nó, và nhất quán với tồn tại xã hội: nên làm cho con người không còn nảy sinh sự dị hóa với sức mạnh của mình và không phải thông qua cách thức sùng bái ngẫu tượng mới – quốc gia, sản xuất, tiêu thụ – thể nghiệm sức mạnh bản thân. Chỉ có một xã hội như vậy, theo như Marx nói, khi sự phát triển toàn diện của cá nhân trở thành điều kiện phát triển toàn diện của mọi người, tình yêu mới trở thành một thái độ xã hội quan trọng. Nếu như – như tôi đã tìm cách chỉ rõ ở trên – tình yêu đúng là câu trả lời duy nhất đối với vấn đề tồn tại của nhân loại làm cho con người cảm thấy thỏa mãn, thì mỗi một xã hội cản trở sự phát triển của tình yêu, cuối cùng đều dẫn tới việc chống lại nhu cầu cơ bản của con người, từ đó đi đến suy vong. Chúng ta nói chuyện tình yêu, không phải “thuyết giáo”, nguyên nhân rất đơn giản, bởi chúng ta nói tới nhu cầu sâu thẳm nhất tồn tại trong bản chất mỗi con người chúng ta. Mặt dù nhu cầu này bị lấn át đi, nhưng không có nghĩa là nó không tồn tại hay không bao giờ quay trở lại. Phân tích bản chất của tình yêu chính là xác nhận việc, ngày nay có rất ít người có khả năng trải nghiệm được tình yêu, nhưng đồng thời lại phê phán điều kiện xã hội gây ra hiện tượng này, tin tưởng tình yêu có thể từ hiện tượng cá biệt hiếm hoi xuất hiện phát triển thành hiện tượng phổ biến, đó là lòng tin hợp lý, lòng tin này trên cơ sở nhận thức đúng bản chất của con người.
 

Vũ Văn Duy dịch từ bản tiếng Trung

Tên tiếng Anh của văn bản: The Art of Love – Erich Fromm

NGHỆ THUẬT YÊU (ERICH FROMM) – CHƯƠNG 2: Tình yêu là câu trả lời cho vấn đề sinh tồn của loài người

   Mỗi lý luận về tình yêu đều phải dựa vào lý luận về con người, lấy sự tồn tại của con người làm tiền đề. Cái mà chúng ta có thể nhìn thấy tình yêu của động vật, hay nói một cách chính xác là cái gì đó gần với tình yêu thể hiện ở loài động vật, chủ yếu là một trong những bản năng của chúng. Trên con người, chúng ta chỉ nhìn thấy chút tàn dư của loại bản năng này.

Vũ Văn Duy

08/06/2018

NGHỆ THUẬT YÊU – ERICH FROMM (6): TÌNH YÊU THƯỢNG ĐẾ

Ở trên chúng ta đã khẳng định, chúng ta theo đuổi tình yêu bởi chúng ta thấy được khoảng cách giữa con người với con người, bởi vậy chúng ta muốn xóa đi khoảng cách này bằng sự gắn kết giữa người với người. Hình thức của tình yêu tôn giáo, tình yêu đối với Thượng đế nhìn từ góc độ tâm lý học không có gì khác, cũng xuất phát từ việc xóa bỏ khoảng cách này, theo đuổi sự thống nhất. Trên thực

Vũ Văn Duy

14/07/2018

NGHỆ THUẬT YÊU – ERICH FROMM (5): YÊU BẢN THÂN

Mọi người coi khái niệm yêu người khác là việc hiển nhiên, cũng thừa nhận nó, nhưng lại thừa nhận phổ biến rằng yêu người khác là một đức hạnh, ngược lại yêu bản thân lại là xấu. Mọi người cho rằng, không thể yêu người khác giống như yêu bản thân mình, bởi vậy yêu bản thân chính là sự tự tư tự lợi. Trong tư tưởng phương Tây, quan điểm này đã tồn tại lâu đời. Calvin (John Calvin, tác giả của Nguyên

Vũ Văn Duy

07/07/2018

Nghệ thuật yêu (Erich Fromm) – Chương 1: Tình yêu có phải là một môn nghệ thuật không?

TÌNH YÊU có phải là một môn nghệ thuật không? Nếu phải, cần nắm bắt được kiến thức về nó và nỗ lực. Hoặc, tình yêu chỉ là một cảm xúc ngẫu nhiên sinh ra làm xao động lòng người, và phải chăng “tiếng sét ái tình” là diễm phúc của kẻ may mắn? Cuốn sách nhỏ này lấy giả thuyết thứ nhất làm cơ sở, trong khi ngày nay, số đông tin vào giả thuyết thứ hai không chút do dự. Phần lớn mọi

Vũ Văn Duy

06/06/2018

NGHỆ THUẬT YÊU – ERICH FROMM (4): ĐỐI TƯỢNG CỦA TÌNH YÊU

Trước tiên, tình yêu không đơn thuần là mối quan hệ với một người nào đó, mà là một thái độ, một khuynh hướng trong tính cách. Thái độ này quyết định mối quan hệ của người đó với thế giới, chứ không chỉ “đối tượng” duy nhất của tình yêu. Nếu một người chỉ yêu đối tượng của anh ta, còn thờ ơ với người khác, tình yêu của anh ta không phải là tình yêu nữa, mà là một mối quan hệ thể

Vũ Văn Duy

25/06/2018