“Ta từng buổi bơ vơ tìm bộ lạc”
(“Người gái thiên nhiên” – Đinh Hùng)
1.
Sâu hun hút giữa đêm trăng, cái mênh mông của ký ức hoang dã trỗi dậy, như một kẻ tâm thần muốn ăn thịt cả nhân loại, nhưng vì không thể, nên chỉ có thể ăn thịt chính mình. Mọi thành phố đều chật hẹp, mọi thành phố đều được cấu trúc bởi những bức tường và những cái lỗ con con chúng ta vẫn gọi là cửa sổ. Chấn song rỉ sét trở nên đẫm máu dưới ánh trăng. Những chấn song cứa vào da thịt tứa máu… còn ta… ta cứ với mãi… với mãi… với lên mặt trăng xa tít tắp…
Chúng ta là tù nhân của thực tại này, bị giam giữ sau những chấn song, những bộ quần áo và thứ đạo đức rởm rít hàng đời được xếp chồng lên nhau (nếu có khác thì cũng chỉ là hình thức). Có lẽ chúng ta đã có thể chấp nhận thực tại nếu cơ thể của chúng ta không có máu. Mặt trăng với từ trường của nó đã hút tất cả phân tử kim loại trong máu người về phía nó, nhưng lực hút của thực tại này đã ngăn trở. Ẩn dấu đâu đó trong chúng ta là một ngọn núi lửa. Dưới biển sâu luôn có những ngọn núi lửa, mỗi khi xảy ra địa chấn, núi lửa phun trào và gây ra sóng thần. Những ngày trăng tròn, núi lửa bên trong cõi vô thẳm của tinh thần lại phun trào, và chúng ta phát điên. Giống như trong truyền thuyết Digan, một người có thể hóa sói vào đêm trăng tròn. Con sói không ăn thịt người, nó chỉ muốn thỏa mãn cơn khát máu. Khi không thể chạm tới mặt trăng, mùi máu và màu đỏ khiến nó cảm giác rằng mình đang thoát khỏi những chấn song. Không thể làm đau chính mình, nó chẳng còn con đường nào khác ngoài giết chóc … và giết chóc hơn nữa.
Trái ngược với nữ thần Selene, nữ thần cai quản Mặt Trăng hiền hòa, một nữ thần khác hiếu chiến và khát máu hơn: Artemis. Nàng là em song sinh của Apollo – vị thần ánh sáng đội vòng nguyệt quế vinh quang. Người Hy Lạp ví Apollo đại diện cho Mặt Trời, còn Artemis, đại diện cho Mặt Trăng. Nàng Seleme cô độc trên cung trăng, chấp nhận định mệnh của mình trong bản thiết kế của vũ trụ. Còn Artemis, nàng rời bỏ định mệnh của mình để lẩn vào giữa loài người. Không chỉ đại diện cho Mặt Trăng, nàng là Nữ Thần Săn Bắn. Thợ Săn có một mối liên hệ không thể lý giải với Mặt Trăng. Ta có thể thấy điều này trong thần thoại Trung Hoa. Hằng Nga, vị nữ thần cai quản Mặt Trăng, là vợ của Hậu Nghệ, chàng Thợ Săn bách phát bách trúng có thể bắn rơi cả chín mặt trời.
Với mục tiêu săn bắn và giết chóc của mình, Thợ Săn không chỉ cần trăng chỉ lối trong rừng thẳm, họ cần ánh trăng khiến cho sóng thần dậy mùi tanh bên trong cõi sâu thẳm của tinh thần. Một khi sóng thần dậy máu, mũi trở nên thính hơn, mắt nhìn được trong đêm đen, tai nghe thấy những tiếng động nhỏ nhất và hơi thở của kẻ thù thậm chí có thể lọt qua lỗ chân lông. Thợ Săn cho rằng mình được phù trợ bởi Nữ Thần Săn Bắn Artemis, và ở Trung Hoa, Thợ Săn đã đặt định mệnh của mình vào tay Mặt Trăng – Hằng Nga. Một điều khó hiểu ở cả Hy Lạp và Trung Hoa, nữ thần Mặt Trăng đều ở trong cả cô độc, để mặc những cơn khát máu hằng đêm dày vò đám Thợ Săn ngớ ngẩn và hiếu chiến. Chúng giết chóc nhau, chúng thiêu trụi cả khu rừng, chúng lang thang trên hoang mạc, chúng nhảy xuống giếng… để có thể chạm tới ánh trăng.
2.
Ở thuở nguyên sơ, khi nền văn minh chưa hình thành, thời loài người vẫn là một phần của thiên nhiên, săn bắn và hái lượm là hai số phận duy nhất của con người. Mạnh mẽ, hiếu chiến, tinh khôn, và dũng cảm: Thợ Săn. Yếu đuối, hiền hòa, cẩn thận, và hèn nhát: Hái Lượm. Với những dấu vết trong thần thoại về các chiến binh Amazon và khả năng săn mồi của sư tử cái, khó có thể khẳng định chắc chắn rằng chỉ có đàn ông thời thượng cổ mới biết săn bắn. Những Thợ Săn, ngày ngày vào rừng săn thú để cung cấp thịt cho cộng đồng. Có những mùa săn thú lớn, các đoàn thợ săn đi sâu vào rừng thẳm, tới những khu vực nguy hiểm nhất, đối mặt với ma quỷ. Các cuộc đi săn này thường không chỉ để cung cấp thịt cho cộng đồng, mà để thỏa mãn nỗi khát thèm máu mà loài thú ăn cỏ không thể tạo ra hưng phấn.
Những người Hái Lượm nhận ra rằng họ không thể phụ thuộc vào đám Thợ Săn đầy thú tính, đêm nào cũng tiếc nhớ một thứ ánh trăng hư ảo. Họ không thể hiểu nổi tại sao lại có những kẻ ngu xuẩn lao mình vào màn đêm và quỷ dữ, và giết chóc, và tắm máu của chính con mồi cũng như đồng đội… Họ không muốn sống trong hang động, không muốn số phận của mình bị thiên nhiên dẫn lối. Nông nghiệp ra đời. Họ tìm mọi cách để rời xa cánh rừng, càng xa càng tốt, men theo những con sông, rồi sau này ra tới biển. Nhiều Thợ Săn đã từ bỏ đời săn bắn của mình để trở thành Nông Dân, một sự tiến hóa của Hái Lượm. Với người Hái Lượm, nông nghiệp là một sự tiến hóa, nhưng với Thợ Săn, đó là sự tụt lùi. Đời sống nông nghiệp khiến họ phải từ bỏ thú tính của mình, đồng nghĩa với nó là từ bỏ khả năng thính nhạy (mà ngôn ngữ hiện nay vẫn gọi là trực giác), từ bỏ sự dũng cảm và niềm vui thích khám phá chạy đuổi theo sự mơ tưởng của ánh trăng.
Chỉ một số ít Thợ Săn không từ bỏ số phận của mình, họ trở thành những kẻ đam mê trong đơn độc. Tách xa khỏi cộng đồng, một phần bị ánh trăng mê hoặc, một phần bị chính cộng đồng bỏ rơi. Thợ Săn sống trong túp lều ven rừng hoặc say khướt trong các quán rượu. Hắn chông chênh ở giữa sự an toàn và mạo hiểm, giữa ổn định và bất định, giữa sự bám víu và từ bỏ, giữa thực tế và những điều huyền bí. Từ vị trí thủ lĩnh của cộng đồng, hắn rơi tụt xuống đáy trong một xã hội nông nghiệp. Gần như vô gia cư, những con thú hắn săn về không thể cho nhiều thịt bằng loài gia súc, và nghèo rớt mồng tơi. Sự cô độc và nghèo đói đẩy hắn gần với ánh trăng hơn, hắn chỉ có hai lựa chọn: hoặc giết chóc nhiều hơn, hoặc tìm mọi cách để đạt được mặt trăng.
Xã hội nông nghiệp cứ thế phát triển lên thành nền văn minh, những ngôi làng trở thành thành thị, rồi thì bỗng nhiên xuất hiện những kẻ giết người hàng loạt. Kẻ giết người hàng loạt là một biểu hiện của Thợ Săn trong xã hội văn minh. Hắn giết người không vì gì cả, chỉ thỏa mãn thú tính. Nếu trong các cuộc Thánh chiến, hay những cuộc chiến vì lá cờ tổ quốc, Thợ Săn tiếp tục được giết người trong danh dự và lý tưởng, thì một khi lý tưởng sụp đổ, chỉ còn mình đối mặt với trăng, hắn lại tiếp tục giết chóc một cách không nguyên cớ. Joker trong bộ truyện tranh “Batman” là một kẻ như vậy. Hắn không thể chịu nổi cái hệ thống nhàm chán của những kẻ hèn nhát tạo nên, hắn phải giết, phải giết… Hắn là kẻ nằm bên ngoài hệ thống, là một quân bài không thể chơi trong bất cứ ván bài nào. Hắn là Thợ Săn. Heath Ledger, nam diễn viên đóng vai Joker trong bộ phim “The dark knight” của đạo diễn Christopher Nolan, đã không thể thoát khỏi ám ảnh này. Heath Ledger không thể thoát khỏi Joker, tâm trí Joker đồng nhất với tâm trí của anh. Anh tìm đến thuốc ngủ để giết chết Joker vào mỗi đêm, nhưng không thể, người chết là anh. Heath Ledger đã nhầm, anh không chạy trốn Joker, anh chạy trốn bản năng Thợ Săn trong mình, chạy trốn những gì mà đời sống văn minh cho là tội ác, là quỷ dữ. Joker đang cười điên loạn trong đêm trăng, cười vào cái chết của Heath Ledger: “Why’s so serious?!” và “Chúng mày sẽ thôi không kiểm tra xem có con quỷ nào dưới gầm giường khi nhận ra rằng chúng nó ở chính bên trong bọn mày”
Đời sống thành thị chỉ là một phiên bản cao hơn của xã hội nông nghiệp. Nông dân và các công dân của nền văn minh không khác nhau về bản chất. Công nhân, lái buôn, bác sĩ, kĩ sư, chính khách… chỉ là các phiên bản của nông dân, những ngôi nhà san sát đều nhau được quy hoạch hợp lý chỉ như những ruộng lúa đều tăm tắp. Họ tìm mọi cách để cải tạo thiên nhiên, thuần hóa các tạo vật của thiên nhiên, buộc phải phục tùng con người, biến chúng thành một cái gì đó khác với bản chất của chúng. Triệt bỏ sự hoang dại của một trật tự tự nhiên để thiết lập chúng vào một khuôn khổ để có thể đóng hộp mọi tồn tại, chúng ta gọi đó là sự tiến bộ. Người nông dân hay các công dân thành thị tạo thành một guồng máy, trong đó, họ phải sản xuất nhiều nữa, nhiều nữa, họ phải mở rộng không ngừng, họ phải mang ánh sáng đến mọi ngõ tối, họ phải thiêu trụi những cánh rừng và đẻ ra đủ loại: tôn giáo, chính trị, giáo dục, đạo đức … chỉ để làm dịu đi ám ảnh của ánh trăng, dập tắt mọi đam mê cuồng vọng ở những tay Thợ Săn đã đầu hàng số phận mà chối bỏ định mệnh của mình… Nếu ở thời nông nghiệp, họ là những con cừu, thì ở thời công nghiệp, họ là những cục pin, như Morpheus nói. Matrix được hình thành kể từ khi con người lựa chọn làm Nông Dân, và Zion là thế giới của những Thợ Săn đã nhận ra số phận.
Trong suốt tiến trình của nhân loại, Thợ Săn đời nào chịu khuất phục. Những cuộc đi săn từ thuở hồng hoang dậy cho Thợ Săn một kỹ năng mà có lẽ đã được cài trong bộ gen: khả năng giả trang. Không thể tiếp cận các con thú nếu không giả mùi của chúng. Khoác trên mình bộ lông, bôi máu của con thú khắp người, họ vẫn là Thợ Săn nhưng con mồi lại tưởng họ là đồng loại. Tình trạng bị gạt ra khỏi đời sống nhân loại không nên tiếp diễn, mặt trăng không cho phép như thế, Artemis không thể chấp nhận, Hằng Nga cũng chẳng đành lòng. Thợ Săn đầu thai vào chốn thành thị, nhưng không từ bỏ ký ức xa xưa với đêm trăng đẫm máu trong rừng. Nếu trở thành kẻ giết người hàng loạt, Thợ Săn có thể sẽ tuyệt chủng. Bởi thế, Thợ Săn ẩn mình trong Những Kẻ Tìm Kiếm.
3.
Con người ưa thích tìm kiếm và thường chẳng bao giờ biết mình muốn tìm kiếm điều gì. Chúng ta không biết rằng tìm kiếm là một thói quen từ thời săn bắn. Không còn những cánh rừng, chúng ta chỉ có thể lần mò trong vô định. Nông dân, hay các công dân thành thị, họ không tìm kiếm. Họ hài lòng với những gì họ có, một mảnh ruộng, một ngôi nhà, sự an toàn, no đủ và hạnh phúc. Thợ Săn tìm kiếm điều khác, họ với tay tới mặt trăng. Tiêu chí của họ không phải an toàn mà là nguy hiểm, không phải no đủ mà là cơn khát máu, không phải hạnh phúc mà là sự thỏa mãn. Thợ Săn không bao giờ hài lòng ở thế giới của Nông Dân, thế nên họ phải tìm kiếm.
Bất cứ thứ gì có thể mượn làm mục tiêu thay thế cho mặt trăng, họ đều vội vàng bám lấy. Khoác áo con buôn, săn tiền. Khoác áo chiến binh, săn kẻ địch. Khoác áo chính trị, săn địa vị tột đỉnh. Khoác áo học giả, săn tri thức. Khoác áo thày tu, săn Thượng Đế. Nhưng đám Thợ Săn giỏi giả mạo này thèm muốn trong sâu thẳm điều khác, họ muốn trút bỏ bộ da thú, trần truồng nhảy xuống dòng suối lóng lánh ánh trăng. Dòng nước trong lành chốn đầu nguồn sẽ gột rửa mùi máu tanh của con mồi. Sự giả mạo này là ô uế, là bẩn thỉu, mọi cái áo đều bẩn thỉu, đều không thuộc về bản chất. Trần truồng để là một phần hoang dã của thiên nhiên. Dưới ánh trăng, bên bờ suối, đá lạnh toát sống lưng, Thợ Săn nam và Thợ Săn nữ làm tình trong cơn điên loạn. Thợ Săn không thể thỏa mãn với Nông Dân, chỉ Thợ Săn mới thỏa mãn cho nhau. Ví như chỉ có Titan mới thỏa mãn được Siren và ngược lại, Titan không thể làm tình với một kẻ tầm thường trong đám đông, còn Siren sẽ nghiến nát sự tầm thường thành tro bụi.
Hóa ra thú tính không phải là tội lỗi, đóng giả mới là tội lỗi. Vì đóng giả tạo ra sự nhơ bẩn. Không còn sự thuần nhất mà là sự pha tạp không tương thích. Mọi sự pha tạp không tương thích đều là cứt cả. Một khi đã là cứt, chỉ còn một lựa chọn: tan hòa vào đất, để mùi hôi thối bay đi, trở thành không là gì cả. Vì đã không thể mãi mãi là SỐ MỘT, nên không còn con đường nào khác ngoài SỐ KHÔNG. Cho đến giờ, vẫn chưa ai tìm được bản chất của SỐ KHÔNG, chỉ biết là mỗi khi nó xuất hiện đằng sau một chữ số nào đó, nó lại làm tăng cấp độ của chữ số ấy. Thế nên, SỐ KHÔNG, vừa không là gì cả, vừa là tất cả. Con đường đi đến SỐ KHÔNG, hoặc trở thành đám đông, thành con cừu, cục pin, hoặc đạt tới vô hạn. Và thế là một số Thợ Săn tưởng mình có sự tỉnh táo hơn tất thảy, quyết định đi tìm sự vô hạn.
Sự vô hạn được tượng trưng bằng Thượng Đế, bằng Chân Lý, bằng Sự Thật. Thật là tuyệt vọng! Một bậc tu hành dành cả đời để nhận biết Thượng Đế và cái nhận được chỉ là ảo ảnh của Thượng Đế phóng chiếu trong tâm trí mình. Một nhà khoa học say sưa đi tìm bản chất thực tại, đi tìm nguyên lý duy nhất chi phối vũ trụ, để rồi nhận ra rằng không có gì là tuyệt đối, không hoàn toàn đúng, chẳng hoàn toàn sai, chẳng có gì là Sự Thật tuyệt đối, là Chân Lý vĩnh hằng. Một nhà thơ đã phải thốt lên: “Không có sự thật, chỉ có những góc nhìn của sự thật” (Allen Ginsberg). Tìm kiếm sự vô hạn là trạng thái gần với cuộc chinh phục trong rừng rậm thời xa xưa nhất. Nơi ấy, Thợ Săn được là chính mình, tha hồ điên rồ, tha hồ chiến đấu, được ở cùng những kẻ giống mình, được trốn thoát khỏi cộng đồng nhàm chán và vặt vãnh của đám người Hái Lượm, được đi vào sự bí ẩn không lời giải, và quan trọng hơn, được một mình với ánh trăng.
Trong số Những Kẻ Tìm Kiếm, chỉ nghệ sĩ dám trực tiếp đối mặt với bản thân. Đương nhiên đó phải là nghệ sĩ đích thực, không phải trò uốn éo bóng lộn để “bán nỗi buồn cho những kẻ thừa vui” (Nguyễn Thế Hoàng Linh). Nghệ sĩ đích thực chắc chắn phải là Thợ Săn, không thể khác được. Nghệ sĩ có một sự thân mật khó hiểu với trăng, và vì thế, họ hoàn toàn cô độc trong thế giới này. Nghệ sĩ không có đời sống của Nông Dân, nếu nghệ sĩ xuất thân từ Nông Dân, ta gọi họ là thợ thủ công. Nghệ sĩ đích thực đi tìm bản thân sự vô hạn, không tô vẽ chúng bằng Thượng Đế hay Chân Lý hay Sự Thật. Ngày qua ngày, họ bóc trần từng lớp vỏ của mình, họ đói khát cảm giác nguyên thủy. Không thể giết con mồi, lại không thể giết người, họ đành giết chính mình. Ban đầu là bộ quần áo, rồi đến lớp da, đến xương thịt, và ngay cả linh hồn họ cũng không ngần ngại bóp chết. Chỉ trở thành hư vô, họ mới có thể là vô hạn, nếu không chỉ là bụi, và bụi thì chính là đám đông cặn bã.
Không thể nhìn đồng bọn của mình tan vào cát bụi, Thợ Săn, bằng ngôn từ, bằng màu sắc, bằng âm nhạc, bằng hình ảnh, bằng hình khối, bằng cả cuộc đời mình kêu gọi sự thức tỉnh. Họ hô hào, họ kích động, thậm chí sỉ nhục:
“Ôi ngơ ngác một lũ người vong bản
Mất tinh thần từ những thuở xa xôi
Ta về đây lạ hết các ngươi rồi
Lạ tình cảm, lạ đời chung, cách sống”
(“Bài ca man rợ” – Đinh Hùng)
Gỉa làm con mồi quá lâu đến nỗi bắt đầu tưởng mình là con mồi. Thợ Săn sau nhiều nghìn năm sinh tồn, đã quên mất bản tính của mình, đồng nhất mình với bộ lông và mùi máu tanh. Có lẽ vì những con suối cũng đã nhiễm bẩn, không còn đủ sức để tẩy rửa đi lớp vỏ ngoài ô uế. Nhiều Thợ Săn hiện đại đã đạt tới cái đích mà những Thợ Săn cổ xưa không làm được, họ đặt chân lên Mặt Trăng. Nhưng trên ấy không có gì cả, nơi đó không có Artemis hay Hằng Nga, họ chỉ thấy mảnh đất cằn cỗi và lồi lõm. Họ bắt đầu nghĩ tới khai thác nguyên liệu và nhiên liệu trên Mặt Trăng. Bản tính là Thợ Săn, nhưng lối suy nghĩ Nông Dân đã ăn quá sâu. Họ chỉ là tên Cuội vì ham mê thuốc trường sinh mà bám theo gốc cây bay lên tận đây. Họ vô cảm hoàn toàn với Mặt Trăng, và khi đạt được lớp vật chất của nó, họ tưởng rằng đã thống lĩnh được nó. Thuốc trường sinh, chẳng khác nào như nguồn năng lượng lâu dài mà các thế lực ở trên thế giới đều muốn chiếm lấy, nhằm duy trì đời sống văn minh của thế giới vốn chỉ được cấu tạo bởi các bức tường.
Cho dù xác nhận nhiều lần rằng Mặt Trăng không có gì cả, nhưng mặt trăng vẫn chi phối chúng ta, giật dây chúng ta bước vào cơn tâm thần. Các nhà khoa học chỉ có thể xác nhận chúng ta bị giật dây bởi Mặt Trăng, còn giật dây như thế nào và để làm gì thì đến giờ vẫn chưa ai có thể giải mã. Các Thợ Săn đã thôi không đi tìm mặt trăng hay sự vô hạn, họ nhận ra rằng sự vô hạn nằm ngay trong chính mình, mặt trăng cũng nằm ngay trong chính mình. Đây là điều các nhà hiền triết Thợ Săn đều cố nói với chúng ta: “Khi bạn đi tìm Thượng Đế, bạn thấy chính mình. Khi bạn tìm chính mình, bạn lại thấy Thượng Đế” (Rumi) Mặt trăng chính là ngọn núi lửa bên dưới đáy hư vô vẫn thỉnh thoảng tạo ra cơn sóng thần đỏ máu. Còn mặt trăng trên trời kia chỉ là dấu hiệu để báo với mặt trăng của cõi tinh thần. Ai có thể tìm thấy mặt trăng bên trong mình, đều chấp thuận định mệnh, trở thành một phần trong bản thiết kế của vũ trụ. Chỉ lúc ấy, Thợ Săn mới thôi kiếm tìm, vứt bỏ cả cung kiếm, vứt bỏ những cái bẫy, vứt bỏ vai trò nguyên thủy của mình, vứt bỏ chính mình. Lúc ấy không còn cơn khát máu, không còn sự khắc kỷ của Artemis cố giữ mãi sự trinh bạch thuần nhất của đám Thợ Săn ngạo mạn và thú tính. Thợ Săn đã đi một chặng đường dài để tìm thấy mặt trăng đích thực: Săn Bắn – Say Máu – Chinh Phục – Tìm Kiếm Vô Cùng – SỐ KHÔNG. Nhưng Thợ Săn không thể đi tắt, bản tính hăng máu không cho phép họ nhận ra nếu chưa thể tuyệt vọng trước mọi tham vọng của bản thân.
Nông Dân không thể trải qua chặng đường này, chính xác thì họ không thể trở thành SỐ KHÔNG. Họ giữ mãi sự an toàn, chuyển từ ruộng đồng vào thành thị, họ có nhu cầu lao động không ngừng, phải sản xuất nhiều hơn nữa, tài sản phải lớn hơn nữa, phải tư hữu nhiều hơn nữa. Họ cũng không có ý định thành SỐ KHÔNG, vì SỐ KHÔNG tức là bị đạp xuống đáy của cái Matrix do họ tạo nên. Họ tạo ra mọi loại cuộc chiến vô nghĩa: Thánh chiến, chiến đấu vì lý tưởng tự do – độc lập, chiến đấu để bảo vệ quyền được là các cục pin trong bộ máy vĩ đại của xã hội… Thợ Săn tham gia vào các cuộc chiến đó để thỏa mãn thú tính, còn Nông Dân tham gia có mục đích, họ muốn chiếm được nhiều đất hơn, cướp được nhiều tiền hơn, hiếp được nhiều đàn bà hơn với hi vọng nòi giống của mình sẽ truyền lại mãi mãi trên mặt đất.
Con đường trở thành SỐ KHÔNG còn xa quá… Trước khi là SỐ KHÔNG, mọi Thợ Săn đều bất đắc ý. Đừng mất công khuyên họ vừa lòng với những gì đang có, đừng khuyên họ an trú trong hiện tại, đừng nói nhảm về điều thiện. Mặt trăng không để họ yên đâu. Nếu cứ lải nhải những điều không đâu, trong một cơn tâm thần nào đó vào ngày trăng máu, họ có thể thiêu rụi cả thế giới. Hãy để mặc họ vui chơi, sẽ không tổn hại đến ai cả. Họ chỉ đang cố khỏa lấp cái khoảng cách không thể đo đếm giữa họ và mặt trăng:
“Dục thướng thanh thiên lãm minh nguyệt.
Trừu đao đoạn thuỷ thuỷ cánh lưu,
Cử bôi tiêu sầu sầu cánh sầu.
Nhân sinh tại thế bất xứng ý,
Minh triêu tán phát lộng biên chu.”
(Tuyên Châu Tạ Diễu lâu tống biệt hữu thư thúc Vân – Lý Bạch)
Dịch nghĩa:
“Muốn lên trời xanh xem vầng nguyệt
Rút đao chém nước, nước càng chảy mạnh
Nâng chén tiêu sầu, sầu càng sầu
Người sinh ở đời không như ý
Mai đây xõa tóc cưỡi thuyền chơi”
Cuộc chơi ấy chính là những giấc ngủ. Trong giấc ngủ, nữ thần mặt trăng Selene xuất hiện. Thợ Săn trong cuộc đời xã hội, chính là chàng Endymion. Để giữ mãi vẻ đẹp của chàng, Selene đã để chàng chìm đắm vào giấc ngủ vĩnh cửu. Chỉ trong giấc ngủ, Thợ Săn mới thức dậy trong đúng thực tại của mình: ngồi dưới sương đêm lạnh buốt của núi rừng, tiếng côn trùng rỉ rả xen giữa tiếng các loài động vật ăn đêm, kẻ ngồi vót tên, kẻ lau vệt máu khô đọng trên dao, kẻ bện thừng làm bẫy. Khi ánh trăng chiếu xuyên qua tán lá, đoàn Thợ Săn cùng cất tiếng hát trầm hùng, lẩn khuất vào vách đá, vang vọng giữa màn sương mờ ảo của cõi mơ… Không! Không phải cõi mơ! Đó là ký ức của một tiền kiếp xa xôi nào đó, chỉ cần nhớ lại nó, chúng ta đã bắt đầu bước trên con đường tìm kiếm mặt trăng ở chốn sâu thẳm nhất của tinh thần.
Hà Thủy Nguyên
Hay.
Chỉ có Hà Thuỷ Nguyên mới viết được thế này.
Cs. Minh Đạt
hay quá.
hay
sẽ có rất nhiều người đọc xong bài này sẽ nghĩ ngay đi tìm ánh trăng và tìm cái bản tính thợ Săn nằm sâu thẳm trong tâm hồn mình! Nhưng hãy dừng lại suy ngẫm xem việc làm vậy có ích chi! Đây chỉ bài viết còn mang tính giải trí cho người ta đi lên mây cùng với trí tưởng tượng phong phú thôi. Cái thực là bạn đó!
tuan_nr Thế giới này đang quá thiếu tính giải trí